Nhà văn Trần Trung Đạo
Chuyện ca sĩ Tuấn Ngọc sửa lời nhạc của “Tình Bơ Vơ” qua rồi. Chắc hôm nay ông đang hối hận trong lòng. Trước ông đã có nhiều ca sĩ cùng thời với ông hát bài này trong nước nhưng họ không sửa lời. Âu đó cũng là một bài học cho ông.
Hát sai lời hay sửa lời không phải chỉ xảy ra lần đầu. Nhiều ca sĩ vô tình hát sai nhưng cũng có ca sĩ cố tình hát sai. Ca sĩ Khánh Ly trong bài “Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên” của nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn thu lần đầu năm 1979 đã sửa “đâu rộn ràng giọng hát Khánh Ly” thành “đâu rộn ràng giọng hát Thái Thanh” để bày tỏ sự kính trọng dành cho ca sĩ đàn chị của mình. Đó là một cách sửa lời đáng quý.
Nhưng trường hợp của ca sĩ Tuấn Ngọc thì khác. Trong video, rõ ràng ông đã cố tình sửa hai chữ quan trọng nhất trong bản nhạc từ “Việt Nam” sang “Chiều nay”.
Ca sĩ Tuấn Ngọc nhìn vào bản nhạc để ngay trước mặt và còn đeo kính lão nữa. Dù sao, để công bằng cho ca sĩ Tuấn Ngọc, người viết tra ‘google’ câu “chiều nay buồn lắm em ơi” nhiều lần để biết đâu ai đó đã sửa trước và ông gặp vận xui nên đã dùng bản sai đó. Nhưng không có. Ông cố tình hát “Chiều nay buồn lắm em ơi”.
Sửa những chữ khác không sao nhưng thay chữ “Việt Nam” bằng “Chiều nay” thì khác. Dư luận khắt khe, có khi nặng lời không cần thiết nhưng họ không có lý do riêng gì để thù hằn ca sĩ Tuấn Ngọc mà chỉ ghét thế lực mà họ nghĩ ca sĩ Tuấn Ngọc vừa thỏa hiệp. Dù ghét bao nhiêu cũng không nên mạt sát vì mạt sát là hành động của những người tuyệt vọng.
Do đó, trong chiều sâu và thực chất của vấn đề, sự phẫn nộ vừa qua không phải là phẫn nộ giữa người dân với ca sĩ Tuấn Ngọc mà giữa người dân với đảng CS. Những người phê bình ca sĩ Tuấn Ngọc nghĩ rằng ông “mặc áo giấy” để làm vừa lòng “ma”. Phê bình ca sĩ Tuấn Ngọc là một cách phê bình đảng mà không sợ bị tù.
Người viết cũng không nhắm vào cá nhân ca sĩ Tuấn Ngọc mà chỉ mượn câu chuyện thời sự có liên quan đến ông để viết về một quan tâm lớn hơn, đó là tính thỏa hiệp.
Khái niệm thỏa hiệp (compromise) được dùng trong mọi lãnh vực để chỉ một sự nhân nhượng giữa hai bên tranh chấp mong đạt đến một điểm có thể cùng chấp nhận. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp thỏa hiệp chỉ có tính đơn phương, một chiều, tự khuất phục, tự hạ thấp giá trị của mình để lấy lòng người khác, thế lực khác.
Nhạc sĩ Vũ Thành An biện hộ cho ca sĩ Tuấn Ngọc: “Các bài hát cũ được truyền từ người nọ qua người kia, không có nguyên bản, không tham khảo Nhạc Sĩ nên sai lời là phổ biến. Ca Sĩ khi hát thường tìm lời trên Internet. Những gì trên Internet cũng là sao chép lại.”
Một bản nhạc, một bài thơ hay một bài văn đều có tâm hồn và tâm hồn được thể hiện bằng những câu nổi bật làm người đọc sẽ nhớ lâu. Trong nhạc phẩm Tình Bơ Vơ câu nổi bật là “Việt Nam buồn lắm em ơi”.
Nhạc sĩ nổi tiếng ở miền Bắc là Phú Quang từng bị trù dập suốt 10 năm chỉ vì câu “đâu phải bởi mùa thu” nhưng ông nhất định không thay lời bài hát mà còn chửi đám tuyên huấn là “ấu trĩ”. Nhạc sĩ Phú Quang không thỏa hiệp và đã thắng.
Các nghệ sĩ Lộc Vàng, Phan Thắng Toán và Văn Thành bị kết án 10 năm tù chỉ vì hát những bản tình ca, đa số là về mùa thu, của Văn Cao, Đoàn Chuẩn, nhưng không ai đọc chuyện các anh sửa lời bài hát dù đang sống trong lao tù của chế độ CS thập niên 1960. Ba nghệ sĩ trong nhóm Lộc Vàng không thỏa hiệp và bước ra khỏi nhà tù như những người chiến thắng.
Âm nhạc là lãnh vực được thay đổi nhanh chóng và dễ dàng nhất. Ngay hôm nay trên đường phố Sài Gòn, trong những quán nhạc, những quán cà phê đều hát nhạc VNCH và đặc biệt là nhạc lính VNCH. Bên cạnh những Tình Ca, Hướng Về Hà Nội, các nhạc phẩm Rừng Lá Thấp, Anh Không Chết Đâu Em, Trăng Tàn Trên Hè Phố v.v... đang được hát. Nhạc VNCH là một phần trong đời sống tinh thần của người dân thuộc nhiều thế hệ khắp ba miền. Các em, các cháu có thể chưa hiểu hết nội dung nhưng chắc chắn biết Việt Nam đã từng có một thời tự do và đáng yêu như thế.
Có lẽ hôm nay ca sĩ Tuấn Ngọc đang tự trách phải chi mình cứ giữ nguyên và hát một cách tự nhiên. Nhưng giấu đi hai chữ “Việt Nam” làm cho vấn đề không chỉ trở nên trầm trọng mà còn xúc phạm đến mọi người Việt Nam có ý thức và tình cảm dân tộc.
“Việt Nam” hai tiếng rất thiêng liêng nhưng cũng đầy đau thương và nhức nhối.
Tiếng súng đã ngưng 47 năm nhưng mỗi người Việt trong cũng như ngoài nước, ở mức độ khác nhau, đều còn mang trong tâm hồn một vết thương chưa lành nằm phía dưới làn da mỏng. Họ sống có vẻ bình thường nhưng một hạt muối, một mũi kim, một cơn gió mạnh có thể sẽ làm vết thương đang mưng mủ vỡ ra.
“Việt Nam buồn lắm em ơi” không chỉ là câu nhạc của nhạc sĩ Lam Phương mà cả một khung trời, một tâm cảm của con người và một vấn nạn chưa giải quyết xong của đất nước.
Sau 47 năm nhưng cuộc chiến vẫn chưa tàn. Các thành phần dân tộc chống độc tài đảng trị cũng đang một lớn dần. Họ không còn cô đơn, lẻ loi, đơn độc nhưng những ngày sau 1975 ở nhà thờ Vinh Sơn, Sài Gòn hay ở chùa Dược Sư, Cần Thơ. Sức mạnh của người dân không thua kém gì sức mạnh của đảng. Họ tận dụng mọi thành quả của cuộc cách mạng tin học và khai thác mọi kẻ hở của bộ máy cai trị để chống lại bạo quyền. Dĩ nhiên trong đó có việc chống lại những kẻ a dua, toa rập và thỏa hiệp với bạo quyền.
Đảng có nhà tù nhưng người dân có lương tri. Đảng có bộ máy tuyên truyền lừa bịp nhưng người dân có sự thật. Cuộc đấu tranh giữa công lý và bạo lực rất cam go và có thể còn kéo dài khá lâu nhưng đảng cũng biết không nhà tù nào đủ lớn để nhốt hết được lương tri.
Nhà tù CS có giới hạn không gian trong khi lương tri là cả một dòng sông lịch sử dài mang tâm hồn Việt Nam bao la bát ngát chảy qua nhiều thế hệ. Dòng sông đó vẫn chảy và vẫn đang bồi đắp phù sa khát vọng tự do dân chủ cho hôm nay và mai sau.
Sau 30 tháng 4, 1975, khi chủ trương đốt sách, đảng nghĩ chỉ cần nửa thế kỷ khi các thế hệ chiến tranh qua đời hết sẽ không còn ai nhắc đến Việt Nam Cộng Hòa, nhắc đến sách vở, âm nhạc, thơ ca được sáng tác trước 1975.
Nửa thế kỷ sắp qua nhưng Việt Nam Cộng Hòa không chỉ được nhắc nhở mà đang sống hào hùng trong giáo dục, văn học, âm nhạc, thi ca và lý luận chính trị. Sự thật như ánh sáng mặt trời có thể nhất thời bị che khuất bởi đám mây đen nhưng không mất. Tần Thủy Hoàng, Stalin, Hitler đều đốt sách nhưng cũng đều không che giấu được tội ác của mình.
Chế độ CS tại Việt Nam chỉ là một chế độ tạm thời. Cơn bão sẽ qua đi và những ngọn lúa Việt Nam sẽ đứng dậy. Wojciech Jaruzelski của Ba Lan biết điều đó. Janos Jozsef Kadar của Hungary biết điều đó. Họ là những hung thần của một thời chuyên chính vô sản nhưng cuối cùng đã phải đầu hàng trước lương tri của dân tộc họ và của loài người yêu chuộng tự do. Việt Nam rồi cũng thế.
“Việt Nam buồn lắm em ơi” là sự thật hôm nay.
Thân phận Việt Nam trong lòng một chị bán hàng rong và một nhà nghiên cứu có một điểm băn khoăn giống nhau là không biết ngày mai sẽ ra sao. Ngày mai gia đình chị sẽ ra sao. Ngày mai đất nước anh sẽ ra sao. Ngày mai dân tộc chúng ta sẽ ra sao.
Nhà nghiên cứu nhìn sang Cambodia, nhìn sang Philippines, nhìn sang Đài Loan, nhìn ra những dàn hỏa tiễn đặt trên bảy căn cứ quân sự dưới dạng “đảo nhân tạo” của Trung Cộng trên Biển Đông đang chĩa vào Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn và lo cho tương lai dân tộc sẽ về đâu. Việt Nam như con ếch “ổn định” trong nồi nước nóng của Tập Cận Bình đang đun. Lửa mỗi ngày một bốc cao hơn. Nước mỗi ngày một nóng hơn. Với tình cảnh này, sớm hay muộn, nếu không tìm cách nhảy ra, ếch Việt Nam cô đơn sẽ bị luộc chết trong nồi Đại Hán.
Chị bán hàng rong cũng thế. Chị nhìn đàn con ốm yếu, nhìn bếp lửa tối âm u, nhìn căn nhà tôn dột nát và lo cho gia đình mình, các con rồi sẽ ra sao. Chúng có cơ hội đến trường như bao nhiêu đứa trẻ khác hay không. Cho dù đủ sức học thì tiền đâu để đóng học phí, để ăn, để sống cho tới khi ra trường. Mùa đông nào cũng lạnh nhưng con nhà nghèo sẽ lạnh hơn và đêm nhà nghèo sẽ dài hơn.
Phân tích từ phạm vi quốc tế cho đến gia đình để thấy Việt Nam cần thay đổi tận căn bản và cần sự góp sức của mọi người còn quan tâm đến vận nước. Thỏa hiệp với chế độ là phản bội lợi ích của đại đa số người dân Việt Nam.
Dòng văn minh nhân loại đã chảy qua những sa mạc ở Bắc Phi và Trung Đông như Tunisia, Libya, Ai Cập v.v.. và Mùa Xuân Arab (The Arab Spring) đang có ảnh hưởng tích cực tới Việt Nam. Các cuộc cách mạng dân chủ Arab là những cuộc cách mạng đầu tiên trong lịch sử loài người được hướng dẫn bằng các mạng tin học. Trong cuộc cách mạng xã hội lần này, không cần ai phải “xếp bút nghiên”, không cần ai phải “biệt kinh kỳ”. Cuộc tranh đấu để bào mòn chế độ, cô lập chế độ và loại bỏ chế độ đang diễn ra ngay trước mắt mọi người dưới nhiều hình thức.
Vô số việc cần làm và nên làm. Một nhóm bạn mang tình thương đến cho các cháu mồ côi, một nhóm bạn khác quyên góp từng áo mùa đông cho các cháu vùng cao, một nhóm bạn mở trường dạy chữ, mỗi người một việc, đơn giản nhưng tràn đầy ý nghĩa. Một khi nhận thức được nâng cao, tình thương được lan tỏa rộng, hận thù và nghi kỵ sẽ tan dần đi như khói như sương.
Đảng đang ở trong thế thủ chỉ còn trông cậy vào nhà tù và bộ máy tuyên truyền đang mất dần tác dụng. Các thành phần dân tộc chống thỏa hiệp với chế độ có mặt ở khắp nơi và đang thắng thế.
“Việt Nam buồn lắm em ơi” nên Việt Nam phải thay đổi để sống còn với thời đại. Mỗi người trong điều kiện và khả năng của mình nên thuận theo đà phát triển của văn minh để góp phần làm thay đổi xã hội Việt Nam thay vì thỏa hiệp với giới cầm quyền để kéo dài chế độ độc tài đảng trị.
Về nước sống dưới sự cai trị của đảng CS là thỏa hiệp với chế độ dù người đó là ai và nhân danh bất cứ lý do gì. Nhưng trong khi sống và hành nghề trong lòng chế độ cũng nên đặt ra cho chính mình một lằn đỏ tránh vượt qua. Lằn đỏ đó chính là tư cách và trách nhiệm của một người Việt Nam đối với tương lai dân tộc và các thế hệ đi sau.
Trần Trung Đạo
At March 14, 2023
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét