Nguồn:
https://nhathonguyenbuivoi.wordpress.com/category/tac-pham/van-xuoi/nguyen-bui-voi-viet-ve-be-ban/
Nhà thơ Phùng Quán
Năm 1960, đi lao động thâm nhập thực tế ở Thái Bình cùng các nhà văn Tô Hoài, Hoàng Trung Thông…về, Phùng Quán bị nhiễm lao. Nằm điều trị ở bệnh viên lao trung ương khỏi bệnh rồi nhưng không biết về đâu vì phòng Văn nghệ quân đội không còn tên anh nữa, Hội nhà văn cũng đã khai trừ anh. Phùng Quán về thôn Nghi Tàm xã Quảng An huyện Từ Liêm (Hà Nội) đến nhà ông cả Hàm là trưởng xóm Đình xin ở nhờ ít lâu. Gia đình ông cả vui vẻ nhận lời vì biết anh là tác giả tiểu thuyết “Vượt Côn Đảo” nổi tiếng. Ông cả Hàm nói với vợ: Tôi cũng có biết anh này có “phốt”. Người ta đầu xanh tuổi trẻ lại có tài ắt là có tật, thôi giúp đỡ người ta, để phúc để đức cho con! Không có lương, Phùng Quán sắm cần câu, thỉnh thoảng ra hồ câu cá trộm! Một hôm, anh đi qua trước một túp nhà lá một gian hai chái. Thấy một bà cụ một mình đi ra đi vào, Phùng Quán tạt vào chơi.
Hỏi truyện cụ, anh mới biết cuộc đời cụ thật gian nan. Cụ ông uống rượu say, “đi” luôn đến mồng một Tết để lại cho cụ bà một mảnh vườn, một ngôi nhà gỗ 5 gian và 3 đứa con dại. Cô gái đầu lòng tiên là Húng mất năm 13 tuổi. Con thứ hai là Nguyễn Văn Thơm vào bộ đội, hy sinh vào năm 1947 ở mặt trận Hà Nội. Con gái út tên là cô Vỏ bị thiên đầu thống, lòa cả hai mắt, mất năm 30 tuổi, chưa kịp lấy chồng. Trước cụ cũng có một gian hàng bán cơm ở chợ hàng Da nhưng vì con bệnh nặng, gia tài khánh kiệt, cụ phải bán đi cả căn nhà gỗ 5 gian, cây que chụm lên túp này…
Nghe cụ trưởng Rơi kể vậy, Phùng Quán không cầm được nước mắt. Anh nói với cụ:
– Mẹ ơi, con là bộ đội chống Pháp. Quê con ở Huế. Ba mẹ con đã mất cả, Con ở Hà Nội một mình. Con vẫn ở nhờ ông cả Hàm. Nay thấy mẹ sống một mình, con muốn xin dựa dẫm vào mẹ, không biết con có được mẹ thương không?
Cụ Mùi cười hai hàm răng đen nhức. (Vâng, tên thật của cụ là Nguyễn Thị Mùi, còn có tên là cụ trưởng Rơi vì hồi trước cụ cố đẻ rơi cụ nên đặt tên là Rơi.)
Cụ Rơi xởi lởi nói với Phùng Quán:
– Thế này, anh bộ đội ạ. Các cụ bảo: “ăn hết nhiều chứ ở hết bao nhiêu!” Nhà tôi chỉ có một túp thế thôi đấy. Anh xem có kê được cái giường nữa thì kê, ở cho ấm nhà!
Phùng Quán đi hỏi bạn bè. Nhà viết kịch Phan Vũ (tác giả vở kịch “Lửa cháy lên rồi”) cho anh mượn một cái giường cá nhân kê cạnh cái phản cụ Mùi nằm, còn thừa một lối đi nhưng phải đi nghiêng vì lối đi chỉ rộng chừng 30 phân. Quán kiếm gỗ thùng đóng một cái bàn viết nhỏ đặt sát với của sổ. Ngày ngày anh quay mặt ra hồ, ngồi viết tiểu thuyết.
Hai mẹ con thổi nấu ăn với nhau. Sáng ra, Phùng Quán cho gánh hàng của mẹ nuôi lên xe đạp, dắt lên đường cái. Cụ Mùi bán quà trẻ con như bánh đa, bỏng ngô, kẹo dồi, ô mai các loại… Mùa mía cụ chỉ bán mía. Buổi sáng Phùng Quán thồ mía cây, mía tấm lên đường cái cho cụ, trưa mang cặp lồng cơm ra hàng, chiều ra thồ bã mía về, phơi khô đun nấu. Túp lều có người ra, người vào, có tiếng nói tiếng cười ấm cúng.
Rồi Phùng Quán dẫn người yêu là Bội Trâm giới thiệu với mẹ nuôi. Thấy cô gái lễ phép, lịch sự lại là giáo viên cấp 3, cụ Mùi rất thương. Năm 1962, Phùng Quán và Bội Trâm đến đăng ký kết hôn ở ủy ban hành chính xã Quảng An huyện Từ Liêm Hà Nội.
Hàng tuần, chiều thứ bảy, Bôi Trâm mới về với chồng ở nhà bà mẹ nuôi thôn Nghi Tàm. Ngày thường chị ở nhà mẹ, số 3 hàng Cân, đi dạy học ở trường Trưng Vương phố Hàng Bài Hà Nội. Đến kỳ lương, chị mang về đưa cho cụ.
Một hôm cụ đưa cho chị mười lăm đồng và bảo:
– Cậu Quán đẹp trai nhưng ăn mặc lôi thôi quá. Cô ra chợ sắm cho cậu ấy một bộ cánh, áo pô-pơ-lin, quần si-mi-ly, diện vào xem có oách không nào?
Hai vợ chồng bàn nhau may áo vải, quần ka-ki cho cụ vui lòng, còn dư tiền còn để mà ăn chứ. Một suất lương nuôi hai người rồi!
Năm 1963, sinh cháu Đỗ Quyên đầu lòng, Quán bàn với vợ sau hai tháng nghỉ đẻ, đi dạy thì cho con vào nôi, đưa lên đây, anh vừa viết vừa trông con hộ vợ.
Thấy thế, buổi chiều khi Bội Trâm ở trường về, cụ Mùi chỉ Phùng Quán, đọc vè trêu chọc:
Công danh sự nghiệp lờ đờTrông con cho vợ còn nhờ miếng ăn!
Lúc ấy, cụ cười nhưng nước mắt lưng tròng. Phùng Quán bảo vợ “công danh sự nghiệp lờ đờ” thì tài thật, nhà thơ chuyên nghiệp đã chắc hạ được hai chữ ấy à?
Đã ấm nơi ăn chốn ở rồi, bạn bè văn nghệ đã bắt đầu lui tới. Phùng Quán ra vườn chặt mấy cành ổi ghép vào nhau thành ghế dựa. Mặt ghế, lưng ghế anh ghép bằng tre cật, ngồi nhiều đen bóng cả lên. Ai đến cũng khen bộ ghế đẹp. Phùng Quán còn ghép cành ổi thành ghế đu, đặt ngoài vườn nằm đọc sách. Thấy bạn bè Phùng Quán khen anh khéo tay, cụ Mùi đặt vè trêu con nuôi:
Người ta sập gụ, tủ chèNhà tôi cành ổi… Ngứa nghề xa lông!
Hai chữ “Ngứa nghề” thật đau đớn, chua chát. Bội Trâm sinh con trai là Quý Quân. Cuối tuần ba mẹ con về với bố với bà. Những hôm ấy, cụ Mùi đi chợ mua thịt, cá, gà, trứng để bồi dưỡng cho các cháu. Có hôm chị Trâm kêu “sao mẹ mua nhiều thế” thì cụ mắng:
– Làm ra được đồng tiền, thấy con cháu nó ăn ngon miệng là mẹ vui. Chết rồi có mang tiền xuống âm phủ được đâu.
Rồi cụ Mùi lại đọc vè, lần này là vè… tự diễu:
Đi buôn từ thuở mười haiTôi thề tôi chẳng yêu ai bằng… tiền!
Những lần Phùng Quán đi thực tế hay đi viết ở tỉnh này, tỉnh kia, cụ dặn mang áo len, mang lọ dầu cao con hổ, mang thuốc phòng đau bụng. Cụ dặn đừng nên ăn lòng lợn tiết canh, người ta làm không đảm bảo vệ sinh. Những lúc ấy, Phùng Quán quay mặt đi, giấu những giọt nước mắt.
Năm 1975 giải phóng miền Nam, Phùng Quán về Huế rồi vào thành phố Hồ Chí Minh tìm anh em, họ hàng.
Ở ngoài này, cụ Mùi lên Ủy ban nhân dân xã Quảng An làm di chúc: Sau khi cụ qua đời, con nuôi của cụ là nhà thơ Phùng Quán và vợ là cô giáo Bội Trâm có quyền hưởng thừa kế mảnh vườn một sào và túp lều của cụ. Nhờ người viết xong, cụ điểm chỉ ở cuối trang và xin chứng nhận của Ủy ban nhân dân xã Quảng An. Vợ chồng Phùng Quán xin lễ sống bà mẹ nuôi, tỏ lòng cảm kích trước cử chỉ tốt đẹp của cụ nhưng xin không dám nhận ân huệ đó vì không chắc có phụng dưỡng cụ đến hết tuổi Trời được hay không? Anh chị đề nghị mẹ nuôi của mình đón một đứa cháu trong nội tộc về ở chăm sóc cụ cuối đời và hưởng sự thừa kế.
Năm 1982, cụ Mùi qua đời. Phùng Quán thời gian này đang ở trên vùng núi Thái Nguyên trông coi khu đất tăng gia của Bộ Văn hóa, nhận được tin, về không kịp.
Bội Trâm xin phép mẹ đẻ ở số 3 Hàng Cân cho phép được buộc khăn mặc áo xô để tang mẹ nuôi của chồng mình. Cháu trai Quý Quân đi đầu rước ảnh Bà nội. Năm 2000, người mẹ liệt sĩ cô đơn ấy được nhà nước truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
Nguyễn Bùi Vợi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét