CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2023

NGÀY XUÂN VÀ NGÀY TẾT BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU - Nguyễn Châu

 
Giáo sư Nguyễn Châu (tác giả bài viết)
 
Dường như hầu hết thơ văn, ca nhạc... trên khắp năm châu của thế giới đều dành rất nhiều đề tài cho mùa xuân. Văn nhân, thi sĩ Á đông, đặc biệt là Trung Hoa và Việt Nam, cứ mỗi độ xuân về thì hồn thơ lai láng...
 
Tất cả những gì tốt đẹp, thắm tươi, nồng nàn của cuộc đời đều được hiển hiện bằng mùa xuân: Lòng xuân phơi phới, tình xuân nồng nàn, lượng xuân (1) vân vân.
 
XUÂN LÀ GÌ?
 
Thế nhưng Xuân là gì? Xuân là mùa đầu tiên trong năm. Cũng là một trong bốn mùa, sao người ta lại ưu ái mùa Xuân như thế? Vì mùa Xuân đẹp chăng? Mùa Thu đâu có kém gì?
 
Phải chăng mùa Xuân thường đem lại hạnh phúc cho cuộc đời như người xưa đã ghi nhận:
 
“Thiên tăng tuế nguyệt, nhân tăng thọ
Xuân mãn càn khôn, phúc mãn đường!”

(Trời thêm năm, tháng, người thêm tuổi
Xuân đầy vũ trụ, phúc đầy nhà)

Trong thực tế, điều này còn tùy vào tâm tư, tâm trạng và hoàn cảnh của con người ở-đời, bởi vì đã có một số người không chờ đợi mùa Xuân...
 
“...Tôi có chờ đâu, có đợi đâu?
Mang chi Xuân lại gợi thêm sầu!”
             (Chế Lan Viên - Xuân)

“Mùa xuân khó chịu quá đi thôi!
Cảnh đẹp làm em thấy lẻ loi...”
              (Xuân Diệu - Ðơn Sơ)

Nhân lúc mọi người rộn rã chuẩn bị đón xuân, tôi muốn tìm hiểu mối tương quan giữa cái Tết truyền thống Á đông với mùa Xuân của vũ trụ để góp phần đáp ứng những băn khoăn, thắc mắc nơi nhiều người.
 
TƯƠNG QUAN GIỮA TẾT VÀ XUÂN
 
Trước hết, ta nên hiểu rằng đa số các nước châu Âu và Bắc Mỹ đều ăn tết vào những ngày không phải là mùa Xuân - ngày Chúa Giáng Sinh là ngày Ðông Chí (25 December) là ngày đầu của năm thiên văn (astronomic year), ngày 1st January chưa đến tiết lập xuân. Nhưng truyền thống từ xưa nhiều nước phương Tây, nhất là các dân tộc ở quanh vùng Ðịa Trung Hải, người ta mở hội ăn mừng “ngày tái sinh của mặt trời trên Hoàng Ðạo.”
 
Theo Thiên văn, Ðông chí là ngày “nhất dương sinh” nhằm vào giữa tháng mười một Âm lịch, tức là tháng Tý, ứng vào quẻ PHỤC (nhất dương), ngày mặt trời trở lại, Dương khí bắt đầu trỗi dậy...
 
Tết Nguyên Ðán của Việt Nam cũng không trùng với ngày lập xuân (khởi đầu Mùa Xuân) mà chỉ thường nằm trong tiết Lập Xuân. [Khoảng thời gian từ ngày 04 tháng Hai đến18 tháng Hai Dương Lịch/ Năm nay Quý Mão -2023, Tiết Lập Xuân bắt đầu 04/2/2023 - 14 tháng Giêng Quý Mão]
 
Chữ "Nguyên Ðán" 元旦 chỉ thị:
 
- Buổi sáng đầu năm
- Buổi sáng đầu tháng
- và thời điểm Sáng đầu ngày.
 
Người ta còn gọi là ngày Tam Thủy (Ba cái bắt đầu, “thủy” là chỗ khởi đầu).
 
Lịch sử Trung Hoa ghi nhận có sự thay đổi ngày ăn Tết qua các thời đại:
 
- Ðời vua Hoàng Ðế (1697 B.C. trước Công Nguyên) dân Trung Hoa ăn tết vào ngày đầu của tháng Tý (tức mồng một tháng 11 âm lịch bây giờ).
 
- Ðời vua Nghiêu (2356-2255 B.C.), vua Thuấn (2255-2205) lấy tháng đầu năm vào tiết Vũ Thủy (nhằm vào trung tuần tháng February hay hạ tuần tháng Giêng Âm lịch hiện nay).
 
- Ðến đời nhà Hạ (2205-1766 B.C.) người ta chọn tháng Dần làm tháng đầu năm và ngày Nguyên Ðán là ngày mồng một tháng Giêng Âm lịch.
 
- Triều đại nhà Chu trở lại theo lịch của đời Hoàng Ðế, lấy tháng Tý tức là tháng 11 Âm lịch làm tháng ăn Tết, đầu năm...
 
- Rồi nhà Hán quay lại quy định của Nghiêu-Thuấn (2) lấy Tiết Vũ Thủy làm đầu năm...
 
Do đó, ta thấy rằng: tết Nguyên Ðán hiện nay của Việt Nam và Trung Hoa là theo tục lệ đời nhà Hạ.
 
Theo Gustave Schlegel trong “Uranographic chinoise” (Chinese Uranography) thì danh từ NGUYÊN ÐÁN đã được ghi trong sách đời Xuân Thu tả truyện, chỉ thị ngày lên ngôi của các vua chúa, mỗi đời vua đều bắt đầu tính từ ngày đó, những ngày thuộc năm cũ không tính!
 
“Nguyên đán tiên vương chi chính thời dã. Lý đoán ư thủy” (Nguyên đán là thời điểm chính thức của các đấng vua chúa ngày xưa. Ðời vua bắt đầu từ đó).
 
Tại Việt Nam, triều đình nào cũng có một ban Khâm Thiên Giám có nhiệm vụ xem thiên văn, làm lịch và ban hành lịch cho toàn dân. Vào giờ Giao Thừa mỗi năm, toàn dân phải chờ lệnh nghênh Xuân từ kinh đô ban ra mới bắt đầu đốt pháo và cúng lễ Kim Niên, đón mừng năm mới... (trong những năm tháng thực dân Pháp đánh thành Hà Nội, triều vua Tự Ðức, sĩ phu Bắc Hà vẫn thao thức ngóng vọng tin xuân từ kinh đô Huế... và Trần Tế Xương đã xúc động viết:
  
“Xuân từ trong ấy mới ban ra
Xuân chẳng riêng ai khắp mọi nhà...”
 
TẠI SAO CÓ SỰ LỰA CHỌN NGÀY ÐẦU NĂM KHÁC NHAU?
 
Trở lại vấn đề nguyên ủy: tại sao có sự chọn lựa ngày đầu năm, đầu xuân? Xuân là gì?
 
Với trí tuệ của các đời vua Trung Hoa ngày xưa, có lẽ không có sự chọn lựa tình cờ, cái gì xem ra cũng có liên quan đến những khái niệm triết lý về vận hành của vũ trụ trong tương quan với con người, khác với sự độc đoán (free will) của một số vua chúa Tây phương, chọn lịch pháp theo ý riêng của bản thân, theo tình cảm...( 3) vân vân.
 
CHỌN THÁNG TÝ
 
Trước hết, tại sao Hoàng Ðế chọn ngày mồng một tháng Tý (tháng 11 Âm lịch) làm ngày Tết?
 
Theo Hoàng cực Kinh thế (4), một bộ sách lớn của Thiệu Khang Tiết viết về tượng số học trên căn bản Âm Dương Tiêu Tức, thì:
 
-Tý là thời điểm TRỜI MỞ HỘI, trong Hà đồ và tiên thiên Bát Quái, ta thấy Dương khí khởi tại cung Tý. Số 1 là số của Thiếu Dương, sơ ký của khí dương, thuộc quẻ PHỤC (nhất dương). Gạch liền là Dương.
  
Hào "sơ cửu" tượng trưng cho sự sinh ra của một sự vật nào đó. Trong toàn quẻ, năm hào Âm-tỉnh chỉ phải đối phó với một hào Dương-động. Tỷ lệ 5/1, nhưng hào Dương lại ở vị trí thấp nhất nên Dương sẽ tăng trưởng với bản lĩnh khí động của nó. Quá trình này gọi là Tức, diễn ra như sau:
 
- Từ quẻ PHỤC, một hào Dương, ta có:
- Quẻ LÂM, hai hào Dương, rồi
- Quẻ THÁI (*), ba hào Dương.

Như vậy, Dương khí động liên tục (TỨC) để tăng trưởng và khắc chế Âm-khí tĩnh cho đến mức quân bình Âm-Dương trong quẻ THÁI, đây cũng là một giai đoạn THIẾU DƯƠNG, tượng của mùa Xuân, một trong tứ tượng của chu kỳ dịch hóa trong vũ trụ.
 
Vua Hoàng Ðế chọn tháng Tý làm tháng khởi đầu vì Tý là tháng “Thủy,” chỗ bắt đầu của vòng vũ trụ, Giờ Tý là giờ bắt đầu ngày. -Tý: thời điểm Dương khí bắt đầu nổi dậy sau những tháng ngày cực Âm của mùa Ðông. Lấy tháng Tý làm đầu năm, tức là dựa vào năm thiên văn, thiên về sự khai mở của TRỜI.
 
Cũng nên biết sách “Hoàng cực kinh thế” cho rằng:
 
- Trời mở hội ở TÝ
- Ðất hình thành ở SỬU
- Người xuất phát ở DẦN
 
THÁNG SỬU
 
Trong truyền thuyết Việt Nam về 12 con Giáp, Tý tượng hình là Chuột là con vật nhỏ bé nhất, so với SỬU tượng hình là trâu, to hơn cả ngàn lần. SỬU là thời điểm đất hình thành nên trâu có duyên nghiệp sâu dày với Ðất! Có thể nói Chuột là điểm cực iểu và trâu là cực đại, chuột nhanh, lẹ, ranh mãnh và “rất thiêng” trong lúc trâu chậm chạp, hiền đức, cần cù...
 
Vua Nghiêu, vua Thuấn chọn tiết Vũ Thủy để tính tháng đầu năm, có lẽ vì đây là thời đại thịnh trị, nông nghiệp vững vàng bốn phương no ấm nhờ “Phong hòa Vũ thuận.”
 
Sách Lễ Ký, thiên NGUYỆT LỆNH, mô tả các hiện tượng thiên nhiên trong tiết Vũ Thủy như sau:
 
Vũ Thủy là mưa rơi vào cuối tháng Giêng Âm lịch:
 
- Dưới sông Rái cá bắt cá để tế thần (Lại tế ngư)
- Trên không, chim Hồng, chim Nhạn bắt đầu bay về (Hồng nhạn lai)
- Mưa bắt đầu rơi (Thủy vũ thủy)

Tiết này có sao Thiên Ðình phụ tinh của chòm Vierge (Virgo) sự tích ghi rằng: trong “tháng đầu năm vua đem cày lên long xa, dẫn các công khanh, các đại phu, các chư hầu... thân chinh ra cày tại Tịch điền.” Ở nước ta, xưa có lễ “xuống đồng” vua Minh Mạng đã làm chánh tế và cày luống cày đầu năm...
 
Sau những giọt mưa Xuân trời đất dần dần ấm lại vạn vật chuyển mình, mầm mộng thảo mộc bắt đầu nhú ra nõn nà... loài vật ngủ xuất mùa đông (hibernating animals) bừng tỉnh dậy... Ðó là ý nghĩa của tháng đầu năm đời Nghiêu-Thuấn.
 
THÁNG DẦN
 
Nhà Hạ lấy tháng Dần làm “Xuân vương chính nguyệt” có lẽ do quan niệm thiên về Nhân Sinh.
 
Tháng Dần (Giêng) như đã nói trên, là thời điểm của con người, khi con người sinh ra thì các tấn tuồng vũ trụ mới thực sự khai diễn và có ý nghĩa. Trong Hán tự, chữ Dần  thêm vào bộ thủythành ra chữ Diễn  chỉ thị sự kiện "từ cái này sinh, hóa, chuyển ra cái kia và cứ thế tiếp tục..." (diễn dịch: deduction, inference; diễn biến: evolve, happen, unfold...
 
Ngày mồng một tháng Giêng âm lịch là ngày đầu của năm Nhân văn (Human or Civil Year), tháng Dần ứng với quẻ THÁI (Tam Dương) và các cụ xưa vẫn gọi tháng Giêng là “Tam Dương khai thái.”
 
Chữ Xuân  trong Hán tự (5) gồm có chữ tam, bộ nhân và chữ Nhật (mặt trời, ngày).
 
Mùa Xuân gồm có 3 tháng:
 
1/ Dần (Giêng): vạn vật hồi sinh cùng với Dương khí tròn đầy, quân bình với Âm khí-Thái hòa (ba Âm-ba Dương).
 
2/ Mão (Hai): cửa trời và mặt đất mở rộng cho vạn vật đua nhau sống.
 
3/ Thìn (Ba): Thìn hàm ý chấn động, phân phát (thêm chữ Vũ phía trên thành chữ Chấn có nghĩa là rung động, sét đánh, là quẻ CHẤN thuộc về phương Ðông.)
 
Về hàng thiên CAN, Xuân ứng với GIÁP, ẤT
 
- GIÁP là cái vỏ bao bên ngoài - cái gì trên (hoặc hơn) hết tất cả cái khác gọi là Giáp (Giáp bảng) ở đây có nghĩa là phá vỏ (giáp) mà ra.
 
- ẤT là cái dấu tạm dừng lại, đây có nghĩa là hãy còn cụp (weak/lower) chưa sung sức để vươn lên.
 
Giáp là số 1, Ất là số 2. Trong ngày Xuân, hiện tượng thiên nhiên quan trọng nhất là sự vượt lên lòng đất, thoát khỏi vỏ (đâm chồi, nẩy lộc, sinh nở...) có lẽ vì thế mà các bậc minh quân xưa đã cùng triều thần đích thân ra đồng cày đất mỗi người vài ba luống để mở màn cho nhân dân bắt tay vào việc đồng áng, đây cũng là động tác tượng trưng cho sự “tham thiên địa, tán hóa dục” vạch đất cho muôn vật lên.
 
Về Dịch, trong bát quái, Xuân ứng với quẻ CHẤN là sấm động, là rung chuyển, là rạo rực.
 
Về màu sắc, Xuân ứng với màu Xanh là màu của cây cỏ vừa chuyển mình tươi mát nõn nà, mơn mởn... (Xuân xanh, thanh Xuân).
 
Về phương hướng, Xuân ứng với phương Ðông là nơi "Thai Dương" là nơi mặt trời chớm sinh. Gió Xuân thường gọi là Ðông phong.
 
Về Ðạo, phương Ðông thiên về tâm linh và huyền bí hơn phương Tây. Xuân là thời Thiếu Dương, số 1 (nhất Dương) là số HUYỀN  (huyền nhiệm biến hóa, ẩn hiện...tương đương với chữ ÐẠO của Lão Tử): “Nhứt sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật.”(Một sinh Hai, Hai sinh Ba...Ba sinh ra vạn vật...tương tự như "Khởi duyên, trùng trùng duyên khởi"...
 
Xuân là mùa gần với đạo Huyền vì Dương khí đang vươn lên, đang tăng trưởng nhưng chưa đến chỗ cùng cực của nó, hưng vượng mà chưa đầy... Số 3 là con số gần nhất của số gần nhất của số 1, nên số 3 gần với đạo HUYỀN, gần với sự mềm dẻo sinh động của hạnh phúc; “Sinh giả nhu nhược.”
 
Về Bệnh lý, theo Kỳ Bá: “Mùa Xuân là mùa Mộc khí bắt đầu làm chủ. Can khí bắt đầu sinh. Can khí cấp, phong khí tật, khí của kinh mạch thường ở sâu (vì mới khởi động ra) còn ít ỏi...”
 
Trương Chí Thông ghi chú rằng: Ðông phương sinh ra Phong, Phong sinh Mộc, Mộc sinh Can.
 
“Can tàng huyết, huyết xá hồn”: “Gan” là nơi máu về nghỉ ngơi, là nơi trú ngụ của hồn. Cho nên mùa Xuân thân thể thường được thư thái, máu huyết lưu thông rạo rực nhưng điều hòa. Mùa Xuân thư ở kinh tức là nơi phần nhục của huyết mạch, chỉ nên châm vào khoảng lạc-mạch không nên châm sâu vào kinh. (Nội kinh linh khu).
 
Về đức hạnh, Xuân ứng với đức NHÂN, người quân tử cho nên mùa Xuân làm cho lòng người bao dung, các vua chúa thường tránh sát phạt, chỉ lo tưởng thưởng và cầu hiền.
 
Về ngôn ngữ, Xuân mang hình ảnh hớn hở tốt tươi của vạn vật, tuổi trẻ đồng hóa với mùa Xuân; "Còn xuân" có nghĩa là còn sức sống tuổi trẻ trong tình yêu và tình dục; Lý thú, hoạt bát, năng động gọi là Xuân khí; thầy thuốc chữa bệnh giỏi gọi là “Diệu thủ hồi xuân”; đời nhà Ðường gọi rượu là Xuân; Nghi lễ nhà Chu quy định tháng cưới vợ lấy chồng là trọng Xuân (tức tháng Hai Âm Lịch); con gái muốn lấy chồng gọi là hoài Xuân! Tình yêu nồng nhiệt ở những người lứa tuổi từ 45 trở lên gọi là Hồi Xuân...
 
Trong nhóm bốn linh vật của truyền thống Á đông: Long, Xuân ứng với Rồng.
 
Mùa Xuân thuộc phương Ðông ứng với chòm sao Thanh Long trong Nhị Thập bát tú, gồm có 4 chòm:
 
1/ Thanh Long (Ðông) quần tụ bảy nhóm sao: Giác, Cang, Ðê, Phòng, Tâm, Vĩ, Cơ.
2/ Chu Tước (Nam)
3/ Bạch Hổ (Tây)
4/ Huyền Võ (Bắc).

Bảy sao trong chòm Thanh Long tượng trưng: Sừng rồng, cổ rồng, ngực rồng, bụng rồng, tim rồng và đuôi rồng (Vĩ, Cơ).
 
Như vậy trong những ngày xuân, chòm sao Thanh Long sẽ lần lượt hiện ra lúc hoàng hôn ở phía trời Ðông...
 
Tóm lại trong cuộc vận hành của vũ trụ, mùa xuân là thời điểm Âm-Dương giao hòa và khai mở: Nắng ấm bắt đầu cùng với gió từ phương Ðông nhẹ nhàng làm tan băng giá, các loài côn trùng bắt đầu giao động, các loài di điểu bắt đầu trở về, hoa đào, hoa mai bắt đầu nở, bắt đầu có sấm chớp, bèo bắt đầu sinh, các mầm, mộng... nhất tề mọc lên... và lòng người cũng rạo rực tình yêu...
 
“Vui như Tết, đẹp như Xuân!”
 
Ðó là thiên hạ thường tình trong chu kỳ sinh diệt. Ai cũng mong mùa Xuân vì mùa Ðông quá giá lạnh âm u. Mùa Ðông của vũ trụ và của đời người đều bi thiết như nhau, cho nên ai cũng mong Xuân đến vì lỡ ươm mầm hy vọng ở tương lai.
 
“Xin đời một đóa hoa bất tử 
Xin người những hạt giống dung thông!”
 
CHÚ THÍCH:
 
(1) Truyện Kiều 345
 
“Lượng Xuân dù quyết hẹp hòi
Công đeo đẳng chẳng thiệt thòi lắm ru!”
 
“Lượng Xuân” do câu “Xuân dục hải làm chi lương”: Tấm lòng rộng như sự nuôi dưỡng bao dung của Xuân.
 
(2) Là hai vị vua đã tạo nên một thời đại Hoàng Kim của lịch sử Trung Hoa. Trong thời đại này không có người ham danh, hám lợi, cụ thể vua Thuấn đi tìm người kế ngôi, bị Hứa Do từ chối rồi ra suối rửa lỗ tai, Sào Phủ không cho trâu uống nước phía dưới Hứa Do sợ bẩn miệng trâu!
 
(3) Lịch của Tây phương đã trải qua nhiều thay đổi từ Romulus (mỗi năm chỉ đếm có 10 tháng/30 ngày) đến Numa thêm hai tháng nữa cho ăn khớp với chu kỳ thời tiết. Jules Cesar (708) mỗi năm mới tính 365 ngày/ chia làm 12 tháng như hiện nay... Năm 1582, giáo hoàng Gregoire XIII đã ban hành thêm một cải cách nhỏ cho một chu kỳ 900 năm...
 
(4) HOÀNG CỰC KINH THẾ là công trình nghiên cứu công phu vĩ đại, tổng hợp trọn vẹn và chính xác môn triết học toán, mô tả bản đồ sinh hóa của vạn vật trong vũ trụ và những quy luật vận hành của trời đất cùng con người theo âm dương biến hóa trong cõi nhân gian. Tác phẩm đồ sộ này giúp chúng ta dự đoán chuẩn xác các biến chuyển thịnh suy của thời cuộc - cùng những được mất bại thành của số phận từng cá nhân, trong biến đổi ảo hóa khôn lường bất tận của tự nhiên trong vũ trụ. Tác giả: Thiệu Khang Tiết là một thiên tài xuất chúng, một vị thầy vĩ đại đã có nhiều công lao nghiên cứu và phát triển dịch học và lý học Trung Hoa.
 
(5) Về âm hưởng (resounding) chữ Xuân, chữ Dương chữ Spring [sprin] thoảng nghe có phần giống nhau.
 
(*) Quẻ Thái     
 
Quẻ Thái là quẻ thứ 11 trong Kinh, do quái Càn ở dưới và quái Khôn ở trên hợp thành, tượng trưng cho sự hanh thông tốt đẹp. Các mặt “đối” của sự vật giao hòa với nhau, thống nhất với nhau, luôn là điều kiện không thể thiếu để đạt tới hanh thông. Quẻ Thái chính là quẻ lấy sự tương thông trên dưới, âm dương ứng hợp để thuyết minh cái Lý hanh thông thuận lợi của sự vật
 
                                                                      Giáo sư Nguyễn Châu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét