CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC
Hiển thị các bài đăng có nhãn Đỗ Tư Nghĩa. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Đỗ Tư Nghĩa. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 5 tháng 12, 2023

HAI ANH EM HỌ ĐỖ - Thơ Đỗ Tư Nhơn


  
            Hai anh em Đỗ Tư Nhơn, Đỗ Tư Nghĩa


HAI ANH EM HỌ ĐỖ
 
Anh em nhà họ Đỗ
Mồ côi cha từ nhỏ
Sống với mẹ, chị, bà
Thời chiến tranh gian khổ
 
Cùng mê say văn chương
Chọn sách gối đầu giường  
Phạm Công Thiện, Ý thức...    
Gạch chân đỏ nhiều trang 
 
Anh theo nghề gieo hạt  
Ươm mầm cho tuổi xanh    
Em miệt mài dịch thuật    
Minh triết của hiền nhân   
 
Thỉnh thoảng anh ghé thăm em    
Lưng chừng dốc Nhà Chung   
Căn phòng trọ trong hẻm  
Một mình sống an nhiên  
 
Rủ nhau ra ngồi quán  
Trước nhà thờ Chánh tòa   
Ly cà phê buổi sáng    
Ngồi lặng yên nhìn xa  
 
Từ lúc em giã biệt   
Vẫy tay chào trần gian  
Đà Lạt nghe trống trơn 
Anh bước đi cô tịch    
 
Hẹn một lần gặp lại   
Nơi sông suối cỏ lau   
Nắm chặt bàn tay nhau   
Tình anh em còn mãi.
 
Đỗ Tư Nhơn
Thị xã Quảng Trị, 4-12-2023.

  

  
     Chỗ ngồi năm xưa/Chỉ còn ghế trống/Em về cõi không/Anh buồn lệ ứa!

  

Thứ Bảy, 8 tháng 7, 2023

ĐỌC “DỐC HOA VÀNG, NHỚ CẬU”, thơ Nguyễn Đại Hoàng - Châu Thạch


    
           Nguyễn Đại Hoàng đang phát biểu 
              tại diễn đàn Quán Văn                                       
 
          
DỐC HOA VÀNG - NHỚ CẬU
 
Tôi vẫn thấy- người về dốc thẳm
những mù sương Đà Lạt ngàn năm
những nụ cười im lặng xa xăm
những trang viết mang hồn đất nước…
 
Người ra đi – thơ còn xuôi ngược
để gởi tình yêu – gởi cuộc đời
những bài thơ tháng năm vẫn đợi
hoa quỳ vàng vời vợi cố nhân…
 
Hồn quê cũ mẹ hiền vương vấn
nếp nhà xưa mấy bận bâng khuâng
nhớ Nguyễn Hoàng - nhớ nắng Hải Lăng
mây trắng - nhớ tài hoa Quảng Trị
 
Tôi vẫn thấy người trên vạn lý
Hồ Xuân Hương lặng lẽ chiều buông
dốc hoa vàng
người đứng trong sương…
 
                            Nguyễn Đại Hoàng
 
 
ĐỌC “DỐC HOA VÀNG- NHỚ CẬU”, thơ Nguyễn Đại Hoàng                                                                                            Châu Thạch
  
Tôi chỉ mới biết nhà thơ Nguyễn Đại Hoàng gần đây. Tôi biết ông qua những bài tùy bút viết về thơ trên trang facebook có tên Anh Dung Hoang.
 
Phải nói tuy mới biết ông, nhưng tôi vô cùng ái mộ bởi bài viết của ông ngắn gọn, súc tích, chính xác và trí tuệ.
 
Hôm nay lại được đọc bài thơ ông viết để tưởng nhớ cậu ruột của mình, nhà thơ, nhà dịch giả, triết gia Đỗ Tư Nghĩa, cũng là một đồng môn mà tôi hằng cảm phục, khiến tâm hồn tôi như gặp, cảm xúc trong tôi như gần với cảm xúc trong thơ.
 

Chủ Nhật, 26 tháng 3, 2023

GẶP NHAU GIỮA MÙA ĐẦU TIÊN – Thơ Trần Thoại Nguyên


  


GẶP NHAU GIỮA MÙA ĐẦU TIÊN
(Tặng anh Đỗ Tư Nhơn, anh trai của Bạn Vàng Đỗ Tư Nghĩa.)
 
Nửa thế kỷ đã già nua
Còn duyên nhau, gặp giữa mùa đầu tiên!
Hẹn nhau từ bữa sinh tiền
Đỗ Tư Nghĩa đã về miền Bồng Lai!
 
Bây giờ mới gặp nhau đây!
Đỗ Tư Nhơn hỡi! Sáng nay Hoa Vàng
Phạm Thiên Thư ngó nhìn sang
Cùng vui cười nói rộn ràng quán không!
 
Bây giờ tóc trắng như bông
Đỗ Tư Nghĩa! Nhắc Bạn! Lòng nhớ thương!
Trần gian ngọn gió vô thường
Bạn đi trước! Hẹn quán đường thiên thu!
 
Ở đây sương khói bụi mù
Vui từng khoảnh khắc theo phù hoa bay!
Chén tình rót uống hồn say
Cõi nhân gian mộng cỏ cây xanh bờ!
 
Gặp anh đây, tặng vần thơ
Chút tình lưu niệm giấc mơ cuộc đời!
Mai sau nhật nguyệt mù khơi
Còn xanh rêu đá mây trời nghìn thu.
 
Quán Hoa Vàng, sáng 27/9/2022.
BỤI ĐỜI THI SĨ Trần Thoại Nguyên

Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2022

TRÊN GIƯỜNG BỆNH NHỚ NGÀY TIỂU TƯỜNG CỦA ĐỖ TƯ NGHĨA (16/9/2022) TẠI ĐÀ LẠT - Đoàn Đức.

 
Vợ chồng Đức-Nhàn ghé thăm Đỗ Tư Nghĩa ngày 10/3/2021 tại Đà Lạt
 

Thân gởi Mylly con gái yêu của Nghĩa!
 
Rồi 10/3/2021 Chú Thím hẹn Bs Seiko đến thăm ba cháu.
Khi ba cháu muốn tựa đầu vào ngực chú. Chú nhớ đến các bạn đồng song với ba cháu, nên viết vài dòng kèm ảnh gởi cho họ.
 
Nghĩa ơi! Còn đâu màu cỏ úa. Con đường xưa chúng ta đi. Ngày hai buổi đến trường. Bảy năm ròng cùng lớp. Trường Nguyễn Hoàng Quảng Trị thuở thơ ngây.
 
Rồi ngày hạ hết cấp. Khi đậu xong Tú Tài toàn phần. Minh, Thắng, Nghĩa ba đứa cùng vào Đà Nẵng, ghé bãi biển Nam Ô. Bên bờ đá sóng vỗ. Chụp lại tuổi thanh xuân. Khuôn mặt ngời rạng rỡ. Một thời trai hoài bảo.
 
Rồi đến tình Văn Khoa Đại Học. Những giờ nghe giảng triết. Nghĩa, Hạnh, Minh cùng Tuấn. Bên bóng hồng Như Ngân. Nghĩ cuộc đời thơ mộng. Hiện sinh cùng hiện tại giữa cõi đời này. Đó là phút huy hoàng vô hạn. Bốn năm rồi cũng hết. Chia tay dù không nói. Lẳng lặng chỉ nhìn nhau. Trời mai đầy ước hẹn. Sá gì chút bận lòng.
 
Cánh chim bay tung cánh bạt ngàn.
Ai ngờ con chim nhỏ về đậu. Bảo Lộc khuất sương mù.
Cầm phấn vẽ cuộc đời.
Vòng đầu hay vòng cuối.
Tận cùng hay khởi điểm?
Hữu thể và hư vô.
Hãy hỏi Heidegger mà Nghĩa học.
 

Thứ Hai, 13 tháng 6, 2022

NÉN HƯƠNG LÒNG CHO ANH – Đỗ Tư Nghĩa

                         (Thương gửi hương hồn Anh Trần Thương Bá)
 

Trong bài viết của mình, chị Trần Thị Thu Tâm đã phân vân không biết nên nói về Trần Thương Bá như là một nhà thơ, hay một người anh. Và sau cùng, chị đã quyết định chọn phương án thứ hai. Còn tôi, tôi cũng phân vân không biết nên viết về Trần Thương Bá như một người Thầy, một nhà thơ, hay là một kẻ tri âm. Lần này, tôi xin chọn phương án thứ ba – tôi muốn viết về Anh như một kẻ tri âm.
 
Cuối năm 1999 của thế kỷ trước, tôi đã in một tập “thơ” mang tên Gởi Tình Yêu – Gởi Cuộc Đời. Để tạm gọi là “chia tay thế kỷ 20”. Tác giả “bao sân” từ A đến Z trên computer. Xong đưa đi in lụa 200 bản, chỉ dành tặng bạn bè và thân hữu.
 

Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2022

THI SĨ, DỊCH GIẢ ĐỖ TƯ NGHĨA: ÂM VỌNG CON NGƯỜI – Nguyễn Hữu Hồng Minh

 Nhà thơ, dịch giả Đỗ Tư Nghĩa (sinh năm 1947) vừa qua đời để lại bao thương tiếc cho bạn bè. Cả cuộc đời ông được biết đến như một Dịch giả đã chuyển ngữ nhiều tác phẩm nổi tiếng về Triết học, Sống đẹp, Danh nhân... nhưng ít ai biết rằng ông còn là một Thi sĩ. Ông trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 75 tại nơi phố núi Đà Lạt lúc 6h15 ngày 16-9 để lại nhiều bản thảo giá trị...

Nhà thơ - nhà văn Nguyễn Hữu Hồng Minh 
 
Bây giờ nghĩ lại, tôi mới nghiệm ra tất cả mọi điều trên đời sống chỉ tựu trong một chữ Duyên. Có người ta may mắn được duyên gặp cố tri, có người duyên chỉ tới mức hình dung qua giọng nói.
Với tôi, Đỗ Tư Nghĩa chỉ là một giọng nói. Một giọng nói giữa non cao, rừng thẳm.


Dạo ấy có một người bạn yêu văn chương tên là Văn Cát Tiên. Cuộc đời cũng lạ! Thi sĩ làm thơ chỉ muốn "giải nghiệp" vì khổ quá. Vậy mà bao kẻ cứ muốn đâm đầu vào thơ. Lại chạm đến chữ duyên chăng? Văn Cát Tiên có mang đến cho tôi tập thơ "Phù Hoa" mà anh rất tâm huyết. Viết đến thổ cả máu. "Cải ngồng còn đó hay thôi / Ai đem dưa muối một thời xanh non". Tôi đọc tập đó mới thấy Tiên bị thơ hành như thế nào? "Phù hoa" dễ gợi nhớ đến nhưng chắc chắn là không phải cái "hội chợ phù hoa" của nhà văn William Makepeace Thackeray, tiểu thuyết gia xuất sắc của nền văn học Anh, điển hình cho trào lưu chủ nghĩa hiện thực thế kỷ 19. Nhưng có lẽ Tiên cũng đã đọc nó nên mang tham vọng viết về xã hội "kim tiền" đương đại hôm nay sau hai thế kỷ vẫn "chảy máu" và băng hoại.
 

Thứ Bảy, 18 tháng 9, 2021

LỜI TIỄN BIỆT ĐỖ TƯ NGHĨA CỦA HAI NGƯỜI BẠN VƯỜN ĐÀO – Nguyễn Thắng và Đoàn Đức

 
Nhà thơ Đỗ Tư Nghĩa
 


6 giờ 15 phút ngày 16 tháng 9 năm 2021, Cành-Đào bỗng gãy! Hoa Đào ngát hương phủ đầy mặt đất. Than ôi! Nghĩa đã mất thật rồi! Thời gian như ngừng lại... Hai đứa Thắng – Đức mắt nhòa lệ, tưởng như nhìn thấy cô giáo cũ Nguyễn Thị Nhã đang nắm tay Nghĩa dẫn đến lớp Đệ Tứ 2, trong ngôi trường Nguyễn Hoàng 57 năm về trước.

Từ nay không còn đủ “Tam-Anh-Vườn-Đào” mà Cô thường nhắc, để cố gắng học hành cho xứng với tên.
Nhớ ngày nào ba đứa chúng ta cùng nhau sáng chiều, mưa nắng đến trường. Những buổi học chung, những lần bắt chim, những ngày chủ nhật đi hái sim, hái ổi tận An Đôn, Nhan Biều…
 
Trong lớp, ba đứa luôn ngồi bàn đầu trước thầy cô giáo. Nghĩa giành ngồi giữa để có được Thắng – Đức cả hai bên, sao khôn thế? Những buổi thuyết trình trước lớp, Nghĩa cũng giành đọc phần giữa, không chịu trình bày nhập đề và kết luận, bởi biết rằng có Thắng và Đức kề bên.
 
Lên Đệ nhị cấp, Nghĩa cùng Đức về một lớp Ban C. Tội cho Thắng một mình lạc lõng ban B. Từ ấy, ba đứa chỉ còn gặp nhau cuối tuần hoặc mỗi tháng. Rồi dù tay vẫn còn nắm, nhưng đã buông lơi. Bởi những bóng hồng xinh đẹp vờn qua hư ảo.
 
Chúng ta vẫn nhớ nhau, gặp nhau dù mỗi người đi một lối. Đôi lúc ngồi lại, nhắc chuyện thuở học Đệ nhất cấp…
 
Lên Đại học, Thắng rẽ lối Y Khoa, chỉ còn lại Nghĩa Đức cùng vào Văn Khoa. Bốn năm Nghĩa đi vào con đường Triết học, truy tìm chân lý cùng Mậu Minh, Đình Hạnh, Lương Tuấn, Như Ngân… chọn nẻo về của ý để diễn đạt hết lòng mình.
Thắng và Đức đứng xa, nhìn hạnh phúc trong vòng tay của Nghĩa.
 
Chúng ta lời chưa nói, đêm nào đã nói; thường chúc phúc cho nhau dù mỗi người một nẻo. Nhưng sợi chỉ hồng “Vườn-Đào” vẫn luôn kết nối chúng ta, dù mỏng manh - bởi Cô Nhã đã buộc vào ba đứa từ độ hoa niên – không tài nào gỡ ra được! Thế nên, chúng ta luôn nhớ về nhau và mong gặp mỗi khi có dịp. Cho dù xa xôi cách trở bởi sông núi, chúng ta luôn gần gũi vì hằng nghĩ đến nhau trong tâm hồn.
 
Nay bạn ra đi, hai đứa còn lại buồn đau vì thấy mất đi một cái gì không nói được: đó là con tim thời thơ ấu chúng ta. Nó chiếm hết một phần ba đời người. Nghĩa là một phần đời của Thắng và Đức. Và ngược lại!
 
Nay về lại cố quận, Nghĩa được Cô Nhã, Thầy Bá, Thầy Tâm mừng đón rồi cùng họp mặt với các bạn đồng môn khác…
 
Nơi đây, Thắng với Đức luôn nghĩ Nghĩa không bao giờ mất đi. Nghĩa vẫn còn đó! Dalat là Nghĩa – Nghĩa là Dalat. Nghĩa hiển hiện phơi phới diệu kỳ giữa rừng thông cao vút, trên mặt hồ đầy sương mù, bên dòng suối thơ mộng và trong những cơn mưa nhạt nhòa hay nắng ấm vàng rực muôn ngàn cánh hoa dã quỳ thương nhớ. Thế là Thắng và Đức vẫn dễ dàng gặp Nghĩa dù âm dương cách biệt đôi đàng!
 
Thôi, chia tay với Nghĩa như ngày xưa, chia tay với con Phượng Hoàng gục chết giữa lửa hồng để hồi sinh trong những tác phẩm để đời!
 
Cho Thắng và Đức ngăn dòng lệ chảy tràn trên má để cố gắng mỉm nụ cười nhìn bạn đi xa.
 
                                     Viết cho Nghĩa ngày 17 tháng 9 năm 2021.
                                              Nguyễn Thắng – Đoàn Đức



      
Tam Anh Vườn Đào Trung học Nguyễn Hoàng (1960-1967)

Đỗ Tư Nghĩa và  Đoàn Đức

Đoàn Đức và Nguyễn Thắng