CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 31 tháng 7, 2023

ĐỌC LẠI Ý THỨC MỚI TRONG VĂN NGHỆ VÀ TRIẾT HỌC CỦA PHẠM CÔNG THIỆN (1) - Nguyên Lạc


 Phạm Công Thiện
 
VỀ PHẠM CÔNG THIỆN

1. Tiểu sử Phạm Công Thiện:
Phạm Công Thiện ra đời (01/6/1941) bên dòng Cửu Long thơ mộng, khởi đi từ cao nguyên Tây Tạng ngút ngàn chảy xuống dọc ven bờ phố thị Mỹ Tho, một thị xã nhỏ nhắn, lặng lẽ hiền hòa ở miền Nam.
Ông xuất hiện trên văn đàn Việt Nam như một thần đồng, một thiên tài lỗi lạc biết nhiều thứ tiếng Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hán, Phạn, Pali, Tây Tạng, Tây Ban Nha…
 
– Năm 1957, mới 16 tuổi đã xuất bản tự điển Anh ngữ Tinh âm – 19, 20 tuổi viết “Ý thức mới trong văn nghệ và triết học” – 23 tuổi, viết “Tiểu luận Bồ Đề Đạt Ma” – 25, 26, 27 tuổi, viết “Hố thẳm tư tưởng, Im lặng hố thẳm, Ý thức bùng vỡ, Bay đi những cơn mưa phùn, Ngày sinh của rắn, Mặt trời không bao giờ có thực, Nikos Kazantzaki, Rainer Maria Rilke, Henry Miller” và dịch thuật từ tiếng Anh, tiếng Đức những tác giả vĩ đại Krishnamurti, Nietzsche, Heidegger, Rainer Maria Rilke, Nikos Kazantzaki … làm chấn động toàn thể giới văn nghệ sĩ trí thức Sài Gòn miền Nam thời bấy giờ.
– Đầu năm 1964, ông chuyển ra Nha Trang sống để an dưỡng sau một cuộc “khủng hoảng tinh thần”. Tại đây ông quy y ở chùa Hải Đức, lấy pháp danh Nguyên Tánh. Một thời gian sau ông lại về Sài Gòn.
 
– Từ 1966 đến 1970 khi Phạm Công Thiện làm Khoa trưởng Văn khoa Đại học Vạn Hạnh, đồng thời là giám đốc soạn thảo Chương trình giảng dạy cho tất cả các phân khoa Xã hội Nhân văn và chủ biên tạp chí Tư Tưởng: Bùi Giáng, Tuệ Sỹ, Hoài Khanh, Lê Mạnh Thát, Nguyễn Đăng Thục, Ngô Trọng Anh, Thạch Trung Giả, Trúc Thiên, Lê Tôn Nghiêm, Doãn Quốc Sỹ, Nghiêm Xuân Hồng, Trần Ngọc Ninh, Phạm Thiên Thư, Trần Xuân Kiêm, Nguyễn Hữu Hiệu, Thích Nữ Trí Hải cũng có mặt ở đó thường xuyên; họ là những cây bút cốt cán, nền móng trong tạp chí Tư Tưởng, tiếng nói của Viện Đại học Vạn Hạnh ở Sài Gòn, do Thượng tọa Thích Minh Châu làm Viện trưởng.
Nhà thơ đã từng đi giang hồ tứ chiếng, ngao du sơn thủy nhiều nơi qua Paris, London, New York, Washington – từng diện kiến, tiếp xúc với những nhân vật kiệt xuất nổi danh trên thế giới như Krishnamurti, Henry Miller.
Từ năm 1970, ông rời Việt Nam chuyển sang sống ở Israel, Đức, trụ lại lâu dài tại Pháp – tốt nghiệp Tiến sĩ Triết học tại đại học Sorbone – giảng dạy triết học Tây phương tại đại học Toulouse (Pháp).
Năm 1983, định cư ở Los Angeles (Hoa Kỳ) giữ chức giáo sư Phật Giáo viện College of Buddhist Studies – tiếp tục viết sách – phần lớn nghiên cứu về đạo Phật.
Ngày 8/3/2011 (mùng 04 tháng Hai năm Tân Mão), ông qua đời tại thành phố Houston, Texas, Hoa Kỳ, hưởng thọ 71 tuổi.
(Còn đó một góc trời – Phan Văn Thạnh)
 
2. Viết về Phạm Công Thiện:
 
– Nguyễn Hưng Quốc
Trước năm 1975, ở miền Nam, chắc chắn ông là một tác giả thuộc loại ăn khách nhất. Không phải nhà văn ăn khách nào cũng được ngưỡng mộ. Nhiều nhà văn chuyên viết truyện cho lứa tuổi mới lớn, lứa tuổi thời đó thường gọi là tuổi mộng mơ hay tuổi thích ô mai, hẳn cũng được tìm đọc một cách thích thú. Nhưng thích thú không hẳn là ngưỡng mộ. Và không phải sự ngưỡng mộ nào cũng đủ mạnh để có thể được nhìn thấy như một phong trào. Chỉ giới hạn trong số những người cầm bút có tính phi-hư cấu (non-fictional), Nguyễn Hiến Lê, chẳng hạn, có lẽ cũng nhận được ngưỡng mộ của nhiều người thuộc nhiều thế hệ khác nhau. Nhưng hầu hết những sự ngưỡng mộ ấy đều khá chừng mực và lặng lẽ. Chỉ dừng lại ở phạm vi cá nhân. Mỗi lần bước vào hiệu sách, thấy tác phẩm mới của ông, người ta mua ngay, rồi về nhà âm thầm đọc. Rồi thôi. Với Phạm Công Thiện thì khác. Sự ngưỡng mộ của người đọc thường được bộc lộ một cách rất nồng nhiệt và sôi nổi. Biến thành những lời trầm trồ, bàn tán, khen ngợi ở khắp nơi.
Tôi không biết trong nửa sau của thập niên 1960, sau khi những cuốn sách đầu tiên của Phạm Công Thiện được xuất bản và bán chạy ào ào, phản ứng của người đọc như thế nào, chứ vào đầu thập niên 1970, khi tôi học những năm cuối cùng của cấp 2, và đặc biệt, khi bước vào cấp 3, thì hầu như trong đám bạn trai cùng lớp của tôi, đứa nào cũng mê Phạm Công Thiện. Nhiều đứa, rất nhiều đứa, đi học, lúc nào cũng kè kè mang theo một cuốn sách nào đó của Phạm Công Thiện; chuyện trò, cứ lôi Phạm Công Thiện ra nói; viết bài cho mấy tờ bích báo trong lớp hay đặc san trong trường, thế nào cũng lòi ra đôi ba câu mang hơi hướm Phạm Công Thiện.
Nhớ, thời ấy, thoạt đầu tôi cũng chia sẻ với bạn bè sự say mê đối với Phạm Công Thiện. Nhưng rất nhanh sau đó, tôi lại thấy có cái gì như lúng túng. Tôi để ý thấy, trong đám bạn học của tôi, những “fan” nồng nhiệt nhất của Phạm Công Thiện thường có một số đặc điểm khá giống nhau: một, học không có gì xuất sắc lắm; hai, cách ăn nói hơi… tàng tàng; và ba, ở dơ, tóc tai thì bù xù, quần áo thì bẩn thỉu, người ngợm thì rất hiếm khi được tắm rửa. Dần dần, tôi cố giấu sự say mê của mình. Có đọc Phạm Công Thiện thì cũng đọc “lén” ngoài tầm nhìn của bạn bè.
Dĩ nhiên, cần nói ngay, những “đặc điểm” nêu trên chỉ giới hạn trong phạm vi hoàn toàn cá nhân, trong mấy lớp cuối cùng của bậc trung học của tôi mà thôi. Ở những nơi khác, chắc chắn là Phạm Công Thiện có những độc giả biết rút tỉa từ ông những gì tinh túy nhất mà ông muốn gửi gắm và truyền đạt qua những trang viết lúc nào cũng hừng hực ngọn lửa của trí tuệ và nhiệt tình.
Điều đặc biệt là sự ngưỡng mộ của nhiều người đối với Phạm Công Thiện không hề chấm hết sau năm 1975. Ở hải ngoại, nhiều người vẫn tiếp tục đọc Phạm Công Thiện, đã đành. Ở trong nước, nhiều người, đặc biệt trong giới cầm bút, vẫn tiếp tục say mê Phạm Công Thiện. Trong những lần về Hà Nội, chuyện trò với bạn bè, một trong những điều khiến tôi ngạc nhiên nhất là có khá nhiều nhà văn và nhà thơ ở miền Bắc cũng đọc Phạm Công Thiện rất kỹ. Và thích. Họ nhắc đến Phạm Công Thiện với một sự ngưỡng mộ không hề che giấu. Nhớ, có lần, một nhà thơ ở Hà Nội nói với tôi: Một tài năng và nhân cách kiểu như Phạm Công Thiện không hề có và không thể có ở miền Bắc. Trong cả tài năng lẫn nhân cách của ông đều có cái gì ngang tàng, phóng đãng, bạt mạng, bay bổng, vượt ra ngoài mọi khuôn phép và quy ước của xã hội, những điều hoàn toàn bị cấm kỵ dưới chế độ xã hội chủ nghĩa.
Trong giới cầm bút ở Sài Gòn hiện nay, sự ngưỡng mộ đối với Phạm Công Thiện lại càng rõ. Theo kinh nghiệm của tôi, từ những cuộc tán gẫu về văn nghệ với bạn bè ở Sài Gòn, nhắc đến bất cứ một tên tuổi nào trước 1975, ý kiến mỗi người mỗi khác; chỉ duy nhắc đến Phạm Công Thiện là dễ được mọi người đồng tình với nhau nhất. Đồng tình về sự uyên bác của ông. Đồng tình về cái tính nghệ sĩ hiếm có của ông. (Phạm Công Thiện, người bạn của nhiều thế hệ – Nguyễn Hưng Quốc)
 
– Nguyễn Xuân Hoàng
Cái tên Phạm Công Thiện chẳng xa lạ gì với một tầng lớp sinh viên học sinh thành thị miền Nam cỡ tuổi tôi. Dạo ấy, cùng với những món văn chương thời thượng là Jean Paul Sartre, Albert Camus v..v.., những tạp chí văn học kiểu Văn Học, Văn, Trình bày, Khởi Hành, Bách Khoa, Vấn Đề , thì những quyển sách của Phạm Công Thiện là những thứ không thể thiếu của những cậu, những cô (Cậu chiếm đa số, còn Cô chỉ là ăn theo) áo sơ mi xanh nhạt bỏ trong quần, mắt hấp háy đôi gọng kiếng cận thị. Quyển sách bán chạy nhất của Phạm Công Thiện là quyển: Ý Thức mới trong Văn nghệ và Triết học, do nhà An Tiêm của thầy Thanh Tuệ xuất bản, đã tái bản tới lần thứ 4. Quyển sách dầy cộm, cầm vừa đầy một bàn tay, được nhìn thấy bất cứ chỗ nào có ly cà phê đen (đắng nghét), có gói thuốc Bastos xanh (khét nghẹt), có nhạc Trịnh công Sơn liên tục rỉ rả (đến phát ngán) và tất nhiên, những khuôn mặt tuổi trẻ trầm tư về thân phận con người, về cuộc chiến dai dẳng, về tuổi trẻ đi hoang, về tình yêu chưa hề được nếm . . . Ngần ấy những ưu tư đè nặng lồng ngực lép kẹp vì thiếu dinh dưỡng nên chàng nào cũng muốn “buồn nôn”.
Thế nên, thuở ấy, cùng với những thứ thời thượng khác, đọc Phạm Công Thiện cũng là một thứ thời thượng. Giở những trang sách của Phạm Công Thiện, (tôi) đọc mà không hiểu ông ta viết gì, nhưng trong những câu chuyện cà phê đàm bên quán cóc, (tôi) vẫn say sưa nói về những điều “không hiểu” ấy trong sách của vị Triết Gia thần đồng lỗi lạc. Thuở ấy, ai không từng biết đến cái tên Phạm Công Thiện, ai không từng đọc (cái tên) sách Phạm Công Thiện, kẻ ấy chính thị là tên lạc hậu, là người không-trí-thức.
Thuở ấy, hầu như đi đâu cũng nghe được những câu thơ “chấn động mặt trời” của Phạm Công Thiện, kiểu:
tôi giao cấu mặt trời sinh ra mặt trăng
tôi thủ dâm thượng đế sinh ra loài người
cho quế hương nằm ở nhà thương điên của trí nhớ…
(Ngày Sanh của Rắn – Phạm Công Thiện)
Ai cũng thuộc thơ PCT (nhưng chỉ thuộc mấy câu đại loại như vậy thôi, vì giá trị “chấn động mặt trời” chăng, chứ nếu bảo rằng hiểu, thì, như tôi, hiểu . . . chết liền (tại chỗ).
(Mặt trời không bao giờ có thực và ký ức Sài Gòn – Nguyễn Xuân Hoàng)
 
– Hoàng Ngọc Tuấn
Phạm Công Thiện ao ước trở thành một nghệ sĩ lớn, như Rimbaud, trong khi nhiều người cầm bút khác lại ca tụng Phạm Công Thiện như là một triết gia. Tôi thì tôi coi Phạm Công Thiện chủ yếu là một nhà thơ và một nhà tuỳ bút. Nói cách khác, theo tôi, Phạm Công Thiện là một nhà thơ trước khi là một nhà tuỳ bút; là một nhà tuỳ bút trước khi là một nhà văn; là một nhà văn trước khi là một nhà tư tưởng; là một nhà tư tưởng trước khi là một người phá phách và là một người phá phách trước khi là một kẻ lập dị. Suốt mấy chục năm nay, Phạm Công Thiện luôn luôn chịu đựng một sự đánh giá bất công cũng như những sự khen ngợi oan ức khi người ta nhìn ông theo một chiều hướng khác, ngược lại.
Phạm Công Thiện có một cái tài đặc biệt rất hiếm người có là ông có thể làm cho độc giả đọc ông một cách thích thú, say mê và thán phục mặc dù, khi gấp sách lại, người ta hoàn toàn không hiểu là ông nói cái gì cả. Bởi vậy, mặc dù tác phẩm của ông nổi tiếng là khó hiểu, ông vẫn có một lượng độc giả khá lớn, khá trung thành, và đôi khi khá bình dân. Nói như thế cũng có nghĩa là nói thế mạnh đầu tiên và nổi bật nhất của Phạm Công Thiện chính là ở khả năng diễn đạt, hay nói cách khác, ở giọng văn của ông. Đó là một giọng văn có sức hấp dẫn lạ lùng, một giọng văn vừa uyên bác vừa sôi nổi, vừa rất trí tuệ và lại rất giàu chất thơ. (Giới thiệu Phạm Công Thiện – Hoàng Ngọc Tuấn)
 
– Nguyễn Mạnh Trinh
Phạm Công thiện, ông là ai? Có nhiều người đã hỏi như thế. Triết gia? Thiền sư? Thi sĩ? Văn sĩ ? Hay là một người lang thang rong chơi trong cuộc đời? Hay là nghệ sĩ với ước vọng thành một tài năng lớn của thế giới? Hoặc là một người đang trong cơn mộng du suốt cả đời?
Vào những năm thập niên 60 ở Sài gòn, Phạm Công Thiện xuất hiện như một hiện tượng. Sách vở của ông đã được đón đọc nồng nhiệt và trong giới sinh viên học sinh đọc sách của ông là một thời thượng. Họ thích nói về “Ý thức mới trong văn nghệ & triết học”. Họ tán thưởng “Ngày sinh của rắn”. Có người thú nhận thích đọc ông dù chẳng hiểu bao nhiêu. Và trong cái gọi là “họ” ấy có tôi. Một cậu sinh viên mê sách vở và tràn ứ mơ mộng lãng mạn.
Lúc đó, tôi đã nghĩ Phạm Công Thiện là một người viết phê bình như viết tùy bút và viết tùy bút như viết bằng thơ. Tóm lại, với tôi, ông là một thi sĩ dù ông làm thơ không nhiều lắm.
Đọc lại những bài viết về những nhà thơ của ông, tôi thấy điều đó tới bây giờ vẫn còn chính xác. Ông viết về thơ với cả tâm hồn mình, và với những thi sĩ, ông cũng đồng cảm trong cái chia sẻ không cùng của những sợi đàn rung cộng hưởng vì chung tần số. (Phạm Công Thiện, ông là ai? – Nguyễn Mạnh Trinh)
 
– Bùi Vĩnh Phúc
… Phạm Công Thiện là một nhà thơ, một nhà thơ với đúng nghĩa thơ mộng đẹp đẽ và đáng yêu đáng mến của danh vị này. Dù viết lách ở lãnh vực nào, qua chữ nghĩa và cách diễn tả, Phạm Công Thiện, như tôi nhìn thấy, vẫn nổi bật và đẹp nhất như một nhà thơ trọn nghĩa. Ðây là một người Việt Nam đã từng ăn nằm với chữ nghĩa một cách hết sức chung thủy mà tôi được biết, và bởi thế, Phạm Công Thiện, theo cách nhìn của tôi, là một trong ít người sử dụng chữ nghĩa Việt một cách tinh tế, sâu sắc và hết sức điêu luyện. Ông có viết trong quyển sách là ông đang học lại tiếng Việt. Một cách nào đó, điều này đúng. Chỉ có những người luôn luôn tìm tòi, học hỏi, học mãi mới có thể làm tinh tế cái nghệ thuật mà họ theo đuổi. Tôi nghĩ Phạm Công Thiện đã coi chữ nghĩa nói chung và, đặc biệt, chữ nghĩa Việt Nam nói riêng là một nghệ thuật để ông trau giồi suốt đời. Bởi thế, tôi không lấy làm lạ khi nhận ra rằng ông có tài dùng chữ Việt Nam một cách tuyệt diệu. Hãy nhìn lại điều đó trong tất cả những cuốn sách mà ông đã viết. Chính điều này làm cho tôi yêu mến Phạm Công Thiện hơn bất cứ một điều nào khác nơi con người của ông.
(Mấy tưởng khúc với/về Phạm Công Thiện – Bùi Vĩnh Phúc)
 
– Phan Tấn Hải
Làm thế nào để hình dung về Phạm Công Thiện? Một lần tôi đã tự hỏi mình như thế. Và ngay lập tức trước mắt tôi hiện ra một cặp kính cận dày cộm và chòm tóc trắng phất phơ… Có lẽ, nếu vẽ vài nét trên giấy kiểu tốc hoạ thì thế như dường là đủ. Không, chưa đủ. Vậy thì nghe thêm giọng nói Nam bộ đặc biệt của anh. Hay là thêm khuôn mặt tròn, và đôi mắt thơ ngây…
Nhưng tận cùng, Phạm Công Thiện là một nhà thơ và là một thiền sư – và đó là những phẩm chất rất khó hình dung, vì mỗi nhà thơ và mỗi thiền sư đều có những độc đáo riêng. Và tôi tin rằng, khi nào thân xác anh rời khỏi thế giới đời thường này, rất nhiều người sẽ gọi Phạm Công Thiện là một vị Bồ tát, một danh hiệu tôn quý trong Phật giáo và là một hạnh nguyện để chỉ một người tái sinh từ kiếp này sang kiếp khác để giúp cho mọi người hiểu được thật nghĩa của vũ trụ. Trong những năm qua, rất nhiều tăng ni Phật tử đã gọi nhà thơ Bùi Giáng là một vị Bồ tát, và tôi tin là sau này, Phạm Công Thiện cũng sẽ được tôn vinh như thế, bất chấp những đời thường bất toàn mà chúng ta đôi khi gặp nơi anh.
Thực sự, tôi đã nhìn anh như một vị Bồ tát từ những ngày tôi mới lớn, và ngay khi lần đầu đọc cuốn “Ý thức mới trong văn nghệ và triết học”. Lúc đó, tôi đang học lớp đệ tứ, hay đệ tam ở Chu Văn An, Sài Gòn. Bây giờ gọi là lớp 9 hay lớp 10. Ðâu đó, khoảng giữa thập niên 1960. Dù là đọc ngấu nghiến, nhưng một ngày không đủ, và đọc một tuần cũng không đủ. Vì có những dòng tôi phải đọc đi đọc lại, không hoàn toàn vì tính bí hiểm triết lý, mà chỉ vì tính thơ mộng dị thường trong ngòi bút của anh. “Ði cho hết những đêm hoang vu trên mặt đất…” Thế đấy, tôi đã đi như thế từ bốn thập niên trước trên các trang sách của anh.
Tôi đã ngồi ở sân Chùa Xá Lợi, dưới các tàng cây ngọc lan và bông sứ lần giở từng trang sách đó. Và rồi lại ngồi trong một quán cà phê cách trường Chu Văn An vài mươi bước, ngay lối vào ký túc xá Minh Mạng của các anh chị sinh viên lớn. Không phải chuyện ngồi đọc cho ra vẻ triết gia, mà thực sự vì có những đoạn văn trong cuốn Ý thức mới làm tôi run rẩy cả người. Từng trang một, giữa các dòng chữ của Phạm Công Thiện toát ra một hơi lạnh của vũ trụ vô cùng vô tận. Và tuy là văn xuôi, hầu hết, nhưng thi tính vẫn dày đặc kinh ngạc.
(Nghĩ về nhà thơ Phạm Công Thiện – Phan Tấn Hải)
 
– Bùi Vị Xuyên nói chuyện với Phạm Công Thiện
 
Sau đây là trích đoạn cuộc nói chuyện (phỏng vấn) Phạm Công Thiện (PCT) do Bùi Vị Xuyên (BVX) thực hiện, theo lời yêu cầu của tạp chí VĂN, được đăng chí Văn số tháng 9 năm 1969:
 
PCT: Đêm đó, bước trở lui về quán trọ ở Quartier Latin, tôi đã nằm thức suốt đêm và cũng chính đêm đó lần đầu tiên trong đời, tôi bỗng thấy hiện tính của Việt Nam ngọ nguậy cựa mình bay vụt phóng vào hố thẳm đầy lửa máu, rồi bay vọt lên cao tít mù, một nơi nào cao vút trên kia, không biết gọi tên là gì, có lẽ đó là một đám khói, khói thuốc mà tôi đang nằm hút liên tiếp từ điếu này đến điếu khác suốt trọn cả đêm. Sáng hôm sau và tất cả những ngày sau liên tiếp, Hố Thẳm Tư Tưởng được ra đời, và được ra đời kế tiếp là Im Lặng Hố Thẳm; tôi ngồi viết quyển Im Lặng Hố Thẳm tại một quán cà phê trước trạm métro Place Jussieu, những ngày ấy có thi sĩ Nh. Tay Ngàn ngồi bên cạnh tôi, tôi vừa viết vừa đọc cho Nh. Tay Ngàn nghe và hắn đã nghe với lỗ tai của một thi sĩ ngây thơ vô tội, hắn là độc giả đầu tiên và chính là độc giả lý tưởng của tôi, vì tôi chỉ thích người ta đọc những gì tôi viết bằng một tâm thức mơ mộng của thi sĩ đãng trí hơn là đọc để soi mói, vì hiếu kỳ, để so sánh phê phán, vì tự mãn phè phỡn với vốn liếng học thức, để tranh luận hơn thua, vì cảm thấy mình bị sỉ nhục hạ thấp. Những gì tôi đã viết từ trước cho đến nay chỉ là những cái tát tai mà tôi đã đập vào tri thức, văn chương, văn hoá, lý luận học đường, tôn giáo, tín ngưỡng, ý thức hệ, đạo đức, tập quán và truyền thống. Tôi muốn đảo ngược lại mọi sự, đảo ngược cả chính tôi, tôi muốn cào bới cho máu chảy vọt ra từ vết thương nặng nề mà tôi, một kẻ yêu đời và thờ phụng cuộc đời, phải chịu đựng một cách tàn nhẫn vì chỉ muốn sống và sống trọn vẹn tràn trề với mình và với tất cả con người trên mặt đất này.
BVX: Anh đã hăng hái “tát tai” mọi sự, và…
 
PCT: Tất nhiên mọi sự sẽ tát tai lại tôi; những ngày tôi trở về Việt Nam, tôi đã sung sướng đưa tai mình cho thiên hạ tát vào; sau tập thơ Ngày Sinh Của Rắn, quyển Hố Thẳm Tư Tưởng và Im Lặng Hố Thẳm ra đời thì không có một tờ nhật báo nào mà không đem tên tôi ra để làm trò hề, nhất là có một tờ nhật báo bán chạy nhất bấy giờ là nơi tên tôi được nhắc đi nhắc lại nhiều lần để đồng hoá với một cái gì nham nhở, hợm hĩnh, quái dị điên rồ ở đất nước này, sau đó có những tờ tạp chí, một tạp chí tên gì đó đã đăng một bài dài nhan đề là “Phạm Công Thiện, ông là ai?” và gần đây hơn nữa có một tạp san khác lại đăng loạt bài “Hiện tượng Phạm Công Thiện” để rồi kết luận rằng tôi là thằng điên chữ, một tên điếm đàng, một tên côn đồ trong văn nghệ vân vân. Tôi đã say sưa đọc tất cả những gì thiên hạ nói, viết, phê phán, đề cao, chỉ trích, mạt sát tôi; tôi say sưa đọc những thứ đó như đọc chính những gì mình đã viết và đã muốn viết: vì tất cả những gì người ta đã nói về tôi đều đúng là điều tôi muốn nghĩ về tôi. Tất cả những sách tôi xuất bản đều bán hết trong một hai tháng, tôi bỗng trở nên một tác giả có sách bán chạy nhất ở Việt Nam. Đó là cái tát tai thứ hai, vì không có gì nguy hiểm cho một con người sáng tạo bằng sự thành công có tính cách thương mại. Con người sáng tạo, tự nhận mình là kẻ sáng tạo, cảm thấy bị sỉ nhục vì người ta đem mình ra thị trường như đem một con quái vật từ sở thú. Cái tát tai thứ ba là sau khi tôi đã bị sỉ nhục bằng đủ mọi cách thì đồng lúc tôi cũng được vuốt ve ngọt ngào một cách lố bịch khi được biết rằng mình trở nên một thứ “thần tượng” cho phần đông thanh niên Việt Nam; họ tôn tôi là “thần tượng” vì những lý do ngu xuẩn của họ. Tôi bắt đầu đóng cửa phòng lại và xô đuổi tất cả môn đệ ngu xuẩn ấy ra ngoài hành lang. Tôi không là gì cả, tôi chỉ là một thanh niên muốn nói những gì cần nói, muốn im lặng những gì cần im lặng và muốn sống cho ra hồn cái đời sống riêng tư lập dị của mình…
(Nói chuyện với tác giả “Hố thẳm tư tưởng”- Bùi Vị Xuyên: Văn số tháng 9 năm 1969)
 
– Lê KhắcThanh Hoài
Lê Khắc Thanh Hoài sinh năm 1950 tại Huế, con một vị bác sĩ nổi tiếng tại Huế. Niên khoá 1968-1969 bà học Triết học Đông Phương tại Viện Đại Học Vạn Hạnh với thầy Nguyên Tánh Phạm Công Thiện – ông phụ trách phân khoa Khoa Học Nhân Văn, sáng lập tạp chí Tư Tưởng, và soạn chương trình cho Viện Đại Học Vạn Hạnh.
Năm 1970 bà lên đường sang Bruxelles du học, gặp lại rồi kết hôn với Phạm Công Thiện tại Paris.
Lê Khắc Thanh Hoài còn là một nhạc sĩ đàn dương cầm, từng học Trường Quốc Gia Âm Nhạc Huế, tác giả nhiều CD, và hàng trăm nhạc phẩm Đời cũng như Đạo. Từng là Biên tập viên các báo Phật Giáo (Hương Sen, Trí Tuệ); trưởng ban tu học “Một Ngày An Lạc” tại chùa Trúc Lâm Paris. Qui y chùa Quốc Ân, pháp danh Nhật Duyệt. Hiện sinh sống và dạy piano tại Pháp.
 
(Nguồn: https://quangduc.com/author/about/10195/le-khac-thanh-hoai  )
 
Trong “Chuyện một người đàn bà… năm con” (trang 167) Lê KhắcThanh Hoài viết:
“Gặp Chàng là gặp người bằng xương bằng thịt, không phải là người trong văn chương tiểu thuyết. Chàng rất chân thật, không giả dối kệch cởm. Chàng phản ảnh đúng những gì Chàng viết. Thẳng thắn. Táo bạo. Nẩy lửa. Sức hút dữ dội. Quyến rũ lạ lùng. Người đối diện chỉ còn biết buông xuôi và... trôi theo bấp bênh cùng Chàng”
“Năm 1970, Thanh Hoài lên đường đi du học tại Bruxelles. Cũng năm này Phạm Công Thiện đi dự một Hội Nghị Phật Giáo cùng Hoà Thượng Minh Châu, anh xin ở lại ghi tên làm luận án Tiến Sĩ. Tại Paris, Thanh Hoài gặp lại Phạm Công Thiện tại nhà họa sĩ Vĩnh Ấn. Thanh Hoài quyết định bỏ Bruxelles sang Pháp chung sống cùng Phạm Công Thiện”. (trang 252)
Trong bài “Từ những vần thơ đến câu kệ”, Lê KhắcThanh Hoài viết:
… “Cũng từ Lành Mạnh mà tôi được biết đến thơ của các thi sĩ như Quách Tấn, Trụ Vũ và cả đến triết gia Phạm Công Thiện mà cuốn sách đầu tiên tôi cầm trong tay, do chính cha tôi đem về nhà và đã trở thành cuốn sách gối đầu của tôi lúc mới lên mười bốn, mười lăm: đó là cuốn “Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ và Triết Học”. Có thể nói những gì đã được đọc từ cuốn sách này cũng đã lay động tâm hồn tôi một cách mãnh liệt…
Khi học xong trung học, cả nhà ngạc nhiên khi tôi ghi tên vào đại học Vạn Hạnh”
 
3. Lời Phạm Công Thiện:
“Tôi thực sự bắt đầu viết quyển Ý thức mới trong văn nghệ và triết học vào năm 1960 (thực sự khởi từ năm 1959), nghĩa là lúc tôi được mười tám và mười chín tuổi. Bây giờ tôi gần 30 tuổi. Bao nhiêu nước chảy trôi phăng qua cầu trong mười năm trời. Bây giờ nhìn lại chặng đường xưa, tôi không ngờ lúc 18 – 19 tuổi tôi lại thông minh dễ thương như vậy, rồi nhớ lại lúc 13-14 tuổi cho đến lúc 16 tuổi, tôi đã xuất bản một quyển, sách về ngôn ngữ học và đã viết trên 20 quyển sách về văn học quốc tế và ngôn ngữ học (trong đó có một quyển mà Nguyễn Hiến Lê đề tựa giới thiệu và ngạc nhiên không ngờ tôi mới 16 tuổi), sau này khi tôi được 18 tuổi thì tôi đốt sạch hết tất 20 quyển ấy!
Tai nạn lớn lao nhất trong đời tôi là phải chịu đoạ đầy làm thần đồng lúc còn thơ dại, rồi lúc lớn lên làm thanh niên thì phải chịu đoạ đầy làm thiên tài”. (Phạm Công Thiện)
 
4. Những điều Phạm Công Thiện đã viết:
a.
Tôi không là một tên tiên tri nào cả, ngôn ngữ của tôi là ngôn ngữ của thi sĩ. Ai muốn hiểu làm sao thì hiểu.
Ngôn ngữ của người điên không khác ngôn ngữ của thi sĩ lắm, chỉ có khác một điều: xã hội loài người có dựng lên bao nhiêu nhà thương điên mà không chịu dựng lên nhà thương thi sĩ.
Khi muốn phản đối người nào thì người ta nhốt hắn vào nhà thương điên; từ ngày bệnh điên trở thành một cái thời trang làm dáng cho bọn tự nhận là thiên tài thì phân tâm học ra đời tự nhận là phi thiên tài. Cái hạng người gọi là “bình thường” đầy dẫy ở mặt đất: trước khi nói một lời thì họ uốn lưỡi bảy lần, và vì uốn lưỡi nhiều quá cho nên lưỡi họ trở thành cong cong như lưỡi câu cá. Tội nghiệp cho những con cá mắc câu!
Nhưng nếu trường hợp chính tôi lại bị mắc câu thì cứ cho mắc câu! Vì mắc câu cũng thơ mộng! Tôi sống không cần đề phòng gì cả, tất cả cửa đều mở sẵn: ai muốn len vào để “thích khách” thì cứ len vào; tôi không phòng thủ, không tự vệ, không giữ gìn. Tôi không chịu đựng nổi những hạng người hay nói đến những “phương cách đối trị”… Chỉ có một phương cách đối trị duy nhất là buông bỏ.
Cơn bịnh trầm trọng của thời đại là tiếng ồn ào, tiếng ồn nầy kéo tới tiếng ồn khác, tiếng ồn của cơ khí, của súng đạn, của động cơ, tiếng bom nổ là tượng trưng phát biểu cho tiếng nổ vỡ của ý thức con người. Sứ mạng của chúng ta, những thi sĩ của trái đất, là phải giúp cho ý thức con người bùng vỡ lên như một cái nấm đỏ khổng lồ, cho ý thức nổ lên như một trái bom một triệu tấn. Chúng ta có chịu đựng nổi tiếng nổ kinh thiên động địa ấy không?
Nếu ý thức của con người không thể bùng nổ được như trái bom khinh khí thì trái bom khinh khí sẽ bùng nổ thay thế ý thức con người. Hoặc là tôi hoặc là cái khác thay thế tôi. Con người chỉ chạy đuổi theo những cái thay thế cho con người. Ý thức luôn luôn chạy tìm cái thay thế cho ý thức: không bao giờ là thế mà luôn luôn thay thế.
(Ý thức mới trong văn nghệ và triết học – Phạm Công Thiện)
b.
Chúng tôi không cần lý tưởng, vì lý tưởng là lý tưởng của các ông.
Lý tưởng (dù lý tưởng nào) đều là nhà tù để nhốt lại sức sống vỡ bờ của tuổi xuân; lý tưởng là ảo tưởng; sống không lý tưởng là sống trọn vẹn, là lao mình vào cuộc đời với trọn sự hồn nhiên bỡ ngỡ của mình.
Con người hồn nhiên là không có lý tưởng.
Chỉ khi nào người ta mất mát thì người ta mới tạo ra lý tưởng để tự đánh lừa mình bằng sự phiêu lưu vô định trong thế giới tư tưởng.
Lý tưởng là sản phẩm của lý trí; lý trí là ký ức; ký ức là quá khứ là kinh nghiệm; kinh nghiệm đánh mất hồn nhiên.
Sống có lý tưởng là sống có quá khứ, lấy quá khứ mà nhìn dòng đời, dòng đời luôn luôn trôi chảy mới lạ từng giây phút; lấy quá khứ nhìn dòng đời là chận đứng dòng đời lại, là bắt dòng đời phải chảy ngược lại chỗ cũ mà nó đã chảy qua từ lâu rồi, như thế là đã giết chết sức sống phong phú (Ý thức mới trong văn nghệ và triết học – Phạm Công Thiện)-
[Thích Nhất Hạnh đã đối thoại với ông qua tác phẩm Nói Với Tuổi Hai Mươi – Xem phụ lục dưới bài (*)]
c.
– Đừng bao giờ tìm ý nghĩa của cuộc đời; cuộc đời không bao giờ có ý nghĩa. Không ai có thể hiểu được bất cứ cái gì trên đời này: không gian, thời gian, thế gian, một chiếc lá khô, một vết mực đen, tất cả đều bí mật và huyền ảo. Tất cả những triết gia, tất cả những hiền nhân, tất cả những nhà thong thái, những nhà toán học, những nhà khoa học đều là những kẻ tự đánh lừa và đánh lừa người khác rằng họ có thể đi vào được hang tối của sự vật. Không. Không bao giờ sự vật hé ra một tý cho họ thấy. Sự vật vẫn đen tối như đêm ba mươi, dù nhân loại có trường tồn đến một tỷ triệu năm nữa thì sự vật vẫn đen tối như đêm hai mươi chín Tết vào mỗi năm nước không chảy.
Hơi thở, chỉ có hơi thở là quan trọng nhất. Biết thở mới là khó nhất. Hơi thở, tìm ý nghĩa cho hơi thở có khác gì tìm mặt trời trong bảo tàng viện đóng kín đầy bụi.
– Sống nhẹ nhàng, sống như đã chết rồi trong cuộc đời; sống không mệt nhọc, không khó khăn, không hề cố gắng, sống như nước chảy ào ạt vào những rừng thông, sống như nước tràn, sống như chim bay, rừng bay, gà bay, ngỗng bay, cá bay, vịt bay.
Sống như đã chết với mặt đất này, sống như đã mù, đã điếc, đã câm: sống như tàn tận, như tê bại thân thể, như chậu tùng đã héo, như cây xương rồng gẫy nát, như đầu điếu thuốc dúi vào gạt tàn đầy tro đen.
Sống như viết văn: đừng bao giờ chờ hứng. Viết thì phải viết ngay, dù hứng không đến, dù mưa, gió, nắng, bệnh hoạn, đau đầu, đau cổ, đau thân thể, dù tiếng ồn đánh tan cả tĩnh mịch tâm tư, dù nghịch cảnh đổ dồn vào đầu, dù hoàn cảnh bắt buộc mình phải bỏ viết, nhưng vẫn tiếp tục viết, viết mãi, viết liên tục dù không còn ý tưởng rớt lại trong đầu, dù cơn ho rũ rượi xé nát buồng phổi, dù không còn gì trên đời để giữ mình lại với đời sống, dù tất cả người con gái mình yêu đã bỏ đi đâu mất, dù mặt trời không bao giờ mọc trong tim và óc, dù những điều thuốc đã cháy hết, dù cơn mệt nặng nề áp đảo sức khoẻ, dù gì đi nữa, vẫn cứ viết, tiếp tục viết, viết một cách bệnh hoạn, viết một cách điên loạn, viết một cách trác tang trụy lạc, viết một cách thánh thiện thiêng liêng, viết trong hoả ngục, viết trong phòng tối, viết trên giường, viết trên xe, viết trong cầu tiêu, viết trong nhà thờ, viết trong nhà tù, viết trong nhà đĩ, viết trong tu viện, viết tay trái, nếu tay mặt bị cắt đi; viết bằng năm ngón chân, nếu tay trái bị cắt đi; viết bằng năm ngón chân trái, nếu năm ngón chân mặt bị cắt đi; viết bằng bộ phận sinh lý, nếu chân và tay đã bị cắt mất; viết bằng bụng nếu bộ phận sinh lý bị thiến đi, viết bằng mắt bằng mũi, bằng môi, bằng lưỡi.
Sống cũng giống như viết: Sống là viết, Sống, dù phải chết nay mai; sống dù không có gì đáng sống. Sống, dù hứng không đến- Sống, dù tất cả quyền sống đã bị tước đoạt; sống, dù hoả ngục vẫn vồ chụp lấy mình từ giây phút này đến giây phút khác. Sống bằng chân, sống bằng tay, sống bằng mũi, sống trên trời, sống dưới sông, sống trên biển, sống trên rừng, sống trên núi, sống trên đá, sống trong đất, sống trên mây.
Sống như vứt xác của mình trên kè đá cao ở Tây Tạng để cho diều hâu và ó núi bay vù đến rỉa rói từng mảng thịt ứ gió.
Sống với mầu đỏ, sống với màu vàng, sống với màu xanh, sống với màu đen, sống với màu trắng, sống với màu xanh lá cây!
(Mặt Trời Không Bao Giờ Có Thực – Phạm Công Thiện)
 
d. Thơ
 
Ngày Sinh Của Rắn, bài IX
rắn trườn vỡ trứng chim rừng
tôi nghe tiếng hát hoang đường nửa đêm
khuya buồn tủi nhục môi em
mưa bay nhỏ nhẹ qua thềm bơ vơ
tiếng ru chín đỏ điện thờ
hoang vu tôi đứng đợi chờ chim kêu
tay còn ôm giữ tình yêu
tôi về phố động những chiều hư vô
đời đi trên những nấm mồ
đau tim em hát cơ hồ khăn tang
phố chiều tôi bước lang thang
nuôi con sông nhỏ mơ màng biển xanh
nửa đêm khói đốt đời anh
yêu em câm lặng khô cành thu đông
lời ca ru cạn dòng sông
trọn đời chạy trốn mống vồng cầu điên
bỏ mình nước chảy đồi tiên
theo con chim dại lạc miền thiên hương
về đâu thương những con đường
lê thê phố cũ nghe buồn hè xưa
 
Thiên Sương
Mộng ở đầu cây mơ lá cây
Dòng sông ngừng chảy đợi mây bay
Kêu nhau nhỏ nhẹ sầu năm ấy
Chim hải hồ bay trắng tháng ngày
Tình nhỏ quên rồi em ở đâu
Mây bỏ trời đi tìm sông sâu
Em về lồng lộng như sương trắng
Hồn chết trôi về Thương Hải Châu.
 
ĐỌC LẠI Ý THỨC MỚI TRONG VĂN NGHỆ VÀ TRIẾT HỌC
Nửa thế kỷ, thử đọc lại Phạm Công Thiện xem sao? Có “hực lửa” như thời “xuân mộng” không? Hay chỉ lạnh lùng “tro bụi” của hờ hững thời gian.
Sau đây là những ghi chép các trích đoạn “đáng chú ý” từ sách Ý Thức Mới Về Văn Nghệ Và Triết Học.
 
Chương: Ý thức tự vấn – Thế nào là ý thức mới?
[Trích đoạn]
Làm sao định nghĩa được ý thức?
Tất nhiên, chỉ có ý thức là mới định nghĩa được ý thức. nhưng nếu ý thức muốn định nghĩa ý thức thì ý thức phải đi ra ngoài ý thức thì mới có thể định nghĩa ý thức được.
Nói đến định nghĩa là nói đến xác định ý nghĩa này giữa những ý nghĩa khác, là nói đến tương quan giữa những thực thể này với những thực thể khác. Nói đến định nghĩa là nói đến tương quan và thực ra chính ý thức cũng là sự tương quan; một câu đã thành sáo là: ý thức là ý thức về cái gì.
Trong sáo ngữ ấy chứa đựng một sự thật khó phủ nhận: không có ý thức nào là ý thức cô độc tuyệt đối vì ý thức cô độc tuyệt đối cũng vẫn là ý thức về sự cô độc tuyệt đối.
Ý thức là tương quan; nói đến tương quan là nói đến sự chuyển động từ vị trí này đến vị trí khác; sự thực thì không có vị trí vì sự chuyển động ấy liên tục, thay đổi hướng đi luôn chứ không ngừng; chỉ có vị trí là khi nào có sự bất động hay sự ngừng lại. Định nghĩa là chặn đứng, là tìm một vị trí cố định, chặn đứng sự chuyển động thì định nghĩa ấy chỉ xây trên ảo tưởng, không có giá trị, vì định nghĩa ấy đã xoay vào sự bất động, một thực thể chết cứng; định nghĩa ấy không còn là định nghĩa ý thức nữa mà chỉ là định nghĩa hình ảnh của ý thức. Tất nhiên ai cũng hiểu hình ảnh một sự vật không phải là chính sự vật ấy.
Hình ảnh giữ vai trò của một biểu tượng. Mà biểu tượng không phải là thực tại. Người ta thường đồng hoá biểu tượng với thực tại, đó là tất cả bi kịch của triết học và đời sống.
Lộ trình của ý thức lướt qua ba giai đoạn: vô thức, ý thức, và ý thức mới.
Từ vô thức đến ý thức là một phép lạ, là một chặng đường đầy gió loạn, nhưng từ ý thức đến ý thức mới là một sự thay đổi mãnh liệt và huyền bí hơn nữa.
Ý thức bị giam trong vô thức; ý thức kháng cự vùng vẫy nổi loạn; từ sự vùng vẫy giằng co giữa ý thức và vô thức thoát ra một ý thức mới.
Vô thức, ý thức và ý thức mới nằm trong ba giai đoạn của biện chứng pháp.
Ý thức mới chính là ý thức về sự tuyệt vọng của chính ý thức trong vòng giam hãm của vô thức.
Ý thức mới không phải là ý thức nữa: vì nếu là ý thức thì không thể nào ý thức được chính thực chất của mình, thực chất ấy là sự mơ hồ, sự quờ quạng, vùng vẫy tuyệt vọng trong vô thức.
Ý thức mới là ý thức về hư vô tính của ý thức.
Nói một cách rõ ràng hơn, ý thức mới là ý thức rằng không có ý thức. Không có ý thức thì lấy gì để ý thức rằng không có ý thức? Chính câu hỏi này cũng do ý thức đặt ra. Ý thức đặt ra câu hỏi rồi ý thức trả lời, ý thức trả lời rồi ý thức lại không bằng lòng; ý thức lại đặt ra câu hỏi; cứ thể quay cuồng trong vòng luẩn quẩn, liên miên không bao giờ dứt, ad infinitum.
Đó chính là sự tuyệt vọng của ý thức.
Khi ý thức tuyệt vọng thì ý thức sẽ làm một cuộc tự tử theo hai nghĩa đen và bóng. Theo nghĩa đen thì ý thức tự tử thực sự như trường hợp Marilyn Monroe, Hemingway, Hedayat… vân vân. Theo nghĩa bóng thì ý thức lột xác để hoá thân, chết đi để sống lại, đóng đinh trên cây thập giá để ba ngày sau sống lại và thăng thiên như vậy sự tự tử ấy không phải là sự tự tử nữa, mà chính là một sự giải phóng hay giải thoát, ý thức đã tự giải thoát khỏi vùng tối tăm của vô thức, ý thức tự giết ý thức để biến thành ý thức mới: ý thức không còn là ý thức nữa mà là tự do. Đó là trường hợp của Henry Miller, William Saroyan và Nietzsche. Đó cũng là tư tưởng Thiền tông và Lão tử.
Khi ý thức trở nên tuyệt vọng mà ý thức không tự tử (hoặc theo nghĩa đen hay nghĩa bóng) thì ý thức chạy trốn, nếu chạy trốn mà không lường gạt mình thì một thời gian sau trở nên điên loạn hoặc mang bệnh lao tâm mà chết như Kafka và Wolfe.
Còn nếu chạy trốn mà lường gạt mình rằng mình không chạy trốn hoặc tự lường gạt mà không biết rằng mình tự lường gạt thì ý thức ấy trở nên chìm vào trong đời sống tầm thường đầy công thức; và ý thức ấy không còn là ý thức nữa mà là vô thức; sống mà sống một cách vô thức; như thế không khác gì chết giữa cuộc sống. Đó là tình cảnh của hầu hết mọi người trong chúng ta hiện nay. Tình cảnh mà Heidegger gọi là “Enftremdung”( sự xa lạ ly cách đối với chính mình) hay cũng gọi là (Absturz: sự sa ngã) mà đặc tính chuyển động là “Wirbel” (sự xoay vòng) nghĩa là xoay xuống tình cảnh tầm thường của thiên hạ, sự xoay chuyển ấy vén mở tình cảnh “Geworfenheit” (sự bỏ rơi, bị quăng ném vào đời ) con người bị giam hãm trong đời sống thường nhật tầm thường (“Alltäglichkeit”) đó chính là tình cảnh thất sủng sa đoạ (“Verfallen”) của hiện sinh con người (“Dasein”).
Con người bị giam hãm trong đời sống tầm thường thường nhật vì chính con người là tầm thường. Nếu tôi thành Phật thì cả vũ trụ này cũng đều thành Phật, không ngoại trừ ai, không ngoại trừ cái gì cả.
Tóm lại, ý thức mới là ý thức về sự tuyệt vọng của ý thức. Sự tuyệt vọng ấy rất là đau đớn hãi hùng. Nhưng nếu ý thức không chạy trốn sự tuyệt vọng ấy thì con đường giải thoát sẽ mở cửa.
[Hết trích]
(Còn tiếp)
 
                                                                                      Nguyên Lạc
.....................
 
Ghi chú:
(*) Thích Nhất Hạnh đối thoại Phạm Công Thiện bằng tác phẩm “Nói Với Tuổi Hai Mươi”:
“Nói với tuổi hai mươi” là một tác phẩm được ra mắt vào năm 1966 do nxb Lá Bối ấn hành. Đây được coi là lời đối thoại của Thích Nhất Hạnh dành tặng cho tuổi trẻ nói chung và Phạm Công Thiện nói riêng qua tác phẩm “Ý thức mới trong văn nghệ và triết học” mà Phạm Công Thiện đã xuất bản trước đó.
 
. Phạm Công Thiện:
– Chúng tôi không còn lý tưởng, vì lý tưởng là lý tưởng của các ông. Lý tưởng (dù lý tưởng nào) đều là nhà tù để nhốt lại sức sống vỡ bờ của tuổi xuân; lý tưởng là ảo tưởng; sống không lý tưởng là sống trọn vẹn, là lao mình vào cuộc đời với trọn sự hồn nhiên bỡ ngỡ của mình.
Con người hồn nhiên không có lý tưởng. Chỉ khi nào người ta mất mát rồi thì người ta mới tạo ra lý tưởng để tự đánh lừa mình bằng sự phiêu lưu vô định trong thế giới tư tưởng.
Lý tưởng là những sản phẩm của lý trí; lý trí là ký ức; ký ức là quá khứ là kinh nghiệm; kinh nghiệm đánh mất hồn nhiên….”
(Phạm Công Thiện, Ý thức mới trong Văn nghệ và Triết học, trang XV – XX, Lá Bối, 1965)
 
. Nhất Hạnh:
– Không! Không, em ơi! Đó không phải là hình bóng đích thực của em. Đó chỉ là những thương tích. Đó chỉ là những thương tích. Em nhìn lại em xem. Em vẫn còn cảm động khi nghe tiếng ru bên nôi nhỏ. Em vẫn còn thay lòng mình tràn ngập xót thương khi nhìn thấy giọt lệ mẹ già.
Đó chỉ là những thương tích. Những dấu tích. Những chứng tích của giai đoạn lịch sử này. Hãy bình tâm đi em: đau khổ sẽ làm em trưởng thành. Đau khổ sẽ làm ta trưởng thành. Bình tâm và yêu thương, em sẽ làm nên lịch sử. Thực ra, có thể em không còn tin nơi tôi. Nhưng không phải vì vậy mà tôi đã chết. Bằng cớ là em vừa nói với chúng tôi vừa lý luận với chúng tôi. “Ngoài kia, trời đang vẫn còn mưa, tôi lại đứng đây để lý luận với những người chết sao?”. Tôi thấy rồi, em ơi, cái giận dữ của em chỉ là cái giận dữ bề ngoài. Trong em, vẫn còn tin yêu, vẫn còn những liên hệ muôn đời với tôi, với Mẹ. Em nói tôi đã chết. Em nói em không nên lý luận với những người chết. Nhưng em đã lý luận với người chết rồi, đã lý luận với tôi rồi. Và như vậy trong thâm tâm em vẫn tin rằng tôi còn sống, em vẫn muốn nói chuyện với tôi. Còn gì làm sung sướng hơn nữa. Còn gì làm tôi hy vọng hơn nữa.
Tất cả những xua đuổi, những oán ghét, những phũ phàng của em, trước sau, chỉ là những dấu tích, những thương tích, những chứng tích. Nằm trong sâu thẳm của hồn em, là con người đích thực của em, là huyết thống của Mẹ, là chất liệu huynh đệ của anh em ta. Em không thể nào thù ghét tôi được bởi vì em vẫn còn là em. Em hãy bình tĩnh lại, em ngồi xuống. Hãy nghe lại tiếng ru ngày xưa. Cho tâm hồn em lắng dịu. Và để cho tôi nói chuyện với em. Bởi vì dù giận dữ, hung hăng, em cũng đã muốn nói chuyện với tôi rồi. (Nói Với Tuổi Hai Mươi – Nhất Hạnh)
Link sách “Nói Với Tuổi Hai Mươi” của Thích Nhất Hạnh
 
https://thuvienhoasen.org/images/file/eutnv51G0QgQACYW/noi-voi-tuoi-20.pdf?fbclid=IwAR1l4QKi3bswusmzPSNz4DyIxz3pADEPLWYSXvrmGnV-vwkT_mvnNQvR0wE
 
Phụ đính:
Chuyện Phạm Công Thiện trở thành nhà sư Thích Nguyên Tánh:
Chuyện Phạm Công Thiện trở thành nhà sư Thích Nguyên Tánh thì cũng có nhiều người biết, và vẫn được truyền tụng hoài. Nhưng nơi đây, để nghe tận nguồn, chúng ta hãy nghe nhà thơ Quách Tấn kể lại, trong “Hồi ký về thượng toạ Thích Trí Thủ”, khi giới thiệu anh Thiện với thượng toạ Trí Thủ (lúc giữ chức Giám viện Phật học Viện Hải Ðức, nơi thi sĩ Quách Tấn dạy các tăng ni môn quốc văn), trích:
 
[… Khoảng đầu năm 1964, Phạm Công Thiện bị khủng hoảng tinh thần, ở Mỹ Tho ra Nha Trang an dưỡng. Lên chơi chùa Hải Ðức, Thiện ước được sống trong cảnh u tịch trong ít lâu để lấy lại sức khỏe. Tôi liền đến xin thượng toạ, và tỏ thật rằng Thiện là một thiên tài và là người Cơ Ðốc giáo, mọi người trong chùa tỏ ý không bằng lòng. Thượng toạ cười:
“Không hề gì, có bác Quách bảo đảm.”
Nhưng để “đề phòng”, thượng toạ cho dọn một căn phòng dưới xưởng làm hương để Thiện ở, trưa chiều lên chùa ăn cơm.
Ðược nơi ăn chốn ở vừa ý, Thiện bảo tôi:
“Ðể đền ơn ông, tôi xin hẹn trong sáu tháng sẽ đọc và hiểu được kinh chữ Hán.”
Tôi không dám tin, nhưng cũng không dám ngờ.
Ở Trại Thuỷ, cả ngày Thiện nằm đọc sách. Thỉnh thoảng tôi đến thăm Thiện và thượng toạ Trí Thủ. Một hôm thượng toạ bảo tôi:
“Anh chàng có đạo tâm.”
Tôi cười thầm trong bụng: “Ðạo Thiên Chúa hay đạo Phật.”
Ba tháng sau, tôi lên Hải Ðức, không thấy Thiện nơi xưởng hương. Hỏi người làm hương trong xưởng cho biết rằng thượng toạ Trí Thủ đem anh lên ở nơi cốc của thượng toạ hơn một tháng rồi.
Tôi bèn leo dốc lên cốc: một nhà sư trẻ đang ngồi xếp bằng ngay ngắn, mắt lim dim trên chiếc ghế dài nơi cốc. Nhìn kỹ thì là Phạm Công Thiện! Rõ là một nhà sư 100 phần trăm. Thiện ngồi yên, tôi lẳng lặng đi vào cốc. Thượng toạ Trí Thủ mừng rỡ, muốn gọi Thiện. Tôi “xin đừng”. Sau mấy câu hàn ôn như thường lệ, thượng toạ nói:
“Thiện quy y với tôi rồi, tôi đặt cho pháp danh là Nguyên Tánh.”
Tôi không tỏ ý tán thành cũng không tỏ ý phản đối. Ðối với Thiện quy y cũng thế mà không quy y vẫn thế.
Mấy tháng sau – tháng 9 năm 1964. Tôi lên Hải Ðức một lần nữa. Cốc đóng – người trong chùa cho biết thượng toạ cùng Thiện vào Sài Gòn, còn lâu mới về. Tôi cảm thấy bùi ngùi như nhớ nhung, như thương tiếc.
Tôi ngẫu chiếm một tuyệt:
 
Lịu địu
Áo giũ ngày sương gió
Lên chùa thăm cố nhân
Non nghiêng thềm nắng xế
Lịu địu bóng nhàn vân.

Sau nghe tin Thiện dạy học ở Ðại học Vạn Hạnh, rồi đi Mỹ, đi Pháp. Còn thượng toạ Thích Trí Thủ thì trụ trì chùa Già Lam, rồi được phong hoà thượng, thỉnh thoảng mới về Nha Trang thăm chùa cũ và nghỉ ngơi. Thiện thì từ ngày từ giã Nha Trang, tôi không còn gặp lại… ]
(Nghĩ về nhà thơ Phạm Công Thiện – Phan Tấn Hải).

Nguồn: http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=8536&rb=0303

1 nhận xét: