Hôm nay, nhục thể của thầy Tuệ Sỹ sẽ được hóa thân nơi đài hoàn vũ và sau đó theo di nguyện, hòa vào biển cả, thành mây trời ngao du sơn thủy, ta bà...
Bỗng dưng tôi muốn viết vài tâm tình về bài thơ của Tuệ Sỹ có tựa đề “Tống Biệt Hành”; dường như ngẫu nhiên bằng việc viên tịch của Hòa Thượng, trong tang lễ, tôi đọc được câu “Thiên lý độc hành” trước kim quan. Điều đó biểu cảm ước lệ cho “Tống Biệt Hành” mà tôi mặc nhiên chọn, và có thể tôi là người Công giáo đầu tiên mạn đàm về thơ thầy (có thể thôi).
TỐNG BIỆT HÀNHMột bước đường thôi nhưng núi caoTrời ơi mây trắng đọng phương nàoĐò ngang neo bến đầy sương sớmCạn hết ân tình, nước lạnh sao?Một bước đường xa, xa biển khơiMấy trùng sương mỏng nhuộm tơ trời.Thuyền chưa ra bến bình minh đỏNhưng mấy nghìn năm tống biệt rồi.Cho hết đêm hè trông bóng maTàn thu khói mộng trắng Ngân hà.Trời không ngưng gió chờ sương đọngNhưng mấy nghìn sau ố nhạt nhòa.Cho hết mùa thu biệt lữ hànhRừng thu mưa máu dạt lều tranh.Ta so phấn nhụy trên màu úaTrên phím dương cầm, hay máu xanh.Thích Tuệ Sỹ
Những ngày qua, diễn đàn online sôi sục nhiều bài viết về vị chân tu siêu việt này, dễ cả trăm năm mới có đuọc thiền sư uyên bác và thâm sâu như thầy Tuệ Sỹ... làm cho kẻ đối đầu phải thán phục trước khí tiết “Uy vũ bất năng khuất” phi phàm và Phật học vô biên của Hòa thượng Tuệ Sỹ. “Cọng lau nằm xuống mà đại ngàn rung chuyển”
Cách đây nhiều năm, cố thi sĩ đàn anh Lê Công Đồng PX58 có nhờ tôi viết lời bạt cho tập thơ của anh sáng tác bên Pháp “Huế, mái hiên tôi”. Điều đáng trân trọng là trong tập thơ này bàng bạc các câu thi họa trích dẫn của Tuệ Sỹ. Lúc nớ, tôi cứ nghĩ Tuệ Sỹ là một cư sĩ ở trời tây. Rồi sau đó, tình cờ đọc bài “Khung trời cũ” của thầy và hàng loạt bài trong Thi Viện, mới dần nghiệm được “thi pháp” thâm u siêu việt của thầy.
Thi đàn Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến chừ, xuất hiện 3 bài thơ Tống Biệt; bài nào cũng tuyệt hay, lưu hậu thế; để hậu sinh ca tụng và truyền tụng mãi. Ngoài ra còn có bài thứ tư Tống Biệt của Nguyễn Đình Thư, được Hoài Thanh đưa vào danh sách Thi Nhân Việt Nam, nhưng không mấy nổi tiếng.
Bài “Tống Biệt” đầu tiên với lời mở đầu mang mang ảo mộng:
Bài “Tống Biệt” đầu tiên với lời mở đầu mang mang ảo mộng:
“Lá đào rơi rắc lối thiên thaiSuối tiễn oanh đưa luống ngậm ngùi.Nửa năm tiên cảnhMột bước trần ai...”
“Tống Biệt” của Tản Đà đã gióng chuông khai hội “Thơ Hiện Đại” và được “Thi Nhân Tiền Chiến” của Hoài Thanh, xếp hàng khai cuộc, chứng tỏ tài thơ của Tản Đà được soạn giả kính trọng dường nào. Thế thơ tự do, không khuôn phép, không phàm lệ, khuôn sáo... mà phóng khoáng như cuộc đời ông. Lời thơ mênh mang chuyện hoang đường chuyện thần tiên dị ảo; nhưng không kém phần hiện thực mà cuộc đời của Tản Đà muốn thể hiện “thoát tục” qua Tống Biệt. Chỉ dừng tại đó để minh họa cho nội dung muốn nói.
Bài thứ 2 của Thâm Tâm mang lời tựa y như của Tuệ Sỹ và cả Nguyễn Đình Thư: “Tống Biệt Hành”
“Đưa người ta không đưa qua sôngSao có tiếng sóng ở trong lòng...”
Bài này làm theo thể hành, một thế cổ phong Trung Hoa, chỉ bằng 2 câu nhập đề, Thâm Tâm đã tài tình chuyển tải nỗi buồn vô tận khi tiễn người bạn đi xa vào cõi vô định, không còn đường về . Trái với “Tống Biệt mộng” của Tản Đà, “Tống Biệt thực” của Thâm Tâm được xếp vào 10 bài thơ hay nhất của thi ca Tiền Chiến.
Bài “Tống Biệt Hành” của Tuệ Sỹ dường như vừa có hơi thở của mộng (Tản Đà), lại vừa mang hơi hám của thực (Thâm Tâm) Nhưng trên hết, “Tống Biệt Hành” đượm chất huyền mặc thâm sâu Phật pháp và đậm triết lý phương Đông.
Thơ Tuệ Sỹ hầu như bài nào cũng có Núi cao, rừng sâu, sông lạnh, biển Thái Bình Dương, mây trắng, trăng tàn, hoàng hôn xám, bình minh đỏ... vì đó là cảnh giới mênh mang bát ngát rặt chất Tuệ Sỹ.
Trước khi vào chủ đề chính, tôi muốn mượn bài thơ “Kết Từ” của Tuệ Sỹ để thay lời muốn nói khái quát tổng quan về nhân thân và sự nghiệp đồ sộ của bậc đại hành giả cho muôn đời sau, tuy gọi là bài, nhưng chỉ có 2 câu:
“Ngược xuôi nhớ nửa cung đànAi đem quán trọ mà ngăn nẻo về”
Tuệ Sỹ chỉ dụng hai từ Ngược Xuôi với nội hàm mênh mông khi tóm lược chí hướng và thể phách tinh anh của mình; có thể Ngược lên núi cao và Xuôi về châu thổ, hay lên rừng xuống núi theo nghĩa đen giới hạn; còn nghĩa kia là cả một quãng đời tu tập công phu, hoằng pháp đạo tràng khắp cả ta bà thế giới.
Nửa cung đàn kia như một bài sonate mà Tuệ Sỹ chỉ mới lướt dương cầm một nửa, nửa kia dang dở bị dừng lại tựa dòng lịch sử dân tộc và đạo tràng ngã gục xuống hố sâu; một bên tối tăm mờ mịt, bên kia mạt pháp thị phi.
Và Quán Trọ là nơi ai cũng đến rồi đi, nơi con người cả định kiến xã hội nảy sinh bao thế lực trù dập, chế tài và cả bạo hành ngăn lý tưởng hành giả trước vận mệnh tiền đồ đất nước và Phật pháp; nhưng nào ngăn được bước chân "Thiên lý độc hành" của bậc đại trượng phu, thức giả Tuệ Sỹ. Thôi thì đành quay về với "nẻo về" của mình, đóng cửa phòng, có khi nhịn đói, tuyệt thực, nhưng mặc nhiên không hề tỏ vẻ phản kháng, chống trả hay giật dây bạo động, mà tỉnh tại trong hoang liêu để tiếp tục:
“Một bước đường thôi nhưng núi caoTrời ơi mây trắng động phương nàoĐò ngang neo bến đầy sương sớmCạn hết ân tình, nước lạnh sao”
Bài thơ “Tống Biệt Hành” cứ tưởng tác giả tiễn biệt một ai đó lên đường, và có thể không quay về, thì ra Tuệ Sỹ khéo ám dụ ai đó chính là mình đó thôi.
Bậc hành giả Tuệ Sỹ chỉ đi độc hành một con đường, bởi vì từ lúc lên sáu, đã thọ giới sa di, tu tập tại chùa, theo học các trường cao đẳng và đại học, rồi làm giáo sư thực thụ khi 27 tuổi, rồi tiếp tục nghiên cứu các kho tàng triết đông và tây, là một học giả uyên bác về Phật Giáo nguyên thủy và đại thừa... tranh đấu ôn hòa quyền con người và bảo vệ Phật pháp. Hành tung của Tuệ Sỹ quang minh chính đại, vững bước hành. Nhưng không may gặp phải “Núi Cao”, ẩn dụ cho “Núi đè” là thế lực ma vương đang chi phối đạo lẫn đời, và đám mây kia cứ vần vũ không biết đi đâu, về đâu? Trước con nước phũ phàng của lịch sử, mà Tuệ Sỹ chỉ tay không, tấc sắc không có, làm sao có thể chống cự với bọn chúng tăng cơ hội làm che mắt Thiên hạ đang mưu đồ trục lợi biến hóa Phật pháp thành mạt pháp. Thay vì đưa đò thân phận tự do đi tìm bến đỗ, nay phải neo lại không biết khi nao lại khua chèo về bến giác.
“Một bước đường xa, xa biển khơiMấy trùng sương mỏng nhuộm tơ trờiThuyền chưa ra bến bình minh đỏNhưng mấy nghìn năm tống biệt rồi”
Tuệ Sỹ hiện thân như vị ẩn sĩ tàng cư từ cả ngàn năm trước, nên ngôn từ đầy chất tượng thanh, lẫn tượng hình cho một thế giới thâm u, miên viễn, phải có bản lĩnh thâm hậu mới lĩnh hội được thâm ý này. Tôi chỉ mơ hồ đoán đây là đoạn thơ mà Tuệ Sỹ tiên thiên cho cuộc lữ biệt hành của mình, khi thân xác biến thành tro bụi hòa vào Thái Bình Dương, thành mây trời phiêu lãng (Di chúc)
“Cho hết đêm hè trông bóng maTàn thu khói mộng trắng Ngân hàTrời không ngưng gió chờ sương đọngNhưng mấy nghìn sau ố nhạt nhòa.”
Nếu như hơn hai trăm năm trước, cụ Tiên Điền đã khải thị cơ trời:
“Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời” thì Tuệ Sỹ lấp lửng vì trời cứ vần vũ, xua tan mây mù, nên đã quán chiếu cái vô thường nhạt nhòa từ ngàn năm trước đến nay, hay từ đây đến cả nghìn năm sau.
“Cho hết mùa thu biệt lữ hànhRừng thu mưa máu dạt lều tranhTa so phấn nhụy trên màu úaTrên phím dương cầm, hay máu xanh”
Với khổ cuối cùng của Tống Biệt Hành, tôi thầm nghĩ: Thi sĩ thiền sư Tuệ Sỹ, người lữ hành cô đơn, khi thì ẩn tàng nơi khói núi, rồi khói sóng, cả khói sương, thoắt thu mình nơi lều tranh, bến nước... Thoắt ẩn, thoắt hiện trên quê hương điêu tàn, mượn phím đàn để biểu thị cho lời du ca tình tự thấu trời xanh mà cung điệu dường như chỉ có một màu sắc úa của cuối thu, của một linh hồn tĩnh tại giữa triệu người đau thương trong bãi máu xanh, không biết đi đâu, về đâu?
Tống Biệt Hành lời biệt ca bình minh đỏ của Tuệ Sỹ đã hợp âm cùng núi cao, mây trắng, ngân hà, rừng thu, sương đọng, lều tranh...để biến hóa nơi tận cùng Thái Bình Dương. Và cho dẫu đã “Cạn hết ân tình” cho nước non ngàn dặm, cho Phật pháp trường tồn; để rồi thiên lý độc hành, hóa thân hoàn vũ nơi tận cùng Thái Bình Dương.
“Một ngôi sao sáng vừa tắt, một Thiền sư đã bay về cùng mây, một nhà thơ đã cuốn theo cơn gió. Nhưng ngài vẫn còn đây, bên bờ lau trắng của buổi hoàng hôn nhiều khổ nạn”
Những cảm nghĩ nông cạn, dẫu chưa biểu cảm đủ về thi ca vô tận của Tuệ Sỹ, nhưng do lòng thương tiếc một tấm lòng vô lượng của cố Hòa Thượng nên chấp bút “Mua vui cũng được một vài trống canh”
Cảm tác ngày tiễn biệt Tuệ Sỹ 29.11.2023
Mic. Nguyễn Hùng Dũng HT71
Tống Biệt Hành lời biệt ca bình minh đỏ của Tuệ Sỹ đã hợp âm cùng núi cao, mây trắng, ngân hà, rừng thu, sương đọng, lều tranh...để biến hóa nơi tận cùng Thái Bình Dương. Và cho dẫu đã “Cạn hết ân tình” cho nước non ngàn dặm, cho Phật pháp trường tồn; để rồi thiên lý độc hành, hóa thân hoàn vũ nơi tận cùng Thái Bình Dương.
“Một ngôi sao sáng vừa tắt, một Thiền sư đã bay về cùng mây, một nhà thơ đã cuốn theo cơn gió. Nhưng ngài vẫn còn đây, bên bờ lau trắng của buổi hoàng hôn nhiều khổ nạn”
Những cảm nghĩ nông cạn, dẫu chưa biểu cảm đủ về thi ca vô tận của Tuệ Sỹ, nhưng do lòng thương tiếc một tấm lòng vô lượng của cố Hòa Thượng nên chấp bút “Mua vui cũng được một vài trống canh”
Cảm tác ngày tiễn biệt Tuệ Sỹ 29.11.2023
Mic. Nguyễn Hùng Dũng HT71
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét