CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Bảy, 8 tháng 7, 2023

ĐỌC “DỐC HOA VÀNG, NHỚ CẬU”, thơ Nguyễn Đại Hoàng - Châu Thạch


    
           Nguyễn Đại Hoàng đang phát biểu 
              tại diễn đàn Quán Văn                                       
 
          
DỐC HOA VÀNG - NHỚ CẬU
 
Tôi vẫn thấy- người về dốc thẳm
những mù sương Đà Lạt ngàn năm
những nụ cười im lặng xa xăm
những trang viết mang hồn đất nước…
 
Người ra đi – thơ còn xuôi ngược
để gởi tình yêu – gởi cuộc đời
những bài thơ tháng năm vẫn đợi
hoa quỳ vàng vời vợi cố nhân…
 
Hồn quê cũ mẹ hiền vương vấn
nếp nhà xưa mấy bận bâng khuâng
nhớ Nguyễn Hoàng - nhớ nắng Hải Lăng
mây trắng - nhớ tài hoa Quảng Trị
 
Tôi vẫn thấy người trên vạn lý
Hồ Xuân Hương lặng lẽ chiều buông
dốc hoa vàng
người đứng trong sương…
 
                            Nguyễn Đại Hoàng
 
 
ĐỌC “DỐC HOA VÀNG- NHỚ CẬU”, thơ Nguyễn Đại Hoàng                                                                                            Châu Thạch
  
Tôi chỉ mới biết nhà thơ Nguyễn Đại Hoàng gần đây. Tôi biết ông qua những bài tùy bút viết về thơ trên trang facebook có tên Anh Dung Hoang.
 
Phải nói tuy mới biết ông, nhưng tôi vô cùng ái mộ bởi bài viết của ông ngắn gọn, súc tích, chính xác và trí tuệ.
 
Hôm nay lại được đọc bài thơ ông viết để tưởng nhớ cậu ruột của mình, nhà thơ, nhà dịch giả, triết gia Đỗ Tư Nghĩa, cũng là một đồng môn mà tôi hằng cảm phục, khiến tâm hồn tôi như gặp, cảm xúc trong tôi như gần với cảm xúc trong thơ.
 
Chỉ cần đọc câu thơ đầu tiên “Tôi vẫn thấy - người về dốc thẳm” ta đủ tưởng tượng một khung trời buồn, một con dốc hút xa tầm mắt, và bóng người về mỗi lúc một hiện gần hơn.
 
Rồi thì “những mù sương Đà Lạt ngàn năm” định vị cho ta biết ngay, bóng người đi trong khung trời Đà Lạt sương mờ. Đà Lạt không sương mờ bây giờ, nó sương mờ từ ngàn năm trước.
 
Câu thơ kéo hình ảnh người đi như đi từ quá khứ xa xăm để về trên con dốc dài muôn dặm.
 
Từ hình ảnh người đi, tác giả cho ta liên tưởng ngay đến con người và sự nghiệp của con người đó.
 
“Những nụ cười im lặng xa xăm” phải chăng muốn mô tả bóng dáng của một hiền nhân suy tư trong im lặng và thỏa lòng với nụ cười chân thiện khi ngộ một vấn đề nan giải.
 
Đúng vậy, câu thơ “Những trang viết mang hồn đất nước…” cho ta biết người viết về những điều to lớn, ngang tầm đất nước, quê hương.
 
Vậy thì, đọc khổ thơ đầu, nếu nghĩ gần, ta thấy nhà thơ tả hình ảnh một người trí thức đi trên con dốc, dưới sương mờ Đà Lạt.
 
Đúng thế, nhưng nếu nghĩ xa hơn, ta sẽ thấy đàng sau những thước phim thực tế kía, có những ẩn ý sâu xa về thân phận, về cuộc sống âm thầm, ẩn dật, suy tư, lặng lẽ và miệt mài trên con đường đời, để đi tới lý tưởng mà Đỗ Tư Nghĩa, người cậu ruột của nhà thơ đã sống trên khung trời Đà Lạt sương mờ.
 
Qua khổ thơ thứ hai hiện rõ thêm việc làm và nhân cách của nhân vật trong thơ:
 
Người ra đi – thơ còn xuôi ngược
để gởi tình yêu – gởi cuộc đời
những bài thơ tháng năm vẫn đợi
hoa quỳ vàng vời vợi cố nhân…
 
Câu thơ “Người ra đi - thơ còn xuôi ngược” chứng tỏ người đó lao động trí óc suốt một đời.
 
Thành quả lao động trí óc của người đó dâng cho đời nhiều lợi ích đến nổi thơ vẫn còn xông xáo khi người ấy đã ra đi.
 
Di cảo của người ấy còn những bài thơ đẹp như “hoa quỳ vàng” vời vợi chờ cố nhân.
 
Cố nhân đây không phải chỉ là người tình, mà còn là tri kỷ từng gặp kiếp nầy, tri kỷ chưa gặp trong đời này nhưng có duyên từ kiếp trước, sẽ gặp trong thơ ở “Tam bách dư niên hậu” biết đâu.
 
Khổ thơ thứ hai làm cho sống động nhân vật trong thơ, dựng lên hình tượng cao thương trong tình yêu, trong cuộc đời, đem hoa quỳ Đà Lạt vào thơ bằng hình ảnh “Hoa quỳ vàng vời vợi cố nhân” làm hóa hình thơ của Đỗ Tư Nghĩa đẹp vô vàn trong khung trời Đà Lạt mộng mơ.
 
Khổ thơ thứ ba sơ lược tiểu sử đời người:
 
Hồn quê cũ mẹ hiền vương vấn
nếp nhà xưa mấy bận bâng khuâng
nhớ Nguyễn Hoàng– nhớ nắng Hải Lăng-
mây trắng - nhớ tài hoa Quảng Trị
 
Nhà thơ, dịch giả, triết gia Đỗ Tư Nghĩa để lại cho đời một gia tài văn chương, triết học đồ sộ, những bản dịch của ông quý giá cho đời.
 
Đọc tiểu sử đời ông không khác chi loài hoa Hoàng Lan, biểu tượng cho sức sống mạnh mẽ, tràn trề, tựa như ngôi sao tỏa sáng rực rỡ.
 
Ông viết và viết, mang đến cho đời niềm vui trí tuệ, cho diễn đàn văn học nước nhà những tác phẩm hữu ích cho đời.
 
Đỗ Tư Nghĩa sinh tại Quảng Trị, lớn lên từ ngôi trường Hải Lăng, trung học Nguyễn Hoàng Quảng Trị, sau đó trường đại học và trường đời.
 
Mẹ và quê chắc chắn ở trong con tim nhiều cảm xúc kia, tất nhiên nhớ mẹ, nhớ quê, nhớ ngôi trường là điều phải có.
 
Nhớ nắng Hải Lăng, mây trắng là hình ảnh của tuổi thơ với bầu trời của mình, nhớ tài hoa Quảng Trị là nhớ bạn bè thân thương trong tuổi học trò.
 
Đất Quảng Trị nghèo khó, nắng cháy mưa dầm nhưng người Quảng Trị rất tài hoa và phong nhã.
 
Qua khổ thơ thứ tư, tiếng thơ lắng xuống nhẹ nhàng, êm ái, hình ảnh nhạt nhòa, thơ mộng trong bầu trời trầm lắng, trong con dốc thăm thẳm nhưng đầy hoa vàng, làm cho người đi tồn tại kỳ vĩ trong khói trong sương:
 
Tôi vẫn thấy người trên vạn lý
Hồ Xuân Hương lặng lẽ chiều buông
dốc hoa vàng
người đứng trong sương…
 
“Vạn lý” có nghĩa là rất dài, còn có nghĩa là muôn dặm như Vạn Lý Trường Thành.
 
Vậy Nguyễn Đại Hoàng thấy cậu mình trên vạn lý là thấy hoài trong tâm tưởng, thấy hình ảnh tồn tại trong dòng sông ký ức của mình.
 
Nhà thơ nhớ cậu khi cậu đứng bên Hồ Xuân Hương, khi đi trong sương trên dốc hoa vàng.
 
Tất cả những hình ảnh thân thương đó không duy là nỗi lòng của người cháu nhớ cậu mà là bản trường ca truy điệu, đại diện cho nhân sĩ thời đại nầy nhớ thương một nhân sĩ đã ra đi khuất bóng dốc hoa vàng, còn chăng là ảo ảnh trong sương mờ Đà Lạt, ẩn hiện trong mắt thi nhân vì thương nhớ.
 
Bài thơ “Dốc Hoa Vàng- Nhớ Cậu” của Nguyễn Đại Hoàng viết về một ảo giác giữa mù sương Đà Lạt, ảo giác đó mang hình ảnh thật nằm sâu trong ký ức, hằn lên những kỷ niệm thân thương về một nhân vật tài hoa đi về trên con dốc có hoa vàng, bên cạnh Hồ Xuân Hương. Nhân vật đẹp như thơ và bài thơ như mộng!
 
                                                                                      Châu Thạch

1 nhận xét: