CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 30 tháng 6, 2022

NHỮNG BÀI TỨ TUYỆT #6 - Nguyên Lạc


   
                  Nhà thơ Nguyên Lạc

 
CHIỀU ĐỢI SÂN GA
 
Em về nhé? Ta vẫn chờ em đó!
Phố chiều nay nghiêng sợi nắng rất buồn!
Ghế đá lạnh đèn sân ga mắt đỏ
Tàu sẽ về? Ta vẫn mãi đợi mong
 
 
TÌNH KHÚC QUÁN CHIỀU
 
Ta đang đợi ta đang chờ em đó?
Quán chiều nay mưa lất phất sợi buồn!
Có gì đâu nhòe mắt lệ vấn vương?
Đời đã đợi... trầm thống chi nỗi nhớ?
 
 
CÀ PHÊ ĐÊM
 
Sâu góc quán đêm ly cà-phê đắng
Từng giọt trầm rơi buồn đọng trên môi
Nhạc khúc "Tình sầu" người rồi xa vắng
Giọt đắng tiếng đời cô lữ đêm trôi!
 
 
THIÊN THU
 
Thiên thu tình đã thiên thu
Thì thôi nhan sắc sương mù huyễn không
Huơ tay lạnh một chỗ nằm
Ôm đêm cô lữ căm căm giấc hồ
 
 
HƯƠNG SẮC
 
Tình khói sương huyễn mộng
Nhân thế là giai không?
"Một phương trời ta vọng"
Hương sắc người trăm năm!
 
                         Nguyên Lạc
 

Thứ Tư, 29 tháng 6, 2022

NỖI LÒNG TAM NGUYÊN, THÁC QUÁ NHIỀU - Thơ Chu Vương Miện


   

 
NỖI LÒNG TAM NGUYÊN
“Gửi Anh Cung Tích Biền”
 
Nào tiểu khoa đại khoa
Đứng đầu cả
Tổng đốc ba tỉnh Sơn Hưng Tuyên
Giờ bó tay dưới quyền quản chế
Của tri huyện Hưng Yên Lê Hoan
Tay em của Kinh Lược Sứ Bắc Kỳ Hoàng Cao Khải
“nguyên là con trai ngoài hôn thú của Cao Bá Quát
và vợ của thông phán Hoàng Văn Thông
thuộc cấp dưới quyền quan huyện Nông Cống Cao Bá Đạt”
Già tuy có già
Nhưng chết chưa chết?
Nhập gia tuỳ tục nhập giang tùy khúc?
Đéo có chi vui?
Mà toàn là nhục
Có người có cơ may
Có dịp để mà chết?
Như Ức Trai, Võ Tánh, Ngô Tòng Chu, Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương...
Có người bị bắt làm tù binh
Tay cùm chân xiềng bịt kín cả hai mắt
Bị giải bằng đường bộ
Cúi đầu đi qua ải Nam Quan về Kim Lăng
Như Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương, Nguyễn Phi Khanh
Một lũ đi dưới giáo gươm dí vào lưng
Mình chả được giống ai ?
Hưu chả ra hưu tù chả ra tù
Sống không ra sống mà toi chả ra toi?
Mà chết quách đi cho rồi
Hèn quá xá không dám thác?
Sống đi ra đi vào
Trong bờ tre khóm trúc
Kèm trẻ em học vỡ lòng
Lớp đồng ấu
Chủ tịch dổm hội thơ Tao Đàn Vườn
Xướng hoạ thơ Kim Vân Kiều truyện
Hai mắt thong manh thưởng thức hoa Trà
 Bằng hai lỗ mũi
Quẩn quanh một bày xỏ lá
“còn cha thi pha chi đốt lông dái
Còn mẹ thì đốt cả lông l…”
Một lũ quan ôn
Cũng xuất thân cửa Khổng sân Trình
Giờ làm tay sai chả đúng
Một lũ bán nước ác ôn
Ngẫm đáng trách đáng buồn?
Một đống kinh thư một dẫy nho chùm
Đi ra rồi lại đi vào
Trong tư dinh thằng quan huyện
Thời thế nhố nhăng
Thời hoàng hôn nhá nhem nửa Ta nửa Pháp
Nửa Hán nửa Chệt nửa Hoa Lục Súc
Chán thấy bà mụ nội
thời buổi chừ cơm cũng ngang xôi
giả cầy thay thế thịt chó
toàn ba rọi răng cải mả
ôi đời 3 nguyên? chấm dứt
 

Thứ Ba, 28 tháng 6, 2022

NHỚ TRỜI QUÊ NGOẠI – Thơ Tịnh Bình

 
   
            

NHỚ TRỜI QUÊ NGOẠI
 
Hoàng hôn rơi giọt nắng tàn
Đàn chim xoãi cánh đa mang cuối trời
Chút gì man mác tôi ơi...
Lục bình hoa tím chơi vơi giữa dòng
 
Nhớ trời quê ngoại buồn không
Gòn bay trắng lối hoài mong niềm gì
Những mùa tuổi dại thiên di
Hoa chanh hoa bưởi xuân thì trao ai
 
Hoen chiều sợi khói mờ cay
Còn đâu dáng ngoại những ngày bé thơ
Câu ca đi lạc vào mơ
Ngân rung tiềm thức vô bờ nhớ thương
 
Vớt chiều đôi sợi nắng vương
Đôi bờ lau lách sao dường xa xôi
Nhớ trời quê ngoại lòng tôi
Vàng bông bí nở dưới trời mưa tuôn...
 
                                     TỊNH BÌNH
                                      (Tây Ninh)

Thứ Hai, 27 tháng 6, 2022

NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ BẤT NGỜ "PHỤ MẪU" 父母 – Phiếm luận của Đỗ Chiêu Đức



Nhân này LỄ CHA, xin được truy nguyên về sự hình thành của chữ PHỤ  là CHA. Theo "Chữ Nho... Dễ học" thì chữ PHỤ thuộc dạng chữ mượn Tượng Hình để Chỉ Sự theo diễn tiến của chữ viết như sau:
                  
     Giáp Cốt Văn      Đại Triện          Tiểu Triện              Lệ Thư
                   

Ta thấy:
           
Giáp Cốt Văn và Đại Triện là hình tượng của một người đang cúi mình dang hai tay ra phía trước, một trên một dưới, ở giữa là một cây nọc dùng để xăm lổ để bỏ hạt giống gieo trồng. Đó là người lao động chính để nuôi sống gia đình, là hình tượng của NGƯỜI CHA trong xã hội nông nghiệp sơ khai. Đến Tiểu Triện thì các nét được kéo thẳng ra để tạo thành chữ viết, đến chữ Lệ của đời Tần thì chữ PHỤ  đã giống như chữ viết hiện nay.
             
PHỤ  là CHA, là Chồng của Mẹ trong gia đình; còn ngoài xã hôi PHỤ là những bậc đáng hàng Cha Chú, như Hương Thân Phụ Lão 鄉親父老 là nhóm từ dùng để chỉ "Những bậc trưởng thượng trong làng xóm". Sư Phụ 師父 là Thầy dạy, Thần Phụ 神父 là Ông Cha (trong nhà thờ)... Trong gia đình ta còn có:
     
TỔ PHỤ 祖父 là Ông Nội, NGOẠI TỔ PHỤ 外祖父 là Ông Ngoại, BÁ PHỤ 伯父 là Bác, THÚC PHỤ 叔父 là Chú, CỬU PHỤ 舅父 là Cậu... 
     
PHỤ khi đọc là PHỦ (dấu hỏi) còn dùng để chỉ những người già, người cao niên, được gọi một cách thân thiết và kính trọng, như:
     
ĐIỀN PHỦ 田父 : là Ông già làm ruộng, là Lão Nông ,là ông Nông dân già.
     
NGƯ PHỦ 漁父 : là Ông lão đánh bắt cá, là Ông Câu, là Ngư Ông.

Thứ Năm, 23 tháng 6, 2022

HAI ĐỨA ĐIÊN, 4/30, 8-6 – Thơ Chu Vương Miện


   


HAI ĐỨA ĐIÊN
 
thề ngày xưa thì nhớ
thề bây giờ mau quên ?
ờ ra 2 đứa điên ?
 
thằng tỉnh ngụ nơi này
kẻ điên ngụ nơi đó
giống y cá trong rọ
 
mùa xuân hoa đào
mùa thu hoa cúc
thư cho em
chờ khô dấu mực
 
núi sông yên một chỗ
người kiếp trước kiếp sau
thảo nào ? lại lạc nhau ?
 
sông giang vĩ giang đầu
khúc giữa là giang bán
bậu khăn gói đi đâu ?
 
cùng một dòng sông đó
nước múc bằng mo cau
không thân dù máu đào ?
 
mới đó mùa xuân
nay đã sang đông
đủ một vòng
 
anh yêu em
em yêu anh ?
giống y đèn kéo quân
 
tàn một đêm
tàn một ngày
ai sống
và ai chết đây ?
 
cùng vào chùa
có người lễ Phật
rồi về ?
có người ở luôn tu
 
phía này đi tu
phía kia đi tù
chớn này phồn hoa
toàn phù du ?
 

ĐỌC “ĐÊM YÊN DŨNG” THƠ TRẦN MỸ GIỐNG - Châu Thạch


   
                       Nhà thơ Trần Mỹ Giống

 
ĐÊM YÊN DŨNG
 
Trên trời cao
một ngôi sao nhấp nháy
như ánh mắt người yêu ta thuở ấy
hẹn chờ nhau
xao xuyến buổi ban đầu.
 
Đồi bạch đàn
gió lao xao trong lá
ái ân niềm tâm sự
ngàn xưa.
đất cựa mình bồi hồi nhịp thở
ấm hơi người luống bắp, bãi dưa.
 
Gió tạm biệt đồi cây
lá theo ngừng tâm sự.
đất say nồng giấc ngủ từ lâu
Trên trời cao
giọt sao còn thức
vẫn nhấp nháy nhìn
vẫn đợi chờ
chung thủy đến ngàn sau
    
              Trần Mỹ Giống

 
Nhà bình thơ Châu Thạch

 
ĐỌC “ĐÊM YÊN DŨNG” THƠ TRẦN MỸ GIỐNG
                                                                      Châu Thạch
 
Nhà thơ Trần Mỹ Giống còn là một nhà văn, quê Xuân Trung – Xuân Trường – Nam Định, hiện quản trị trang tranmygiong.blogspot.com. Bài thơ “Đêm Yên Dũng” đã được nhà phê bình văn học Phạm Đức Nhì nhận xét thi pháp của bài thơ qua bài viết “Thi Pháp Bài Thơ ‘Đêm Yên Dũng’ của Trần Mỹ Giống”.              
 

ĐỘNG ĐẤT – Thơ Lê Phước Sinh


  


ĐỘNG ĐẤT
 
Nước vỡ bọc rùng mình
Núi vùng vằng dẫy dụa
Rừng xanh chảy máu kinh
Người ôm nhau ngạt thở.
 
          LÊ PHƯỚC SINH
                  22.06.22

Thứ Tư, 22 tháng 6, 2022

CHÙM THƠ TÌNH ĐẦU CỦA NGUYÊN LẠC


 
              Nhà thơ Nguyên Lạc

 
TÌNH ĐẦU NHƯ BÀI THƠ
 
1.
Ngồi đây nhớ lại tuổi mộng mơ
Nhớ lại thương yêu nỗi đợi chờ
Tan trường tha thướt dài lụa trắng
Dao cau mắt liếc tên khù khờ
E ấp thư cài trong quyển vở
Tay run tim loạn nhịp... ngu ngơ!
Em rồi sẽ nhận? Hay từ chối?
Tình thư thắm thiết đẫm vần thơ!
 
Ngồi đây chiều muộn sương giăng mơ
Nhớ lắm khanh ơi thuở hẹn hò
Yêu dấu trang đài giờ mây khói!
Giọt sầu len đọng đắng hồn thơ!
 
Cô lữ chiều nay dệt sợi mơ
Ghép lại yêu thương thuở dại khờ
Tay không, kẽ hở sao giữ cát?
Nên vuột tình mình tiếc ngẩn ngơ!
 
2.
Tình đầu tuyệt đẹp như bài thơ
- "Thơ nào mà không mộng không mơ?"
Nên chàng thi sĩ hoài nhung nhớ
Tình chỉ huyễn mơ... mãi huyễn mơ!
 
Tình đầu tuyệt đẹp như bài thơ
Thơ đẹp thường hay ghép vần buồn
Đã vuột tay rồi sao không nhớ?
Sao sầu không đọng đẫm cung thương?
 
Tình đầu tuyệt đẹp như bài thơ
Độc ẩm rượu sầu dệt lại mơ
Mơ lại khung trời xưa cố lý
Tang thương. chia biệt. nỗi đợi chờ!
 

CHA GÁNH CẢ THẾ GIAN TRÊN ĐÔI VAI - Đức Hạnh cùng quý thi hữu


 
 

CHA GÁNH CẢ THẾ TRẦN TRÊN ĐÔI VAI
 
CHA đã hy sinh cả cuộc đời
GÁNH từng khó nhọc cảnh đầy vơi
CẢ nguồn sự sống tình không vợi
THẾ sự bão bùng mộng chẳng rơi
TRẦN trọng Lễ Cha ngời thế giới
TRÊN khai giáo huấn đượm muôn thời
ĐÔI dòng cảm tạ ân Nguồn Cội...
VAI vác sơn hà thắm biển khơi!
 
Đức Hạnh
19 06 2022
 
 
THƠ HOẠ:
 
 
TÌNH CHA
 
Cha sống vì con trọn đủ đời
Gánh từng nghĩa đẹp chẳng hề vơi
Cả ngàn bản ngã luôn tình vợi
Thế sự hường thêm vẫn khó dời
Trần những gian truân buồn dạ mỏi
Trên lần khổ cực nẫu lòng khơi
Đôi dòng xúc cảm tin về cội
Vai khảm gầy thân rõ tuyệt vời.
 
Xưa Hường
18.06.2022
 

LẠC NHẠN CHIÊU QUÂN - Thơ Chu Vương Miện


   


LẠC NHẠN CHIÊU QUÂN
 
Nước yếu quân thua phải cống Hồ
đời phiền hơn những miếng cau khô
mấy mái lầu cong thềm cung lạnh
tàn đời theo hạ nắng thu mưa
 
ai biết hồng nhan thường bạc mệnh
giai nhân đỏng đảnh kiếp tài nhân
lãnh cung vĩnh viễn thua láng hết
oan nghiệt đeo theo đũng hồng quần
 
một gái ra đi ngút bãi xa
gò hoang nắm đất mấy sơn hà
nửa trước đóng xong vai tù tội
nửa sau dạt cánh nhạn sang Hồ
 
cố quận mẹ cha tóc trắng mây
phận con viễn xứ nửa vàng phai
lá phong đỏ xẩm chiều biên tái
phiên bang nghe toát lạnh hơi người
 
tảng đá chập chùng cao vời vợi
Hắc thủy một dòng đứng ngó ngây
thênh thang lạc giữa bờ biên giới
nuốt hận vơi đầy theo gió bay
 
                        Chu Vương Miện
 

Thứ Ba, 21 tháng 6, 2022

CA SĨ KHÁNH LY BẤT BÌNH VÌ NHIỀU ĐOẠN TRONG PHIM “EM VÀ TRỊNH” - Nguyễn Mạnh Hà

 Nguồn:
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-61861650

Các thành viên gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong "Em và Trịnh". Ảnh: ĐPCC.

Khánh Ly nói “Họ muốn dựng một Trịnh Công Sơn khác với Trịnh Công Sơn của chúng ta”
Như tên gọi, Em và Trịnh kể lại chuyện đời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thông qua các bóng hồng trong đời ông. Đây được xem là một hướng tiếp cận an toàn, hứa hẹn ăn khách. Nhưng bộ phim ra rạp khiến không ít khán giả thất vọng vì cho rằng phim khắc họa một Trịnh Công Sơn si tình, có phần lăng nhăng, để rồi nhận quả đắng cuối đời…
 
Đó chính là những gì đoàn làm phim muốn nói? Họ chỉ mượn thần tượng của nhiều người để dựng lên câu chuyện của riêng mình? Giả thiết này càng trở nên vững chắc khi Khánh Ly- xuất hiện trong phim như một trong những "em" của Trịnh lên tiếng phủ nhận những chi tiết về bà trong phim.
 

VỀ LẠI CÁNH ĐỒNG, DƯỚI CỘI BỒ ĐỀ - Thơ Tịnh Bình


    
                     Nhà thơ Tịnh Bình


VỀ LẠI CÁNH ĐỒNG
 
Về lại cánh đồng chân trời lụn nắng
Cọng khói lãng đãng bay vờn
Con bù nhìn dang tay ôm gió
Xước hoàng hôn đôi giọt mưa chiều
 
Giọt giọt mồ hôi khảm xanh mùa vụ
Đắng đót mùa khoai sắn
Nứt nẻ chân cha tất tả ngày giáp hạt
Áo tơi ngửa mặt nhìn trời
 
Những hoàng hôn tiếp nối hoàng hôn
Đường chân trời vời vợi
Mải miết bầy thiên di vẽ đường bay trong tâm tưởng
Biết đâu là nguồn cội
Mẹ ngồi khâu áo cha trên bậu cửa đầy nắng
Chiếc áo thâm kim vá chằng vá đụp
Nồng giọt nắng mưa
 
Về lại cánh đồng ngày lúa trĩu bông
Quyện bàn chân hương mùa vấn vít
Ùa vào tôi ban mai rạo rực
Nụ cười quê hương tỏa nắng ngọt lành...
 

Thứ Hai, 20 tháng 6, 2022

VIẾT HOA VIẾT THƯỜNG CÁC DẤU TRONG CÂU - Nguyên Lạc

 
Tác giả bài viết Nguyên Lạc
 

VIẾT HOA HAY VIẾT THƯỜNG?
 
Viết hoa (upper case), viết thường (lower case) là một vấn đề tế nhị, cần bàn thảo kỹ lưỡng. Thấy một số bạn, nhất là các bạn trẻ ở VN viết hoa các chữ/từ một cách tùy tiện, tôi xin ghi ra đây vài ý riêng chủ quan mời các bạn cùng thảo luận.
 
1.
Hãy xét bài ca dao:

"Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con"
                  (Công Cha Nghĩa Mẹ)
 
Theo tôi, hai chữ “thái sơn” trong bài ca dao trên nên viết thường (lower case), Thái Sơn viết hoa (upper case) không chính xác.
Chắc các bạn sẽ hỏi tại sao?
 
Giải thích:
Vì nếu hai chữ thái sơn viết hoa, chúng ta sẽ đem hữu hạn thế cho vô hạn:
– “thái sơn” (viết thường, danh từ chung) là núi rất lớn, vô hạn (thái= rất bự, rất lớn; sơn= núi). Còn “THÁI SƠN” (viết hoa, danh từ riêng) là một ngọn núi bên Tàu, chỉ cao khoảng 1450m (đo được, hữu hạn). Vậy nếu viết hoa: THÁI SƠN thì không phải là hữu hạn thay cho vô hạn sao?
– Nghĩa mẹ= “nguồn nước chảy ra vô tận, không dứt”, đối với “THÁI SƠN” (viết hoa: danh từ riêng) đo được chỉ khoảng ngàn mét. So sánh ra thì công cha như số không. Sao bội bạc với cha quá thế?
– Còn nếu viết “thái sơn (viết thường: danh từ chung) = lớn, bự vô hạn”, công cha sẽ gần như bằng công mẹ.
Do điều này, ta phải dùng thái sơn danh từ chung (viết thường). Hai câu đó tôi nghĩ nên viết như vầy:
Công cha như núi... thái sơn (to vô cùng)
Nghĩa mẹ như nước… trong nguồn chảy ra (luôn không dừng).
– Xin nói thêm: Thái sơn, sơn hà (viết thường, danh từ chung) tượng trưng đất nước, tổ quốc; nếu chúng viết hoa (trở thành danh từ riêng) thì sẽ không còn nghĩa này nữa, mà thành tên ngọn núi Tàu, tên riêng vùng nào đó…
 

Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2022

VOI BIỂN LÀ “HẢI TƯỢNG” HAY “HẢI MÔ ? - La Thụy sưu tầm và biên tập





          VOI BIỂN LÀ “HẢI TƯỢNG” HAY “HẢI MÔ ?

Câu hỏi có vẻ ngớ ngẩn, khi mà ai cũng biết từ Hán Việt “tượng” là voi, tất nhiên VOI BIỂN phải là HẢI TƯỢNG. Nhưng, không phải tự dưng tôi đặt ra câu hỏi “ngớ ngẩn” trên. Việc gì cũng có nguyên do cả (như “nguyên lý túc lý” trong triết học).

Năm 1967, tôi học lớp nhất (tương đương với lớp năm hiện nay). Khi học môn Khoa Học Thường Thức, bài “động vật Bắc cực” thấy giới thiệu về gấu trắng, hải cẩu và hải mã. Nhìn hình vẽ thì con hải mã to lớn và đặc biệt có 2 cái ngà nhọn hoắt chỉa ra từ miệng. Sách Khoa Học Thường Thức lớp nhất hồi đó cho biết HẢI MÃ nặng trung bình 1,5 tấn. Tôi tự hỏi con vật to lớn, có ngà trông giống con voi, chẳng giống ngựa tí nào, tại sao không có tên là HẢI TƯỢNG mà lại mang tên HẢI MÃ. Bẵng đi một thời gian dài, đọc sách báo, tôi thấy có đề cập đến HẢI TƯỢNG. Tôi truy cập tìm hiểu “hải tượng” là con vật như thế nào, quả nhiên như suy nghĩ của tôi thời tiểu học: HẢI MÃ còn được gọi là hải tượng.

NHÂN NGÀY “FATHER’S DAY” TÌM HIỂU “CÔNG CHA” VÀ CHỮ HIẾU TRONG TRUYỀN THỐNG DÂN VIỆT – Giáo sư Nguyễn Châu

 


PHẦN I
 
“FATHER'S DAY” CÓ TỪ BAO GIỜ?
 
Phong tục Hoa Kỳ và Bắc Mỹ có hai ngày trong năm dành để vinh danh hai đấng sinh thành đó là người Mẹ và người Cha trong gia đình.
Ngày vinh danh Mẹ vào tháng Năm và ngày vinh danh người Cha vào tháng Sáu.
 
FATHER'S DAY là ngày gì?
 
Trong truyền thống và phong tục Hoa Kỳ thì Father's Day là một ngày trong đó những người con của gia đình bày tỏ lòng biết ơn và yêu kính đối với người cha bằng một số nghi lễ như: cầu nguyện, thăm viếng và tặng quà. (Trường hợp khó khăn và ở quá xa thì gửi thiếp và quà đến cho Cha).
Tạm gọi là “Ngày vinh danh Cha.”
Tập tục này đã được nhiều quốc gia thực hiện. Tại Hoa Kỳ và Canada, Ngày vinh danh Cha được ấn định vào Chủ Nhật của tuần lễ thứ ba trong tháng Sáu.
Do đó, Father's Day năm nay nhằm ngày Chủ Nhật 20-6-2021
 

NGƯỜI CHA NHÂN ÁI – Đức Hạnh cùng quý thi hữu

 Tôn vinh - Mừng Ngày Lễ Của Cha [Father’s Day -19 06 2022]

   


NGƯỜI CHA NHÂN ÁI
 
Rừng núi Sơn Hà quyện bóng Cha [1]
Ngựa hùng vượt suối, vượt đèo xa
Hành nghề chữa bệnh ngời thiên chức
Dạy học giúp dân thắm hải hà [2]
Ký ức nồng nàn quay trở lại
Thời giờ thấm thoắt ngỡ vừa qua
Trọn đời y đức tâm ngời sáng [3]
Non nước thì thầm vọng tiếng ca.
 
Tiếng lòng thánh thót trải ngàn sau
Chân lý nghiệp y đạo đức giàu
Sơn Tịnh thuở xưa ngời dấu ấn
Bình Sơn thời mới đượm tinh cầu
Cứu người hoạn nạn tình tươi sắc
Giúp cảnh trần gian nghĩa thắm màu
Bản tính trọn đời yêu chính nghĩa
Tấm gương bác ái giữ làm đầu.
 
Đức Hạnh
17 06 2022
 
[1] Cha tôi cưỡi ngựa đi chữa bệnh cho đồng bào Kinh & Thượng, tại quận Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi
[2] Dạy học miễn phí cho dân chúng, tại quận Sơn Hà
[3] Trong các thời kỳ đều phục vụ trong Ngành y, tại Chi y tế: quận Sơn Hà - quận Sơn Tịnh- quận Bình Sơn và Bệnh viện Bình Sơn - thuộc Ty y tế Quảng Ngãi.

CUNG TIẾN, ĐỜI LẬP TỪ NHỮNG ĐÊM HOANG SƠ - Nguyễn Đức Tùng

 

Chị em của thơ thì có nhiều: tùy bút, truyện ngắn, tiểu thuyết, báo chí, phim ảnh, kịch nghệ, nhưng đối với tôi, người thân nhất, người chị em ruột của thơ, chính là ca khúc.
 

Thứ Năm, 16 tháng 6, 2022

DU TỬ LÊ, VỊ HOÀNG ĐẾ HAY TÊN NÔ LỆ CỦA TÌNH YÊU – Phóng bút của Lê Mai Lĩnh

 
Nhà thơ Du Tử Lê

Đôi lời xin thưa trước.
Bài nầy, nhiều người khen tôi lắm. Viết hay. Văn phòng lạ lẫm.
Ngày chưa quy tiên, ông LÊ cũng thích lắm, đã có lần nói lời cảm ơn tôi.
 
Lâu rồi tôi phân vân, ông mất rồi, liệu có nên nhắc lại những “chiến lợi phẩm” của ông trong tình trường, như Hàn Mặc Tử, như Bích Khê và tại sao không là, của Hoa Văn, với mối tình với nữ thi sĩ Thảo Chi Bùi Mỹ Hoa, mà tôi đang định viết .