CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 31 tháng 8, 2021

SỰ THẬT – Thơ Trần Mai Ngân

 
  
               Nhà thơ Trần Mai Ngân


SỰ THẬT
 
Anh
Thắt những chiếc nơ xanh nơ vàng
Cho những lời ngôn tình mơ màng
Rồi thả bay đi - về em và tất cả
Sự lập lại giống nhau như thuộc bài
Một đường cưa cũ người thợ đốn nhiều cây ngã…
 
Em
Chắt chiu chiếc hộp kỷ niệm
Giữ gìn như kho báu của riêng mình
Kết vòng nguyệt quế cho cuộc tình
Lấp lánh nhất tuyệt vời nhất
Những thánh thiện ngây và ngô - Em đặt tên tình yêu anh…
 
Hôm nay
Sự thật là màu xanh của trời
Là màu trắng đám mây bay đi
Nhẹ nhàng và đôi ta mỉm cười
Thắp nến cho ngày đã qua thật đẹp!
 
                                                                 Trần Mai Ngân

BÊN BỜ SINH TỬ - Thơ Lê Văn Trung

 
  


BÊN BỜ SINH TỬ
 
Thôi bỏ lại bên này bờ sinh tử
Phận đời ta rơm rạ có ra gì
Bỏ lại hết cả nghìn sầu thiên cổ
Xót thương chi bèo giạt bến sông này
 
Lòng nhân thế, lòng mịt mù mưa nắng
Còn gì nhau mà muối mặn gừng cay
Khi đã biết đời nhau là hữu hạn
Còn gì nhau mà nghĩa trả tình vay
 
Ta đứng giữa trần gian mà bật khóc
Thương phận người tro bụi chảy về đâu
Ai thấy được thiên đường trong địa ngục
Ai thấy màu xanh qua cuộc bể dâu
 
Khi bỏ lại đời ta không tiếc nuối
Ta thắp câu thơ truy niệm kiếp người
Ta thắp câu thơ xưng lời thú tội
Cuộc tình người niệm khúc của chia phôi
 
Lòng dâu bể - tình em là dâu bể
Ta bỏ đi, tàn tạ, xác thơ buồn
Ai biết được ánh hào quang sự chết
Vẫn rực ngời trong sóng gió tang thương.
 
                                           Lê Văn Trung

CÓ...! – Thơ Phan Thạch Nhân


   

CÓ...!
 
Có những con đường ngày đêm sao mà da diết
Hắt hiu buồn vắng vẻ lạnh làn da
Nén tiếng thở dài nhìn quanh như phố chết
Ở đâu rồi? Một phố thị phồn hoa
 
Có một cụ già hom hem ôm gói hàng từ thiện
Nước mắt lưng tròng về nuôi cháu nhỏ lên ba
Bố nó ra đi từ những ngày đầu dịch bệnh
Phong toả lâu rồi giờ vẫn ở nơi xa
 
Có một người vợ chiều hôm quỳ bên vỉa hè đau đớn
Vái lạy tiễn chồng thôi chấm hết từ đây
Hai thân già lang thang tựa nhau giữa lòng phố lớn
Cầu nguyện cho người về phiêu bạt giữa trời mây
 
Có một căn nhà nằm im đầu con hẻm nhỏ
Vẳng tiếng kinh cầu xa xót bước chân qua
Nhẹ bước hững hờ đi qua chiều thu vùng đỏ
Đợi mãi chờ hoài chưa nhận được tro cốt của cha

............................
 
Có anh đây!
Sẽ đưa em về con đường xưa hay qua lại
Để ngắm phố buồn thêm hoang hoải chiều nay
Phật ở đâu? Xin bình yên cho nhân loại
 Chúa ở đâu? Xin soi sáng thế gian này.
 
                                                       Mùa thu 2021
                                                    Phan Thạch Nhân

Thứ Hai, 30 tháng 8, 2021

NHẶT KHÚC RU HỜI, MÙA GẶT – Thơ Tịnh Bình


  
                    Nhà thơ Tịnh Bình


NHẶT KHÚC RU HỜI
 
Cúi nhặt mùa ấu thơ bên cánh võng
Hoài niệm ùa về một thuở nắng mưa
Cơn gió khẽ đong đưa chùm cổ tích
Vọng tiếng gà xao xác gáy vào trưa
 
Dòng sông cũ bao mùa trôi thầm lặng
Cánh bèo xưa tím đến mênh mang
Những hoàng hôn chìm dần vào năm tháng
Lạc đâu rồi con diều giấy bay hoang
 
Ta về nhặt khúc ru hời ngọt lịm
Gió mùa thu xao xuyến dưới trăng mờ
Chú dế nhỏ khàn lời trong cỏ sớm
Hạt sương tròn ngỡ mắt biếc ngây thơ
 
Bước chân khẽ lối mòn xưa trở lại
Nồng nàn thương hương khói bếp quê nghèo
Trên mái ngói ríu ran bầy sẻ cũ
Gọi ta về miền thơ ấu trong veo...
 
 
MÙA GẶT
 
Thóc chín theo nắng lên bờ
Ngẩn ngơ hồn rạ chơ vơ nằm đồng
Héo lòng rơm cũng khô cong
Bén duyên hóa ngọn khói đồng chiều nay
Gửi gì theo gió bay bay
Sân phơi thóc lặng mắt cay hoen nhòa
Chân phương hạt lúa quê ta
Trắng trong lòng thóc hóa ra cơm vàng...
 
                                         TỊNH BÌNH
                                           (Tây Ninh)

THANH THẢN NÀNG THƠ – Tản văn của Tâm Nhiên




Cỏ hoa là tinh anh của trời đất, nhật nguyêt, nghìn năm kết tụ tạo nên rồi chuyển mình hóa hiện thành em, người em gái dịu dàng, duyên dáng, đoan trang, thuần hạnh, thanh thản một Nàng Thơ vô cùng diễm tuyệt.
 

Thứ Sáu, 27 tháng 8, 2021

MÓN ĂN ‘KHỔ NHỤC’ MÀ THỰC KHÁCH ‘CHỜ DÀI CỔ’ ĐỂ THƯỞNG THỨC - Trinh Phạm

Trải qua quá trình chế biến kỳ công tới gần 5 tiếng, món ăn này dù được ví là “khổ nhục” nhưng vẫn hút khách thưởng thức bởi hương vị thơm ngon “có một không hai”.

 
Nhiều người hài hước ví von rằng thưởng thức món ăn này “vừa khổ vừa nhục” cũng vì tên gọi độc đáo, dễ nhầm lẫn của nó (Ảnh: Trang Phạm)

Khâu nhục (hay còn gọi là khau nhục, nằm khâu) là món ăn có nguồn gốc từ Quảng Đông, Trung Quốc, được du nhập vào Việt Nam từ lâu.
Không chỉ xuất hiện ở một số vùng thuộc các tỉnh phía Bắc như Lạng Sơn, Bắc Giang, khâu nhục còn là đặc sản làm nên “thương hiệu” của mảnh đất Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh.
 

XÓM CẦU MỚI, MỘT HOÀI BÃO LỚN CỦA NHẤT LINH -Nguyễn Tường Thiết

Nguồn: Báo Việt Luận

 


Cha tôi, nhà văn Nhất Linh, cho ra đời hơn mười tác phẩm. Mẹ tôi sinh đẻ hơn mười người con. Bà thường nói đùa với chúng tôi: “Cứ mỗi lần Mợ có mang thì Cậu lại thai nghén một quyển truyện”. Những đứa con của mẹ tôi khi chào đời thường song hành với một tác phẩm mới của cha tôi được xuất bản. Chẳng hạn như anh Thạch tôi sinh năm 1935 ứng với năm tác phẩm Đoạn Tuyệt ra đời. Nhưng khi cha tôi bắt đầu thai nghén và khởi viết Xóm Cầu Mới vào năm 1940, trong khi mẹ tôi cuối năm đó sinh đẻ ra tôi, thì tác phẩm này vẫn chưa chịu ra đời. Lần này khi khởi viết Xóm Cầu Mới Nhất Linh mang hoài bão quá lớn, “cái thai” quá to, nên tác phẩm không chịu xuất hiện trên đời cho mãi đến ba mươi ba năm sau. Kỳ diệu thay chính tôi lại là người “đỡ đẻ” cho tác phẩm ra đời khi tôi cho xuất bản cuốn Xóm Cầu Mới lần đầu tiên vào năm 1973.
 

Thứ Năm, 26 tháng 8, 2021

ĐI VỀ LẶNG LẼ - Thơ Trần Mai Ngân

 
   


ĐI VỀ LẶNG LẼ
 
Em nghĩ không phải bằng cách này…
 
Anh đi và về trong lặng lẽ
Em đón anh trên tay người bịt kín khẩu trang
Không kịp thốt lời cảm ơn
Họ vội vã còn đưa bao người về nhà nữa…
 
Ngoài hiên vẫn giăng dây bảng đỏ
Mình đi vào thôi anh…
Em ôm anh - hũ sành sứ lạnh tanh
Tro bụi hình hài còn hăng mùi củi đốt…
 
Chỗ chiếc bàn anh hay ngồi vẫn vậy
Chỉ có thêm đôi nến trắng
Chiếc bình hương nghi ngút khói bay vòng
Chẳng có bông hoa nào trong mùa giãn cách
 
Anh bây giờ thanh thản
Chẳng còn đau cũng chẳng phiền sầu
Em hứa nước mắt chẳng rơi đâu
Không làm anh bận lòng luyến tiếc
 
Em không ngờ và cũng không hề biết
Rằng hôm nay lại có một ngày
Hình hài anh còn chút bụi tro này
Đi lặng lẽ… về thôi lặng lẽ
 
Em không ngờ và cũng không hề biết
Rằng hôm nay lại có một ngày…
 
Trần Mai Ngân
 
** Kính tặng và chia buồn sâu sắc đến những gia đình có thân nhân đi xa trong mùa đại dịch.
 

NGÀY XƯA, KHI CHÚNG TÔI MƯỜI TUỔI...! – Đinh Trực

 

Một nửa hơn của thế kỉ trước, khi lứa chúng tôi được 10 tuổi, biết ra đường nhặt hòn đá về, rồi kì cạch mài bằng tay. Mới đầu mài thành hình vuông, sau đó nó mài các cạnh dần dần, thành hình khối cầu...
Công đoạn này mất đứt vài ngày. Sau đó tiếp tục mài cho viên đá ấy cho tròn cho đến khi thành một viên đạn tròn, tuy nhiên không được hoàn hảo lắm...!

TIẾNG VIỆT – Thơ Lưu Quang Vũ

Lưu Quang Vũ sinh tại xã Thiệu Cơ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ nhưng quê gốc lại ở quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, là con trai nhà viết kịch Lưu Quang Thuận và bà Vũ Thị Khánh. Ông mất 29/8/1988 vì tai nạn giao thông (40 tuổi) cùng bạn đời Xuân Quỳnh và con trai Lưu Quỳnh Thơ.

 


TIẾNG VIỆT
 
Tiếng mẹ gọi trong hoàng hôn khói sẫm
Cánh đồng xa cò trắng rủ nhau về
Có con nghé trên lưng bùn ướt đẫm
Nghe xạc xào gió thổi giữa cau tre.
 
Tiếng kéo gỗ nhọc nhằn trên bãi nắng
Tiếng gọi đò sông vắng bến lau khuya
Tiếng lụa xé đau lòng thoi sợi trắng
Tiếng dập dồn nước lũ xoáy chân đê.
 
Tiếng cha dặn khi vun cành nhóm lửa
Khi hun thuyền, gieo mạ, lúc đưa nôi
Tiếng mưa dội ào ào trên mái cọ
Nón ai xa thăm thẳm ở bên trời.
 
“Ðá cheo leo trâu trèo trâu trượt...”
Ði mòn đàng dứt cỏ đợi người thương
Ðây muối mặn gừng cay lòng khế xót
Ta như chim trong tiếng Việt như rừng.
 
Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói
Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ
Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa
Óng tre ngà và mềm mại như tơ.
 
Tiếng tha thiết, nói thường nghe như hát
Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh
Như gió nước không thể nào nắm bắt
Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh.
 
Dấu hỏi dựng suốt ngàn đời lửa cháy
Một tiếng vườn rợp bóng lá cành vươn
Nghe mát lịm ở đầu môi tiếng suối
Tiếng heo may gợi nhớ những con đường.
 
Một đảo nhỏ ngoài khơi nhiều kẻ nhận
Vẫn tiếng làng tiếng nước của riêng ta
Tiếng chẳng mất khi Loa thành đã mất
Nàng Mỵ Châu quỳ xuống lạy cha già.
 
Tiếng thao thức lòng trai ôm ngọc sáng
Dưới cát vùi sóng dập chẳng hề nguôi
Tiếng tủi cực kẻ ăn cầu ngủ quán
Thành Nguyễn Du vằng vặc nỗi thương đời.
 
Trái đất rộng giàu sang bao thứ tiếng
Cao quý thâm trầm rực rỡ vui tươi
Tiếng Việt rung rinh nhịp đập trái tim người
Như tiếng sáo như dây đàn máu nhỏ.
 
Buồm lộng sóng xô, mai về trúc nhớ
Phá cũi lồng vời vợi cánh chim bay
Tiếng nghẹn ngào như đời mẹ đắng cay
Tiếng trong trẻo như hồn dân tộc Việt.
 
Mỗi sớm dậy nghe bốn bề thân thiết
Người qua đường chung tiếng Việt cùng tôi
 
Như vị muối chung lòng biển mặn
Như dòng sông thương mến chảy muôn đời.
 
Ai thuở trước nói những lời thứ nhất
Còn thô sơ như mảnh đá thay rìu
Ðiều anh nói hôm nay, chiều sẽ tắt
Ai người sau nói tiếp những lời yêu?
 
Ai phiêu bạt nơi chân trời góc biển
Có gọi thầm tiếng Việt mỗi đêm khuya?
Ai ở phía bên kia cầm súng khác
Cùng tôi trong tiếng Việt quay về.
 
Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ
Quên nỗi mình quên áo mặc cơm ăn
Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá
Tiếng Việt ơi tiếng Việt xót xa tình...
 
                                Lưu Quang Vũ

LÀN HƯƠNG – Thơ Trần Mai Ngân


  
 

LÀN HƯƠNG
 
Làn hương ai giữ được
Chỉ mộng mị thoảng qua
Khi trong cõi ta bà
Có, không người với ta!
 
Chênh vênh nẻo luân trầm
Xin đừng mong mỏi nữa
Dòng thinh sắc rủ rê
Thôi... rời chốn u mê
 
Dùng dằng chi ở, về
Hoàng hôn đà tiễn biệt
Sầu tan như buổi tiệc
Men say còn dư âm!
 
Bóng đổ lề nhân gian
Một bi lụy âm thầm
Xin giam vào sinh tử
Ai giữ được... làn hương!
 
              Trần Mai Ngân
 

HOÀI MONG ĐẤT MẸ! - Đức Hạnh và quý bạn thơ

 
   

 
HOÀI MONG ĐẤT MẸ!
 
Niềm vui bách bộ đã xa rời
Lũ khuẩn tung hoành hết dạo chơi
Mãi biệt người đi trời tẻ ngắt
Còn nghe lá rụng cảnh xa vời
Nhân loài nhiễm bệnh đời tan tác
Phố thị vươn trùng ngõ tả tơi
Bác sĩ tầm phương trừ khử dịch
Hoài mong đất mẹ nở môi cười..!
 
Đức Hạnh
17 08 2021
 
 
THƠ HỌA:
 
 
HY VỌNG
 
Mai mốt bình yên, dịch biến rồi,
Khải hoàn, phiêu lãng thỏa rong chơi...
Tao phùng tri ngộ nâng ly chuốc,
Thù tạc tương liên tiếp nguyệt vời...
Tết đến Đào Mai... phô sắc ửng,
Xuân về Hồng Cúc... rộ bông tơi!
Đất trời bừng tỉnh vui ngày mới,
Trái phúc trĩu thơm mở nắng cười!!!
 
Nguyễn Huy Khôi
17-8-2021
 

THUỐC CƯỜNG DƯƠNG BÀO CHẾ TỪ SỪNG TÊ VÀ CÁC BỘ PHẬN CƠ THỂ HỔ- Bùi Bảo Trúc

 “Thư gửi bạn ta”của Bùi Bảo Trúc viết ngày 29 tháng 7 năm 1998
 


Bạn ta,
Theo một số ý kiến, thì nếu những viên thuốc Viagra có được một điểm tốt đẹp, thì đó phải là sự kiện nó có thể cứu được loài hổ và tê giác thoát khỏi số phận của loài khủng long, của loài ma mút, của những con chim Hồng, chim Lạc... để không bị tuyệt chủng như các tổ chức bảo vệ thiên nhiên vẫn lo ngại từ nhiều năm nay.
 

Thứ Tư, 25 tháng 8, 2021

DI QUAN – Thơ Lê Phước Sinh


   


DI QUAN 
 
Phố buồn mặc niệm mấy tháng qua 
Tóc trắng áo tang ảnh nhợt nhòa 
Tiếng chuông không vọng, lòng ngã nghiến 
Đêm-dài-thế-kỉ cố vượt qua.
 
Lê Phước Sinh

RỒI CÓ MỘT NGÀY ANH SẼ KHÔNG CÒN LÀM THƠ – Lê Văn Trung


    


RỒI CÓ MỘT NGÀY 
ANH SẼ KHÔNG CÒN LÀM THƠ
 
Rồi có một ngày anh sẽ không còn làm thơ
Khi mặt đất đã chìm trong bóng tối
Khi tiếng khóc vang lời kinh sám hối
Của linh hồn anh vừa chết trong hồn em
Khi trái tim anh lặng lẽ im lìm
Những nhịp đập chỉ là lời trăn trối
Chúa cũng bỏ quên phép mầu cứu rỗi
Thơ úa vàng tơi tã một trời tang
 
Rồi có một ngày anh sẽ không còn làm thơ
Măt trời chết sau khu đồi vĩnh biệt
Cả nhân loại trước con đường hủy diệt
Không nhiệm mầu nào quay lại thuở hồng hoang
Lửa cháy thiên thu lửa cháy điêu tàn
Thơ tro bụi không luân hồi sinh tử
Thơ vỡ nát từng mảnh hồn tan vỡ
Thơ về đâu? Không địa ngục thiên đàng
 
Rồi có một ngày anh sẽ không còn làm thơ
Máu sẽ chảy như một dòng nham thạch
Máu sẽ khô phơi bầm trên mặt đất
Linh hồn thơ lạc lõng giữa hoang vu
Không còn ai về nhỏ lệ bên mồ
Trong hố thẳm trái tim tình ngưng đập.
 
                                        Lê Văn Trung
 

Thứ Ba, 24 tháng 8, 2021

CHONG ĐÈN ĐỌC VĂN TẾ THẬP LOẠI CHÚNG SINH –Thơ Nguyên Lạc

 
    


CHONG ĐÈN
ĐỌC VĂN TẾ THẬP LOẠI CHÚNG SINH
 
Đêm quánh đặc tiếng thời gian tích tắc
Chong đèn khuya đọc lại truyện tử sinh
"Còn chi ai quí ai hèn?
Còn chi mà nói ai hiền ai ngu
Một phen thay đổi sơn hà
Mảnh thân chiếc lá biết là về đâu?" *
 
Chong đèn đọc truyện Nguyễn Du
Câu thơ trêu khổ thiên thu lệ người!
Lệ xưa tháng bảy sụt sùi
Người nay mùa đến có vui được nào?
 
Hỡi nhân gian! Biết làm sao?
Để quên được thuở ba đào nhiễu nhương
Để quên oan nghiệt đoạn trường
Sinh ly tử biệt... tai ương cõi đời!
 
Tiền nhân thảm thiết khóc người
Ta nay đêm muộn mượn lời thơ xưa
Chiêu hồn tháng bảy mưa đưa
Gởi theo tiếng gió lạnh thừa đêm nay!
 
Khêu đèn cho nỗi sầu dài
Đọc trang thơ cổ khóc ai mùa về!
"Chúng sinh thập loại" buồn thê!
Đêm trôi tích tắc tái tê tiếng lòng!
 
Lưng tròng số kiếp trầm luân
Khép trang thơ cổ... Nến hồng lụn tim!
Khóc đời cũng khóc nỗi riêng
Sắc Không gõ tụng lời kinh vô thường!
 
                                        Nguyên Lạc
 
.............

[*] Lời thơ "Văn tế thập loại chúng sinh" - Nguyễn Du

Thứ Hai, 23 tháng 8, 2021

ĐỌC “THƠ VIẾNG ĐỒNG BÀO CHẾT DỊCH COVID 19” CỦA NGUYỄN KHÔI - Châu Thạch


   

 
THƠ VIẾNG ĐỒNG BÀO CHẾT DỊCH COVID 19
 
Tiết tháng bảy trời bừng nắng nóng
Lửa cháy rừng rực bỏng miền Trung
Được thời Covid vẫy vùng
Thành Hồ thất thủ... hãi hùng xiết bao.
Ngày trăm người theo nhau chết Dịch (1)
Bình Hưng Hòa không kịp đốt thiêu
Vaccine đến chậm, ít liều
Thuốc men đặc hiệu " phăng teo" còn chờ...
Sốt, tắc mạch, nghẹn ho... ngạt thở
Bình Oxy chẳng đủ vạn người
Thôi thì là chết thì thôi
Chết không tang lễ, không lời điếu thương !
Đây những kẻ cùng đường nghèo khổ
Hy vọng vào Đất Hứa kiếm cơm
Chen nhau ổ Chuột ven đường
Gặp phen Dịch cúm lặng buồn tử vong.
Đây những kẻ lừng Văn nghệ sĩ
Đấng tài hoa tuyệt mỹ diễn trò
Gặp phen mắc cúm ốm o
"Ra đi" hơ hớ tuổi thơ một mình.
Đây những kẻ đình huỳnh Ông Chủ
Nào xe sang, biệt phủ dollar
Thị trường khuynh loát tài ba
Gặp phen mắc cúm... Tiền mà làm chi ?
Đây những kẻ đua thi Thơ phú
Mải tào lao phố chợ ham vui
Say sưa Bia rượu quên đời
Gặp phen mắc cúm... về Trời đọc Thơ.
Đây những kẻ làm thuê hiện đại
Buộc chân vào cỗ máy Nhật, Hàn...
Trong khu Công nghiệp vây quanh
Gặp phen mắc cúm cũng đành tàn hơi.
Đây những kẻ ngời Blu trắng
Dấn thân vào cứu sống bao người
Dầm trong vùng Dịch mệt nhoài
Nhiễm Virus cúm quá... thời tử vong.
Đây những kẻ trong vòng "giãn cách"
Lo an dân, cấp bách tiếp nguồn...
Ngày đêm canh gác phố phường
Dính con Covid... đáng thương thật là...
Dịch đang Diễn dân ta khổ sở
Sẽ "Quốc tang" tưởng nhớ các người
Rằm này tháng bảy buồn thui
Nén nhang vọng tưởng thương ôi lệ tràn...
 
Hà Nội, rằm tháng 7 Tân Sửu (2021)
Nguyễn Khôi kính viếng...
 

Chủ Nhật, 22 tháng 8, 2021

MỘT CHÚT HOÀI NIỆM VỀ BÚT VIẾT HỌC TRÒ NGÀY XƯA – Lưu Khâm Hưng



Thế hệ họᴄ trò nhỏ ngày xưa đi họᴄ thiếᴜ thốn, kháᴄ ngày nay nhiềᴜ qᴜá. Từ lớρ Năm đến lớρ Nhì ρhải dùng bút ᴄhấm mựᴄ đượᴄ làm thủ ᴄông, ngòi sắt ᴄhấm mựᴄ từng nét viết, dễ dây bẩn trang giấy. Ngòi viết ᴄó tên rất vᴜi như: là Tre, lá Mít. Đặᴄ biệt ᴄó “anh” ᴄao và to nhất là ᴄây viết Rong ᴄhỉ để dùng ghi ngày tháng, tựa bài ᴄho trang trọng, nổi bật đẹρ mắt.
 

TIẾNG RAO TRẦM, MÙI PHỐ - Thơ Tịnh Bình


    
             Nhà thơ Tịnh Bình

 
TIẾNG RAO TRẦM
 
Mẹt hàng bày bán thức quê
Quang gánh mẹ quẩy lời rao khắp cùng ngõ phố
Mồ hôi hòa trộn vị mưa
Con chợt biết mình không tự nhiên mà lớn...
 
Mẹ như cánh cò gồng gánh nỗi cần lao
Nắng táp mưa sa bạc sờn vai áo
Phai dấu thanh xuân bao đêm chong đèn thức cạn
Lạc về đâu thăm thẳm tiếng ơ ầu
"Bên ướt mẹ nằm khô ráo phần con..."
 
Miệt mài phố thị
Nâng cánh ước mơ ngày con khôn lớn
Gánh hàng rong oằn phận đời tần tảo
Vai mẹ gầy trĩu nặng gió sương...
 
Con không viết nổi một bài thơ
Dẫu ngàn câu cũng chợt thành vô nghĩa
Chẳng thể đo lường tình mẹ sâu nông
Nhưng con biết mình không bơ vơ nguồn cội
Phía miền thương da diết tiếng rao trầm...
 

TẤM LÒNG NẮNG XUÂN – Nguyên Lạc



 
Mẹ già như chuối chín cây
Gió lay mẹ rụng, con rày mồ côi 
                                     (Ca dao)
 
Nhân ngày rằm tháng 7, lễ Vu Lan bồn, ngày nhớ ơn và tưởng niệm cha mẹ, tôi viết vài hàng về Mẹ.
 
LỄ HỘI VU LAN BỒN
 
Trước hết xin có vài lời về Vu Lan bồn:
Vu Lan bồn là tên của một lễ hội Phật giáo được tổ chức rộng rãi ở Đông Á. Lễ hội này được cử hành vào cuối kỳ an cư mùa mưa của cộng đồng Phật giáo, tức là vào ngày 15 tháng Bảy âm lịch. Những vong linh được tin sẽ quay trở về nhà vào ngày này; và để tỏ lòng thành kính đối với họ, người ta đặt bày phẩm vật dâng cúng lên bàn thờ, đốt hương và thỉnh mời chư Tăng tụng đọc kinh chú, v.v. Tên của lễ hội này được dựa vào kinh Vu Lan bồn (Giáo sư Seishi Karashima – Nguyên Hiệp dịch)
 

Thứ Bảy, 21 tháng 8, 2021

ĐẠI DỊCH COVID BÙNG PHÁT! - Đức Hạnh và quý bạn thơ


  

 
ĐẠI DỊCH COVID - BÙNG PHÁT!
[Thuận nghịch đọc]
 
Thương quá! Cảnh tình cách trở đang
Tưởng mơ quê Mẹ, nhớ nhung làng
Tường loài biến thể [1] phòng phương ngáng
Vướng khuẩn kinh hồn sợ ngõ sang…
Dương bệnh nhiễm dần tăng tối, sáng
Lượng muôn sầu hãi khiếp trên đàng
Thường an bệnh khỏi lòng vui sướng
Hương ngát nghĩa thầy đức vọng vang…
 
Vang vọng đức Thầy nghĩa ngát hương…
Sướng vui lòng khỏi bệnh an thường
Đàng trên khiếp hãi sầu muôn lượng
Sáng tối tăng dần nhiễm bệnh dương
Sang ngõ sợ hồn kinh khuẩn vướng
Ngáng phương… phòng thể biến loài tường
Làng nhung nhớ, Mẹ quê mơ tưởng
Đang trở cách tình cảnh quá thương!
 
Đức Hạnh
14 08 2021
 
[1] "Các biến thể virus SARS-CoV-2 ngày càng đột biến nguy hiểm, khó dự đoán so với chủng gốc ban đầu"