CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2023

ĐÀN BÀ TÂY TẠNG, MỘT THÚ VỊ - Trần Chính

Đến thăm Tây Tạng nhiều lần, tôi từng nghe nói khá nhiều về tục đa-phu ở đất nước này, nhưng chỉ tận mắt nhìn thấy một lần, do may mắn. Đó là vào tháng 3, khi tôi đưa đoàn du-lịch “Tây Tạng mùa Xuân” đi thăm tỉnh tự trị Tây Tạng ở Trung Quốc.


Hôm ấy, trên đường từ Gyantse đi Shigatze, thành phố lớn thứ hai ở Tây Tạng, và là “kinh phủ” của các vị Ban-thiền Lạt-ma (Panchen Lama), chúng tôi ghé thăm một ngôi làng nhỏ. Nói là “một ngôi làng nhỏ” bởi vì nó là một tập hợp của khoảng một chục ngôi nhà xây dựng rời rạc hai bên con đường tráng nhựa chạy giữa một dải thung lũng rộng và khô cằn. 
 
Ngôi làng này trông có vẻ khá giả hơn nhiều so với những ngôi làng mà chúng tôi nhìn thấy trên con đường đi lên hướng đông-bắc của thủ phủ Lhasa. Chamba, anh hướng dẫn viên trẻ tuổi của chúng tôi, đề nghị chúng tôi vào thăm căn nhà nằm ngay bên kia đường, đối diện với nơi chúng tôi vừa bước ra khỏi xe. Trời tuy có nắng vào buổi trưa nhưng gió tháng ba thổi rất lạnh nên chúng tôi ai nấy vội vàng băng qua đường và lách mình qua chiếc cổng nhỏ chỉ mở hé một cánh để bước vào bên trong.
 

Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2023

HAI BÀI THƠ “MAI TUYẾT” CỦA LƯ MAI PHA – Đỗ Chiêu Đức


Tuyết Mai nhị thủ của Lư Mai Pha
                                   
TUYẾT MAI Nhị Thủ 雪梅二首 là hai bài thơ thất ngôn tứ tuyệt nói về MAI TUYẾT và THƠ của thi nhân Lư Mai Pha 盧梅坡 đời Nam Tống. Hai bài thơ đã nói lên sự gắn bó không thể tách rời giữa Hoa mai, Tuyết trắng và Thơ ca; một sự kết hợp tuyệt vời của "Ba trong Một" mà nếu thiếu mất Một thì sẽ không thể tạo nên cái không gian và cảnh trí đẹp đặc sắc của buổi đầu xuân, khi Chúa Xuân vừa ngự đến...      
Nào, ta hãy đọc hai bài thơ nầy để đón chào Đông Quân của GIÁP THÌN 2024 nhé!...
    
其一                             KỲ NHẤT
梅雪爭春未肯降,     Mai Tuyết tranh xuân vị khẳng hàng,
騷人擱筆費評章。     Tao nhân các bút phí bình chương.
梅須遜雪三分白,     Mai tu tốn tuyết tam phân bạch,
雪却輸梅一段香。     Tuyết khước thâu mai nhất đoạn hương.
 

* Chú thích:
    - Hàng  : là đầu hàng, là Chịu thua. VỊ KHẲNG HÀNG là Chẳng chịu thua.
    - Tao Nhân 騷人 : là Tao nhân mặc khách chỉ khách văn chương, văn nhân thi sĩ.
    - Các Bút 擱筆: là Gác bút, không viết được.
    - Bình Chương 評章 : là Văn chương thi ca bình phẩm.
    - Tốn  : là Khiêm tốn; là nhường nhịn, là Sút kém.
    - Thâu  : là Thua, là Sút kém.
 
* Nghĩa bài thơ:
      - Mai và Tuyết cùng tranh nhau mùa xuân mà chẳng ai chịu nhường ai cả.
      - Các tao nhân mặc khách cũng đành gác bút không muốn phí lời bình phẩm.
      - Bạch Mai thì sút kém hơn Tuyết ba phần về sắc trắng. Còn...
      - Tuyết thì thua Mai vì Mai còn có một làn hương thơm thoang thoảng.
 

HOÀI NIỆM VỀ TRƯỜNG QUỐC HỌC HUẾ - Trần Xuân Thời



Các trường trung học thường mang tên một danh nhân như Pellerin, Taberd, Puginier, Pétrus Ký, Chu Văn An, Trưng Vương, Gia Long… nhưng đặc biệt một ngôi trường tọa lạc tại đất thần kinh, biểu tượng cho nền giáo dục quốc gia mệnh danh là “Trường Quốc Học” (Collège National) sánh với danh xưng “Quốc Học Viện” vào đời nhà Trần…
 
Quốc Học, trường trung học đầu tiên của Việt Nam, được thành lập năm 1896 năm Thành Thái thứ 8. Tên trường “Quốc Học” cũng thăng trầm theo vận nước nổi trôi. Năm 1907, chính phủ bảo hộ Pháp đã ép Vua Thành Thái thoái vị và phong Vua Duy Tân lên kế vị. Năm 1916 Vua Duy Tân bỏ kinh thành theo nghĩa quân kháng chiến chống Pháp. Người Pháp phong Vua Khải Định kế vị Vua Duy Tân. Vua Khải Định băng hà năm 1925. Vua Bảo Đại nối ngôi và muốn vinh danh tiên đế nên đổi tên trường Quốc học thành trường Khải Định. Sau năm 1954 trường được đổi tên là Trường Ngô Đình Diệm, nhưng đến năm 1956, dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, châu lại về hiệp phố, danh xưng Quốc Học lại trở về với mái trường xưa.
 

LỜI KHAI CỦA BỊ CAN… - Phóng sự của Trần Huy Quang


Ký họa chân dung nhà văn Trần Huy Quang của họa sĩ Ngô Xuân Khôi

Trần Huy Quang sớm bộc lộ năng khiếu văn chương. Năm 25 tuổi (1968), truyện ngắn đầu tay của anh được in trên tạp chí Văn nghệ Quân đội như một "cú hích" quan trọng, có sức động viên rất lớn đối với người bắt đầu cầm bút. Hơn nửa thế kỷ cầm bút (có lúc sóng gió), Trần Huy Quang vẫn lặng lẽ, đam mê, dấn thân để rồi định hình một phong cách, góp mặt vào đội ngũ những nhà văn tiêu biểu của văn học Việt Nam.

Là nhà văn, nhà báo, anh đã kết hợp rất khéo, nhuần nhuyễn, hài hòa để tạo nên phong cách riêng cho thể loại phóng sự xã hội. Thể loại phóng sự điều tra của anh đầy chất văn học. Chính sự "cộng hưởng" giữa tư liệu báo chí với văn chương; phóng sự và thể ký văn học đã tạo nên sức hấp dẫn riêng. 
Các bài ký “Câu chuyện về ông vua lốp, Lời khai của một bị can...” đã từng gây xôn xao dư luận bởi chính sự dũng cảm, nhập cuộc, dấn thân để phát hiện, tiếp cận vấn đề mới lạ, độc đáo, hấp dẫn. “Câu chuyện về ông vua lốp” (báo Văn nghệ - 1986) đã tạo nên một cơn địa chấn xôn xao dư luận. Còn “Lời khai của bị can” là về là "sự lệch pha giữa cơ chế và cuộc sống, chính sách và thực tế, mà nó là thân phận của một người lao động, một người thợ".

Chúng tôi xin đăng lại phóng sự “Lời khai của một bị can” về ông Vua Lốp Nguyễn Văn Chấn (1926–2013), người đã gây dựng nên một tài sản lớn từ hai bàn tay trắng, nhưng đã phải chịu nhiều oan trái, tù tội một cách phi lý. Cuộc đời Vua Lốp là một trong bằng chứng “sống” cho sự bất công của nền pháp luật XHCN Việt Nam và sự ngu dốt, nghi kỵ, hẹp hòi của những cá nhân, cơ quan phụ trách điều tra, thực thi pháp luật ở Việt Nam.

*
Tôi bán rau cần được bảy đồng. Để cho vợ tôi ba đồng, tôi cầm bốn đồng, vừa đủ tiền mua một cái vé xe đi Hà Nội. Biết rằng ba đồng vợ tôi với một đứa con chỉ sống được một tuần, trong khi nhà không còn gì. Nhưng cô ấy là người tháo vát có thể sống tạm. Còn bây giờ mọi thứ đang ở phía trước: cơm ăn, hy vọng và tuyệt vọng. Đất kinh kỳ, tôi không quen ai, không nghề không tiền. Biết thế mà tôi đâu có sợ.
 
Tôi cứ lang thang từ phố này đến phố khác, tôi không sợ lạc, bởi vì chưa có định hướng, cứ đi, đến đâu thì đến. Thoả thích ngắm xem các cửa hàng, cửa hiệu. Hàng cắt tóc. Hàng gò hàn. Hàng phở. Hiệu thuốc lào. Hàng hương. Đồ điện. Cứ đi và nhìn ngắm, thèm khát. Khi thích thì đứng lại hàng tiếng. Đến chợ Hàng Da. Có năm bảy cửa hiệu làm dép lốp. Mới hoà bình, sau kháng chiến chống Pháp, dép lốp Bình Trị Thiên đang thịnh.
 

Thứ Sáu, 29 tháng 12, 2023

XUÂN THA HƯƠNG – Thơ Khê Kinh Kha


 


XUÂN THA HƯƠNG
 
xuân này là mấy xuân rồi
mà sao hoang lạnh giăng đầy trong tôi
nhìn quanh chỉ thấy tuyết rơi
tuyết rơi hay lệ tuôn rơi vào hồn
bao năm rồi chẳng mai vảng
chỉ bao thương nhớ với ngàn đắng cay
nhớ quê hương – nhớ tình người
nhớ sông nhớ núi nhớ trời mây bay
nhớ vầng trăng – giữa đêm dài
nhớ mưa nhớ nắng nhớ ngày tháng xưa
nhớ ruộng lúa – nhớ bờ đê
nhớ con đường đất hàng tre rũ mềm
nhớ cây đa đứng đầu đình
nhánh sông nhỏ bé gập ghềnh cầu tre
nhớ ai xõa mái tóc thề
dáng mềm như bóng trăng khuya đáy hồ
nhớ đêm tát nước, ai hò:
“trăng em mười tám nõn nà như hoa
chàng về trình với mẹ cha
tràu cau trà bánh sang nhà thiếp đây
à ơi duyên phận lứa đôi
chàng chàng thiếp thiếp trọn đời có nhau”
nhớ biển xanh nhớ núi cao
bóng chim mỏi cánh qua đèo lẻ loi
 
nhớ bay theo cánh gió trời
gió ơi đưa chút tình này về quê
vượt trùng dương, vạn sơn khê
lênh đênh tìm lại lối về quê hương
 
phận người viễn xứ lưu vong
dù thân héo úa nhưng lòng sắt son
 
                              Khê Kinh Kha
                                12/23/23

SÂN NGOÀI...- Thơ Tịnh Bình


  
                  Nhà thơ Tịnh Bình


SÂN NGOÀI...
 
Gió lay hoa sứ giật mình
Sân ngoài rơi xuống lời kinh nhiệm mầu

Trăng treo cổ tự mái đầu
Sân ngoài thoáng bóng áo nâu nhẹ nhàng

Ao thu sen nở sen tàn
Sân ngoài sót chút mơ màng nhụy hương

Cõi hồn buồn giận ghét thương
Sân ngoài mắt lá đẫm sương khi nào

Chợ đời mặc cả trần lao
Sân ngoài chú tiểu làu làu chân kinh

Loay hoay trong cõi tử sinh
Sân ngoài viên sỏi im thinh nụ cười

Gió lay hoa sứ cứ rơi
Sân ngoài bóng nguyệt tỏa ngời tự thân...
 
                                          TỊNH BÌNH
                                            (Tây Ninh)

ĐỌC “ÁC MỘNG” THƠ TUỆ SỸ - Châu Thạch


   

 
ÁC MỘNG
         
Lại ác mộng bởi rừng khuya tàn bạo đấy
Thịt xương người vung vãi lối anh đi
Nhưng đáy mắt không căm thù đỏ cháy
Vì yêu em trên lá đọng sương mai
 
Anh chiến đấu nhọc nhằn như cỏ dại
Thoảng trông em tà áo mỏng vai gầy
Ôi hạnh phúc anh thấy mình nhỏ bé
Chép tình yêu trên trang giấy thơ ngây
 
Đời khách lữ biết bao giờ yên nghỉ
Giữa rừng khuya nằm đợi bóng sao Mai
Để một thoáng giấc mơ tàn kinh dị
Dáng em buồn bên suối nhỏ mây bay
 
                                      Tuệ Sỹ
                            Rừng Vạn Giã 1976
 

BIỂN CẠN – Thơ Trần Mai Ngân


  

BIỂN CẠN
 
Xòe bàn tay em đếm
Còn ngón nữa là đầy
Mà tình gầy chết yểu
Sinh nhật này chín năm
 
Em về phía xa xăm
Biển cạn mòn thương nhớ
Lòng ta đầy trắc trở
Thôi thì vậy cũng xong!
 
Một cuộc tình long đong
Rồi đi theo định mệnh
Đôi ta vâng lệnh trời
Nên cuộc đời chia đôi
 
Ở một phía xa xôi
Anh chắc gì không nhớ
Em cam đoan mình quên
Một nỗi buồn không tên!
 
Thôi thì thôi anh nhé
Thôi thì thôi học quên!
 
            Trần Mai Ngân

Thứ Tư, 27 tháng 12, 2023

THƠ TÌNH TOÁN HỌC – Gs Nguyễn Xuân Vinh và một số tác giả khác


    
                           Gs Nguyễn Xuân Vinh
 

TÌNH HƯ ẢO
 
Anh tìm em trên vòng tròn lượng giác,
Nét diễm kiều trong tọa độ không gian.
Đôi trái tim theo nhịp độ tuần hoàn,
Còn tất cả chỉ theo chiều hư ảo.
Bao mơ ước, phải chi là nghịch đảo,
Bóng thời gian, quy chiếu xuống giản đồ.
Nghiệm số tìm, giờ chỉ có hư vô,
Đường hội tụ, hay phân kỳ giải tích.
Anh chờ đợi một lời em giải thích,
Qua môi trường có vòng chuẩn chính phương.
Hệ số đo cường độ của tình thương,
Định lý đảo, tìm ra vì giao hoán.
Nếu mai đây tương quan thành gián đoạn,
Tính không ra phương chính của cấp thang.
Anh ra đi theo hàm số ẩn tàng,
Em trọn vẹn thành phương trình vô nghiệm. 
 
                          Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh


    


THƠ TÌNH TOÁN HỌC
 
Ánh xạ cuộc đời đưa anh đến với em
Qua những lang thang trăm nghìn toạ độ
Em số ảo ẩn mình sau số mũ
Phép khai căn em biến hoá khôn lường
 
Ôi cuộc đời đâu như dạng toàn phương
Bao kỳ vọng cho khát khao tiến tới
Bao biến số cho một đời nông nổi
Phép nội suy từ chối mọi lối mòn
 
Có lúc gần còn chút Epsilon
Em bỗng xa như một hàm gián đoạn
Anh muốn thả hồn mình qua giới hạn
Lại chìm vơi cạn mãi giữa phương trình
 
Tình yêu là định lý khó chứng minh
Hai hệ tiên đề chênh vênh xa lạ
Bao lô gic như giận hờn dập xoá
Vẫn hiện lên một đáp số cuối cùng
 
Mẫu số niềm tin đâu dễ quy đồng
phép chiếu tình yêu nhiều khi đổi hướng
Lời giải đẹp đôi luc do lầm tưởng
Ôi khó thay khi cuộc sống đa chiều
 
Bao chu kỳ, bao đợt sóng tình yêu
Anh khắc khoải cơn thuỷ triều cực đại
Em vẫn đó bờ nguyên hàm khờ dại
Nơi trái tim anh,
em mãi mãi là hằng số vô biên
 
Ðời tổng hợp bởi muôn ngàn mặt
Mà tình em là quĩ tích không gian
Kiếp nhân sinh những hàm số tuần hoàn
Quanh quẩn chỉ trong vòng tròn lượng giác
 
Anh không muốn cuộc đời đầy Sin Cos
Sống khép tròn trong cộng trừ nhân chia
Cạnh góc đối! Ôi phức tạp vô cùng
Mà hạnh phúc chính là đường biểu diễn
 
Sống yên bình vào vòng đời tịnh tiến
Ðâu phải là nghiệm số của lòng trai
Anh muốn lên tận cực của thiên tài
Ðể đo lấy bán kính trần gian vũ trụ
 
Nếu dòng đời toàn là thông số
Bài toán tình là căn thức bậc hai
Anh tìm em trên vòng tròn lượng giác,
Nét diễm kiều trong tọa độ không gian.
 
Đôi trái tim theo nhịp độ tuần hoàn,
Còn tất cả chỉ theo chiều hư ảo.
Bao mơ ưóc, phải chi là nghịch đảo,
Bóng thời gian, quy chiếu xuống giản đồ.
 
Nghiệm số tìm, giờ chỉ có hư vô,
Đường hội tụ, hay phân kỳ giải tích.
Anh chờ đợi một lời em giải thích,
Qua môi trường có vòng chuẩn chính phương.
 
Hệ số đo cường độ của tình thương,
Định lý đảo, tìm ra vì giao hoán.
Nếu mai đây tương quan thành gián đoạn,
Tính không ra phương chính của cấp thang.
 
Anh ra đi theo hàm số ẩn tàng,
Em trọn vẹn thành phương trình vô nghiệm.
"Phương trình" nào đưa ta về chung lối
"Định lý" nào sao vẫn mãi ngăn đôi
 
"Biến số" yêu nên tình mãi hai nơi
Điểm "vô cực" làm sao ta gặp được
"Đạo hàm" kia có nào đâu nghiệm trước
Để "lũy thừa" chẳng gom lại tình thơ
 
"Gia tốc" kia chưa đủ vẫn phải chờ
"Đường giao tiếp" may ra còn gặp gỡ
 
Nhưng em ơi! "Góc độ" yêu quá nhỏ!
Nên vẫn hoài không chứa đủ tình ta
 
Tại "nghịch biến" cho tình mãi chia xa
"Giới hạn" chi cho tình yêu đóng khép
"Lục lăng" kia cạnh nhiều nhưng rất đẹp
Tại tình là "tâm điểm" chứa bên trong
 
Nên "đường quanh" vẫn mãi chạy lòng vòng
Điểm " hội tụ" vẫn hoài không với tới
Em cũng biết "tung, hoành" chia hai lối
Để tình là những đường thẳng "song song"
 
Điểm gặp nhau "vô cực" chỉ hoài công
Đường "nghịch số" thôi đành chia hai ngả.
Anh đau đớn nhìn em qua quỹ tích
Tình em nào cố định ở nơi đâu
 
Anh tìm em khắp diện tích địa cầu
Nhưng căn số đời anh đành cô độc
 
Để anh về vô cực dệt duyên mơ
Cho không gian trọn kiếp sống hững hờ
 
Chiều biến thiên là những cơn mơ.
Đường biễu diễn là chuỗi ngày chán nản
Em sung sướng trên đường tròn duyên dáng
Anh u sầu trên hệ thống x-y
 
Biết bao giờ đôi ta được phụ kề
Anh đành chết trên đường tiếp cận
Ôi anh chết cũng vì hệ số
Định đời anh trong biểu thức khổ đau
 
Như cạnh góc vuông, với cạnh huyền
Gần nhau đấy nhưng không trùng hợp
Qua những điều trên ta quy ước
Tình yêu là một cái compa
 
Vòng tròn nào dù nhỏ dù to
Cũng đều có tâm và bán kính
 
Tâm ở đây là tâm hồn cố định
Bán kính là nỗi nhớ niềm thương.
 
                           (Khuyết danh)
 

Thứ Ba, 26 tháng 12, 2023

VIẾT XMAS, THAY VÌ CHRISTMAS, ĐÚNG HAY SAI? - Minh An



Rất ít thứ có thể châm ngòi cho các “cuộc chiến tranh văn hóa” như từ viết tắt “Merry Xmas” tưởng chừng như vô hại và vô thưởng vô phạt. Nhiều người, đặc biệt những tín đồ Cơ đốc giáo sùng đạo, tin rằng “XMas” là một nỗ lực nhằm “phi Cơ đốc giáo hóa” (de-Christianize) một trong những ngày lễ thiêng liêng nhất của Cơ đốc giáo.
 
Lập luận này nêu rằng, bằng việc dùng “Xmas” thay vì “Christmas”, người ta đã xóa bỏ “Chúa Kitô” (“Christ”) ra khỏi ngày lễ thánh kỷ niệm sinh nhật của Người.
 
Tuy nhiên, như Daniel Payne viết trên Catholic News ngày 22 Tháng Mười Hai 2023, trên thực tế, thực chất vấn đề gần như hoàn toàn ngược lại: “XMas” là một sự đổi mới hoàn toàn của Cơ đốc giáo, nhằm bảo tồn hình ảnh Chúa Kitô là trung tâm của lễ Giáng sinh dưới hình thức viết tắt. Vậy làm thế nào từ “Christ” lại biến thành “X?”
 

Thứ Sáu, 22 tháng 12, 2023

RƯỢU, TRĂNG VÀ EM; MẸ Ạ – Thơ Khê Kinh Kha


   
                 Nhà thơ Khê Kinh Kha

 
RƯỢU, TRĂNG VÀ EM
 
ô hay đêm sáng như trăng
mà trăng lại sáng như gương
ô hay trong rượu có ngàn ánh trăng
 
lung linh rượu cũng như trăng
tang tình trăng rượu, rượu trăng
nào trăng, nào rượu miên man cõi lòng
 
ô hay rượu cũng như em
mà em tha thướt như trăng
đêm nay trăng rượu với em trọn tình
 
ô hay rượu ngát hương em
mà em thơm đóa quỳnh lan
men nồng hòa với trăng, em ngọt ngào
 
ô hay lòng có say đâu
mà mình như gío lao chao
tình như cánh bướm khoe mầu tơ vương
 
ô hay rượu đã là trăng
và trăng cũng đã là em
em ơi, trời đất giao tình em ơi
 
                                          Khê Kinh Kha

TÌNH ĐÃ PHAI TÀN - Nhạc Lê Hữu Nghĩa, thơ Nhã My, ca sĩ Tâm Thư trình bày.


Nhà thơ Nhã My

              

Nhạc: Lê Hữu Nghĩa.
Lời: Nhã My.
Ca sĩ Tâm Thư trình bày.
Hòa âm và Video: Phan Đê.

TẠP LỤC THI 28, 29, 30 – Thơ Chu Vương Miện


  


TẠP LỤC THI 28
 
người đâu gặp gỡ làm chi
trăm năm toàn chuyện bấc chì chán ghê
dưới cầu bầy vịt trôi đi
trên cầu xe ngựa vừa về nghỉ chân
 
100 năm thế sự chuyển vần
chè kê bánh tráng ngàn năm nước trà
dưới cầu đá bạc phôi pha
trên cầu kẻ cắp bà già gặp nhau
em đi đâu? em về đâu?
xưa sau vẫn một sông sâu thiếu đò
 

Thứ Năm, 21 tháng 12, 2023

HƠI ẤM MÙA ĐÔNG – Thơ Tịnh Bình


  

 
HƠI ẤM MÙA ĐÔNG
 
Những đám mây trở dạ một cơn mưa
Bầu trời mòng mọng nước
Tiếng chim ẩn nấp nơi chiếc tổ mềm ấm áp
Vỡ giọng chồi non khoe mùa biêng biếc
Đợt đợt mùa màng tiếp nối hồi sinh
 
Không thấy nắng về trải lụa vàng ươm
Hạt mưa hoang ngác ngơ tìm lũ chuồn chuồn đi vắng
Chân cứng đá mềm thôi trông đất trông mây
Nở ra nụ cười rám nắng
Bông lúa cúi đầu ngậm giọt phù sa
 
Nghe thương rộn ràng tay liềm tay hái
Cánh đồng oằn mình vạch áo đất phơi
Ngọn khói bay lên
Giọt mồ hôi nhễu xuống
Bốc hơi mùi chiều trăm nhớ ngàn thương
 
Qua rồi cơn nắng mưa đắng đót
Cánh cò vượt gió băng sương
Ai réo rắt bài hoan ca xóm nhỏ
Lòng mẹ già thêm hơi ấm mùa đông...
 
                                     TỊNH BÌNH
                                       (Tây Ninh)

CHÚA ƠI!, ĐỂ ĐÓN NOEL VỚI ĐỢI CHỜ – Thơ Thùy Châu


   

 
CHÚA ƠI!
 
Con muốn làm thơ ca ngợi chúa
Những lòng khô héo quá chúa ơi
Đời con theo chúa từ bé dại
Những đức tin hoài vẫn trẻ thơ

Vẫn chai vẫn sạn vẫn hững hờ
Vẫn không thấy đời đẫm bơ vơ
Vẫn không thấy chúa đi bên cạnh
Để đón Noel với đợi chờ

Chủ Nhật, 17 tháng 12, 2023

CHỮ NHO... DỄ HỌC (2) – Đỗ Chiêu Đức


           
                                                Thầy đồ Đỗ Chiêu Đức

Bài 2
         
Không phải cái gì cũng có hình dáng để vẽ ra được, cho nên ngoài cách Tượng Hình để vẽ nên chữ, ta còn có cách CHỈ SỰ.
 
2. CHỈ SỰ 指事 :
        
Chỉ Sự là dùng một ký hiệu hoặc hình tượng tiêu biểu nào đó để chỉ những sự việc không có hình tượng mà tạo nên chữ viết, hoặc dùng một chữ tượng hình có sẵn, thêm hoặc bớt nét để làm thành một chữ mới. Tiếng Anh gọi là Indicatives.            
Xem các ví dụ sau đây:
              
              

               

                    1               2             3             4            5

Phía trên là ký hiệu chỉ các số đếm ngày xưa, diễn tiến thành các chữ NHẤT  , NHỊ  , TAM  ...

Bên dưới có 5 chữ theo thứ tự sau đây: 

1. NGUYÊN  :         
Hình người quỳ xuống có một vạch trên đầu để chỉ Ý, nên NGUYÊN có nghĩa là : Đầu, là bắt đầu, là Chính. Ví dụ:
   * Nguyên Thuỷ 元始 là Bắt đầu, là Mở đầu.
   * Nguyên Đán 元旦 là Ngày bắt đầu của một năm.
   * Nguyên Thủ 元首 là Người đứng đầu trong một nước.
   * Nguyên Phối 元配 là Người phối ngẫu chính thức, là Vợ
       lớn, khi vợ mất cưới vợ kế, thì gọi là Kế Phối 继配.
      
Câu đối Tết nổi tiếng bao gồm cả trời đất là:
                  
Nhất nguyên phục thuỷ,     一元復始,                  
Vạn tượng canh tân.           萬象更新。 

Có nghĩa:            
Một dòng nguyên khí của trời đất trở lại lúc ban đầu.           
Muôn vàn hiện tượng (bao gồm người, vật, sự vật) đều đổỉ mới.
 
 2. ĐÁN  :       
Hình mặt trời mới mọc, một vạch ở phía dưới tượng trưng cho đường chân trời. Nên Đán có nghĩa là Ngày mới bắt đầu, tức là Buổi Sáng, như
    * Đán Mộ 旦暮 có nghĩa là Sớm Tối, Sáng Chiều.
    * Đán là ngày Mùng một Âm Lịch, nên ngày mùng một Âm lịch đầu tiên của tháng đầu tiên gọi là Nguyên Đán ( Tết Nguyên Đán ).
     * Đán là Ban ngày đối với DẠ  là Ban đêm.
     * Nhất Đán 一旦 là Một ngày nào đó, mà cũng có nghĩa là
        Trong Một Ngày nữa.

Tăng Quảng Hiền Văn có câu:               

Bách niên thành chi bất túc,    百年成之不足,                 
Nhất đán hoại chi hữu dư.       一旦壞之有餘。 

Có nghĩa:
    -  Cái mà ta gầy dựng cho thành đạt thì một trăm năm vẫn còn chưa đủ. Nhưng...
    -  Cái mà ta muốn phá tán hủy hoại thì trong một ngày cũng có thừa (thời gian để làm việc đó rồi). Ví dụ:     

Sự nghiệp gầy dựng cả trăm năm của ông cha để lại, con cháu chỉ cần cờ bạc phá tán trong một buổi là tiêu tan hết rồi ! (không cần phải tới một ngày!).

3. THIÊN  :        

Như ta đã biết trong phần Tượng Hình, người đứng dang hai tay ra là chữ Đại là Lớn, nhưng đầu vẫn phải đội trời, nên vạch ngang trên đầu người chỉ Trời, nên Thiên là Trời. Ta chỉ thấy được bầu trời xanh lúc ban ngày, nên Thiên cũng có nghĩa là Ban Ngày. Nhưng Trời như thế nào ? Trời lạnh lẽo của mùa Đông, Ấm áp của mùa Xuân, Nóng bức của mùa Hè và Mát mẻ của mùa Thu, nên Trời còn có nghĩa là MÙA, ví dụ:

   * Xuân Thiên 春天 là Mùa Xuân, Hạ Thiên là Mùa Hè, Thu Thiên là Mùa Thu và Đông Thiên là Mùa Đông. 

    * Nhất Thiên 一天  là Một Ngày, Lưỡng Thiên là 2 ngày...

    * Thiên Không 天空 là Bầu trời, Thiên Nhỡn 天眼 là Con mắt của trời, là Con Mắt của Cao Đài Giáo toả sáng khắp nơi, còn gọi là Tuệ Nhỡn 慧眼 : Con nắt của Trí Tuệ!           

Trong Tăng Quảng Hiền Văn có câu:                 
Thiên nhỡn khôi khôi,      天眼恢恢,                 
Báo ứng thậm tốc !         報應甚速。
 
Có nghĩa:            
Mắt trời lồng lộng, nhìn khắp cả, nên...            
Sự báo ứng sẽ diễn ra rất nhanh!
 
4. LẬP  :        
Lập là Đứng, ta thấy hình người dang tay đứng hiên ngang trên mặt đất, vạch ngang phía dưới chân người chỉ mặt đất. Nên Lập là Đứng, như :

  * Độc Lập 獨立 : là Đứng riêng một mình, không dựa dẵm vào người khác. Nước Độc lập là Nước tự chủ, có chủ quyền riêng, không bị thao túng bởi ngoại bang. Trong nghề võ có thế "Kim Kê Độc Lập" là Thế đứng vững dàng như con gà trống vàng đứng một chân một cách hiên ngang vậy!  

  * LẬP là Đứng một cách vững chắc, là Gầy dựng nên. Ta có các từ sau :
  * Lập Thân 立身 : là Làm cho bản thân mình đứng vững chắc trong cuộc sống.
  * Lập Gia 立家 : Gầy dựng nên gia đình, tương tự ta có từ:
     Lập Nghiệp, Lập Chí, Lập Pháp ....

5. DIỆC  :          
Hình người đứng dang 2 tay có 2 chấm 2 bên nách, nên DIỆC có nghĩa gốc là Cái Nách, nhưng được sử dụng làm Phó Từ có nghĩa là CŨNG, là CHẲNG QUA, CHỈ LÀ ... tuỳ theo nghĩa trong câu. Ví dụ:        

Trong bài hát nói "NGHĨ TIẾC CHO AI" của Cao Bá Quát có 2 câu thơ chữ Hán như sau:
  
       Ngã DIỆC tri phi ninh tác ngã,     我亦知非寧作我,           
Nhân vô bất thị thả khan nhân.    人無不是且看人

Có nghĩa:     

- Ta CŨNG biết là mình sai đó, nhưng ta thà giữ lấy cái sai của mình, Còn ...    
 - Người không có gì không phải hả, thì hãy chờ xem người (đúng như thế nào đây?!).         

 Hai câu thơ chứng tỏ được sự lẫy đời và cao ngạo của Chu Thần Cao Bá Quát!

                                THƯỢNG                       HẠ                      TRUNG

Chữ Chỉ Sự đơn giản nhất là chữ THƯỢNG  và chữ HẠ . Nét ngang là mặt đất, Một nét bên trên như cây nọc cắm trên mặt  đất là chữ THƯỢNG, nét dưới hoặc cây nọc trở đầu xuống dưới là chữ HẠ.
       
Chữ TRUNG  là một vòng tròn có một vạch sổ ngay chính giữa, nên Trung có nghĩa là GIỮA, là bên TRONG, ta có các từ như:
   - Trung Tâm 中心 là Ngay chính Giữa.
   - Tâm Trung 心中 là Ở Trong lòng.
     Tâm Điểm là Điểm ở Giữa.
     Điểm Tâm là Ăn Sáng.
       
Thượng Trung Hạ luôn luôn đi kèm theo cuộc sống của con người từ ngàn xưa tới nay. Từ thời Chiến Quốc đã có các chức quan Thượng Đại Phu 上大夫, Trung Đại Phu 中大夫, Hạ Đại Phu 下大夫. Vật dụng, quần áo, trang sức, mũ mão... đều phân chia Thượng Trung Hạ, Tốt Xấu Vừa, ngay cả con người trong xã hội cũng phân chia Thượng tầng, Trung tầng và Hạ tầng Giai cấp, nên mới có câu nói:    

Thượng bất chính, Hạ tắc loạn.    上不正,下則亂。

Có nghĩa:         

Trên không ngay, Dưới lộn xộn!

Người trên trước mà không đàng hoàng, thì kẻ phía dưới thế nào cũng "dữ ngươi" mà làm bậy!
        
Xã hội ngày xưa thiếu Thầy Thuốc để cứu nhân độ thế, nên người Thầy Thuốc được tôn xưng là Đại Phu, cũng như ta tôn xưng Thầy Thuốc ngày nay là Bác Sĩ 博士vậy!
(Bác Sĩ 博士trong tiếng Hán là học vị Tiến Sĩ 進士. Người học ngành Y luôn luôn phải học đến nơi đến chốn để cứu người, nên thời gian học tập rất lâu rất dài, gọi Bác Sĩ là Tiến Sĩ thì cũng xứng đáng thôi !).
        
Trở lại với một chữ Chỉ Sự rất... đa sự, đó là chữ Mộc . MỘC là chữ Tượng Hình, theo hình vẽ cái Cây có cả phần Cành lá phía trên và cả phần Rễ cây phía dưới như sau:


                

                          

Từ chữ Mộc  nầy, ta thêm phần trên một Gạch Ngang Ngắn chỉ phần Chưa phát triển của cây, thì ta có chữ VỊ , có nghĩa là CHƯA. Quá khứ Vị lai là chữ VỊ nầy. Còn...         
Nếu ta thêm một Gạch Ngang Ngắn ở trên phần rể cây  để chỉ phần cuối của thân cây thì ta có chữ MẠT , có nghĩa là CUỐI, HẾT. Như ta thường  nói "Thời Lê mạt" tức là thời gian "Cuối nhà Lê", còn "Mạt vận" có nghĩa là "Hết thời rồi!".          

Còn nếu ta thêm cái Ngang Ngắn đó ở dưới phần rể của chữ Mộc, thì ta có chữ BỔN  là GỐC, là RỂ, là VỐN. Thành ngữ mà ai cũng biết là:                        
Mộc BỔN thuỷ nguyên.     木本水源. 
Ta nói là:    
Cây có cội, nước có nguồn!          

Ngày Tết, giới thương buôn hay chúc nhau:                    
Nhất BỔN vạn lợi.       一本萬利.
Có nghĩa:             
      Một đồng vốn, mười ngàn đồng lời! 

Ta hãy xem các hình minh họa sau:

          

                VỊ                         MẠT                     BỔN

Ngoài ra,          
Chữ MỘC  còn cho các chữ vừa CHỈ SỰ, vừa HỘI Ý như chữ LÂM  là Rừng, gồm 2 chữ Mộc ghép lại, và... chữ SÂM  là Rừng Sâu, Rừng Rậm, gồm 3 chữ Mộc ghép lại.                   
Ở đây ta thấy... Ba cây chụm lại...không có thành hòn núi cao, mà thành Rừng Sâu nước độc với từ Sâm Lâm 森林 là  Rừng rậm (2 chữ nầy được ghép bởi 5 chữ MỘC mà thành).
         
Tương tự như chữ Mộc, ta có chữ NỮ  là chữ Tượng hình như sau:     

             

             

Ta thấy...         
Hình của một cô gái ẻo lả, hai tay đưa ra trước với dáng điệu quỳ xuống như để hầu hạ ai. Nên NỮ  là Con Gái, là Phái Nữ, giới tính bị ngược đãi kỳ thị trong xã hội phong kiến xưa. Về mặt diễn tiến của chữ viết, thì NỮ là con Gái chưa có chồng, đến khi có chồng rồi thì phải có con. Bấy giờ, phần trên của chữ NỮ được chấm thêm 2 chấm nữa, tượng trưng cho 2 cái vú để cho con bú, và đó chính là chữ MẪU  là MẸ, theo diễn tiến của chữ viết như sau:  

              

                        Vậy nên...       

MẪU  là chữ được hình thành theo CHỈ SỰ, do chữ Tượng Hình NỮ thêm vào 2 chấm mà thành. MẪU là mẹ, ta có các từ chỉ mẹ như sau:
    - Từ Mẫu, Hiền Mẫu, Huyên Đường.
    - Gia Từ, Gia Mẫu: là từ tự xưng mẹ của mình với người khác một cách khiêm tốn lịch sự.
     - Lệnh Từ, Lệnh Mẫu, Lệnh Đường, Lệnh Huyên Đường: là từ tôn xưng dùng để gọi hoặc để chỉ mẹ của người khác cho lịch sự, khách sáo.        
    Huyên Đường là từ chỉ chung về người mẹ mà Cụ Nguyễn Du đã dịch rất hay là NHÀ HUYÊN trong câu:               

Giọng Kiều rền rĩ trướng loan,               
NHÀ HUYÊN chợt tỉnh hỏi cơn cớ gì?! 

và khi đưa Kiều theo Mã Giám Sinh, Cụ cũng viết:                      

Bên ngoài chủ khách dập dìu,                
Một NHÀ HUYÊN với một Kiều ở trong.

Sau Mẹ là Cha, ta có chữ...      
PHỤ  là CHA, cũng là chữ Chỉ Sự theo diễn tiến chữ viết như sau:

             

                        

Quan sát các hình trên, ta thấy...         
Hình của một người đàn ông đứng cong lưng về phía trước, hai tay dang ra một trên một dưới, phía trước đầu là một cây nọc dùng xăm lổ, bỏ hột giống để trồng trọt. Hình tượng của một người đàn ông đang lao động canh tác để nuôi sống gia đình, đó chính là Người Cha: Người lao động chính của gia đình. Các từ dùng để chỉ Cha có...
   - Từ Phụ, Nghiêm Phụ, Xuân Đường, (Thung Đường).
   - Gia Phụ, Gia Nghiêm là từ dùng để tự xưng cha của mình với người khác một cách khiêm tốn và lịch sự.
   - Lệnh Phụ, Lệnh Nghiêm, Lệnh Tôn, Lệnh Xuân (Thung) Đường là từ dùng để tôn xưng cha của người khác một cách khách sáo và lịch sự.      
Trong đêm khi đầu ấp tay gối, Kiều khuyên Thúc Sinh về thăm Hoạn Thư, nên chàng mới ...                    

Rạng ra trình lại THUNG ĐƯỜNG,               
Thúc Ông cũng vội khuyên chàng qui gia.     

Khi trở lại tìm Kiều không gặp, Kim Trọng đã đau xót đến nỗi “Máu theo nước mắt hồn lìa chiêm bao”, khiến cho ...                      

XUÂN HUYÊN lo sợ xiết bao,                  
Hóa ra khi đến thế nào mà hay ?!            

Lại một chữ Tượng Hình mà lại là Chỉ Sự nữa, đó chính là chữ CHÚC , ta hãy xem các diễn tiến của chữ viết sau đây:

                    

                       

Ta thấy ...        
Bên trái có một gạch ngang ba gạch xuôi như cái Bàn Thờ ông Thiên, phía trên có một gạch ngắn như cái dĩa đựng đồ cúng. Bên phải là hình tượng của một người quỳ trước bàn thờ  để van vái. Nên CHÚC  là Những lời Van Vái khi cúng tế, thường thì đều là những lời tốt đẹp, đâu có ai vái những điều xấu bao giờ, nên sau nầy hễ "Nói Những lời Tốt Đẹp Cho Người Khác" thì gọi là CHÚC.         
CHÚC còn có nghĩa là Phù Thủy Nam, ta gọi là Thầy Pháp Thầy Cúng, người chuyên cúng tế ở các đình chùa miếu mạo, bây giờ là Ông Từ, nói theo chữ là Miếu Chúc 廟祝. và Ông Từ ngày nay chỉ ở để giữ chùa và ăn ké cơm chùa mà thôi!
Trong Tăng Quảng Hiền Văn có câu:             

Quan thanh thơ lại sấu,       官清書吏廋,               
Thần linh miếu chúc phì.    神靈廟祝肥。 

Có nghĩa:       
- Ông quan thanh liêm thì người thư ký ốm (vì phải làm việc nhiều và không có tiền ... hối lộ !). Còn...     
- Ông thần mà linh thiêng thì ÔNG TỪ (người giữ chùa) sẽ mập ra (Vì có nhiều người đến cúng tế cho mà ăn!).        
Những từ được thành lập bởi chữ CHÚC rất nhiểu, nhất là vào dịp Tết Âm Lịch của ta. Ta thường gặp các từ như ...
    - Chúc Xuân, Chúc Tết,
    - Chúc Phúc, Chúc Thọ.
    - Chúc may mắn, Chúc làm giàu, Chúc mua may bán đắt, Chúc An Khang Thịnh Vượng... Chữ CHÚC đã được Việt hóa thành chữ NÔM và mất đi Ý nghĩa ban đầu là Lời VAN VÁI.
        
Chữ được thành lập theo lối Chỉ Sự còn rất nhiều, trên đây chỉ là những chữ tiêu biểu, và ... không riêng gì chữ Hán cổ, trong dân gian ta cũng có những câu chuyện Chỉ Sự về ngôn ngữ vô cùng lý thú ...
       
Xin mời cùng đọc một Bức Thư Chỉ Sự độc đáo sau đây...           

.... Ngày xưa, có một anh lính thú ở xa, nhân có bạn được phép về thăm nhà, mới nhờ bạn đem về cho vợ ở nhà trăm quan tiền và một bức thư.       
Giữa đường, anh bạn tò mò giở thư ra xem, không thấy ghi số tiền gửi là bao nhiêu cả, chỉ thấy vẽ bốn con chó, một hình bát quái, hai con dê và một cái chũm chọe, nên nảy ra cái ý ăn bớt. Về đến nơi, anh ta chỉ giao cho vợ bạn bức thư và bốn chục quan thôi.      

Người vợ xem thư biết thiếu tiền, lên quan nhờ phân xử. Quan hỏi :
- Chồng chị gửi người ta bốn mươi quan tiền, người ta mang về đưa tận tay cho, còn kiện cáo nỗi gì?
 Người vợ đáp:
- Bẩm quan lớn, anh ta ăn bớt ạ! Chồng con gửi cho con tới một trăm quan kia ạ!
- Sao chị biết?
- Bẩm quan lớn, thư chồng con viết rành rành ra đấy xin quan xem thư, sẽ rõ!     
Quan giở bức thư quái gở kia ra xem, không hiểu gì cả liền hỏi:
- Thế là thế nào? Bức thư không có chữ nghĩa gì cả, sao chị lại biết chồng chị gửi một trăm quan?
- Bẩm quan lớn, chồng con vẽ rõ ràng ra đấy. Bốn con chó là tứ cẩu, cẩu là cửu, tứ cửu là tam thập lục, là ba mươi sáu (36 ). Bát quái có tám cạnh, bát bát là tám lần tám vị chi là lục thập tứ, là sáu mươi tư (64). Sáu mươi tư với ba mươi sáu chả là một trăm quan đó sao?      
Quan cho là phải, bắt anh kia phải trả đủ số tiền. Nhưng ngài còn thắc mắc hỏi chị kia:
- Thế còn hai con dê và cái chũm choẹ là ý thế nào?     
Chị ta sượng sùng không nói. Quan hỏi mãi mới thưa:
- Ðấy là nhà con vẽ đùa thôi ạ !.
- Ðùa thế là có ý gì, phải nói ra cho rõ ràng.
- Bẩm quan lớn, hai con dê và cái chũm chọe là nhà con muốn hẹn con rằng, đến Tết Trùng Dương (ngày 9 tháng 9, còn gọi là Trùng Cửu) thì nhà con sẽ về thăm cái chũm chọe, ơ... không, thăm con… đấy ạ!
         
Đó, ta thấy CHỈ SỰ hay là thế, thú vị là thế, ngày xưa nước ta cũng đã có vô vàn cách Chỉ Sự để truyền đạt ý nghĩa và sự việc một cách độc đáo của riêng mình rồi!
                                                                                       杜紹德
                                                                                 Đỗ Chiêu Đức