CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Bảy, 1 tháng 7, 2023

HÀNG PHƯỢNG VỸ - Truyện ngắn của Khê Kinh Kha

 

Tác giả Khê Kinh Kha

– Mưa lớn quá, làm sao em về lại trường được, chắc em …
– Không sao em. Tôi cắt ngang câu nói của nàng. Anh sẽ đưa em về, và bảo đảm, em sẽ về đến nơi đến chốn an toàn, không bị sứt mẻ gì cả.
– Sao anh lúc nào cũng đùa được. Năm giờ rưỡi Bác em đến đón mà không thấy em…
Nàng bỏ lững câu nói của mình, nhìn lên chiếc đồng hồ treo trên tường, gần quày trả tiền.
– Chỉ mới hai giờ thôi, còn hơn ba giờ nữa. Em không trễ đâu.
Tôi nói để trấn an nàng.
 
Ngoài trời mưa vẫn rơi. Sài Gòn có những cơn mưa bất chợt. Mưa đến không báo trước, đổ xuống xối xả, nước lênh láng khắp nơi. Nhưng có khi ngừng vội vã như lúc đến, nắng chang hòa trở lại, bầu trời dịu mát hơn.
 
Tôi quen nàng thật là tình cờ và “duyên nợ”. Một hôm đi cùng thằng bạn thân, tên Thành, đến đón bồ của hắn tại trường nữ trung học ở góc đường Võ Tánh. Ngôi trường nằm bên cạnh một nhà thờ lớn, trông rất nghiêm trang và kín đáo. Trường thật kín cổng cao tường, cứ như một tu viện cố xa lánh người đời, mà cũng hơi giống như một nhà tù nào đó. Trường bao bọc bởi một bức tường bằng bê tông cốt sắt, cao gấp hai đầu người, che kín không thấy gì bên trong sân trường cả. Trên đầu bờ tường có gắng đầy những mảnh ve chai nhọn. Có lẽ nhiều cô nữ sinh leo tường trốn học lắm đây? Tôi thầm nghĩ rồi mỉm cười bâng quơ.
 
Cổng trường còn đóng kín mít. Chưa đến giờ tan trường mà trước cổng đã đầy bao chàng cây si. Cây mập, cây ốm, cây cao, cây lùn, và chắc chắn cũng có nhiều cây trốn lính trong đó lắm. Nhìn vẻ mặt lấm la lấm lét mỗi khi có xe cảnh sát chạy ngang là tôi biết rồi. Nếu tôi là cảnh sát, chỉ cần đến những nơi như thế này thì thế nào cũng thâu quả được nhiều thành công hơn là chặn khám giấy tờ giữa đường.
 
Khi cổng trường mở ra, bao tà áo trắng như giòng nước chảy túa ra, những cây si ngưỡng cổ tìm hình dáng người mơ. Tôi cũng nhìn theo những mái tóc dài, tóc ngắn, tóc quăn; những ánh mắt lánh đen, những ánh mắt lơ láo, và những ánh mắt nhìn quanh xem có cây si nào đang chú ý đến mình không? Những vòng eo thon, và eo không thon.
 
– Hôm nay gió nào đưa anh Hùng đến làm cây si ở đây vậy nhỉ?
Loan, người yêu của Thành, vưà nói vừa cười.
– Người ta còn cô đơn vui tính mà. Thành hùa theo. Em có cô bạn nào hiền như ma sơ, hay sư tử Hà Đông cũng được, giới thiệu cho hắn đi.

Thành vừa nói vưà cười vừa vỗ tay lên vai tôi như để an ủi sự “cô đơn” của tôi. Tôi chỉ biết cười trừ thôi. Vì tôi biết nếu mà cố đính chính hay bào chửa thì còn bị nhiều câu chọc quê khác nữa. Thành và Loan là số dách trong chiến trường chọc quê này. Hai người ăn rơ với nhau khủng khiếp, cứ như một đại ban nhạc hoà tấu, từng tiếng kèn, tiếng trống, tiếng đàn, rất ăn rơ và đúng cung vận. Lần nào chọc quê nhau, cuối cùng tôi cũng là người phải chịu thua cuộc và cười trừ. Chắc vì vậy mà tôi “luyện” được chiêu chưởng cười trừ chăng. Với lại ông bà mình hay có câu nói đại khái là cườì một tiếng, mọi việc tà tà ngay, nên tôi cứ thế mà áp dụng. Hôm đó thật sự Loan đã giới thiệu tôi với Phượng, bạn cùng lớp với Loan.
 
– Anh Hùng, đây là Diễm Phượng, bạn thân cùng lớp của em. Cũng còn cô đơn và vui tính như anh. Chúc hai người trăm năm hạnh phúc nhé.
Nói xong Loan cười khanh khách, rồi nhảy lên yên xe honda của Thành đi mất. Lúc ấy tôi như người mất hồn. Tôi đã bị thu hút bởi đôi mắt đen tuyền của Phượng. Mắt của Phượng lánh đen và đẹp hơn mắt bồ câu. Mặc dù tôi chưa bao giờ bắt chim bồ câu để ngắm đôi mắt cuả chúng đẹp như thế nào, tôi chỉ có nhậu bồ câu rô-ti thôi. Tôi thật sự đã mê đôi mắt đó từ giây phút đâu tiên khi gặp nàng. Nàng còn có thêm mái tóc dài phủ cả bờ vai nhỏ bé. Tóc nàng không chẻ giữa như phần đông nhưng được cắt ngang vừa phủ trán, dài đủ chấm đến hàng chân mày đậm, làm cho đôi mắt to của nàng lại càng thấy to hơn.
 
Chiếc áo dài trắng nàng đang mặc ai cắt may mà dễ thương không chịu nổi, nó ôm sát bờ vai và cánh tay nhỏ nhắn của nàng. Nơi vòng eo thì không thắt sát sợ quá lộ liễu, không buông thả quá sợ người chê, chỉ ôm vừa đủ để khoe vòng eo thon một cách duyên dáng lẫn tí thẹn thùng, như ngập ngừng nửa khoe nữa dấu vậy. Phượng có một làn da trắng như hoa lan. Với cái nắng Sàigòn mà có được một làn da như thế thì phải là người chỉ ở trong nhà suốt ngày hay nếu có đi ra ngoài thì trùm đầu trùm cổ kín mít như Ấn Độ. Có lần tôi khen da nàng trắng đẹp như da của những người ở tù lâu năm. Phượng đã giận tôi hơn hai thế kỷ. Thật sự thì hơn hai tuần nhưng tôi tưởng như hơn hai thế kỷ. Nàng có vẻ thích thú trên sự đau khổ này của tôi khi tôi thú thật với nàng sau này. Thật tôi không hiểu nổi cô gái Hà Nội này, nàng chỉ vui và thích thú trên sự đau khổ của tôi thôi. Đôi khi muốn nàng vui và cười tươi để tôi có dịp ngắm cái đồng tiền với chiếc răng nghiêng của nàng, tôi phải tìm cách chọc cho nàng giận, rồi than thở đau khổ nỉ non để được nàng cười. Có lần Phượng giận tôi hơn bốn thế kỷ. Tôi cứ như người mất trí. Ngồi đứng không yên. Bạn bè rủ đi uống cà phê cũng không màng. Thành với Loan được thế tha hồ chọc quê. Và dĩ nhiên trước cổng trường nữ sinh này đã có thêm một cây si hoa lá um tùm. Cuối cùng tôi phải năn nỉ Loan giúp một tay thì mới thấy lại được nụ cười của Phượng. Một lần tôi hỏi Mẹ tôi tại sao gái Hà Nội ác thế, có thể giết người một cách dễ dàng mà không cần súng ống. Mẹ tôi biết ngay là tôi đang bị một cô Bắc kỳ nào đây quay vòng vòng như con vụ, nên bà nói ngày: “Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Nha Trang, Sài Gòn, Long An, Vũng Tàu gì gì cũng vậy thôi, con mà gần lửa thì có ngày sẽ bị cháy đấy con ơi”.
Bà dừng lại để lấy hơi, châm điếu thuốc, vẻ suy nghĩ rồi tiếp: “Con nhớ đừng quên học, con phải thi đậu, nếu không thì bị đi nhập ngũ đánh gìặc.”

Tôi không thích nói chuyện chiến tranh chết chóc nên phai đùa: “Nếu con là Tổng Thống, con sẽ ra lệnh đi chiêu mộ hết những thứ lửa này vào quân đội mình, thì sẽ đốt cháy bao con tim của mấy thằng Việt Cộng, chiến tranh sẽ chấm dứt ngay mà không tốn một viên đạn, Me thấy đúng không ?”
Mẹ tôi chỉ mỉm cười lắc đầu. Chắc Mẹ tôi nói đúng, nhưng tôi vẫn mê cái thứ lửa này. Lửa Phượng lại có một nụ cười duyên dáng không thể tưởng tuợng nổi. Tôi không biết Tây Thi ngày xưa như thế nào, nhưng đối với tôi chắc chắn Tây Thi không thể nào có được nụ cười duyên dáng bằng Phượng. Mỗi khi cười, nàng có thêm một đồng tiền. Đồng tiền của nàng không ở giữa má mà ở bên cạnh bờ môi trái. Nó chỉ lún vào vừa đủ để mọi người nhận ra cái sắc sảo của nó. Rất nhiều lần tôi muốn hôn vào cái đồng tiền đó nhưng cứ mỗi lần đến gần nàng thì mặt nàng nghiêm như bà giám học, làm tôi cũng cụt hứng luôn.
 
Chưa hết đâu, nàng lại có thêm một chiếc răng nghiêng. Tôi phải gọi là răng nghiêng vì nó không phải là chiếc răng khểnh, răng cời bình thường như của nhiều cô khác. Chiếc răng này nghiêng vừa đủ để làm cho bờ môi của nàng hơi vểnh lên một tí như để mời mọc nụ hôn. Chiếc răng nghiêng của nàng nằm bên hướng tay phải như để cân bằng với cái đồng tiền bên tay trái. Mỗi khi nàng cười tôi được thưởng thức cả hai. Phải công nhận ông trời là một nhà điêu khắc gia có một không hai nên mới có thể tạo ra một Diễm Phượng như thế.
 
Tôi hay khoe với ông cậu Hoàng của tôi về chiếc răng nghiêng và cái đồng tiền này và cũng nhiều lần năn nỉ cậu làm giùm một bài thơ để tôi tặng Phượng. Nói là cậu nhưng cũng chỉ hơn nhau một hai tuổi gì đó nên cứ như là bạn vậy thôi. Cậu tôi, tính hiền, dễ chịu, học Văn Khoa nên chữ nghĩa văn chương đầy bụng. Chẳng bì tôi, học ban toán, đầu óc khô như bánh tráng nướng. Cậu thích uống cà-phê và cũng hay làm thơ. Tuy tôi không biết làm thơ nhưng cũng hay đọc thơ văn và thích nói chuyện văn nghệ. Thật sư tôi không thích chính trị và chiến tranh, nên nói chuyện văn nghệ vậy thôi. Mặc dù chiến tranh đang diễn ra từng ngày trên đất nước nàỵ. Những thằng con trai cỡ tuổi tôi đều phải nghĩ đến. Cứ đứa nào thi rớt thì vào Thủ Đức. Chạy chọt được thì ở Sàigòn tà tà dạo phố và làm cây si, còn không thì đi biệt tăm biệt tích, bạn bè chẳng biết đâu mà liên lạc hay thư từ. Tôi phải mất mấy chầu cà-phê thì cậu tôi mới cảm hứng ra thơ. Tôi phục cậu sát đất, chỉ có một chiếc răng nghiêng và cái đồng tiền nơi vành môi trái thôi mà cậu cũng tuôn ra được mười câu thơ lục bác rất là bay bướm. Tôi hí hững như người trúng số độc đắc. Đọc đi đọc lại bài thơ cho đến lúc thuộc nằm lòng. Nghĩ chắc sẽ làm Phượng vui, nói khen vài câu dịu ngọt êm tai, và cũng cười tươi để tôi tha hồ thưởng thức cái đồng tiền và chiếc răng nghiêng. Nhưng rồi tôi lại không dám trao cho nàng. Tôi chỉ sợ nhở nàng bắt tôi làm thêm mấy bài thơ ca tụng mặt trăng mặt trời, mưa nắng, hay cây cỏ mùa Thu, mùa Hạ gì đó, thì tôi sẽ bị lộ tẩy ngay, lúc ấy tôi có bỏ đi lính cũng không sao xóa nổi cái quê của mình.
 
Cái gì của nàng cũng hoàn hảo cả, từ tấm thân mảnh khảnh như những nàng tiên trong tranh vẽ của Tàu, đến ngay cả từng bước đi nhẹ nhàng. Giọng nói ngọt ngào (gái Bắc mà), hay ngay cả tiếng cười của nàng cũng có thể ru ngủ tôi một cách dễ dàng. Chỉ riêng có cái tên là tôi không vừa ý lắm. Diễm Phượng, cái tên này nghe giống như bài hát rất nổi tiếngcủa ông nhạc sĩ họ Trịnh. So về tuổi tác của nàng với bài hát đó, thì biết ngay ông nhạc sĩ tài ba đã mượn đỡ chữ Diễm của tên nàng. Nhưng bây giờ cả nước Việt Nam ai cũng biết bài hát này, như thế đâu có gì đặc biệt cho riêng tôi. Tôi nhất định phải đặt cho nàng một cái tên thật độc đáo mà không ai có hết. Nào là Phượng dịu dàng, Phượng yêu, Phượng kiêu sa, Phượng tóc dài, Phượng đồng tiền, Phượng răng nghiêng, Phượng mắt bồ câu, Phượng mắt hạt nhản, Phượng Tây Thi, Phượng hơn Tây Thi, Phượng Hoàng, Phượng Tiên Nữ, Phượng của tôi, Phượng Hùng… có đến mấy trăm cái tên khác nhau mà tôi vẫn chưa thấy tên nào vừa ý cả. Vô tình một hôm đứa em gái tám tuổi của tôi hỏi tôi:
 
– Anh Hùng, tại sao mùa phượng vĩ là mùa chia tay ?
– Tại vì mùa phượng vĩ là mùa hè, mùa hè thì nghỉ học, thì bạn bè chia tay nhau.
 
Lúc ấy tôi chợt nhớ đến Phượng và cái tên mà tôi cố “sáng tác” nhưng chưa ra. Mùa Phượng Vĩ, Mùa Phượng Vĩ, tôi lẩm bẩm lập đi lập lại cả buổi chiều hôm ấy. Đến mấy ngày hôm sau thì tôi biến nó thành Hùng Phượng Vĩ cho có vẻ đầy gắn bó tình tự, nhưng tôi thấy cũng không ổn vì cái tên “Hùng” mắc dịch của tôi nghe sao quá “cải lương”. Tôi hay trách Mẹ tôi sao không đặc cho tôi một cái tên gì hay ho hơn và ít người có. Khi tôi còn bé đi học, cứ mỗi lần thầy giáo gọi: “Trò Hùng, đứng lên”, thì gần nửa lớp đứng dậy, cả lớp cười chọc quê. Mấy thằng cà chớn trong lớp còn cứ hay hát chọc “Anh hùng là anh hùng rơm, tao cho bó lửa hết cơn anh hùng, thình tùng thình…tùng thình…” Tôi ghét cái tên cúng cơm cải lương của tôi kinh khủng.
 
Mấy tuần sau thì tôi đổi ra thành Hàng Phượng Vĩ. Tôi thấy nó cũng hay hay và lạ lạ. Thêm nữa, sẽ không ai biết tên nàng là Phượng. Tôi rất hãnh diện và sung sướng đã “sáng tác” được một cái tên quá hay ho và bay bướm thế này.
 
Nhưng rồi hơn sau ba tuần, tôi vẫn chưa biết làm sao để nói với Phượng cái tên hay ho và mới mẻ này mà không bị giận mấy thế kỉ. Cuối cùng tôi nhờ Loan trao cho nàng lá thư mà tôi đã nắn nót viết: “Em Hàng Phượng Vĩ yêu quý ”, rồi ký tên mình bên dưới . Hôm đó tôi đến chờ ở cổng trường từ mười hai gìơ trưa vì chỉ sợ không gặp nàng.
 
Tôi rất ngạc nhiên khi thấy cổng trường mở ra và nhiều học sinh được ra về sớm. Trong đám có Loan và cả Phượng. Tôi còn bâng khuâng thì Loan đã lên tiếng:
– Anh Hùng sao hay thế, sao anh biết lớp em được về sớm hôm nay mà đến đón Phượng? Sao anh không cho Anh Thành em biết?
– Anh đâu biết trước. Mà tại sao lớp …
 
Tôi chưa hỏi hết câu thì đã thấy Phượng đứng sừng sững trước mặt tôi. Trái hẳn với lòng dự đoán của tôi, Phượng rất thản nhiên và không tỏ vẻ gì giận dỗi, nhưng cái thản nhiên gần như lạnh lùng sỏi đá của nàng đã báo hiệu cho tôi một điều gì không lành sắp xảy đến trong đời tôi.
 
– Anh đã đưa nhầm thư người khác cho tôi.
Nói xong Phượng dúi lá thư vào tay tôi rồi quay lưng bỏ đi một mạch về hướng nhà thờ. Nàng không dùng chữ “em” hay “Phượng” để xưng hô với tôi nữa đã làm cho tôi thấy đời bỗng đen tối và vô nghĩa. Tôi nghĩ thầm chiều nay sẽ buồn thối ruột. Tôi lẻo đẻo đi theo nàng như một tên tiểu đồng khúm núm đi theo sư tổ. Thỉnh thoảng nàng quay qua mỉm cười với cái tên lái xe Honda kè kè một bên lề đường như để chọc tức tôi. Nếu tôi to lớn lực sĩ như ông cậu Giang của tôi, thì tôi đã đấm vào mặt cái thằng trơ trẻn này vài thoi cho bỏ ghét.
 
Phượng rẽ vào cổng nhà thờ rồi đi thẳng đến đứng trước tượng đá Đức Bà Maria. Cái thằng trơ trẻn Honda không dám lái xe vào sân nhà thờ nên hắn quẹo vòng trở lại cổng trường để tìm người mơ khác. Tôi từ từ đi đến đứng cạnh nàng. Rồi bắt đầu than oán nỉ non:
– Thư đó là anh gửi cho em, anh đâu có ai mà đưa lầm thư. Cái tên…
– Tên tôi là Diễm Phượng, tôi đâu phải Hàng Phượng Vĩ.
Phượng cắt ngang với giọng cay cú. Nàng nói mà chẳng thèm nhìn tôi.
– Cái tên Hàng Phượng Vĩ là do anh đặt riêng cho em như một bút hiệu vậy mà. Nếu em không thích anh sẽ không bao giờ dùng đến nữa.
 
Phượng đứng yên lặng, mắt vẫn nhìn vào tượng Đức Bà. Nét mặt có vẻ dịu lại hơn, rồi nàng nhắm mắt, cúi đầu, cầu nguyện nho nhỏ. Tôi thấy hơi yên bụng một tí. Biết đâu nàng đang cầu nguyện cho tôi thi đậu để khỏi bị đi lính. Hay nàng cầu nguyện cho tôi bị trúng gió lăn đùng ra giừa đường, dãy đành đạch như con cá trên thớt, cho hả giận. Nếu tôi bị trúng gió lăn đùng ra giữa đường để nàng hết giận thì tôi sẽ chịu ngay, hình phạt này tôi còn thích hơn là những hình phạt kéo dài đằng đẳng từ thế kỉ này đến thế kỉ khác. Tôi như người lạc đường giữa sa mạc. Thịt da cháy khô, trông như một xác chết không hồn.
 
Tôi ngẫm nghĩ mình cũng nên cầu xin một cái gì nên tôi cũng nhắm mắt, cúi đầu như Phượng Vĩ. Một lúc sau tôi mở mắt ra thì Hàng Phượng Vĩ của tôi đã đi trở ra gần đến đường rồi. Tôi lật đật bước nhanh theo nàng, năn nỉ:
 
– Anh thấy cái tên Hàng Phượng Vĩ cũng đẹp gần bằng em.
Tôi cố nhấn mạnh hai chữ “gần bằng” để cho nàng thấy là không có cái gì bằng nàng cả. Phượng Vĩ không nói năng gì, tay vẫn ôm sách học trước ngực, băng qua đường, đi dọc theo đường Võ Tánh về hướng ngõ Sáu.
 
Tôi nghĩ nàng im lặng như thế chắc có thể đã chấp nhận và tha thứ rồi, nên tôi không nỉ non nữa. Tôi đánh bạo nói với nàng:
– Bây giờ còn sớm lắm, Bác em chưa đến đón đâu. Hay mình đi xuống ngõ Sáu tìm cái gì uống nhé?
 
Phượng Vĩ không trả lời câu hỏi của tôi nhưng vẫn tiếp tục đi về hướng Ngõ Sáu. Tôi bước nhanh theo sát bên nàng. Tôi định cầm tay nàng như những lần trước nhưng không biết nàng đã hết giận chưa.
 
Nắng chang chang phủ đầy trên đầu trên tóc, trên mặt đường, trên những dãy nhà lầu cao. Nhưng tôi không thấy nóng tí nào. Tôi chợt nhớ một câu hát “Nắng Sàigòn anh đi mà chợt mát”. Bây giờ tôi mới thật sự thấu hiểu nỗi lòng của ông nghệ sĩ tài ba này. Không hẹn mà được đi dạo phố với nàng thì thật là may mắn mấy đời, nên tôi cứ lẳng lặng đi cạnh bên nàng.
 
Gió từ đâu bỗng dưng nổi dậy, thổi tung cát bụi cùng rác rưới bên đường. Phượng đi sát vào những tòa nhà lầu như để tìm một chút che chở.
– Có lẽ trời sắp mưa đấy em. Mình đi nhanh tìm cái quán nào ngồi cho khỏi ướt.
Nói xong tôi cầm tay nàng kéo đi nhanh gần như chạy. Gió cuốn thổi mạnh từ sau lưng như giúp sức. Tà áo dài trắng của Phượng bay lồng lộng phía trước. Phượng cố giữ mái tóc cho khỏi bị gió rối. Một vài giọt mưa đã bắt đầu rơi như để báo hiệu trước.
 
Phượng Vĩ và tôi vừa ngồi xuống bàn kê gần cửa ra vào, thì trận mưa cũng vừa đổ xuống. Những giọt nước nặng hạt đổ nhào từ trời cao, vỡ tung tóe trên mặt đất, thành từng dòng nước chảy mạnh vào những chỗ lủng thấp, lênh láng đầy đường, rác nổi lềnh bềnh. Cơn mưa nào cũng đem đến nhiều dịu mát, xóa dần đi cái nóng bức của buổi trưa SaiGòn. Phượng vuốt mái tóc, mỉm cười, dịu nói:
 
– May quá anh nhỉ? Em không có đem theo dù, nếu bị mưa ướt sợ bị cảm lắm.
Nàng đã đổi cách xung hô làm tôi thấy an tâm dễ sợ.
Quán vắng người, không ai ngoài tôi với nàng. Phượng rất thich quán vắng người, để được tự do nói chuyện, tự do im lặng và tự do giận dỗi tôi nếu cần, mà không sợ ai chú ý đến.
 
Gió thoảng nhẹ đem theo những bụi mưa vào quán. Tôi thấy thèm một li ca-phê nóng. Tôi định gọi người đến thì đã thấy con bé cỡ khoảng mười tuổi, đi từ bên trong ra, trên tay cầm một quả dừa tươi đã được chặt đi một đầu, và có cắm thêm một ống hút. Con bé đến đặt quả dừa trước mặt Phượng rồi cười toe tóe, nói với nàng:
 
– Chị là Hàng Phượng Vĩ phải không? Tên chị đẹp mà chị cũng đẹp, hèn chi chú Hùng mê. Em mà chú Hùng, em lấy chị luôn…
Phượng đỏ mặt, nhìn tôi như cầu cứu, cố tìm hiểu sao con bé tinh ranh này biết được cái tên tôi mới đặt cho nàng, và sao nó lại biết nàng thích nước dừa tươi. Tôi vội nói:
 
– Bé Linh là con bà chủ quán, nó thường hay giúp mẹ nó tiếp khách… Những lần anh đến đây học chờ em, nó hay lẩn quẩn nói chuyện với anh…
 
– Chị Phượng Vĩ ơi. Con nhỏ Linh chỏ mõm chen vào. Ngày nào chú Hùng cũng đến quán em uống cà-phê, đọc sách cho đến bốn năm giờ chiều thì nói là đi đón bồ. Em hỏi tên bồ thì chú không nói. Nhưng mấy tuần nay, chú lại khoe với em cái tên của chị. Ngày nào cũng đặt mua một trái dừa tươi, ướp đá lạnh sẵn cho chị… Chú nói người chú mê tít tò lò là Hàng Phượng Vĩ.
Nói xong con nhỏ Linh cười khúc khích. Con bé quỉ quyệt này hôm nay tôi thấy sao dể thương qúa đổi.
 
– Thôi được rồi Linh ơi, pha cho chú ly ca-phê đen đi. Tôi nói.
Mặt Phượng vẫn còn đỏ ửng vì thẹn lẫn sung sướng. Phượng nhìn ra trời mưa, nói lảng sang chuyện khác:
– Lúc ở nhà thờ em thấy anh nhắm mắt, anh cầu nguyện à?
– Anh cám ơn Đức Bà cho em được về sớm hôm nay.
– Anh đừng nói dại, thầy em vừa nhận được tin đứa con trai tử trận, thầy phải về đưa gia đình đi nhận xác…
 
Lời nói của Phượng bị nghẹn tắt nửa chừng. Ánh mắt nàng trở nên buồn thăm thẳm.
– Chiến tranh đấy em, thân phận con trai của bọn anh chẳng biết đâu mà mò.
Tôi và Phượng nhìn ra ngoài trời như cùng một tâm sự. Tương lai như sương mù phía trước, không ai thấy được mà cũng không đoán đươc. Bao giấc mơ, bao toan tính có thể vỡ tan tành vì một viên đạn nhỏ bé. Tôi và Phượng Vĩ ngồi im lặng như thế rất lâu trong nổi ưu tư riêng của mình.
Bầu trời vẫn còn xám, một vài tia nắng đang cố len mình qua đám mây. Cơn mưa xối xả đã qua, gìơ đây chỉ còn lại vài hạt mưa phất phơ, rất mềm, rơi thưa thớt trên mặt đường, trên những vũng nước ổ gà.
 
– Anh đang mơ mộng gì thế, Phượng thấy anh như ở nơi nào vậy?
Tôi như chợt tỉnh cơ mê, quay đầu nhìn nàng mỉm cười. Nhưng thấy nụ cười mình trơ trẻn dễ sợ. Nếu lúc đó có cái gương trước mặt, tôi sẽ thấy bộ mặt và nụ cười cầu tài của tôi, chắc tôi cũng phải cười tôi.
– Anh đang nghĩ đến những ngày sắp tới của chúng mình… Nếu anh thi rớt, vào Thủ Đức, em có đi thăm anh mỗi tuần không?

Phượng khẽ gật đầu, mắt nhìn xuống mặt bàn. Nàng muốn nói một câu gì đó nhưng không thoát ra thành lời.
– Thế là em thành người yêu… của lính… rồi. Tôi vừa nói vừa kéo dài như hát.
Phượng Vĩ cười tươi, nhìn ra bên ngoài, nói nhanh:
– Thôi em phải về lại trường chờ Bác em.
Tôi đứng dậy, từ từ cởi nút áo sơ-mi của mình ra. Phượng Vĩ lố mắt nhìn tôi, la hoảng:
– Anh định làm gì thế?
– Anh chỉ muốn cởi áo lót đường cho em đi khỏi ướt chân.
 
Phượng Vĩ cắn môi để cố dấu nụ cười, nhìn tôi với ánh mắt sáng ngời lẩn tí tinh nghịch:
– Manh áo bé tí teo thế kia thì lót được bao nhiêu?
– Anh còn thêm cái quần tây nữa.
Nàng quay mặt nhìn về hướng khác như không chú ý đến lời nói khôi hài nhưng không mấy lịch sự của tôi.
– Hay anh cõng em về lại trường nhé ? Nói xong tôi khom lưng xuống.

Phượng Vĩ đứng dậy, cầm chồng sách, bước ra khỏi quán. Mưa đã dứt nhưng hơi nước vẫn còn đầy trong gió. Gió thổi tung mái tóc dài của Phượng Vĩ, nàng vội lấy một cuốn sách che nghiêng bên đầu. Tôi liếc nhìn qua bờ môi bên trái của nàng, thấy cái đồng tiền hơi lún vào một tí. Nàng đã bị lộ tẩy rồi, nàng đang cười thích thú bên trong nhưng không muốn cho tôi biết thôi. Tôi thật sự cám ơn ông trời đã cho nàng cái đồng tiền để tôi vừa được ngắm, vừa được biết thêm một vài bí mật bên trong của nàng. Tự nhiên tôi thấy mình hạnh phúc lạ lùng. Tôi đi gần đến bên nàng, quàng tay kéo nàng sát vào tôi. Gió thổi luồn qua mái tóc xõa, những sợi tóc mai đen tuyền, mềm mại, đập nhẹ vào mặt tôi, như những vuốt ve trìu mến. Mùi hương ngọt ngào, nồng nàn của da thịt nàng thoảng bay. Tôi muốn nói với nàng một câu thật chân tình. Nhưng không có lời nói nào có thể diễn tả nổi con tim của tôi trong giây phút này. Tôi khẽ hôn vào gò má nàng. Tôi cảm thấy nàng đi sát vào tôi hơn.
 
Chưa bao giờ tôi thấy lòng hân hoan và tràn đầy hạnh phúc như hôm nay. Tôi chỉ mong con đường về lại trường dài vô tận để không bao giờ tôi phải xa nàng. Để hai thân thể chuyền hơi ấm cho nhau mãi mãi dưới mưa. Những mơ ước, những xôn xao kéo nhau đến trong tôi như cơn mưa vừa qua. Tôi mơ một ngày đất nước không còn chiến tranh, tôi và nàng sẽ đi thăm khắp mọi nơi. Những thành phố lớn nhỏ, những làng mạc xa xăm, những đồi nương xanh lá, những bờ biển cát trắng. Rồi cuối cùng tôi sẽ cùng nàng chọn một ngọn đồi thông reo nào đó, bên cạnh con suối nhỏ, hay một bờ biển vắng yên lành, dựng một căn nhà nhỏ có dàng hoa thiên lý. Tôi sẽ trồng thêm một hàng phượng vĩ trước nhà, trong vườn đầy những cây ăn quả, bao thứ hoa lạ, và dĩ nhiên có vài chục cây dừa cho nàng. Còn phần tôi, tôi sẽ trồng một vườn trà và một vườn cà-phê. Rồi những đêm trăng sáng tôi sẽ cùng nàng ngồi ngắm trăng sao. Lúc ấy dù tôi không phải là thi sĩ, tôi cũng có thể làm được một bài thơ ca tụng tình yêu vĩnh cữu của tôi và Hàng Phượng Vĩ. Một giấc mơ rất bình thường, chân thật, không bon chen, không ganh đua, không thù hận. Một giấc mơ mà tôi nghĩ cặp tình nhân nào cũng thèm muốn, cũng ao ước. Chiến tranh đối với họ như một cơn bão vĩ đạị. Họ cố gắng xa lánh để không bị những ngọn gió dữ dằn tàn phá những hạnh phúc mà họ đang xây đắp. Nhưng nhiều khi những ước mơ thật tầm thường cũng không thành tựu được, khi sự thật vẫn còn nhiều chết chóc và li tán xảy ra từng ngày.
 
***
 
Chiếc xe gíp của người Bác chở Hàng Phượng Vĩ tôi quẹo qua đường Võ Tánh, rồi mất biến sau dãy nhà lầu. Tôi nhìn lên ngọn cây. Nắng đỏ hoe trên cành. Những giọt mưa còn đọng trên lá, lung linh trong nắng như những hạt kim cương đủ màu. Tôi thấy mình dần bước về hướng nhà thờ. Tôi thầm nghĩ, mình nên cầu xin một cái gì, cho tình yêu, cho tương lai, và … Biết đâu Hàng Phượng Vĩ sẽ không cho mình leo cây cuối tuần này.
 
Tiếng còi hụ inh ỏi của chiếc xe cứu thương, xe chửa lửa và xe cảnh sát chạy nhanh về phía chợ Bến Thành. Chắc lại một vụ đặt bom nổ giữa đám đông?
 
                                                                                  KhêKinhKha
                                                                                 (Mass. 7/1975)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét