CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 29 tháng 9, 2021

NGHE TIN PHI NHUNG CHẾT – Thơ Châu Thạch

 
  
               
 
NGHE TIN PHI NHUNG CHẾT                          
 
Chuyện Phật Trời không ai biết được
Bọn phi nhân thì cứ sống sờ sờ
Người nhân nghĩa chết sớm, chết bất ngờ
Để bia miệng mau mờ hơn bia đá
 
Chiều hôm nay nghe tin em đã ngã
Để lại đời hàng mấy chục con thơ
Tưởng trần gian như không bến không bờ
Con thuyền đẹp chìm sâu vào sóng nước
 
Nhớ tiếng hát danh vàng em thuở trước
Buổi anh nghe cơm thiếu, áo không lành
Tiếng hát em không no bụng nhà anh
Nhưng no cả đến tâm hồn thơ trẻ
 
 
Nay em chết khi đời sầu mọi nhẽ
Dịch hoành hành và bão lũ sắp về
Khóc cho em trời đất sẽ lê thê
Và nước mắt thế nhân tràn nhân thế
 
Thôi em nhé, cuộc đời là dâu bễ
Lánh cuộc đời đã khổ lúc lên mười
Đường em bay chắc chắn sẽ xanh tươi
Em bỏ lại cuộc trần cho thanh thản
 
Tiễn em đi có vạn người là bạn
Không quen em nhưng quen điệu dân ca
Em là trầm, là bách cũng là hoa
Hoa Điên Điển nở đầu thu vàng rực!
                         
                                      Châu Thạch 

Thứ Ba, 28 tháng 9, 2021

ĂN TẾT VỚI MA – Truyện truyền kỳ của Kha Tiệm Ly


                    Tác giả Kha Tiệm Ly
 

1. Bỏ nghiệp kiếm cung
 
Thời Minh Hy Tông (1605 – 1627) , Hàm Phong, người Nhữ Nam, vốn dòng cung kiếm. Mười sáu tuổi đã làu thông thập bát ban. Một buổi đang luyện võ bỗng nghe từ biên cương phụ thân là Hàm tiên phuông cùng bào huynh đều tử trận, Hàm khóc rống lên rồi vứt mạnh bảo đao xuống đất mà rằng:
- Cái thứ vô dụng nầy còn đụng đến làm gì?
 

NHỚ - Thơ Nguyên Lạc


  


NHỚ
 
Bỗng nhiên nhớ
điếu thuốc
và
ly cà- phê đắng
khói nhòa mắt cay
Góc đêm
vọng khúc tình hoài
Bao năm rồi đó chẳng phai chút nào!
Bỗng nhiên nhớ đến nôn nao!
Cà- phê. khói thuốc. đèn màu. quán đêm
Nồng nàn hương quế môi hôn
Bao năm rồi đó trọn hồn lưu vong
 
Quán đêm. góc vắng. cô đơn
Đắng hồn luân lạc khúc buồn ly tao
Mất nhau từ cuộc ba đào
Làm sao tìm lại thuở nào tình nhân?
Não nùng từng nốt nhạc buông
Lời ca nức nở "Con đường mộng tan" *
 
Cố nhân! Tôi nhớ mùi hương
Quán đêm. khói thuốc. son trầm môi ai
Cách gì quên được em đây?
Trăm năm có đủ phôi phai bóng hình?
 
Bỗng nhiên nghe nhói tim mình
Quên làm sao được?
Thôi đành!
Thiên thu...
 
Nguyên Lạc
 
...........
 
* Tên bài hát: The Boulevard of Broken Dreams - Diana Krall
 

Thứ Hai, 27 tháng 9, 2021

HOÀI NGHI – Thơ Trần Mai Ngân

 
   


HOÀI NGHI
 
Anh hoài nghi em
Hoài nghi mãi vầng trăng khuyết nửa
Không tròn đầy như thuở mười lăm
Những giận hờn đôi mắt xa xăm
Đầy giông bão về nơi xa lắm!
 
Anh hoài nghi em
Hoài nghi môi hồng đào thơm ngọt
Không thật thà chỉ cảm xúc thăng hoa
Giận đôi tay hương ngát ngọc ngà
Anh xô hết tình nghiêng chao đảo...
 
Anh hoài nghi em
Hoài nghi đất trời đầy giông bão
Để xa xôi lặng lẽ nơi này
Bóng nguyệt soi cứ thế không đầy
Có nước mắt không tỏ bày rơi xuống...
 
Anh hoài nghi em
Hoài nghi cả sóng xô cuồn cuộn
Dập dồn say phiến đá lạnh lùng
Tiếng vang dội muôn trùng phiền muộn
Con sóng tình vỗ một âm thanh...
 
Anh hoài nghi em
Hoài nghi mưa nắng cứ loanh quanh
Để người nhận nghe lòng quạnh quẽ
Câu xưng tội chiều nay nói khẽ
Là Chúa ơi! Con nhỡ yêu người!
                  
                           Trần Mai Ngân

Chủ Nhật, 26 tháng 9, 2021

VĂN TẾ ĐỒNG BÀO SÀI GÒN TỬ NẠN VÌ DỊCH CÔ VI – Kha Tiệm Ly

 


Than ôi!
1. Núi đùn mây bốn đợt ngậm ngùi
Rừng trút lá hai mùa tan tác!
2. Nước ba miền ruột tím gan bầm
Người trăm triệu tim đau dạ thắt.
Có câu:
3. “Phong Châu hạo nhiên nguyên khí, vạn đại cao hiền,
Thăng Long linh mạch địa dư, phi thường uyên bác!”
Nhớ nước ta xưa,
4. Hồng Hà trùng trùng  nước xoáy, tay mài kiếm, tay diệt thù, mà người dịu dàng như lời dặm, câu thơ,
Cửu Long cuồn cuộn sóng gào; người mở đất, người khai sơn; mà lòng hiền hòa như củ khoai, cục đất.
5. Đất Gia Định mưa hòa gió thuận, đây sông Tiền, đây sông Hậu; trời nước mênh mông làm nên khí phách anh hùng,
Người Trường An chữ tốt văn hay, đây hồ Gươm, đây Trấn Quốc; thổ nhưỡng uy linh tạo thành ngàn năm văn vật.
6. Tình no đầy như trái bưởi trái dưa,
Đời êm ả tợ cánh cò cánh vạc.
Nào ngờ đâu,
7. Niềm vui còn hòa quyện cùng cây cỏ nước Nam,
Tai họa vội lỏi len từ biên cương phía Bắc!
8. Chẳng mang vũ khí mà đúng là quân địch, các địa phương lo đứng lo ngồi, xuôi ngược lao đao,
Không chấp hai cánh nhưng y hệt thiên thần, ngành y tế quên ngủ quên ăn, ngày đêm tất bật.
9. Người ấm no tự dưng đói rách, thương đời bá tánh lầm than,                                                                       
Trẻ cười vui chợt phải nghẹn ngào, giận giặc Cô vi hiểm ác!
10. Nó làm ta phải ngăn sông cấm chợ, khiến nhiều người không gạo không tiền, đành kéo nhau ngủ bụi ngủ bờ,
Nó làm ta phải đón ngõ chặn đường, gây bao kẻ thiếu áo thiếu cơm, phải cam chịu mưa nam gió bấc.
11.Vợ ôm con đèn khêu hiu hắt, biết cậy ai chén nước chén cơm,
Đường về quê nắng cháy chang chang, mong làng xóm cọng rau cọng rác.*
12. Chợ Bến Thành đường ngang đường dọc, ngó trẹo đầu không thấy bóng ma trơi,
Bình Hưng Hòa xe nhỏ xe to, đợi sái cổ chờ hóa thân tro cát!
Gia Định ơi!
13. Đâu hồi Sài Gòn diễm lệ, đâu hồi Hòn Ngọc Viễn Đông, người người mỏng áo cao hài,
Đâu hồi Thành đô hoa gấm , đâu hồi Vựa Lúa Miền Nam, năm năm no lòng ấm cật!
14. Đang buổi mưa sa đất tốt, cây vườn liền nẩy lộc đâm chồi, cành nhánh sum suê,
Nào ngờ gió tụ mây đen, Cô vi làm héo nụ tàn hoa, trái rơi tan tác!
Hỡi ôi!
15. Khói lò thiêu xót xa giờ ly biệt; chồng lìa vợ, vợ lìa chồng, lệ rơi nhầy đất đau thương,
Mảnh khăn tang đau đớn kiếp đơn côi, con khóc mẹ, mẹ khóc con, uất nghẹn đầy trời bi đát.
16. Thương trẻ thơ chịu côi cút vào tuổi nằm nôi,
Thương chồng vợ chia lìa trong tuần trăng mật!
17. Thương kẻ làm thuê ở mướn, ngày mong no cơm ấm áo, đâu dè vất vưởng vất vơ,
Thương người ở đậu sống nhờ, bữa cầu ấm chỗ êm nơi, nào ngờ cù bơ cù bất.
18. Thương kẻ mồ côi màn trời chiếu đất, sức mỏi mòn cơm cặn canh thừa,
Thương kẻ già nua gối đất nằm sương, đời lận đận áo ôm khố rách.
May thay!
19. Trong màu áo trắng luôn có nhiều đôi cánh thiên thần,
Giữa chốn bụi hồng vẫn còn thừa tấm lòng bồ tát!
20. Dù đường dài có lắm khúc gai góc chông chênh,
Nhưng đêm vắng luôn nhiều ánh sao trời vằng vặc!
21. Nghìn bàn tay đã chia phần cho bao mảnh đời áo rách cơm thiu,
Vạn tấm lòng vẫn nhường chỗ cho những phận người nhà xiêu cửa nát.
22. Ngành y tế đâu màng giấc ngủ, dậy sớm thức khuya, vì nhiều suy tính dập dồn,
Người chiến binh nào quản sớm hôm, ăn vội uống vàng, bởi lắm lo toan chồng chất.
23. Dịch bệnh sáng chiều tới tấp, những thiên thần đâu thể làm ngơ,
Bịnh nhân sớm tối liên miên, các chiến sĩ đâu đành ngoảnh mặt.
24. Cứu binh như cứu hỏa, miền Bắc thân thương tức tốc tiếp quân hăm hở lên đường,
Chống dịch như chống thù, bộ đội anh hùng sẵn sàng ra trận hiên ngang gánh vác.
25. Người tặng thuốc men, người cho thực phẩm, người gói thi hài,
Người tặng máy thở, người biếu quan tài, người lo liệm xác!
26. Giương cao lời thề y đức, đã bao người đối diện “quân thù”, rồi hiên ngang thanh thản bước về trời,
Sải rộng đôi cánh từ tâm, có lắm kẻ cận kề “giặc dữ”,  đã kiêu hãnh an nhiên nằm với đất!
27. Đẹp đẽ sao! “Máu đỏ chảy ruột mềm”,.
Cao cả thay! “Lá lành đùm lá rách!”
 Vong linh hỡi!
28. Miền âm cảnh vật vờ hồn phách, lúc giã từ đâu kẻ tiễn đưa.
Trại cách ly chua xót phận người, giờ trăn trối không ai vuốt mặt!
29. Đò vô thường sào neo thuyền đợi, đâu chọn má phấn môi son hay tóc bạc da mồi,
Kiếp nhân sinh sống gởi thác về, không hiềm vách đất nhà tranh hay lầu vàng gác bạc.
30. Bốn cảnh khổ, thì luyến lưu chi chốn Ta Bà,
Vạn niềm vui, hãy thanh thản về miền Cực Lạc!
31. Chướng chưa đến, sao kéo theo bấc lạnh lùng?
Người đã đi, nên bỏ buông điều u uất!
32. Đây lòng thành kính, hãy nhâm nhi, miếng trầu điếu thuốc đơn sơ,
Kia đường xa xăm, xin bỏ bụng ly rượu chén cơm đạm bạc!
Ô hô! Có linh xin hưởng!
 
                                                                                  KHA TIỆM LY
 
......

Chú:

* Muốn nói việc đồng bào miền Trung kéo nhau về quê

RƯỢU CHIỀU LỮ THỨ - Nguyên Lạc

 
   

 
RƯỢU CHIỀU LỮ THỨ
 
Tay nâng chén rượu chiều rơi
Mời ai cạn chén kiếp đời lưu vong?
Mời em nhan sắc huyễn mong
Mời tôi tan mộng trăm năm nỗi sầu!
 
Hồ trường biết rót về đâu?
Về đâu rồi cũng một màu tàn phai!
Uống đi! Cạn chén đắng cay
Xé câu thơ cổ thả bay lũng chiều
Tà huy bóng đổ hắt hiu
Hồ trường độc ẩm nghiêng xiêu đất trời!
 
Sao không say hở tôi ơi?
Tỉnh chi? Sầu với cỏ cây... Hồ trường!
 
Về đâu ta rót hồ trường?
Bạn bè luân lạc muôn phương!
Tha hương ai người tri kỷ?
Cùng ta ngất khúc hồ trường
 
"Trời Nam nghìn dặm thẳm, non nước một màu sương
Trai trẻ bao lăm mà đầu bạc, trăm năm thân thế bóng tà dương.
Vỗ gươm mà hát, nghiêng bầu mà hỏi,
trời đất mang mang ai người tri kỷ,
lại đây cùng ta cạn một Hồ trường." [*]
 
Hồ trường độc ẩm hồ trường
Nghìn trùng thăm thẳm quê hương!
Xa kia tà dương mắt đỏ
Cố nhân sương khói vấn vương!
 
Nguyên Lạc
 
………
 
 [*] Hồ Trường - Nguyễn Bá Trác
 

BÀI THƠ VŨ HÁN - Nguyễn Đức Tùng


  


BÀI THƠ VŨ HÁN
 
Trong bản tin chiều nay
Trong phản ứng dây chuyền phân tử
Trong phép thử nhanh
Em đã chết. Hoặc anh
Một người đi qua nhà, bấm chuông
Cửa không mở. Có tiếng thầm nức nở
Không phải tiếng người, chỉ là cơn gió thổi
Trong cành lá tối ngoài sân, bên ảng nước
Ba con chim bồ câu
Đứng chụm đầu vào nhau
Than khóc
 

Thứ Sáu, 24 tháng 9, 2021

MÌNH ƠI (50) – Kha Tiệm ly


Tác giả Kha Tiệm Ly


NHỮNG CỰC HÌNH TRA TẤN, NHỮNG HÌNH PHẠT DÃ MAN, NHỮNG CÁCH XỬ TỬ GHÊ RỢN, CỦA TRUNG QUỐC NGÀY XƯA.
 
 
 Phu nhân giọng nhão nhoẹt:
- Mình o…o…i…i…!
 
Thám hoa nhại theo:
- O…o…i…i…!
- Hi…! Mình ơi, em đọc sách thấy một tác giả viết: “Kinh Kha ám sát Tần Thủy Hoàng”, dùng “ám sát” như vậy đúng hay sai vậy mình?
- Không đúng mình à, vì “ám” có nghĩa là tối, mờ, không rõ, không tỏ; nghĩa bóng có nghĩa là âm thầm, ngầm, bí mật, mờ ám. Ám sát là âm thầm giết, mờ ám giết, bí mật giết một người nào đó mà cơ quan pháp ty nhà nước có khi tốn nhiều công sức cũng không tìm ra thủ phạm; còn Kinh Kha đường đường mang chủy thủ đến trước ngai vàng của vua Tần, trước mặt bá quan, thì làm sao gọi là “ám” được? Gọi là “thích khách” mới đúng. Tuy nhiên, đây chỉ là quan điểm của anh thôi.
- Cho em hỏi nữa nè: Báo đăng: có người nhảy sông “tự vận” (đọc trại của  “tự vẫn”) là không đúng phải không mình? Theo em biết thì “tự vẫn” 自刎 là tự lấy dao đâm vào cổ., còn “tự ải” 自縊 tự thắt cổ, phải không mình? Nhảy sông chết gọi là “tự trầm .” , là “tự cho mình chìm xuống nước” mới đúng chớ!
 
- Đúng là ái nữ của Thượng Thư tiền triều!
- Còn “tự sát” và “tự tử”, dù đều có nghĩa là “tự làm cho mình chết”, nhưng hai cái cũng không hoàn toàn giống nhau… Thôi thì dùng “quyên sinh” 捐生 là “chối bỏ cuộc sống” cho nó lành.
 

NGƯỜI KHÔNG GẶP NỮA... – Thơ Tịnh Bình

 
  
         Nhà thơ Tịnh Bình
 

NGƯỜI KHÔNG GẶP NỮA...
 
Ở bên này thương... bên kia nhớ...
Lời yêu chẳng thể buông thành lời
Từng có lúc bên nhau mê đắm
Biệt xa rồi
bão rớt mưa rơi...
 
Vẩn vơ hoài ngóng người không hẹn
Thầm trách tháng năm cứ hững hờ
Nhớ ai giọt buồn rơi lâu lắc
Tí tách qua thềm... mưa cứ mưa...
 
Người không duyên nợ sao lòng nhớ
Lạc phiến mây trời trôi mãi trôi
Bâng quơ lau lách sầu sông vắng
Người không gặp nữa... Cũng đành thôi...
 
                                          TỊNH BÌNH
                                           (Tây Ninh)

Thứ Năm, 23 tháng 9, 2021

HÁI GIÙM TÔI NHÉ MỘNG NGÀY XANH, HAIKAU, HẠNH NGỘ, HẠT BỤI (4 bài), HẠT BỤI BÊN ĐƯỜNG, HẠT MUỐI – Thơ Lê Văn Trung


   

 
HÁI GIÙM TÔI NHÉ MỘNG NGÀY XANH
 
"Cueillez! Cueillez vostre jeunesse
Comme à ceste fleur la vieillesse
Fera tenir vostre beauté"
                             (P.de Ronsard)
 
Em có nghe gió mùa xanh réo gọi
Hồn thanh niên bừng mộng cháy phương người
Em có nghe trái tim hồng nức nở
Máu tuôn nồng bao khát vọng khôn nguôi
Em có nghe hồi chuông đời hối hả
Lời thánh ca tình ái chảy thành trăng
Em có thấy rừng thanh xuân rực lửa
Lửa cháy bừng da thịt ngọc ngà hương
Về khoác áo tình nhân đêm tuyết nguyệt
Ôm vòng tay ghì siết cả chiêm bao
Giọt lệ cháy rạng ngời trên môi ngọc
Lụa là thơm trắng quá nụ quỳnh hoa
Mùa sẽ biếc, mùa ngát hương réo gọi
Phương em còn ủ mộng giữa mùa trăng
Lòng sẽ nở nghìn đóa hồng vi diệu
Hái giùm tôi em nhé mộng ngày xanh.
 

Thứ Tư, 22 tháng 9, 2021

THUẬT NỔI TIẾNG - Truyện truyền kỳ của Kha Tiệm Ly

 
Nhà văn Kha Tiệm Ly


Có một bọn viết văn ở nước Vệ, vào nghề viết đã lâu năm nhưng tên tuổi chẳng ai biết tới, bèn tâng bốc nhau, nào hay chỉ càng làm trò cười cho thiên hạ; in không biết bao nhiêu tác phẩm mà bán chẳng ai mua; nên đem ra đường tặng cho mọi người qua lại. Phần đông người được tặng vẫn thờ ơ; duy có một tên áo rách, bình rượu ngang hông mừng rỡ ra mặt, xin được một cuốn, rồi lại xin thêm, xin thêm… viện cớ rằng sách hay đem về tặng bạn bè. Một người lấy làm lạ hỏi:
- Ta thấy ngươi tối ngày say xỉn, thích rượu hơn thích sách, cớ gì mà nay thấy sách mà vui ra mặt vậy?
- Nếu ngươi cho ta thêm cuốn ngươi đang cầm, ta sẽ nói cho ngươi biết.
Người đó lấy làm lạ, bèn đưa cuốn sách cho tên áo rách đó. Tên áo rách nhếch mép nói:
- Thời nầy giấy vụn có giá. Ta đem thứ nầy bán cho mấy bà gói xôi cũng kiếm được vài xị rượu. Đơn giản thế thôi!

NỖI NHỚ MÙA THU – Thơ Nhật Quang

 
   

 
NỖI NHỚ MÙA THU
 
Heo may thoảng lá vàng rơi
anh ơi! Hà Nội đã vào Thu rồi nhỉ?
con đường quanh Hồ Gươm dịu mát
những nhánh liễu gió vờn đong đưa
soi bóng mặt hồ xanh lăn tăn sóng gợn
phố Nguyễn Du hương hoa sữa ngạt ngào
áo lụa vai mềm thướt tha trên con đường cây bàng lá đỏ
 
Hà Nội ơi! Thu đến tự bao giờ?
để  hồn em  chạm miên man nỗi nhớ!
đã bao chiều lòng bâng khuâng
một lần đến rồi đi mang theo hoài niệm
đêm Nguyệt mộng thao thức mãi chưa vơi
 
Tháng Chín giọt buồn lên mi mắt
lòng chợt vấn vương Hà Nội
chiều Thu nào ta gặp gỡ bạn bè thân quen
chén chè thơm vỉa hè ươm nồng hương thạch thảo
những ngõ phố lạ lẫm đón đưa
tình yêu người Hà Nội, anh ơi! nồng nàn quá
 
Sài Gòn sáng nay màu Thu buồn vương
những mái phố vẫn ngủ mê then cài, cửa đóng
những con đường lặng lẽ thênh thang
ngổn ngang vàng xác lá
giọt nắng nghèn nghẹn chơi vơi
em bỗng nhớ về anh
Hà Nội ơi! chiều Thu nao êm đềm.
 
                                    Sài Gòn Thu  09/2021
                                             Nhật Quang
 

KHÚC QUÊ TRẦM BỔNG, GIỌT KHUYA, ƠN NGƯỜI... - Thơ Tịnh Bình

 

    

KHÚC QUÊ TRẦM BỔNG...
 
Ngọt ngào câu hát đưa nôi
Lối về xóm nhỏ bồi hồi luyến vương
Hương đồng gió nội chân phương
Cơm sôi khói bếp nghe thương ngập lòng
 
Liềm trăng giắt ngọn tre cong
Sông quê bồi lở ngọt dòng phù sa
Khói vờn lơ đãng xa xa
Chạnh thương tóc mẹ sương pha bao giờ
 
Đường xưa chú dế ngây thơ
Gáy vang khúc hát tinh mơ gọi ngày
Ta về thầm lặng mắt cay
Xa rồi thơ ấu xanh ngày mụ mê...
 
À uôm chẫu chuộc đêm quê
Mái tranh nhễu giọt dầm dề sợi mưa
Khúc quê trầm bổng tiễn đưa
Dùng dằng chân bước sao vừa nhớ thương...
 

Thứ Ba, 21 tháng 9, 2021

CON TRĂNG – Thơ Lê Phước Sinh

 
 


CON TRĂNG
 
Đi dong đi dài đến khi mệt mỏi
Trăng gối đầu Đa, Chú Cuội quạt nan
Nằm ngửa nằm nghiêng cho nên Trăng khuyết
Gió máy trở trời, bắt vạ la làng...
 
                                       LÊ PHƯỚC SINH
......
 
* Giữa Thu tháng 8 Al.

Chủ Nhật, 19 tháng 9, 2021

HOA GIẤY MÀU XÁC PHÁO – Thơ Trần Mai Ngân

 
   

 
HOA GIẤY MÀU XÁC PHÁO
 
Em soi bóng mình
Trên dòng sông cũ - ánh trăng thu bàng bạc đêm 12
Hàng hoa Giấy màu xác pháo… những bông hoa rơi và trôi theo dòng nước
Từ đó vu quy…
 
Em soi bóng mình
Chiếc bóng lặng câm trên tường vôi trắng
Không thấy đâu là nụ cười - đâu là giọt nước mắt
Nhập nhoà lẫn trộn vào nhau - hôn phối!
 
Ngày thăm thẳm đêm dằng dặc
Tháng và năm như vốc nước qua kẽ tay
Trôi tuột ngôn từ yêu đương
Nhưng - vẫn lắng đọng tình bao dung trọn vẹn
 
Em soi bóng mình vào đêm
Nhưng không còn thấy bóng nữa
Chỉ tối om một bóng tối đặc quánh
Đêm Trung Thu không trăng sao - đêm ngoại lệ!
 
                                                    Trần Mai Ngân

TRẢ LỜI CHÂU THẠCH VỀ "BÌNH THƠ KHÔNG BÀN THI PHÁP" – Phạm Đức Nhì


Nhà bình thơ Phạm Đức Nhì

 
Nhận được bài Phản Biện Bài “Bình Thơ Không Thi Pháp” Của Phạm Đức Nhì – Bài viết của Châu Thạch - từ Đặng Xuân Xuyến, Phú Đoàn sau khi đã đọc được bài này từ rất sớm trên Facebook. Bài phản biện nhiều ý nên tôi sẽ trả lời từng ý một, từ trên xuống dưới. Ngay dưới đây tôi đưa vào 2 cái links của 2 bài viết liên quan để độc giả tiện theo dõi.
 

Thứ Bảy, 18 tháng 9, 2021

LỜI TIỄN BIỆT ĐỖ TƯ NGHĨA CỦA HAI NGƯỜI BẠN VƯỜN ĐÀO – Nguyễn Thắng và Đoàn Đức

 
Nhà thơ Đỗ Tư Nghĩa
 


6 giờ 15 phút ngày 16 tháng 9 năm 2021, Cành-Đào bỗng gãy! Hoa Đào ngát hương phủ đầy mặt đất. Than ôi! Nghĩa đã mất thật rồi! Thời gian như ngừng lại... Hai đứa Thắng – Đức mắt nhòa lệ, tưởng như nhìn thấy cô giáo cũ Nguyễn Thị Nhã đang nắm tay Nghĩa dẫn đến lớp Đệ Tứ 2, trong ngôi trường Nguyễn Hoàng 57 năm về trước.

Từ nay không còn đủ “Tam-Anh-Vườn-Đào” mà Cô thường nhắc, để cố gắng học hành cho xứng với tên.
Nhớ ngày nào ba đứa chúng ta cùng nhau sáng chiều, mưa nắng đến trường. Những buổi học chung, những lần bắt chim, những ngày chủ nhật đi hái sim, hái ổi tận An Đôn, Nhan Biều…
 
Trong lớp, ba đứa luôn ngồi bàn đầu trước thầy cô giáo. Nghĩa giành ngồi giữa để có được Thắng – Đức cả hai bên, sao khôn thế? Những buổi thuyết trình trước lớp, Nghĩa cũng giành đọc phần giữa, không chịu trình bày nhập đề và kết luận, bởi biết rằng có Thắng và Đức kề bên.
 
Lên Đệ nhị cấp, Nghĩa cùng Đức về một lớp Ban C. Tội cho Thắng một mình lạc lõng ban B. Từ ấy, ba đứa chỉ còn gặp nhau cuối tuần hoặc mỗi tháng. Rồi dù tay vẫn còn nắm, nhưng đã buông lơi. Bởi những bóng hồng xinh đẹp vờn qua hư ảo.
 
Chúng ta vẫn nhớ nhau, gặp nhau dù mỗi người đi một lối. Đôi lúc ngồi lại, nhắc chuyện thuở học Đệ nhất cấp…
 
Lên Đại học, Thắng rẽ lối Y Khoa, chỉ còn lại Nghĩa Đức cùng vào Văn Khoa. Bốn năm Nghĩa đi vào con đường Triết học, truy tìm chân lý cùng Mậu Minh, Đình Hạnh, Lương Tuấn, Như Ngân… chọn nẻo về của ý để diễn đạt hết lòng mình.
Thắng và Đức đứng xa, nhìn hạnh phúc trong vòng tay của Nghĩa.
 
Chúng ta lời chưa nói, đêm nào đã nói; thường chúc phúc cho nhau dù mỗi người một nẻo. Nhưng sợi chỉ hồng “Vườn-Đào” vẫn luôn kết nối chúng ta, dù mỏng manh - bởi Cô Nhã đã buộc vào ba đứa từ độ hoa niên – không tài nào gỡ ra được! Thế nên, chúng ta luôn nhớ về nhau và mong gặp mỗi khi có dịp. Cho dù xa xôi cách trở bởi sông núi, chúng ta luôn gần gũi vì hằng nghĩ đến nhau trong tâm hồn.
 
Nay bạn ra đi, hai đứa còn lại buồn đau vì thấy mất đi một cái gì không nói được: đó là con tim thời thơ ấu chúng ta. Nó chiếm hết một phần ba đời người. Nghĩa là một phần đời của Thắng và Đức. Và ngược lại!
 
Nay về lại cố quận, Nghĩa được Cô Nhã, Thầy Bá, Thầy Tâm mừng đón rồi cùng họp mặt với các bạn đồng môn khác…
 
Nơi đây, Thắng với Đức luôn nghĩ Nghĩa không bao giờ mất đi. Nghĩa vẫn còn đó! Dalat là Nghĩa – Nghĩa là Dalat. Nghĩa hiển hiện phơi phới diệu kỳ giữa rừng thông cao vút, trên mặt hồ đầy sương mù, bên dòng suối thơ mộng và trong những cơn mưa nhạt nhòa hay nắng ấm vàng rực muôn ngàn cánh hoa dã quỳ thương nhớ. Thế là Thắng và Đức vẫn dễ dàng gặp Nghĩa dù âm dương cách biệt đôi đàng!
 
Thôi, chia tay với Nghĩa như ngày xưa, chia tay với con Phượng Hoàng gục chết giữa lửa hồng để hồi sinh trong những tác phẩm để đời!
 
Cho Thắng và Đức ngăn dòng lệ chảy tràn trên má để cố gắng mỉm nụ cười nhìn bạn đi xa.
 
                                     Viết cho Nghĩa ngày 17 tháng 9 năm 2021.
                                              Nguyễn Thắng – Đoàn Đức



      
Tam Anh Vườn Đào Trung học Nguyễn Hoàng (1960-1967)

Đỗ Tư Nghĩa và  Đoàn Đức

Đoàn Đức và Nguyễn Thắng