CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 27 tháng 2, 2023

LÊ MAI LĨNH, NGƯỜI TRUNG THỰC - Nguyên Lạc


Nhà thơ Lê Mai Lĩnh
 
Chắc các bạn đã biết về Diogenes thành Sinope, triết gia cổ Hy Lạp (412-323 TCN)
Vài giai thoại về ông:

– Diogenes thành Sinope và Alexander Đại đế

Theo sử gia Plutarch, khi Alexander Đại Đế tới Corinth, những người đứng đầu thành phố và các triết gia đã lũ lượt kéo nhau tới yết kiến Alexander, chỉ riêng Diogenes vắng mặt. Alexander bèn đích thân đi tìm Diogenes, và thấy ông này đang nằm dài sưởi nắng bên cái thùng ông dùng làm chỗ ngủ. Khi Alexander Đại Đế hỏi: “Hỡi nhà hiền triết, ngươi có muốn ta làm gì giúp ngươi không?”, Diogenes đã trả lời: “Ngài hãy đứng tránh sang một bên để khỏi che lấp ánh mặt trời của tôi.” Các triết gia và đám tùy tùng của Alexander Đại Đế nghe vậy cười phá lên, trong khi chính Alexander Đại Đế nói: “Nhưng thành thật mà nói, nếu ta không phải là Alexander, ta ước mình là Diogenes.”
                                                                                        (Wikipedia)
 
– Diogenes xách đèn tìm người ban ngày

Diogenes từng xách đèn lồng đi ngoài phố giữa ban ngày. Khi được hỏi làm gì đấy, ông trả lời: Tôi đang tìm kiếm một “con người” (thường được dịch thành “tìm kiếm một con người trung thực”). Tương truyền ông chỉ gặp toàn bọn bất lương và vô lại.
 
Tôi may mắn hơn Diogenes, không cần phải xách đèn đi rong ngoài phố giữa ban ngày để tìm người, vì tôi đã gặp được người trung thực, lương thiện: thi văn sĩ Lê Mai Lĩnh. Lê Mai Lĩnh trước đă gởi tặng tôi thi phẩm THƠ TÌNH THẾ KỶ, LƯƠNG QUYỀN – CÔ LÁNG GIỀNG, TUYỂN TẬP LÊ MAI LĨNH và gần đây quyển CHÂN DUNG NGƯỜI LÍNH – thi sĩ miền Nam Lê Mai Lĩnh (nhà xuất bản Nhân Ảnh năm 2023). Qua một thời gian đọc, tôi xin được ghi ra đây vài hàng về tiểu sử của ông, vài cảm nhận chủ quan về thơ văn ông xem như lời cảm ơn trân trọng đến thi văn nhân.
 
VÀI HÀNG TIỂU SỬ
 
Thi văn sĩ Lê Mai Lĩnh tên thật là Lê Văn Chính sinh năm 1942 tai Làng Quảng Điền, xã Triều Đại, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Khởi nghiệp văn chương từ năm 16 tuổi (1958) với bút hiệu Sương Biên Thùy. Từ sau ngày lưu vong sang Hoa Kỳ (1/1994) lấy bút hiệu Lê Mai Lĩnh.

Lê Văn Chính là Trung Úy sĩ quan VNCH. Sau khi “Bên thắng cuộc” chiếm miền Nam, ông được Đảng “vĩ đại” ưu ái cho “đăng ký” “học tập cải tạo” trường “Đại Học Nhăn Răng”. Í lộn, Nhân Dân. Đại học đó được văn thi sĩ Hà Thúc Sinh đặt tên là “Đại Học Máu”: Chúng chuyên dạy “học viên” môn: “Chém tre, đẵn gỗ trên ngàn” (1). Mặc dù học hành bê bối, không đủ chất lượng, không đạt yêu cầu, vậy mà còn “bài đặt” gởi đề nghị này nọ yêu cầu TBT Lê Duẩn “đáng kính”, THAY ĐỔI ĐƯỜNG LỐI LÃNH ĐẠO. Các bạn không tin hãy hỏi Lê Văn Chính. Đùa cho vui thôi, mời các bạn đọc trích đoạn này:
 
“Sau ngày 30-4-1975, bản thân xem như mình “đi tu”, mà đời gọi là “lao động khổ sai”, trong 3102 ngày qua 10 trại tù (mà bản thân xem như chùa) từ Nam ra Bắc.
Trong nhà tu (tạm gọi như thế) tại trại K4, Tân Lập, Vĩnh Phú, vào đêm 20-7-1979 (đêm ghi nhớ Hiệp Định Genève 1954 chia cắt Tổ Quốc) ông “thầy tu” Lê Văn Chính đã treo cổ tự tử sau khi viết hai lá thư: một gởi cho ông Lê Duẩn, Tổng Bí thư đảng CS Việt Nam, yêu cầu thay đổi đường lối lãnh đạo; một gởi Ban Giám Thị trại, đòi hỏi cải thiện chế độ lao tù.” –
                                                      (Phác thảo tiểu sử – Lê Mai Lĩnh)
 
Không biết sao Đảng và nhà nước cũng khoan hồng cho ông “tốt nghiệp” – chỉ sau 8 năm 6 tháng học tập – rồi “đạp” ra khỏi Việt Nam, đến xứ “tư bản giãy chết” Huê Kỳ.
Sang ở Hoa Kỳ, ông tiếp tục sự nghiệp văn chương với tên Lê Mai Lĩnh, và sau này Khùng Thi Sĩ, sáng tác nhiều bài thơ “trong sáng” đầy “ấn tượng”. Ông có tặng tui một bài: Người Đàn Bà Ngủ Muộn – 2, đọc đã quá, tui vội vàng đưa vào bài viết Loạn Bút về Chữ Tình của mình luôn

(Đây là link: https://t-van.net/nguyen-lac-loan-but-ve-chu-tinh-2/ )
 
… Cảm ơn em,
Người đàn bà ngủ muộn
Nhờ em, anh đứng, quỳ, nằm, bò đúng đội hình hành quân
Như thời tân binh
Trong quân trường Thủ Đức.
Cũng tại em, do em và bởi vì em
Anh hít đất không thua gì thời bị huynh trưởng phạt
Khi ra nhà thăm nuôi mà không đi những bước khoan thai…]
                      (Người Đàn Bà Ngủ Muộn – 2 – Lê Mai Lĩnh)
 
Tui không dám nói thêm nhiều, sợ người cho rằng tui xạo, thấy “sang bắt quàng”. Thôi để tui hú ông thần khác vào nói hộ – ông này cũng nổi tiếng lắm.
– Ông đó ơi, mời vào gầy sòng!
Thưa đây là ly XO, xin mời ngài uống rồi nói giúp cho vài lời!
– Ực, khà! Hảo tửu, hảo tửu!
Được rồi, ta nói thế cho.
Này:
 
Tôi chưa gặp anh – dù chỉ một lần,
Mà quý anh ngợp trời khí phách.
Dòng đời quanh co, ai dơ, ai sạch,
Huynh vẫn trong ngần một khối tinh anh.
 
Núi càng cao, sông càng thác lũ,
Mới biết ai thất phu, ai đấng anh hùng.
Trời càng cao, càng gió to, bão dữ,
Mới biết đâu là chim sẻ, chim hồng!
 
Tay hào kiệt vươn ngoài vạn lý,
Thì có sá gì một nhúm biển khơi?
Ly cụng ly, rượu tràn tràn sĩ khí,
Thiếu tiếng gươm khua vang bóng một thời!
 
Huynh nửa miệng cười đời ngạo nghễ
Cổ lai hy còn “Chống gậy tìm tình”!
Tôi đưa cay đắng bằng ly ba-xi-đế,
Vỗ bụng nhìn người, ít trọng, nhiều khinh!
 
Còn gì đâu, bao năm mưa cuồng, gió tạt?
Dừng bước kỳ hồ, ngoảnh lại cũng bằng không!
Huynh ngao ngán nhìn biển dâu tan tác,
Tôi lan man vót bút luận anh hùng!
 
Còn gì để trọng, còn gì để khinh?
Còn chăng là hai chữ nhục, vinh.
Dốc cạn bầu, nhiều lắm ta say rượu,
Rồi xót thương ai say khúc Hậu Đình.
 
(Uống Rượu Với Lê Mai Lĩnh – Kha Tiệm Ly)
 
Thấy chưa! Tui nói có sai đâu.
Giờ nào, hãy thử đọc vài đoạn, trong vài bài thơ tình tiêu biểu của “ông thần” này xem sao.
 
VÀI CẢM NHẬN VỀ THƠ VĂN LÊ MAI LĨNH
 
1. Đầu tiên có thể nói thơ của Lê Mai Lĩnh là thơ TÌNH, thơ TÌNH CHỊU CHƠI: TÌNH cho EM và cũng TÌNH cho ĐẤT NƯỚC.
– Nào, mời các bạn theo ông thần này “Chống Gậy Tìm Tình” chơi:

Tìm tình như thế tìm trầm
Rừng thăm thẳm, núi cheo leo
Vì tình chống gậy cố trèo
Tình ơi, tình ơi, tình ơi.
 
Tìm tính, chống gậy tìm tình
Một mai gậy mòn, gối mỏi
Ta lê, ta lết, ta bò
Tình ơi, tình ơi, tình ơi.
 
(Chống Gậy Tìm Tình- Lê Mai Lĩnh)
 
– Kế tiếp, hãy xem ngài “lụy” tình như thế nào:
 
Ta ướp Trăng với trái tim si
Rượu được cất giữa bếp tình nóng bỏng
Nàng thơ ơi, hãy nhấp chén rượu tình.
Hãy nhấp chén rượu tình, Trăng ơi ta muốn chết
Trong mắt, môi và giữa địa đàng Trăng
Ta muốn chết dưới Trăng vàng, giếng ngọt
Cỏ biếc, suối, khe, ta bất xá, gục đầu.
(Thơ Của Thời Trăng Mật – Lê Mai Lĩnh)
 
– Bái phục, bái phục! Thơ TÌNH của ngài nghe quá đã.
– Ha ha! Chưa hết đâu, rót dâng ta thêm một ly XO nữa, ta sẽ chỉ bảo thêm cho.
– Vâng, đây ly XO, kính xin ngài đón nhận và cho thêm lời vàng!
– À há, hảo tửu, nhà ngươi hãy nghe ta phán thêm đây:
 
Vườn hồng nhà tôi không có gaí
Vì lòng tôi, không bao giờ nhọn
Nụ tầm xuân là những lòng thiếu nữ
Những hạt sương mai là những giọt lệ tình.
 
Tàu đến rồi, tôi đi mau, kẻo muộn
Vườn hồng tôi nơi ấy đang chờ
Nếu có dịp tôi sẽ trở lại
Tặng cho đời những đóa hồng tươi.
     (Vườn Nhà Tôi – Lê Mai Lĩnh)
 
Và:
 
Cảm ơn em đã đến khi thơ ta mùa hạn hán
Giếng nước tình em đã tưới đẫm cánh đồng thơ ta
Thơ ta mù lòa, bầu sữa em là thần dược
Đã giúp ta sáng mắt sáng lòng.
Cảm ơn em đã đến, hồi sinh thơ ta giữa mùa oan khiên
Nói gần nói xa, chẳng qua nói thật
Nhờ em , thơ ta đã vươn vai, marathon.
Nhờ em, thơ ta đã có cánh, tung trời…
(Cám ơn em đã đến, chút chút/ Cám ơn em đã đi, nhiều nhiều – Lê Mai Lĩnh)
 
– Đủ chưa? Thôi bai (bye) ngươi, ta đi tụng kinh TÌNH.
 
2. Giỡn chơi cho vui, xin các bạn đừng phiền; thật ra cái TÌNH của thi nhân cũng ẩn chứa đầy nỗi niềm trong đó. Buồn là chuyện muôn đời của nhân sinh, đâu ai tránh được? Giàu nghèo, sang hèn ai cũng có nỗi niềm riêng, phải không?
 
– Thử xem nỗi niềm của Thi nhân ra sao?
 
Này cô BẮC KỲ không còn nhỏ
Cô dứt áo ra đi, vội vàng chi, để rơi lại vài hột nút
Thoạt dầu, ta cũng muốn giữ lại làm kỷ niệm cho một cuộc tình muộn, si và mê tơi
Để đôi lúc, kẹp giữa hai chân, tìm chút hơi ấm của người góa phụ đang độ xuân thì

Vậy, này cô BẮC KỲ không còn nhỏ
Hãy nhín thời gian, trở lại chút chút, để mang đi theo những hột nút nầy.
Đơm lên lại trên chiếc áo ngày xưa cô thường nhờ tôi giúp cô mở khuy
Những lúc tôi chậm tay, cô la tôi như mẹ la con
Nhưng tôi vui lắm, mỗi lần được cô la như mẹ la con.
           (Hãy Trở Lại Nhặt Giùm Ta Mấy Hột Nút – Khùng Thi Sĩ)
 
– Và đây là bài tôi tâm đắc nhất:
 
TÌNH CHO ĐẤT NƯỚC
 
Tôi mơ một ngày
Tôi trở lại Sài Gòn
Bắt tay và nói lời cảm ơn những người cầm bút
Tôi đã quen tên mà chưa gặp mặt:
Đỗ Trung Quân, Bùi Chát, Nguyễn Cung Thương, Bùi Chí Vinh
Tôi sẽ chào các bạn theo kiểu nhà binh
Dẫu ngày trước chúng ta không chung chiến hào
Chưa có dịp nổ súng vào đầu nhau
Nên nay vẫn còn làm thơ, vẫn còn uống rượu, vẫn còn chưởi thề, và ve gái
Vẫn còn phất phơ bay bướm, buớm bay.
Chúng tôi vinh danh người yêu như Nữ Hoàng, Nữ Chúa
Thượng Để chúng tôi không sợ, nhưng chúng tôi sợ những người tình
Người tình càng nhiều càng tốt
Chúng tôi không từ chối bao giờ, một ai
Em nào đến, chúng tôi đều nhận, vui vẻ cầm tay
Nhưng em nào muốn đi, chúng tôi sẵn sàng phóng thích
Thi sĩ, đàn bà, chúng tôi nương tựa vào nhau mà sống
Không có đàn bà, thi sĩ chết rập
Không có thi sĩ, đàn bà cũng thoi thóp
Như gà nuốt dây thun.
Chúng tôi là vậy, chúng tôi là những người làm thơ
Thi sĩ là công dân thế giới
Nhưng với bọn độc tài, chúng sợ chúng tôi như sợ cọp
 
Chúng có thể cầm tù hay hãm hại xác thân thi sĩ
Nhưng với trái tim, tâm hồn thi sĩ, chúng đừng hòng
Chúng tôi, thi sĩ, những người không chết
 
Chúng tôi, thi sĩ, quan toà của lịch sử
Nhốt chúng thiên thu trong mọi lời thơ
Cầm tù chúng muôn đời trong những bài thơ bất tử.
                             (Thi Sĩ, Đàn Bà và Nhà Độc Tài)
 
– Làm sao không bi thiết với những bài thơ sau đây?
 
Ta tù nhân hề, khi nước nhà thống nhất
Khi độc lập hề, dân đói quanh năm
Ôi Đảng quang vinh hề, chỉ hay mồm mép
Mấy mươi năm rồi, nước chỗ yên nằm
 
Ta nay đã 37 tuổi tròn
Đầu lốm đốm với hai thứ tóc
Nhớ từ thuở còn thơ đi học
Qua đồng làng, ruộng lúa, nương khoai
Thấy những đàn trâu ăn cỏ mệt nhoài
Và những bác nông phu suốt đời vất vả
Ta thấy xót xa cõi lòng khôn tả
Mong có ngày đất ngước tiến lên
Mong có ngày cơ giới làm nền
Để giải phóng sức người lao động
Ôi tuổi thơ ta với những tháng ngày trầm thống
Ôi những ngày cuốc đất hái rau
Cơm không đủ ăn, thiếu thuốc khi đau
Phải lên rừng vào truông kiếm củi
Tuổi thơ ta với những tháng ngày lầm lũi
 
Khi lớn lên nhận tay đời khẩu súng
Để sửa sai người anh em khoác áo chiêu bài
Nào Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc
Ôi những trò bịp bợm, quái thai.
 
Nào ngờ đâu trong cơn mặc cả
Của lũ người mua bán chiến tranh
Chúng trao ta vào tay đối nghịch
Ôm hận tù đày, tội phạm chiến tranh
Ta thấy rồi TỰ DO mở rộng
Song sắt nào khóa nổi hồn ta
Đón Giao Thừa trong nhà giam lạnh
Nhưng ấm lòng ta, niềm tin quê nhà
(Giao Thừa Năm 37 Tuổi – Lê Mai Lĩnh)
 
Hãy cuốc xuống thật sâu, nạy lên bật gốc
Hãy dọn dẹp, vun thành đống, châm lửa đốt cho sạch
Nương rẫy đã xong, đất đai đã hoàn thành
Hãy trồng xuống
Hom sắn
 
Sắn đã nuôi ta sống
Sắn đã hại đời ta say
Ôi những bữa ăn đắng cay
Những sắn. Toàn sắn
 
Sắn sớm, sắn trưa, sắn chiều, sắn cải thiện
Sắn trao đổi áo quần, sắn trộm cắp dấu diếm
Sắn nhờ thuốc thẳng, sắn lượm lặt hàng hiên
Sắn thừa mứa chó chê, người đói nghèo nhặt nhạnh
Sắn củ ngon, sắn lớn bành ky
Sắn đuôi chuột, sắn trong đống vỏ
Sắn gì cũng không chê không bỏ
Ta cứ ăn vào đầy bao tử được là hay
Đời tù no đếm được từng ngày
Ôi hạnh phúc qua đêm, bụng không cồn cào là tốt
Sắn Vĩ Đại
Sắn muôn năm
Sắn đời đời ghi nhớ
Sống Mãi Trong Sự Nghiệp Của Chúng Ta
Hỡi sắn,
Niềm tự hào của Đảng ta
Nhờ mầy,
Thế giới biết tên Việt Nam – Hồ Chí Minh
Và nhân dân có sắn ăn ngon bá thở
Ơn của người ta nhớ mãi trong mình
 
Hãy cuốc xuống thật sâu chôn kín lũ bạo tàn
Hãy dọn dẹp, chất thành đống, châm lửa đốt cho sạch
Trời của ta, đất của ta
Ta phải đối đầu thử thách
Diệt cho tàn loài sâu bọ dã man
                                                     (Sắn - Lê Mai Lĩnh)
 
Còn nhiều nhiều nữa những bài thơ rất tuyệt, các bạn hãy tìm đọc.
 
3. Và đây là một đoạn văn (theo tôi) tuyệt vời của văn sĩ Lê Mai Lĩnh:
 
[… Tôi cũng nhớ tới một tình huống khác của một người bạn tôi, nhà văn Trần Hoài Thư, trong truyện ngắn Vườn Mía, đăng trên tạp chí Dân Việt số này. Nguyên văn đoạn văn hay tình huống đó như sau: «Một ngày nọ đại đội chúng tôi rời Tam Quan trở lại đơn vị sau gần một tháng hành quân, khi về Bồng Sơn, đoàn xe ngừng để đám lính vào chợ mua sắm và những sĩ quan ghé quán cà phê bên đường. Chúng tôi cùng nhau đấu láo, đủ điều, đủ chuyện. Riêng tôi không ngừng liếc trộm bờ tay lông măng cùng đôi mày rậm đen của cô hàng nước. Bỗng nhiên một cái bóng nhỏ vụt chạy đến. Tôi nhận rõ thằng bé cỡ 11, 12 tuổi. Nó quăng vào quán trái lựu đạn. May mắn cho chúng tôi, lựu đạn đã không nổ. Tôi chụp súng chạy đuổi theo thằng bé. Nó chạy vào trong xóm. Rồi nó băng ra đồng. Nó chui vô vườn mía. Nhưng làm sao nó có thể chạy bằng tôi và làm sao nó qua mặt được con mắt của tôi. Tôi chạy tới vườn mía. Tôi làm bộ la lên: Tao biết mày ở đâu rồi. Ra tao tha, thằng nhỏ. Sau đó tôi lên đạn cách cách, nói lớn, tao đếm một đến năm, nếu mày không ra, thì đừng trách tao. Tôi la một, hai, chậm và chờ đợi. Đến tiếng thứ ba thì thằng bé xuất hiện. Nó bò ra khỏi vườn. Tôi nhìn nó. Hay tôi nhìn lại tôi. Hay tôi nhìn cái tuổi thơ tôi. Hay tôi nhìn cái tuổi thơ Việt Nam. Tôi bỏ súng xuống, mắt cay nồng. Tôi bảo thằng bé chạy đi. Lần sau tao bắt được, đừng trách tao.”
 
Sau khi đọc xong truyện ngắn trên, tôi gọi phone cho Trần Hoài Thư.
– A lô, cho tôi gặp anh Trần Hoài Thư
– Tôi là Trần Hoài Thư đây
– Anh biết tôi là ai không?
– Tôi biết rồi. Có gì nói đi người anh em
– Ông thật có tội với nhân dân và lịch sử
– Cái gì mà khiếp thế
– Tôi đọc xong bài Vườn Mía của ông rồi
– Mà sao?
– Cái thằng nhỏ ném lựu đạn mà ông tha cho nó chạy, sau này chính là thằng Lê Đức Thọ, quậy nát trời ông địa trong Bộ Chính Trị Hà Nội và là thằng có nhiều tội lỗi nhất lịch sử.
 
Điều sau cùng tôi muốn nói là, việc giết thằng bé thì dễ quá, nhưng lựa chọn việc cho thằng bé chạy là một lựa chọn đầy tính nhân đạo. Chúng ta chiến đấu vì con người, thì trước nhất, chúng ta phải sống, phải hành xử, xứng đáng là một con người…]
 
NHÂN BẢN thay, và cũng tội tình thay những chàng lính trẻ miền Nam VNCH – những chàng “ngụy quân”. Chính vì nhân bản nên mới là “Bên Thua Cuộc”. Nhớ lời một ông tướng CS đã nói với tướng VNCH Lê Minh Đảo rằng:“Các anh có biết tại sao các anh thua không? Không phải vì Mỹ bỏ rơi hay gì gì đó, mà vì các anh không dám cầm súng bắn vô đồng bào, còn chúng tôi sẽ làm khi có lệnh” (Tướng Lê Minh Đảo)” (2)
 
LỜI KẾT
 
“Đừng hòa quá nhiều nước lã vào mực.” Goethe đã nói. Đúng ra câu nguyên văn là: “Modern poets mix too much water with their ink”, với nghĩa là: Thi sĩ phải nên trung thực, lương thiện.

Chữ viết chắt lọc từ tiếng nói; văn và nhất là thơ là tình túy của chữ, ta nên cẩn trọng với chữ. Hãy dùng chữ phục vụ nhân sinh, phổ biến CÁI ĐẸP. Đừng dùng nó làm công cụ để hạ thấp người khác, phát tán điều xấu xa, giả dối.
Qua những bài văn, bài thơ tôi đọc trong các tác phẩm của ông, và kể cả trong giao tiếp hàng ngày, tôi có thể kết luận rằng: thi văn sĩ Lê Mai Lĩnh là người TRUNG THỰC, dù cho ông có tự gọi mình bằng những cái tên đầy “hình tượng” như: Lê Mai Nổ, Lê Liều Mạng… hay Khùng Thi Sĩ.

Hãy đọc những dòng bi thiết này của Lê Mai Lĩnh:
 
Lưng hai chén sắn, phần một bữa
Nước muối thôi, liệu đủ cầm hơi
Thêm gió chướng mưa rừng dồn dập
Thêm hăm he đấm đá đủ lời
 
Lội ruộng sình cấy lúa vụ chiêm
Bùn ngập sâu người hơn một nửa
Ruộng trâu chê bắt người thay thế
Nhè nhẹ bò thôi kẻo chết chìm
(Mùa Đông Đi Cấy Ruộng Sình)
 
Nghiệt ngã khốn cùng như vậy, trong lao tù Cộng Sản, nhưng vẫn hào khí nhắn gởi cho các con:
 
Hãy cho ngoan, dù ăn sắn, ăn khoai
Dù ăn rau, ăn cỏ, cũng nên nhìn thẳng
Dẫu quanh năm không có miếng thịt nào
Cũng phải cố giữ gìn cho thẳng
                 (Lời Bày Tỏ Cùng Các Con)

Qua những lời thơ trên, nếu không phải từ miệng người trung thực, người lương thiện, từ kẻ sĩ thì ai nói?
Khí phách thay:
 
Thân ta chúng nhốt trong lồng sắt
Ta thả hồn bay khắp bốn phương
Chân dẫu trong cùm gông đau thắt
Tìm tự do ta khắp nẻo đường
                        (Vỗ Về Giấc Ngủ)
 
Đây là câu văn “trên cả tuyệt vời”, theo tôi. Xin đưa hai tay bái phục văn thi nhân.
 
“Con người có thể bị thua cuộc ở một giai đoạn nào đó vì những dối trá, bạo tàn, phi nhân, nhưng cuối cùng, con người luôn luôn là kẻ chiến thắng”
(Lê Mai Lĩnh)

Cám ơn người trung thực Lê Mai Lĩnh đã tặng cho đời những bông hoa đẹp!
 
                                                                                        Nguyên Lạc
 
Ghi chú:
 
(1) Chém tre, đẵn gỗ trên ngàn
Hữu thân, hữu khổ phàn nàn cùng ai!
Miệng ăn măng trúc, măng mai
Những giang cùng nứa biết ai bạn cùng?
(Ba năm trấn thủ lưu đồn – Khuyết Danh)
 
(2) Tướng Lê Minh Đảo kể về 17 năm cải tạo sau 30/4/1975 và hát tặng khán giả BBC
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét