CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2019

TÌM MÃI MÙA XUÂN NĂM CŨ - Thơ Trần Mai Ngân


    


TÌM MÃI MÙA XUÂN NĂM CŨ

Hôm nay mặc lại chiếc áo cũ
Chiếc áo hẹn hò đầu tiên - anh
Em nhớ trưa ấy trời rất xanh
Và em biết chênh chao hồi hộp...

Mình gặp nhau nồng nàn choáng ngộp
Nếm vị yêu trăn trở từ lâu
Có ngọt ngào cả lẫn sầu đau
Bởi vĩnh viễn chúng mình không thể ...

Miết chặt đê mê dù biết thế
Kề sát nhau trượt vận chia xa
Chiếc cúc áo rơi phía góc nhà
Gian phòng đó chiều qua hối hả

Mây ngoài kia treo tình nghiêng ngã
Che nơi này trú ẩn trong nhau
Lặng im nghe tiếng gió thì thào
Trời xanh lắm dường đang vào hạ

Đời không giữ... ta thành xa lạ
Đầy phong ba hai ngã mình đi
Anh phương trời... em cánh chim Di
Để tìm mãi mùa xuân năm cũ...

                     Trần Mai Ngân


                        15-5-2019

Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2019

ĐỔI LẤY NHÂN BẢN BA MIỀN - Thamduong Thi Tập vàThi Hữu



     



ĐỔI LẤY NHÂN BẢN BA MIỀN

Bữa rượu nồng cay đắng biển chiều
Nhớ người chăn gối mộng cô liêu
Ái ân vừa chớm đành hai ngã
Tình nghĩa đương xanh tiếc một điều
Đầu súng khôn che đầu súng khổ
Những lần sinh tử những lần yêu
Giã từ vũ khí là nhân bản
Chiến địa hoài công đánh dẫu nhiều

Thamduong Thi Tập
30 04 2019

Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2019

KHUNG TRỜI KỶ NIỆM - Đức Hạnh và Thi Hữu


   


Gió trổi mùa sang đẩy Hạ về
Thơ chào bút vẫy thỏa lòng mê...


KHUNG TRỜI KỶ NIỆM
“Ngũ độ thanh”

Phượng vĩ mùa sang nở tứ bề
Khung trời kỷ niệm thắm làng quê
Ngôi trường bạn hữu còn thương nhớ
Lớp học thầy cô mãi tưởng về…
Cánh mộng ngày xanh tình vẫn trổ
Trưa hè suối Hạ cảnh nồng mê…
Trang đời ấp ủ bao hoài vọng
Bến đỗ thuyền yêu tỏ cận kề…

Đức Hạnh
02 04 2019

BÀI HỌA:

SÓNG LÒNG
“Nđt, Bvđâ

Giữa cả mùa đông cứ bộn bề
Êm đềm vẽ cảnh một chiều quê
Màu hoa vẫn đượm theo lời kể
Nốt nhạc còn say gởi bữa về
Ngẫm phút mong chàng tim nhỏ lệ
Câu từ đọng nét ngả niềm mê
Người quên tiếng hẹn hay là trễ?
Dội sóng thuyền trôi mãi chẳng kề.

Trần Hằng Nga
02 04 2019

Thứ Năm, 28 tháng 3, 2019

HƯƠNG LÒNG – Đức Hạnh và Thi Hữu


   


HƯƠNG LÒNG
“Tung hoành trục khoán”

“Đất khách muôn trùng sao nhỏ hẹp
Quê nhà một góc nhớ mênh mông…”

ĐẤT Nam kỷ niệm…trỗi hương lòng
KHÁCH ở phương trời dẫu hóa long
MUÔN nẻo xuân về thêm ước vọng
TRÙNG khơi én luyện tỏ hoài mong
SAO đành biến chuyển chao nền móng
NHỎ bé tồn vong thỏa núi sông
HẸP thả thuyền tình ra biển rộng
QUÊ NHÀ MỘT GÓC NHỚ MÊNG MÔNG.

Đức Hạnh
24 03 2019


BÀI HỌA:

NHỚ

“Thtk”
ĐẤT này chữ ét (S) tựa mình long
KHÁCH đã nhiều phen mộng gửi lòng
QUÊ dạt dào đưa ngàn cánh sóng
NGƯỜI thơ thẩn ngắm một triền sông
THÊM mùa trải đượm từng cung bổng
VẮNG những hoa vàng để dạ mong
QUẠNH quẽ chờ ai hờn tủi bóng
ĐƯỜNG TRẦN XỨ BẠN NHỚ MÊNH MÔNG

Trần Hằng Nga
24 03 2019

Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2019

THÁNG BA LỖI HẸN - Thơ Trần Mai Ngân


   
                                  Nhà thơ Trần Mai Ngân


THÁNG BA LỖI HẸN

Hít hà... tháng Ba đánh rơi hò hẹn
Em quay lưng cúi mặt nói... đừng anh...
Hôm ấy trời chẳng xanh đâu... mưa giông
Từ chối anh, em bão tố trong lòng...

Hít hà tháng Ba nắng hanh vàng cháy
Đốt rụi tình nhen nhúm đã từng lâu
Từ chối anh em giấu biệt nỗi sầu
Cay mi mắt lòng đau ai thấu tỏ

Hít hà tháng Ba cung đường bỏ ngỏ
Em giận hờn không duy chỉ mình em
Chất ngất này em sẽ mãi lặng im
Đâu cần nói nghĩa là yêu đã hết

Hít hà tháng Ba ngọt ngào mỏi mệt
Em không cần vì đã hoá hư vô
Chuyện xưa nay em chôn lấp vào mồ
Hương và khói bay lên lời ly biệt !

                             Trần Mai Ngân
                                 18-3-2019

“SAY ĐI EM”, MỘT BÀI THƠ “TỚI BẾN” – Phạm Đức Nhì


     
                                      Thi sĩ Vũ Hoàng Chương

     
          “SAY ĐI EM”, MỘT BÀI THƠ “TỚI BẾN” 
                                                          Phạm Đức Nhì

Tôi không nhớ đã “quen biết” bài thơ Say Đi Em của Vũ Hoàng Chương ở đâu và khi nào. Nhưng trong danh sách những bài thơ hay để giới thiệu với độc giả thì nó đứng đầu. Đọc để cảm thì sao cũng được – đó là “cái riêng” của mỗi người khi đọc thơ, những người khác ít ai dám xía vào. Nhưng bình thơ thì phải có khen chê - phải có một quan niệm về thơ để làm chỗ dựa cho sự khen chê đó. Mỗi lời khen, tiếng chê - ngoại trừ cái hay, dở của ngôn ngữ thơ - đều phải có lập luận để giải thích, và nếu bị phản bác, để bảo vệ nó.

Thứ Hai, 18 tháng 3, 2019

NỖI NIỀM NGƯỜI ĐÁNH TRANH, DI DÂN QUẢNG TRỊ SAU 1975 - Đinh Hoa Lư


        
                         Tác giả Đinh Hoa Lư


   NỖI NIỀM NGƯỜI ĐÁNH TRANH, DI DÂN QUẢNG TRỊ 
                                                                                    Đinh Hoa Lư

Xưa Công chúa Huyền Trân hi sinh thân ngọc để đổi hai châu Ô và Rý cho người Quảng Trị hiện nay thì từ cái năm máu lửa 1972 con cháu người Quảng Trị lại tiến sâu hơn nữa. Bình Tuy những mật khu, những rừng gỗ quý ken dày, sức người làm không xuể, biển cả đầy ắp cá đang chờ sức người Quảng Trị vào khai hoang lập ấp:

“Gánh cực mà đổ lên non
Còng lưng mà chạy cực còn chạy theo”

1975 hòa bình rồi, thống nhất rồi; thế mà người di dân Quảng Trị vẫn không thoát khỏi cái “số cực”. Rừng đốn hết, nào củi, nào than, tất cả cho cái bao tử. “Miệng ăn núi lở”, thế là ba cái rẫy bạc màu lần hồi không còn lợi tức! Miệng ăn càng sinh sôi, nảy nở càng đông, rừng đốt làm than dần hồi cũng hết. Thế là vài năm sau 1975 lại tiếp tục di dân theo kiểu đi “kinh tế mới” vào tận miền nam lục tỉnh Bạc Liêu, Rạch Giá, Long Xuyên, Cần Thơ nhất là Bạc Liêu. Nhưng đâu có yên, bà con Quảng Trị sống không quen kiểu “ướt át vùng sông nước” như dân lục tỉnh, nên cũng lại phải tứ tán lần nữa? Rõ ràng, số khổ nó vẫn theo bước chân “giang hồ” người dân xứ Quảng?

Thứ Năm, 14 tháng 3, 2019

NGƯỜI ĐÀN ÔNG Ở MIỀN NAM VIỆT NAM CÓ ĐỘC CHIÊU TRỐN LÍNH: ĐOÀN THI BẰNG - Võ Cẩm


         
                   Hai ông Đoàn Thi Bằng và Võ Cẩm


NGƯỜI ĐÀN ÔNG Ở MIỀN NAM VIỆT NAM CÓ ĐỘC CHIÊU TRỐN LÍNH: ĐOÀN THI BẰNG.

Ông Đoàn thi Bằng sinh ra và lớn lên tại Làng Đâu Kênh, xã Triệu Long, huyện Triệu phong, tỉnh Quảng Trị, trong một gia đình trung lưu. Ông sinh năm 1936, bạn với thầy dạy triết Lê mậu Tâm, Lê mậu Thống, cậu ruột của Hồ sĩ Đoàn, thầy dạy Lê mậu Duy ở trường Trung Học Tư thục Chân Lý, Bố Liêu, dạy chung với chú của Cao thị Thanh Nhàn, thầy Cao hữu Lượng, thầy Lê mậu Tuân. Thời gian đi học tôi được ông truyền cho nhiều “độc chiêu giải toán”.
Làng Đâu Kênh tôi có 5 Họ: Võ, Đoàn, Lê, Đỗ, Nguyễn.
Họ Võ có Tiến Sĩ Võ đầu tiên Việt Nam : Võ Văn Lương.
Họ Đoàn hay Đoạn có nhiều người lý luận sâu sắc không kém gì luật sư. Dân làng tôi nắm lòng câu.“Cung họ Đoạn quan họ Võ”. (Cung: thầy cung, dù không học luật). Ông Đoàn thi Bằng sinh ra trong gia đình có truyền thống ấy.
Vào thời Nhà Nguyễn, làng tôi có nhiều quan Võ được Triều đình tiến công và ra lệnh lập miếu thờ ơ quê nhà. Sáu miếu, thờ 6 vị quan Võ “Trung Đẳng Thần” mà có đến 3 vị là người họ Võ làng tôi.
Thời Đệ nhất Cộng hòa, chiến tranh lan rộng, thanh niên phải đi quân dịch (nghĩa vụ quân sự). Ngay thời gian đó ông đã nghĩ tới cách trốn quân dịch. Ông thêm chữ lót để biến mình thành con gái là “Đoàn Thi Bằng” (Con gái không đi lính)Khi lật đến tên ông, Phòng Quân vụ Tỉnh Quảng Trị tưởng là Đoàn thị Bằng nên xếp qua, không lập lệnh gọi nhập ngũ. Những năm chiến tranh xảy ra khắp nơi. Lệnh động viên toàn lực, các quan chức, thầy giáo Tiểu, Trung và Đại học phải vào trại nhập ngũ, tùy thuộc vào bằng cấp, tôi cũng xếp bút vào trường SQ Trừ Bị Thủ Đức 1966. Những ngày tháng cam go như thế mà ông Đoàn thi Bằng vẫn lọt sổ. Nghe đâu, khi biết ông là nam nhân thì đã ngoài tuổi quân dịch. (Ông Hồ Sĩ Cơ, ba Hồ sĩ Trân đã biết, khuyến cáo và đành bỏ qua).
Đoàn thi Bằng rất giỏi toán, khi chưa đậu Tú tài bán phần (tú tài 1) ông đã dạy kèm giải toán thi tú tài toàn phần (tú tài 2), học trò ông phần lớn đỗ đạt. Sau này ông từng làm Hiệu trưởng Trung Học Bồ Đề. Sau 1975 ông là thầy dạy toán cấp 3 nay về hưu, hiện ở tại Đà Nẵng. Vợ ông là học trò của ông cùng thời với tôi.
Vốn có dòng máu lý luận sắc bén, ông nghiên cứu, đọc nhiều sách luật nên trở nên một Luật gia nổi tiếng, ông tham gia tư vấn nhiều vụ kiện thành công ở Đà Nẵng, Quảng Trị và tận Sài Gòn.
Khi về Đà Nẵng lúc nào tôi cũng ghé thăm, Ông kể cho tôi nhiều vụ kiện mà ông tham gia tranh tụng.
Dù tuổi lớn nhưng ông rất minh mẫn, kiến thức đầy ắp trong đầu. Có nhiều lần tôi suýt trễ chuyến bay vì những câu chuyện hấp dẫn.

                                                                          Đà Nẵng,15/3/2019 
                                                                                Võ Văn Cẩm                                                                                                        

Thứ Hai, 11 tháng 3, 2019

CÂU ĐỐI TẾT XƯA VÀ NAY - La Thụy sưu tầm và biên tập


              
                                   La Thụy


           CÂU ĐỐI TẾT XƯA VÀ NAY
                        La Thụy sưu tầm và biên tập

    Tiêu đề của bài viết là CÂU ĐỐI TẾT nhưng hình minh họa đầu tiên không phải là câu đối và cũng không đề cập gì đến Tết. Hơn nữa, hình thức trình bày lại bất cân phương như dạng thơ lục bát. Vâng, đó chính là hai câu : Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận. Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” trích trong bài thi kệ “Cáo Tật thị chúng” của Mãn Giác Thiền sư. Tuy không phải là câu đối nhưng chữ thư pháp quá đẹp. Hơn nữa ý thiền tràn ngập, hương xuân thơm ngát nên tôi đưa lên trên các câu đối khác.

           
             Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
             Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
                          (Mãn Giác thiền sư)


                       

                     Nguyễn Tôn Nhan 
                       (1948 - 2011)


      


   


  


  


  


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


                            Lộc tiến vinh hoa gia đường thịnh
                            Phúc sinh phú quý tử tôn vinh

Ở câu đối này, chữ PHÚ () trong vế đối thứ hai (phía trái), người viết thư pháp viết nhầm thành chữ PHÚC ()
Không những chỉ riêng câu đối này, một số câu đối khác cũng không được chuẩn lắm.

Ví dụ câu đối: “Xuân tha hương sầu thương về QUÊ mẹ / Tết xa nhà buồn bã nhớ QUÊ cha”, bị lặp từ QUÊ và cùng thanh bằng trong mỗi vế. Nếu chỉnh lại ĐẤT MẸ thì đối chuẩn hơn.
Hoặc câu: “Niên hữu tứ thời xuân VI thủ / Nhân sinh bách hạnh hiếu VI tiên”. Câu đối gốc vốn là "xuân TẠI thủ"
Nhìn chung, ngoài những câu đối của các nhà nho, nhà thơ nổi tiếng, vẫn còn một số câu đối còn chưa chỉnh về từ loại, về ý, về thanh, … tôi sưu tầm và tải lên để thư giản trong những ngày cuối năm. Chúc quý bạn có nhiều niềm vui nhé!

                                                           La Thụy sưu tầm và biên tập

Thứ Sáu, 8 tháng 3, 2019

KIẾP NÀY CÓ YÊU NHAU - Thơ La Thụy


        


       KIẾP NÀY CÓ YÊU NHAU

       Luân hồi xin hẹn đến mai sau                      
       Tình cũ người ơi vẫn đượm màu            
       Thuở ấy ai thề chung bóng với              
       Giờ đây ta nghẹn lẻ hình nhau                
       Ươm hồng kỷ niệm bao xuân mộng              
       Dệt biếc tâm tư mấy hạ sầu                      
       Lỗi ước nghìn thu - xin chớ nhé!        
       Tái sinh toàn vẹn ước mơ đầu

                                   LA THUỴ

HỒI ỨC MIÊN MAN - Đoàn Minh Phú


   

       Mùa hè đỏ lửa năm 1972, chiến tranh tàn phá Quảng Trị. Theo dòng người tản cư vào Đà Nẵng, trường Nguyễn Hoàng tiếp tục hoạt động với 2 phân hiệu : một ở trại Hoà Khánh, một ở trại 5 Non Nước (các trại tản cư của người tị nạn Quảng Trị). Lớp 10A3 chúng tôi thuộc phân hiệu đặt tại trại 5 Non Nước (Hoà Long, Hoà Vang, Đà Nẵng). Trại 5 Non Nước vốn là căn cứ quân sự cũ, một phi trường bị bỏ hoang do lính Mỹ giao lại. Trường Nguyễn Hoàng lúc đó gồm vài dãy nhà bán kiên cố, vách ván, mái tôn khá rộng rãi, nhưng trống hoang trống huếch. Quý thầy cô phải cố gắng mới ngăn tạm các phòng học bằng những tấm “gót” tre, hở trên, trống dưới, các bạn nghịch ngợm có thể chui lòn qua các lớp bạn một cách dễ dàng. Trường chỉ trang bị cho các phòng học bảng lớp và một số bàn học sinh, không có các băng ghế. Học sinh đi học phải mang theo ghế đẩu từ nhà đến trường mới có chỗ ngồi. Vì các phòng học chỉ ngăn tạm bằng gót tre nên không có sự cách âm tối thiểu nào. Đang giờ học sử địa, nhưng tiếng giảng bài của thầy lý hoá, của cô Việt văn, thầy toán… của các lớp chung quanh vẫn nghe rõ mồn một. Ngược lại, lớp này phát âm đồng thanh tiếng Anh (hoặc tiếng Pháp) thì các lớp gần cạnh chỉ việc nín khe, nếu không muốn đọc phụ hoạ theo. Giờ học luôn có sự “hoà âm” bất đắc dĩ như thế. Cuộc sống tạm bợ trong trại tạm cư cũng bất ổn. Những điều này ảnh hưởng nhiều đến chất lượng dạy và học của thầy trò trường Nguyễn Hoàng lúc đó, nhưng không làm vơi đi sự tận tâm của quý thầy cô cũng như tinh thần hiếu học của học sinh trường Nguyễn Hoàng. Chính những hình ảnh ngộ nghĩnh ấy lại là hồi ức sâu đậm cho tôi, dù gần 40 năm đã trôi qua


Thứ Tư, 6 tháng 3, 2019

NIỆM - Thơ Đoàn Anh Kiệt


    
                   Tác giả Đoàn Anh Kiệt



         NIỆM      

Chia tay ừ nhỉ chia tay thật      
Sỏi đá vô tình đâu biết đau      
Ngất ngưởng ta thành tên "phá chấp"      
Phá xong lại... chấp hết sự đời      

Tam độc nuốt hoài sao vẫn đắng      
Tham - Sân ta bỏ đã từ lâu      
Chữ Si từ độ em rời bước      
Đọc kinh ta niệm một chữ sầu     

Ma ha bát nhã em còn nhớ     
Sao đi vô lượng bỏ từ bi?    
Buồn tình ta niệm câu "trì chú"      
Rủa người quên hết chuyện năm xưa      

Quá khứ Nhiên Đăng chẳng nói gì      
Niêm hoa vi tiếu Thích Ca im    
Tương lai Di Lặc cười rung rốn      
Ta đành tính chuyện... niệm Nam mô      

Nam mô Tiếp Dẫn... chưa dẫn lối      
Nam mô cuộc đời ta hành giả      
Nam mô tháng ngày còn bối rối      
Nam mô tình cũ! Nam mô... em

                          Đoàn Anh Kiệt
                              (04/2015)      

Chú thích:    
  
1.Tam độc: Gồm 3 tư tưởng Tham sân si (tham lam, giận dữ, mê đắm)      
2.Ma ha bát nhã: Nguyên nghĩa là trí huệ rộng lớn vô cùng, ý chỉ kinh Bát Nhã, nhưng về sau thành 1 câu niệm thường thấy... trong phim      
3. Trì chú: Ý nói tu tập lâu dài, ở đây "chơi chữ" vì chú tiếng Hán Việt còn có nghĩa là... nguyền rủa.       
4. Nhiên Đăng, Thích Ca và Di Lặc là thụ tam thế Phật, lần lượt là quá khứ chi phật, hiện tại chi phật và vị lai chi phật.   5. Niêm hoa vi tiếu: Vịn hoa mỉm cười, trích trong phần Thích Ca trả lời môn đệ "Phật là gì?"      
6. Từ bi: Từ là yêu mến, bi là đau xót.      
7. Tiếp Dẫn là Tây phương chi phật trong hoành tam thế Phật.      
8. Nam mô có nghĩa là dựa vào      
9. Mấy cái chú thích ở trên là... nói lụi theo trí nhớ, nên tốt nhất đừng có tin.

NHƯ GIẤC MƠ THÔI - Nhân Chứng, Thu Tuyết

       HÔM NAY LÀ NGÀY LỄ TRO CỦA THIÊN CHÚA GIÁO  
          (TRÙNG VỚI NGÀY 1 THÁNG 2 NĂM KỶ HỢI 2019...)                               


 

Nhạc phẩm Như Giấc Mơ Thôi của tác giả Nhân Chứng, làm tôi chạnh nhớ đứa con trai đã đột ngột đi về miền miên viễn khi tuổi đời ba mươi đang còn xanh thắm cách đây ba năm.


               Nhạc và lời: Nhân Chứng.
               Trình bày: Thu Tuyết.
               Video clip: Phú Đoàn.

Mùa Chay  của Thiên Chúa Giáo được khởi đầu bằng nghi thức xức tro trên đầu. Linh mục đọc "Hỡi người hãy nhớ mình là tro bụi và sẽ trở về bụi tro” và xức tro trên trán tín hữu. Nghi thức xức tro bắt nguồn từ truyền thống xa xưa của dân Do Thái. Trong Cựu Ước, mỗi khi muốn tỏ lòng ăn năn hối cải, người Do Thái thường xức tro lên đầu, ngồi trên đống tro và mặc áo vải thô hoặc xé áo ra. Việc xức tro và xé áo trước hết nói lên sự buồn phiền đau đớn vì đã phạm nhiều tội lỗi. Việc xức tro và xé áo cũng làm cho tội nhân ý thức thân phận con người bọt bèo, cuộc đời mau chóng tàn phai như giấc mộng. Đời người như một nắm tro bụi, chỉ một làn gió nhẹ thoảng qua đủ xoá sạch vết tích.

Nhạc phẩm Cát Bụi cũng được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lấy nguồn cảm hứng từ sách Sáng Thế: Thiên Chúa dùng bùn đất tạo dựng Ađam. Sau khi Ađam phạm tội bất phục tùng,Thiên Chúa phạt ông và con cháu sẽ trở về với cát bụi. (x. St 1,26-3,24).
................................
Vừa post bài này vào buổi sáng 8/3/2015 lên trang blog web Bâng Khuâng, thì gần 12 giờ khuya cùng ngày, mình đột ngột nhận hung tin: Ông anh rể (chồng chị ruột của mình) vừa qua đời vì tai nạn giao thông (chỉ cách nhà anh ấy ở Tánh Linh - Bình Thuận chưa đầy 200m). Mới cười nói sang sảng cùng thân hữu chiều ngày 8/3/2015, bỗng chốc anh biến thành người thiên cổ ngay trong  tối khuya hôm đó, chết gần nhà nhưng không có một người thân bên cạnh (do hay tin quá muộn). Ôi! CÁT BỤI phận người!!!                                                                                                                                                                                                                                                                                                              La Thụy                                                                         

Thứ Ba, 5 tháng 3, 2019

CHÙM THƠ TÂM NHIÊN


  
             Tâm Nhiên qua nét vẽ của Trịnh Tài


GIỮA HOANG VẮNG TỊCH LIÊU

Đến Hàm Tân vòng lên Sông Phan đó
Qua dốc đồi là tới Thiền viện đây
Trúc Lâm Chánh Thiện nằm cô tịch
Giữa rừng hoang rú dại khuất xa này

Dừng vó ngựa lúc trưa vàng nắng lượn
Vườn thanh long đầy hoa trái đung đưa
Suối hát chim ca hòa hợp tấu
Bản Chơn Không Diệu Hữu tối thượng thừa

Lời vô thanh mà nghe nhiều diệu dụng
Tỏa ra từ nguyên khí của gia phong
Vân Thủy Thiền Tâm ngồi thưởng thức
Cung đàn ngân Bất nhị thẳm sâu lòng

Lòng như nước ngược xuôi chi cũng được
Buông hết rồi hư vọng những khen chê
Khi vầng trăng chiếu ồ cảm ngộ
Thấy bản lai diện mục vẫn cận kề

THAO THIẾT MỘT MÙI HƯƠNG - Thơ Lê Văn Trung


         


THAO THIẾT MỘT MÙI HƯƠNG
(Trích thơ của Ngói)

Em có về nghe lời thầm thỉ
Của trăng mười sáu buổi giêng hồng
Vườn tôi hôm ấy nghìn hoa nở
Hoa nhớ em bừng ngát sắc hương

Em có nghe gió réo nhạc vàng
Gió từ vô tận đêm liên hoan
Gió say nhịp bước tình luân vũ
Gió nhớ em, gió thổi rộn ràng

Em có nghe ríu rít lời vui
Của chú chim non, vút tận trời
Tiếng reo làm vỡ làn mây biếc
Nỗi nhớ làm tan màu nắng phai

Em có nghe, rất nhẹ, nỗi buồn
Rơi xuống vàng ươm lời nhớ nhung
Hoa rụng trong tôi từng cánh nhỏ
Nhớ em thao thiết một mùi hương.

                               Lê Văn Trung

RU TÔI... - Thơ Trần Mai Ngân


        


RU TÔI...

À ơi... à hỡi... à ơi...
Tôi ru tôi giữa muôn đời thinh không
À ơi... à hỡi... mênh mông
Đêm vây, đêm bủa sắc không quấn tròn

À ơi... à hỡi... mỏi mòn
Quên quên, nhớ nhớ vẫn còn cột nhau
À ơi... à hỡi... nỗi đau
Vấn duyên se chỉ thắt vào đôi ta

À ơi... một cuộc ta bà
Giật mình chưa ngủ... thoắt là hôm qua !

                                      Trần Mai Ngân
                                           3-3-2019