CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 31 tháng 8, 2022

VỀ MỘT QUÃNG ĐỜI TRỊNH CÔNG SƠN (Kỳ 9) - Nguyễn Thanh Ty

 
Tác giả bài viết Nguyễn Thanh Ty
 
Vẫn Ông Già Thống:
 
Nếu cứ trưa thứ sáu Sơn "dọt", sáng thứ hai về thì cuộc đời rất phẳng lặng không có gì để nói. Đằng này Sơn không có thói quen đều đặn về giờ giấc. Thời gian của Sơn chậm lại, có khi trễ từ 24 tiếng đến 48 tiếng đồng hồ mỗi tuần là thường. Cứ mỗi lần trễ như vậy, tôi lại nghe tiếng xe gắn máy cũ kỹ của ông già Thống chạy xành xạch vô ngõ. Những bận như thế, sau khi ca cẩm, than thở một lúc, ông lại nhờ tôi nói hộ với thầy Sơn, đừng đi lâu quá, khổ cho thân già ông. 

Có lần tôi phát cáu, gắt lại ông:
- Bác Thống này! Bác nhờ tôi nói hộ. Tôi đã nói với ông Sơn y như lời bác. Cớ sao khi gặp ông Sơn bác lại bảo không có gì, chuyện nhỏ mà! Thầy có công việc cứ đi, để lớp tôi trông cho. Ông Sơn lại cự nự tôi cho tôi đặt chuyện.
 
Đang lúc bực, tôi tuôn một hơi dài. Nhưng khi nhìn cái miệng méo xệch bị trúng phong từ lâu thành tật của ông cố phân bua:
- Thầy nghĩ xem! Ông ấy là "sếp" của tôi mà! Khó cho tôi nói quá!
Lòng tôi lại chùng xuống, bất nhẫn với mình, và cảm thông cho ông.
 
Dạo gần nghỉ hè niên khóa 1965, Sơn ở luôn trên Đà Lạt hơn một tháng. Ông Thống kham hết nổi. Con ngựa già "đã mỏi vó trên đồi quê hương" buộc lòng ông phải đến Ty báo cáo sự vắng mặt cuả ông sếp mình. Ông Lê Cao Lợi phải điện một công văn khẩn nhờ đài phát thanh Đà Lạt thông báo cho Sơn về nhiệm sở gấp. Hạn cho một tuần, kể từ ngày loan báo, nếu không trình diện coi như đào nhiệm.
 

THỰC NGHIỆM BẮN NỎ THẦN: TÌM VỀ TRUYỀN THUYẾT ĐỂ MINH CHỨNG LỊCH SỬ OAI HÙNG - Quốc Phong, Thái An, Đức Yên

 Đánh giá kết quả thực nghiệm bắn nỏ Liên Châu tại khu di tích Cổ Loa, các nhà khoa học, tướng lĩnh quân đội cơ bản cho rằng đây là công trình nghiên cứu có hiệu quả, nỏ bắn được nhiều mũi tên, có tầm xa và độ sát thương…
 
Chuẩn bị bắn nỏ Liên Châu lần 2 tại khu di tích Cổ Loa

Để giải mã bí mật chế tạo nỏ thần thời kỳ An Dương Vương, kỹ sư Vũ Đình Thanh (tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật quân sự, CH Tiệp Khắc cũ, hiện làm việc tại cơ quan Nghiên cứu phát triển Almaz trong Tổ hợp Almaz Antey thuộc LB Nga) đã nghiên cứu mô hình nỏ bắn được nhiều mũi tên mỗi lượt.
 
Để khẳng định thêm những kết quả trong nghiên cứu, mới đây, kỹ sư Vũ Đình Thanh đã phối hợp với Hội Sử học Hà Nội, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, Ban quản lý khu di tích Cổ Loa) tổ chức thực nghiệm bắn nỏ lần 2.
 

MỘT THỬ NGHIỆM VỀ BÌNH THƠ - Nguyên Lạc

 
Tác giả bài viết Nguyên Lạc    
 
Lời nói đầu:

Đây chỉ là vài ý nghĩ sơ sài về cách bình một bài thơ theo quan điểm cá nhân, do vì chủ quan nên chắc có nhiều thiếu sót, có gì bỏ quá cho. Mong độc giả tìm thấy được một vài điều bổ ích, bằng không, xem như "Lời quê góp nhặt dông dài/ Mua vui cũng được một vài trống canh" - Trân trọng.
 

Thứ Hai, 29 tháng 8, 2022

KHÚC NIỆM MÙA NGÂU, GỌI THÁNG NĂM XƯA – Thơ Tịnh Bình


   
                   Nhà thơ Tịnh Bình


KHÚC NIỆM MÙA NGÂU
 
Giọt ngâu hay tiếng thở dài
Mưa gieo man mác lay phay mảnh buồn
Sớm mai cuối xuống hoàng hôn
Cánh chim về tổ bồn chồn niềm chi
 
Miền thương riêng trái tim ghi
Nhớ làn tóc xõa xuân thì mùa trăng
Biếc xanh búp nắng trong ngần
Sen tơ lá nõn bâng khuâng mái đầu
 
Bây giờ xưa cũ về đâu
Vọng nghe mưa rắc thềm ngâu lặng thầm
Tưởng tình xa lắc mười năm
Khói sương biền biệt xa xăm chẳng về
 
Giọt dài giọt vắn tỉ tê
Tàn cơn mưa khóc gọi về nắng mai
Mùa chơm chớm ngọn heo may
Dư âm xưa cũ
cho ngày xanh rêu...
 

NHƯ XONG, LÁ PHONG, NGUYÊN THỦY – Thơ Chu Vương Miện


   


NHƯ XONG
 
thế thì cứ kể như xong?
năm canh sáu khắc chả mong chả chờ
trên bàn toàn những quân cờ
con thắng ở lại con chờ qua sông?
củi khô theo nước chia dòng
nước trôi vật vã thuyền không không chèo?
người về ta vẫn tỉnh queo
thuyền không bánh lái lộn lèo lăn quay
trường giang một mặt nước đầy
người đi kẻ lại chiều nay lên đường?
một đường tìm laị cố hương
một đường nhìn mỏi bóng chim dáng cò
đại giang vốn lụy phà đò
cầu phao tấp nập kẻ cho kẻ mời
sự đời cũng chỉ thế thôi
trầu cay nhổ xuống nước trôi lạnh lùng
theo em lạc tuốt lên rừng?
khi không thành một người dưng bến bờ
chờ em từ sang tờ mờ
đến khi trăng giãi còn mơ còn mòng
thế thì cũng kể như xong?
 

Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2022

CHÚT TẢN MẠN VỀ CÁC ĐOẢN VĂN “TỰU TRƯỜNG” CỦA ANATLOLE FRANCE, “TÔI ĐI HỌC” CỦA THANH TỊNH VÀ “CẢM THU” CỦA ĐINH HÙNG - La Thụy


      


Ngày khai trường với kỷ niệm mơn man làm tôi nhớ đoản văn LA RENTRE'E DES CLASSES (TỰU TRƯỜNG) của nhà văn Anatole France - trích từ quyển “Le Livre de mon ami” (Cuốn Sách Của Bạn Tôi). Đoản văn TỰU TRƯỜNG của nhà văn Anatole France có ảnh hưởng lớn tới tâm hồn nhà văn Thanh Tịnh, khi ông viết truyện ngắn TÔI ĐI HỌC. Hình ảnh chú bé A. France trong ngày tựu trường khơi dậy những tình cảm trong sáng, bỡ ngỡ và êm ái của tuổi thơ. Bởi hơn đâu hết, chính những thầy giáo vỡ lòng, thông qua trang hồi kí tuyệt vời ấy, đã đánh thức ở họ những xúc cảm đầu đời: niềm đam mê học hành và tình yêu văn chương nghệ thuật.

VỀ BÀI THƠ "TIẾNG THU" CỦA LƯU TRỌNG LƯ – Nguyên Lạc



 Sự thật về bài thơ “nổi tiếng” của Lưu Trọng Lư đã được nhà văn Nguyễn Vỹ “nói đến” từ lâu. Đây là bài viết của Nguyễn Vỹ (1912 – 1971) về bài thơ Tiếng Thu:
 
[Trích đoạn]
Có một lần ở tại nhà trọ của Lư phố Hàm Long tôi cười hỏi Lưu Trọng Lư:
- Lư ơi, bài thơ TIẾNG THU có phải thật của cậu không?
Có Nguyễn Xuân Huy ngồi đấy, Lư “cười như nắc nẻ”:
- Thằng này mơ mộng thật! Mi tưởng bài đó của Thế Lữ à?
- Thế Lữ làm gì nổi một bài thơ như thế. Nhưng tao có đọc một bài thơ của một thi sĩ Nhật Bản, giống hệt bài thơ của mày, và bài thơ Nhật cũng tựa đề là TIẾNG THU.
Lưu Trọng Lư ngó Xuân Huy:
– Huy, mầy thấy thằng Vỹ nó điên không?
Huy bảo tôi:
- Mày muốn chép, tao đọc cho chép. Đây là một bài TANKA nổi tiếng:
 
Oku yama ni
Momoji fumi wake
Naku shika no
Koe kiku toki zo
Aki wa kanashiki
 
Tác giả là Sarumaru, thế kỉ VIII.
Bài thơ này, Michel Revon có dịch ra Pháp văn trong quyển Anthologie des poètes japonais – (Ed. Hachette):
 
Combien triste est l’automne
Quand j’entends la voix
Du cerf qui brame
En foulant et dispersant les feuuilles des érables
Dans les profondeurs de la Montagne.
 
Karl Petit, trong quyển La poésie japonaise (Ed. Seghers) lại dịch đảo ngược lại, nhưng đúng theo nguyên văn bài thơ Nhật:
 
Aux profondeurs de la Montagne
Ecartant et foulant les feuilles d’érable
Le cerf brame
Et à l’entendre ainsi,
Ah! que l’automne m’est lourdement triste!
 
dịch đúng nghĩa ra Việt-văn:
 
Trong núi rừng sâu
Ta nghe tiếng xào-xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô
Ôi buồn làm sao!
 
Bài Tiếng thu của Lưu Trọng Lư!

………..
Em không nghe mùa thu
Lá thu kêu xào-xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô.
 
Lưu Trọng Lư cãi liền:
– Bài của tao còn đoạn trên:

…………
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô-phụ.
 
Tôi cười:
– Cậu làm bài thơ này hồi năm nào?
– Mới đây.
– Mới đây, và mấy năm nay trong nước mình làm gì có chiến tranh, có “kẻ chinh phu” có “người cô-phụ”? Tôi cho rằng cậu ghép thêm ba bốn câu đó vào bài thơ của Saramaru để thay đối đôi chút, nhưng cậu lấy trọn vẹn bản chính của Saramaru.
Lưu Trọng Lư không cãi nữa, nhưng Nguyễn Xuân Huy cười:
– Kết luận: les grands esprits se rencontrent! (Những trí óc vĩ đại thường gặp nhau!)
Lưu Trọng Lư cũng biết rằng Lư nổi tiếng là nhờ bài này, nên anh lấy tựa đề bài thơ TIẾNG THU làm nhan đề cho quyển thơ của anh
Nhân vụ này, tôi cũng cho Lưu Trọng Lư và Nguyễn Xuân Huy biết là câu thơ:
 
Yêu là chết trong lòng một tí
của Xuân Diệu, là lấy nguyên vẹn câu của nhà văn Pháp Roland Dorgelès đề trên trang đầu quyển phóng sự hồi kí “Sur la route mandarine”:
 
Partir c’est mourir un peu
(đi, là chết trong lòng một tý).
 
chỉ đổi động từ PARTIR thành YÊU mà thôi.
 
Cũng như tất cả những truyện ngắn của Đoàn Phú Tứ trong tập truyện “Những bức thư tình”, đều dịch ra từ các truyện của các nhà văn Pháp: Jules Renard, Courteline, P. Benoit, Secha Guitry.
Đoàn Phú Tứ dịch hẳn ra Việt-văn, chứ không phải phóng tác, hay “phỏng dịch”, mà anh ta lờ luôn “xuất xứ”, tự đề tên tác giả là Đoàn Phú Tứ.
 
Cũng hôm ấy, Nguyễn Xuân Huy và Lưu Trọng Lư bảo tôi viết một bài trong Hà-Nội báo, phê bình tập truyện của Đoàn Phú Tứ, với câu kết luận là “trả lại César cái gì của César”. Bài đó có đăng hai trang Hà-Nội báo của Lê tràng Kiều.
 
[Hết trích]

(Nguyễn Vỹ -Văn thi sĩ tiền chiến. NXB Khai Trí-1970, trang 108 – 113)
 


BÀI THƠ TANKA CỦA SARUMARU TAIFU
 
Về bài thơ “Tiếng Thu” của Sarumaru Taifu, hay Sarumaru Dayu (猿丸大夫)
 
奥山に
紅葉踏みわけ
鳴く鹿の
声きく時ぞ
秋はかなしき
 
Nguyên tác và dịch nghĩa:
 
Okuyama ni (Trong núi sâu)
Momiji fumiwake (Đạp lên lá phong đỏ rẽ lối đi)
Nakushikano (Của nai kêu)
Koe kiku toki zo (Chính là khi nghe tiếng)
Aki ga kanashiki (Mùa thu buồn làm sao)
 
Dịch ra Anh văn
 
In the deep mountains
making a path
through the fallen leaves,
the plaintive belling of the stag
how forlorn the autumn feels.
 
(Trong núi sâu
tạo một con đường
qua những chiếc lá rơi,
sự than trách của con nai
mùa thu buồn làm sao!)
 
……………….
 
Đây là nguồn bài thơ cổ Tanka, viết năm 893, được cho là của Sarumaru Taifu, also called Sarumaru Dayu (猿丸大夫)
https://historyofjapan.co.uk/wiki/sarumaru-taifu/
 
NHÀ THƠ TRẦN ĐĂNG KHOA LÊN TIẾNG VỀ BÀI CỦA NGUYỄN VỸ
 
Dưới đây là trích đoạn bài viết bênh vực Lưu Trọng Lư của nhà thơ Trần Đăng Khoa:
 
[Trích đoạn]
 
Thật là oan cho Lưu Trọng Lư. Ông đã mất lâu rồi, nên không thể thanh minh được.
………

Cái hay của Tiếng thu, tôi đã bàn trong bài viết Lưu Trọng Lư và bài thơ Tiếng thu rồi. Ở đây, xin phép không nói lại. Ta chỉ lưu tâm đến cái nghi án của bài thơ này thôi. Có thật Lưu Trọng Lư sao chép bài thơ đó của Nhật Bản không?
 
Người đầu tiên vu cho Lưu Trọng Lư cái việc làm rất không lấy gì làm đẹp này là ông Nguyễn Vỹ trong cuốn Văn thi sĩ tiền chiến. Cứ như ông Nguyễn Vỹ thì Tiếng thu chính là bài Tanka của thi sĩ Nhật Bản nổi tiếng Sarumaru ở thế kỉ VIII. Nguyên văn bài Tanka thế này:
 
Oku yama ni
Monoji fumi wake
Naku shika no
Koe kiku zo
Aki wa kanashiki
 
Cũng theo ông Nguyễn Vỹ, bài thơ nổi tiếng này đã được hai nhà thơ Pháp dịch sang tiếng Pháp. Bản của nhà thơ Michen Revon in trong cuốn Anthologie des poètes japonais – (Ed. Hachette), nguyên văn như sau:
 
Combien triste est l’ automme
Quand j’ entends la voix
Du serf qui brame
En foulant et dispersant les feuilles des érables
Dans les profondeurs de la Montagne
 
(Mùa thu buồn làm sao
Khi tôi nghe tiếng
Của con hươu đực thé lên
(rền rĩ, kêu trong mùa giao phối)
Trong những nơi sâu thẳm của núi).
 
Bản dịch thứ hai là của nhà thơ Karl Petit, in trong cuốn La poésie japonaise (Ed. Seghers), mà theo ông Nguyễn Vỹ là Karl Petit đã dịch đảo ngược, nhưng lại đúng với nguyên văn bản tiếng Nhật:
 
Aux profondeus de la Montagne
Ecartant et foulant les feuilles des érables
Le cerf brame
Et à l’entendre ainsi
Ah! que l’ automne m’ est
lourdement triste!
 
(Ở những nơi sâu thẳm của núi
Làm tung toé và dẫm lên những chiếc lá thích
Con hươu đực thé lên (rền rĩ, kêu trong mùa giao phối)
Và nghe thấy điều đó như thế
Chao ôi, mùa thu với tôi buồn nặng trĩu).
 
Còn bài Tiếng thu của Lưu Trọng Lư thì nguyên văn như thế này:
 
Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ.
 
Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô.
 
Tất cả là như vậy đấy. Mới hay Tiếng thu của Lưu Trọng Lư và Tanka của nhà thơ Nhật Bản Sarumaru là hai tác phẩm hoàn toàn khác nhau. Chúng chẳng có họ hàng gì với nhau cả. Vậy mà suốt nửa thế kỉ nay, người ta cứ a dua nhau, người nọ nói theo người kia, cho rằng Lưu Trọng Lư đã sao chép của nước ngoài. Cái nghi án văn chương rất oan khuất ấy cứ bám riết lấy Lưu Trọng Lư, cho cả đến khi ông đã nằm dưới ba thước đất. Đó là một điều rất đỗi đau xót. Người khảo sát văn bản này, một nhà thơ trẻ biết tiếng Pháp không dám tin ở khả năng ngoại ngữ của mình, đã tìm đến nhà thơ Tế Hanh nhờ thẩm định lại. Tế Hanh là một thi sĩ tài đức, người rất giỏi tiếng Pháp, ông đã dịch nhiều thơ thế giới qua tiếng Pháp, cũng là người cùng thời với Lưu Trọng Lư. Tế Hanh đã kinh ngạc kêu lên: “Ô lạ nhỉ. Bài thơ này chẳng có gì liên quan đến Tiếng thu. Sao lại đổ vấy cho anh Lư đạo thơ?”.
 
Sở dĩ có nghi án ấy, là vì Nguyễn Vỹ. Sau khi phê phán Lưu Trọng Lư lấy thơ Nhật Bản, Nguyễn Vỹ đã đưa ra bằng cớ là bản dịch của mình, nhưng thực ra, Nguyễn Vỹ đâu có dịch, ông lấy luôn bài thơ Lưu Trọng Lư tráo vào rồi kêu ầm lên là bắt được kẻ gian. Những người nhẹ dạ, u mê tin theo thì chúng ta chả trách làm gì, nhưng những nhà thơ nổi tiếng từng giỏi tiếng Pháp, những nhà phê bình nghiên cứu có tiếng là uyên thâm, cũng tin theo, rồi lẵng nhẵng nói theo, mà cứ nói đi nói lại mãi. Đấy mới thực sự là chuyện lạ ở thời đại trí tuệ bùng nổ thông tin này…

[Hết trích]
[Trần Đăng Khoa -VH&TT, số tháng 7+8+9 (241+242+243), 2011]
…………….

Nguồn:
https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0EHbBEdG7cxJ2MTaVmxfqhbp1n4iNQdFpyL9EcxLKw6XPMkiHQgmoLMvQ4T6cWTAAl&id=100009457401127
 
Bài thơ cổ Tanka của Sarumaru Taifu, ngoài Michel Revon và Karl Petitdịch ra Pháp văn và bản dịch Anh văn ở trên cũng được ông Vương Trung Hiếu Việt dịch là:
 
“Mùa thu buồn nhất
Xào xạc qua lá
và đi một mình
vào sâu trong núi,
Tôi nghe tiếng con nai cô đơn đang kêu gọi bạn tình”.
 
 Không biết ông Vương Trung Hiếu dịch câu “Tôi nghe tiếng con nai cô đơn đang kêu gọi bạn tình” từ câu thơ nào của bài tanka?
 
Đây là bài viết của Thái Hạo dẫn lời ông Vương Trung Hiếu về bài thơ “Tiếng thu”:

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02UB1feNcXPvdhT3hAVGzW2E2bQQkPFXyNB3knQaRpeGTzQG71bHktv18PZUHudysAl&id=100059910855657
 

GS NGUYỄN HỮU SƠN GÓP LỜI VỀ BÀI THƠ TIẾNG THU
 
Ghi thêm lời của GS Nguyễn Hữu Sơn ra đây cho đầy đủ:
 
Xin xem Kiều Thanh Quế, “Thi sĩ Lưu Trọng Lư với Tiếng thu”, Tri tân tạp chí, Hà Nội, số 138, tháng 4 -1944, tr. 5+16 -17. In lại trong Tạp chí Tri tân (1941-1945) – Phê bình văn học (Trịnh Bá Đĩnh – Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm, biên soạn), Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 1999, tr.196 – 202…
 Trong phần mở đầu, Kiều Thanh Quế tán đồng các ý kiến của Trần Thanh Mại, Nguyễn Vỹ và đi đến xác quyết thơ Lưu Trọng Lư “bao giờ cũng chỉ biết chú trọng có âm thanh và nhạc điệu” gắn với các thuộc tính “Khi thì nỉ non…”, “Khi thì lẳng lơ…”, “Khi thì sang sảng như tiếng hát đò đưa…”, “Khi thì buồn bã lạ…”, “Khi thì ai oán não nùng, đầy vơi niềm trắc ẩn, tràn ngập lòng xót thương”:
“Nhưng du dương nhứt, réo rắt nhứt và tượng trưng nhứt, có lẽ là khúc “Tiếng thu” tuyệt vời:
 
Em không nghe mùa thu
dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực
hình ảnh kẻ chinh phu
trong lòng người cô phụ?
 
Em không nghe rừng thu,
lá thu kêu xào xạc,
con nai vàng ngơ ngác
đạp trên là vàng khô?…
 
Giá trị của bài “Tiếng thu” này là ngoài việc phá được một âm thanh du dương, một nhạc điệu réo rắt, còn tượng trưng một bức họa chấm phá: một bức thủy mặc Tàu, hay một tấm Kakemono Nhựt cũng nên!
Một tấm Kakemono Nhựt thì có lẽ đúng hơn! Vì tôi đã may mắn tìm ra được một tấm tranh Nhựt có những nét chấm phá hệt như bức họa “Tiếng thu” của Lưu Trọng Lư. Xin trình bày dưới đây, để tặng thi sĩ họ Lưu và để hiến tất cả độc giả từng nâng niu tập thơ “Tiếng thu”:
 
(1) Oku – yama ni
(2) Momiji fumi wake
(3) Naku shika no
(4) Koe kiku tokizo
(5) Aki ga kanashiki!
 
Bài thơ Nhựt ấy, tôi bất tài, không thể dịch y nguyên tác ra quốc văn nổi. Còn thoát ý nó, lại là việc thừa. Vì trước tôi, Lưu Trọng Lư đã thoát ý nó, viết nên bài Tiếng thu rồi.
Vậy để làm quà cho những bạn đọc hiếu kỳ, tôi chỉ xin chép hai bản Pháp văn của bài thơ Nhựt ấy:
 
Bản Pháp văn I:
 
(1) Au coeur de la montagne,
(2) Foulant l’erable qu’il écarte,
(3) la cerf gémit:
(4) Et à l’écouter, jamais
(5) L’automne ne m’a pesé plus triste!
 
Bản Pháp văn II:
 
(5) Combien triste est l’automne
(4) Quand fentends la voix
(3) Du cerf qui brame
(2) En foulant et dispersant les feuilles des érables
(1) Dans les profondeurs de la montagne!”
 
Tuy nhiên, Kiều Thanh Quế không cho biết xuất xứ. Nay xin nói thêm, bài thơ này từng được dẫn với đầy đủ nguyên bản tiếng Nhật, phiên âm, dịch nghĩa và dịch thơ trong tập Le problème de la poésie Japonaise, Paris, 1938; tr. 38 – 39. [Tư liệu do cố Nguyễn Hữu Đang (1913 – 2007) cung cấp cho chúng tôi vào năm 1994 – NHS]… Qua trường hợp này, có thể thấy Lưu Trọng Lư đã có sự gặp gỡ, tương đồng trong sáng tạo hoặc cũng có thể chịu ảnh hưởng, tiếp thu bài thơ Nhật và “thoát ý nó”.
 Tuy nhiên, đây hoàn toàn không phải là bản dịch thuần túy. Có thể khẳng định Lưu Trọng Lư đã tiếp nhận tứ thơ và sáng tạo lại, chuyển hóa thành chín câu với ba phân đoạn, kết thúc mỗi phân đoạn là một câu hỏi, tạo nên một tác phẩm thi ca giàu hình ảnh, nhạc điệu và man mác chất trữ tình…
(Nguyễn Hữu Sơn – Viện Văn học – 22 tháng 8, 2022)
 
LỜI KẾT
 
Qua các phần trên, tác giả bài viết chỉ đưa ra các sự kiện mà mình biết được: Có phía chống, có phía bênh, tác giả không có ý kiến. Tuy nhiên, có 2 điều này:
 
1. Ông Trần Đăng Khoa nói: “Thật là oan cho Lưu Trọng Lư. Ông đã mất lâu rồi, nên không thể thanh minh được”.
Ông Lưu Trọng Lư vẫn “tại thế” khi trò chuyện với ông Nguyễn Vỹ, sao ông ta không thanh minh?
 
Trong trích đoạn bài viết “Văn thi sĩ tiền chiến” trên, có đoạn:
 
“Tôi cười:
 Cậu làm bài thơ này hồi năm nào?
 Mới đây.
 Mới đây, và mấy năm nay trong nước mình làm gì có chiến tranh, có “kẻ chinh phu” có “người cô-phụ”? Tôi cho rằng cậu ghép thêm ba bốn câu đó vào bài thơ của Saramaru để thay đối đôi chút, nhưng cậu lấy trọn vẹn bản chính của Saramaru.
Lưu Trọng Lư không cãi nữa, nhưng Nguyễn Xuân Huy cười:
 Kết luận: les grands esprits se rencontrent! (Những trí óc vĩ đại thường gặp nhau!)”
 
2. Chủ quan, tôi nghĩ rằng: muốn bênh bài Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư thì phải dịch bài thơ Tanka của Sarumaru Taifu sao cho khác xa bài thơ này.
Theo tôi được biết:
 Le cerf (F) = The stag (E) = Con hươu/nai (không xác định rõ đực cái). Les feuilles des érables = lá phong.
 Và nên chỉ chú trọng vào nguyên tác của bài Tanka:

Okuyama ni (Trong núi sâu)
Momiji fumiwake (Đạp lên lá phong đỏ rẽ lối đi)
Nakushikano (Của nai kêu)
Koe kiku toki zo (Chính là khi nghe tiếng)
Aki ga kanashiki (Mùa thu buồn làm sao)
 
Trong câu nguyên tác này: Nakushikano/ Koe kiku toki zo, tiếng Anh dịch “the plaintive belling of the stag” (sự than trách của con nai)
 Ở bài viết của Trần Đăng Khoa, có người dịch từ 2 bản dịch Pháp văn:
 “Du serf qui brame” là: Của con hươu “đực” thé lên (rền rĩ, kêu trong mùa giao phối)
 “Le cerf brame” là: hươu “đực” thé lên (rền rĩ, kêu trong mùa giao phối)
 
Tùy độc giả phán đoán.
 
                                                                                     Nguyên Lạc

BÓNG GIÀ 1, 2 – Thơ Lê Kim Thượng


   
BÓNG GIÀ 1 - 2
 
1.
Quê hương xa cách bao năm
Hồn Quê theo bóng trăng rằm về đây…
Lũy tre xanh lá ken dầy
Chở che hương đất lên đầy tình quê
Nhớ vườn cây trái sum sê
Tiếng chim gáy gụ gọi về xa xăm
Hương đồng, gió nội thắm đằm
Võng đưa kẽo kẹt, người nằm thong dong
Cánh đồng mùa vụ gặt xong
Vũng bùn vừa cạn mùi nồng gió Tây
Sân phơi thóc mới cuối ngày
Kĩu cà, kĩu kịt gánh đầy hương thơm
Dậy mùi khói khét rạ rơm
Quyện lên mái rạ, bữa cơm, tiếng cười
Thương nhau chín bỏ làm mười
Thảo thơm tình đất, tình người khắc ghi
Nghe trong lời đất thầm thì
Mầm xanh ấp ủ, xanh rì mai sau
Dù cho thương hải, biển dâu
Nhớ sao cái thuở cháo rau… mà tình…

Thứ Ba, 23 tháng 8, 2022

NHÌN LẠI LỊCH SỬ BÁCH VIỆT VÀ QUÁ TRÌNH HÁN HÓA BÁCH VIỆT - Trần Gia Ninh


Tượng Thừa tướng Nam Việt Lữ Gia ở Linh Tiên Đạo Quán, Hoài Đức, HN.
 
Khi đọc những câu hỏi “Vì sao đã thống trị Việt Nam hơn ngàn năm mà cuối cùng Trung Quốc vẫn không thể đồng hóa Việt Nam?”. Hoặc “Người Việt Nam (tộc người Kinh) vì sao mà khó đồng hóa như vậy?” (1), nhiều người nghĩ chắc là ý kiến của những anh chàng người Việt nặng đầu óc dân tộc chủ nghĩa. Nhưng thật bất ngờ, những câu hỏi này và tương tự như vậy hiện là những chủ đề nóng của các diễn đàn tranh luận trên mạng Internet của người Trung Hoa, bằng tiếng Trung chứ không phải của người Việt.
 

RÃ ĐÔNG THỊT BẰNG CÁCH NÀY, THỊT SẼ MỀM TƯƠI TRONG NĂM PHÚT – Minh Hoa




Nhiều người có thói quen trữ đông thịt ăn dần để không phải đi chợ nhiều lần. Vậy làm thế nào để rã đông thịt an toàn và nhanh chóng?
Hầu như hiện tại các gia đình đều trữ đông thịt trong ngăn đá tủ lạnh để ăn dần. Khi cần chế biến, chỉ cần mang thịt ra rã đông là được. Đa phần mọi người sẽ rã đông bằng cách cho vào lò vi sóng hoặc ngâm trong nước nóng. Tuy nhiên, việc cho thịt vào nước nóng để rã đông sẽ làm thịt bị chín mềm bên ngoài, bên trong vẫn lạnh và sống nguyên, còn lò vi sóng thì không phải nhà nào cũng có.
 

CÂY DỔI BÊN HIÊN NHÀ – An Viên

 
Cây dổi


Người dân quê tôi gọi quất hồng bì hay hoàng bì, quất bì với tên thân thuộc là "dổi".
Ngày rời quê vào Nam lập nghiệp, cây dổi bên hiên nhà mới cao ngang tầm người tôi. Ấy vậy, sau mấy năm trở về, mắt tôi chẳng thể nào tin được… cây dổi năm nào giờ cao lớn đến bất ngờ.

Thứ Hai, 22 tháng 8, 2022

VÀI GỢI Ý VỀ THƠ TỨ TUYỆT – Nguyên Lạc

 Trước khi vào phần chính của bài viết, tác giả xin được sơ lược vài điều về thể thơ Tứ Tuyệt Đường Luật; chỉ sơ lược để độc giả tham khảo, để đẫn đến phần chủ yếu của bài viết. Có gì xin bỏ quá cho.


                               
                                                Nhà thơ Nguyên Lạc


SƠ LƯỢC VỀ THƠ TỨ TUYỆT ĐƯỜNG LUẬT
 
1. Thế nào là Tứ Tuyệt Đường Luật
 
Theo Dương Quảng Hàm thì tứ  là bốn, tuyệt  là đứt,
Tên gọi Tứ Tuyệt là vì thể này ngắt bảng vần luật Bát Cú Đường Luật (tám câu) ra rồi lấy bốn (tứ) câu, mà hình thành bảng vần luật Tứ Tuyệt Đường Luật.
  
2. Các cách ngắt câu làm thành thể thơ Tứ Tuyệt Đường Luật
 
Theo cách hiểu Tứ Tuyệt này thì ta có một số cách ngắt lấy bốn câu của một bảng vần luật Bát Cú để thành một bảng vần luật Tứ Tuyệt sau đây (theo niêm luật của một bài Bát Cú).
 
Có nhiều cách ngắt nên cũng có nhiều cách làm thơ Tứ Tuyệt Đường Luật:
 Ngắt lấy 4 câu trên hoặc 4 câu dưới
 Ngắt lấy 4 câu giữa
 Ngắt lấy hai câu 1-2 với hai câu 5-6
 Ngắt lấy 2 câu đầu và 2 câu cuối

Cách “ngắt lấy 2 câu đầu và 2 câu cuối” thành ra bài thơ Tứ Tuyệt 3 vần, cả 4 câu không đối. Cách này nhiều người sử dụng nhất, từ xưa cho đến nay. Ta thử xét thêm:
 
 Bảng Luật Thơ Thất Ngôn Tứ Tuyệt Đường Luật, Luật Trắc Vần Bằng:

T – T – B – B – T – T – B (vần)
B – B – T – T – T – B – B (vần)
B – B – T – T – B – B – T
T – T – B – B – T – T – B (vần)
 
Thí dụ:

Từ buổi thuyền đưa khách thuận dằm
Trông chừng bến cũ biệt mù tăm…!
Cảm thương chiếc lá bay theo gió
Riêng nhớ tình xưa ghé đến thăm.
               (Tình xưa – Quách Tấn)

 Bảng Luật Thơ Thất Ngôn Tứ Tuyệt Đường Luật, luật Bằng Vần Bằng:
 
B – B – T – T – T – B – B (vần)
T – T – B – B – T – T – B (vần)
T – T- B – B – B – T – T
B – B – T – T – T – B – B (vần)
 
Thí dụ:

Đêm nghe tiếng gió nhớ miên man
Mộng ước tình ta đã lụn tàn
Thánh thót hiên ngoài mưa rả rích
Mi buồn lệ ứa mãi không tan
                         (Hoàng Thứ Lang)
 
 Theo sự phát triển, thơ Đường Luật về sau được sử dụng rộng rãi hơn ở dạng Biến Thể: đơn giản hơn một chút về luật B – T. Người ta thường quy định với nhau: “Nhất, Tam, Ngũ bất luận; Nhị, Tứ, Lục phân minh”: Tức là chỉ chú trọng luật B – T ở các chữ thứ 2, 4, 6 và 7 (vần); các chữ 1, 3, 5 sao cũng được.
 
 Thơ Thất Ngôn Tứ Tuyệt Đường Luật gồm có 4 câu, mỗi câu 7 chữ, về phối thanh hay luật bằng trắc hoàn toàn giống thơ Thất Ngôn Bát Cú.
 Thể thơ Ngũ Ngôn Bát Cú và Ngũ Ngôn Tứ Tuyệt được lấy từ bản chính luật của thể Thất Ngôn, bỏ đi 2 từ đầu tiên mà thành.
 
THƠ TỨ TUYỆT
 
1. Nghĩa phóng khoáng

Thơ tứ tuyệt bàn ở đây theo nghĩa phóng khoáng hơn: Tứ vẫn là bốn nhưng “tuyệt” chỉ có nghĩa là dứt, chấm dứt, không thêm nữa.
(Bùi Văn Nguyên và Hà Minh Đức giải thích thêm như vầy: “Tuyệt là cắt, là dứt nhưng là dứt câu, dừng bút để trọn một ý bài thơ, sau khi viết câu thơ thứ tư. Bởi vì một câu chưa thành thơ, hai câu mới thành một vế đối liên, ít nhất bốn câu mới có vần, khi đó mới thành bài thơ”)
Ngày nay, cách hiểu này được nhiều người chấp nhận hơn.

Vậy:

“Thơ tứ tuyệt là những bài thơ 4 câu – không giới hạn số chữ trong câu- diễn tả trọn vẹn những gì thi sĩ muốn nói”

 Tuy 4 câu thơ nhưng diễn tả đầy đủ ý tác giả muốn nói; nếu không, chúng không phải là thơ tứ tuyệt, chỉ là thơ bốn câu. (Thơ bốn câu diển tả chưa trọn vẹn ý tác giả, muốn đầy đủ, trọn ý thì cần phải làm thêm vài câu thơ nữa. Cũng có thể xem như chúng là trích đoạn từ một bài thơ dài)
 Mỗi câu thơ của tứ tuyệt không giới hạn số chữ: có thể 4, 5, 6 , 7, 6/8 … tùy.
 
2. Cách gieo vần

Trước khi vào phần bàn về thơ tứ tuyệt (phóng khoáng hơn, mới hơn) xin mời các bạn “lướt qua” vài cách gieo vần tiêu biểu:
 Gieo vần cách hàng hay vần chéo: Cross Rhymes:
Gieo vần vào tiếng cuối các câu 1-3 và các câu 2-4. (Nếu tiếng cuối các câu 1-3 là thanh trắc thì 2-4 phải là thanh bằng. Và ngược lại, nếu 1-3 là thanh bằng thì 2-4 phải là thanh trắc.)

Ví dụ 1:
 
Người xuống theo dòng trôi nước lũ
Màu sim màu móc núi sương mây
Suối đá gập ghềnh hôm sớm tụ
Khói mù mịt thổi xuống đồi cây
                                 Bùi Giáng
 
Ví dụ 2:

mắt, lệ dẫu thành sông
vẫn là ta khốn khó
vẫn là ta héo mòn
chứ hay ho gì, nhỏ?
Nguyễn Tất Nhiên
 
* Biến thể: Phóng khoáng hơn chỉ cần gieo vần cặp 2-4, không gieo vần cặp 1-3. Cách gieo vần này cũng thông dụng.
 
Ví dụ 3:

Tôi vẫn đợi suốt đời quên sóng vỗ
Quên những người xuôi ngược Thái bình dương
Người ở lại với bàn tay bạo chúa
Cọng lau gầy trĩu nặng ánh tà dương
                                                 Tuệ Sỹ
 
 Gieo vần ôm: Embrace rhymes:
Tiếng cuối câu 1 vần với tiếng cuối câu 4, tiếng cuối câu 2 vần với tiếng cuối câu 3. Cách này ít được người sử dụng.
 
Ví dụ 1:

Hoa bắt đầu rơi rớt giữa đường Xuân
Cành cây đã sum suê lá đậm
Tháng ba đến với những ngày nắng ấm
Bỗng mùa Đông trở lại ! Rét nàng Bân
                                                Tế Hanh
 
* Biến thể: Chỉ gieo vần cặp câu 2-3, không gieo vần cặp 1-4. Cách này tương đối được dùng nhiều hơn.
 
Ví dụ 2:

tình mới lớn phải không em rất lạ?
cách tập tành nào cũng ngượng như nhau
thuở đầu đời chú bé ôm phao
và nhút nhát, dĩ nhiên ngộp nước
                       Nguyễn Tất Nhiên
 
-Gieo vần ôm biến thể (Giống như gieo vần Tứ Tuyệt Đường Luật đã bàn trên)
Gieo vần vào tiếng cuối các câu 1-2-4 (tiếng cuối câu 3 bắt buộc thanh trắc)
 
Ví dụ 1:

Hôm nay còn một nửa trăng thôi
Một nửa trăng ai cắn mất rồi!
Ta nhớ mình ta thương đứt ruột!
Gió làm nên tội buổi chia phôi!
                             Hàn Mặc Tử
 
3. Sơ lược cách gieo vần trong thơ lục bát:

Câu lục: *B *T *B(v)
Câu bát: *B *T *B(v) *B
 
(B là thanh bằng; T là thanh trắc; * là tự do, sao cũng được; v: vần)
 
 Vần chân hay cước vận: Là vần ở cuối câu lục và cuối câu bát. Ví dụ:
 
Một đời đuổi bóng bắt hình
Tóc sương mới ngộ ra mình ngu ngơ
 
Vần “inh” trong từ “hình” ở câu lục, vần “ơ” trong từ “ngơ” ở câu bát là các vần chân.
 
 Vần lưng hay yêu vận: Là vần ở giữa câu bát, thường là vần ở từ thứ 6, nếu vần rơi vào từ thứ 4 thì từ thứ 6 phải chuyển ngược thanh với từ thứ 4. Ví dụ:
 
Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
 
 Phong yêu (lưng ong): Trong một câu mà vần lưng và vần chân đều cùng một vần thì gọi là phong yêu. Cần tránh phong yêu vì đọc lên nghe không hay. Ví dụ:
 
Cả đêm thao thức bồn chồn
Râm ran tiếng mõ dập dồn đầu thôn.
 
Vần ÔN (dồn) và ÔN (thôn) lỗi phong yêu.

 Muốn câu thơ có nhạc thì ở câu bát phải bố trí từ thứ 6 thanh không (không dấu) và từ thứ 8 thanh huyền hoặc ngược lại. Nếu bố trí cả hai từ này cùng một thanh huyền (hoặc cùng thanh không) thì câu thơ đọc lên mất tính nhạc. Ví dụ:

Hỏi thăm cô ấy có chồng chưa nào?
 
4. Thiền sư Muju bàn về thơ tứ tuyệt

Để bàn về thơ tứ tuyệt, tôi xin giới thiệu những lời của thiền sư Muju (Nhật/Japan), chúng sẽ giải thích và minh họa hầu các bạn:
 
 Người ta hỏi một thi sĩ Nhật nổi danh rằng làm thế nào viết được một bài thơ tứ tuyệt của Trung Hoa. Thi sĩ giảng giải: Câu đầu chứa phần khởi nhập; câu hai là phần chuyển tiếp của câu đầu; câu ba chuyển từ đề mục và bắt đầu một ý mới; và câu bốn gồm ba câu trước hợp lại với nhau. 
Một khúc dân ca Nhật minh họa ý này:
 
“Hai cô con gái của một người bán lụa ở Kyoto,
Cô chị hai mươi, cô em mười tám.
Một anh lính có thể giết người với lưỡi kiếm của anh ta,
Nhưng hai cô gái này giết đàn ông với đôi mắt của các nàng.” [1]
 
THƠ HAY TỨ TUYỆT
 
1. Thơ Hay là thơ đọc qua liền nghe lòng mình thổn thức, thuộc và nhớ rất lâu; như người nữ đẹp (giai nhân), gặp qua một lần là suốt đời không quên.
Đọc một bài Tứ Tuyệt, muốn biết nó đáng được gọi là Thơ Hay hay không, thì phải thẩm xem câu thứ tư (câu kết) có mang lại cho ta bất ngờ tự nhiên, sảng khoái không? Nếu không thì hỏng.
 
2. Nét độc của bài Thơ Hay Tứ Tuyệt là phải đảm bảo được nguyên tắc “mạch kỵ lộ” của thi pháp thơ Đường: Nghĩa là mạch thơ tối kỵ bị để lộ ra. Nhà thơ phải cách nào để đến câu cuối (câu 4), điều mình muốn nói, muốn nhắn nhủ mới lộ ra; gây bất ngờ cho người đọc. Bất ngờ càng lớn, ngược lại được những đoán định, thì sức lay động sẽ càng mãnh liệt. Vì thế, câu cuối cùng thường là câu gánh vác nhiệm vụ thể hiện chủ đề của bài thơ. Những câu đầu dù nói nhiều điều, tả nhiều thứ vẫn chỉ là sự chuẩn bị cho sự xuất hiện của câu cuối.
 
3. Đề nghị cách làm thơ Tứ Tuyệt

Ta hãy thử phân tích bài thơ sau đây dựa theo hướng dẫn của thiền sư Muju.
 
Con sông Vàm Cỏ Tây trong vắt {1}
Trong vắt như đôi mắt lá răm {2}
Chiến trường trăm trận chưa hề bại {3}
Mà chết vì em tuổi nguyệt rằm {4}
                           (Phạm Hồng Ân)
 
Căn cứ vào những lời thiền sư Muju giảng giải trên, ta thấy:
{1} là phần khởi nhập
{2} là phần chuyển tiếp của {1}
{3} chuyển từ đề mục và bắt đầu ý mới
{4} gồm ba câu trước lại với nhau đưa tới chủ ý.

Rõ ràng quá phải không các bạn! Các bạn làm thử đi, chắc phải tuyệt thôi!
 
4. Giới thiệu vài bài thơ tứ tuyệt hay:

Dựa vào những điều đã bàn trên, tôi xin giới thiệu vài bài thơ tứ tuyệt hay dưới đây. Xin nói trước, đây chỉ là cảm nhận chủ quan của người viết, có thể bạn không hoàn toàn đồng ý; đó là điều đương nhiên.
 
1.
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền [2]
         (Phong Kiều dạ bạc - Trương Kế)
 
2.
Yên lung hàn thuỷ nguyệt lung sa
Dạ bạc Tần Hoài cận tửu gia
Thương nữ bất tri vong quốc hận
Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa [3]
                   (Bạc Tần Hoài - Đỗ Mục)
 
3.
Khứ niên kim nhật thử môn trung,
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng.
Nhân diện bất tri hà xứ khứ,
Đào hoa y cựu tiếu đông phong. [4]
(Đề đô thành nam trang - Thôi Hộ)
 
4.
Một trà, một rượu, một đàn bà
Ba thức lăng nhăng nó quấy ta
Chừa được thức nào hay thức nấy:
 Họa chăng chừa rượu với chừa trà!
           (Chừa rượu – Trần Tế Xương)
 
5.
Nhìn, em nhé, bên bờ kia gió thổi
Lá xanh vườn theo cỏ mượt ngân nga
Tơ vi vút một đời thương nhớ tuổi
Của trăng rằm xuống dọ dẫm bên hoa
                  (Bờ nước cũ – Bùi Giáng)
 
6.
Sương mai lịm khói trà
Gió lạnh vuốt tờ hoa
Nhè nhẹ tay nâng bút
Nghe lòng rộn âm ba
(Buổi Sáng Tập Viết Chữ Thảo – Tuệ Sỹ)
 
7.
Rồi mai huyệt lạnh anh về
Ru nhau gió thổi bốn bề biển xưa
Trăng tà đổ bóng cây thưa
Mộng trần gian đã hái vừa chưa em?
         (Tịch mạc – Nguyễn Đức Sơn)
 
8.
Hai mươi tuổi ta đi làm chiến sĩ
Bước giày đinh lạng quạng một đời trai
Vừa đánh giặc vừa lừng khừng triết lý
Nhưng thằng này yêu nước chẳng thua ai
                           (Cảm Khoái – Cao Tần)
 
9.
những tưởng học làm Vũ Hoàng Chương
nào hay uống rượu suốt đêm trường
em ơi rượu chẳng say người chết
đời vắng em rồi say nhớ thương!
                (Thơ say – Nguyễn Tất Nhiên)
 
10.
Từ hôm em bỏ theo chồng
Áo trắng em cất áo hồng em mang
Chiều nay giở lại bàng hoàng
Mười năm áo cũ hoe vàng lệ xanh
(Động hoa vàng – Phạm Thiên Thư)
 
11.
Rót trăm năm chén ngậm ngùi
Rót hiu hắt một nụ cười lệ phai
Em là ai? Em là ai?
Hồn tôi chén rượu đã đầy lại vơi
(Thơ buồn chảy một dòng trôi – Lê Văn Trung)
 
12.
Đêm nở trắng ngần bông thược dược
những cánh hoa đánh thức vầng trăng
em về vạt áo sương mùa hạ
vàng đẫm trên vai một mảnh rằm
           (Thược Dược – Trần Mộng Tú)

 
Nhận xét các bài tứ tuyệt trên, ta thấy đúng theo giải thích của thiền sư Muju: “Câu đầu chứa phần khởi nhập; câu hai là phần chuyển tiếp của câu đầu; câu ba chuyển từ đề mục và bắt đầu một ý mới; và câu bốn gồm ba câu trước hợp lại với nhau”.
Các bạn thơ hãy thử làm xem sao!
 
LỜI KẾT
 
Xin được kết thúc bài viết này bằng bài thơ tứ tuyệt mà tôi đã làm theo những điều đã bàn trên:
 
Từ nay sương trắng nơi quê khách
Trăng lạnh trời kia rọi viễn phương
Đã biết ra đi rồi sẽ mất
Cố hương có biết nỗi niềm thương?
 
Mong các bạn góp ý cho bài viết được hoàn chỉnh hơn. Trân trọng.
 
                                                                                       Nguyên Lạc

……………………
 
[1] Thạch sa tập – Thiền sư Muju (bản dịch của Đỗ Đình Đồng – Góp nhặt cát đá)
[2] Dịch thơ:
Trăng tà, chiếc quạ kêu sương,
Lửa chài, cây bến, sầu vương giấc hồ.
Thuyền ai đậu bến Cô Tô,
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.
                                      (Bản dịch: Tản Đà)
 
[3] Dịch thơ:
Khói trùm nước lạnh, trăng lồng cát;
Thuyền đậu Tần Hoài, cạnh tửu gia.
Cô gái không hay buồn nước mất,
Bên sông còn hát Hậu Đình Hoa
        (Bản dịch: Trần Trọng San)
 
[4] Dịch thơ:
Cửa đây năm ngoái cũng ngày này,
Má phấn, hoa đào ửng đỏ hây.
Má phấn giờ đâu, đâu vắng tá,
Hoa đào còn bỡn gió xuân đây.
              (Bản dịch: Nam Trân)