CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 23 tháng 5, 2023

TẢN MẠN VỀ RƯỢU NHO (11) - Nguyên Lạc

                                                (Kỳ cuối)



LỜI KẾT
 
Trong các phần trên, chúng ta đã tản mạn về rượu phương Tây, giờ xin sơ lược vài hàng về Đông phương.
 
1. Rượu trong văn học Trung Quốc
 
Văn học Trung Quốc qua bao thời đại không thiếu thơ văn ca ngợi rượu. Thậm chí rất nhiều. Thông thường người ta chia ra làm ba cách uống rượu: tục tửu, thường tửu và tiên tửu. Tục tửu là uống đến chỗ phóng đãng bừa bãi, không làm chủ được mình. Thường tửu là uống xong cho sảng khoái, uống chỉ vì thích uống mà thôi. Tiên tửu là uống rượu như một thứ trợ hứng để bàn về thi ca, nghệ thuật nhằm di dưỡng tinh thần. Đến Kim Dung thì chén rượu lại được điểm xuyết thêm một phần ý vị nữa: đó là chén rượu lãng mạn hào hùng giữa chốn giang hồ. Đối với cuộc sống rong ruỗi phiêu bạt của khách võ lâm, có thể trong buổi tiễn đưa hoặc buổi trùng lai thiếu tiếng đàn tiếng hát, nhưng chắc chắn trong nỗi buồn li biệt hay trong niềm vui hội ngộ đó luôn luôn có rượu. Chung quanh chén rượu và ngay trong chén rượu có biết bao nhiêu tâm sự của muôn vạn mãnh đời. Khắp võ lâm, từ trà đình tửu quán cho đến chốn núi thẳm rừng sâu, hễ nơi đâu có mặt hảo hán giang hồ là y như nơi đó có rượu.
Một điều đáng ghi nhận là trong tác phẩm Kim Dung, hầu như những nhân vật nào đam mê rượu cũng đều có tâm hồn hào sảng, phóng khoáng. Đó là một Tiêu Phong kiêu dũng, một Hồng Thất Công cương trực, một Lệnh Hồ Xung khoáng đạt, một Đan Thanh hào phóng v.v… Bang chủ Hồng Thất Công do tính ham rượu và nhậu nhẹt nên bị Hoàng Dung dùng mẹo lừa để ông phải truyền tuyệt kĩ “Hàng long thập bát chưởng” cho Quách Tĩnh. Đoàn Dự khi lang bạt giang hồ tìm Vương Ngọc Yến, thấy Tiêu Phong ngồi uống rượu trên Tùng hạc lâu mà sinh cảm mến, cùng nhau uống rượu rồi kết làm huynh đệ. Đó là cách uống rượu hào sảng của khách anh hùng. Đoàn Dự dùng Thiếu trạch kiếm để tiết hết rượu ra khỏi người theo đầu ngón tay út mới có thể đối ẩm với “đại tửu lâm cao thủ” là Tiêu Phong. Đó là cách uống rượu đầy tiểu xảo mà Đoàn Dự vô tình phát hiện.

Nhưng uống rượu như Tiêu Phong hay Lệnh Hồ Xung cũng chỉ là cách uống rượu hào hùng thống khoái của hảo hán giang hồ; cách uống rượu của Đan Thanh tiên sinh – đệ tứ trang chủ Cô sơn Mai trang – hay Tổ Thiên Thu mới đúng là hạng “tửu đồ thượng thừa sành điệu”. Người đọc ắt hẳn phải thâm tạ Kim Dung đã tặng cho đời những trang tuyệt bút về rượu. Uống rượu nào phải dùng chén ấy. Chén ngọc hay chén lưu li làm rượu nổi thêm màu sắc, chén sừng tê làm rượu thêm hương vị [1]. Uống rượu bồ đào phải dùng chén dạ quang, vì khi rót vào chén dạ quang thì rượu bồ đào sẽ có màu đỏ như máu, khiến cho quân sĩ ngoài biên tái uống vào thêm hùng khí chiến đấu [2]. Uống rượu Thiệu Hưng trạng nguyên hồng phải dùng chén cổ đời Bắc tống. Uống rượu Lê Hoa phải dùng chén Phỉ Thúy. Các quán rượu tại Hàng Châu thường treo cờ xanh trước tiệm rượu để ánh sáng chiếu màu xanh vào chén rượu Lê Hoa như màu phỉ thuý [3] v.v… Thử hỏi mấy ai đọc Đường thi mà có thể cảm nhận ra chỗ tận diệu trong lời thơ thế kia, nếu như không có những “nhà tửu học” như Tổ Thiên Thu? Tổ Thiên Thu phân tích về rượu làm ta nhớ lại lão ăn mày trong “Vang bóng một thời” của Nguyễn Tuân bình phẩm về trà. Họ đều là những nghệ sĩ tài hoa trong làng trà làng rượu.
Với Đan Thanh và Tổ Thiên Thu thì uống rượu đã trở thành một loại nghệ thuật. Uống rượu đến mức đó là gần như nâng rượu lên thành Tửu đạo. Đáng tiếc thay, ở phương Đông, cái tạm gọi là Tửu đạo đó lại không được lịch sử phát triển thành một trào lưu như Trà đạo. Có lẽ vì nó giống như con dao hai lưỡi. Kẻ non nớt dùng nó ắt sẽ bị đứt tay. Tiên tửu chưa chắc đã thấy đâu mà tục tửu có thể đã ngập tràn trong thiên hạ!
Chén rượu ngày nay đã mang quá nhiều tục sắc. Tửu vị cho dẫu đã được nâng lên thêm mấy bậc nhưng tửu đạo lại bị hạ xuống thấp mấy tầng! Giá như Tổ Thiên Thu và Đan Thanh sống lại ắt hẵn sẽ mời tất cả các tửu đồ trong thiên hạ đời nay tụ tập lại để giảng cho nghe về tửu đạo và cùng nhau lai rai một chén rượu giang hồ!
...............
 
Chú thích
[1] Lưu li chung, hổ phách nùng (chén đựng rượu bằng ngọc lưu li làm màu hổ phách của rượu thêm đậm đà – Thơ Lý Hạ) hay Ngọc uyển thịnh lai hổ phách quang (chén ngọc làm sáng thêm màu hổ phách của rượu – Thơ Lí Bạch)
[2] Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi, dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi (Rượu Bồ đào rót chén dạ quang, Toan uống Tỳ bà dục lên đàng – Thơ Vương Hàn)
[3] Hồng tụ chức lăng khoa thị diệp, thanh kì cô tửu sấn Lê hoa (tay áo lụa hồng khoe lá thị, cờ xanh quán rượu ánh Lê hoa – Thơ Bạch Cư Dị)
                          (Lai rai chén rượu giang hồ – Huỳnh Ngọc Chiến)
 
“Uống rượu nào phải dùng chén ấy”: Các bạn thấy có giống cách chọn ly uống rượu vang và Brandy ở các phần trên không?
 
2. Rượu trong văn học Việt Nam
 
Đã bàn về rượu trong văn học Trung Quốc, ta cũng cần bàn về Việt Nam.
Rượu đã xuất hiện từ lâu trong đời sống của người Việt và trở thành một nét văn hóa trong văn hóa Việt. Rượu đã hiện hữu trong cuộc sống của người Việt từ lâu, những tác dụng và ảnh hưởng của rượu đến con người đã được biết tới từ rất sớm. Trong nghi lễ của người Việt, nghi lễ dâng rượu đã trở thành phổ biến, mang tính chất bắt buộc và hết sức thiêng liêng. Trong quan niệm dân gian, chúng ta cũng thường nghe nói: “Vô tửu bất thành lễ”. Điều đó chứng tỏ rằng rượu đã hằn sâu trong tâm linh, tín ngưỡng người Việt. Rượu dùng để dâng cúng thần linh vào những ngày lễ Tết, rượu cũng được sử dụng trong những dịp hội làng, những ngày lễ tổ. Rượu (cùng với cau trầu) là lễ vật bắt buộc khi cưới hỏi. Kể cả trong sinh hoạt thường ngày, chén rượu để kết giao, để tìm bạn tri kỷ, giúp cho ta vơi đi những nỗi sầu nhân thế.
Như đã nói trên, quan hôn tang tế không thể nào không có rượu. Nhất là ngày “loan phụng hòa minh” và đêm “động phòng hoa chúc”.
Câu ca dao này chắc ai cũng biết:
 
Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm,
Rượu Hồng Đào chưa nhấm đà say…
 
Với tục lệ Việt Nam cổ truyền, thì lễ động phòng cần có: chỉ đỏ hoặc chỉ ngũ sắc gọi là dây tơ hồng, đĩa muối với dăm lát gừng tươi, chai rượu Hồng Đào đính kèm một chiếc chung. Chú rể buộc tơ hồng vào cổ tay nàng dâu và ngược lại. Rót đầy chung rượu, chàng uống nửa, nàng uống nửa. Xong, cùng lấy gừng chấm muối mà nhai, đôi lứa vừa hít hà, vừa dìu dặt ngâm nga:
 
Tay bưng đĩa muối chấm gừng,
Tình nồng nghĩa mặn xin đừng bỏ nhau

Rượu Hồng Đào là rượu gì mà thường được nhắc như vậy? Quan trọng như vậy?
Xin được trích đoạn bài viết dưới đây nói về giai thoại rượu Hồng Đào
 
[… Phần trên có đề cập tới rượu Hồng Đào, chắc các bạn cũng hơi thắc mắc? Để giải thích rõ cho vui giai thoại về cội nguồn rượu này, tui xin mời ông sư phụ tui – nhà nghiên cứu Laiquangnam hầu chuyện cùng quý bạn nha.
– Dạ kính sư phụ ly XO, xin mời Ngài thưởng thức rồi cho vài “lời vàng tiếng ngọc”.
– Khà! hảo tửu! Nhà người cần biết điều chi?
– Về giai thoại rượu Hồng Đào ấy mà!
– Vậy hả, nghe đây:
Truyện rằng: Nhớ xưa khi Hoàng thế tử Nguyễn Phúc Lan đang cai quản Đất Thuận Quảng, Ngài đến thăm Ông giáo họ Đoàn. Ngài Nguyễn Phúc Lan lấy vò rượu nho do các cha cố Bồ đào Nha tặng khi thuyền họ cặp cảng Hội an. Thế tử giới thiệu rằng đó là Rượu Bồ đào mỹ tửu.
Uống lưng chừng rượu. Ông giáo họ Đoàn cho gọi con gái cưng của mình, là Đoàn Đông Yên, xứ dệt lụa trồng dâu, trắng da dài tóc dâng rượu. Nàng trinh nữ họ Đoàn vâng lời cha mang lên một cái tỉn sành. Nàng mở khằn, mùi thơm ngào ngạt. Lặng người, Hoàng thế tử quan sát người đẹp Đông Yên dọn bàn nhắm. Chỉ là gà xé phay trộn rau răm, cạnh là đĩa nhộng rang nước mắm nhỉ pha đường, điểm vài lát gừng lát ớt sắp quanh miệng đĩa. Rượu hồng nhạt rót vào hai chung cho người đổi ẩm. Ông giáo họ Đoàn đưa tay mời thế tử.
Rượu ngon. Tay người đẹp rót. Khiến Ngài nhớ câu thơ Lý Bạch trong bài Khách Trung tác: “Ví mà chuốc rượu mềm môi / Quê đâu chớ hỏi ? Đây nơi quê nhà”.
Tủm tỉm cười, Thế tử nói, quả là rượu hồng này uống ngon hơn thứ rượu Bồ đào nhạt nhẽo kia. Cả cười, ông giáo họ Đoàn từ tốn nói:
– Quê tôi, dòng họ Đoàn quê mùa chúng tôi quan niệm con nào cũng là con. Bọn trẻ được thương yêu như nhau.
Thế tử lặng thinh lắng nghe.
– Rằng dòng họ Đoàn ngay khi người vợ vừa cấn thai. Người chồng ra trước nhà hái những trái đợt dâu chín đỏ. Cứ lớp trái dâu tằm đủ dày là một lớp đường. Xong đem chôn trước cây dâu lớn trước nhà.
Sau khi vợ khai hoa (sinh con), người chồng đào rượu lên, chia làm hai phần đều nhau: Một phần cho bà vợ mới sinh uống để mong nàng ăn ngon miệng. Phần còn lại, nếu người vợ sinh con trai thì rượu được uống ngay cùng với những bậc trưởng thượng để mừng. Nếu nàng sinh con gái thì người chồng lặng lẽ khằng kín rượu lại và chôn ngay gốc dâu như cũ. Lần này cạnh nó là cuống nhau của bé.
Thế tử dừng rượu lắng nghe. Ông giáo tiếp:
– Khi người con gái mình trưởng thành, tới ngày lấy chồng, thì người cha ra gốc dâu đào hũ rượu vốn chỉ còn một nửa ấy lên làm rượu tân hôn. Ngày cưới của con gái, ông rót mời chàng rể, có cô con gái và mẹ cô bé cùng chứng kiến. Ông nâng ly và nói với chàng rể:- “Hôm nay Cha đem con gái giao cho anh (chàng rể), cũng chính là giao cả trách nhiệm, để anh phải thương yêu, chăm sóc, chia sẻ mọi điều với con gái cha”. Quay sang con gái, ông nói:- “Hôm nay cha rất vui và nâng ly uống cạn chung rượu này. Hôm nay ta thật sự an lòng khi thấy con hạnh phúc.”
Thế tử nghe xong bao nhiêu cảm giác mừng vui và niềm tin dâng trào trong ông do ở con người sống tại địa bàn mà thế tử cai quản.
Ông mang câu chuyện cách dạy con và lòng Cha của người Đông Yên, Duy Xuyên, Quảng Nam kể lại với Hoàng Tộc. Họ nghĩ và tin rằng, với lối suy nghĩ như vậy, giòng họ Nguyễn sẽ bền vững tại phương Nam. Ông giáo họ Đoàn về sau trở thành sui gia với cha thế tử Nguyễn Phúc Lan.
Đúng như họ suy nghĩ, từ khi người con gái Đoàn Đông Yên sinh cho đứa con trai, sẽ là vị chúa dũng mãnh nhất trong chín đời Chúa Nguyễn, giòng họ Nguyễn bền vững tại phương Nam. Quảng Nam xứ Đàng Trong có từ đó. Con trai của bà Đoàn Đông Yên là Nguyễn Phúc Tần, tức chúa Hiền Vương.
Rượu Hồng Đào Quảng Nam từ cội nguồn này mà ra…]
                                        (Loạn Bút Về Tứu Sắc #2 – Nguyên Lạc)

     (rượu Hồng Đào)
                                                 

 3. Rượu và tình bạn:

Khoan khoan ngồi đó chớ đi
Bạn bè tri kỷ mấy khi sum vầy
Bà đâu ta bảo bà này
Chạy ra bờ ruộng lùa bầy vịt non
Ca-ri vịt, tiết canh ngon
Vài chai rượu rắn cho tròn đệ huynh
                                    (Nguyên Lạc)

Bài thơ vui trên nói về tình bạn và rượu, giờ mời các bạn đọc trích đoạn bài viết đầy “ấn tượng” về rượu sau đây:
 
[… Vậy thì uống rượu có hại không? Tôi nói KHÔNG, nhưng bác sĩ bảo CÓ. Mấy ông bác sĩ thì lúc nào chẳng lải nhải cái gọi là “tác hại của rượu”, nhất là vào dịp Tết, mặc dù mấy cha nội đó nói cũng chẳng có gì … trật. Hải Thượng Lãn Ông đã chẳng từng nói: “Bán dạ tam bôi tửu… Lương y bất đáo gia” đấy sao! Đệ nhất y sư này bảo, sáng một bình trà, tối ba ly rượu là nghỉ chơi bác sĩ được rồi, còn kích cỡ ly rượu thế nào, không thấy cụ nói tới.
Tôi nhớ trong kinh Cựu Ước có câu (đại khái), bạn mới không bằng bạn cũ, bạn mới cũng giống như rượu mới, để lâu uống mới ngon. Câu này chắc phải hiểu theo nghĩa bóng, chứ so sánh sát sạt như thế thì chỉ thích nghi được với trình độ kỹ thuật làm rượu hồi đó. Thời nay khác rồi, rượu ngon dở tùy thuộc nhiều yếu tố: đất đai (trồng nho, ngũ cốc,…), thời tiết, khí hậu, mùa thu hoạch, rồi giống cây, cách chế biến, kỹ thuật pha trộn các loại rượu…Vang trắng, vang hồng, vàng đỏ từ giống nho Chardonnay hay Pignot Noir,… đâu cần để lâu, chừng hơn một năm là xài được. Lâu hơn nữa cũng chỉ vài ba năm thì có Merlot, Cabernet Sauvignon,…
Đã đành có những loại rượu càng để lâu càng ngon, các loại brandy như Hennessy, Remy Martin, Cognac, Chivas, Ông già chống gậy,… lâu đời cỡ VSOP, XO, Extra,… cỡ chục năm cho đến 7, 8 chục năm…Càng lâu năm, càng đắt giá, cả ngàn, vài chục ngàn, thậm chí cả trăm ngàn dollars một chai. Những thứ rượu khủng này xuất hiện trong các yến tiệc để tôn vinh lòng tự hào và sành điệu của chủ nhân. Nhưng “Huynh đệ tương phùng, ba chén rượu” chắc không cần tới loại rượu này.
Tình bạn cũng na ná như vậy, tôi đang nói tới bạn, chứ không phải bè. Có ai đó nói: “Friendship isn’t a big thing – it’s a million little things” (tình bằng hữu chẳng phải (đến) từ cái gì lớn lao, nó (kết tụ) từ trăm điều nhỏ nhặt). Bạn lâu đời từ hồi ở truồng tắm nước mưa nhiều khi tin mình, mà chẳng cần hiểu mình. Sướng là ở chỗ đó. Nhưng tin mà không hiểu, đôi lúc nó cà khịa, nói bựa, mình cũng phải nhịn. Bạn mới (cũng như rượu vài ba năm) “đồng thanh tương ứng” hơn, như thế cũng đâu phải là… đồ thừa. Ăn thua là ở tấm lòng, cởi mở để đón nhận.

Hồi đi học tôi rất khoái câu thơ này của Nguyễn Khuyến:

“… Rượu ngon không có bạn hiền
Không mua không phải không tiền không mua”
 
Khoái bởi vì ông chơi chữ quá hay. Dùng bốn chữ “KHÔNG” trong một câu thơ tám chữ như thế này thì quả là thần sầu.
Thông cảm luôn luôn là nhu cầu của con người. Rượu, xét cho cùng chỉ là phương tiện để chuyển tải chất liệu từ trái tim đến trái tim. Người xưa nói: “Ẩm tửu dung hòa đích quân tử”. Vấn đề là tửu nhập rồi có kiểm soát được chính mình hay không. Nếu ngày nào đó, rượu sẵn trên bàn không màng uống, tiền sẵn trong túi không thiết mua thì buồn lắm.
Có lẽ ở tuổi nào đó, người ta mới thấm thía được câu thơ: “Không mua không phải không tiền không mua”…]
                   (Huynh đệ tương phùng ba chén rượu – Vũ Thế Thành)
 
– “Ẩm tửu dung hòa đích quân tử”

Bao nhiêu gọi là dung hoà? Bao nhiêu gọi là đủ? Bao nhiêu là ngà ngà? (Thứ nhất là rượu ngà ngà / Thứ nhì là lúc từ xa mới về!) Ông bạn Vũ Thế Thành viết trên trang Blog của ông:
 
“Uống rượu điều độ, uống chút chút mới có lợi, các nhà khoa học khuyên thế. OK, chút chút là bao nhiêu? Cái này thì khoa học bất đồng, người nói 50 ml, người bảo 70 ml. Nhưng dựa trên cơ sở nào để tính toán ra 50 hay 70? Mấy ổng nín khe.
Các nhà khoa học (rất tử tế) ở Mayo Clinic, một cơ sở phi lợi nhuận nghiên cứu và điều trị nổi tiếng ở Mỹ, đưa ra con số 148 ml, cỡ 2/3 xị (quy đổi hơi ăn gian tí). Đó là con số lớn nhất mà tôi lục lọi được. Cái đầu của các nhà khoa học thường rất hà tiện, không thể kì kèo thêm được nữa. Mà thú thiệt, tôi cũng không biết Mayo Clinic tính toán thế nào lại ra con số đó.
Đây là đang nói về rượu vang, 13 – 14 độ cồn, chứ không phải rượu đế, Mao Đài, Vodka, Chivas,… đâu nghe mấy ông thần!
Sau cùng, tôi muốn dẫn lời của David Crabb, giáo sư đại học Y khoa Indiana (Indianapolis): rượu vang đỏ chỉ tốt cho những người cao tuổi, có nguy cơ bị bệnh tim mạch cao; còn thanh niên, rượu có thể làm họ bị đụng xe trước khi bị… tim mạch. Các bạn trẻ nên lưu ý điều này”.
                           (Dục Ẩm Tỳ Bà… Mặc Kệ Thôi – Vũ Thế Thành)
 
Trước khi kết thúc bài tản mạn về rượu này, tôi xin “chiêu đãi” các bạn thêm một chuyện thọt lét đầy “ấn tượng”:
 
“Trên diễn đàn, giáo sư thuyết trình về tác hại của rượu:
– Các anh nên nhớ, rượu là nguyên nhân dẫn đến sự chia lìa của biết bao nhiêu cặp vợ chồng.
Một thanh niên đứng lên hỏi:
– Xin lỗi giáo sư! Xin giáo sư cho biết cần phải uống bao nhiêu rượu đủ để có thể có được sự chia lìa này ạ?”.
                                                                       (Phiếm – Song Thao)
 
* * *
 
Rượu ngon, không hẳn chỉ vì hương vị. Rượu ngon trọn vẹn khi uống cùng với người thân, người mình yêu mến và ở một nơi phù hợp. Đừng ồn ào, hãy uống thật chậm để TÌNH RƯỢU thấm đẫm vào hồn, làm ta say dịu dàng, êm ái!
 
Tặng các bạn:
 
– 2 câu thơ “thần sầu” của Nguyễn Du trong bài Đối Tửu:
 
Sinh tiền bất tận tôn trung tửu
Tử hậu thùy kiêu mộ thượng bôi
 
Dịch nghĩa:
 
Lúc sống không uống cạn chén rượu,
Chết rồi, ai rưới trên mồ cho?
 
Phóng dịch thơ:
 
Sống không cạn chén trọn tình.
Chết ai tri kỷ rượu nghiêng rưới mồ?
 
– Trích đoạn thơ hát nói “tuyệt vời” của Nguyễn Công Trứ trong bài Cầm Kỳ Thi Tửu:
 
Thơ một túi phẩm đề câu nguyệt lộ (1)
Rượu ba chung tiêu sái cuộc yên hà (2)
Sách có chữ “nhân sinh thích chí” (3)
Đem ngàn vàng chác lấy chuyện cười
Chơi cho lịch mới là chơi
Chơi cho đài các cho người biết tay
Tài tình dễ mấy xưa nay
 
......................
 
(1) Phẩm đề: phê bình. Nguyệt lộ: trăng và hạt sương.
(2) Tiêu sái: phóng khoáng. Yên hà: khói và ráng.
(3) Trương Hàn có câu “Nhân sinh quý thích chí, tu phú quý hà vi?”: Người ta ở đời cốt thỏa chí mình, nào cần giàu sang làm gì?
 
Chúc các bạn vui vẻ.

[Hết]
                                                                                 Nguyên Lạc
 
*
Tổng hợp nhiều nguồn từ Lê Văn, Tô Việt, Phạm Đình Khuê, Lão Ngoan Đồng, Vũ Thế Thành, Huỳnh Ngọc Chiến, các cửa hàng bán rượu, Internet, FB…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét