CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 23 tháng 6, 2021

BẮC NINH THI THOẠI (KỲ 6) - Nguyễn Khôi

 

Bắc Ninh thi thoại của Nguyễn Khôi (Đình Bảng) đã tái bản nhiều lần ở Việt Nam, độc giả trong và nước đánh giá cao giá trị nghệ thuật của tác phẩm này. Xin trích một số chương giới thiệu cùng bạn đọc.
 

Tập II
(Phần ngoại biên)
Tặng người em đồng hương – Tiến sỹ Nguyễn Văn Hoa

Bài 4:
THĂM HÀN SAN TỰ
 
Đến Tô Châu ai cũng háo hức đi thăm Hàn Sơn Tự. là ngôi chùa do Thiền sư Hy Thiên, pháp danh là Hàn Sơn Tử Giả xây vào khoảng năm Thiên Giám đời Lương, thuộc Nam Triều (Thế Kỷ Vl), tại trấn Phong Kiều bên ngoài Xương môn, phía tây thành Cô Tô (Nay là Tô Châu). Thiền Sư lấy tên hiệu (pháp danh) của mình đặt tên cho chùa “Hàn Sơn Tự” để làm kỷ niệm. Từ đây thiền sư lại vân du đi chơi núi Lạnh (Hàn San) đó là núi Thiên Thai (nơi sinh ra dòng tu Thiên Thai Tông) kết bạn với Thiền sư Thập Đắc Phong Can. Bức hoành phi với bốn chữ đại tự “Hàn Sơn Thập Đắc” có nghĩa là chùa Hàn Sơn lấy tên hai người là Hàn Sơn và Thập Đắc mà lưu danh.
Trải qua nhiều biến động của các triều đại, chùa Hàn San bị binh lửa đời Thanh đốt cháy (năm 1860), đến năm Quang Tự thứ 3 (1904) chùa được xây dựng lại với quy mô dáng dấp như còn thấy ngày nay, gồm có: Đại điện, Tàng kinh lâu (lầu chứa kinh), Chung lâu (lầu chuông), Phong giang lâu (lầu ngắm rừng phong bên sông), bi lang (hành lang đặt bia). Điều thú vị là trong sân chùa có đặt tượng thi sĩ Trương Kế, mà theo tục lệ: các tao nhân mặc khách tứ xứ đến viếng chùa ai nấy đều tới vuốt nhẹ vào bàn tay pho tượng với ước nguyện để được tăng thêm nội lực, được chia sẻ một chút hồn thơ… đồng thời trong chùa còn giữ nhiều cổ vật quý giá, trong đó có tấm bia khắc bài thơ nổi tiếng Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế đời Đường (khoảng trước năm 754).
 
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hoả đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn San Tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.
 
Dịch thơ:
 
Trăng tà, tiếng qụa kêu sương
Lửa chài, cây bến sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.
                                    Nguyễn Hàm Ninh

(Trước đây cho là của Tản Đà dịch)

Dịch “Thuyền ai đậu bến Cô Tô” là dịch thoát ý, dịch đúng phải là:
 
Trăng lặn, sương mờ, nghe tiếng quạ
Lửa chài cây ánh, giấc chưa yên
Cô Tô bên mái Hàn San Tự
Đêm muộn chuông ngân vẳng đến thuyền.
                                        Bùi Khánh Đản
 
Quạ kêu, trăng xế, sương tuôn
Lửa chài cây bến, giấc buồn ngó nhau
Chùa Hàn San mé Tô Châu
Nửa đêm bỗng tiếng chuông đâu đến thuyền.
                                                       Hoài Anh
 
Sự ra đời của bài thơ: theo giai thoại thì Trương Kế người Tương Châu một lần đi thi trượt (tiến sỹ), theo dòng Vận Hà bắc nam,đêm đỗ thuyền ở bến Phong Kiều (bến Cây Phong) bên chùa Hàn San (Hàn San đây là tên chùa, chứ không có núi Lạnh như một số dịch giả suy diễn qua văn bản thơ… vào thời bấy giờ (đời Đường) người ta có “phân dạ chung” (chuông chia đêm) đánh vào lúc nửa đêm… Thi Sỹ buồn (vì thi trượt) nằm trong thuyền chập chờn bên ngọn lửa của ngư ông(lão đánh cá) giữa trời sương, trăng lặn lảnh tiếng quạ kêu cùng tiếng chuông chùa Hàn San nửa đêm vọng tới… tức cảnh sinh tình, Trương Kế hạ bút hồn cất cánh thơ để lại một Phong Kiều Dạ Bạc lưu truyền hậu thế. Cũng nhờ có thơ Trương Kế mà Hàn San Tự trở nên nổi tiếng hấp dẫn khách năm châu bốn biển được các thi nhân viếng thăm đề vịnh. Xin dẫn một vài ví dụ với đôi câu thơ hay Ô đề nguyệt lạc kiều biên tự (Quạ kêu trăng xế chùa bên cầu) Tần Thục – đời Tống. Lãnh tận Hàn San cổ tự phong (Lạnh đến cả cây phong bên chùa cổ Hàn San) Khang Hữu Vi – đời Thanh Còn một điều cực kỳ thú vị nữa là: theo Giáo sư Kiều Thu Hoạch thì thơ Trương Kế không chỉ ảnh hưởng đến thơ Việt (kể cả nhạc Văn Cao) mà còn ảnh hưởng đến cả đời sống văn hoá – ngôn ngữ của người Việt. Số là cái bát canh mà ở Bắc Việt hiện nay vẫn gọi là “bát ô tô”, Nam Việt gọi là “tô” thì Đại Nam Quốc Âm tự vị (Sai Gon – 1895) của Paulus Của giải thích là “bát thành Cô Tô làm ra, bát lớn mà khéo”. Tuy nhiên ý kiến của Paulus Của chỉ đúng một nửa. Theo ý kiến của giới ngôn ngữ học thì đó chỉ là cái bát có vẽ cảnh Cô Tô theo ý thơ “Cô Tô thành ngoại Hàn San Tự”. Người Bắc Việt nhân đó gọi là bát Cô Tô, rồi gọi chệch là “bát ô tô”, còn dân Nam Việt gọi tắt là “bát tô”, rồi “tô”. Xem thế, đủ thấy sức lan toả về mặt văn hóa của một kiệt tác văn học quả là sâu rộng lắm thay! Tô Châu
 
                                                                                   Nguyễn Khôi
                                                                                  Hà Nội 6-2006
 
Bài 5:
DỊCH SAI
 
Xưa nay không thiếu gì chuyện “dịch sai”.
Có hai lý do:
. Một là do người dịch không hiểu ý tác giả hoặc là vốn chữ nghĩa (cả hai phía ngôn ngữ) không đủ…
. Hai là người dịch kiến thức uyên bác nhưng cố tình dịch sai với một ý đồ riêng (xuyên tạc để phục vụ chủ ý của mình); cũng không ít trường hợp “dịch sai” mà lại thành “hay” rất được phổ biến, để người đời tưởng đó là thật, cứ dùng, không chấp nhận bản “dịch đúng nguyên tác” – xin ví dụ :

1.  Trong bài MINH LƯƠNG (vua sáng tôi hiền) của vua Lê Thánh Tông,câu 3 + 4 là:
 
Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo
Vũ Mục hung trung liệt giáp binh
 
Dịch đúng là:
 
Văn chương Nguyễn Trãi lòng soi sáng
Binh giáp Lê Khôi bụng chứa đầy
 
Dịch sai là:
 
Ức Trai lòng sáng tựa sao khuê…
 
Ở đây Lê Thánh Tông chỉ khen ngợi (Nguyễn Trãi) về mặt tài năng, chứ không nói về nhân cách. “Khuê tảo” là một từ kép đối với “binh giáp”. “Khuê” là ngôi sao chủ về văn chương, “tảo” là một loại rong rêu có mầu sắc đẹp đẽ, do đó  “khuê tảo” là văn chương đẹp đẽ; nếu chỉ dịch là “sao khuê” tức là bỏ từ “tảo” một cấu thành của từ kép “khuê tảo” là làm lạc mất nghĩa của từ kép này. Lý do: Vua cháu (Lê Thánh Tông) khi minh oan cho Nguyễn Trãi (sau vụ án Lệ Chi Viên) cũng chỉ phong tặng cho là tước Trụ Quốc Tán Trù Bá (kém cái tước Quan Phục Hầu mà vua ông (Lê Thái Tổ) đã ban, là vì “Trẫm phải có trách nhiệm giữ gìn uy tín của triều trước (ông cha)”… Với cách dịch ví sánh Nguyễn Trãi với sao khuê chỉ thấy xuất hiện đầu tiên trong sách Nguyễn Trãi (nhà xuất bản sử học 1963) và trong quyển “Mấy vấn đề sự nghiệp và thơ văn Nguyễn Trãi” (nhà xuất vản khoa học 1963). Nhờ lời dịch sai như trên lại đem đến cho đời một lời bình phẩm sáng giá, một hình ảnh rạng tỏa về con người Nguyễn Trãi. Có lẽ vì thế mà lời dịch, lời thơ dễ được thiên hạ chấp nhận? (lời dịch sai đã đi vào tâm thức của nhân dân).
 
2. Về bài “Tân Xuất Ngục Học Đăng Sơn” (mới ra tù tập leo núi):
 
Vân ủng trùng sơn, sơn ủng vân
Giang tâm như kính tịnh vô trần
Bồi hồi độc bộ Tây phong lĩnh
Dao vọng Nam thiên ức cố nhân.
 
Nam Trân dịch:
 
Núi ấp ôm mây, mây ấp núi
Lòng sông gương sáng bụi không mờ
Bồi hồi dạo bước Tây phong lĩnh
Trông lại trời Nam, nhớ bạn xưa.
 
Với bút danh T.Lan (Hồ Chí Minh) tác giả đã dịch đúng là:
 
Mây ôm núi, núi ôm mây
Lòng sông sạch chẳng mảy may bụi hồng
Bùi ngùi dạo đỉnh Tây phong
Trông về cố quốc chạnh lòng nhớ ai.
 
“Ức cố nhân” = nhớ ai, đây là người yêu của Anh Ba (Nguyễn Tất Thành).
 
3. Chữ Hán dịch bằng 2 chữ Việt chứa đủ cả Ý, Tình, Sự – Hồ Chí Minh quả là một thi sỹ tài hoa,sử dụng cả hai thứ ngôn ngữ Việt – Hoa vào loại bậc thầy. Giỏi như Nam Trân(1907-1967) 12 tuổi đã thông Hán văn trường Ốc,rồi đỗ Tú tài,làm tới Tá Lý Bộ Lại(trước 1945) sau này làm viện phó viện văn học,tác giả nổi tiếng với tập thơ “Huế đẹp và thơ”… Thế mà so về Thơ(Thi tài) xem ra còn thua Hồ Chí Minh 1 bậc – tuyệt vời thay!
 
                                                                   Nguyễn Khôi
                                                     Góc thành Nam Hà Nội 5-4-2006
 
Bài 6:
ĐẾN HẠNH HOA THÔN UỐNG RƯỢU
 
Ai yêu thơ Đường mà lại không thuộc bài THANH MINH của Tiểu Đỗ (Đỗ Mục, đỗ tiến sĩ năm 828):
 
Thanh minh thời tiết vũ phồn phồn
Lộ thượng hành nhân dục đoạn hồn
Tá vấn tửu gia hà xứ thị
Mục đồng dao chỉ Hạnh Hoa thôn
 
Dịch:
 
Thanh minh lất phất tiết mưa phùn
khiến khách đường xa thấm nỗi buồn
“Quán tửu đâu đây?… nhờ mách hộ”
Mục đồng xa chỉ: “Hạnh Hoa thôn!”
                       (Khương Hữu Dụng)
 
Thanh minh lất phất mưa phùn
khách đi đường muốn đứt hồn…xót xa
hỏi thăm”- Quán rượu đâu à?
trẻ chăn trâu chỉ: “Hạnh Hoa thôn kìa”!
 
Bài thơ bất hủ đã nghìn năm, ngày xuân các nhà thơ hay đàn đúm rủ nhau đi uống rượu quê, lúc đương líu ríu dìu nhau tìm nơi tửu quán thường ngâm vang lên bài thơ trên. Vậy, Hạnh Hoa thôn trong thơ Đỗ Mục là ở đâu? Để cho khách lãng du “tá vấn” tửu gia?
 
Ở bên Tầu cũng như bên ta, cái thôn Hạnh Hoa (Xóm Hoa Hạnh) đâu có ít, có khác nào rượu làng Vân, làng Mai, xóm cây Phượng, cây Gạo… Đến “Biệt điện Bảo Đại” cũng có ở bốn năm nơi kia. Người viết bài này, cũng đã có phen đến “Quán cây Phượng” ở Phan Thiết ẩm tửu để rồi viết trong lúc say:
 
Đêm Phan Thiết biển thì thầm to nhỏ
ta tựa kề bên Phượng uống lân khân
57 năm xưa Hàn Mặc Tử
lầu ông Hoàng kia ngồi với Mộng Cầm…
 
Bài thơ trôi nổi cùng bạn bè sang mãi New York, Cali… Mỗi khi sa đà vào thơ và quán rượu – kể cũng là cái thú của nghiệp thi ca.
 
Còn Hạnh Hoa thôn ở bên Tầu, theo các nhà khảo cứu Trung Hoa thì có đến 3 nơi:
 
. Một là, ở huyện Phần Dương, tỉnh Sơn Tây – nơi đấy có rượu ngon nổi tiếng.
. Hai là, ở phía tây huyện thành Quý Trì, tỉnh An Huy; năm 844 Đỗ Mục từng giữ chức Thích Sử tại đây, cũng có Hạnh Hoa thôn nổi tiếng về rượu.
. Ba là, ở phía đông nam huyện Phong, tỉnh Giang Tô – nơi Đỗ Mục từng qua lại nhiều lần. Nơi đây Tô Đông Pha (đời Tống) cũng đã từng có đến đây uống rượu và có thơ để lại.
 
Chao ôi, thơ và rượu mà lại là rượu nơi xóm quê dân giã, còn gì ấm lòng hơn khi “một chén rượu uống trong chiều lạnh cóng” cùng ai đó ngồi bên bếp lửa bập bùng giữa một trời mưa phùn với hoa Hạnh hoa Mai, tửu nhập thơ xuất là vậy!
 
                                                          Nguyễn Khôi
                          Góc thành Nam Hà Nội một chiều Đông, 5-12-2006
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét