CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Chủ Nhật, 5 tháng 3, 2023

BÍ MẬT HÀN MẠC TỬ (KỲ 6) - Phanxipăng

                            Kỳ 6: ĐI TÌM CHÚ TIỂU ĐỒNG THUỞ NỌ

Phanxipăng thăm Phạm Hành tại Mỹ Chánh, Hải Lăng, Quảng Trị, hè 1995. 
Ảnh: Nhất Lâm

Năm 1987, Sở Văn hoá - Thông tin tỉnh Nghĩa Bình (nay là Quảng Ngãi vùng Bình Định) thực hiện tuyển tập Thơ Hàn Mạc Tử. Đề tựa ấn phẩm ấy, qua bài Hàn Mạc Tử, anh là ai?, nhà thơ Chế Lan Viên mấy lần nhắc đến nhân vật tên Hành. Một ở đoạn mở đầu: “...em Hành đem cơm cho anh [chỉ Hàn Mạc Tử] trong suốt bốn năm trời anh phung hủi và trước khi vào Quy Hoà để qua đời trong đó, nghe đâu, Tử đã sụp lạy cảm ơn em”. Rồi ở đoạn kết: “Nhưng lạ chưa, nhớ nhất là tôi nhớ đến chú Hành, cậu bé có tên mà hoá vô danh, nhưng mà bốn năm trời cậu vẫn hằng ngày chăm sóc, đem cơm cho Tử. Gặp Hành lúc nào cũng thấy Hành cười! Quá chú ý đến tri kỷ, tri âm mà quên người ân nhân này đi là điều không phải đâu, hỡi các nhà viết sách sau này về Hàn Mạc Tử.”

Vào “mùa đông Mậu Thìn” (1988?), tại TP. Hồ Chí Minh, lúc khởi thảo cuốn Hàn Mạc Tử anh tôi (sđd), Thiện Nam Nguyễn Bá Tín dành hẳn chương VI đề cập về người vừa là ân nhân vừa là người em thúc bá kia. Xin trích ít dòng: “Chú tiểu đồng mà các bạn Hàn Mạc Tử hay nhắc đến tên trong các tập hồi ký về nhà thơ bất hạnh là Phạm Hành. Em Hành sinh năm 1924, con thứ ba chú ruột tôi là Phạm Thân, vào Quy Nhơn ở với chúng tôi để đi học từ năm 1934 (...). Cuối năm 1937, khi tôi đổi lên Đà Lạt làm việc, chú Thân vào thăm anh Trí, lúc bấy giờ đã đau nhiều rồi, trong nhà lại vắng người, không ai chăm sóc anh. Chú bảo em Hành nghỉ học, ở nhà giúp đỡ anh Trí (...). Phạm Hành đó, ngày nay đã 65 tuổi [tính đến năm 1989 chăng?], sống khoẻ mạnh và vô bệnh tật tại Huế [?], thỉnh thoảng lại vào thăm chúng tôi [?]...”.
 
Hỏi địa chỉ Phạm Hành, chúng tôi được ông Nguyễn Bá Tín cho biết ở một... chốn khác: giáo xứ Mỹ Chánh thuộc xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Nhân đợt đi công tác miền Trung vào mùa hè năm 1995, lần đầu tiên chúng tôi đã tranh thủ gặp “chú tiểu đồng” thuở nào của Hàn thi sĩ.
 
Căn nhà của lão nông Phạm Hành tại Hải Lăng, Quảng Trị. Ảnh: Phanxipăng

Nhỏ thó. Gầy gò. Mắt sáng. Tóc muối tiêu. Đó là lão nông Phạm Hành. Biết chúng tôi từ xa ghé thăm để tìm thêm tư liệu về Hàn Mạc Tử, ông vui vẻ mời vào nhà - ngôi nhà tranh vách đất tuềnh toàng dựng giữa nương chè cằn cỗi - và gọi các cháu đun nước pha trà tiếp khách. Ông cười hiền lành:
- Cách đây lâu lâu, anh Tín trong Sài Gòn viết thư ra hỏi tui chuyện anh Trí để soạn sách. Sách in xong, anh gửi biếu tui một quyển đây nì.
 
Mở tủ, lấy ấn phẩm Hàn Mạc Tử anh tôi, ông tiếp:
- Tài năng của dòng họ tui dồn hết ở anh Trí. Mà cả dòng họ chỉ cần một người nổi tiếng như anh cũng đủ vinh hạnh rồi.
 
Chúng tôi gợi lại chuyện xưa và nghe ông kể:
- Hồi nhỏ, tui hiếu động lắm tề! Thích trèo cây, câu cá. Thích nhứt là đi xe đạp. Những ngày anh Trí lánh mình chữa bệnh ở xóm Động [sân bay quân sự Quy Nhơn trước đây, nay đã xây phố xá], xóm Tấn [cảng Quy Nhơn bây giờ], Gò Bồi [Tuy Phước], Gành Ráng, thì bác gái phái tui theo săn sóc cho anh. Lúc nớ, nhà rất neo đơn. Chị Ngãi và chị Lễ đã có gia đình đình riêng. Anh Tín làm việc trên Đà Lạt, sau đổi sang Lào. Anh Hiếu thì suốt ngày đánh cờ tướng và có vẻ... sợ lây bệnh hủi! Người ta xì xào: Anh Trí cùi hủi. Tui nỏ [không] sợ. Vì có thấy anh lở lói chi mô? Mấy ngón tay anh hơi đơ đơ, chắc do viết nhiều. Trên má anh có nnổi cái bớt nhỏ, hồng hồng. Hàng ngày, tui đạp xe bới cơm nước từ nhà tới cho anh, rồi anh lệnh mần chi thì mần nấy: mua bút giấy, mua sách báo, đem thư đi bỏ bưu điện... Mần chi cũng xong, miễn là được đi xe đạp. Tui còn giặt giũ cho anh và giúp anh tắm nữa. Anh Trí nhác tắm ghê! Mỗi lần cởi áo quần ra, tui thấy da anh hiện mấy vết bầm đỏ. Trong nhà nói anh bị bệnh “đơn” [!]. Tới khi anh Bửu Dõng, chồng chị Ngãi, đưa anh vô nhà thương Quy Nhơn rồi chuyển lên trại Quy Hoà, tui cũng đi theo. Tui còn nhớ rõ hôm anh Trí đi Quy Hoà, chỉ có hai người lên xe hồng thập tự cùng với anh: bác gái [bà Duy - mẹ của Hàn] và tui. Hôm nớ, bác gái mặc cái áo dài màu đà [nâu], tui thì ôm bọc vải trắng đựng áo quần và sách vở của anh... Tới hồi quay lại nhà, bác không nói không rằng nhưng nước mắt ràn rụa!
 
Thế trước khi Hàn Mạc Tử phát bệnh bản thân bị mắc bệnh hiểm nghèo và đi lánh, chàng sống trong nhà số 20 Khải Định (nay là 67 Lê Lợi, Quy Nhơn), liệu “chú tiểu đồng” còn nhớ gì không? Ông Phạm Hành lại móm mém cười:
- Nhớ chớ. Anh Trí cả ngày tiếp bạn, ngâm thơ, bàn chuyện làm báo... Anh nhiều bạn lắm, nhưng năng tới chơi thì có anh người Huế, tên Anh [tức nhà thơ Hoàng Diệp]. Bạn gái của anh, tui chỉ thấy một o người Bắc [tức nữ sĩ Mai Đình] tới thăm mấy lần, kể cả khi anh đi lánh bệnh. Sau khi anh mất, tui đọc sách báo mới không ngờ anh Trí có số... đào hoa!
 
Khách sạn Sài Gòn – Quy Nhơn, thuở trước là nhà thương Quy Nhơn – 
nơi Hàn Mạc Tử từng nằm trong khu cách ly. Ảnh: Phanxipăng

Ông Hành lại hồi tưởng về giai đoạn Hàn Mạc Tử lánh bệnh đó đây - giai đoạn anh đứng cách xa hàng thế giới mà đau khổ vì phải tách rời xã hội và sống mòn trong một vũng cô liêu cũ vạn đời:
- Buồn, anh làm thơ và ngâm thơ, viết thư rồi trông thư, nhiều đêm thức trắng. Lúc nớ, cái chi cũng thiếu; nên anh quý giấy và tem lắm. Có lần bị mất một con tem, anh quay quắt suốt mấy ngày, lơ cả cơm! Nhưng nhiều lúc anh vui “dễ sợ”. Anh hát hò, đùa giỡn, kể chuyện hoang. Tui hợp anh cái tính... nghịch ngợm! Anh cũng rất thương tui, thường dạy tui học chữ, làm toán, đôi lúc giảng về thơ cho tui nghe nữa. Còn chuyện trước khi vô Quy Hoà, anh sụp lạy cảm ơn tui là không có mô! Anh em với nhau, ai mà làm rứa?
 
Những ngày Hàn vào bệnh viện như thế nào? Hãy nghe ông Hành tường thuật:
- Mới đầu vô nhà thương Quy Nhơn [nay là Sở Y tế Bình Định ở số 54 đường Nguyễn Huệ, TP. Quy Nhơn], anh Trí nằm trong khu cách ly. Anh Bửu Dõng làm y tá tại đó, xin cho tui ở lại để chăm nom anh Trí. Khoảng mươi bữa sau [chính xác là 12 ngày, từ 8 đến 20-9-1940], có xe hồng thập tự chuyển anh lên trại phung Quy Hoà. Lên đây, đầu tiên các soeur phụ trách bố trí anh nằm phòng tập thể, sau thì sắp xếp cho anh tĩnh dưỡng phòng riêng [phòng 2 người]. Hàng tuần, tôi đạp xe từ Quy Nhơn lên Quy Hoà để bới thức ăn bồi dưỡng cho anh, có thư từ hay sách báo chi thì đem luôn. Có lần đạp xe thả dốc, xe đứt phanh [thắng], cả tui với xe bay tòm xuống suối. Đồ ăn văng hết trơn. May mà xe chưa gãy! Tới hồi gặp anh, tui khai thiệt, anh lo lắng hỉ tui có bị thương không, biết nỏ hề hấn chi thì anh cười, chả màng tới chuyện ăn uống. Trong Quy Hoà, nhiều bệnh nhân cùi lở lói, chứ mô phải lành lặn như anh. Tui thấy ghê ghê, nhổ nước miếng thì anh cấm. Anh nói đừng làm rứa, vừa mất vệ sinh, vừa thiếu tôn trọng người bất hạnh. Ngày nọ, như thường lệ, bới đồ ăn vô Quy Hoà cho anh Trí, tui sững sờ khi nghe nói anh Trí chết rồi! Lạy chúa! Ba chân bốn cẳng, tui quýnh quáng đạp xe về nhà báo tin. Mai lại, bác gái cùng chị Lễ vô Quy Hoà, lúc nớ người ta đã tẩm liệm và chôn cất anh Trí. Cũng năm đó, năm 1941, tui trở lại quê nhà (giáo xứ Thanh Tân ở Phong Điềm, Thừa Thiên - Huế) sau gần 8 năm vào Quy Nhơn. Năm năm sau [1946], tui cưới vợ và dời ra Mỹ Chánh đây sinh sống.
 
Chúng tôi hỏi:
- Thấy ông Tín viết rằng thỉnh thoảng chú có vào Sài Gòn thăm, đúng không ạ?
 
Chú Hành lắc đầu:
- Từ năm 1941 tới chừ, tui chưa hề gặp mặt anh Tín. Tiền mô mà vô Sài Gòn? Ngay cả Quy Nhơn, tui rất muốn quay lại dù chỉ một lần để viếng mộ anh Trí mà cũng không có điều kiện!
 
Bà Phong, vợ ông Hành nói thêm:
- Mấy năm trước, ông nhà tui đổ bệnh lao phổi! May có sự giúp đỡ của cha xứ Hoàng Kính và bà con chòm xóm, gia đình mới đưa ông vô Bệnh viện Trung ương Huế nằm chữa chạy một thời gian...
 
Trước và sau chuyến chúng tôi thăm hỏi ông Hành, được biết cũng có một số người đi tìm “chú tiểu đồng” thuở nào của Hàn Mạc Tử. Ngày 14-3-1996, nhà giáo Mai Văn Hoan (người Quảng Bình và dạy tại trường THPT Quốc Học Huế) ra Mỹ Chánh gặp ông Phạm Hành rồi sau đó viết những dòng ghi nhận đăng trên tạp chí Cửa Việt số 45 (Quảng Trị, tháng 6-1998): “Phải đặt trong hoàn cảnh vào cái thời mà mọi người ai cũng sợ, không dám đứng gần người phong hủi mới thấy hết tấm lòng yêu thương của chú Hành đối với người anh con bác ruột đang cần được chăm sóc, an ủi. Con người vô danh ấy đã sống một cuộc đời bình lặng, âm thầm chịu đựng mọi bất hạnh, khó khăn, vất vả, thiếu thốn. Và hơn 60 năm trôi qua, con người ấy vẫn giữ nụ cười đôn hậu...”
 
Mới đây nhất, đêm Noel năm 2000, chúng tôi liên lạc bằng điện thoại từ TP. Hồ Chí Minh ra Quảng Trị để trao đổi với linh mục Phêrô Hoàng Kính - quản xứ Mỹ Chánh. Linh mục Kính cho hay:
 
- Thời gian qua, nhờ dăm bài báo viết về ông Phạm Hành nên lác đác có người đến thăm và có nghĩa cử giúp đỡ. Tuy nhiên, mọi sự chỉ mang tính chất... tượng trưng. Hoàn cảnh ông Phạm Hành, như anh biết đó, vẫn chưa thoát khỏi cơ cực, túng quẫn. Tội nghiệp! Biết làm cách chi cứu giúp gia đình “chú tiểu đồng” của Hàn Mạc Tử một cách thật hiệu quả bây chừ?
 
                                                                                        Phanxipăng
 
Nguồn:
https://www.thivien.net/B%C3%AD-m%E1%BA%ADt-H%C3%A0n-M%E1%BA%A1c-T%E1%BB%AD/a-reply-mz8hO4-xm_bQYO5dbc_rLg

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét