CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 25 tháng 4, 2024

DANH CA THÁI HIỀN - Long Đàng



Thái Hiền (tên đầy đủ là Phạm Thị Thái Hiền, sinh ngày 24 tháng 4 năm 1958 tại Sài Gòn) là một nữ ca sĩ Việt Nam tại hải ngoại, là người con thứ năm - đồng thời là trưởng nữ của nhạc sĩ Phạm Duy và ca sĩ Thái Hằng. Thái Hiền bước chập chững bước vào con đường nghệ thuật từ đầu những năm 70 dưới sự dìu dắt của bố.
 
Trước 1975

Ca sĩ Thái Hiền người gốc Hà Nội nhưng lại sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, cô bắt đầu con đường ca hát từ năm 13 tuổi với những bài Bé Ca mà nhạc sĩ Phạm Duy viết dành riêng cho con gái của mình.
Đến năm 1974, khi Julie rời The Dreamers sang Pháp thì Thái Hiền trở thành giọng nữ chính của ban nhạc. Và cô nhanh chóng trở thành một ngôi sao ở độ tuổi thiếu niên nhờ những bài Bé Ca, Nữ Ca và sau này là Thiền Ca, Đạo Ca được bố là nhạc sĩ Phạm Duy viết riêng cho giọng hát của mình.
Khi bắt đầu được yêu mến với Nữ ca, những bài hát cho tuổi mới lớn, là lúc cô rời Việt Nam theo cha.
 

TÌNH YÊU KHÔNG CHE KHÔNG GIẤU – Thơ Trần Vấn Lệ


  

 
TÌNH YÊU KHÔNG CHE KHÔNG GIẤU
 
Rừng thưa...rừng thưa...
Rừng mỗi ngày một thưa!
Người ta phá rừng, người ta băm đất,
trồng cà phê lên, uống, quên, quên đi quá khứ!
 
Bốn ngàn năm Sử - một hơi thuốc lào!
rồi thở cái phào, đồng bào... quên tuốt.
Thế Kỷ Hăm Mốt mới một phần tư,
Thời gian còn dư để người ta chết!
 
Con chim hoành hoạch hót mấy tiếng buồn
bay đi trong sương, rừng yêu thương trống
Gió chiều lồng lộng thổi bay hoàng hôn...
Gió chiều lồng lộng thổi bay rừng thưa!
 
*
Em về chiều mưa, em che nón lá
nước mắt lả chả mưa mà trời mưa...
Mắt em không khô không hề khô nữa!
Không ai bên cửa chờ em chải đầu...
 
Khung cửa gỗ dầu hình như đã khóc?
Mưa chảy hàng dọc, mưa chảy hàng ngang...
Không chiếc lá vàng nào rơi trên gạch!
Sân nhà ai sạch?  Lòng người ai dơ?
 
Rừng thưa rừng thưa rừng thưa dần.
Câu thơ nối vần, vần thơ lỗi nhịp
Dân ta tiền kiếp tội gì Phật ơi...
Cái nón em tơi, áo tơi em tả!
 
Quê Hương thương quá những cánh rừng thưa...
cho mưa cho mưa hết ngang rồi dọc
cho em ngồi khóc nhớ cái bóng trưa...
nhớ anh trong thơ, những bài thơ cũ!
 
Ai xa Quê Hương
Không Ai Che Giấu
Nỗi Buồn Quê Hương
Những Cánh Rừng Thương! 
 
                                                 Trần Vấn Lệ

HOÀI NIỆM MÙA HOA TI-GÔN, TIẾNG THẠCH SÙNG ĐÊM – Thơ Tịnh Bình


  


HOÀI NIỆM MÙA HOA TI-GÔN
 
Trang thơ hạ đâu rồi phượng vĩ
Mưa chợt nhòa ướt tiếng ve kêu
Chiếc ô nhỏ tròn xoe cuối phố
Bằng lăng áo tím rộn mùa yêu
 
Ti-gôn chúm chím cười trong gió
Ngây thơ e ấp sắc hồng phai
Ta chợt nhớ ngày xưa hỡi nhỏ
Trò chơi đám cưới tóc hoa cài
 
Mưa hờn dỗi chút nỗi niềm bỏ ngỏ
Phố liêu xiêu hoang vắng ánh ban chiều
Những vòng xe biết về đâu trăm ngã
Người chẳng buồn sao mắt cứ đăm chiêu
 
Mưa gõ nhịp chú ve sầu thôi hát
Hoa Ti-gôn ngưng kể một chuyện tình
Dưới hiên xưa dáng hoa hình tim vỡ
Tưởng nhỏ năm nào nhoẻn miệng nụ cười xinh...

THÔI LÀ HẾT, THUYỀN - Thơ Chu Vương Miện


  

 
THÔI LÀ HẾT
 
Thằng tỉnh cùng thằng khùng
Đều làm thẩn làm thơ
Đều chết tiệt
Thẳng tỉnh làm thơ dở ẹc
Thằng khùng làm thơ cà chua cà chớn
Để bọn đầu óc cà dzựt đọc
Thơ văn chừ sáng tác ra
Chinh mình không đọc
Chó mèo không đọc?
Chờ thiên hạ đọc?
Thằng tỉnh biết điều không làm phiền một ai?
Còn thằng khùng không còn cái đầu
Nên làm phiền lung tung
Nhưng lại không cho vậy là làm phiền?
Trốn biệt trên rừng xanh
Múa gậy vườn hoang
Mặt mày lơ lơ láo láo
Đời không ra đời
Tu đạo không ra tu đạo
Ghé vào am thiền kiếm chút cháo
Phong uế vào thi ca
Tầm nhìn nửa thú nửa người
Nửa thiền nửa điên?
 

Thứ Ba, 23 tháng 4, 2024

UỐNG CHO QUÊN ĐỜI TÀN TRONG NGÕ HẸP – Trần Vấn Lệ



Nắng liên tiếp hai ngày. Mai, mốt ngày vẫn thế, không thể như thường lệ:  "Sau nắng là có mưa!".
 
Chúng tôi đang uống bia.  Coi như đang uống nắng.  Bia thì dĩ nhiên đắng.  Nắng...hình như ngọt ngào?
 
Hết xí xô xí xào, bắt qua chuyện thời tiết:  Bây giờ ai cũng biết biến đổi khí hậu mà!
 
Khí hậu như đóa hoa, sáng nụ, trưa, chiều, nở!  Không có gì muôn thuở nằm ngoài chữ Vô Thường!
 
Không ai còn xót thương cho ai còn khổ cực? Chúng ta đang Hạnh Phúc hay chúng ta Vô Tư?
 
Đất Nước mình cõi Mơ?  Không ai thèm tranh cãi!  Luận bàn chi Trái, Phải...vì không ai muốn nghe!
 
Chúng tôi đang uống bia, dân Sài Gòn nuôi chó!  Một trăm con, lớn, nhỏ, tha hồ sủa, báo đăng!
 
Chúng tôi uống Việt Nam nghẹn ngào ngay cuộc nhậu... chút đỉnh cái Tốt, Xấu cố mà giấu cho yên!
 
Ôi một lũ điên / uống bia giữa ngày nắng!  Đứa nào say, trời cản; đứa nào tỉnh... uống thêm!
 
Uống cạn tình anh em!  Uống cho quên hòa hợp.  Bốn chín năm lớp lớp / đời tan như mây sương... 
                                                                                     Trần Vấn Lệ

GIÃ BIỆT THÁNG TƯ – Thơ Lê Phước Sinh


  

 
GIÃ BIỆT THÁNG TƯ
 
Nhành Phượng leo, ngóng nhìn vào cửa sổ
Con Ve Sầu đợi khúc nhạc vang ca
Trời đã nóng chưa bao giờ từng nóng
Tròn nhô lên mồ hôi quẹt mồ kê.
 
Cơn Gió Nồm đang dừng chân bến đợi
Bao năm qua, cô phụ ngóng tin chồng...
 
                                      Lê Phước Sinh

Thứ Hai, 22 tháng 4, 2024

SỰ KHÁC BIỆT GIỮA “THỪA TƯỚNG” VÀ “TỂ TƯỚNG”



Nhiều người vẫn thường cho rằng hai chức vị Tể tướng và Thừa tướng có quyền lực như nhau, còn hay nhầm lẫn giữa hai chức vị này trong thời cổ đại. Tuy nhiên, Tể tướng và Thừa tướng về quyền lực lại có sự khác biệt rất lớn.
 
Nhắc đến Thừa tướng, mọi người thường sẽ phải kiêng nể vài phần, vì đây là chức vụ dưới một người trên vạn người, quyền lực của người này chỉ đứng sau hoàng đế. Chức vụ này, thông thường nếu không phải là những lão tiền bối trong triều đức cao vọng trọng, năng lực cực mạnh thì sẽ là thân tín mà hoàng đế tín nhiệm nhất. Những người bình thường trong triều, cho dù có ý chí đến mấy thì cũng chẳng có mấy ai dám tưởng tượng rằng sau này mình sẽ ngồi vào vị trí uy quyền này. Dưới Thừa tướng còn có vô số những chức quan lớn nhỏ khác và trong đó chức vị dễ bị hiểu lầm với Thừa tướng nhất chính là chức Tể tướng nhỏ bé hơn Thừa tướng.
 

TÌNH YÊU TRONG NHẠC KHÊ KINH KHA – Lê Thanh Bình



Nghe nhạc đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của tôi.
 
Đã từ lâu, tôi vẫn thường thích nghe nhạc của các nhạc sĩ Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng…và tôi nghĩ không riêng gì tôi mà rất nhiều người cũng vậy.
 
Điều này cũng dễ hiểu vì nhạc của các nhạc sĩ trên đã đi vào lòng công chúng qua bao thế hệ, những nhạc phẩm này đã thuyết phục chúng ta không những bằng âm nhạc mà còn do ca từ hay, khi thì quyến rũ lãng mạn, khi thì mộc mạc chân quê, khi thì từ bi thánh thiện để rồi có lúc vụt trở nên lộng lẫy, kiêu sa…
 
Và việc yêu thích những dòng nhạc trên của tôi đã trở nên bảo thủ, đã hình thành trong tôi một thói quen bất khả xâm phạm và cứ thế tôi luôn muốn bảo vệ thành trì nghe nhạc của mình một cách cố chấp, bằng chứng là tôi vẫn tìm đến những nhạc phẩm của những nhạc sĩ trên mỗi khi muốn nghe và cả những khi nghêu ngao một mình cũng thế.
 

Ờ THÌ CÒN NHIÊU ĐÓ – Trần Vấn Lệ


 
Bão sẽ tới xế trưa ngày Thứ Sáu.  Bão không tên làm ai cũng hoang mang.  Mới tuần rồi, những trận gió lang thang...đài Khí Tượng nói là cơn bão... nhẹ.  Nghe thế thôi.  Chuyện thế thời là thế.  Biến chuyển trời.  Biến chuyển đất.  Kệ người ta...
 
Ngày hôm qua đã qua.  Ngày hôm nay đang tới.  Xế trưa, rồi chiều tối, gió có nhiều, có lúc cũng hung hăng.  Mưa chắc quên không thấy tưới cây vườn, cái mặt sân chắc cũng thèm rửa mặt?  Tin thời tiết có nhiều khi trật lất...bởi vì không ai nắm được ngày mai!
 
Chuyện cà phê thành chuyện nói hàng ngày.  Chuyện chính trị, đều bỏ qua đi tám!  Chuyện đá banh cũng không còn nỗi bận.  Gió mưa hoài không ai thích tranh đua.  Có bao nhiêu không thích thuở giao mùa?  Có nhiều lắm nhất là bệnh cảm. Nhiều người than khi không mình húng hắng.  Nhiều người than mình thấy mệt chiều chiều...
 
Tôi nhìn cây, hàng cây phố xiêu xiêu... Tôi nhìn nắng còn vài vạt vàng lốm đốm.  Tôi nhìn công viên có mấy người còn chơi muộn.  Ngày đi qua.  Những chiếc xe chạy qua...
 
Tôi thấy đây thôi, tôi không thấy quê nhà!
 
*
Câu đó nhắc cho tôi còn biết nhớ... Nhớ con thuyền thường neo nơi cổ độ...nhớ ai hoài mười bảy tuổi sang ngang. Tôi nhớ tôi: Một tên lính tan hàng.
 
                                                                                       Trần Vấn Lệ

CÓ THỂ - Thơ Lê Văn Trung


  

 
CÓ THỂ
 
Có thể một ngày trong cuộc sống
Ta quên đâu đó một con người
Kẻ đã cùng ta nuôi hy vọng
Trọn đời bước tiếp cuộc rong chơi
 
Có thể đôi lần ta chợt thấy
Đã nhớ ra điều ta cố quên
Những vết thương xưa chưa liền sẹ
Trái trời trở gió lại rung lên
 
Có thể đôi khi ta dừng lại
Trước một hoàng hôn đã tím chiều
Thầm hỏi ta về hay mãi mãi
Bao dòng trong đục cuốn ta theo?
 
                            Lê Văn Trung
                                19.04.24

LỜI HẸN ƯỚC – Thơ Nguyên Lạc


  

 
LỜI HẸN ƯỚC
 
Em còn trẻ bao mộng đời diễm tuyệt
Bước tung tăng chân sáo ngôi trường
Rạng rỡ cười đường phượng thân thương
Những hò hẹn nồng nàn góc phố
 
Em còn trẻ đâu biết đời quá dữ!
Đâu biết đời đầy những khổ đau
Đâu biết người không dung thứ nhau
Toàn lừa lọc mưu toan ám hại
 
Đáng đời chưa ai bảo em khờ dại!
Tin lời tên lãng tử như anh
Để trách hờn nước mắt lưng tròng
Để chờ đợi quắt quay chiều phố vắng
 
Để đếm bước rã rời cay đắng
Đường quạnh hiu dài lắm phải không em?
Đáng đời chưa ai bảo yêu lầm!
Tên lính trận hoang tàn bạt mạng
 
*
Mộng rất nhỏ của người cô lữ
Của kiếp đời với bao nỗi tan hoang
Chiều tha hương se sắt lệ điêu tàn
Chạm phiến nhớ tận cùng miền ký ức!
 
Nhớ một thuở... nhớ một lời hẹn ước
Nhớ xót xa, nhớ dằn vặt riêng mình!
"Tháng ba gãy súng" [*]
Một kiếp điêu linh!
Em đâu biết, chắc em đâu biết?!
 
Có một người sống vật vờ như chết!
Trong thảm cùng địa ngục trần ai
Uất hận trong lòng bao nỗi đắng cay
Những đêm dài cắn môi thương nhớ!
 
Mười năm có đủ dài không hở?
Dã nhân trở về từ trại thảm rừng sâu!
Để thấy đời tan tác bể dâu
Cùng nỗi vô vọng kiếm tìm!
Dáng ai nào thấy!
 
Cũng phố xưa
Cũng con đường ngày ấy
Đâu những hẹn hò hờn giận em tôi?
Đâu quán thân quen?
Khúc nhạc tình "uống ngọt đôi môi"? [**]
Thôi giã biệt "quê hương tan rã"! [***]

*
Phố lạ. Tháng Tư
có người rưng rức nhớ!
Dáng ngây thơ hờn dỗi thuở nào
Em dại khờ nên tin tên lãng tử
Đáng đời em đừng trách tại sao?
 
Đáng đời tôi một tên lính ngụy!
Thất chí lưu vong, nuối tiếc cuộc hẹn nào
Bao năm rồi sao vẫn mãi thương đau?
Sao vẫn mãi đoạn đòi lời hẹn ước?!
 
Lời hẹn ước!
Em ơi lời hẹn ước!
 
                                           Nguyên Lạc
...................
 
[*] Tên sách "Tháng Ba Gãy Súng" - hồi ký Cao Xuân Huy: Ghi lại cuộc "di tản chiến thuật" của các người lính Thủy Quân Lục Chiến (VNCH) tháng 3, 1975 tại cửa biển Thuận An - Thừa Thiên Huế. Ngoài một số chết, đa số các TQLC còn lại bị bắt làm tù binh, rồi vào các trại "cải tạo" sau Tháng Tư.
[**] "Uống ly chanh đường, uống môi em ngọt"- Trả Lại Em Yêu, Phạm Duy
[***] Quê hương tan rã (Things fall apart): Tên quyển tiểu thuyết của Chinua Achebe - Hoài Khanh và Nguyễn Hiến Lê dịch sang tiếng Việt.

Chủ Nhật, 21 tháng 4, 2024

DANH CA THANH LAN, TÌNH DUYÊN LẬN ĐẬN – Long Đàng



Danh ca Thanh Lan là một trong những nghệ sĩ hiếm hoi ở thập niên 60 thành công vượt trội ở cả 3 lĩnh vực: âm nhạc, điện ảnh và sân khấu. Tuy nhiên, chuyện tình duyên của bà lại không ít truân chuyên.
 
Danh ca Thanh Lan tên thật là Phạm Thái Thanh Lan, sinh năm 1948 tại thành phố Vinh, Nghệ An. Vào năm 9 tuổi, bà được học piano với các sơ ở trường Saint Paul, sau đó được vợ nhạc sĩ Thẩm Oánh và nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi hướng dẫn. Khi còn là nữ sinh của trường Marie Curie, Thanh Lan đã hát trong một số ban nhạc như: ban nhạc Việt Nhi của nhạc sĩ Nguyễn Đức, ban nhạc sinh viên Hải Âu của nhạc sĩ Lê Hựu Hà, sau đó gia nhập đoàn văn nghệ học sinh - sinh viên Nguồn Sống…

MỘT LỜI CẢM ƠN NGUYÊN SA - Nguyen Tuong Van



Nghe nói trong nghĩa trang Westminter, có một ngôi mộ lúc nào cũng tuyền một màu vàng tươi hoa cúc. Những đóa hoa cúc được chăm sóc thật kỹ, không khi nào thấy bóng dáng hoa héo nơi mộ chí. Người quá cố, lúc sinh thời, là người rất yêu hoa cúc vàng.  "Áo nàng vàng, anh về yêu hoa cúc" là câu thơ ông đã viết trong bài thơ Áo Lụa Hà Đông. Ông là nhà thơ Nguyên Sa.
 

Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2024

BÙI GIÁNG VÀ NÀNG HOA HẬU MỘT CON – Đông Kha,Tiểu Vũ

 
Ảnh: Nhà thơ Bùi Giáng và hoa hậu Công Thị Nghĩa


Bóng mây trời cũ hao mòn
Chiêm bao náo động riêng còn hai tay
 
Bùi Giáng là một hiện tượng thơ ca đặc biệt của Việt Nam. Trong di sản văn chương ông để lại cho hậu thế có những bài thơ, câu thơ lạ lùng, gợi lên nhiều suy nghĩ, ví dụ như hai câu thơ dưới đây:
 
"Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con"
 
Đọc lướt qua hai câu thơ trên, rất nhiều người nghĩ rằng đây là một "hiện tượng lạ", đôi mắt của ai đó đang làm hai việc khác nhau. Một con mắt thì khóc và con mắt còn lại không biết đang làm gì?
 
Tứ thơ này cũng đã được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hiểu theo cách của ông và viết thành nhạc "Con mắt còn lại":
 
"Còn hai con mắt khóc người một con
Còn hai con mắt một con khóc người
Con mắt còn lại nhìn một thành hai
Nhìn em yêu thương, nhìn em thú dữ..."
 
Có thể hiểu nhạc của Trịnh Công Sơn là một sự ngẫu hứng dựa trên câu chữ chứ hoàn toàn không liên quan đến ý nghĩa thật trong câu thơ của cụ Bùi Giáng.

DANH CA THANH THÚY, NÀNG THƠ ĐẦU TIÊN CỦA TRỊNH CÔNG SƠN – Long Đàng

 Thanh Thúy (sinh ngày 2 tháng 12 năm 1943), tên khai sinh là Nguyễn Thị Thanh Thúy là một nữ ca sĩ thuộc Tân nhạc Việt Nam. Bà là một trong những ca sĩ có ảnh hưởng lớn nhất tới nền Tân Nhạc Việt Nam và đặc biệt là dòng Nhạc Vàng vì là giọng hát tiên phong thuở sơ khai của dòng nhạc này. Bà được biết đến qua các bài hát thuộc dòng nhạc vàng và nhạc tiền chiến như “Nửa đêm ngoài phố, Mưa nửa đêm, Phố buồn”,...Bà là một ca sĩ được khán giả đặt cho nhiều biệt danh nhất, như “Tiếng hát liêu trai, Tiếng hát lúc 0 giờ,Tiếng hát về khuya”, được một số nhạc sĩ viết tặng nhiều bài hát, như “Uớt mi,Thúy đã đi rồi, Được tin em lấy chồng”,...và làm bài thơ để tặng cô.


Danh ca là nàng thơ đầu tiên trong cuộc đời Trịnh Công Sơn, từng được mệnh danh là 'hoa hậu nghệ sĩ' thập niên 60

Nữ ca sĩ sở hữu giọng hát và nhan sắc trời ban

Danh ca Thanh Thúy, tên thật là Nguyễn Thị Thanh Thúy, sinh năm 1943 tại xứ Huế thơ mộng, trong một gia đình có 5 người con. Do người mẹ mắc bệnh hiểm nghèo nên cả nhà Thanh Thúy phải khăn gói vào Sài Gòn để chữa trị. Hoàn cảnh khó khăn, cả gia đình bà sống trong một căn phòng nhỏ trong con hẻm trên đường Cao Thắng.
Vào khoảng cuối thập niên 50 của thế kỷ trước, Thanh Thúy bắt đầu đi hát. Giọng ca của nữ ca sĩ được xem là hiếm thấy với các đặc trưng như tính lưỡng tính, giọng rất sâu, dày, nặng, tối, chắc khỏe, đậm tính thổ và rền như tiếng đại hồng chung; quãng hát thoải mái nằm trên âm khu trung, trầm.

TÔI NHỚ THƯƠNG QUÁ NGOẠI HƯƠNG CAU CHOÀNG BƯỚC CHÂN – Trần Vấn Lệ




Ngay cùng trong Tiểu Bang mà nhiều nơi nóng khiếp, nhiều nơi lạnh liên tiếp, nhiều nơi thấy mát rồi!
 
Tại nó lớn quá thôi?  Hay tại trời chia rẽ?  Bỏ đây đi: lớp trẻ!  Chuyển tới đây:  lớp già!
 
Trẻ, già, có cách xa, tuổi và điều suy nghĩ.  Người làm sao trời thế...cho bõ ghét trần gian!
 
Bạn San Diego than:  "Anh ơi, đây nóng quá!". Tôi nói như vuốt má:  "Hồng đi cho mưa về!".
 
Đúng là chuyện bạn bè...Chuyện nhớ quê bớt bớt.  Nhiều người nhìn cỏ lợt thở dài như Nguyễn Du:
 
"Quê người cỏ lợt màu sương, đường đi thêm một bước đường một đau!".  Không ai biết làm sao nâng chiều tà bóng xế!
 
Bà Mẹ cho em bé ngậm vú trong parking, tôi dừng xe giật mình:  May mà trời hết lạnh.
 
Em bé mắt lóng lánh, mùi sữa bay thật thơm.
Bà Mẹ cúi xuống hôn tóc con, tình quá đỗi!
 
Tôi nhớ thương quá Ngoại hương cau choàng bước chân...Quê mình nồng nàn Xuân, bốn chín năm ai biết?
 
                                                                                        Trần Vấn Lệ

LÊN NON, NHÀ XƯA – Thơ Tịnh Bình


  

 
LÊN NON
 
Mệt nhoài lên đỉnh phù vân
Một trời một đất chợt gần gụi nhau
Vốc mây đôi ngụm trắng phau
Này hoa này lá trăng sao mỉm cười
 
Nhủ lòng cõi tạm người ơi!
Đường mây lối mộng rong chơi tháng ngày
Duyên trần ngoại cảnh đừng say
Miền sen tịnh độ thanh bai ta về
 
Hoàng hôn bảng lảng trời quê
Chim dang thêm cánh sơn khê mỏi mòn
Bước đời nặng trĩu đa đoan
Lệ mưa chớm tạnh lòng còn xót đau
 
Mệt nhoài nẻo thấp lối cao
Đỉnh trời bóng núi một màu hư vô
Biển người xao động nhấp nhô
Gánh gồng ước nguyện khổng lồ lên non...
 

Thứ Tư, 17 tháng 4, 2024

LẠC GIỮA THIÊN TAI - Thơ Lê Văn Trung


  

 
LẠC GIỮA THIÊN TAI
 
Phân Vân giữa ngã ba đường
Ta phương trời cũ - Người phương trời nào
Hỏi đất thấp - hỏi trời cao
Tìm đâu bãi biển nương dâu - bạc đầu
Tìm đâu? Mộng dữ? Chiêm bao?
Trăm năm trắng xóa niềm đau cõi người
Sống là một cuộc rong chơi
Vòng vây sinh tử nửa vơi nữa đầy
Để rồi lạc giữa thiên tai
Tìm đâu? Biển rộng? Sông dài? Tìm đâu?
Mình ta sóng vỗ chân cầu
Ngàn năm nước chảy một màu lãng quên.
 
                                           Lê Văn Trung
                                              15. 04. 24

THIÊN LÝ MÃ, THẾ ĐÓ, THIÊN TÀI... – Thơ Chu Vương Miện


  

 
THIÊN LÝ MÃ
 
Thuộc loài ngưạ Tứ nước Điền
Cực quí loại ngựa quân tử
Ngày rong ruổi ngàn dậm không mỏi
Nhưng lúc sa cơ biến thành ngựa cỏ
Ngựa hèn
Ngày kéo xe tối kéo mía
đêm ngủ cạnh chuồng trâu chuồng bò
không than cùng thở
nhục nhằn roi vọt
với kẻ ăn đứa ở
chuyện ngàn năm một thủa
Bá Nhạc vua coi tướng ngựa đi qua
Thương tiếc ngựa tài hoa
Bèn mang ngân lượng ra chuộc
Thiên lý mã như ngạc ngư trở về với biển cả
Người với ngựa chạy thong dong
Ngày đêm thoải chí
Ôi tri âm bắt gặp tri âm
-
Pollo local
quán con gà điên
con gà lôi
con gà rừng
ăn liền
-
Ăn hiền ở lành
Cơm cá và canh
Ăn ác ở ác
Tối ngày nơi sòng bài
Thua hết
-
Rượu trà gái
Ba thứ đều khoái
Bỗng dưng thành cụ Tú Xương
Uống & chơi mãi
 

ĐỌC “ĐẤT NƯỚC HÌNH TIA CHỚP” TRƯỜNG THI CỦA TRẦN MẠNH HẢO - Châu Thạch



1- Vì sao nhà thơ Trần Mạnh Hảo dùng tia chớp đề làm hình ảnh đại diện cho đất nước? Theo tôi có lẽ bởi vì tia chớp có vẻ đẹp hùng vĩ nhất, bởi vì tia chớp có năng lượng rất lớn, và bởi vì tia chớp có đường đi sáng rực và ngoằn ngoèo. Dùng hình ảnh tia chớp làm đại diện cho đất nước, Trần Manh Hảo muốn tôn vinh đất nước, muốn hóa hình đất nước vào hiện tượng thiên nhiên kỳ vỹ, để người đọc thấy đất nước qua 5 giác quan và qua tâm linh của mình.

Thứ Ba, 16 tháng 4, 2024

TỨ TUYỆT THÁNG TƯ – Thơ Nguyên Lạc


  

 
TỨ TUYỆT THÁNG TƯ
 
1.
Thiên hạ ai người lòng lớn rộng?
Cùng ta uống cạn chén tha hương
Thanh xuân thất chí tiêu đại mộng
Thống hận cuồng ngâm khúc Hồ trường!
 
2.
"Hồ trường! Hồ trường! Biết rót về đâu?" [*]
Thất chí lưu vong độc ẩm ly sầu
Tri kỷ tri âm bốn phương tan tác
Đắng khúc thơ sầu khóc cuộc bể dâu!
 
3.
Nghiêng bầu rót nỗi thương đau
Ai người tri kỷ cạn sầu cùng ta?
Lệ ngân luân lạc chiều tà
Tháng Tư rưới rượu... xót xa Hồ trường
 
4.
Nâng ly thất chí Hồ trường
Đắng cay uống trọn đau thương kiếp người
Cố nhân giờ huyễn mộng thôi
Trùng dương cách biệt ta đời phiêu linh!
 
5.
Đã rồi một cuộc tang thương
Lật trang bại sử đoạn trường xót xa
Ai người tri kỷ cùng ta?
Hồ trường thống hận lệ nhòa tha hương!
 
6.
Thanh xuân tuổi mộng ngôi trường
Tháng Tư dâu bể đoạn trường còn đâu!
Hẹn nhau thôi nhé kiếp nào
Quê hương thăm thẳm nỗi đau nghìn trùng
 
7.
Huơ tay ôm cuộc phù trầm
Soi gương bóng nguyệt buồn căm mặt người
"Một phương trời" cố nhân ơi!
Rượu sầu độc ẩm ta đời cuồng si!
 
8.
Lạnh luồn cái lạnh lưu vong
Chạm ngăn ký ức vỡ mông mênh sầu!
Nghìn trùng xa cách còn đâu?
"Ngàn năm mây trắng trên đầu vẫn bay" [**]
 
                                             Nguyên Lạc
-----------

[*] Lời thơ/ ca Hồ trường - Nguyễn Bá Trác
[**] Hoàng Hạc lâu - Thôi Hiệu

MÓN ĂN NGẦU PÍN – La Thụy sưu tầm



Tra cứu từ điển Hán Việt, ta thấy:
NGẦU PÍN có âm Hán Việt là NGƯU TIÊN 牛鞭 : dương vật bò, trâu.
Ngầu pín còn gọi đơn giản là pín xuất phát là tiếng Quảng Đông, Trung Quốc (“ngầu” hay “ngưu”: tức là con trâu, con bò, “Pín” hay “tiên”) là thuật ngữ dùng để chỉ về bộ phận sinh dục của con bò đực và cũng là những món ăn được chế biến từ dương vật và tinh hoàn của một số động vật như bò, trâu

*
Âm Hán Việt của PÍN là TIÊN  nghĩa là “cây roi”.
TIÊN  có âm Pinyin là /biān/ và âm Quảng Đông /bin1/, /Pín/  
 
Có 2 câu thơ nói về “cây roi” của trạng nguyên trong đêm động phòng:
 
“Kim tiêu động phòng hoa chúc dạ,
Thí khán trạng nguyên nhất điều tiên”
 
今宵洞房花燭夜,
試看狀元一條鞭
(Bùi Độ hoàn đái 裴度還帶)
 
Đêm nay là đêm động phòng hoa chúc,
Thử xem "cây roi da" của trạng nguyên.
 
Như vậy NGƯU TIÊN 牛鞭 hay NGẦU PÍN chỉ “cây roi da” của trâu, bò hay chính là dương vật của loài thú này đó thôi.