CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 17 tháng 6, 2021

VỀ CHỮ SĨ – Nguyên Lạc

 


I. VÀI HÀNG VỀ SĨ, KẺ SĨ
 
1. “Sĩ”“kẻ sĩ” tức là “trí thức”, chỉ chung những người chủ yếu lao động bằng trí óc, bao gồm: Nhân viên kỹ thuật, thầy thuốc, thầy giáo, cán bộ nghiên cứu khoa học, những người hoạt động văn học nghệ thuật như nhạc sĩ, họa sĩ, văn sĩ …
Những người này thường được gọi là phần tử “trí thức” (Intellectual); hình thành một đội ngũ, một tầng lớp trong xã hội.
Cũng có ý kiến cho rằng: Vì đặc điểm của “trí thức” là lao động trí óc như nói trên, nên “trí thức” bao gồm cả những người ở tầng lớp thống trị.
Thời quân chủ, chữ Hán gọi “trí thức” là “sĩ” , nhưng cũng gọi “quan” là “sĩ”, có điều chữ viết khác nhau một chút: Quan – “ (thêm bộ nhân đứng một bên). Cho nên “trí thức” và “quan” không xa nhau, thường nhập chung: Trí thức/ nho sĩ thi đậu thì làm quan.̣ (Thời nay không cần thi đậu cũng làm quan, nếu … có cần nói thêm không?- NL). Mạnh Tử gọi tầng lớp quan lại là người “lao tâm” còn người dân lao động là “lao lực” từ đó cho rằng “người lao tâm cai trị người khác, còn người lao lực thì bị người khác cai trị” (Lao tâm giả trị nhân, lao lực giả trị ư nhân – Mạnh Tử, Đằng Văn Công thượng).
 
2. Trong văn hoá, ngôn ngữ tiếng Việt các cụ ta dùng chữ “Sĩ” để ghép với nhiều ngành nghề, chức vụ trong xã hội.
Chữ “Sĩ” trong văn hoá, từ điển Hán – Nôm là một tính từ luôn được ghép với danh từ và nghề nghiệp. Hay chính xác hơn là từ để tôn xưng hay ca ngợi những người có phẩm hạnh hoặc có tài nghệ, có công sức đã và đang phục vụ cho xã hội. Ví dụ:
 
 Dũng sĩ, Võ sĩChỉ người có sức mạnh, võ thuật hay làm việc thiện , tiêu diệt cái ác bênh vực kẻ yếu
 Sĩ phu, Sĩ tử: Chỉ những người có tri thức, cũng như những người có kiến thức; chỉ học sinh
 Ca sĩ, Nghệ sĩ: Chỉ những người làm nghệ thuật. Những người dùng nghệ thuật, năng lực của mình để đóng góp và xây dựng xã hội.
 Bác sĩ, Y sĩ: Chỉ những người phục vụ trong ngành y, chuyên cứu chữa người bệnh; người học rộng .
 Binh sĩ, Chiến sĩ: Chỉ những người phục vụ trong quân đội, gìn giữ phục vụ Tổ quốc.
 
3. Thời xưa, thời quân chủ, sĩ/ quan thường tôn sư trọng đạo, hiếu kính cha mẹ. Một ông quan đang ngồi trên kiệu, thấy thầy mình đang đi trên đường vội vàng xuống kiệu khoanh tay cúi đầu. Có chuyện ông quan người Pháp phải xuống xe đi bộ một khoảng đường dài, tìm đến lớp học của thầy xưa đang dạy, đứng khoanh tay ớ bực cửa lớp chờ thầy cho phép mới dám vào thăm.
 
Cái chuyện “thời khủng long” đó không còn nữa, đã thay đổi rồi ở “thời tiên tiến” này. “Con người mới” trong nền “giáo dục mới” thì phải thay đổi, phải bỏ qua những điều “lạc hậu”. Chuyện đồn rằng: Có một ông quan to thời nay về làng xưa, đến trường hồi nhỏ mình học, triệu tập các thầy cô giáo rồi ngồi chễm chệ trên bàn chủ tọa phán: Ai là người dạy ta lúc trước hãy đứng lên!
Ghê chưa, chữ SĨ thời nay
 
II. PHÁT KIẾN VĨ ĐẠI
 
Về chữ SĨ thời “tiên tiến” nay, tôi có bài viết “Phát Kiến Vĩ Đại”. Dưới bài viết này, BS Nguyễn Ngọc Hiền có để lại một phản hồi lý thú nhận định về chữ SĨ xưa và nay (Xin xem phần dưới)
 
Phát Kiến Vĩ Đại
 
Truyện xảy ra khá lâu: Một nhà khoa học lúc còn nhỏ vì có lý lịch “tốt” – thuộc thành phần giai cấp “công nông” nên được “nâng đở”, tốt nghiệp trung học rồi “ưu tiên” lên đại học, sau đó được du học tại Liên Xô. Ông tốt nghiệp “danh dự”, về nước được “phong tặng” chức Chủ nhiệm Viện nghiên cứu khoa học.
Năm đó đất nước gặp thiên tai: Dịch Cào cào (Châu chấu), đồng ruộng bị chúng cắn phá, nông phẩm thất thu, dân đói.
Do dịch Cào cào (Châu chấu), nhà khoa học được nhà nước giao cho nhiệm vụ nghiên cứu con cào cào để tìm cách chống dịch.
 
Nhà khoa học tiến hành việc nghiên cứu như sau:
 Trước hết ông ghi chép cẩn thận hình dáng, màu sắc… con cào cào. Rồi ông bắt con cào cào bỏ lên bàn, vỗ bàn một cái, con cào cào phóng đi. Ông vội vàng gục gật đầu, ghi chép, ghi chép…
 Lần kế, ông ngắt râu con cào cào rồi vỗ bàn: Cào cào phóng đi. Ông lại ghi chép ghi chép… nhíu mày đầy suy tư.
 Những ngày sau ông tiếp tục quan sát và ghi ghi chép chép, nhíu mày suy tư…
 Hôm nọ, ông ngắt 2 càng (chân lớn) con cào cào rồi cũng vỗ bàn một cái: Con cào cào vẫn nằm tại chỗ. Ông vỗ thêm một lần nữa, cào cào vẫn nằm im…
Suy nghĩ một hồi… Chợt mặt sáng rỡ, ông la to lên:
Eureka, Eureka!…Tìm ra rồi, tìm ra rồi… [*]
 
Đây là Phát Kiến Vĩ Đại của ông ta ghi chép:
“Con cào cào trở nên ĐIẾC khi bị mất hai càng”
 
Nhà khoa học ta hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu cùng lời đề nghị với nhà nước: – Muốn không có dịch cào cào, ta phải tìm bắt chúng rồi bẻ 2 càng, chúng sẽ ĐIẾC, không nghe tiếng “rủ rê” nhau nên sẽ không bay thành đàn, do đó sẽ không có dịch.
Nhờ “phát kiến vĩ đại” đó nhà khoa học được tặng thưởng huân chương “Anh hùng lao động”.
…………………..

[*] Eureka: Ta đã tìm ra rồi! – (Lời của nhà khoa học Archimedes): Ông SĨ mới này muốn tỏ ra ta trí thức nên bắt chước nói theo Archimedes.
.
 
III. THƠ VỀ CHỮ SĨ, THI SĨ, TIẾU SĨ

1. Chữ Sĩ
 
“Tước hữu ngũ sĩ cư kỳ liệt
Dân hữu tứ sĩ vi chi tiên” [1]
 
Suy đi ngẫm lại thấy phiền
“Chi tiên” có chắc? Nhiều tiền sướng hơn
Sắc son rồi cũng rỉ mòn
Thiên kim: bỏ túi, nghĩa nhơn: đói nghèo [2]
 
Xứ đâu như xứ Đông Lào
Quan đâu như những tào lao quan mình
Nghĩ sâu mà tởm mà kinh
U minh “tự sướng” quang vinh hơn người
Không là khỉ cũng đười ươi
SĨ mà như thế đi đời nước Nam
…………………
 
Chú thích:
 “Chi tiên”: Là trước hết, đầu tiên.
[1] Ở Việt Nam xưa giới trí thức đó là giới sĩ phu, giới được nhà nho Nguyễn Công Trứ giới thiệu khá đầy đủ trong bài hát nói bất hủ của ông, bài Kẻ Sĩ:
 
KẺ SĨ
 
“Tước hữu ngũ sĩ cư kỳ liệt,
Dân hữu tứ sĩ vi chi tiên,
Có giang sơn thì sĩ đã có tên,
Từ Chu Hán vốn sĩ này là quí.
Miền hương đảng đã khen rằng hiếu nghị,
Đạo lập thân phải giữ lấy cương thường,
Khí hạo nhiên chí đại chí cương,
So chính khí đã đầy trong trời đất…”
 
Ý nghĩa của mấy câu hát nói này là:
 Trong xã hội xưa của nho gia, Sĩ chiếm địa vị vô cùng quan trọng. Nơi triều nội sĩ là một trong năm tước (thượng đại phu, hạ đại phu, thượng sĩ, trung sĩ, và hạ sĩ) Tước hữu ngũ (chức tước có 5) cũng có thể là: Công, hầu, khanh, tướng và sĩ .
 Ngoài xã hội Sĩ đứng đầu trong tứ dân (sĩ, nông, công, thương). Giới Sĩ là giới lãnh đạo. Người thuộc giới này là người có học thức, hiểu rộng, biết nhiều, và đặc biệt nhất là người rất mực đạo đức, có tâm hồn cao cả, có tinh thần sáng sủa, có tính khí cương cường. Thành ra đặc tính chung của giới trí thức có thể thu gọn trong 3 cụm từ ngữ: Kiến thức, đạo đức, và bất khuất.
 
[2] Ngày xưa, cha ông ta có câu đối như sau:
 
“Tiền tài như phấn thổ
Nhân nghĩa tựa thiên kim”
………

 phấn thổ: bụi đất
 thiên kim: ngàn vàng
 
Ca dao Nam Bộ cũng có nhắc tới:
 
“Tiền tài như phấn thổ
Nghĩa trọng tợ thiên kim
Con le le mấy thuở chết chìm
Người bạc tình bạc nghĩa kiếm tìm làm chi?”
 
 
2. Thi sĩ, Tiếu sĩ
 
 
Sau đây là bài thơ tôi viết về chữ SĨ:
 
Đời của Khỉ làm chi Thi Sĩ
Thi Sĩ chi lũ Khỉ đăng đàng
Thôi bạn ơi làm chi Thi Sĩ
Chữ nghĩa đâu bằng kẻ làm càn
 
Làm Thi Sĩ khổ hơn Điếm Sĩ
Ôm hận lòng thế sự hỗn mang
Ta nhất quyết không làm Thi Sĩ
Mặc các ông khóc nỗi điêu tàn
 
Bạn ta đó vài ông Thi Sĩ
Khóc hận sầu cuộc thế đa đoan
Thế sự đó mượn màu son phấn
Trãi lòng chi đau sót tâm can?
 
Đời của Khỉ kể chi chữ Sĩ?
Chữ nghĩa đâu bằng kẻ làm càn
Ta chỉ thích làm tên Tiếu Sĩ (*)
Cười ngạo đời thế sự tân toan
 
..........
 
(*) Vài hàng về Tiếu Sĩ:
Chuyện rằng:
Có một ông vua thời Đông Châu Liệt Quốc (lâu quá quên không nhớ Tề,Tấn hay Triệu?) thích xem tướng số và bói toán. Một bữa nọ khai triều, ông ta phán:
– Trẫm đã nghiên cứu và biết rằng những người Nhân trung dài sẽ sống thọ! Nhân trung dài một thốn (một lóng tay) sẽ sống lâu trăm tuổi!
Lũ khỉ triều thần tung hô:
– Minh triết, mình triết! Bệ hạ đúng là thần thông không ai sánh bằng!
Có tên hề [Tiếu Sĩ – Thuần Vu Khôn (?)] bật cười vang lên.
Vua trợn mắt mắng :
– Phạm thượng! Vô lễ! Nếu người không giải thích rõ tại sao người cười, ta sẽ cho người “không còn đầu đội mão”
– Muôn tâu, Bệ Hạ nói sống một trăm tuổi thì Nhân Trung dài một Thốn; ông Bành Tổ sống lâu bảy trăm tuổi, chắc mặt ổng ” đẹp dzai” lắm nên hạ thần không thể nào không cười!
Ông vua “quê độ” truyền bãi triều. Và từ đó ông không coi tướng số nữa.
 


@. PHỤ LỤC
 
Xin ghi ra đây comment lý thú của BS Nguyễn Ngọc Hiền về mục “Phát Kiến Vĩ Đại” của tôi:
 
 Đọc qua “Công trình Nghiên cứu Khoa học” (NCKH) này chắc mọi người mĩm cười cho là chuyện đùa. Thế mà nó vẫn xảy ra ngày nay! Này nhé, bạn đã từng đọc báo và xem VTV ca ngợi một “công trình NCKH” của một GS BS: “Điều trị ung thư vú giai đoạn cuối bằng phương pháp chích tế bào gốc” thành công. Đây là công trình độc đáo của VN vì trên thế giới chưa ai làm được. Nội dung nghiên cứu: có một bệnh nhân bị ung thư vú giai đoạn cuối đã mổ, hoá trị … Nhưng bệnh nhân nặng, suy kiệt, thiếu máu không thể tiếp tục hoá trị. Nhà nghiên cứu bèn tách tế bào gốc (stem cell) trong máu của bệnh nhân truyền cho bà ta. Sức khoẻ bệnh nhân khá lên, hồng cầu tăng, có thể tiếp tục hoá trị đủ liều. Bệnh nhân được xuất viện về nhà (sau đó thế nào thì không biết). GS BS kết luận: đã điều trị thành công ung thư vú giai đoạn cuối bằng tế bào gốc!

Bạn thấy có giống công trình NCKH về con cào cào kể trên không?
Chưa hết, bây giờ còn có những NCKH “ghê gớm” hơn: dạo năm ngoái báo đăng (cũng có lên TV) GS BS của ta tuyên bố sau khi đi Nhật học và cùng nghiên cứu với GS Nhật (một trong hai GS được giải Nobel Y học 2018) đã tìm ra pp chữa ung thư nhắm trúng đích. Nhưng xem lại thì đây là công trình của hai ông, một Mỹ, một Nhật theo đuổi nhiều năm. Vị GS của ta chỉ “tham quan học tập” với GS Nhật một thời gian ngắn.

Mới đây vài hôm, một GS BS được vinh danh vì đưa ra một phương pháp mới “Phẫu thuật nội soi tuyến giáp” được cho là người đầu tiên thực hiện này, và pp được đặt tên “pp Dr. X”. Nhưng ông Google chỉ ra rằng ở mấy nước kém hơn như Pháp, Mỹ BS đã thực hiện phẫu thuật nội soi tuyến giáp trên 20 năm rồi, người ta đã viết thành sách rồi, nhưng ngày nay họ ít làm (có lẽ không “tuyệt vời” như báo đài ta ca ngợi)…
 
                                                                                   Nguyên Lạc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét