CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 8 tháng 5, 2023

CÁC CUNG BẬC CỦA HỒN THƠ – Phạm Đức Nhì


Nhà bình thơ Phạm Đức Nhì
 
 
Phân Chia Và Đặt Tên Các Tầng Bậc Cảm Xúc
 
Mới đầu để tránh nhập nhằng lẫn lộn cảm xúc từ câu chữ, thế trận với cảm xúc từ cơn cao hứng của tác giả, tôi chia cảm xúc thành 3 tầng bậc:
 
1/ Cảm xúc tầng 1 - đến từ câu chữ: Khoái cảm người đọc có được khi gặp ngôn ngữ, hình tượng đẹp, câu cú có cấu trúc gọn, mới lạ, trong sáng.
Ngôn ngữ bóng đá là sự thích thú khi thấy kỹ thuật cá nhân điêu luyện của cầu thủ.
 
2/ Cảm xúc tầng 2 - đến từ thế trận chữ nghĩa: Khoái cảm người đọc có được khi tiếp xúc với bố cục, thế trận hợp lý, hiệu quả của bài thơ.
Ngôn ngữ bóng đá là đấu pháp toàn đội.
 
3/ Cảm xúc tầng 3 - ở ngoài bài thơ: Khoái cảm không phải từ câu chữ, thế trận mà hình như từ đâu đó “giữa 2 hàng kẻ” do cơn cao hứng của thi sĩ truyền vào bài thơ. Đó là thứ khoái cảm cao cấp, luồng hơi nóng tạo cảm giác “sướng” đặc biệt.
Ngôn ngữ bóng đá là đá cao hứng, xuất thần.
 
Khi thi sĩ nổi điên, lạc thần trí (lý trí trốn biệt tăm - chữ “Xạo” cũng tan biến), 3 dòng chảy gồm dòng tứ thơ, dòng âm điệu, dòng cảm xúc quyện vào nhau, sóng sau dồn sóng trước, chảy rất mạnh, tạo thành cao trào. Phải chính lúc đó ta mới có hồn thơ - lời thơ hoàn toàn là tiếng lòng chân thật của thi sĩ.
 
Có Cái Gì Đó Bất Công
 
Theo cách gọi tên như thế thì chỉ có “hồn thơ lai láng” mới được gọi là “Hồn Thơ”. Còn “hồn thơ” ở cường độ thấp hơn đều phải gọi là cảm xúc tầng 3.
 
Thí dụ: Có cảm xúc tầng 3 nhưng không đáng kể, cảm xúc tầng 3 phơn phớt nhẹ, cảm xúc tầng 3 nhè nhẹ, cảm xúc tầng 3 ở mức trung bình, cảm xúc tầng 3 khá mạnh, cảm xúc tầng 3 mạnh và sau cùng là cảm xúc tầng 3 rất mạnh (hồn thơ lai láng)
 
Vài năm sau này tôi thấy cách gọi tên như thế thiệt thòi cho những bài thơ có cảm xúc tầng 3 nhưng tâm thế của thi sĩ chưa đến mức nổi điên, lạc thần trí. Những bài thơ đó vẫn có cái hơi nóng (ở mức độ thấp hơn) cho độc giả cảm giác “sướng đặc biệt”, tuy nhiên, vì lý trí ít nhiều vẫn còn nên lời thơ chưa hoàn toàn là tiếng lòng chân thật. Nhưng vì thế mà không dùng “hồn thơ” để diễn tả cái cảm giác “sướng đặc biệt” đó thì có vẻ hơi bất công.
 
Cách Gọi Tên Mới
 
Và tôi đã – tùy cường độ của cảm xúc tầng 3 – phân chia các tầng bậc của hồn thơ như sau:
 
1/ Mới chớm xuất hiện hồn thơ: Có rất ít cảm xúc tầng 3, không đáng kể.
2/ Hồn thơ chỉ phơn phớt nhẹ
3/ Hồn thơ nhè nhẹ
4/ Hồn thơ ở mức trung bình
5/ Hồn thơ khá mạnh, tương đối mạnh
6/ Hồn thơ mạnh
7/ Hồn thơ rất mạnh, hồn thơ lai láng.
 
Dĩ nhiên, cách gọi tên như vậy chỉ có độ chính xác tương đối. Xê dịch về tầng bậc của hồn thơ còn tùy vào khả năng cảm nhận và độ nhạy bén của từng người đọc khác nhau.
 
Dựa Vào Đâu Để Phân Định Tầng Bậc Hồn Thơ?
 
1/ Tứ thơ nhất khí liền mạch, chảy thành dòng để có “sóng sau dồn sóng trước”.
Những bài thơ phân mảnh, đứt đoạn (Thơ Mới Trường Thiên) sẽ tạo cơ hội cho lý trí chen vào ở những chỗ ngừng nghỉ.
 
2/ Ngôn ngữ, hình tượng, câu cú dễ tiêu – đi thẳng vào hồn người đọc, không qua tiến trình suy nghĩ, nghiền ngẫm (dễ tiêu khác với dễ hiểu)
 
3/ Âm điệu cũng chảy thành dòng để “kéo” những “mảnh tâm trạng” của tứ thơ đi theo.
Muốn thế bài thơ phải có vần liên tiếp như một lớp dầu bôi trơn. Vần vừa đủ độ ngọt nhưng không quá nhiều gây “hội chứng nhàm chán vần”.
 
4/ Số chữ trong câu:
      a/ Cố định: Sẽ khiến âm điệu của bài thơ đều đều, tẻ nhạt, làm tăng “hội chứng nhàm chán vần”, tạo cảm giác chán ngán cho người đọc, giảm độ “sướng” của hồn thơ (nếu có).
     b/ Thay đổi: Sẽ làm âm điệu của bài thơ sinh động, giảm bớt hoặc vô hiệu hóa “hội chứng nhàm chán vần”, đọc không ngán, giúp tăng độ “sướng” của hồn thơ.
5/ Tâm thế của thi sĩ:
     a/ Reason with them: Nói lý lẽ với họ (độc giả)
     b/ Share feelings with them: Chia sẻ tâm tình với họ
     c/ Get it off your chest: Tống khứ nó ra khỏi ngực bạn
 
Trong 3 loại tâm thế này thì loại thứ 3 (tống khứ nó ra khỏi ngực bạn) dễ tạo được hồn thơ “cao cấp” nhất.
 
6/ Nội dung: “Trôi xuôi” hay “ngược dòng”?
(Mượn chữ của nhà thơ Nguyễn Duy)
     a/ Trôi xuôi: Bài thơ là những điều “phải đạo”, hợp với nếp suy nghĩ, cách ứng xử của người đời, của xã hội. Không sợ bị khinh bỉ, chê cười hoặc trù dập.
     b/ Ngược dòng: Vừa viết vừa sợ vì nội dung bộc lộ cái Xấu, cái Đáng Tội của mình (Xấu: Người đời cười chê, Đáng Tội: Chính quyền bắt bớ, trù dập). Phải gặp lúc cảm xúc thật mạnh, “lạc thần trí” mới dám bung ra.
Hồn thơ ở những bài “ngược dòng” thường mạnh hơn những bài “trôi xuôi”
 
Kiếm Tông Và Khí Tông
 
Hai năm cuối ở Trung Học không hiểu sao tôi lại thích đọc truyện kiếm hiệp của Kim Dung - nhất là Tiếu Ngạo Giang Hồ. Đến khi bước vào cuộc chơi thơ, để sinh động hơn, tôi thường mượn cấu trúc của phái Hoa Sơn chia thơ làm 2 loại: Kiếm Tông và Khí Tông. (1)
Dĩ nhiên, chọn cách làm thơ nào, Kiếm Tông hay Khí Tông, là tùy sở thích của thi sĩ. Thích đọc loại thơ nào cũng tùy “gu” của người thưởng thức.
Nhưng nếu bạn đọc thích cái cảm giác “sướng đặc biệt” khi gặp hơi nóng của hồn thơ tôi đề nghị quý bạn nên tìm đọc loại thơ Khí Tông. Còn thi sĩ, nếu muốn tặng độc giả của mình cái cảm giác “sướng đặc biệt” đó thì sáng tác thơ Khí Tông sẽ có cơ hội đạt được ý nguyện của mình.
 
Kết Luận
 
Với thi sĩ, khi hồn thơ của tác phẩm lên tới đỉnh cao (hồn thơ lai láng) nghĩa là Ngài đã ban cho những người đọc thơ Ngài một ân huệ to lớn: Được giao tiếp với Ngài bằng thứ Tiếng Người Hoàn Toàn Chân Thật. Bài thơ đã đat được mục đích cao cả nhất của công việc làm thơ - bước vào “Bến Bờ Thi Ca”
 
Và chỉ thơ Khí Tông, theo tôi, mới được coi là đi đúng hướng, có cơ hội đến được để làm cư dân của khu đất tươi đẹp đó.
 
                                                                           Phạm Đức Nhì
                                                                     nhidpham@gmail.com
 
CHÚ THÍCH:
 
1/ “Phái Hoa Sơn có hai trường phái tranh chấp nhau là phe Kiếm Tông lấy chiêu thức kiếm thuật làm trung tâm, phe Khí Tông lấy việc rèn luyện nội công làm điểm mạnh. Hai phe phái này từng gây mâu thuẫn cực điểm trong quá khứ và tạo một cuộc chém giết đẫm máu khiến cho nhiều nhân tài phái Hoa Sơn bị tiêu diệt.” (Tri Thức & Cuộc Sống)
 
https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/vi-sao-phai-hoa-son-chia-lam-hai-phe-kiem-tong-va-khi-tong-1815631.html
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét