CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 31 tháng 5, 2021

TÌNH – Thơ Tịnh Bình

 
   


TÌNH
 
Bận chi lời gió gieo neo
Thương nhau chín núi mười đèo cũng qua
Sầu chi vời vợi trăng xa
Còn trong nhung nhớ riêng ta với mình...
 
                                          TỊNH BÌNH
                                            (Tây Ninh)

CHUYỆN BÀ GIÀ QUẢNG NAM MANG DÉP LÀO... - Lê Thí




Khoảng năm 1981-1982, đời sống giáo viên cực kỳ khó khăn. Tôi quyết định đi xe đạp thồ để có tiền mua sữa cho con. Chiếc xe đạp để đi dạy hàng ngày được bổ sung thêm cái giỏ phía trước và cái yên nệm mút phía sau poóc-ba-ga cho khách ngồi… êm đít!

CHÙM THƠ “ĐOẢN KHÚC...” CỦA LÊ VĂN TRUNG

 
   


ĐOẢN KHÚC
 
Xin trải hết lòng thơm lên cỏ biếc
Cho em về ngà ngọc gót chân vui
Xin chảy với dòng suối nguồn tinh tuyết
Em về đây xỏa tóc gội mây trời.
 
Tình ươm màu nắng lụa
Thuở trăng vừa mười lăm
Tình thơm lừng mật sữa
Từ độ trăng nguyên rằm.
 
Em từ buổi trăng chưa rằm bóng nguyệt
Tóc trầm hương chải mộng suối trăng hồng
Ta từ buổi hồn thanh niên tuyệt bích
Bỗng sững sờ một đóa dạ quỳnh hương.
 
Tôi đang mơ giấc luân hồi
Mai kia gối mộng tay người trăm năm.
                            

Chủ Nhật, 30 tháng 5, 2021

KHÓC... – Thơ Trần Mai Ngân

 
    


KHÓC...

 
Em ngã vào hoàng hôn
Liêu xiêu, liêu xiêu gọi anh
Chỉ có nắng quái chiều nay rọi vào đôi mắt - giọt nước đầy rơi...rơi....
Em tự mình lau khô
Đưa bàn tay vuốt ve lan can chiếc cầu đã tróc hết nước sơn...
Chỗ đứng cũ...
Liêu xiêu, liêu xiêu...
Em ngã vào lòng hoàng hôn - khóc!
 
                                                                                  Trần Mai Ngân

CÔ MÙI CÒN KHÔNG - Nguyễn Đức Tùng

 
                           


Giữa hai nhân vật chính, Siêu và Mùi, trong tiểu thuyết “Xóm Cầu Mới” của Nhất Linh, có những câu chuyện lai rai tán gẫu nhỏ nhặt thế này:
Mùi hỏi:
- Quả trứng gì?
- Cô không biết à? Bây giờ cô muốn để một quả trứng đứng dựng trên đĩa, cô làm thế nào?
- Em chẳng bao giờ để nó đứng cả. Để nó nằm tiện hơn.
Siêu cười nói:
- Cô ngớ ngẩn lắm, đấy là nói thí dụ thế.
 

TÌNH CÀNG SÂU ĐẬM CÀNG NHIỀU ĐAU THƯƠNG – Phạm Đức Nhì


Nhà bình thơ Phạm Đức Nhì


Vào trang Facebook của Vân Anh, một bạn thơ quen thuộc, tôi tình cờ đọc được bài thơ Lòng Thật Bình Yên Mà Sao Buồn Thế. Cái tâm sự buồn não nuột của một cô giáo gặp cảnh tình ngang trái đã chạm vào “chỗ hiểm” nào đó trong trái tim đa cảm nên tôi đã dừng lại khá lâu. Thêm vào đó, phần thi pháp của bài thơ cũng có vài điểm đáng nói, đáng bàn nên tôi đã “xăn tay áo” viết mấy lời bình phẩm.
 
LÒNG THẬT BÌNH YÊN 
                           MÀ SAO BUỒN THẾ
 
Em kê dọn, xếp lại những nhớ nhung
Thuở tóc xanh mình đã cùng ước nguyện
Ngăn bên này, ngổn ngang bao lưu luyến
Kệ bên kia, ẩn hiện nỗi vui buồn
 
Đang giữa đông, trời cứ đổ mưa tuôn
Chẳng trôi hết giùm muôn vàn mỏi mệt
Giá ngày xưa người đi mang theo hết
Thì hôm nay em chẳng có cớ sầu
 
Nắng bây giờ hạnh phúc ở nơi nao
Hay dâu bể cũng nghẹn ngào lên mắt
Ngôi sao cuối trời xa chầm chậm tắt
Chữ nhoà rồi, lạc mất cả âm vần....
 
                                           Vân Anh
 
P/S: Chiều chủ nhật đầu tiên 2021
 

MÙA HÈ TUỔI THƠ – Nhật Quang

 
   


MÙA HÈ TUỔI THƠ
 
Hè về hí hửng tuổi thơ
Năm… mười, trốn chạy bên bờ ao quê
Lưng chiều túm tít triền đê
Lăng xăng bịt mắt bắt dê trốn tìm
 
Hè về bắt bướm, đuổi chim
Thập thò bờ sậy rình bìm bịp kêu
Lưng trần, tóc úa nắng chiều
Đua nhau chạy níu cánh diều bay cao
 
Hè về rón rén bờ rào
Chuồn chuồn vụt cánh bay vào dậu thưa
Trèo cây bẻ ổi, hái dưa
Hồn nhiên một thuở tắm mưa cởi truồng
 
Hè về nghe khúc ve buồn
Tuổi thơ trong trắng, tâm hồn tươi vui
Khép trang sách vở, trao dồi…
Đón năm học mới ươm ngời tương lai
 
Tuổi thơ thế hệ ngày mai…
 
                                          Nhật Quang

Thứ Sáu, 28 tháng 5, 2021

TRƯA – Thơ Tịnh Bình

 
   


TRƯA
 
Hình như bặt tiếng ve ran
Bướm vàng trốn nắng bên hàng giậu thưa
Tiếng gà tan loãng vào trưa
Sen ru giấc hạ lưa thưa gió nồng...
 
                                              TỊNH BÌNH
                                                (Tây Ninh)

TRƯỜNG LÀNG TÔI – Thơ Văn Thiên Tùng

  
      

(Riêng tặng Thầy Hiệu trưởng Bùi Hữu Cơ đồng quý cô Hoàng Thị Bê, Tạ Thị Hai - Nguyễn Thị Mơ và các bạn đồng môn của trường Long Hưng - xã Hải Thượng cùng NK 1960 -1966 và 4 chị em XL, XM, Đ, L)… Hằng năm trường có đến 70% học sinh 2 lớp Nhất A&B (gần 120 -130 hs) đều đậu vào trường Trung Học Nguyễn Hoàng Quảng Trị, còn lại là TH. Bồ Đề đến TH. Thánh Tâm).

 
TRƯỜNG LÀNG TÔI
 
Trên đồi cát nơi đây còn lưu dấu
Dáng trường xưa - thầy cô tự thuở nào
Khuôn viên trường tường bọc "hóp- dứa" bao
Bấy cây phượng - lắm hàng dương rợp mát
 
Bảy phòng lớp cùng lối đi rộng ngát
Tứ hướng quanh sân cờ đẹp nhường bao…
Tuổi thần tiên ươm dệt tự thuở nào
Ngần kỷ niệm hằn in trường - lớp học
 
Những chữ cái - học vần hay tập đọc
Còn thuộc làu từng con chữ hôm nao
Hình dáng cô, uy phong thầy thuở nào
Đã khơi sáng tâm hồn ta ngày đó…
 
Những mùa hè thắm rực hoa phượng đỏ
Làm sao quên những hè luyện học thêm
Tiếng gió Lào - ve hòa khúc nhạc êm
Từng tốp - tốp bày trò chơi nào chán
 
Từng cọng "chứa" * thành lắm trò không ngán
Xếp chóng quay, đồng hồ buộc vào tay,...
Từng lối vào căng khắc nhịp đều tay
Bên hàng "hóp" * hơn thua trò câu cút
 
Bắt "rầy môốc - rầy mè" ** nhọc hơn chút
Đứa trèo cây - thằng đào cát bắt nào
Những trò chơi ù mọi... rộn ràng sao
Còn tung thẻ - nhảy dây,... thuần thục thiệt,…
 
Lắm trò chơi không thể nào kể xiết
Tháng năm học trò... Ôi! tuổi thần tiên
Từ lớp "Năm - đến Nhất" *** một mạch liền
Nơi đây đúng khởi bồi lực - tâm - trí.
 
Chặng tiếp đến theo đà ta vững chí…
Ôi! Ngôi trường thuở ấy của chúng ta
Trường Long Hưng Tiểu học ấy ấy mà...
Cảm ơn Thầy, ơn cô đồng trang lứa
 
Đã ươm mầm tri thức chặng đầu tiên!!!
Nào về thôi ...
Ta cùng ôn ... .
 và lật trang ký hôm nào!!!...
 
                  Mai Vân Văn Thiên Tùng
                              23/5/2021.
 
 
(1) Trường tiểu học Long Hưng chính thức tên gọi vào sau những năm 1946-1975. Trường được thành lập vào những năm 1930 với tên trường Yếu Lược - đến Bình dân học vụ và sau cùng tọa lạc trên đồi cát La Lã Hạ của Làng Long Hưng - xã Hải Thượng, quận Hải Lăng (sau đó quận Mai Lĩnh) bên cạnh cái bốt của Pháp gọi là Bậc - Đôốc, trường gồm có 5 phòng học chính rộng 8x10m, 1 phòng học phụ rộng 8x8m và 1 văn phòng Thầy cô cùng 1 phòng nhỏ giáo vụ & tài liệu thành hình chữ L hướng ra cổng theo Tây Bắc.
 
Từ khi trường Trung học Nguyễn Hoàng Quảng Trị được thành lập vào những năm 1952, hầu hết học sinh trường Tiểu Học Long Hưng đều lên học trường Nguyễn Hoàng Quảng Trị cho đến năm 1975. Trường quy tụ học sinh các xã lân cận thuộc phía Tây Nam - Đông tỉnh lỵ Quảng Trị đến học và một phần con em các khu gia binh của căn cứ quân đội Miền Nam (TĐ1BB) xã Hải Trí cũng có khá đông hs về học tại trường....
 
Sau năm 1975, trường thay đổi tên trương cấp 1&2 Hải Thượng, trường Cấp 1 Hải Phú đến trương Trung Tiểu Học Hải Phú ( 2019).
 
* Chứa: Cây dứa có bẹ gai nhọn hai bên ngày xưa thường trồng làm hàng rào che chắn sự xâm nhập của động vật và người lạ vào... Trẻ thơ thường cắt tước bẹ ra làm chong chóng 4 cánh, đồng hồ đeo tay, các con châu chấu, chơi cáo gai ngược xuôi…



Hóp: Hóp là cây tre nhỏ nhưng có lóng dài, thường trồng làm hàng rào; có 2 loại: hóp rặt nhỏ bằng que đũa, các bạn nữ dùng làm thẻ để chơi tung banh, hóp "mỡ" lớn hơn ngón tay cái, thưa đốt, nên trẻ nhỏ dùng làm ông phóc, làm lạt cột bánh đòn, lạt bó lúa, dây buộc các đồ dùng, củi ...

** Rầy mô ốc - Rầy mè: Rầy mô ốc con rầy màu đà to tướng, thường đậu & sinh sống bầy đàn ăn lá cây dương liễu, học trò thường bắt nó cột dây chơi và thi đoán số ở trong cánh mỏng; Rầy mè con nhỏ màu xanh biếc thường ở sâu dưới gốc cây dương liễu (phi lao) trồng ở vùng đất cát trắng. Đào bắt chơi hoặc đem về chiên mỡ ăn rất ngon.
 
*** Lớp Năm đến lớp Nhất: Bậc Tiểu học trước những năm 1970 thì lớp Năm tức là lớp 1, lớp tư là lớp 2, lớp ba là lớp 3, lớp Nhì là lớp 4, lớp Nhất là lớp 5 bây giờ...
 

Thứ Năm, 27 tháng 5, 2021

BÀI THƠ TỨ TUYỆT CỦA THIỀN SƯ TUỆ SỸ – Nguyên Lạc


Thiền sư Thích Tuệ Sỹ
 
Nhân ngày sinh của Đức Phật Thích Ca – Phật đản sinh ngày trăng tròn tháng Vesakha/ Vaisakha theo lịch Ấn Độ (ngày 15/4 theo âm lịch), tôi có vài hàng về thầy Tuệ Sỹ - Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ.
 
. Sơ lược về đại lễ Phật đản Vesak:
Lễ Phật đản là 1 trong 3 ngày lễ lớn của đạo Phật: gồm có lễ Vu Lan, lễ Thành đạo và lễ Phật đản.
Theo quan niệm Phật giáo, lễ Phật đản là ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chào đời tại vườn Lâm Tỳ Ni vào 15/4 âm lịch năm 624 trước Công Nguyên. Phật giáo Nam Tông và Tây Tạng còn gọi đó là ngày Tam Hiệp (kỷ niệm ngày ra đời, ngày thành đạo và ngày nhập Niết bàn của Đức Phật). Mỗi nước tổ chức kỷ niệm ngày Tam Hiệp (Vesak) vào thời gian khác nhau tùy theo quan niệm.
 
Một số nước như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… thì thường tổ chức lễ Phật đản vào 8/4 âm lịch hàng năm. Các nước theo Phật giáo Nam Tông tổ chức vào 15/4 âm lịch hoặc 15/5 dương lịch. Tại Ấn Độ, Bangladesh, Nepal và các nước theo Phật giáo nguyên thủy, lễ Phật đản diễn ra vào ngày trăng tròn của tháng Vaisakha theo lịch Phật giáo và lịch Hindu (tháng 4 hoặc tháng 5).
Đại lễ Phật đản Vesak năm nay, Phật lịch 2565, rơi vào ngày Thứ Tư Wednesday, May 26, 2021, tức vào rằm tháng 4 âm lịch.
 
I. VÀI HÀNG VỀ THẦY TUỆ SỸ
 
Thầy Tuệ Sỹ là một trong những người bất khuất mà tôi kính trọng nhất trong đời. Xin được ghi ra vài lời về Thầy:
 
1. Thầy Thích Tuệ Sỹ đã từng bị nhà nước CSVN kết án tử hình về tội “Âm mưu lật độ chính quyền”: Vào ngày 1- 4-1984, Thượng Tọa Tuệ Sỹ bị nhà cầm quyền Hà Nội bắt giữ cùng giáo sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát, 19 Tăng ni và sĩ quan cũ của VNCH; các ông bị kết án “âm mưu võ trang lật đổ chính quyền”. Trong phiên tòa kéo dài nhiều ngày, cuối tháng 9 – 1988 Thầy bị kết án tử hình cùng giáo sư Lê Mạnh Thát.
 
Những lời tuyên bố của người tù lương tâm Tuệ Sỹ tại Tòa Án, cũng như khí phách kiên cường lúc trong tù là tấm gương sáng chói, niềm tự hào của Phật giáo và của dân tộc: “Lập trường của chúng tôi là lập trường của Phật giáo, là lập trường của toàn khối dân tộc”.
Tháng 11 năm 1988, sau một cuộc vận động giảm án, bản án được giảm xuống còn tù chung thân. Ngày 1 tháng 9 năm 1998, ông được thả tự do từ trại Ba Sao – Nam Hà ở miền Bắc Việt Nam. Trước khi thả, nhà cầm quyền CS yêu cầu ông ký vào lá đơn xin khoan hồng để gửi lên Chủ tịch nước Trần Đức Lương. Ông trả lời: “Không ai có quyền xét xử tôi, không ai có quyền ân xá tôi!”. Công an nói không viết đơn thì không thả, Thầy không viết và tuyệt thực. Chính quyền Cộng sản đã phải phóng thích ông sau 10 ngày tuyệt thực .[1]
 
2. Lời phát biểu gần đây của Thầy Tuệ Sỹ:
 
“Đúng là ở trong đất nước nào thì phải tôn trọng luật pháp đó, nhưng nếu tự mình đặt ra luật pháp để dùng luật pháp đó xâm phạm tới giá trị, xâm phạm lý tuởng của người khác thì tôi không chấp nhận luật pháp đó, tôi sẵn sàng chịu chết. Tôi đã từng đứng trước bản án tử hình rồi, tôi không sợ, tôi chấp nhận nó. Đây không phải tôi thách thức, mà là vấn đề lý tưởng của mình…
NAM MÔ ĐẠI CƯỜNG TINH TẤN DŨNG MÃNH PHẬT”

                                                                                  Tuệ Sỹ

(Trích bài “Định hướng tương lai với thế hệ Tăng sỹ trẻ” của Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ, nói với Tăng Sinh Thừa Thiên Huế) [2]
 
 
Thiền sư Tuệ Sỹ
 
 
II. PHẠM CÔNG THIỆN VIẾT VỀ THƠ TUỆ SỸ
 
Trước khi vào trích đoạn bài viết của thi, triết gia Phạm Công Thiện, tôi xin dẫn ra đây lời của Phan Đạo – người bạn danh tiếng trên FB- mà cá nhân tôi cho là chính xác: “Tôi dám nói, ngay cả đại sư Thái Hư, nhà sư cải cách Phật giáo triều nhà Thanh, với bộ sách Thái Hư Bồ Tát tạng, 60 cuốn cũng không so được với thầy Tuệ Sỹ. Nếu thắc mắc phát ngôn của tôi, thì cứ tìm đọc”
 
Giờ mời các bạn đọc trích đoạn bài viết của Phạm Công Thiện:
 
[ … Tuệ Sỹ bị CS nhốt tù từ năm 1979 cho đến năm 1981, và sau cùng từ năm 1984 cho đến năm nay, mười năm liên tục, Tuệ Sỹ vẫn bị CS nhốt tù và bị xử tử hình, rồi giảm xuống chung thân hay hai chục năm cấm cố. Lần cuối cùng tôi gặp Tuệ Sỹ thì Tuệ Sỹ mới 26 tuổi. Chiều nay, tôi giựt mình chợt nhớ rằng năm nay Tuệ Sỹ đã 50 tuổi rồi. Thế thì không còn là chú tiểu Tuệ Sỹ mà là một đại thượng tọa Thích Tuệ Sỹ! Dù trong cảnh tù ngục đói khổ trăm điều, thiền sư thiên tài Tuệ Sỹ vẫn bất khuất và hùng khí vẫn ngùn ngụt cao ngất như đỉnh Trường Sơn mà nhà thơ Tuệ Sỹ vẫn trọn đời ngưỡng vọng yêu thương trên những con đường oanh liệt khai mở cho Sử Tính quê hương được vượt thoát ra ngoài chế độ CS, cái chế độ hoang phế tàn tạ mà Tuệ Sỹ gọi là “tha ma mộ địa”. Chúng ta hãy lắng nghe bài thơ “Ngục Tối” của Tuệ Sỹ:
 
Lửa đã tắt từ buổi đầu sáng thế
Một kiếp người ray rứt bụi tro bay
Tôi ngồi mãi giữa tha ma mộ địa
Lạnh trăng tà lụa trắng trải rừng cây
Khuya rờn rợn gió vèo run bóng quỉ
Quì run run hôn mãi lóng xương gầy
Khóc năn nỉ sao hình hài chưa rã
Để hồn ta theo đốm lửa ma trơi.
 
Bốn câu thơ cuối đã nói hết tất ca thế giới điêu tàn của CS hiện nay:
 
Khuya rờn rợn gió vèo run bóng quỉ
Quì run run hôn mãi lóng xương gầy
Khóc năn nỉ sao hình hài chưa rã
Để hồn tan theo đốm lửa ma trơi
 
Hai câu thơ cuối cùng của bài “Ngục Tối” nói lên ý chí hực lưa đốt cháy tất cả gỗ mục của tâm thức hạ liệt:
 
Khi tâm tư vẫn chưa là gỗ mục
Lòng đất đen còn giọt máu xanh ngời
 
Bài “Trầm Mặc” đưa chúng ta đi vào sự trầm mặc ung dung, không hẳn bi quan và không hẳn lạc quan, coi cuộc đời “như quáng nắng, như giấc mộng, như thành phố giữa sa mạc: tất cả sự hiện khởi, tồn tục và biến mất đều như vậy” (như câu kệ của Long Thọ mà Tuệ Sỹ đã trích dịch trong quyển Triết Học Về Tánh Không của mình:
 
Anh ôm chồng sách cũ
Trầm mặc những đêm dài
Xót xa đời khách lữ
Mệnh yểu thế mà hay
              (Trầm Mặc)
 
Tuệ Sỹ là một trong số ít đạo sĩ thi nhân với pháp khí phi thường là Trí Huệ Bát Nhã cùng với lòng Đại Bi Thơ Mộng, Tuệ Sỹ là một trong số ít thể hiện được ý nghĩa trọn vẹn của Ý thức chính trị toàn diện, ý thức hành động Bi Trí Dũng dẫn đường soi sáng Thế Mệnh của Sử tính quê hương.
                                                     California, ngày 20 tháng 6, 1994.
                                                            Phạm Công Thiện …] [3]
 
 
Thiền sư Tuệ Sỹ
 
 
III. BÀI THƠ TỨ TUYỆT CỦA THẦY TUỆ SỸ
 
Sau đây là bài thơ tứ tuyệt chữ Hán “ấn tượng” của Thầy Tuệ Sỹ làm khi còn trong tù: “Cúng Dường”.

“Cúng Dường” là bài thơ được Thầy Tuệ Sỹ làm trong những năm tháng giữa ngục tù CS. Bài thơ vỏn vẹn chỉ 4 câu, mang sự nhẫn nhịn chịu đựng và tâm từ bi rộng lớn nhìn thế gian đầy những tranh chấp trong hận thù, máu lệ.
 
1. Nguyên văn - phiên âm bài thơ
 
CÚNG DƯỜNG

Phụng thử ngục tù phạn
Cúng dường Tối Thắng Tôn
Thế gian trường huyết hận
Bỉnh bát lệ vô ngôn
                              Tuệ Sỹ
 
Bản dịch:
 
Đây bát cơm tù con kính dâng
Cúng dường Đức Phật đấng Tôn Thân
Thế gian chìm đắm trong máu lửa
Lệ nhỏ không lời, lòng xót thương.
(Tuệ Sỹ Đạo Sư trang 91 - Thích Nguyên Siêu dịch)
 

2. Phỏng dịch của nhà thơ Vân Nguyên:
 
Dâng chén cơm tù lên
Cúng dường Tối Thắng Tôn
Thế gian tràn oán hận
Ôm chén lòng khóc thầm
 
3. Phỏng dịch của Nguyên Lạc
 
CÚNG DƯỜNG

Cơm tù hẩm kính Thế Tôn
Lòng thành đảnh lễ cúng dường Tôn sư
Thế gian không dứt hận thù
Ôm bình bát lệ xuân thu không lời
 
Mong thầy Tuệ Sỹ sức khỏe và an lạc nhân ngày Phật Đản.
 
                                                                          Nguyên Lạc
 
…………………..
 
Nguồn:

[1] Vài Nét Về Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ – Viên Linh
http://www.gdpt.net/tailieu/tuesy/tuesy.htm

[2] Duyên Giác Ngộ
https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=848810485322783&id=461201424083693

[3]: Trang FB thơ Tuệ Sỹ
https://www.facebook.com/Thotuesi
 

BÂNG KHUÂNG LỐI VỀ - Thơ Tịnh Bình

    
   


BÂNG KHUÂNG LỐI VỀ
 
Hò ơ... Cây lúa trổ bông
Câu ca ngọt lịm đẹp lòng quê ơi
Mênh mang sông nước đầy vơi
Bờ dâu bãi mía đã vời vợi xanh
 
Bếp chiều sợi khói quẩn quanh
Cánh diều tuổi dại chòng chành giấc mơ
Tìm đâu thuyền giấy ngày thơ
Gọi cơn mưa cũ vô bờ yêu thương
 
Mẹ còn gánh gió đội sương
Dãi dầu năm tháng dọc đường nắng chan
Thị thành bao nỗi ngổn ngang
Quê hương máu thịt đa mang vào lòng
 
Hò ơ... Cây lúa trổ đòng
Vườn sau bụi ớt còn không chim chuyền
Lối về giọt nắng rơi xiên
Bâng khuâng chân bước giữa triền cỏ may...
 
                                             TỊNH BÌNH
                                               (Tây Ninh)
 

NHỮNG NGƯỜI CẦM TRỊCH NỀN VĂN HỌC CẢ NƯỚC SAU 1975 TỪNG NHÌN NHẬN VĂN HỌC MIỀN NAM RA SAO? – Vương Trí Nhàn

 
Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn


Nguyên là bài "Hòa giải văn hóa" của Gs Nguyễn Văn Tuấn đưa trên trang mạng Tin tức hàng ngày, 25-5-2021. Khi đưa lại tôi có bỏ bớt câu đầu, một câu không có gì là quan trọng.
 
Nhìn tấm hình Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng (chắc ở tuổi 80), tác giả của 'Vòng tay học trò' nổi tiếng một thời, kí tặng sách cho các độc giả trẻ tuổi tôi thấy vui trong lòng. Vui là vì sau gần 50 năm thì những tác phẩm văn học kinh điển trước 1975 cũng đến tay các bạn đọc thuộc thế hệ trẻ. Nhưng sự kiện đó cũng làm tôi nhớ lại thời đen tối - vô cùng đen tối - sau 1975.
 

Thứ Tư, 26 tháng 5, 2021

KHÁT – Thơ Trần Mai Ngân

 
  


KHÁT...
 
Đêm không lặng lẽ
Đêm cồn cào khát...
Khát một vầng trăng vàng ánh mùa xưa
Khát cơn gió thoảng đẩy đưa cành lá
Khát hơi thở dập dồn trên đôi mắt khép bình yên...
Và khát... đêm triền miên - triền miên!
 
                                    Trần Mai Ngân
 

ĐỌC “DÒNG NHỰA THƠM NGUYỆN ƯỚC”, TẬP THƠ CỦA NGUYÊN BÌNH - Châu Thạch




Cầm tập thơ “Dòng Nhựa Thơm Nguyện Ước” của nhà thơ Nguyên Bình do bưu tá vừa đưa đến trên tay. Ngoài kia chiều xuống, phòng máy điều hòa chưa tắt, món ăn tinh thần biết là ngon đã đến, thôi thì cứ thưởng thức ngay. 
 

HẾT RỒI! – Nguyên Lạc


Tranh Gustave Klimt

 
* Lời vào bài của tác giả:
 
Chủ đề của bài viết này là bàn về vấn đề “thân xác”, liên hệ đến “bản năng” của con người; không phải là truyện X, xin các bạn hiểu cho. Bản năng có thể được kiểm soát, thăng hoa hay buông thả là tùy theo mỗi cá nhân.
 

QUYẾT TÂM CHỐNG DỊCH COVID 19 - Đức Hạnh và thi hữu

 
   

 
QUYẾT TÂM CHỐNG DỊCH COVID-19
 
Chiến sĩ canh phòng tiêu hủy dịch
Ngành y chữa bệnh khỏi lây trùng
 
CHIẾN binh kiểm dịch mãi truy lùng
SĨ tiến biên thùy bảo vệ chung
CANH ngõ vùng biên trừ nhập cảnh [1]
PHÒNG phương dịch tễ nhớ khoanh vùng
TIÊU trừ những ổ đang bùng phát
HỦY diệt Cô... [2] nguồn hết trỗi tung
DỊCH đã lan tràn ta cảnh giác… [3]
NGÀNH Y CHỮA BỆNH KHỎI LÂY TRÙNG.
 
Đức Hạnh
20 05 2021
 
 
[1] Nguy cơ xuất nhập cảnh trái phép, các chủng vi-rút mới, lây lan ra cộng đồng rất nguy hiểm…
[2] Covid-19
[3] Thực hiện Thông điệp 5K & tiêm phòng vaccine Covid-19
 
 
HỌA:
 
 
DỊCH BÙNG PHÁT!
 
CHIẾN chưa kết cục phải săn lùng
SĨ gác biên phòng đảm nhiệm chung
CANH giữ phân luồng theo đối tượng
PHÒNG ngăn giãn cách ở trong vùng
TIÊU dòng Cô-Vít đường truyền nhiễm
HỦY những chủng loài khuẩn hết tung
DỊCH diễn biến toàn dân cẩn trọng…
NGÀNH Y CHỮA BỆNH KHỎI LÂY TRÙNG.
 
Hồng Xuyến
20 05 2021
 

Thứ Hai, 24 tháng 5, 2021

MƯA GẦN SÁNG – Thơ Tịnh Bình

  
   


MƯA GẦN SÁNG
 
Trăng sao đi mất hút rồi...
Cơn mưa gần sáng
đơn côi
giữa trời
 
Phố phường im lặng chơi vơi
Đèn vàng
hứng giọt mưa rơi
ướt nhòa
 
Cụ già vé số co ro
Mái hiên nép vội
tràng ho
thay lời
 
Bao giờ ngừng giọt mưa ơi
Người trong chăn ấm
thương người
mưu sinh
 
Vội vàng mở một bình minh
Mưa gần sáng
có thình lình
ngừng rơi...?!
 
                        TỊNH BÌNH
                          (Tây Ninh)
 

Chủ Nhật, 23 tháng 5, 2021

THƠ VỀ DỊCH COVID CỦA VĂN THIÊN TÙNG

 
  
 

THẢM KỊCH NGƯỜI - BÀI HỌC TA
 
Nhìn sang Ấn chỉ dăm tuần trước
Lễ hành hương tắm nước sông Hằng
Nguyện cầu Thánh bậc toàn năng
Tín đồ chen lấn biết chăng điều nầy
 
Dịch Co vít đó đây bùng khởi
Biến thể nầy dạng mới chớ khi
Lây lan nhanh chóng vậy thì
Càng nên cảnh giác khinh khi họa vào
 
Nhìn thảm cảnh ngán ngao bão dịch
Chúng ngang nhiên hành thích bao người
Vật tư y tế kiệt rồi
Dàn thiêu thiếu củi không nơi ngúm người
 
Bởi khinh suất nên thời vỡ trận
Để dịch trùng quyét tấn tả tơi
Bài học nước Ấn nhớ đời
Thảm kịch nhắc nhở ai ơi nằm lòng
 
Nhìn lại nước canh phòng nghiêm ngặt
Từng đường biên giữ chặt không lơi
Thế mà có kẻ hám lời
Rước giặc Vũ Hán lẻn nơi thị thành
 
Có người diện cách ly chẳng chịu
Cam phận mình dan díu Cô Vi
Về rồi lại mặc sức đi
Để nay gieo rắc họa vì mình đây
 
Vùng dịch nhiễm bao vây phong tỏa
Lại truy tìm vét xóa nguồn lan
Cộng đồng khổ cực muôn vàn
Đội quân tuyến trước nào than vãn gì
 
Bài học Ấn ta thì quyết liệt
Giữ biên cương canh diệt từ đầu
Chớ nên để chúng luồn sâu
Gây nên thảm cảnh chuốc sầu vào ta…
 
                 Mai Vân Văn Thiên Tùng
                             04/5/2021