Nguyễn Khuyến (1835- 1909) là một nhà thơ cổ điển lớn của dân tộc, là “sư tổ” của nghệ thuật câu đối Việt Nam. Đồng thời ông còn là một nhà “kinh bang tế thế” mẫn tiệp và chính trực. Năm Tân Mùi (1871) trong kỳ thi Đình ở Kinh Đô Huế, Nguyễn Khuyến đỗ Hoàng Giáp Đình Nguyên (Tam Nguyên) với bài văn sách nổi tiếng. Bài văn sách thi Đình ấy là áng văn sắc sảo vạch trần tệ tham nhũng và tâu vua kế sách chống tham nhũng và cải cách hành chính mạnh bạo.
Khoa thi Đình đó vua Tự Đức đích thân ra đề :
“Trẫm thường đọc sách Luận Ngữ , đến chỗ Tử Cống hỏi về chính sự, Không Tử nói rằng : Đủ lương thực, đủ binh lính, dân tin theo vậy”.
Nhân nghĩ công việc hiện nay, không gì quan trọng hơn điều đó, mà muốn thực hiện điều đó thì sự lựa chọn người tốt lại là quan trọng hơn cả. Trẫm từng đêm ngày lo nghĩ mà vẫn chưa đạt được hiệu quả mong muốn đông đảo kẻ sĩ các ngươi lúc mới xuất thân ắt hẳn có sở học kinh bang tế thế. Vậy thì những loại việc thiết thực như vậy, suy từ cổ đến kim, nghĩ thế nào, làm thế nào để công hiệu, hãy nói hết với trẫm. Các ngươi chớ lặp lại người khác, chớ bàn phù phiếm, trẫm cũng bất tất phải hỏi nhiều để các ngươi có thì giờ rộng rãi, nói được hết ý nghĩa, xứng với ý muốn của trẫm .”
Trong bài thi dài hơn 4000 chữ của mình, Nguyễn Khuyến đã đề cập đến tệ nạn tham nhũng đang lộng hành từ chốn thôn quê đến tỉnh, thành :
“Chốn đồng điền nhiều con em lười nhác. Nơi tổng xã có cường hào sâu mọt đục khóet. Nhà giàu đặt nợ lãi để kiếm cách bao chiếm. Con buôn nắm giữ giá cả để chẹt lấy lợi to. Đó là nguồn gốc của sự thiếu thốn vậy. Thêm vào đó, trong thì Bộ, Viện, Tự, Các (cơ quan Triều đình), ngoài thỉ tỉnh, phủ đem số thuế khóa rất hẹp hòi mà cung đốn cho bọn nhân viên rất phiền nhũng, thì của cải làm sao mà không hao tán. Nhiều lần Triều đình sức phải gộp người lại hoặc bớt người đi. Nhưng bọn quan lại lạm ngạnh kia cứ châm chước cầu xin,... việc ấy rút cục phải nửa chừng đình chỉ... Xét ra bọn thư lại trông coi chỉ là sổ sách, văn án, tư trát mà thôi, công việc nào có bao lăm, suốt năm chỉ ngồi trơ, lo mưu béo thân, không thể không nhiễu hại dân”.
Nguyễn Khuyến cho rằng, dân bị chúng nhiễu hại thì thích chuộc tội cũng không dám chuộc, thích quyên tiền cũng không dám quyên. Như vụ án tên huyện lại Phù Cát (Bình Định) thì đủ biết. “Như vậy chẳng những hư phí bổng lộc mà con đường sinh ra của cải cũng bị lấp nghẽn”.
Sau khi nêu lên những thực trạng nhung nhiễu trên, Nguyễn Khuyến tâu :
“Tâu xin rằng, từ nay, những việc như tập tục xa xỉ, ăn mặc xa hoa, con em lười nhác, cường hào bóc lột.v.v.. nhất thiết đều cấm hết, mà phải cấm một cách dứt khoát”. Còn trong các nha môn trong kinh, ngoài tỉnh thì “tùy chỗ nhiều việc, chỗ it việc... nhất thiết phải bớt đi, mà bớt một cách dứt khoát !”
Nguyễn Khuyến cũng vạch trần nạn tham nhũng trong quân đội:
“Nhà cửa, vật dụng của viên quân suất cũng đều do người lính cung cấp than củi, đèn dầu... đòi hỏi không baogiờ chán. Có người được chọn ra chờ đợi rồi thả cho họ trốn để ban lấy tiền (tức quân số ma). Có người đã không cho phép họ về, nhưng lưu họ lại để đòi lễ vật. Đến phiên sai có thể lấy tiền mà thay, đến kỳ thao diễn có thể lấy tiền mà thuê. Ngày thường đã lấy đút lót làm sa ngã ý chí của họ rồi, thì lúc lâm nguy làm sao có thể lấy kỷ luật mà ràng buộc họ được !... Vì thế chưa đến trận mạc đã tìm cách sống, chưa chạm gươm đao đã có bụng lùi. Nên cuối cùng quân lính trở thành vô dụng vậy !”
Nguyễn Khuyến chỉ ra rằng tất cả là do con người “Thực ra thì xe không tiến lên là vì ngựa không chịu đi, chính sự không nên nỗi là vì người không chịu làm”. Có phải thiên hạ đã hết nhân tài ? .Theo Nguyễn Khuyến thì có thể do phép thuyên chuyển quan quân của triều đình có điều gì đó chưa “tận thiện”. Đường vào cửa quan có nhiều lối, muốn ngăn chặn bọn tiêu cực, bất tài, dùng tiền để mua quan, gian dối để thăng quan tiến chức, muốn ngăn chặn chúng “không thể không bằng tư cách”.
Nguyễn Khuyến phân tích:
“...Đường lối làm quan đã nhiều thì người được bổ nhiệm cũng nhiều. Người thì chạy vạy ở cửa quan trên, người hết hạn phải đổi thì chẳng lòng nào mà nghĩ đến dân. Lòng tư một lúc đã sai lạc thì việc công bị bỏ trễ vậy”.
Về biện pháp chống tham nhũng, Nguyễn Khuyến tâu :
“Lại cứ năm năm một lần, đặc cách chọn một viên đại thần thanh liêm, cần mẫn, giỏi giang, sung làm chức “truất trắc sứ” (tức thanh tra) ở các đạo. Viên quan này sẽ đi thăm hỏi khắp nơi, người tham nhũng,bất tài thì bị trất giáng, người tài giỏi được tặng thưởng. Quan trên nào mà cân nhắc không xứng đáng, hoặc có người hiền tài mà không biết cân nhắc thì cũng tâu xin xử phạt tội thích đáng”... Làm như vậy người liêm chính có sự khuyến khích, người tham ô có sự răn đe, mà điều uất ức của người dân cũng có thể thấu suốt lên trên vậy”...
Nhưng có người tốt, người hiền rồi vẫn có lúc chưa được việc ! Theo Nguyễn Khuyến sở dĩ có điều đó là do Triều đình chưa dùng được chữ TÍN ! Chữ TÍN viết hoa của Tam Nguyên Yên Đỗ là kỷ cương phép nước.
Rằng: “Trong chữ Tín của mọi ông vua, chỉ có thưởng phạt là tối quan trọng. Phải thưởng cho một người để khuyến khích muôn người. Phải giết một người để cho muôn người biết sợ. Phải làm cho thiên hạ biết đích xác rằng : Có công thì thưởng. Có tội thì nhất định triều đình giết, không thể lấy riêng cầu may mà thoát ! Lấy đó mà lập pháp - pháp nhất định lập. Lấy đó mà thi hành chính sự, chính sự nhất định được thi hành...”
Vì lẽ đó, Nguyễn Khuyến khẩn khoản tâu vua :
“Thần cúi trông bệ hạ lấy một chữ TÍN ấy để khích lệ bản thân. Việc tiến hiền lúc đầu là tiến hiền, sau là dùng hiền, cũng phải dùng chữ TÍN. Chớ có bất nhất. Hiệu lệnh nghiêm minh chính là đem chữ TÍN ra để đặt làm hiệu lệnh. Chế độ dứt khoát chính là đem chữ TÍN ra để đặt làm chế độ. Run rẩy, sợ hãi, không một ý nghĩ nào không để vào chữ TÍN. Trọn ngày quần quật, không một lúc nào không nhằm vào chữ TÍN. Như vậy rồi thì sau muôn việc nên, trị công thành, có thể vượt qua Hán Đường mà theo kịp Thương Chu vậy...”
Đây không chỉ là bài văn sách thi Đình mang lại vinh quang đỗ Tam Nguyên cho tác giả, mà đây là bản lĩnh, nhân cách và tấm lòng của ông đối với hiện tình đất nước. Việc ra đề thi nhằm vào nội dung “quốc gia đại sự” rất bức bách và chấm đỗ đầu cho Nguyễn Khuyến chứng tỏ sự cầu hiền, ghét tham nhũng của vua Tự Đức. 143 năm đã qua, những điều Nguyễn Khuyến tâu trình với vua vẫn còn nguyên tính thời sự nóng hổi mà các quan chức hậu thế cần suy ngẫm !
----------------
Nguồn :
Nguyễn Khuyến tác phẩm, NXB Khoa học xã hội 1984. Tr.625- 633.
Bài thi viết bằng chữ Hán, Trích theo Quốc triều sách văn. Nguyễn Đức Văn và Nguyễn Đình Chú dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét