Tác giả Đỗ Chiêu Đức
PHIẾM LUẬN “THỔ LÀ ĐẤT”
Đỗ Chiêu Đức
THỔ 土 là ĐẤT, đất là ĐỊA 地, trong chữ Địa có Bộ Thổ, nên Địa cũng là Đất. Ta có từ kép Thổ Địa 土地 là Đất Đai. Thổ cũng thuộc một trong 214 bộ của CHỮ NHO... DỄ HỌC, theo diễn tiến của chữ viết như sau :
Ta thấy :
Từ Giáp Cốt Văn cho đến Đại Triện đều là hình tượng của một mô đất trên mặt đất, nên Thổ vừa là chữ Tượng Hình vừa là chữ Chỉ Sự, chỉ một đống đất trên mặt đất, đến Tiểu Triện thì các nét mới được kéo thẳng ra thành biểu tượng của chữ viết, cho đến Chữ Lệ thì mới hoàn chỉnh như chữ viết hiện nay THỔ 土 là ĐẤT.
Có tất cả 463 chữ được ghép bởi bộ Thổ nầy để chỉ những gì có liên quan đến Thổ là Đất. Ta có các từ về Thổ là Đất rất lý thú và cũng không kém phần rắc rối như sau :
- Thổ Địa 土地 : là Đất Đai, chỉ tất cả các loại đất trên đời nầy.
- Thổ Nhưỡng 土壤 : cũng là Đất Đai, chỉ tất cả các loại đất dùng để trồng trọt.
- Thổ Cư 土居 : chỉ tất cả các loại đất dùng để ở.
- Thổ Canh 土耕 : là tất cả các loại Đất dùng để canh tác, làm ruộng.
- Thổ Trạch 土宅 : là tất cả các loại Đất dùng để cất nhà ở, biệt thự.
- Thổ Mộ 土墓 : là tất cả các loại Đất dùng để chôn cất người trong gia tộc, còn gọi là Đất Hương Hỏa, là đất dùng để lo nhang đèn hương khói cho người thân đã chết.
Theo Tử Vi đẩu số ta còn có 6 loại đất sau đây :
* Lộ Bàng Thổ 路旁土 : Đất bên đường.
* Thành Đầu Thổ 城頭土 : Đất đầu thành.
* Ốc Thượng Thổ 屋上土 : Đất trên mái nhà.
* Bích Thượng Thổ 壁上土 : Đất trên vách.
* Đại Trạch Thổ 大澤 土 : Đất trong đầm lầy lớn.
* Sa Trung Thổ 沙中土 : Đất trong cát.
và...
Mặc dù Mộc khắc Thổ, cây cối mọc lên hút hết chất bổ của đất làm cho đất trở nên cằn cỗi, và cây gỗ để ở dưới đất lâu ngày sẽ bị đất làm cho mục nát hết. Cái nầy kêu bằng tương khắc với nhau, nhưng...
Lộ Bàng Thổ (đất ven đường), Đại Trạch Thổ (Đất trong đầm lầy lớn) và Sa Trung Thổ (Đất pha cát) không sợ Mộc, vì cây không sống giữa đường cái quan hay trên bãi cát, đầm lầy. Cả ba hành Thổ này nếu gặp Mộc không khắc dù Mộc khắc Thổ, trái lại còn có đường công danh, tài lộc thăng tiến không ngừng.
Thành Đầu Thổ (Đất đầu thành), Bích Thượng Thổ (Đất trên vách) và Ốc Thượng Thổ (Đất mái nhà) đều sợ Mộc, nhất là Tang Đố Mộc, Thạch Lựu Mộc, như thân tự chôn xuống mộ. Ba hành Thổ này tuy không sợ Bình Địa Mộc, Đại Lâm Mộc, Tùng Bách Mộc nhưng không bền vững vì hình kỵ.
Thổ là Đất, giá trị của đất tăng theo tỉ lệ thuận với số lượng của đất, chưa có một vật chất nào có giá trị từ số không, rồi sau đó cứ tăng dần đến vô tận như đất cả ! Hốt một nắm đất cho không, không ai thèm lấy cả, mặc dù họ không có đất để cắm dùi, nhưng nếu cho một vuông đất để che chòi ở, để cất nhà, thì không ai nỡ... từ chối cả ! Và cứ thế tăng dần, một công đất để trồng rẫy, một mẫu đất để cày ruộng... cho đến một xã, một làng, một huyện, một tỉnh, một nước... giá trị của đất cứ tăng mãi đến vô cực là... Trái Đất, là cả Quả Địa Cầu nầy !
Ông bà ta nói:
Tiền tài như phân thổ, 錢財如糞土,
Nhân nghĩa trị thiên kim. 仁義值千金。
Có nghĩa :
Tiền của tài sản như phân như đất,
Nhân nghĩa mới đáng giá ngàn vàng.
là ý ông bà muốn đề cao nhân nghĩa mà xem nhẹ tiền tài, tiền tài chỉ như phân như đất mà thôi, cũng như lời cô Kiều đã nói với Kim Trọng khi biết Kim đã nhặt được chiếc kim thoa của mình:
Chiếc thoa là của mấy mươi,
Mà lòng trượng nghĩa khinh tài xiết bao !
Nhưng người đời thường xem trọng kim tiền hơn nhơn nghĩa, nên câu nói trên còn được sửa lại một cách mĩa mai như sau:
Tiền tài như... ông tiên tổ,
Nhơn nghĩa tợ... cục cứt khô !
Ông bà ta lại dạy rằng : "Tấc đất là tấc vàng" để con cháu biết quý trọng cái cục đất mà ta đang sở hữu, nếu biết sử dụng đất một cách thích đáng, biết bỏ công sức lao động canh tác trồng trọt, thì "tấc đất sẽ cho một tấc vàng" như chơi mà thôi !
Nhớ khi xưa cái miếu Thổ Địa ở đầu làng quê tôi có đôi câu đối như sau:
THỔ năng sanh bạch ngọc, 土能生白玉,
ĐỊA khả xuất hoàng kim. 地可出黃金。
Có nghĩa :
Đất có thể sanh ra ngọc trắng, và
Đất cũng có thể cho ra vàng ròng !
Hạt ngọc trắng ở đây chính là hạt gạo trắng ngần đã nuôi sống chúng ta hàng ngày, còn vàng ròng sẽ có được nếu chúng ta chịu cày sâu cuốc bẫm. Đất chẳng những cho ta chỗ ở, cho ta việc làm, còn cho ta cái ăn cái mặc nữa, nên ông bà ta rất coi trọng đất và luôn quan niệm rằng : "Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá". Thổ Công là ông thần đất, còn được gọi là Thổ Thần, nên khắp cả các thôn làng, nơi nào cũng có Thổ Công của nơi đó, và ông thần đất nầy cũng luôn luôn được cúng tế đầy đủ ở bất cứ lễ lạc nào. Trong Truyện Kiều tả lúc Bạc Hạnh thành thân với cô Kiều, cụ Nguyễn Du cũng đã viết :
Bạc sinh qùy xuống vội vàng,
Quá lời nguyện hết Thành Hoàng Thổ Công.
Câu đối thường thấy nhất của các miếu Thổ Thần ở vùng Nam Kỳ Lục Tỉnh quê tôi là
土旺人從旺, Thổ vượng nhân tòng vượng,
神安宅自安。 Thần an trạch tự an.
Có nghĩa :
Đất có vượng thì người cũng sẽ vượng theo, và...
Thần có được yên ổn, thì nhà cũng sẽ tự nhiên được yên ổn mà thôi !
Thổ ngoài nghĩa là Đất ra, còn có nghĩa là : Cái gì đó thuộc về bản xứ, bản địa. Ta quen miệng gọi là đồ lô-can (local). Bây giờ thì Thổ được sử dụng như là một Hình Dung Từ (Tính Từ), như:
- Thổ Dân 土民 : Dân cố hữu của một địa phương hay của một vùng nào đó. Ví dụ : Thổ Dân của Châu Mỹ là những Bộ tộc mọi Da Đỏ chẳng hạn...
- Thổ Sản 土產 : là Đặc sản riêng của một vùng nào đó , Như Thổ Sản của Lái Thiêu là Sầu Riêng chẳng hạn...
- Thổ Cẩm 土錦 : là Gấm được dệt ở địa phương, là Gấm nội hóa.
- Thổ Âm 土音 : là Tiếng nói và Âm sắc riêng của địa phương nào đó. Như Giọng Bắc, Giọng Huế, Giọng Nam của ta vậy...
- Thổ Hào 土豪 : là Cường hào ác bá ở địa phương.
- Thổ Phỉ 土匪 : là các phe nhóm băng đảng cướp bóc ở địa phương.
- Thổ Công 土公 : là Ông Thần Đất của địa phương nào đó như ta đã nói ở trên...
- Thổ Quan 土官 : là Ông quan ở địa phương, như Trưởng thôn, Trưởng Làng, hay cao hơn là Tri Châu, Tri Huyện... Như trong Truyện Kiều, Hồ Tôn Hiến sau khi ngủ với cô Kiều một đêm rồi sợ mang tiếng "Quan trên ngó xuống người ta trông vào", nên sáng ngày mới ép nàng lấy Thổ Quan :
Lệnh quan ai dám cãi lời,
Ép tình mới gán cho người Thổ Quan.
Thổ còn là cái Phong Thổ 風土, là phong thủy thổ nhưỡng, phong tục tập quán, là nếp sống của một địa phương nào đó, mà người ta thường gọi là Phong Thổ Nhân Tình 風土人情, Đi đến đâu, ta cũng phải tìm hiểu cái phong thổ nhân tình của nơi đó để dễ dàng hòa nhập vào nếp sống của địa phương đó.
Ngoài Phong Thổ, ta còn có Thủy Thổ 水土, là Nước và Đất của một nơi nào đó kể cả khí hậu thời tiết nắng mưa của nơi đó luôn. Nếu không hợp với Thủy Thổ của nơi đó sẽ làm cho con người sanh ra bệnh hoạn, súc vật thì gầy còm, cây cỏ thì èo ọt... như câu chuyện ứng đối lý thú của Tướng quốc nước Tề với vua nước Sở thời Xuân Thu Chiến Quốc như sau :
Yến Anh 晏嬰, còn được gọi là Án Anh, người đời sau tôn trọng ông, nên còn gọi là Án Tử, ông sinh năm 578 TCN ở Sơn Đông, mất năm 501 TCN ở Truy Bác, tự Bình Trọng là một nhân vật lịch sử nổi tiếng, sống và làm quan ở hai triều vua Tề Trang Công và Tề Cảnh Công thời Xuân Thu Chiến Quốc. Ông có dáng thấp nhỏ như đứa bé, nhưng có trí tuệ thông minh và là một vị quan có tài ứng đối giỏi của nước Tề.
Một lần Án Tử vâng lệnh vua Tề đi sứ sang nước Sở. Vua Sở định làm nhục để thử tài của Án Tử, nên sau khi ban rượu, thì cho lính dẫn một người bị trói đi ngang qua.
Vua Sở mới hỏi là người đó phạm tội gì ? Lính đáp, đó là một người ở nước Tề, phạm tội ăn trộm ngựa. Vua Sở bèn cười mà quay sang hỏi Án Tử là :
"Người nước Tề hay ăn trộm lắm hay sao ?"
Án Tử mới đứng dậy chắp tay thưa rằng :
"Thần nghe nói, cây quít trồng ở phương bắc thì cho trái to và ngọt, nhưng khi đem trồng ở phương nam thì lại cho trái nhỏ và chua, là bởi vì đâu ? Đó là đều do Thủy Thổ mà ra cả ! Nay người nước Tề ở nước Tề thì không trộm cắp, sang qua ở nước Sở lại sinh ra trộm cắp, thần nghĩ chắc cũng do cái Thuỷ Thổ bất đồng mà sinh ra như thế chăng ?! "
Vua Sở cười rằng :
"Ta vì muốn nói chơi mà bị nhục ! ".
Thế mới biết kẻ cả không nên nói chơi bao giờ !
Thổ là Đất, mà đất còn là quê hương đất nước. Cố Thổ 故土 là Cố Hương 故鄉, là quê cũ, quê xưa, quê nhà , là Cố Quốc 故國, là nơi chôn nhau cắt rốn, là nơi mà ta được sinh ra và lớn lên, như trong bài Độ Long Vĩ Giang 渡龍尾江 của cụ Nguyễn Du :
故國回頭淚, Cố quốc hồi đầu lệ,
西風一路塵。 Tây phong nhất lộ trần.
Có nghĩa :
Ngoảnh đầu quê cũ lệ rơi,
Dọc đường cát bụi tơi bời gió tây.
Ngoảnh đầu trông lại quê hương mà khôn ngăn hai hàng lệ nhỏ. Lại thêm gió tây thổi suốt dọc đường gió bụi. Vừa qua khỏi sông Long Vĩ thì thân ta đã là người tha hương rồi... Trong Truyện Kiều, tả lúc Hoạn Thư bắt Kiều về làm nô tì, nguyễn Du đã viết:
Lâm truy chút nghĩa đèo bòng,
Nước non để chữ tương phùng kiếp sau.
Bốn phương mây trắng một màu,
Trông vời Cố Quốc biết đâu là nhà.
... và như lời than của một cung nhân đời Đường qua lời thơ của Trương Hỗ 張祜 là :
Cố quốc tam thiên lý, 故國三千里,
Thâm cung nhị thập niên. 深宮二十年.
Có nghĩa :
Quê cũ ba ngàn dặm,
Thâm cung hai mươi năm !
Cách xa quê hương ba ngàn dặm và bị nhốt trong cung hai mươi năm thì còn gì là tuổi xuân nữa ! Trông người lại ngẫm đến ta, chúng ta đã lưu vong ở Mỹ trên bốn mươi năm và cách xa quê hương trên hai mươi ngàn dặm, chỉ còn đợi gởi nắm xương tàn nơi "Ngoại Thổ 外土" mà thôi !
Theo Ngũ hành Sinh khắc thì Thổ khắc Thủy, có nghĩa là Đất khắc chế được Nước. Nói theo binh pháp ngày xưa là Binh đến thì Tướng ngăn, Nước đến thì Đất ngăn như cụ Đào Duy Từ đã khuyên Chúa Sãi không nhận sắc phong của vua Lê do Chúa Trịnh áp đặt, với diễn tiến câu chuyện như sau :
Năm 1627, chúa Trịnh Tráng muốn lấn vào Nam bèn sai Nguyễn Khắc Minh đi sứ, mang tiếng là phong tước cho chúa Nguyễn nhưng đồng thời cũng để dò xét tình hình đàng trong. Lúc bấy giờ Đào Duy Từ là Tham Tán bèn khuyên chúa Nguyễn che giấu lực lượng và tạm nhận phong để hòa hoãn với chúa Trịnh. Chúa Trịnh cũng đồng thời đòi chúa Nguyễn cho con ra Bắc chầu, nộp 30 voi đực và 30 chiến thuyền để đi cống nhà Minh bên Trung Quốc, Duy Từ khuyên là không thực hiện rồi bày kế cho chúa Nguyễn đắp lũy Trường Dục để phòng thủ, với ý là Binh đến thì Tướng ngăn, Nước đến thì Đất ngăn . Chúa Nguyễn nghe theo và thực hiện ngay.
Về việc sắc phong, vào năm 1630 Duy Từ cho người làm một cái mâm đồng hai đáy bên trong đựng sắc của chúa Trịnh, trên phủ lụa vàng rồi sai Trần Văn Khuông đi sứ. Trần Văn Khuông theo lời Duy Từ dặn dò, đối đáp, dâng mâm cho chúa Trịnh, rồi kiếm cớ trốn về. Chúa Trịnh thấy sứ đoàn vội vã đi về, sinh nghi, bèn cho lục mâm đồng thì thấy tờ sắc của mình trước đó còn có kèm theo một bài thơ như sau :
Mâu nhi vô dịch, 矛而無剔,
Mịch phi kiến tích. 覔非見迹.
Ái lạc tâm trường, 愛落心腸,
Lực lai tương địch! 力來相敵 !
Có nghĩa :
Cây mâu mà không đâm, không khều.
Tìm mãi mà không thấy tung tích gì cả.
Thương đến nỗi rớt cả lòng dạ ruột gan.
Nếu dùng sức mạnh đến đây, thì sẽ đối địch với nhau mà thôi!
Cả triều không ai hiểu là ý muốn nói gì ?!. Giai thoại kể rằng :
Chúa Trịnh cho mời Phùng Khắc Khoan (1528 -1613, trong khi sự kiện này xảy ra năm 1630 nên không chính xác) đến hỏi thì mới vỡ lẽ, trong chữ Hán cổ, chữ MÂU 矛 viết không có dấu phết thì thành chữ DƯ 予, nghĩa là ta; Chữ MỊCH 覔 mà bỏ chữ KIẾN 見 chỉ còn lại chữ BẤT 不 nghĩa là không. Chữ ÁI 愛 nếu viết thiếu chữ TÂM 心 thì ra chữ THỤ 受 nghĩa là nhận. Chữ LỰC 力 ghép với chữ LAI 來 sẽ thành chữ SẮC 勑 là sắc phong.
Ghép 4 chữ của bốn câu trên lại ta có câu :
Dư Bất Thụ Sắc 予 不 受 勑 (Có nghĩa là : Ta không nhận sắc phong). Chúa Trịnh hiểu ý là Chúa Nguyễn trả lại sắc phong, nổi giận, cho người đuổi theo sứ đoàn của Chúa Nguyễn, thì cả sứ đoàn của Trần Văn Khuông đã đi xa rồi !
Chuá Trịnh cả giận cử binh hỏi tội, nhưng đụng phải lũy Trường Dục của Đào Duy Từ, nên bị Chúa Nguyễn đánh cho thua chạy tơi bời !
Đào Duy Từ được tiếng là nhà chính trị quân sự, vừa là thầy giáo, vừa là bậc khai quốc công thần lớn nhất của 9 đời Chúa Nguyễn và 13 đời vua nhà Nguyễn, trong khi Gia Cát Lượng chỉ phò trợ có 2 đời Thục Hán mà thôi !
Thổ là Đất, mà Đất còn là Nước, ta có từ kép Đất Nước để chỉ Lãnh thổ 領土 của một quốc gia, còn được gọi là Quốc Thổ 國土, Cương Thổ 疆土 là phần đất ở sát biên cương với nước láng giềng mà ta có được, nói theo lịch sử của thời phong kiến, thì đó là Hoàng Triều Cương Thổ 皇朝疆土 là đất của vua , đất của triều đình. Hoàng Triều Cương Thổ lớn nhất, mở mang nhất nước ta là dưới thời vua Minh Mạng, tiêu diệt và đồng hóa Chàm (Champa), lấn chiếm Chân Lạp (Campuchia), sát nhập đất Phù Nam (Hà Tiên, Rạch Giá, Cà Mau) để có được bản đồ hình cong chữ S như hiện nay. Nên, không có Đất là không có Nước, dân không có đất là dân vong quốc, chính quyền không có đất là chính quyền lưu vong, sẽ không làm nên trò trống gì cả ! Từ đó cho thấy ĐẤT quan trọng biết chừng nào ! Nhưng, nếu chính quyền lưu vong mà lập quốc được như dân Do Thái, thì chữ Nho gọi là "Quyển thổ trùng lai 卷土重來" Có nghĩa là : Cuốn đất mà trở lại, theo như ý của bài thơ thất ngôn tứ tuyệt "Đề Ô Giang Đình 題烏江亭" của Đỗ Mục khi đến bến Ô Giang nơi mà Hạng Võ Sở Bá Vương đã tự sát :
勝敗兵家事不期, Thắng bại binh gia sự bất kỳ
包羞忍恥是男兒. Bao tu nhẫn sĩ thị nam nhi
江東子弟多才俊, Giang Đông tử đệ đa tài tuấn
捲土重來未可知。 Quyển thổ trùng lai vị khả tri !
Có nghĩa :
Thắng bại chuyện binh ai biết trước,
Làm trai nhịn nhục cứ dửng dưng.
Giang Đông tuấn kiệt còn đầy rẫy,
Cuốn đất làm nên chửa biết chừng !
Ý của Đỗ Mục là : Nếu như Hạng Võ cố chịu nhục mà về Giang Đông chiêu mộ thêm anh tài còn đầy rẫy nơi đó mà phất cờ đánh lại Lưu Bang, thì chưa biết chừng đã làm nên cơ nghiệp lớn ! Cũng như Nhà nước Israel hiện đại đã được hoàn thành năm 1948 sau hơn 60 năm nỗ lực của các nhà lãnh đạo phái Zion (Chủ nghĩa lập quốc Do Thái) nhằm thiết lập chủ quyền và quyền tự quyết trên một Tổ quốc Quốc gia Do Thái vậy.
Thổ là Đất, Nhất Phầu Hoàng Thổ 一抔黃土 là Một nấm đất vàng, thường dùng để chỉ một nấm mộ, nhất là những nấm mộ hoang như của Đạm Tiên :
Xè xè nấm đất bên đường,
Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh.
Còn sống thì phong lưu tiêu xài, hương trời sắc nước, nguyệt thẹn hoa nhường hay sự nghiệp lẫy lừng, danh vang bốn bể, anh hùng cái thế ... Nhưng khi chết đi rồi thì tất cả cũng đều vùi chôn dưới một nấm đất vàng ô trọc mà thôi ! Nên chi, Tào Tuyết Cần mới cho người đẹp u sầu muôn thuở Lâm Đại Ngọc chôn xác hoa rơi với "Nhất Phầu Tịnh Thổ 一抔淨土" là một nấm đất tinh khiết không ô nhiễm bụi trần :
Người đẹp Lâm Đại Ngọc 林黛玉 trong Hồng Lâu Mộng 紅樓夢 của Tào Tuyết Cần 曹雪芹, là người đẹp đa sầu đa cảm đa tài, rất giỏi về văn thơ đã thương khóc cho những cánh hoa rơi như thương cho thân phận của chính mình, rồi chôn hoa, rồi ngâm thơ điếu hoa hẳn hoi với bài TÁNG HOA NGÂM 葬花吟 với những lời thơ thật đẹp như sau :
願儂此日生雙翼﹐ Nguyện nông thử nhật sanh song dực
隨花飛到天盡頭 Tùy hoa phi đáo thiên tận đầu.
天盡頭!何處有香丘 Thiên tận đầu! Hà xứ hữu hương khâu?
未若錦囊收艷骨 Vị nhược cẩm nang thu diễm cốt,
一抔淨土掩風流﹐ Nhất phầu tịnh thổ yễm phong lưu!...
Có nghĩa :
Ước gì hôm nay ta chắp được đôi cánh, để cùng với các cánh hoa rơi bay đến tận cuối chân trời. Ở nơi cuối chân trời kia, không biết là nơi đâu có mồ hoa thơm đẹp. Ta chưa kịp may túi gấm để thâu táng thân xác đẹp đẽ của hoa, thôi thì đành mượn một nắm tịnh thổ để vùi chôn một kiếp phong lưu diễm lệ !...
Lục bát :
...Theo hoa bay đến cuối trời,
Chắp đôi cánh đẹp rạng ngời như hoa.
Cuối trời xa, cuối trời xa !...
Tìm hương mộ đẹp la đà xác thơm
Chưa may túi gấm chiều hôm,
Vùi nông một nắm tủi hờn phong lưu !...
Người xưa để lại một câu nói ý vị sâu xa để khuyên răn người đời là :
Đản tồn phương thốn thổ, 但存方寸土,
Lưu dữ tử tôn canh. 留與子孫耕。
Có nghĩa :
Làm sao cũng phải chừa lại một tấc đất nào đó, để cho con cháu sau nầy có đất mà canh tác.
Một tấc Ta ngày xưa chưa bằng được ba phân Tây bây giờ, thế thì một tấc đất làm sao mà canh tác ?! À, thì ra câu nói còn có "ý tại ngôn ngoại". Đất là một thực thể chứng minh cho sự sở hữu ngày xưa, ai chiếm hữu đất nhiều thì người đó sẽ giàu có, sẽ là chủ đất đầy quyền uy. Nên đất được mượn để chỉ mọi vật chất qúy giá và khi dùng rộng ra thì chỉ cả những giá trị tinh thần nữa. Như câu "Quảng chủng phước điền 廣種福田" có nghĩa : Trồng cho rộng ra mảnh ruộng phước đức. Ruộng Phước đức không phải là mảnh ruộng có thật, mà là muốn khuyên ta nên làm nhiều chuyện phước để "để đức" lại cho con cháu. Nên câu nói "Đản tồn phương thốn thổ, lưu dữ tử tôn canh" có ý khuyên ta :
- Làm việc gì đó, đừng qúa cạn tàu ráo máng, đừng qúa tuyệt tình, hãy chừa một chút gì đó để lại cho con cháu về sau. Như đừng qúa cậy thế hiếp người, đừng ví người khác vào bước đường cùng, hãy chừa cho người ta một con đường sống, biết đâu sau nầy cũng vì thế mà con cháu ta cũng được người khác niệm tình mà tha cho con đường sống như thế.
- Đừng sử dụng hết những uy tín, tín dụng mà mình có được, phải biết chừa lại cho con cháu. Ví dụ như : Ta dùng uy tín và sự tín dụng của mình để lừa hết người nầy đến người khác để thủ lợi, thì con cháu sau nầy sẽ bị mang tiếng là "Con cháu của tên lừa đảo", chẳng những mọi người không chịu kết giao giúp đỡ, mà còn không tin tưởng để giao phó công việc nữa. Con cháu sẽ không còn "chút đất nào để cày bừa" nữa cả !
Nói theo trào lưu trước mắt là :
- Phải biết yêu qúi và bảo vệ môi trường sống trước mắt, đừng quá phung phí không khí trong lành mà phải biết tiết chế để chừa lại phần nào môi trường và không khí trong sạch cho con cháu sau nầy !
Nói theo bình dân mà ông bà ta thường nhắn nhủ : "Làm việc gì đó phải cho có hậu". Đừng làm việc đoản hậu, mà phải biết chừa cái hậu cho con cháu sau nầy. Đó là tất cả những gì mà cổ nhân đã gói ghém trong câu : "Đản tồn phương thốn thổ, lưu dữ tử tôn canh" là thế !
Bà con vùng đồng bằng sông Cửu Long thường hay nói chơi với nhau rằng : "Làm cho lắm tắm cũng ở truồng !". Ý muốn nói dù cho thị phi thành bại gì hễ nhắm mắt buông xuôi thì đều "Nhập thổ vi an 入土為安" mà không thể mang theo thứ gì cả, như "tắm" thì làm sao mà "mặc đồ" cho được ! Bôn ba vất vả một đời, cuối cùng thì cũng đành chịu vùi sâu dưới ba tấc đất. Con người sống nhờ đất, chết lại về với đất, và cứ thế mà luân hồi mãi như Nguyễn Gia Thiều đã nói trong Cung Oán Ngâm Khúc:
Tuồng ảo hóa đã bày ra đấy,
Kiếp phù sinh trông thấy mà đau.
Trăm năm còn có gì đâu,
Chẳng qua một nắm cổ khâu xanh rì !
Xin được kết thúc bài phiếm luận "Thổ là Đất" ở nơi đây, và để thực hiện câu :
Đản tồn phương thốn thổ, 但存方寸土,
Lưu dữ tử tôn canh. 留與子孫耕。
Xin mọi người hãy hỏa thiêu thân xác sau khi chết, để chừa lại tấc đất và môi trường sạch cho con cháu sau nầy !
Mong lắm thay !
Đỗ Chiêu Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét