CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 7 tháng 3, 2022

TỐI LEO LÊN GIƯỜNG, NẰM NGHE CẢI LƯƠNG"

 

Sáng ăn cơm sườn.
Chiều ăn nước tương.
Tối leo lên giường
nằm nghe cải lương
(Chế lời bài Beautiful Sunday)
 
Thập niên 60 - 70, Sài Gòn là nơi tập trung của các Đại Bang Đệ Nhất Cải Lương. Từ nơi trung tâm phồn hoa đô hội cho tới khu lao động nghèo cứ thấy chổ nào dựng rạp hoặc xe ngựa chở các nghệ sĩ đi quảng cáo với đủ màu sắc tiếng chống khua đều kích thích lũ trẻ con chạy theo coi mặt nghệ sỹ tối nào cũng kín rạp từ lớp bình dân cho tới trí thức đều háo hức chờ xem kéo màn.

 Nhà nào giàu có dàn AKAI hay máy hát đĩa than thì số zách, chân lắc lư theo lời ca, điệu hát. Lúc gặp giọng xuống xề nghe quá đã thì lấy tay búng cái tróc hoặc đập cái bốp vào đùi la lên: Hay! Chừng ngó vô lòng bàn tay là nguyên con muỗi chết nằm trong đó!
 
Cũng chẳng biết bài vè này có khi nào, có lẽ vì tình yêu mến các thần tượng của mình lúc đó. Đi đâu ai cũng đọc nhất là lũ trẻ chúng tôi hồi đó (xin lỗi các nghệ sỹ trước):
"Út Bạch Lan đi lang thang, gặp Thanh Sang đi ba bước, gặp Hữu Phước băng qua đường, gặp Hùng Cường bị xe đụng, gặp Minh Phụng nằm nhà thương, gặp Minh Vương ăn cháo huyết, gặp Bạch Tuyết bán sương sâm, gặp Tùng Lâm hát xiệc, gặp Thanh Việt đang cạo râu, gặp Mỹ Châu đánh má hồng, gặp Thanh Tòng trốn quân dịch..."
 
Cải lương lúc đó cũng bị canh tranh bởi phìm tàu nhiều lắm nên hàng loạt các tuồng hương xưa nổi tiếng ra đời để kéo thính giả (Mắt em là bể hoang cừu, Kiếm sĩ dơi, Xin một lần yêu nhau, Kiếp nào có yêu nhau, Đêm lạnh chùa hoang, Máu nhuộm sân chùa. Mùa xuân trên Bạch Mã Sơn, Tâm sự loài chim biển...).
 

Trẻ con chen theo đuôi người lớn vào xem cọp. Lác mắt với màn đu dây tiếng kiếm xoèn xoẹt và giọng xuống xề mùi mẫn của Lệ Thủy, nên bà con đi xem tới "mút mùa Lệ Thủy". Bây giờ dầu cải lương đang đi xuống nhưng người Sài Gòn xưa vẫn khoái xem nếu có vở tuồng hay.
 
Sau 1975 đến cuối thập niên 80, ở miền nam, hầu như nhà nào cũng đều có ít nhất một vài cuốn băng cassette cải lương trong nhà. Nghe đi nghe lại đến nỗi thuộc lòng.
 
Cải lương khi đó không chỉ là món ăn tinh thần, giúp mọi người thư giãn sau một ngày làm việc. Những câu ca lời hát mang triết lý nhẹ nhàng mà sâu sắc đôi khi còn mang sứ mệnh giáo dục nhân cách cộng đồng, giúp con người ta sống hướng thiện hơn.
“Trời đất quỷ thần thiên địa ơi, thứ quỷ ma gì đâu mà ác gì ác dữ”… Đó là một trong những câu chửi gần như “mặc định” của bà nội tôi khi nghe mấy tuồng cải lương trong đó có đoạn bà dì ghẻ ra sức hành hạ con chồng. Phải nói là: mười lần như một. Nội tôi “nhập vai” còn hơn mấy cô chú nghệ sĩ trong tuồng.
 
Đặc biệt nhất là khi nội nghe mấy tuồng cải lương nói về mẹ chồng cay nghiệt với nàng dâu thì coi như cả gia đình mười mấy người cùng được nghe bà chửi “phong long” từ đầu chí cuối.
Có điều, không biết có phải vì thấm ý từ mấy tuồng cải lương đó hay không mà bà không hề khó mắc với các nàng dâu (trong đó có má tôi), mặc dù thời của má và bà, quan niệm về phận làm dâu cũng còn nặng nề, câu nệ lắm.
 
Một người để lại cho tôi ấn tượng đặc biệt không kém là chị Hạnh hàng xóm. Nhà gần nên hồi nhỏ tôi hay chạy qua nhà ngoại chơi. Khác với bà nội, bà ngoại tôi là fan ruột của tuồng Chuyện tình Lan và Điệp.
Không có cassette nên chị Hạnh hay qua nhà ngoại tôi nghe ké. Lần nào nghe đến khúc Lan khóc vì nỗi hờn tủi đớn đau khi hay tin người thương sắp cưới vợ là người con gái khác, chị Hạnh cũng khóc sướt mướt như chính mình bị phụ tình vậy. Khi tấn bi kịch tình yêu kết thúc cũng là lúc chị lếch thếch đi về với hai con mắt sưng chùm bụp. Tôi hay canh me lúc chị khóc để chọc cho chị vừa khóc vừa cười… coi chơi!
 
Điều đặc biệt mà tôi nhận ra ở những khán giả ngày xưa của Chuyện tình Lan và Điệp là: niềm thương cảm dành cho hai nhân vật chính lấn át cả nỗi ghét bỏ dành cho “kẻ cướp chồng”. Có đau khổ oán hờn nhưng tuyệt nhiên không có chuyện đánh ghen, trả thù, rửa hận.
 
Câu chuyện liên quan đến cải lương khác tôi được nghe từ một người bạn thân thiết. Tên của anh được cha đặt theo tên một nhân vật cải lương trong tuồng Chiều đông gió lạnh về. Đó là một nhân vật bất hạnh, suốt đời sống trong khó nghèo, đau khổ nhưng luôn là người chánh trực và cao thượng.
Sinh thời, ông từng tiết lộ lý do đặt tên con trai, đó là: ông thấy hoàn cảnh khó nghèo, côi cút của mình rất giống nhân vật, nên thương. Ông thấy được tấm lòng cao thượng và chánh trực của nhân vật, nên phục.
Ông muốn con trai mai sau nhớ về cuộc sống cơ cực của cha mà phấn đấu. Ông mong con trai trở thành người như nhân vật - chánh trực và cao thượng - những giá trị của một đấng nam nhi mà ông lấy làm chuẩn mực để dạy con.
 
Bây giờ, khi đọc những tin tức mẹ tưới xăng đốt con, nữ sinh xé áo bạn đánh ghen, chàng trai đâm chết người yêu vì bị phụ tình, vợ đâm chồng, cha giết con rồi tự tử… tôi lại nghĩ đến những con người xưa cũ xung quanh mình hồi đó.
Sao hồi xưa nhiều người có thể sống hồn nhiên, dạt dào cảm xúc, chân thành, hướng thiện, hiền lương, cao thượng và dễ thương đến như vậy?
Phải chăng, vì tâm hồn họ được dưỡng nuôi từ nhỏ bằng những món ăn tinh thần thanh sạch, nhẹ nhàng, gần gũi mà sâu sắc, nhân văn, dễ đi vào lòng người? Và dường như trong cuộc sống riêng, họ cũng có khuynh hướng hành xử hướng thiện, theo những nhân vật cải lương mà họ ngưỡng mộ.
 
Tôi tự hỏi, tôi và những người trẻ ngày nay đang nghe gì, đọc gì, nuôi dưỡng tâm hồn mình bằng những gì mà sao cuộc sống bây giờ luôn thường trực nỗi bất an?
Không biết người Sài Gòn bây giờ, còn có mấy ai còn thích xem, nghe hát cải lương?
 
                                                                            (FB Lê Văn Thông)
 
Nguồn:
https://www.facebook.com/361844974344954/posts/983129828883129/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét