Trong Đi vào cõi thơ, thi sỹ Bùi Giáng viết: “Chúng ta quen thói ngong ngóng chạy theo đuôi mọi thứ trào lưu, chủ nghĩa, chúng ta tuyệt nhiên không còn giữ một chút tinh thể cỏn con nào cả để thể hội rằng, lục bát Việt Nam là cõi thơ hoằng viễn nhất, kỳ ảo nhất của năm châu, bốn biển, ba bảy sông hồ…”
Thật vậy, kể từ Nguyễn Du đến Bùi Giáng, Hoài Khanh, Phạm Thiên Thư, Nguyễn Đức Sơn, Huy Tưởng, Nguyễn Tôn Nhan... thì suối nguồn lục bát Việt Nam vẫn hoài trôi chảy miên man một dòng thơ riêng biệt, bát ngát...
Phan Chính, một thi nhân đất Bình Thuận cũng thế, cũng để hồn thơ mình ngân rung trên cung bậc ngút ngàn lục bát một cách An nhiên lấp lánh:
Cũng chừng đời mãi loanh quanhĐếm sương rớt hạt lên xanh nỗi buồn
Bài thơ chỉ hai câu thôi đủ nói lên nỗi niềm của một kiếp nhân sinh, ngậm ngùi Thân phận vu vơ:
Xuống đây nương buổi thương chờThịt xương đã mặn giọt mồ hôi ta
Từng giọt mồ hôi mặn chát đã hòa trộn lẫn với từng giọt lệ để cho thi nhân bước Đi giữa truông đời:
Gõ tay đếm nhịp tuổi tôiThương dòng sông những truông đời nắng mưa
Mưa nắng phong trần vần vũ trên những chặng đường khúc khuỷu, nhiêu khê. Về tận chốn Tịch liêu thì cũng còn nghe đồng vọng khúc vô thường vang dội:
Nỗi buồn nhen gió cháy lênTa nghe đồng vọng gọi tên vô thường
Vô thường ca là bài hát nói lên sự thay đổi thường xuyên, liên tục của vạn hữu muôn loài, cho nên Dường như luôn luôn mới lạ và mới lạ mãi hoài:
Chào ta giáp mặt gương soiThấy thân thiết quá nụ cười bao dung
Thấy được nụ cười bao dung là thi nhân đã cảm được hương vị của Mùa xuân nhân thế:
Cảm ơn trời đất điên mêThức lên giọt nắng bốn bề nhân gian
Và Ngộ... ra một điều chi vi diệu, uyên thâm:
Lời kinh ru gió thì thầmPhải chăng nỗi nhớ tháng năm lăn tròn
Lăn tròn nỗi nhớ, niềm thương như thương nhớ đêm nào nơi Ga rừng Sông Phan sương khói phủ chập chùng:
Rùng mình lá núi bên sôngRót khuya đầy cõi hư không kiếp ngườiVỗ bờ con nước mồ côi
Nghe bìm bịp gọi thêm bồi hồi đêm
Đêm khuya khoắc bồi hồi chuyện chi không biết nữa, chỉ hay rằng nhà thơ đang Chờ hoa quỳnh nở trong bóng sương rơi:
Rưng rưng như giọt sương trờiEm về nhè nhẹ bước đời lang thang
Lang thang em đi về cõi mộng tồn sinh ly kỳ, gay cấn để anh Hóa thân thành cánh chim trời thơ dại:
Mai kia nhớ tiếc cũng đànhTháng năm xa vắng để anh luân hồi
Luân hồi qua vô lượng kiếp rồi bây giờ lại tái sinh làm một thi sỹ, ngày đêm sáng tạo mãi bài thơ Tôi:
Trong vô hạn của kiếp ngườiCó tôi lầm lũi vòng đời loanh quanh
Loanh quanh, lầm lũi bước đi hoang đàng trên mặt đất trần gian đến năm cùng tháng tận, thi nhân vẫn nghe hoài điệp khúc yêu thương vang lên bên bờ Biển tháng chạp tuyệt vời:
Năm cùng tháng tận biển ơiMà sao vẫn mặn mòi lời ru thương
Thương yêu cuộc đời rồi yêu thương chính mình, nhâp dịp Chào tuổi đầu năm, xuân mới thong dong:
Rượu đầu năm rót xoay vòngChào ta trong cõi vô cũng nhân gian
Giữa vô cùng thiên địa mang mang, chàng thi sỹ nơi vùng thị xã La Gi ấy đã bươn bã ra đi, từng nhập cuộc chịu chơi với toàn thể thế sự thăng trầm...
Trầm tư, nghe và thấy ra tất cả chỉ là huyễn hóa nên quay về nhẹ Buông... xuống hết trong niềm sâu lắng với nụ cười an nhiên im lặng:
Đằng kia bóng nắng là bờMà sao con nước hững hờ đợi ai?Mây trời rắc bụi tàn phaiVề thôi cũng tiếng thở dài an nhiên
An nhiên hạt bụi là thi phẩm thứ năm của Phan Chính, sau những tập Giọt sương, Giữa truông đời, Biển trắng như lòng ta thức đợi, Bảng lảng gió giêng. Đặc biệt, tập thơ này gồm 56 bài lục bát ngắn, một bài chỉ 2 câu hay 4 câu thôi.
Điều đó chứng tỏ tiếng thơ, nhất là thơ lục bát Phan Chính đã đến độ vô cùng súc tích trong cõi miền thi ca uyên mặc đến lặng lẽ vô ngôn...
Thị xã La Gi 24. 2. 2022
Tâm Nhiên
Tâm Nhiên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét