CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 28 tháng 4, 2021

CHUÔNG GIÓ, AN TRÚ – Thơ Tịnh Bình


       


CHUÔNG GIÓ
 
Leng keng... leng keng...
Bước chân nàng gió
Sớm mai trên cỏ
Mắt ngọc long lanh
 
Tia nắng lung linh
Xuyên ngàn kẽ lá
Chú chim rất lạ
Hót vang không ngừng...
 
Ngày xanh... rất xanh...
Vu vơ khẽ hát
Em nghĩ về anh
Ngày xưa man mác...
 
 
AN TRÚ
 
Bao giờ cởi hết ưu phiền
Về làm đứa trẻ hồn nhiên năm mười
Bao giờ tàn cuộc rong chơi
Chỉ mong để lại nụ cười trên môi
 
Mênh mông bể khổ lạc trôi
Thuyền mây một áng tinh khôi giữa trời
Sầu chi lá rụng hoa rơi
Biệt ly rồi lại về nơi cội nguồn
 
Lòng đơn nhấp ngụm trăng suông
Cõi tâm an trú không buồn không vui
Dòng đời rong ruổi ngược xuôi
Thương người còn mãi khôn nguôi chữ tình...
 
Ta giờ nhạt với hư vinh
Còn chăng thơ với chút tình thế nhân...
 
                                TỊNH BÌNH
                                 (Tây Ninh)

NHỊP GUỐC – Thơ Nguyên Lạc

 
   

 
NHỊP GUỐC
 
Thu về động nỗi tình phai
Còn nguyên nhịp guốc xưa ai bỏ về
 
Vọng từ tâm nhịp tái tê
Người về! Thôi nhé thiết thê tôi nhìn
Người về! Tôi bóng đối hình
Đứng nghe nhịp guốc thấy mình nát tim
 
Mùa về! Nhịp guốc còn nguyên
Chiều thu cô lữ ưu phiền guốc xưa
Mười năm có đủ hay chưa?
Quên đi nhịp guốc sầu mùa biệt li
 
Người về có nghĩa người đi
Gặp tôi lần cuối phân kỳ lời than
Vu quy em phải theo chồng
Anh ơi! Tình đó phải đành... biết sao?
 
Bao năm vẫn nhịp guốc nào
Thu về tiếng lá thì thào guốc xưa!
Em ơi! Tôi vẫn mãi mơ
Nhịp đôi guốc mộc dáng thơ ngây nào
 
Phương kia hạnh phúc ra sao?
Đừng như tôi phải hư hao một đời
Mùa sang vàng lá thu rơi
Tiếng thu. nhịp guốc. chạm tôi phiến sầu!
 
                                             Nguyên Lạc
 

CÂY TRÔM, CÔNG DỤNG CỦA MỦ CÂY TRÔM VÀ NHỮNG LƯU Ý KHI DÙNG – Tuyết Nhi

 
Cây trôm
 
Cây trôm loài cây nông nghiệp giá trị của miền Nam bộ, mủ trôm hay nhựa từ cây trôm là một loại thực phẩm thuốc ngon bổ có nhiều tác dụng hay, mời các bạn tham khảo thêm thông tin về loài cây này.
 

A LAN NHÃ – Thơ Trần Mai Ngân


   


A-LAN-NHÃ
 
A-lan-nhã tôi về đây
Bỏ buông quên hết những ngày của tôi
Khói sương vây bủa mà thôi
Chuyện nhân chuyện thế đã trôi xa vời...
 
A-lan-nhã ở trần gian
Nhưng không khói bếp không màn nhớ thương
A-lan-nhã tôi xin nương
Tịnh tâm không vướng không vương luỵ trần
 
A-lan-nhã cũng rất gần
Cũng xa xa lắm... đường chân mây trời...
 
                                      Trần Mai Ngân
.......
 
A-lan-nhã, H: 阿蘭若, Skrt: Araṇya

** Lan-nhã là chỉ nơi yên lặng cách xa xóm làng, nơi thích hợp cho những người tu sĩ cư trú. Dần dần về sau A-lan-nhã trở thành một danh từ chỉ nơi cư trú của những vị tu sĩ. Lúc này A-lan-nhã gần với nghĩa “chùa”, “tịnh thất”, “tịnh xá”.
 

Thứ Hai, 26 tháng 4, 2021

ẢNH CỰC HIẾM VỀ CHÙA THIÊN MỤ NHÌN TỪ MÁY BAY

Nguồn:
https://kienthuc.net.vn/di-san/anh-cuc-hiem-ve-chua-thien-mu-xua-nhin-tu-may-bay-1528581.html
 
Nhìn từ không trung, chùa Thiên Mụ - ngôi chùa cổ nổi tiếng nhất Cố đô Huế - gây choáng ngợp với diện mạo kiến trúc bề thế và vẻ đẹp hài hòa cùng cảnh quan thiên nhiên...
 
 
 Chùa Thiên Mụ thập niên 1920 nhìn từ máy bay. Tháp Phước Duyên là công trình gây ấn tượng mạnh dù quan sát từ mặt đất hay trên không trung.

 
Chùa Thiên Mụ với khuôn viên rộng lớn nổi bật giữa khung cảnh hoang sơ phía Tây Kinh thành Huế đầu thế kỷ 20
 
 
           Chùa Thiên Mụ (ảnh trên) trong một album ảnh của Pháp thập niên 1920
 
 
                 Chùa Thiên Mụ năm 1963 nhìn từ máy bay trực thăng Mỹ.
 
 
            Toàn cảnh chùa Thiên Mụ trong một bức ảnh tô màu không rõ niên đại.
 
 
                            Tấm bản đồ Huế và vùng phụ cận thập niên 1930. 
            Chùa Thiên Mụ được đánh dấu bằng hai ô màu đỏ ở góc trên bên trái.
 
 
                Không ảnh chùa Thiên Mụ ngày nay. Ảnh: Huesmiletravel.
 

Chủ Nhật, 25 tháng 4, 2021

DẠ KHÚC, DẠ KHÚC TRĂNG, DẠ LAN HƯƠNG, DẠ SẦU NGÂM – Thơ Lê Văn Trung

 
   


DẠ KHÚC
 
Tôi làm con dế nhỏ
Giữa đêm tình gáy sương
Em ủ một màu trăng
Lắng tim buồn trong cỏ
 
Tôi làm con sâu đo
Trên nhánh đời vô lượng
Em chỉ là giấc mơ
Tôi đo từng bước muộn
Tôi đo từng bước run
Không ra ngoài ảo tượng
 
Em ở phía vô cùng
Tôi quanh đời bé mọn
 
Tôi làm con bướm đêm
Cánh rụng, nằm trên đất
Cánh bướm nào trong em
Đã biến hình lột xác
Tôi nằm trên đất chết
Có bao giờ nguôi quên
Bên kia bờ hủy diệt
 
Tôi làm hoa tí ngọ
Nở đúng giờ nhân gian
Tôi làm con dế nhỏ
Gáy giữa tình chia tan
Em về trưa hoa tàn
Em về khuya trăng vỡ
Con bướm tình tắt thở
Chỉ còn màu sương loang
 
Tôi nằm nghe bước nhỏ
Mùa thu người trăm năm
Tôi trải lòng cỏ úa
Lên mộ sầu ăn năn
Mai em về tóc xoả
Giọt lệ buồn căm căm
Con dế tình khản giọng
Dưới vực chiều xa xăm
 
Trăm nhánh đời vô lượng
Tôi đo hồn thiên thu
Tôi luân hồi hoá bướm
Cánh rụng nằm bên hoa
 
Em ở phía trời xa
Khúc dạ cầm im bặt.
 
         Lê Văn Trung
              (2008)
 

CHUYỆN THÁNG TƯ QUÊ TÔI – Thơ Nguyên Lạc

 
  
                           Nhà thơ Nguyên Lạc


CHUYỆN THÁNG TƯ QUÊ TÔI
 
"Ai muốn chép công ta chép oán,
Công riêng ai đó oán ta chung"
                           (Khuyết danh)
 
 
I. MỘT THỜI EM TÔI
 
"Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi
Buôn bán không lời, chèo chống mỏi mê"
                                                    (ca dao)
 
Nhánh lục bình trổ chùm bông tím biếc
Vướng bãi bùn khóc dòng xiết trôi xa!
Con thòi lòi trố mắt nhìn thương tiếc
Bỗng giật mình trái bần rụng chiều tà
 
Người về đâu lệ lưng tròng rưng rức
Bỏ lại sau bờ bến khói sương và...
Xuôi về đâu chiều bóng ngả bờ xa?
Buồn con nước bìm bịp kêu đôi tiếng!
 
Người năm cũ đâu còn áo lụa!
Trên dòng kinh bờ lở bờ bồi
Đôi mái chèo cùng đứa con côi
Vạt tóc khét lưng còng đời cô phụ!
 
Người năm cũ đâu còn son môi nụ
Bên dòng đời khóc nỗi tàn phai!
Người "chinh phu" trên ngàn đẵn gỗ [*]
Ngày khổ sai lệ đổ đêm dài!
 
Ai gây chi oan khiên dâu bể?
Để em tôi cơ khổ phận người!
Để héo hon tuổi mộng đôi mươi
Trang đài cũ tả tơi cùng năm tháng!
 
Tháng Tư chi?
Nhân sinh đầy khổ nạn
Ký ức ơi!
Chứng tích đến khi nào?
Làm cách gì?
Biết làm sao?
Ai níu được mây trắng bay... bay...
Mãi...!

.........
 
[*] Trại "cải tạo"
Chém tre, đẵn gỗ trên ngàn
Hữu thân, hữu khổ phàn nàn cùng ai?!
(Ba năm trấn thủ lưu đồn - Khuyết danh)
 
 
II. RA ĐI, TÌM VỀ
 
Tang thương một thuở ba đào
Trùng dương cuồng nộ xác nào vùi sâu!
                                         (Nguyên Lạc)
 
 
1. Ra Đi
 
Đêm nay chợt nhớ con kinh
Hai bờ dừa nước dòng tình xuôi êm
Hậu Thạnh đồng lúa êm đềm
Anh ra Đại Ngãi tìm em má hồng
Trường xưa còn nhớ hay không?
Phượng hồng. mắt biếc. tình nồng duyên quê
 
Tháng Tư dâu bể não nề!
Anh đi "cải tạo" em về quê xưa
Lưng còng sáng nắng chiều mưa
Trên dòng kinh cũ sớm khuya tảo tần
 
Nuôi con ngấn lệ đợi chồng
Đợi bao năm nữa? Tù không có ngày!
Thôi anh tha lỗi phận này!
Tội trời xin chịu bỏ người em đi!
 
Trời bày cay nghiệt lắm chi?
Biển khơi cuồng nộ xóa đi bóng hình!
 
2. Tìm Về
 
Dã nhân "trại thẳm rừng xanh"
Về tìm. hụt hẫng hư không một trời!
Vợ con mất dấu lâu rồi
Chỉ dòng kinh cũ hoa trôi tím màu!
 
Mươi năm tủi nhục kiếp nao
Cắn môi nuốt lệ. thảm. đau. phận tù!
Mệnh danh "Cách mạng mùa thu"
Ngụy ngôn giai cấp hận thù giết nhau!
 
Nhân danh đất nước đồng bào
Gây bao thảm nạn đớn đau khốn cùng
Biển dâu mất dấu tình chung!
Sinh ly!
Tử biệt!
Trùng phùng kiếp nao?!
 
Tháng tư!
Lại Tháng Tư nào!
Vết thương thời cũ làm sao đây người?!
 
                                         Nguyên Lạc
 

VỀ LẠI NHÀ XƯA... – Thơ Tịnh Bình

                           
  
               
Nhà thơ Tịnh Bình

                   
VỀ LẠI NHÀ XƯA...
 
Bốn mùa
Vẫn là sự dịch chuyển muôn thuở
Nụ trăng tròn khuyết
Miên man những vòng xoay...
 
Vô tư gió đâu hay lòng hoang vắng
Nắng mùa đông thèm hơi ấm tay người
Ô cửa khép giấc mơ tàn lụi
Thanh xuân vồi vội bỏ ta đi...
 
Hỏi gì ngày tháng đang trôi
Cuối con đường mọc lên loài hoa dại
Tim tím nở âm thầm...
 
Mòn vẹt gót thời gian
Miệt mài mưa nắng
Tiễn mùa đi về nơi không tuổi
Phía non ngàn vó ngựa khuất qua truông
 
Về lại mái nhà xưa tuổi dại
Lục lọi ấu thơ trên tầng gác mái
Tiếng chim bồ câu trở về rất thực
Ký ức xám màu ngói cũ
Ru giấc an yên...
 
                              TỊNH BÌNH
                               (Tây Ninh)

Ơ, CÔ CHỦ NỢ - Thơ Lê Phước Sinh

 
                                                           
            Nhà thơ Lê Phước Sinh


Ơ, CÔ CHỦ NỢ
 
Cái trán bương bướng
Mắt luôn cười cười
Má duyên hồng tươi
Môi thì tủm tỉm...
 
Anh phải lòng Em
Nợ khi mới gặp
Con Nợ kì cục
khất biết bao lần,
cù chầy cù nhầy
tháng ngày đã chốt
không chịu trả xong
lại cứ lòng vòng.
 
Cười nịnh
- Cho Anh khất tiếp...
 
LÊ PHƯỚC SINH

Thứ Bảy, 24 tháng 4, 2021

CHÚT NHẬN XÉT VỀ CA KHÚC “THUYỀN VÀ BIỂN” CỦA NHẠC SĨ PHAN HUỲNH ĐIỂU PHỔ THƠ XUÂN QUỲNH – Phạm Đức Nhì

 
Nhà bình thơ Phạm Đức Nhì


Lời Nói Đầu
 
Ca khúc Thuyền Và Biển phổ thơ Xuân Quỳnh của Phan Huỳnh Điểu nhận được rất nhiều lời khen của những người yêu thơ, thích nhạc, trong đó có cả một số khá đông những nhà phê bình văn học.
 
Sau đây là 2 lời khen đắt giá:
 
1/ “Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu là người đã phổ nhiều bài thơ thành những ca khúc hay, nhưng có lẽ Thuyền Và Biển là ca khúc phổ thơ hay nhất của ông. Bởi ông không chỉ lồng vào thơ một giai điệu trữ tình, lãng mạn mà còn tạo cho người nghe một cảm xúc dạt dào, mường tượng như mình đang ngồi trước biển và nhìn thấy từng lớp sóng bạc đầu xô nhau…
Và việc ông chọn Thuyền Và Biển làm nhan đề một tập nhạc của mình, đã được Nhà xuất bản Thanh Niên tái bản đến 3 lần, có lẽ cũng nói lên điều này.”
                                                                                         (Huy Miên)

https://www.sggp.org.vn/thuyen-va-bien-20171.html
 
2/ “… ca khúc Thuyền Và Biển, nhạc Phan Huỳnh Điểu, thơ Xuân Quỳnh ra đời năm 1981 và trở nên nổi tiếng khắp cả nước. Xuân Quỳnh viết bài thơ này - theo nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, bạn của Xuân Quỳnh kể lại - vào những năm 1960 khi đang yêu đắm đuối và đau khổ trong cuộc tình tuyệt vọng. Sau gần hai thập niên, bài thơ tình tuyệt vời của chị được chắp cánh bay cao, bay xa qua bút pháp âm nhạc tài hoa của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu”.

(Trương Quang Lục, Nhạc Sĩ Phan Huỳnh Điểu Và Cuộc ‘Hôn Phối’ Thơ - Nhạc)

https://www.sggp.org.vn/nhac-si-phan-huynh-dieu-va-cuoc-hon-phoi-tho-nhac-11309.html
 
Tôi đã từng viết lời bình cho bài thơ (1), nghe ca khúc (nhiều lần) qua giọng hát của nhiều ca sĩ khác nhau, nhưng về phương diện ca từ, lại có cái nhìn hơi khác. Xin được chia sẻ với bạn đọc.
 

Thứ Năm, 22 tháng 4, 2021

BÀN VỀ BÀI THƠ “NÓI CHUYỆN VỚI CỬA MÌNH” CỦA KHA TIỆM LY - Châu Thạch

 
                  
                                                 Nhà thơ Châu Thạch


Vừa qua trên trang phudoanlagi.blogspot.com có đăng bài thơ “Nói Chuyện Với Cửa Mình” của nhà thơ Kha Tiệm Ly. Nhà thơ La Thụy, quản trị trang blogspot nầy giới thiệu bài đăng trên dòng face book  La Thụy của ông, có viết mấy lời như sau: “Nhà thơ Khatiemly Haohan mần thơ theo kiểu ‘lời tục ý thanh’. Mời xem”.

TÔN THẤT, TÔN NỮ “CÓ PHẢI LÀ HỌ” ? – Nguyễn Chu

Nguồn:
https://www.facebook.com/groups/462469104898861/
Nguyễn Chu > Huế Cổ Phong - 顺化古


Rất nhiều người con cháu trong dòng họ thế hệ sau không hiểu sao họ Tôn lại là họ Nguyễn Phước? và thi thoảng, có vài người thắc mắc: Tôn Thất, Nguyễn Phúc (Phước), Tôn Nữ, Công Tôn Nữ… gốc gác từ đâu? Có phải con cháu các vua triều Nguyễn không? Vì sao cha thì “họ” Bửu mà con trai thì “họ” Vĩnh? con gái thì “họ” Công Tôn Nữ?...

TRẢ TA SÔNG NÚI - Vũ Hoàng Chương

 
   
                                 Thi sĩ Vũ Hoàng Chương


TRẢ TA SÔNG NÚI
 
Trải bốn nghìn năm dựng nước nhà
Sông khoe hùng dũng, núi nguy nga
Trả ta sông núi bao người trước
Gào thét đòi cho bọn chúng ta… 
Trả ta sông núi từng trang sử
Dân tộc còn nghe vọng thiết tha
Ngược vết thời gian, cùng nhắn nhủ:
Không đòi, ai trả núi sông ta?
 
Cờ báo phục Hai Bà khởi nghĩa
Ðuổi quân thù, xưng đế một phương
Long Biên sấm dậy sa trường
Ba thu xã tắc, miếu đường uy nghi 
Xót nòi giống, quản chi bồ liễu
Dòng Cẩm Khê còn réo tinh anh
Một phen sông núi tranh giành
Má hồng ghi dấu sử xanh đời đời
 
Bể dâu mấy cuộc đổi dời
Lòng trăm họ vẫn dầu sôi bừng bừng
Mai Hắc Ðế, Phùng Hưng, Bố Cái
Liều thế cô dằng lại biên cương 
Ðầu voi, Lệ Hải Bà Vương
Dù khi chiến tử vẫn gươm anh hào
Tinh thần độc lập nêu cao
Sài lang kia, núi sông nào của ngươi?
 
Núi sông ấy của người dân Việt
Chống Bắc phương, từng quyết thư hùng
Ngô Quyền đại phá Lưu Cung
Bạch Ðằng Giang nổi muôn trùng, sóng reo 
Hồn tự chủ về theo lửa đuốc
Chữ thiên thu: Nam Quốc sơn hà
Phá tan nghịch lỗ không tha
Tướng quân Thường Kiệt gan già mấy mươi 
Gươm chiến thắng trỏ vời Ðông Bắc
Hịch vải nêu tội giặc tham tàn
Dựng nhân nghĩa, vớt lầm than
Danh thơm ải ngoại, sấm ran biên thùy
 
Khí thiêng tỏa chói tư bề
Phường đô hộ có gai ghê ít nhiều?…
Cửa Hàm Tử vang teo vết cáo
Bến Chương Dương cướp giáo quân thù 
Trận Ðà Mạc dẫu rằng thua
Làm Nam quỷ, chẳng làm vua Bắc đình
Chém kiêu tướng, đồn binh Tây Kết
Triều Phú Lương gầm thét giang tân
 
Phá cường địch báo hoàng ân
Trẻ thơ dòng máu họ Trần cũng sôi
Kìa trận đánh bèo trôi, sóng dập
Sông Bạch Ðằng thây lấp xương khô 
Những ai qua lại bây giờ
Nghe hơi gió thoảng, còn ngờ quân reo
Hịch Vạn Kiếp lời khêu tướng sĩ
Hội Diên Hồng quyết nghị toàn dân 
Khuông phù một dạ ân cần
Vó thiêng ngựa đá, hai lần bùn dây
Sơn hà mấy độ lung lay
Máu bao chiến sĩ nhuộm say màu cờ
 
Cảm ý núi ngồi mơ độc lập
Thuận tình sông trôi gấp tự do
Ấy ai đầu dựng cơ đồ
Gấm thêu lời chiếu Bình Ngô thuở nào 
Cơn nguy khốn ra vào sinh tử
Thân nằm gai, lòng giữ sắt son
Linh Sơn lương chúa hao mòn
Quân tan Côi Huyện, chẳng còn mảy may 
Chén rượu ngọt cùng say thấm thía
Tình cha con mà nghĩa vua tôi
Thuận dân là hợp ý trời
Sử xanh chót vót công người Lam Sơn
 
Quốc dân chung một mối hờn
Cần câu đánh giặc mà hơn giáo dài
Chống ngoại địch, gươm mài quyết chiến
Voi Quang Trung thẳng tiến kinh kỳ 
Phá Thanh binh trận Thanh Trì
Sông Hồng khoảng khắc lâm ly máu hồng
Núi dậy sấm cho sông lòe chớp
Cờ Tây Sơn bay rợp Bắc Hà
Xác thù xây ngất Ðống Ða
Bụi trường chinh hãy còn pha chiến bào
Tinh thần độc lập nêu cao
Sài lang kia, núi sông nào của ngươi?
 
Cường quyền vẫn muôn đời cưỡng áp
Dưới bàn tay giặc Pháp càng đau
Chúa tôi nhỏ lệ cùng nhau
Khua chiêng hải ngoại, rừng sâu kéo cờ 
Dạ Cần Vương trơ trơ thiết thạch
Kẻ Văn Thân, hiệp khách cùng chung
Hoàng Hoa Thám, Phan Ðình Phùng
Khói reo Thanh Nghệ, lửa bùng Thái Nguyên
 
Hợp Nghĩa Thục kết liên đồng chí
Xuất dương tìm tri kỷ Ðông Ðô
Phan Sào Nam, Phan Tây Hồ
Long đong bốn bể, mưu đồ cứu dân 
Vận nước chửa hết tuần bĩ cực
Sức người khôn đọ sức ông xanh
Mỗi phen gắng gỏi tung hoành
Thương ôi! sự nghiệp tan tành mỗi phen
 
Nguyễn Thái Học gan bền, chí cả
Họp đồng bang gióng giả nên đoàn
Rừng xanh bụi cỏ gian nan
Mong đem nhiệt huyết dội tan cường quyền
Tổ chức việc tuyên truyền, ám sát
Khắp nơi nơi, từng hạt, từng châu
Xiết bao hy vọng buổi đầu
Một đêm Yên Bái ngờ đâu tan tành
 
Ôi Việt sử là tranh đấu sử
Trước đến sau cầm cự nào ngơi
Tinh thần độc lập sáng ngời
Bao người ngã, lại bao người đứng lên
Ngày nay muốn sông bền, núi vững
Phải làm sao cho xứng nguời xưa
Yêu nòi giống, hiểu thời cơ
Bốn phương một ý: phụng thờ giang sơn
 
Ðừng lo yếu, hãy chung hờn
Cần câu đánh giặc từng hơn giáo dài
Trả núi sông ta! lời dĩ vãng
Thiên thu còn vọng đến tương lai
Trả ta sông núi! câu hùng tráng
Là súng là gươm giữ đất đai
Trông lên cao ngất phương trời
Hồn thiêng liệt sĩ bừng tươi sắc cờ.
 
                         Vũ Hoàng Chương