Nguồn: https://damau.org/archives/27920
Tác giả Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu sinh 1959 tại Long Xuyên, sống bằng nghề cầm bút ở Sài Gòn từ năm 1987. Năm 2011, ông cùng vợ sang học tập và làm việc tại Bangkok, Thái Lan. Trong giai đoạn đầu viết lách, Vương Trung Hiếu chủ yếu viết báo, sáng tác truyện ngắn và tiểu thuyết. Về sau ông chuyển dần sang biên soạn và dịch sách. Tính đến nay ông đã trình làng trên 200 đầu sách.
TÌM HIỂU NHỮNG BÀI THƠ, CA DAO
LIÊN QUAN TỚI “CANH GÀ THỌ XƯƠNG”
Trước đây nhiều nhà nghiên cứu đã tranh luận sôi nổi về nguồn gốc, dị văn, dị bản của những câu ca dao và bài thơ có liên quan đến “canh gà Thọ Xương”. Năm 2012, thêm một lần nữa, xuất hiện rầm rộ những bài viết liên quan đến vấn đề này, đặc biệt là quan điểm cho rằng “canh gà” là một món ăn, điều này trái ngược với nhận định truyền thống: “canh gà” chỉ thời gian (tiếng gà báo canh). Thật hư thế nào, chúng ta thử tìm hiểu các quan điểm, phân tích và minh định đôi điều, bởi vì đây là một tác phẩm đã từng xuất hiện trong sách giáo khoa trung học và đại học, đã từng được ghi nhận, đánh giá trong những công trình nghiên cứu có trọng lượng như “Lịch sử văn học Việt Nam” (NXB Khoa Học Xã Hội, 1980), “Văn học dân gian” (NXB Đại Học Và Trung Học Chuyên Nghiệp, 1973) hay “Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam” của Vũ Ngọc Phan (1956, tái bản nhiều lần)….
Về cơ bản có ba bài như sau:
Trong ca dao Hà Nội:
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương.
Mịt mù khói tỏa làn sương
Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ.
Bài thơ “Hà Nội tức cảnh” của Dương Khuê:
Phất phơ ngọn trúc trăng tà,
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương.
Mịt mùng khói tỏa ngàn sương,
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây hồ.
Và trong ca dao Huế:
Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương.
Thuyền về xuôi mái dòng Hương,
Biết đâu tâm sự đôi đường đắng cay.
I. Nguồn gốc
Hiện nay có ba quan điểm chính: 1. Ca dao Huế và Hà Nội có trước bài “Hà Nội tức cảnh” của Dương Khuê; 2. Thơ Dương Khuê xuất hiện trước, sau đó trở thành ca dao Hà Nội rồi lan truyền đến Huế để thành ca dao Huế; 3. Ca dao Huế có trước, sau đó Dương Khuê dựa trên bài này để sáng tác “Hà Nội tức cảnh”, cuối cùng bài thơ được dân gian hóa để trở thành ca dao Hà Nội.
Để tìm nguồn gốc, chúng ta cần xác định những chi tiết liên quan.
– Thơ Dương Khuê: Do ca dao không có mốc thời gian sáng tác cụ thể nên chúng tôi căn cứ vào bài thơ của Dương Khuê để tiện việc đối chiếu. Theo PGS.TS. Trịnh Khắc Mạnh [1], bài “Hà Nội tứ cảnh”của Dương Khuê nằm trong tập “Vân Trì thi thảo” (雲池詩草 – Bản thảo thơ Vân Trì), (ký hiệu VHv. 2482) đang được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Chúng ta biết rằng Dương Khuê (1839-1902), là quan nhà Nguyễn, một nhà thơ nổi tiếng, rất có khả năng bài “Hà Nội tứ cảnh” ra đời khoảng nửa cuối thế kỷ 19. Những địa danh trong bài thơ của ông trùng khớp với các địa danh ở Hà Nội xuất hiện trong ca dao Hà Nội.
– Những địa danh trong ca dao Hà Nội
+ Trấn Vũ: Trấn Vũ Quán (hay đền Quán Thánh) nằm bên cạnh Hồ Tây, phía Tây Bắc Hà Nội. Ngôi đền này được xây dựng từ đời vua Lý Thái Tổ (Kỷ Dậu 1009 – Mậu Thìn 1028), nơi thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, một trong bốn vị thần trấn giữ bốn cửa ngõ của thành Thăng Long ngày xưa (Thăng Long tứ trấn).
+ Thọ Xương: Theo Đồng Khánh địa dư chí (同慶地輿志) – Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn khoảng nửa cuối thế kỷ 19, Thọ Xương là một huyện của thành Thăng Long xưa, có tên chữ Hán là 壽昌縣 (Thọ Xương huyện). Ngày nay huyện này là khu vực thuộc thành phố Hà Nội, nằm trong địa phận quận Hoàn Kiếm, quận Hai Bà Trưng và một phần quận Đống Đa. Vào thời Lê sơ (Mậu Thân 1428 – Đinh Hợi 1527), Thọ Xương có tên là huyện Vĩnh Xương (永昌縣), đến thời nhà Mạc (Đinh Hợi 1527- Nhâm Thìn 1593) đổi tên là Thọ Xương. Ngày 1 tháng 10 năm 1888 (Đinh Hợi), vua Đồng Khánh ra đạo dụ nhượng hẳn thành Hà Nội cho Pháp, sau đó huyện Thọ Xương đã bị bãi bỏ. Hiện nay, Thọ Xương chỉ còn là tên một ngõ nhỏ (ngõ Thọ xương) thuộc phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm [2].
+ Yên Thái: là địa danh nói về Làng Yên Thái (còn gọi là Làng Bưởi) ở bờ nam Hồ Tây, Hà Nội. Ngày xưa, làng này nổi tiếng với nghề làm giấy, kẹo mạch nha và cất rượu, đặc biệt nhất là nghề làm giấy dó trong giai đoạn cuối TK 19 – đầu TK 20, bao gồm: giấy sắc (dùng để viết sắc vua ban), giấy lệnh (dùng để viết các lệnh chỉ, thần phả), giấy để chép gia phả dòng họ, giấy để in tranh khắc gỗ, vẽ tranh dân gian, làm đồ chơi trung Thu, in kinh Phật, viết chữ Nho, làm quạt, bao bì, vàng mã... Ngày nay người ta còn dùng giấy đó để giấy chống ẩm, sản xuất tấm cách âm, cách nhiệt, làm màng loa máy thu thanh…
Nhiều nhà nghiên cứu công nhận rằng “Nhịp chày Yên Thái” dùng để chỉ tiếng chày phát ra khi người dân làng này sử dụng chày giã vỏ cây dó trong cối để làm giấy. Trong quyển Technique du peuple annamite (Kỹ thuật của người An Nam, tái bản 2009), Henri Oger cho biết vỏ cây dó được nấu và ngâm trong nước vôi khoảng ba tháng, bóc bỏ lần vỏ đen rồi giã bằng cối và chày, sau đó mới thực hiện những công đoạn khác để chế tạo giấy (tr. 215).
+ Tây Hồ hay Hồ Tây: là một hồ nước tự nhiên lớn nhất trong nội thành Hà Nội. Trước đây, hồ này còn có những tên gọi khác là Đầm Xác Cáo, Hồ Kim Ngưu, Lãng Bạc, Dâm Đàm, Đoài Hồ…. [3]. Đây chính là địa danh trong câu mở đầu bài thơ “Phong cảnh Tây Hồ” của quan Chương Lĩnh Hầu Nguyễn Huy Lượng (? – 1808): “Đầy vơi thực lạ cảnh Tây Hồ”. Và cũng chính là địa danh trong vế đầu của câu đối nằm trên Cổng Giáp Đông – làng Hồ Khẩu (cũ, nay thuộc quận Tây Hồ): “Mỹ tục thuần phong vĩnh chiếu Tây Hồ minh kính” (Mỹ tục thuần phong soi gương Tây Hồ trong sáng) [4].
– Trong ca dao Huế
+ Thiên Mụ ở đây chính là chùa Thiên Mụ (天姥). Ngôi chùa cổ này nằm trên đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương, cách trung tâm thành phố Huế (Việt Nam) khoảng 5 km về phía tây [5]. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí (大南一統志 ) – do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, chùa Thiên Mụ chính thức khởi lập năm Tân Sửu (1601), trong triều đại chúa Tiên Nguyễn Hoàng (vị chúa Nguyễn đầu tiên ở Đàng Trong). Đến năm Canh Dần (1710), chúa Quốc Nguyễn Phúc Chu (1691- 1725) cho đúc một chiếc chuông lớn (gọi là Đại Hồng Chung) đặt trong chùa Thiên Mụ. Chuông này nặng hơn 2 tấn, trên thành ngoài có khắc một bài văn của Chúa Nguyễn Phúc Chu. “Tiếng chuông Thiên Mụ” là cụm từ đã từng xuất hiện trong văn bản từ nửa đầu thế kỷ 19, đó chính là tựa đề bài thơ Thiên Mụ Chung Thanh (天姥鐘聲 – Tiếng chuông Thiên Mụ) của vua Thiệu Trị (1807 – 1847), diễn tả cảnh đẹp thứ mười bốn (đệ thập tứ cảnh, 第十四景) trong hai mươi cảnh đẹp của đất Thần Kinh do nhà vua xếp loại. Bài thơ này được ghi vào bia đá dựng gần cổng chùa [5]. Hiện nay chùa Thiên Mụ còn được gọi là chùa Linh Mụ (靈姥). Lý do là vào năm Nhâm Tuất (1862), vua Tự Đức cầu khấn mong có con nối dõi, vua sợ chữ "Thiên" phạm đến Trời nên cho đổi "Thiên Mụ" thành "Linh Mụ". Việc kiêng cữ này chỉ đến năm Kỷ Tỵ (1869), về sau người dân muốn gọi là chùa Thiên Mụ hay Linh Mụ đều được [5].
+ Thọ Xương là địa danh cũ, một khu vực thuộc làng Nguyệt Biều nằm bên bờ sông Hương, bên kia sông là chùa Thiên Mụ. Theo Đại Nam Nhất Thống chí (sđd), trước đây vùng này có tên gọi là Thọ Khương (Thọ Khang), đến năm Nhâm Tuất (1802) đầu triều đại Gia Long được đổi tên thành Thọ Xương, năm Minh Mạng thứ năm (Giáp Thân – 1824) đổi thành Long Thọ Cương 龍壽崗, tức đồi Long Thọ (trong chữ Hán “đồi” được viết là 崗 hoặc 岡), hiện nay chỉ còn gọi là Long Thọ, thuộc phường Thủy Biều, thành phố Huế.
Xét những địa danh trên, chúng ta thấy rằng tất cả đều xuất hiện trước thời Dương Khuê sống. Điều này dẫn tới hai khả năng: thứ nhất, những câu ca dao liên quan với “canh gà Thọ Xương” ở Huế và Hà Nội có thể ra đời trước khi Dương Khuê sáng tác bài “Hà Nội tứ cảnh”. Nếu như thế thì cần tìm kiếm những câu ca dao đó được viết bằng chữ Nôm hay chữ Quốc ngữ trong những văn bản từ nửa đầu thế kỷ 19 trở về trước. Chúng ta biết rằng chữ Nôm hình thành trước thế kỷ 15, định hình rồi phổ biến dần trong văn chương Việt Nam cho đến cuối thế kỷ 19. Ngày 1 tháng 1 năm 1879 chính quyền Pháp ra nghị định buộc các văn kiện chính thức phải dùng chữ Quốc ngữ [6]. Như vậy, nếu những câu ca dao Huế và Hà Nội có liên quan với “canh gà Thọ Xương” ra đời từ nửa cuối thế kỷ 19 thì vẫn có khả năng được ghi nhận bằng văn bản. Trong trường hợp không thể tìm thấy bất kỳ tài liệu nào chứng minh những câu ca dao ấy xuất hiện trước giai đoạn Dương Khuê sống thì phải công nhận khả năng thứ hai: bài Hà Nội tứ cảnh của Dương Khuê đã được dân gian hóa để trở thành những câu ca dao Huế và Hà Nội.
Tháng 4 năm 1918, Phạm Quỳnh viết bút ký “Mười ngày ở Huế”, đăng trên tạp chí Nam Phong, mở đầu phần IV trong đó có hai câu:
“Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương [7]
Một số nhà nghiên cứu cho rằng Phạm Quỳnh đã dựa vào “tiếng chuông Trấn Vũ” trong ca dao Hà Nội để chế ra “tiếng chuông Thiên Mụ” rồi khẳng định rằng ca dao Hà Nội có trước, còn ca dao Huế là “sản phẩm ăn theo”, cải biên từ ca dao Hà Nội. Có thật vậy không? Xin mời xem đoạn văn kế tiếp Phạm Quỳnh viết sau hai câu ca dao kể trên:
“Cả cái hồn thơ của xứ Huế như chan chứa trong hai câu ca ấy. Chùa Thiên Mụ là một chốn danh lam, có cái tháp bẩy từng, ở ngay trên bờ sông Hương, làng Thọ Xương thì ở bờ bên kia. Đêm khuya nghe tiếng chuông chùa với tiếng gà gáy xa đưa văng vẳng ở giữa khoảng giời nước long lanh mà cảm đặt thành câu ca cho con trẻ hát, ấy mới rõ cái tính tình của người xứ Huế” [7].
Như vậy Phạm Quỳnh đã biết rõ rằng ngày xưa ở Huế có địa danh Thọ Xương, mặt khác, vào nửa đầu thế kỷ 19 vua Thiệu Trị đã sáng tác bài thơ rất nổi tiếng là “Thiên Mụ chung thanh” (Tiếng chuông Thiên Mụ), vậy hà cớ gì Phạm Quỳnh phải dựa vào “Tiếng chuông Trấn Vũ” để tạo ra “Tiếng chuông Thiên Mụ”? Theo chúng tôi, câu Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương ra đời trước khi Phạm Quỳnh đến Huế vào năm 1918. Phạm Quỳnh chỉ là người đưa câu ca đó vào bút ký của mình mà thôi, bởi vì vào năm 1824 địa danh Thọ Xương đã được đổi thành Long Thọ Cương. Nếu không am hiểu chi tiết này, chắc chắn trong đoạn văn trên Phạm Quỳnh đã viết là Long Thọ Cương (hay Thọ Cương) – địa danh hiện tại năm 1918, chứ không thể là Thọ Xương – địa danh cũ cách năm Phạm Quỳnh đến Huế gần một thế kỷ (94 năm).
Chúng tôi cho rằng, khởi thủy chỉ có hai câu:
Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương (hoặc Thọ Cương).
Về sau người ta mới ghép thêm hai câu nữa:
Thuyền về xuôi mái dòng Hương,
Biết đâu tâm sự đôi đường đắng cay?
Nếu như thế thì câu ca Huế là độc lập, không dính dáng gì tới câu ca Hà Nội và thơ Dương Khuê. Trong quyển “Những điều nên biết” tác giả Nguyễn Văn Thái viết:
…“Không biết từ lúc nào, câu ca dao xứ Huế với “tiếng chuông Thiên Mụ” đã trở thành câu thơ miêu tả phong cảnh Hà Nội với “tiếng chuông Trấn Vũ”. Người ta cho rằng cụ Dương Khuê là người đầu tiên đã đưa “tiếng chuông Thiên Mụ” ra Hà Nội trong một bài thơ lục bát của cụ.”…
…Bài thơ “Hà Nội tức cảnh” của cụ Dương Khuê được sáng tác vào khoảng thập niên 1870, sau nhiều năm cụ sống tại Huế. Do đó ta có thể nói rằng câu ca dao trên đây đã thấm nhập vào trí óc cụ Dương Khuê. Vì thế, khi cụ trở ra miền bắc, gặp lúc thời thế nhiễu nhương, cụ làm bài thơ Hà Nội tức cảnh để gửi gấm nỗi lòng của mình. Hai dòng đầu của bài thơ, cụ đã mượn câu ca dao nói trên nhưng thay đổi địa danh cho hợp với phong cảnh của Hà Nội: Chùa Thiên Mụ đổi thành chùa Trấn Vũ. Rất may là Hà Nội cũng có địa danh Thọ Xương cho nên cụ không cần phải đổi địa danh này.
Có điều khác biệt là, Thọ Xương ở Hà Nội, ngày nay vẫn còn mang tên Thọ Xương; trong khi Thọ Xương ở Huế đã thay đổi tên nhiều lần theo dòng thời gian, từ Thọ Khương, đến Thọ Xương, đến Thọ Cương, và nay là Long Thọ”… [8]
Nếu quả thật nhà thơ Dương Khuê có nhiều năm sống tại Huế thì chúng tôi đồng tình với nhận định của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Thái, rất có khả năng Dương Khuê đã mượn ca dao Huế để sáng tác bài “Hà Nội tức cảnh”, sau đó bài thơ này được dân gian hóa, trở thành ca dao Hà Nội. Bằng chứng là ngoài hai câu đầu giống với ca dao Huế, ca dao Hà Nội còn có thêm hai câu cuối: “Mịt mù khói tỏa làn sương / Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ” rất giống với thơ Dương Khuê. Tuy nhiên, chúng tôi không tán thành chi tiết “Thọ Xương ở Hà Nội, ngày nay vẫn còn mang tên Thọ Xương” trong bài của Nguyễn Văn Thái. Xét về nghĩa của câu này thì không có gì sai, bởi vì hiện nay Hà Nội vẫn còn địa danh Thọ Xương, song, đó chỉ là tên một ngõ nhỏ thuộc phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm. Còn địa danh Thọ Xương thật sự, xuất hiện trong trong thơ Dương Khuê và ca dao Hà Nội đã không còn sử dụng từ năm 1888, sau khi vua Đồng Khánh ra đạo dụ nhượng hẳn Hà Nội cho người Pháp.
2. Canh gà Thọ Xương là gì?
Trong ca dao Việt Nam, ngoài những bài đang phân tích ở đây, còn có những câu ghi nhận chữ “canh gà”:
– Người đứng cối, kẻ giần sang
Nghe canh gà gáy phàn nàn chửa xong.
– Nếm muỗng đường om mùi thơm vị ngọt
Qua thương nhớ bậu thức trót canh gà.
Về địa danh “Thọ Xương” thì có:
– Trên chùa đã động tiếng chuông
Gà Thọ Xương đã gáy, chim trên nguồn đã kêu.
– Sở tại là những huyện nào
Thọ Xương, Vĩnh Thuận, phủ Hoài thống kiêm.
Riêng cụm từ “canh gà Thọ Xương” thì chỉ có trong ca dao Huế và Hà Nội đã được trích dẫn ở đầu bài viết này, chúng tôi chưa tìm thấy bài ca dao nào khác.
Xét những câu ca dao trên, chúng ta thấy canh gà gáy và thức trót canh gà là hai tổ hợp từ chỉ thời gian, tương ứng với canh gà Thọ Xương trong ca dao Huế và Hà Nội, không có tổ hợp nào cho thấy đó là món ăn. Một câu khác cho biết Thọ Xương là huyện, câu còn lại cho thấy Gà Thọ Xương đã gáy, cả hai câu đều nói về địa danh.
Xin chú ý chi tiết, câu Gió đưa cành trúc la đà trong ca dao Huế và Hà Nội đơn thuần chỉ là “đường dẫn bắt cầu” cho câu kế tiếp, cũng giống như những câu ca khác: Gió đưa bụi chuối sau hè, Gió đưa gió đẩy lá dừa, Gió đưa lau lách quanh bờ…Chúng không làm tiền đề chỉ thời gian. Chính câu thơ của Dương Khuê mới nêu bật được tính thời gian trong canh gà Thọ Xương, đó là câu Phất phơ ngọn trúc trăng tà. “Trăng tà” có nghĩa là mặt trăng đã chếch hẳn về một phía khi đêm sắp hết, bình minh sắp ló dạng. Vào thời điểm đó gà ở Thọ Xương bắt đầu gáy vang. Như người xưa từng nói “Đêm năm canh, ngày sáu khắc”. Nếu tính Nửa đêm giờ Tý canh ba (23 giờ đến 1 giờ sáng) thì canh tư sẽ là giờ Sửu (1 đến 3 giờ sáng), còn canh năm là giờ Dần (3 đến 5 giờ sáng). Như vậy, thời điểm trăng tà hay gà gáy là vào lúc canh năm.
Tóm lại, rất ít có khả năng Canh gà Thọ Xương là một món ăn. Điều này còn được chứng minh bằng bài “Hà Nội tứ cảnh” của Dương Khuê trong tập Vân Trì thi thảo. Theo TS Trịnh Khắc Mạnh, trong bài thơ đó chữ canh được viết là 更 (canh giờ), chứ không phải chữ canh 羹 (bát canh, món canh) [1]. Chúng tôi đồng thuận với nhận định này, bởi vì hai chữ Nôm mà TS Trịnh Khắc Mạnh dẫn chứng đều có nguồn gốc từ chữ Hán: canh 更 (thuộc bộ Viết曰), có nghĩa là “đơn vị thời gian dùng cho ban đêm”, giống như trong tác phẩm Thái Bình mại ca giả 太平賣歌者, thi hào Nguyễn Du đã viết “Đàn tận tâm lực cơ nhất canh” 殫盡心力幾一更 (Dốc hết tâm lực gần một canh). Chữ canh 更 còn dùng để chỉ trống canh như Tôn Quang Hiến 孫光憲 (thời vua Tống Thái Tổ (960-975), Trung Quốc) đã viết: “Thính hàn canh, văn viễn nhạn” 聽寒更, 聞遠雁 (Lắng nghe tiếng trống canh lạnh, nghe thấy tiếng chim nhạn xa).
Nếu nói một món ăn thì phải dùng chữ canh 羹 (thuộc bộ Dương 羊). Chữ này có nghĩa là “món canh, món ăn nước”, thí dụ điều canh 調羹 (nêm món canh cho vừa ăn).
Tuy nhiên, có một chi tiết cần chú ý, TS Trịnh Khắc Mạnh cho rằng canh gà Thọ Xương là tiếng gà gáy báo canh ở Thọ Xương. Đây là cách hiểu thông thường, bởi vì khi nghe tiếng gà gáy lúc rạng đông chúng ta nhận thức rằng thời điểm lúc đó là canh năm (3 đến 5 giờ sáng). Nhưng trên thực tế, gà gáy không phải để báo cho chúng ta biết đó là canh mấy, tất cả là do đồng hồ sinh học nội tại của chúng. Tiếng gà gáy là kết quả phản ứng nhịp sinh học trong cơ thể gà trống, gọi là Circadian rhythm trong tiếng Anh [9]. Rất có khả năng ánh sáng và nhiệt độ lúc rạng đông đã kích thích, tác động tới cơ thể buộc con gà cất tiếng gáy.
3. Những dị văn và dị bản
Chúng ta biết rằng ca dao là thể loại văn vần, thuộc dòng văn học dân gian truyền khẩu, do đó việc tam sao thất bản là điều không tránh khỏi, chắc chắn sẽ có những dị biệt trong các văn bản nào đó. Trong quá trình sưu tập ca dao, chúng ta chấp nhận mọi dị văn và dị bản, xem mỗi bản là một đặc trưng phản ánh tính chất vùng miền và những điều khác. Tuy nhiên, đối với thơ Dương Khuê thì cần hiệu đính nghiêm túc tác phẩm do chính ông sáng tác. Muốn làm được điều này, chúng ta cần phải so sánh, đối chiếu và phân tích các văn bản để đưa ra kết luận cụ thể.
Hà thành hay Hà Nội
Trên trang blog cá nhân, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Diện cho biết trong “Dương gia phả ký” (bản đánh máy chữ quốc ngữ, 122 trang), Dương Thiệu Cương lập vào cuối mùa hạ năm Quý Sửu (1973), Dã Lan Nguyễn Đức Dụ in ấn có bài thơ “Hà thành tức cảnh” của Dương Khuê – bài thứ hai trong trang 106 [10]. Nhưng trong quyển “Luận đề về Dương Khuê” (Nguyễn Duy Diễn, nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1960), bài thơ này được ghi tựa là “Hà Nội tức cảnh”. Theo chúng tôi, sách của Nguyễn Duy Diễn là công trình nghiên cứu về Dương Khuê có giá trị học thuật, đáng tin cậy, có lẽ vì thế nên TS Dương Thiệu Tống đã trích dẫn bài thơ của Dương Khuê trong sách của Nguyễn Duy Diễn với tựa đề là “Hà Nội tức cảnh”, không theo tựa “Hà thành tứ cảnh” trong Dương gia phả ký. TS. Dương Thiệu Tống đã cho đăng bài này trong sách của ông: “Tâm trạng Dương Khuê – Dương Lâm” (NXB Khoa học Xã hội, 2005).
Tứ hay tức
Như trên đã nói, bài thơ của Dương Khuê có tựa đề là “Hà Nội tứ cảnh”, nằm trong tập “Vân Trì thi thảo” [1], còn trong “Luận đề về Dương Khuê” (sđd), “Tâm Trạng Dương Khuê – Dương Lâm” (sđd) và Dương gia phả ký kể trên thì lại ghi nhận là “tức cảnh” chứ không phải “tứ cảnh”. Vậy tựa nào là chính xác như Dương Khuê đã viết?
Chúng ta biết rằng tập “Vân Trì thi thảo” của Viện Nghiên cứu Hán Nôm là bản viết thảo, chữ viết không dễ đọc, có thể do người khác chép lại chứ không phải là thủ bút của Dương Khuê (cần kiểm chứng điều này). Hai chữ “tứ” và “tức” trong thơ Dương Khuê là chữ Nôm nhưng được viết theo phép giả tá, nghĩa là mượn nguyên xi từ chữ Hán, do đó ta có thể giải thích ý nghĩa giống như chữ Hán. Tứ 四 (thuộc bộ Vi 囗) có nghĩa là “bốn”, giống như chữ tứ trong bài Thu chí 秋至 của Nguyễn Du : Tứ thì hảo cảnh vô đa nhật 四時好景無多日 (Cảnh đẹp bốn mùa chẳng được bao ngày); còn tức 即 (thuộc bộ Tiết卩) trong tức cảnh 即景 ở đây có nghĩa là sáng tác thơ do có cảm hứng với phong cảnh trước mắt, giống như tức cảnh thi 即景詩 (thơ tức cảnh).
Theo thiển ý của chúng tôi, tựa bài thơ của Dương Khuê nên hiệu đính là tức cảnh, không viết là tứ cảnh. Vì sao? Đồng ý rằng trong bài có bốn địa danh (Trấn Vũ, Thọ Xương, Yên Thái, Tây Hồ), nhưng nếu muốn đặc tả về cảnh đẹp, tại sao tác giả không chọn những cảnh đẹp tiêu biểu khác của Hà Nội mà lại chọn là Thọ Xương và Yên Thái – hai địa danh chưa phải là xuất sắc bậc nhất của Hà Nội? Chính vì thế, sử dụng “tức cảnh” sẽ dễ được người đọc chấp nhận hơn.
Phất phơ và gió đưa
Cách sử dụng từ phất phơ của Dương Khuê trong câu lục Phất phơ ngọc trúc trăng tà có thể xem là rất riêng, không trùng lặp với ca dao, bởi vì chúng ta không thấy những câu lục nào trong ca dao khởi đầu bằng từ này, chỉ thấy trong câu bát [11]:
– Cái cò lặn lội bờ ao / Phất phơ đôi dải yếm đào gió bay.
– Thân em như tấm lụa đào / Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.
– Đi đâu đường đất một mình / Phất phơ chéo áo giống hình phu quân.
– Thân em như chẽn lúa đòng đòng / Phất phơ dưới ngọn nắng hồng buổi mai.
Cách dân gian chuyển “phất phơ” thành “gió đưa” là hợp với lô gíc thông thường, bởi vì chúng ta thấy tổ hợp “gió đưa” xuất hiện khá nhiều trong ca dao Việt Nam, phù hợp với “phất phơ” trong câu lục của Dương Khuê:
– Gió đưa bụi chuối sau hè / Anh theo vợ bé bỏ bè con thơ.
– Gió đưa con buồn ngủ lên bờ / Mùng ai có rộng… cho tôi ngủ nhờ một đêm.
– Gió đưa gió đẩy lá dừa / Muốn ai thì muốn nhưng chừa em ra.
– Gió đưa lau lách quanh bờ / Thương nhau chẳng đặng đừng chờ uổng công.
Trấn Vũ hay Trấn Võ
Ngoài bản ghi “tiếng chuông Trấn Vũ” người ta còn thấy bản ghi “tiếng chuông Trấn Võ”. Trên thực tế, trong chữ Hán – Nôm, vũ 武 hay võ 武 tuy đọc theo âm Hán Việt là khác nhau nhưng viết đều giống nhau. Sở dĩ có sự khác biệt này là do người viết văn bản ca dao thuộc miền nào. Ghi theo cách đọc của người miền Bắc sẽ là Vũ, còn theo cách đọc của người miền Nam sẽ là Võ. Như vậy, bản chính xác nên viết là Trấn Vũ, bởi vì đây là ca dao Hà Nội.
Thọ Xương hay Thọ Cương
Trong ca dao Huế có bản ghi là “Thọ Xương”, bản ghi là “Thọ Cương”. Hai cách ghi này không có gì sai, bởi vì đây là hai địa danh có thật ở Huế và cùng chỉ một khu vực. Sự khác biệt đơn giản chỉ là thời gian. Địa danh Thọ Xương xuất hiện trong thời vua Gia Long (1802 – 1820), đến năm 1824 (thời Minh Mạng) địa danh này được đổi thành Long Thọ Cương. Do vần của ca dao qui định nên người ta viết gọn là Thọ Cương, chứ không ghi là Long Thọ Cương. Tuy trong quyển “Văn học dân gian Bình Trị Thiên” (1987), khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Huế ghi nhận là “Thọ Cương” (Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Cương), nhưng theo chúng tôi, viết “Thọ Xương” sẽ đầy đủ nghĩa hơn là “Thọ Cương”, vì không phải ai cũng biết Thọ Cương là chữ viết gọn của Long Thọ Cương, mặt khác, hiện nay địa danh này đã đổi thành Long Thọ.
Mịt mù hay mịt mùng
– Thơ Dương Khuê có hai dị bản, thể hiện qua câu: Mịt mù khói tỏa ngàn sương và Mịt mùng khói tỏa ngàn sương. Vậy viết đúng thì phải là “mịt mù” hay “mịt mùng”? Chúng tôi cho rằng viết mịt mùng sẽ diễn đạt hay hơn và chính xác hơn. Bởi vì mịt mù (giống như mù mịt) có nghĩa là “bị bao phủ dày đặc không nhìn thấy gì”; còn mịt mùng có nghĩa là “không gian bao la, mờ ảo”. Nếu tả cảnh thì khói tỏa ngàn sương trong cái không gian bao la, mờ ảo sẽ hay hơn nhiều so với không gian bị bao phủ dày đặc, không nhìn thấy gì cả.
Đây cũng là chi tiết cho thấy Dương Khuê không chịu ảnh hưởng bởi ca dao, bởi vỉ chúng tôi chưa tìm thấy câu ca dao nào có từ mịt mùng nằm ở đầu hoặc bất kỳ vị trí nào trong câu lục, còn mịt mù thì lại thấy xuất hiện mở đầu những câu lục:
– Mịt mù gió thổi cát bay / Một lời giao ngãi, ngàn ngày nhớ thương.
– Mịt mù khói tỏa màn sương / Không ai tin thấu tỏ tường dạ em.
Ngàn và làn
Thơ Dương Khuê có bản ghi là khói tỏa ngàn sương, nhưng bản khác lại viết là khói tỏa làn sương. Trước hết chúng ta phân tích chữ ngàn. Có ý kiến cho rằng “Ngàn” tương đương với “bờ”, chứ không phải “rừng” hay “một ngàn” [12]. Chúng tôi không nghĩ vậy. Đầu tiên, cần xác định rằng ngàn ở đây là chữ Nôm, chứ không phải chữ Hán. Chúng tôi chưa tìm thấy tài liệu nào cho biết “ngàn tương đương với bờ”, mặt khác, hai chữ Nôm 坡 và 坡 có nghĩa là bờ trong bờ ruộng, chẳng liên quan gì tới ngàn cả. Vậy, ngàn ở đây có khả năng là rừng hoặc là số đếm được không? Chúng ta biết rằng, ngàn là số đếm, thí dụ như trong “một ngàn, muôn ngàn”, còn ngàn 岸 là “rừng”, như trong “núi ngàn” (núi rừng). Cả hai chữ này đều có thể kết hợp với chữ sương 霜 (霜 hay 岸霜) để thể hiện nghĩa bóng là “có nhiều sương” (frost).
Về chữ làn, nếu tả cảnh mà sử dụng từ làn sương e rằng mỏng manh quá, không phù hợp với “mịt mù” hay “mịt mùng”. Chúng tôi cho rằng chữ ngàn sẽ chính xác hơn. Ngoài ra, cần lưu ý đến chữ màn trong câu ca dao dưới đây:
Mịt mù khói tỏa màn sương
Không ai tin thấu tỏ tường dạ em
Chữ màn 幔 cũng là chi tiết đáng chú ý để chúng ta đối chiếu, hiệu đính văn bản khi tìm thấy những bản Nôm khác về ca dao Hà Nội, Huế và thơ của Dương Khuê.
Dịp chày, tiếng chày hay nhịp chày
Bài “Hà thành tức cảnh” trong Dương gia phả ký (sđd) ghi là “Dịp chày” (Dịp chày An – Thái, mặt gương Tây – Hồ), bài “Hà Nội tức cảnh” trong quyển “Luận đề về Dương Khuê” (sđd) ghi là “Nhịp chày”, còn bài “Hà Nội tứ cảnh” trong tập Vân Trì thi thảo (sđd) lại ghi là “Tiếng chày”. Những dị văn này gây khó khăn trong quá trình hiệu đính thơ của Dương Khuê. Chúng ta thử đi tìm, phân tích xem chữ nào là chính xác nhất:
– Trong chữ Nôm, có những chữ được viết là “dịp” như , 堞, 擛, 蹀…; tất cả những chữ này đều xuất hiện trong cấu trúc “nhân dịp, dịp may”, không thể phù hợp với chữ “chày” có nghĩa là “cái chày”. Ngoài ra, “dịp” cũng không thể kết hợp với những chữ Nôm khác có nghĩa là “cái chày” hay “chày kình” (khúc gỗ hình cá voi để đánh chuông lớn), thí dụ chữ , hay 杵…. Như vậy, “dịp” là chữ viết sai, có thể do sự nhầm lẫn giữa phụ âm đầu d và nh của người ghi chép.
– Trong bài “Hà Nội tứ cảnh”, chữ “tiếng” xuất hiện trong câu thứ hai (tiếng chuông), nếu Dương Khuê sử dụng lặp lại chữ “tiếng” trong câu bốn (tiếng chày) thì hiệu quả nghệ thuật của bài thơ sẽ kém đi. Đây không phải là thủ pháp điệp từ để nâng cao giá trị nghệ thuật của Dương Khuê. Trong chữ Nôm, tiếng 㗂 có nghĩa là “tiếng kêu, tiếng nói”, từ này viết khác hẳn những chữ đọc là nhịp, thí dụ trong ăn nhịp, trong đánh nhịp, 喋 trong nhịp phách; vì thế khó có thể cho rằng người ghi chép nhìn chữ Nôm nhịp rồi viết nhầm sang chữ Quốc ngữ là tiếng. Đây là dị văn cần chú ý để hiệu đính thơ Dương Khuê.
Nếu tính về xác suất, chữ dịp chỉ xuất hiện trong bài “Hà thành tức cảnh”, còn chữ tiếng chỉ có trong “Hà Nội tứ cảnh”, riêng chữ “nhịp” thì không những nằm trong “Hà Nội tức cảnh” mà còn trong các dị bản của ca dao Hà Nội. Nói cách khác, chữ nhịp xuất hiện trong nhiều văn bản, do đó rất có khả năng đó là chữ chính xác nhất.
An Thái hay Yên Thái
Trong “Văn đàn bảo giám” Trần Trung Viên (1926 – Tản Đà đề tựa, Trần Tuấn Khải hiệu đính), bản thơ Dương Khuê có địa danh là “An Thái”, trong khi đó bài “Hà Nội tứ cảnh” trong Vân Trì thi thảo (sđd) và nhiều tài liệu khác lại ghi là “Yên Thái”. Vậy địa danh nào là chính xác?
Chúng ta biết rằng trong Hán – Nôm, An 安 và Yên 安 viết giống nhau nhưng đọc theo âm Hán Việt thì khác nhau. Hiện tượng này cũng giống như vũ 武 (Trấn Vũ) và võ 武 (Trấn Võ) trong những dị bản thơ của Dương Khuê. Đối với bài “Hà Nội tức cảnh” nên ghi là “Yên Thái”, bởi vì địa danh này xuất hiện trong rất nhiều sách: “Tìm hiểu văn hóa dân gian làng Yên Thái (Tây Hồ – Hà Nội)” của Lê Văn Kỳ (NXB Văn hóa Dân tộc, 2011), “Hà Nội những vấn đề ngôn ngữ văn hóa” của Hội Ngôn ngữ học Hà Nội (NXB Văn hóa Thông tin, 2001, tr.146), “Chân dung Thăng Long – Hà Nội” của Lý Khắc Cung (NXB Hà Nội, 2004, tr.14), “Hà Nội Thành phố nghìn năm” của Nguyễn Vinh Phúc (Hội hữu nghị Việt-Pháp TP Hà Nội, 2002, tr.71), “Hà Nội và Hà Nội” của Tô Hoài (NXB Hà Nội, 1996, tr.20)…
4. Kết luận:
– Về nguồn gốc những bài liên quan tới “canh gà Thọ Xương”, chúng tôi cho rằng ca dao Huế có trước, khởi thủy chỉ có hai câu: Gió đưa cành trúc la đà / Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương. Nhà thơ Dương Khuê đã mượn hai câu này để sáng tác bài “Hà Nội tức cảnh” (xem dẫn chứng ở đầu bài viết), sau đó “Hà Nội tức cảnh” được dân gian hóa để trở thành ca dao Hà Nội.
– Về dị văn và dị bản, chúng tôi đề nghị, cần hiệu đính bản nào được xem là chính xác nhất của thơ Dương Khuê và bản nào được xem là đặc sắc nhất trong ca dao Huế và Hà Nội liên quan tới “canh gà Thọ Xương” để thống nhất tài liệu; tránh trường hợp mỗi nơi in ấn và giải thích khác nhau, đặc biệt là trong sách giáo khoa và việc giảng dạy tại nhà trường.
Cuối cùng, hy vọng giới nghiên cứu sẽ tìm thấy những văn bản chữ Nôm khác về thơ và ca dao liên quan đến “canh gà Thọ Xương”, những văn bản thật sự thuyết phục để chấm dứt tình trạng tranh cãi về nguồn gốc, dị văn và dị bản như chúng tôi đã đề cập trong bài viết này.
Vương Trung Hiếu
………………….
Tài liệu tham khảo
1. Hà, Thu 2013., Sự thật về chữ “canh” trong “canh gà Thọ Xương” . Truy cập ngày 22 tháng 06 năm 2013, từ http://www.anninhthudo.vn/Xa-hoi/Su-that-ve-chu-canh-trong-canh-ga-Tho-Xuong/470123.antd
2. Wikipedia 2013. Thọ Xương. Truy cập ngày 22 tháng 06 năm 2013, từ http://vi.wikipedia.org/wiki/Th%E1%BB%8D_X%C6%B0%C6%A1ng
3. Wikipedia 2013. Hồ Tây. Truy cập ngày 22 tháng 06 năm 2013, từ http://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%93_T%C3%A2y
4. (hanoi.gov.vn) 2013. Lưu giữ những "mảnh hồn làng" của Hà Nội. Truy cập ngày 22 tháng 06 năm 2013, từ http://hanoi.vietnamplus.vn/Home/Luu-giu-nhung-manh-hon-lang-cua-Ha-Noi/201212/9733.vnplus
5. Wikipedia 2013. Chùa Thiên Mụ. Truy cập ngày 22 tháng 06 năm 2013, từ http://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%B9a_Thi%C3%AAn_M%E1%BB%A5#T.C3.AAn_g.E1.BB.8Di
6. Việt, Hoàng Xuân 2006. Bạch thư chữ Quốc ngữ. Hội văn hóa Việt, San Jose, CA, tr. 374-375.
7. Quỳnh, Phạm 2009. Mười ngày ở Huế. Truy cập ngày 22 tháng 06 năm 2013, từ http://phamquynh.wordpress.com/2009/02/19/tac-ph%E1%BA%A9m-m%C6%B0%E1%BB%9Di-ngay-%E1%BB%9F-hu%E1%BA%BF/
8. Thái, Nguyễn Văn 2010. Chùa Thiên Mụ hay chùa Trấn Vũ?. Truy cập ngày 23 tháng 06 năm 2013, từ http://www.thegioinguoiviet.net/showthread.php?t=2533
9. Wikipedia 2013. Circadian rhythm. Truy cập ngày 23 tháng 06 năm 2013, từ http://en.wikipedia.org/wiki/Circadian_rhythm
10. Diện, Nguyễn Xuân 2012. Đã tìm thấy câu thơ "Canh gà Thọ Xương" trong Dương gia phả ký. Truy cập ngày 23 tháng 06 năm 2013, từ http://vi.wikipedia.org/wiki/Th%E1%BB%8D_X%C6%B0%C6%A1ng
11. Hoài, Hà Phương 2013. Ca Dao Tục Ngữ Việt Nam. Truy cập ngày 22, 23 và 24 tháng 06 năm 2013, từ http://e-cadao.com/cadaodoor.htm
12. Ưu, Vô 2012. Sao vậy ca dao hóa thơ Dương Khuê?. Truy cập ngày 24 tháng 06 năm 2013, từ http://nhavantphcm.com.vn/doc-duong-van-hoc/sao-voi-ca-dao-hoa-tho-duong-khue.html
Đã có lúc người ta "ăn không ngồi rồi" dám phịa ra chuyện như thật:
Trả lờiXóa“Nguyên bản cuốn Vân Đình Dương KhuêThượng Thư Tiên Sinh Thi Tập hiện đang lưu trữ tại thư Viện nghiên cứu Hán Nôm. Sách này có chép bài thơ mang tên Tối ức Thọ Xương thang (Nhớ nhất canh Thọ Xương) của Dương Khuê”
Nguyên văn viết:
裊裊搖風竹,
蒼蒼鎮武鐘,
壽昌多故舊,
同買燉雞湯。
煙鎖西湖水,
杵驚安泰鄉,
河城斯美景,
最耐客思量
“Niểu niểu dao phong trúc,
thương thương Trấn Vũ chung,
Thọ Xương đa cố cựu,
đồng mãi đốn kê thang.
Yên tỏa Tây Hồ thủy,
chử kinh Yên Thái hương,
Hà thành tư mỹ cảnh,
tối nại khách tư lương.”
Dịch nghĩa nôm na:
Gió lay trúc phất phơ, chuông Trấn Vũ xa thẳm, quán Thọ Xương nhiều ông bạn cũ, ĐỀU ĐẾN MUA CANH GÀ HẦM. Khói sương vây bủa mặt nước hồ Tây, nhịp chày kinh động làng Yên Thái, cảnh đẹp này của Hà Thành, khiến khách nhớ nhung nhất.
Phía dưới có một dòng chữ nhỏ, chú rằng “sau khi bài này làm ra, sĩ phu tranh nhau ngâm tụng. Bà Thọ chủ quán Thọ Xương mắng tiếng, đích thân đến nhà ta xin chữ, song lại cầu ta diễn ra quốc âm ngõ hầu hiểu được trọn nghĩa.
Ta liền bỏ hai câu cuối mà diễn lại rằng:
“Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mùng khói tỏa ngàn sương
Dịp chày Yên Thái mặt gương Tây hồ.”
DƯƠNG KHUÊ
https://hieuminh.org/.../canh-ga-tho-xuong-dung-la-canh-ga/
Nhiều người xôn xao – kể cả các học giả, các nhà trí thức – bởi bấy lâu chữ “canh gà” vẫn được hiểu là tiếng gà báo sang canh… vậy mà nay hóa ra không phải – Canh gà lại là canh thịt gà ư ?! Nếu vậy thì việc cô giáo chấm bài văn, cho điểm 8 chưa hẳn là sai.
Trả lờiXóaBài của Hocmon có nét đáng ngờ trước hết do lai lịch tác giả không rõ: Hocmon chắc chắn không phải tên thật… và nếu cho là bút hiệu thì cũng không phải… vì xa lạ quá, chưa thấy xuất hiện ở trên tập san, báo chí nào, cũng chưa được trang mạng nào giới thiệu, ngôn ngữ lại có phần bỡn cợt… vậy mà nội dung lại có vẻ xác đáng bởi có kèm cả bài thơ chữ Hán, câu chữ khá chuẩn lại chỉ được đích danh cuốn Vân Đình Dương Khuê Thượng Thư Tiên Sinh, nêu đúng cả số trang, khổ sách và cả kí hiệu A.2185 trong thư viện Viện Hán Nôm nữa… khiến mọi người băn khoăn không ít.
Các nhà nghiên cứu thấy có trách nhiệm trước vấn đề. Để làm sáng tỏ, trước hết Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, PGS.TS. Trịnh Khắc Mạnh đã tìm ở sách Vân Đình Dương Khuê Thượng Thư tiên sinh ở Viện mà không thấy có bài thơ nào như trên. TS. Mạnh tìm thêm bài thơ chữ Nôm của Dương Khuê được nói đến thì thấy có bài Hà Nội tức cảnh trong sách Vân Trì Thi Thảo (ký hiệu VHv. 2482, Viện Nghiên cứu Hán Nôm). Bài thơ có 4 câu: “Phất phơ ngọn trúc trăng tà/ Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương/ Mịt mù khói tỏa ngàn sương/ Tiếng chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ”… Đáng lưu ý là chữ “canh” ở đây được viết là 更chứ không phải là 羹 (bát canh, món canh) như blog Hiệu Minh đã nêu. Chữ 更 trong văn cảnh của bài thơ phải hiểu là canh giờ(2), “canh gà Thọ Xương” là tiếng gà gáy báo canh ở Thọ Xương.
Một ý kiến khác của Giảng viên Nguyễn Hùng Vỹ tại Đại học KHXH&NV Hà Nội khi trả lời phỏng vấn về câu chuyện trên: “Theo như nguồn dẫn sách Vân Đình Dương Khuê Thượng Thư Tiên Sinh (144 tr., 27×15. Ký hiệu: A.2185, Thư viện Viện Hán Nôm) thì không có bài thơ nào mang tên “Tối ức Thọ Xương thang” cả. Theo tôi, đây chỉ là một sản phẩm của “trí tưởng tượng” mà thôi, không có trong cuốn sách cổ nào hết. Đối với anh em trẻ thạo Hán Nôm thì từ cái tứ của Dương Khuê, bịa ra một bài chữ Hán na ná là không khó khăn gì …”(3)
Vậy là không có bài thơ nào gọi là Tối ức Thọ Xương Thang, cũng chẳng có bài thơ nôm nào của Dương Khuê lại viết chữ CANH là 羹. Đúng là chuyện bịa như thật và ai đó phải là người thông thuộc kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm thì mới biết rõ từng chi tiết sách Vân Đình Dương Khuê Thượng Thư tiên sinh được lưu trữ – đồng thời cũng phải là người giỏi Hán Nôm mới bịa ra được chứng cứ như thật.
Quả là chuyện oái oăm trong làng Văn chương Việt.
https://khoahocnet.com/2018/06/26/nguyen-cam-xuyen-canh-ga-tho-xuong-chuyen-bia-nhu-that/