CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 1 tháng 4, 2020

TÔI VIẾT VỀ... THƠ TÔI - Đoàn Anh Kiệt


           
                       Tác giả Đoàn Anh Kiệt
                (Con trai út của blogger Phú Đoàn)


Dẫn: Hồi nhỏ, ba tôi làm thơ và đọc thơ khá nhiều. Và lần nào mẹ tôi cũng... chê thơ ông dở. Lúc đó không biết nên không dám bàn. Có lần ba tôi đọc thơ, bảo là thơ của nhà thơ nào đó nổi tiếng lắm (không nhớ chính xác tên), mẹ khen hay, song thật ra bài đó là ba tôi viết. Thì sau này tôi nghĩ thơ hay vì... tác giả cũng một phần từ đó mà ra.


             TÔI VIẾT VỀ... THƠ TÔI

Tới giờ, chẳng tự hào gì khi nói tôi quen cũng đã vài cô bạn gái, vì bạn bè tôi đa phần đều “mồ yên mả đẹp” trong nấm mồ hôn nhân hết. Mà lạ, cô nào trước khi quen tôi đều hay khen (có khi vì lịch sự không chừng) là anh viết hay, rồi khi dính chút “cổ phần” trong đời nhau thì cô nào cũng chê thơ/văn anh... dở quá !

 Chuyện cũ không nhắc làm gì, cô bạn hiện nay, dân chuyên Văn ngày trước, mỗi khi ngồi chơi, tôi hỏi [thiệt thà] em thấy anh viết thơ trên FB vầy được hông, cô ta cười đáp (nguyên văn) "thơ anh hay, có điều em đọc mệt quá", hỏi sao mệt, cô nói "thì... gật đầu chào người quen hoài nên mệt". Hic, của đáng tội, tôi thì [gần như] không bao giờ chôm thơ ai, hễ đăng đều ghi tác giả, không nhớ thì ghi st, dẫu rằng hay chơi chiêu nhập nhằng chữ st dù thơ mình viết.
Thì đọc nhiều ắt sẽ ảnh hưởng, không dính tứ thơ/ý thơ, cũng dính chút phong cách tác giả mình thích. Suy cho cùng, tôi... trí nhớ tốt, chứ tôi có phải anh chàng Trương Vô Kỵ, học Thái Cực quyền xong quên liền để mà vận dụng theo ý mình đâu. Hôm cafe' với nhau, vui miệng tôi nói thế, nhân tiện trích luôn bài thơ mình khá thích:


                  CHIA

                  Chia tay
                  em chọn nỗi sầu
                  Bán đi mua lại
                  mộng đầu chưa nguôi
                  Bỗng đâu
                  một sớm hoa rơi
                  Kiệu dâu em
                  bước bên người thảnh thơi
                  ….
                  Chia anh
                  nỗi nhớ ngày xưa
                  Bán không đặng
                  đành đổ thừa…
                  hên xui

Nghe xong cô ta bảo thơ gì nghe phát chán, từ “hên xui” bình dân vậy mà đưa vô, phân tích một hồi tôi thấy luôn bài này sao... mất giá quá! Cũng ráng nói thì mà là, song lý lẽ... của trái tim luôn chiến thắng. Đành thôi vậy! Tưởng thua rồi thì thôi, nào ngờ cô ta được nước nói thêm cái bài Không đề của anh nó tệ cực kỳ, trích đăng nguyên văn:

                  Tình thoảng qua như gió
                  Lá vui đùa xôn xao
                  Ngày phơi sầu đã ráo
                  Sao nắng còn hanh hao

                  Mùa qua tình như nắng
                  Vàng góc đời nhỏ nhoi
                  Chim xanh nào đang hót
                  Đâu ngờ ngày lẻ loi

                  Có người chân bước lỡ
                  Lạc lối tình không hay
                  Tưởng rằng mình hạnh phúc
                  Ô hay bụi… mắt cay

                  Đời trôi sao quá vội
                  Tình cứ mãi mông lung
                  Lá rơi chưa ngập lối
                  Đâu rồi tay nắm tay

                  Bao năm mình nông nổi
                  Đổ thừa đời không may
                  Chợt một ngày sám hối
                 Tình đã thành mây bay...

Đặc biệt là câu cuối, nguyên văn “người lớn còn chơi... đổ thừa”. Rồi mấy bài xưa xưa nữa “phơi tình ngày nắng ráo, con tim đổ mưa rào, em ngày xưa... lỡ dại, yêu anh đời hư hao”, thơ thì toàn ý người khác, lời thì cũ, tứ thì mòn. Bực quá, đành ráng... mặt dày viết bài để “em nó” khai sáng tri thức bình luận thơ ca.

Thơ chủ yếu là gì? Là tạo niềm cộng hưởng với người đọc. Cùng một bài, người này cảm khác, người kia cảm khác. Đối với anh A, bài này hay nhưng với anh B thì vẫn bài đó là dở. Nhưng nếu vậy thì cần chi đến nghệ thuật phê bình? Thơ, với tôi, là cách sắp chữ, để nói lên cái mà mình không nói được! Thì đó, có thất tình đâu, có chia tay đâu, song thơ chia tay, thơ thất tình thích thì viết một ngày vài... trăm bài còn dư sức, đặc biệt là thời 26, 27 tuổi. Thẩm thơ, đâu phải chỉ “tâm tri” còn phải có “trí tri” nữa chứ. Con chữ vốn vô hồn, ai cũng học đủ bảng chữ cái, nhưng viết một bài văn cho đúng chính tả chưa chắc đã là việc dễ làm với khá nhiều người, nói chi đến viết để cộng hưởng cảm xúc được?
Hồi 26; 27 tuổi tôi gần như muốn là viết. Thơ cũng được, văn cũng xong. Phóng bút thành văn dễ ợt chứ khó gì, ráp vần ráp chữ là xong. Nhưng mà nói thật, đọc lại nhiều khi... xấu hổ lắm.
Còn phê bình, phê bình cái gì đây ngoài câu chữ hiển hiện đó? Phân tích nhịp điệu, phân tích từ ngữ để mà thấy cái dụng công của tác giả, và với bài nào “tuyệt đỉnh” thường là một câu “hồn nhiên, thiên thành”. Đạt đến mức hồn nhiên như trời có sẵn đó thì TẤT CẢ đều phải dụng công, dụng công trong từ ngữ cực nhiều. Lao tâm khổ tứ để tìm cho được một chữ ráp vô, sửa tới sửa lui, đọc đi đọc lại, rốt cục chỉ muốn đạt tới mức tự nhiên như không cần dụng công.

Tôi viết cũng không ít bài bình thơ, đa phần là thơ xưa, thơ Tàu, và tôi tự nhận cái đó là bình giấm, như một nhà phê bình người Pháp tự nhận “rượu để chua quá thì thành giấm, viết không được thì... đi bình luận vậy”. Nhưng thật ra, người viết bài bình luận thì có lẽ cực hơn người viết, người viết vì một cảm xúc gì đó phóng bút là xong, còn người bình đọc xong, chờ lắng cảm xúc, tìm dẫn chứng, tìm câu văn, tìm minh họa để mà bình cho người đọc thưởng lãm. Nên tuy “ai đem phân chất một mùi hương, hay bản cầm ca tôi chỉ thương” nhưng bình thơ bình văn vẫn cần lắm. Còn đọc chê dở chê hay thì nào có khó gì? Như ngày trước tôi chê Truyện Kiều, tôi cũng phải ráng viết cho được một bài [dù] ngắn để mà chê cho... có hồn (?)

Chỉ là... bụt chùa nhà không thiêng! Hic

                                                                                 Đoàn Anh Kiệt
                                                                                    29/10/2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét