CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 14 tháng 9, 2021

NHẬN ĐỊNH BÀI TỔNG KẾT VỀ PHAN THANH GIẢN CỦA “NGƯỜI ANH CẢ” GIỚI SỬ HỌC HÀ NỘI - Phan Thanh Tâm

 Nguồn:
http://talawas.org/talaDB/showFile.php?res=3409&rb=0302


Cụ Phan Thanh Giản
 

Ông Phan Thanh Tâm, tác giả bài này, là cháu năm đời của cụ Phan Thanh Giản.
 
 
NHẬN ĐỊNH BÀI TỔNG KẾT VỀ PHAN THANH GIẢN CỦA “NGƯỜI ANH CẢ” GIỚI SỬ HỌC HÀ NỘI 
                                                                                Phan Thanh Tâm
 
Nước ta tuy có lúc thịnh, lúc suy
Nhưng hào kiệt đời nào cũng có
(Nguyễn Trãi - Bình Ngô Ðại Cáo)
 
Bài tổng kết “Chúng ta đã nhất trí về việc nhận định Phan-Thanh-Giản” của ông Trần Huy Liệu, “Người anh cả” giới sử học Hà Nội viết từ tháng 10.1963 tự nó không tạo ra vấn đề hay gây ảnh hưởng gì cả dù rằng không hẳn mọi người đã nhất trí như tựa đề. Bài báo chỉ đâm ra dễ sợ, gây nhiều bất mãn sâu đậm khi nó theo đoàn quân chiến thắng tiến vào thủ đô Sài Gòn năm 1975.
 
Lần đầu tiên trong lịch sử báo chí thế giới, bài của một tác giả, qua đời năm 1969, thảo luận về một nhân vật lịch sử, trở thành một án lệnh. Nhà cách mạng sử học họ Trần dựa vào ý thức hệ, đã tước bỏ mọi đức tính, sự nghiệp của cụ Phan khi cáo giác nhân vật này đã “theo giặc, chống lại cách mạng, phản lại quyển lợi tối cao của tổ quốc”.
 
Với bản án này thì chỉ có tử hình. Ðúng vậy. Dù cụ Phan đã quyên sinh từ năm 1867, tháng 5.1975, tượng “Tội nhân của lịch sử” ở trường Phan Thanh Giản Cần Thơ đã bị cảnh vệ mắng nhiếc là tên phản quốc, hèn nhát rồi dùng búa đập cho đến khi “chiếc đầu gãy lìa khỏi cổ” trước sự chúng kiến của một số người tập trung để chuẩn bị đi học tập cải tạo trong đó có nhà văn Trần Hoài Thư.
 
Theo giáo sư Văn Tạo, hai giáo sư Nguyễn Công Bình và Nguyễn Ðổng Chi do Ủy Ban Khoa Học Xã Hội ở Hà Nội trong thời gian đầu của cuộc “giải phóng” đã được cử vào để đóng góp vào việc hạ bệ uy tín, ảnh hưởng của cụ Phan như đổi tên đường Phan Thanh Giản ở Sài Gòn thành đường Ðiện Biên Phủ, đổi tên trường học, xóa bỏ hay hạn chế bớt việc duy trì và tu tạo những di tích lịch sử về cụ ở Vĩnh Long, Ðồng Tháp, Cần thơ. [1]
 
Phan, Lâm mãi quốc, triều đình khi dân
 
Bài báo còn viết gì? Ông Trần Huy Liệu, người Nam Ðịnh (1901-1969), từng làm Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền và Cổ động, trong bài nói trên đã vin vào “dư luận nhân dân đương thời biểu hiện trong tám chữ đề cờ của dân quân Tân An Gò Công mà thủ lãnh là Trương Ðịnh” để cáo giác cụ Phan là đã hàng giặc, dâng nước cho giặc. Ông cho rằng, cụ Phan “công đức đã bại hoại thì tư đức còn có gì đáng kể”.
 
Bài viết của nhà báo cách mạng Trần Huy Liệu, nguyên Viện trưởng Viện Sử học, đăng trên tạp chí Nghiên Cứu Lịch Sử số 55 do ông làm Chủ nhiệm và Tổng Biên tập xuất bản ở Hà Nội, còn nói cái chết của Cụ Phan Thanh Giản là theo “đạo dữ, là bất nhân, là phản bội”. Ông tố cáo cụ Phan, đã “dâng toàn bộ lục tỉnh Nam Kì cho giặc”.
 
Ông Vũ Ngọc Khánh, một người trong giới nghiên cứu có dịp bàn về Phan Thanh Giản, một Tiến sĩ trí thức Nam Kì có khuynh hướng canh tân, cầu hòa, uyển chuyển, cho biết lúc bấy giờ năm 1963, chính sách chung là không thể chấp nhận khuynh hướng đầu hàng, khoan dung. Nên cái nhìn về Phan Thanh Giản trở nên khắc nghiệt, vì phải theo quan điểm lập trường nhất định. [2] Ðại Hội Ðảng Kì III năm 1961 chủ trương dùng giải pháp quân sự để thôn tính miền Nam.
 
Ðiều đáng nói là sử liệu dư luận đương thời tám chữ Phan Lâm mãi quốc; triều đình khi dân mà sử gia Trần Huy Liệu vin vào để kết tội cụ Phan có phải là một chứng liệu xác thực hay không? Ông Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam trong bài “Phan Thanh Giản, con người, sự nghiệp và bi kịch lịch sử” cho biết, nguồn gốc và xuất xứ chưa rõ. Cần tìm hiểu thêm. [3]
 
Linh cữu học trò già
 
Hội nghị Khoa học về cụ Phan Thanh Giản tháng 11. 1994 tại Vĩnh Long đã kết luận câu nói trên là một loại tồn nghi qua truyền miệng không đáng tin. Theo ông Nguyễn Văn Trấn trong cuốn Chợ Ðệm quê tôi đó là câu nói của Đàng Ngoài. “Chớ tôi từng đọc sách sử, chưa thấy ở trong Nam này có sĩ phu bốc đồng nào nói ra câu bia miệng đó.” [4]
 
Ðàng khác, Cụ Ðồ Chiểu một lòng kính trọng cụ Phan, đã viết hai bài điếu cụ Phan và cuối đời trong bài “Văn tế lục tỉnh sĩ dân trận vong” đã cùng nói về Phan Học Sĩ và Trương Tướng Quân. Ông Nguyễn Văn Châu, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bến Tre, trong bài “Nguyễn Ðình Chiểu hiểu biết về Phan Thanh Giản,” cho biết đọc hết các hịch truyền, cáo thị của nghĩa quân Trương Ðịnh tương truyền là do cụ Nguyễn Ðình Chiểu viết không tìm thấy tám chữ này.


Vả lại, chữ mãi quốc không có ổn. Mãi là bán mà bán là một sự thuận nhượng để đổi vật, đổi mối lợi cho người bán. Không lẽ cụ Phan bán nước để lấy cái chết. Trước khi quyên sinh cụ gửi trả hết cho nhà vua chức tước, sắc phong; dặn con cháu không được cộng tác với giặc Pháp và chỉ đề chín chữ trên minh sinh cạnh quan tài cụ: linh cữu học trò già góc bể họ Phan. Ngôi mộ gần như mộ một dân thường chỉ ghi: Lương Khê lão nông chi mộ (ngôi mộ của người nông dân già họ Phan). Cụ thọ 71 tuổi (1796-1867).
 
Hai con trai của cụ, Phan Tôn, Phan Liêm, nổi lên chống Pháp tại tỉnh Vĩnh Long, lập thành nhóm “Cần Vương” từ tháng 7 đến tháng 11.1867; khi bị dẹp hai ông bỏ trốn ra Bình Thuận. Người ta lại gặp hai ông bên cạnh Nguyễn Tri Phương ở Hà Nội, rồi bị bắt giữ ngày 20.11.1873.
 
Dâng sáu tỉnh Nam Kì cho giặc
 
Nhà sử học cách mạng Trần Huy Liệu còn gán cho cụ Phan tội dâng toàn bộ sáu tỉnh cho Pháp. Sự thực thế nào? Hòa Ước Nhâm Tuất 1962, Phan Thanh Giản thừa lệnh triều đình giao cho Pháp ba tỉnh miền Ðông với một số tiền bồi thường để đòi lại tỉnh Vĩnh Long. Ba tỉnh miền Ðông và Vĩnh Long đã bị Pháp chiếm sau khi thành Gia Ðịnh do Nguyễn Tri Phương trấn giữ bị thất thủ sau hai ngày rưỡi đánh nhau. Giao hay không giao nó đã mất vào tay Pháp rồi.
 
Còn ba tỉnh miền Tây mất vì quyết định bất nhất của triều đình. Các người giữ thành Phan Thanh Giản, Trương Văn Uyển, Nguyễn Hữu Cơ, Trần Hoan có trách nhiệm là để mất chớ không có giao. Hơn nữa, trước đó “có lời thẩm nghị của đình thần là: các quan chức phải bỏ thành không được kháng cự nếu quân Pháp tấn công”. [5]
 
Ông Võ Văn Kiệt, nguyên Thủ tướng Chính phủ, trong bài “Những suy nghĩ sau hai cuộc Hội Nghị về nhân vật Phan Thanh Giản” viết “Càng có thời gian chúng ta càng thấy Phan Thanh Giản bị cái án oan. Nhưng Phan Thanh Giản là người rất nghiêm khắc với mình và vì vậy ông chấp nhận tất cả, kể cả cái chết do ông chọn ngày giờ và ra đi”.
 
Ngoài ra, là một nhà trí thức thành đạt nhất ở Nam Kì lúc bấy giờ, lại là một người nhân bản, cụ ý thức rõ không thể “lùa dê vào miệng cọp chỉ giết hại quân lính và làm tiêu tan tài sản của dân.” Vì cụ Phan:
 
Thấy việc Âu Châu phải giựt mình
Kêu gọi đồng bang: mau thức dậy
Hết lời năn nỉ chẳng ai tin
 
nên cụ đã “quyên sinh, góp cái chết của mình để khóc cái chết của dân”.
 
Tiến sĩ Võ Xuân Ðàn, trường Ðại học Sư phạm đặt một câu hỏi: “Trên tầm vĩ mô trách nhiệm mất Việt Nam, cuối thế kỷ XIX là Vương Triều Nguyễn. Ở tầm vi mô trách nhiệm này thuộc vua Tự Ðức và Phan Thanh Giản. Tự Ðức để mất nước Việt Nam; Phan Thanh Giản để mất Nam Kì. Còn Bắc Kì qua hai lần tấn công giặc Pháp cũng đã chiếm được. Trách nhiệm để rơi về tay Pháp thuộc về ai mà việc mất Nam Kì lục tỉnh lại qui về cho Phan Thanh Giản?”. [6]
 
Thế kỷ XXI nhìn về cụ Phan
 
Tại Sài Gòn ngày 16.8.03, tạp chí Xưa & Nay – Hội Khoa học Lịch sử VN, Hội đồng Khoa học Xã hội phối hợp tổ chức tọa đàm khoa học “Thế kỷ XXI nhìn về nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản” đã phổ biến một bản văn nói “Ý kiến đồng thuận chung là không thể coi Phan Thanh Giản là ‘kẻ bán nước.’ Nhân cách của Ông, cống hiến của Ông cho đất nước đã chiếm được tấm lòng ngưỡng mộ của nhân dân miền Nam.” Cuộc tọa đàm này là cuộc trao đổi tiếp theo hai cuộc hội nghị về những năm trước (1987 tại Bến Tre và 1994 tại Vĩnh Long) cũng nhằm đánh giá về cụ.
 
Bản văn còn cho biết, “Ðại biểu của nhiều tỉnh như Vĩnh Long, Bến Tre... nêu nguyện vọng là Nhà nước nên xem xét và đặt lại tên đường Phan Thanh Giản, trường học Phan Thanh Giản, sửa chữa bổ sung kiến thức về Phan Thanh Giản trong các sách giáo khoa, giáo trình để đông đảo đồng bào, nhân dân ta hiểu Phan Thanh Giản hơn và đặt Ông vào đúng vị trí trong lịch sử, trong đời sống văn hóa của nhân dân ta.”
 
Nhà văn Sơn Nam kể lại, hồi xưa khi đi ngang qua miếu Văn Thánh học trò phải cúi đầu chào ông Phan. Ông nói “Tôi lại vào bên hông miếu Văn Thánh để cúi đầu trước bức ảnh cụ Phan, chớ nào ai vào chánh điện để chào ông Khổng, ông Tăng Sâm, Tử Lộ.” Nhà văn đề nghị, “trong chương trình sử học cho học sinh, nên có một bài nói về ông, đủ tình đủ lý.” [7]
 
Theo Tiến sĩ Võ Xuân Ðàn, trường Ðại học Sư phạm, “Ở Bến Tre, Vĩnh Long và cả ‘Nam Kì lục tỉnh’ hàng trăm năm nay đã lưu truyền những chuyện kể, những truyền thuyết, giai thoại nói lên chí hiếu học, tinh thần yêu nước thương dân, cuộc sống thanh bạch, cần mẫn, liêm khiết, trung thực, khiêm nhường của Phan Thanh Giản và coi ông như một biểu tượng tốt đẹp và là niềm tự hào của quê hương xứ sở.”
 
Phạm Phú Thứ, Nguyễn Ðình Chiểu
 
Chẳng những vậy, “hầu khắp các tỉnh ở Nam Kì không chỉ luôn luôn nhắc nhở, nhân dân còn lập bàn thờ thờ ông tại một số đình, đền chùa, miếu. Không ít nhà dân đã treo chân dung ông nơi trang trọng để thể hiện tình cảm như đối với người thân đáng kính trong thân tộc.” [8]
 
Giới trí thức lúc bấy giờ như Phạm Phú Thứ, Nguyễn Ðình Chiểu, Nguyễn Thông rất thông cảm nỗi lòng cụ Phan. Bài điếu văn dài 99 câu của Phạm Phú Thứ có những câu như: “Lòng yêu nước sâu kín của Ngài đối với nước nhà đáng khóc lên được. Ngài thật là một người học rộng và có phẩm cách hơn người. Có bao nhiêu người hiểu biết tình thế thật sự của nước nhà? Khi nghĩ lùi về nguyên nhân của trận giặc này, tôi rất buồn nhớ đến ý chí của Ngài (không được thực hiện).” [9]
 
Cụ Ðồ Chiểu, có ngòi bút “đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”, đã làm hai bài thơ điếu cụ Phan một bằng chữ nôm, một bằng chữ Hán. Cụ chỉ làm thơ điếu cho ba người: Trương Ðịnh, Phan Thanh Giản, Phan Ngọc Tòng. “Minh trong sạch trải thờ ba chúa. Không Ông ai che chở dân lành.” Hay trong lễ truy điệu nghĩa sĩ tại chợ Ðập, làng An Ðức, Ba Tri năm 1883, cụ đọc: Ít người được xem tấm bảng phong thần, Phan học sĩ hết lòng mưu quốc (Phan học sĩ mưu quốc không thành, nhưng tên còn ghi trong tấm bảng phong thần). [10]
 
Cố học giả Vương Hồng Sển, trong cuốn Nửa đời còn lại, chương “Trở lại, thử tìm hiểu cảnh ngộ quan Phan khi đi sứ sang Pháp,” ông viết, “bấy lâu nay (1990), tôi nghe đầy tai lời trách quan Phan làm cho mất nước và vua Tự Ðức đứng đầu tội ấy. Thấp cổ bé miệng, tôi có dại gì cãi họ, duy trong thâm tâm riêng tưởng họ chưa tới mắt cá quan Phan.”
 
Lợi dụng sự kiện lịch sử
 
Ðánh giá một nhân vật lịch sử ngoài việc dựa vào tính xác thật của các sử liệu, còn phải tìm hiểu thái độ của nhân dân đối với nhân vật đó. Bài tổng kết của Người anh cả giới sử học Trần Huy Liệu đã lợi dụng các sự kiện lịch sử để phục vụ cho mục tiêu chính trị. Chính trị và lịch sử như hình với bóng nhưng nó không thể đồng hóa là một được.
 
Nhà báo cách mạng Trần Huy Liệu có quyền có ý kiến riêng, phê phán, đánh giá nhưng phải dựa vào những sử liệu có thật. Không thể lập luận hồ đồ (sáu chữ trong bài tổng kết). Ðúng. Không thể lập luận hồ đồ. Phan Thanh Giản có dâng toàn bộ lục tỉnh Nam Kì cho giặc không? Không. Hơn nữa, dư luận nhân dân biểu hiện trong tám chữ đề cờ của dân quân Tân An Gò Công mà thủ lĩnh là Trương Công Ðịnh cho đến nay nguồn gốc và xuất xứ vẫn chưa rõ. Người viết sử không thể vin vào một sự kiện chưa rõ và không có cơ sở lý luận để kết tội một nhân vật lịch sử.
 
Nhà sử học Trần Huy Liệu làm việc này không phải đơn độc, tự biên tự diễn, mà có hệ thống, có chỉ đạo. Là hậu duệ của cụ Phan, người viết bài này, vì sự công bình của lịch sử, đòi hỏi các giới chức liên hệ, Viện Sử học Việt Nam... phải có lời xin lỗi gia đình chúng tôi về những cáo giác trong bài nhận định và những lời lẽ trong buổi chiều đập tượng kết tội cụ Phan Thanh Giản trước một số đông người hồi tháng 5.1975 tại trường học mang tên cụ ở Cần Thơ.
 
Mặt khác, Giáo sư sử học Ðại học Quốc gia Hà Nội Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử VN, có nói rằng kết quả và thái độ của hội thảo chắc sẽ giải tỏa phần nào những mặc cảm bấy lâu đè nặng lên tâm tư của nhiều người kể cả con cháu Phan Thanh Giản. Chúng tôi xin thưa không hề có mặc cảm. Trái lại là đằng khác. Vì cụ đã qua nhiều thử thách của thời gian và thời đại.
 
Xin trưng dẫn những lời nói về cụ:
 
Thủ nghĩa để thành nhân; Ngài giữ trọn nghĩa vụ ấy (Phạm Phú Thứ);
Một Học sĩ (Nguyễn Ðình Chiểu);
Cầu cho người được đời đời tiếng thơm (Ðồng Khánh);
Một sự nghiệp hiển hách (Phan Văn Hùm);
Một tấm gương cho cả thế hệ trẻ (thư một phụ huynh học sinh khi đề nghị lập tượng cụ Phan ngày 25/2/1966);
Nhân vật lịch sử của Nam Bộ, của cả nước chứ không phải riêng gì Vĩnh Long và Bến Tre (Võ Văn Kiệt);
Nhà yêu nước và người báo hiệu cho một nước Việt Nam mới (tựa sách của Phan Thị Minh Lễ)...
 
Biết người mạnh, biết ta yếu
 
Nhân nói về lịch sử vào những năm giữa thế kỷ XIX, thử xem phải chăng xu thế thiết lập hệ thống thuộc địa của Tây Phương là điều tất yếu? Không hẳn. Vào những năm này, thực tế cho thấy lưỡi gươm của Trương Công Ðịnh, Nguyễn Tri Phương, Thủ Khoa Huân... và ông vua Tự Ðức do dự, bất nhất không thể ngăn chặn được âm mưu xâm lược của thựùc dân. Riêng Nhật Bản và Thái Lan là hai nước thoát được nhờ họ biết họ yếu; họ nhượng bộ, họ học hỏi.
 
Nước Việt Nam có ai biết không? Có. Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Trường Tộ... Học giả Vương Hồng Sển trong cuốn Nửa đời còn lại cho biết cụ Phan đi sứ bên Tây về tâu: bên nước Pháp có thiết kiều, thạch lộ. Các quan trong triều chê: đi xa về nói khoác. Nước ta phú hữu tứ hải mà còn không đủ thép làm gươm mà họ có thép làm cầu. Họ làm gì có đá để lót đường vì trong khi nước ta không đủ đá để mài gươm cho sắc bén.
 
Trái lại, Nhật Bổn mở cửa cho nước ngoài vào buôn bán, nhượng bộ những yêu sách của Mỹ để đợi thời. Và chính nhờ vậy, nhờ sự đồng tâm nhất trí Hoàng Ðế Mejii (Minh Trị) đã có thể thực hiện công cuộc hiện đại hóa đất nước mình. Sau gần 44 năm cải cách (1868-1912), Nhật Bổn lên thành một cường quốc hiện đại và hùng mạnh. [11]
 
Thái Lan cũng biết rõ nhược điểm của mình. Không đủ khả năng quân sự để đối phó, họ mua chuộc Anh hay Pháp bằng những thỏa hiệp ưu đãi mậu dịch; cải tổ thiên Tây phương rất khôn ngoan và ngoạn mục nhất là chính sách mời các cố vấn Tây Phương đến để giữ cho các đế quốc được hài lòng. [12] Nước ta có hào kiệt nhưng không có thế và có thời; cộng thêm ảnh hưởng quá sâu xa nền văn minh phong kiến Trung Quốc nên mới ra cơ sự ngày nay.
 
Bài này được viết nhân tạp chí Thế kỷ 21 có chủ đề về Phan Thanh Giản. Chủ bút tạp chí là nhà văn Phạm Xuân Ðài, tức Phạm Phú Minh, hậu duệ của Phó sứ Phạm Phú Thứ, trong sứ bộ Phan Thanh Giản sang Pháp và Tây Ban Nha (1863-1864). Âu đó cũng là một trùng hợp tốt đẹp và một cái duyên may.
 
              8.2004
       Phan Thanh Tâm
 
Nguồn: 
Tạp chí Thế kỉ 21, số 185 (số đặc biệt về Phan Thanh Giản), tháng 9.2004
 
.........
 
[1]“Về sự nghiệp và vai trò lịch sử” của Gs Văn Tạo
[2]“Quần chúng cảm thông để lịch sử đỡ phần nghiêm khắc” của Vũ Ngọc Khánh
[3]“PTG con người sự nghiệp,và bi kịch lịch sử” của Phan Huy Lê
[4]“Chợ Ðệm quê tôi” của Nguyễn Văn Trấn
[5]“Nhân cách lớn” của Hoàng Lại Giang
[6]“Hãy trả về cho TS Phan Thanh Giản những giá trị và những hạn chế đích thực” của TS Võ Xuân Ðàn
[7]“Bạn đọc & tòa soạn Xưa & Nay” số 146
[8]Ông PTG đã dám nghĩ, dám làm và dám chịu
[9]“Phan Thanh Giản nỗi đau trăm năm” của Hoàng Lại Giang
[10]“Nguyễn Ðình Chiểu hiểu biết về Phan Thanh Giản” cuả Nguyễn Văn Châu
[11]“Bước mở đầu của sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp ở VN (1858-1897)” của Nguyễn Xuân Thọ
[12]“Vương quyền Thái Lan”, đài BBC
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét