CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 31 tháng 3, 2022

MƯỜI NĂM VỀ LẠI THÀNH PHỐ NỌ – Thơ Nguyên Lạc


   
                 Nhà thơ Nguyên Lạc

 
MƯỜI NĂM VỀ LẠI THÀNH PHỐ NỌ
 
Mười năm về lại thành phố nọ
Tìm lại tôi thời xuân đã qua
Con đường đưa đón yêu thương cũ
Hụt hẫng từng viên sỏi đá xưa
 
Vườn xưa đóa hoa nhan sắc nọ
Hương hoa ngày đó ở phương nao?
Tôi về tìm lại tôi thương nhớ
Dâu bể đau thương ngút nỗi sầu
 
Tôi về tìm lại tôi yêu dấu
Phố của ai đâu phố tôi xưa!
Ngơ ngác lạc loài nơi phố lạ
Nghe hồn tê tái nỗi phôi pha!
 
Mười năm về lại tìm ký ức
Chốn cũ người xưa mắt lệ nhòa
Kỷ niệm trào dâng lòng rưng rức
Thôi nhé một thời ta thiết tha!
 
                            Nguyên Lạc
 

PHẠM ĐÌNH CHƯƠNG, NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG ÂM NHẠC - Nguyễn Mạnh Trinh

 
Nhạc sĩ Phạm Đình Chương

Có nhiều người cho rằng thơ phổ nhạc không còn chất thơ nguyên thủy nữa bởi vì nhạc sẽ làm giảm đi cái nét thâm trầm sâu sắc mà thơ phải chuyên chở. Một người chủ trương như vậy là nhà văn Tạ Tỵ. Khi được hỏi về những bài thơ phổ nhạc mà có sự ví von là nhạc chắp cánh cho thơ trong đó có bài “Thương về 5 cửa ô xưa” của ông.
Nhưng có nhiều người thì nghĩ khác. Như nhạc sĩ Anh Bằng, người đã phổ hàng trăm bài thơ thì cho rằng thơ phổ nhạc là một nét đặc thù của văn nghệ Việt Nam. Trong khi nói chuyện với tôi ông đã tỏ ra rất trân trọng những bài thơ phổ nhạc của nhạc sĩ Phạm Đình Chương và cho rằng đó là một nhạc sĩ phổ thơ hay nhất của âm nhạc Việt Nam.

EM, PASTERNAK VÀ THƠ - Lê Mai Lĩnh

 Xin giới thiệu một bài thơ hay của nhà thơ Lê Mai Lĩnh (Sương Biên Thùy).

   


EM, PASTERNAK VÀ THƠ
 
Nếu được sống một thời
Như một thời, Pasternak đã sống
Anh cũng có cho mình, một Zhivago, Doctor
Nếu được/ bị / sống một thời
Như một thời, Pasternak dũng cảm tung hoành ngòi bút
Anh cũng có cho mình, một trời thơ Tình Yêu
Nếu được / bị sống một thời
Nhưng đã không có một thời
Nên anh đã tay không, nếu như em không đến
Nhưng em đã đến
Hiếm hoi
Muộn màng
Giũa đời ta, thời bóng xế
 
Em đến, làm đảo điên đời ta
Cái đã mất, lấy lại được rồi
Cái không còn, hiện hồn trở lại
Cái đã chết, đòi sống lại, phục sinh
Cái dưới đất, chui đầu mà dậy
Cái trên trời, không dưng rớt xuống
Cái ngoài biển, trôi dạt vào bờ
Cái ngủ yên, lồm cồm bò dậy
Cái điên khùng, trở lại cái tỉnh
Cái bất thường, trở lại ngon lành
Nên ta gọi, là em Lara của ta
Cũng phải
Anh đã là Pasternak, của, do, bởi, tại, vì em
 
Cảm ơn em
Người tình chín đỏ
Cuối đời
Vô song.
 
Sáng nay chép lại bài thơ
Trong quán cà phê đường Lam Sơn
Giữa vị đắng và khói thuốc
Nơi anh đưa em tới
Căn nhà số 13
Để mai sau lỡ có thế nào
Em đổ tại anh chọn số 13 xui xẻo.
 
Đêm qua lại nữa, một đêm trắng mắt
Em, Pasternak và Thơ
Chập chờn trong anh, giữa cơn mộng tỉnh
Rượu, không uống mà say
Tình, lỡ vương phải chịu
Em hiểu không,
Lòng anh.
 
                                           Lê Mai Lĩnh

Thứ Tư, 30 tháng 3, 2022

ANH HÙNG CA – Thơ Văn Cao

 Bài này đăng trên “Tiểu thuyết thứ Bảy”, chưa thấy ai nhắc đến. Nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân đưa lên facebook.

 


 ANH HÙNG CA
       
 Mắt sáng ngời lên như ánh dương,
 Rượu hồ, da đỏ, khách ly hương.
 Thiên bôi đối ẩm nhìn quan ải:
 Quằn quại cờ bay trong gió sương.
 
 Lắng nghe dòng máu ta đang sôi!
 Say nữa! Say lên tráng sĩ ôi!
 Lòng thép vang rền: xương gẫy rạn,
 Xa trường: than ôi, là tơi bời!
 
 Chuyện thê nhi: bẻ trâm vàng đi!
 Khăn lụa người cho lau máu đi!
 Ảnh tặng giấu vào trong ngực áo!
 Trở về? – Không! Chỉ có ra đi!
 
 Quan san xa cách trùng dương hận,
 Cười ré lên nào! Rú nữa lên!
 Da đỏ trời ơi là máu, máu!
 – Bên ngoài quan ải lính thay phiên.
 
 Đập vỡ cho ta hồ rượu này!
 Chén thù uống cạn nhớ đêm nay:
 Trăng vàng vỡ nửa, gương tình lỗi
 Khuê nữ đâu say hơn rượu đầy?
 
 Anh em! Anh em! Hãy cố say!
 Mai gặp nhau chăng hay gặp thây?
 Da cổ ví dầy đầu đỡ rụng,
 Thây anh rồi lấp với thây này.
 
 Sót đời lính thú không tên tuổi
 Cả một nghìn thây đổi lấy thành,
 Nói đến cuộc đời còn chẳng tiếc,
 Tiếc gì nước mắt đón đưa, anh?
 
                                    Văn Cao
 
Nguồn:
Tiểu thuyết thứ bảy, Hà-nội, s. 433 (3 Octobre 1942)
 

LỮ QUỲNH, CÁI CÁN CÂN CỦA VĂN HỌC MIỀN NAM – Đỗ Trường

                           (Mục chân dung nhà văn - Đỗ Trường)
 
Nhà văn Lữ Quỳnh

Sau 1954, Việt Nam bị cắt làm đôi, với hai thể chế chính trị hoàn toàn trái ngược nhau. Cũng như kinh tế, và xã hội, mỗi miền đều có nền văn học riêng của mình. Nếu văn chương miền Nam như bản nối dài của dòng văn học hiện thực lãng mạn, thì miền Bắc mở ra thời kỳ văn học tuyên tuyền, minh họa đường lối lãnh đạo của Đảng CS. Ngoài ra, do điều kiện địa lý tự nhiên cũng như lịch sử để lại, chúng ta có những đặc tính văn hóa của mỗi vùng, miền khác nhau. Từ đó đã sản sinh ra những nhà văn, nhà thơ với ngôn ngữ, văn phong, bút pháp nghệ thuật mang dấu ấn đặc trưng của từng vùng, miền ấy. Do vậy, khi đọc một cuốn sách, nếu tinh ý một chút, ta có thể nhận ra, quê quán, nơi sinh trưởng của tác giả.
 

Thứ Ba, 29 tháng 3, 2022

CHÙM THƠ “MỘT...” CỦA LÊ VĂN TRUNG


   

 
MỘT ĐÓA TRẦN GIAN
 
Trong vườn đêm ấy trăng vừa nở
Một đóa trà mi bừng ngát hương
Trăng biếc thơm như lòng khuê phụ
Ái tình mỏng quá, mỏng như sương
 
Ủ giấc mơ mềm đêm tóc rối
Vòng tay lạnh nhớ gió vàng thu
Gối lệch nghiêng hoài bên cõi mộng
Nhớ gì quay quắt một câu thơ
 
Hình như đêm ấy trăng hàm tiếu
Hình như lòng xuân chưa mãn khai
Ai ướp vào trăng màu nguyệt thắm
Ai ươm vào trăng mật ứ đầy
 
Em về đêm mỏng tình như lụa
Em về trăng thơm mùi hương trầm
Cho tôi vẽ nốt màu thiên cổ
Một đóa trần gian còn nguyên xuân.
                               

THÁNG BA NĂM ĐÓ – Thơ Nguyên Lạc


 


THÁNG BA NĂM ĐÓ
 
Tháng ba người nhớ hay không?
"Tháng ba gãy súng" não nùng đời nhau [*]
 
1.
Tháng ba lại tháng ba nào
Tháng ba năm đó làm sao quên người?
Tháng ba vỡ mộng tình đôi
Tháng ba thảm lắm tình tôi nghìn trùng!
 
Mười năm về lại dã nhân
Thấy đời hụt hẫng đoạn trường bể dâu
Tìm người giờ biết tìm đâu?
Tìm trong ký ức những câu nhạc tình?
"Chanh đường uống ngọt môi trinh"
"Hẹn hò cuốn quít thiên đường lối xưa" [**]
Lối xưa lạ lẫm hững hờ
Phố xưa đã đổi màu cờ máu tim
Đường xưa giờ đã đổi tên
Nhà xưa đổi chủ buồn tênh cổng gài
Tin người ? Như khói sương phai!
Dã nhân lê bước thở dài mưa rơi
Thôi tôi mất dấu em rồi
Trùng dương cuồng nộ vùi đời thanh xuân!
 
2.
Tha hương kiếp "luân lạc nhân"
Ai người tri kỷ cùng ngâm Hồ Trường?
"Hồ trường, hồ trường, ta biết rót về đâu?
Rót về Đông phương, nước bể Đông chảy xiết sinh cuồng loạn
Rót về Tây phương, mưa Tây rơi từng trận chứa chạn
Rót về Bắc phương, ngọn Bắc phong vi vút đá chạy cát dương
Rót về Nam phương, trời Nam mù mịt,
có người quá chén như điên như cuồng" [***]
Mùa về đắ́ng chén lưu vong
Thống ngâm thơ cổ ngất hồn tháng ba!
 
Tháng ba cuộc đó đã xa
Xa rồi... xa lắm... sao ta vẫn buồn?
Tháng ba mưng mủ vết thương
Người ơi nhức nhối... đoạn trường sao quên?!
.
Tháng ba nâng chén mình ên
Hồn người lính cũ buồn tênh phận mình
Tháng ba đắng chén nhân sinh
Mất, còn bạn hữu bóng hình khói sương
 
Thì thôi nhân thế vô thường
Bầu nghiêng, rượu rưới thay hương khóc người!
Tháng ba lại tháng ba rồi
Hồ trường cô lữ lệ mời tháng ba!
 
                                                        Nguyên Lạc
..............
 
[*] Tên hồi ký của Cao Xuân Huy
[**] Mượn ý "Uống ly chanh đường, uống môi em ngọt" và câu nhạc khác của Phạm Duy
[***] Hồ Trường-Nguyễn Bá Trác
.......................

“Tháng Ba Gãy Súng” – hồi ký Cao Xuân Huy: Ghi lại cuộc “di tản chiến thuật” của các người lính Thủy Quân Lục Chiến (VNCH) tháng 3, 1975 tại cửa biển Thuận An – Quảng Trị. Ngoài một số bị giết, đa số các TQLC còn lại bị bắt làm tù binh, rồi đi “cải tạo”.

HÃY ÔM MẸ ĐẤT – Thơ Tịnh Bình


                 Nhà thơ Tịnh Bình
 
 
HÃY ÔM MẸ ĐẤT
 
Tôi sợ một ngày Người sẽ đi xa...
Khi không thể bao dung nổi loài người độc ác
Đầy cuồng tâm và tham vọng
Hát lên bài ca yêu thương vô vọng
Bằng chính sức mình nhỏ nhoi
Khi những cánh rừng không ngừng đổ xuống
Những dòng sông nhiễm độc không thể soi bóng mây trời
Nắng không ngừng thiêu đốt
Mưa không ngừng than van
Chỉ lũ Virus gian ác không ngừng sinh sôi và hung hãn
 
Tôi sợ một ngày Người sẽ vỡ tan
Những vòng xoay dần dần lệch trục
Hỡi quỹ đạo xiêu vẹo
Bước chân Người đã nhọc mệt và già nua lắm rồi
 
Hãy ôm mẹ Đất vào lòng
Và chữa trị vết thương trên thân thể Người bằng chính tâm thức yêu thương của chúng ta...
 
                                                                                   TỊNH BÌNH
                                                                                     (Tây Ninh)

BÊN SÔNG SÀI GÒN ĐỌC THƠ ĐÀ LẠT – Thơ Châu Thạch


   


BÊN SÔNG SÀI GÒN 
   ĐỌC THƠ ĐÀ LẠT

(Tặng Nguyễn An Bình)
 
Ngồi bên sông Sài Gòn
Đọc thơ về Đà Lạt
Gió Hồ Xuân Hương ngát
Trong thơ Nguyễn An Bình
 
Đèn Sài Gòn lung linh
Sông Sài Gòn lặng lẽ
Hương thông rừng thoáng nhẹ
Từ trong thơ bay ra.
 
Có tiếng gì xa xa
Như tiếng rừng rơi lá
Lá rơi buồn rất lạ
Đà Lạt sương và mơ!
 
Đà Lạt trong tập thơ
"Tình Tôi Người Lữ Khách"
Tay ta cầm tập sách
Lòng mơ Mimosa.  
 
Lòng mơ con đường hoa
Hoa đào và phượng tím
Nhớ và thương kỷ niệm
Rừng hương, hoa thơ xinh
 
Đêm nay ta một mình
Ngồi bên sông Sài Gòn
Đọc thơ Nguyễn An Bình
Men thơ và men tình
Làm ta say ngây ngất!
 
              Châu Thạch
 

TÌNH MÌNH RỨA ĐÓ, BÂNG KHUÂNG CHIỀU... NHỚ XƯA – Thơ Quang Tuyết


  
                                   Nhà thơ Quang Tuyết


TÌNH MÌNH RỨA ĐÓ
 
Tình yêu mình không có những cơn mưa
Nên khao khát giữa nắng hè cháy bỏng
Tình chợt đến theo đám mây thơ thẩn
Râm mát lòng cho khoảnh khắc bình yên
 
Tình không thắm nụ hồng mà đỏ máu từ tim
Từng vết cắt bởi chuyện đời dâu bể
Tay chai sần mong làm lành mảnh vỡ
Có vụng về...
Cũng vá víu đời nhau
 
Tình không trăng sao lấp lánh đêm thâu
Mà ngời sáng trong lòng ta khi nhớ
Tình vẫn đó rồi xa xôi muôn thuở
Tình trong tay lưu luyến một bàn tay
Tình của mình rứa đó biết răng đây?
 

Thứ Hai, 28 tháng 3, 2022

NHỮNG TỪ DÙNG SAI TRONG TIẾNG VIỆT – Đỗ Chiêu Đức

 
Tác giả bài viết Đỗ Chiêu Đức

Dưới đây là những góp ý rất chân thành và khách quan của tôi, nhằm mục đích làm trong sáng và phong phú hơn tiếng Việt một cách thực tế, phù hợp với “tập quán ngôn ngữ” hằng ngày của cộng đồng người Việt nói tiếng Việt, chớ không lập dị hoặc bới lông tìm vết gì cả !  Trước tiên, xin đề cập đến từ “CHUNG CƯ hay CHÚNG CƯ” .
 
Trích bài viết:
CHUNG CƯ. Từ kép nầy được thành lập theo văn phạm Hán Việt vì tính từ đứng trước danh từ cho nên cả 2 từ phải đều là Hán Việt. Thế mà từ CHUNG Hán việt không có nghĩa là chung chạ mà có nghĩa là cuối cùng. Vậy chung cư 終居 không phải là nơi nhiều người ở chung mà là nơi ở cuối cùng, tức là mồ chôn hay nghĩa địa. Vậy phải đổi từ chung cư thành chúng cư 衆居 thì mới ổn.
 
Theo tôi nghĩ:
 
Từ CHUNG CƯ là từ được viết gọn lại của nhóm từ CÙNG CHUNG CƯ NGỤ, đã được quần chúng sử dụng từ trước đến nay, nghe đã quen tai, không cần thiết phải đổi lại thành CHÚNG CƯ, nghe vừa xa lạ vừa chói tai, vừa lập dị vừa không hợp với tập quán ngôn ngữ. Xin được giải thích…
 

Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2022

BÀ MẸ NUÔI CỦA NHÀ THƠ PHÙNG QUÁN – Nguyễn Bùi Vợi

 Nguồn:
https://nhathonguyenbuivoi.wordpress.com/category/tac-pham/van-xuoi/nguyen-bui-voi-viet-ve-be-ban/

Nhà thơ Phùng Quán

Năm 1960, đi lao động thâm nhập thực tế ở Thái Bình cùng các nhà văn Tô Hoài, Hoàng Trung Thông…về, Phùng Quán bị nhiễm lao. Nằm điều trị ở bệnh viên lao trung ương khỏi bệnh rồi nhưng không biết về đâu vì phòng Văn nghệ quân đội không còn tên anh nữa, Hội nhà văn cũng đã khai trừ anh. Phùng Quán về thôn Nghi Tàm xã Quảng An huyện Từ Liêm (Hà Nội) đến nhà ông cả Hàm là trưởng xóm Đình xin ở nhờ ít lâu. Gia đình ông cả vui vẻ nhận lời vì biết anh là tác giả tiểu thuyết “Vượt Côn Đảo” nổi tiếng. Ông cả Hàm nói với vợ: Tôi cũng có biết anh này có “phốt”. Người ta đầu xanh tuổi trẻ lại có tài ắt là có tật, thôi giúp đỡ người ta, để phúc để đức cho con! Không có lương, Phùng Quán sắm cần câu, thỉnh thoảng ra hồ câu cá trộm! Một hôm, anh đi qua trước một túp nhà lá một gian hai chái. Thấy một bà cụ một mình đi ra đi vào, Phùng Quán tạt vào chơi.
 
Hỏi truyện cụ, anh mới biết cuộc đời cụ thật gian nan. Cụ ông uống rượu say, “đi” luôn đến mồng một Tết để lại cho cụ bà một mảnh vườn, một ngôi nhà gỗ 5 gian và 3 đứa con dại. Cô gái đầu lòng tiên là Húng mất năm 13 tuổi. Con thứ hai là Nguyễn Văn Thơm vào bộ đội, hy sinh vào năm 1947 ở mặt trận Hà Nội. Con gái út tên là cô Vỏ bị thiên đầu thống, lòa cả hai mắt, mất năm 30 tuổi, chưa kịp lấy chồng. Trước cụ cũng có một gian hàng bán cơm ở chợ hàng Da nhưng vì con bệnh nặng, gia tài khánh kiệt, cụ phải bán đi cả căn nhà gỗ 5 gian, cây que chụm lên túp này…
 

ĐÊM LÀ HƯ VÔ – Thơ Trần Mai Ngân

 
  

 
ĐÊM LÀ HƯ VÔ
 
Đêm nay mặn đắng vị buồn
Ghì đêm ôm xiết rồi buông hững hờ
Vắt tim nhỏ giọt lệ thơ
Tại sao xa lạ lạnh bờ môi yêu
 
Đêm nay sâu lắng hắt hiu
Muôn trùng gõ nhịp tiêu điều gian nan
Hoá điên ở giữa trần gian
Đôi tay bám riết hoang mang ơi... Mình!
 
Đêm nay đêm của lặng thinh
Cuồng si thuở ấy bóng hình nơi đâu
Dấu tay vết bấu còn sầu
Ngát trên da thịt một mầu hư vô!
                                             
                           Trần Mai Ngân

NGÀY XẾ BÓNG – Thơ Đoàn Thuận

 
  
                          Nhà thơ Đoàn Thuận


NGÀY XẾ BÓNG
 
Ta đôi khi muốn thay chiếc răng mẻ
chợt nghĩ mình còn trụ được bao lâu
đêm thao thức vỗ về lòng an tịnh
mong gió thu thổi bạt vạn cổ sầu.
 
Chiếc răng giả cho thêm nụ cười đẹp
đâu xua tan hình dạng lệch môi hôn
đâu kéo lại màu xuân mái tóc bạc
cõi sắc không hư ảo cả tâm hồn
 
Răng lòi xỉ thâm căn trong cốt tuỷ
nụ hoa thơm chuyển dịch tự hạt mầm
hạt bụi nhỏ hoá thân qua bao kiếp
đời buồn vui kỳ hạn khoảng trăm năm.
 
Răng có thay, phận ta không thay được
trước hiện tồn vạn hữu tựa khói sương
đời trót đã cho ta làm lữ khách
trọ cõi người giây lác lại lên đường.
 
Răng chưa rụng có khi ta khuất bóng
chưa kịp cười bên hoa một sớm mai.
sao biết được hậu thân ta giả tạm
hay đâu chừng răng duyên giữa môi ai ?
 
                                   ĐOÀN THUẬN

Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2022

CHÙM THƠ “MƯA...” CỦA LÊ VĂN TRUNG

 
  


MƯA
 
Mưa đồi Tây ướt tóc người
Áo hay sương mỏng bên trời vàng thu
Có con chim lạ bay từ
Thiên thu về gọi sa mù đồi trăng
 
Mưa đồi trăng! Mưa đồi trăng!
Miền HIU QUẠNH với CÕI IM LẶNG người
Mưa còn rơi! Mưa còn rơi!
Là tôi giọt lệ trên môi rượu nồng
 
Mưa đồi KHÔNG ướt lòng KHÔNG
Người từ IM LẶNG về hong tóc buồn
Mưa trăm năm mưa nghìn năm
Mưa từ thiên cổ lạnh căm cõi người.
                           

MỘT ĐỐM LỬA – Thơ Nguyên Lạc


  


MỘT ĐỐM LỬA
 
Ta chợt ngộ môi em là rượu độc
Nhắp một lần say khướt cả trăm năm
Hồn chếnh choáng đi tìm tim đánh mất
Thấy hư không lạnh buốt một dòng
 
Em đã đến đã đi như định mệnh!
Một người ngồi tiếc nuối tuổi thời gian
Chiều cổ độ mây trắng bay thăm thẳm
Môi son nồng rượu độc nỗi hoài mong
 
Cuộc trăm năm chỉ là giấc mộng
Ta còn chi ngoài em phiến môi hồng?
Một đốm lửa có đủ soi hy vọng?
Cuối đường hầm đủ hong ấm đời không?!
 
                                               Nguyên Lạc

HÀNG DỪA TRƯỚC NGÕ – Thơ Tịnh Bình


   

                           
HÀNG DỪA TRƯỚC NGÕ
 
Bâng khuâng về lại quê nhà
Hàng dừa trước ngõ la đà đong đưa
Thẹn thùng nắng ngả vào trưa
Gió đùa xao xuyến bóng mưa qua thềm
 
Trăng vàng rót mật vào đêm
Thoảng hương dạ lý nghe mềm nhớ thương
Bờ tre bụi chuối sau vườn
Tiếng con dế gáy ngân vương nao lòng
 
Hương đồng gió nội còn không
Dập dờn sóng lúa cánh đồng ngâm nga
Lục bình man mác trôi xa
Thầm thương nón lá áo bà ba xưa
 
Bao năm về lại nhà xưa
Nhớ ngày thơ bé như vừa hôm qua
Lung linh sợi nắng reo ca
Mướt xanh tóc gió thướt tha bóng dừa...
 
                                        TỊNH BÌNH
                                          (Tây Ninh)

Thứ Ba, 22 tháng 3, 2022

“THÁNG NGÀY QUA ”, HỒI ỨC CỦA NGUYỄN TƯỜNG NHUNG, TRƯỞNG NỮ CỦA NHÀ VĂN THẠCH LAM, PHU NHÂN TRUNG TƯỚNG NGÔ QUANG TRƯỞNG - Trần Thị Nguyệt Mai.

 

Sách in màu, bìa cứng, dày 412 trang
Thạch Ngữ xuất bản 2021
 
Biên tập: Nguyễn Tường Giang
Đọc bản thảo: Trần Thị Nguyệt Mai & Nguyễn Tường Giang
Thiết kế hình ảnh: Nguyễn Tường Tâm
Thiết kế bìa: Đinh Trường Chinh
Chân dung tác giả trang bìa: Họa sĩ Thanh Trí
Trình bầy và Dàn trang: Nguyễn Đồng
 
Chân thành cảm ơn Nhà văn Nguyễn Tường Nhung
và Bác sĩ / Nhà thơ Nguyễn Tường Giang cùng Nhà xuất bản Thạch Ngữ.
 
Độc giả có thể mua sách trên mạng qua link này:
https://www.barnesandnoble.com/w/thang-ngay-qua-nhung-nguyen-tuong/1140528038?ean=9798765508541
 
oOo
 
Trích giới thiệu từ bìa sau
 
Thạch Lam, nhà văn tài hoa trong Tự Lực Văn Đoàn, ông sống một cuộc đời giản dị và thanh bạch. Ông mất đi khi còn trẻ, để lại một vợ và ba con thơ. Tác giả Nguyễn Tường Nhung là con gái đầu của ông, lúc đó mới sáu tuổi, đã phải phụ giúp mẹ trong cuộc sống khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Đọc những trang hồi ức của tác giả để thấy lại sức phấn đấu, nhẫn nại của phụ nữ Việt Nam trong thời nhiễu nhương những năm tháng chiến tranh…
Tướng Ngô Quang Trưởng là một vị tướng nổi danh trong Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, được coi là trong sạch, liêm khiết và đức độ. Người ta chỉ biết đến tài chỉ huy quân sự của ông, nhưng ít ai biết về đời sống gia đình thường ngày và nhất là cuộc sống của ông khi lưu vong nơi xứ người. Hồi ức Tháng Ngày Qua đã soi tỏ một đời sống có thể nói là quá bình thường của vị tướng lãnh quyền lực nhưng đầy lòng nhân hậu, đồng cảm thương xót quân nhân thuộc cấp. Ông cũng là một người chồng đầy tình cảm lãng mạn, một người cha nhiều trách nhiệm, đã sống một cuộc đời khiêm nhường, khép kín nhưng có lẽ thật bình yên, hạnh phúc như một di dân tị nạn tại Hoa Kỳ…
 
                                                                   Nhà xuất bản Thạch Ngữ

*
Đây không chỉ thuần là một tập hồi ức, mà còn là những trang tư liệu rất quý về gia đình nhà văn Thạch Lam và tướng Ngô Quang Trưởng, một trong những vị tướng lãnh rất giỏi và trong sạch của Quân lực VNCH, được thuộc cấp nế phục. Và riêng tôi cũng rất kính phục và ngưỡng mộ từ đã rất lâu… Tác giả tuy là vợ tướng lãnh một vùng, nhưng bà sống rất giản dị, bình dân, lo cho chồng, cho con, biết thông cảm với mọi người. Những đoạn viết về thời tuổi trẻ quá cơ cực của bà dễ làm độc giả chảy nước mắt…
 
                                                             Nhà thơ Trần Thị Nguyệt Mai
 
https://tranthinguyetmai.wordpress.com/2022/01/14/thang-ngay-qua-hoi-uc-cua-nguyen-tuong-nhung/

*