CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 1 tháng 12, 2022

BÍ MẬT HÀN MẠC TỬ (KỲ 3) - Phanxipăng


 
Kỳ 3: THỜI HỌC SINH GẬP GHỀNH THƠ MỘNG

Thời học sinh của Hàn Mạc Tử trải qua 3 địa phương: Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Huế. “Lần đầu tiên Nguyễn Trọng Trí cắp sách đến trường là tại Quảng Ngãi”. Trần Thanh Mại, tác giả cuốn Hàn Mạc Tử, đã ghi nhận như vậy. Ông Bá Tín, qua hồi kí Hàn Mạc Tử anh tôi, còn kể chi tiết hơn:
 
“Chúng tôi rời Đồng Hới năm 1921, theo cha vào Quy Nhơn, trở ra Bồng Sơn, lại trở về Quy Nhơn năm 1924 thì đổi ra Sa Kỳ, một sở thương chánh lớn, cách thị xã Quảng Ngãi 12 km [thực địa thì hơn 20 km - chú thích trong móc vuông là của Phanxipăng]. Trong thời gian gia đình hay đổi dời dọc theo các cửa biển, việc học hành của chúng tôi đã bị gián đoạn. Về Quảng Ngãi mới vào học trường công lập anh Trí học lớp ba, tôi học lớp tư [tương đương lớp 2 bây giờ]. Khi còn ở Quy Nhơn, anh rất thích bắn ná cao su và bắn rất hay.(...). Trong những năm học ở Quảng Ngãi, anh không thèm bắn ná cao su nữa, mà lại rất thích bắn súng. Hai anh em ở trọ nhà dượng tôi, trong nhà cũng có một khẩu Flaubert, thứ súng bắn chim như của cha tôi. Anh trông thấy thèm lắm, nhưng không dám hỏi. Vì vậy, cứ thứ năm, chủ nhật, là kéo tôi cùng về Sa Kỳ, để cha tôi phát cho mỗi đứa 3 viên đạn, mà phải đi bộ 12km, phải qua một chuyến đò, băng qua một động cát dưới trời nắng chang chang. (...). Về sau, bài văn xuôi Chơi giữa mùa trăng, anh viết về chợ Chua Me [dân quanh vùng vẫn gọi Châu Me], là động cát này. Địa phương gọi là động, một vùng rộng lớn, cát trắng phau, thứ cát ánh ngời như mảnh pha lê vụn, trải dài 4 - 5km bên bờ đại dương (...). Sau khi cha tôi mất đi, tháng 7-1926, gia đình tôi dọn về Quy Nhơn ở với anh Mộng Châu. Hai chúng tôi cùng vào học trường trung Quy Nhơn [Collège de Quinhon, thành lập 1921, thực tế gồm cả tiểu và trung học, tên tiếng Việt bấy giờ là Cao đẳng tiểu học Quy Nhơn, sau thành Quốc học - Quy Nhơn, nay là trường THCS Lê Hồng Phong]. Đến lớp nhất [tương đương lớp 5 bây giờ], anh Trí ra Huế học Pellerin” (trích cảo bản đánh máy, tr. 6-8).
 
Như thế, hai niên khoá 1924 - 1925 và 1925 - 1926, thi sĩ tương lai đang học lớp 3 và lớp 4 trường tiểu học công lập tại thị xã Quảng Ngãi. Còn trước đó, hai anh em Trí với Tín học ở đâu mà gián đoạn? Mới đây, ngày 27-10-2000, trên mạng điện tử VietCatholic News, linh mục Trần quý Thiện cho rằng:

“Bé Nguyễn Trọng Trí được khai tâm lớp vỡ lòng tại trường làng với các nữ tu Mến Thánh Giá giáo xứ Tam Toà. Năm lên 9 tuổi (1921), cậu cùng gia đình theo cha di chuyển đến Bồng Sơn...” Điều này chưa đủ bằng chứng. Vả, rất hiếm trẻ con thời ấy trước 9 tuổi đến lớp vỡ lòng.
 
Sáng thứ bảy 11-11-2000, đúng ngày tưởng niệm 60 năm Hàn Mạc Tử, chúng tôi trực tiếp nêu câu hỏi trên với ông Nguyễn Bá Tín tại tư thất. Ông cười:

“Chỉ học vỡ lòng ở cha. Cha tôi dạy. Từ năm 1921 đến 1924, hai anh em tôi theo học lớp dạy tư của thầy Chariles. Một tu sĩ hoàn tục, ở nhà riêng nằm góc đường Gia Long - Khải [nay là đường Phan Bội Châu - Lê Lợi] tại Quy Nhơn. Anh Trí với tôi chính thức học trường công là tại Quảng Ngãi. Bây giờ, học trò 12 tuổi đã lên lớp 7. Còn hồi đó, anh Trí 12 tuổi học lớp 3 chưa phải lớn lắm đâu. Trong lớp có khối anh “già” hơn. Tôi còn nhớ thầy dậy anh Trí lớp 3 ở Quảng Ngãi: thầy trợ Giác. Thầy dữ lắm, từng dùng thước kẻ đánh anh Trí sưng vù mấy ngón tay vì tội nghịch ngợm. Nhiều người không biết thời HS, anh Trí hoang nghịch thuộc loại... thượng thặng!”
 
Chính thời thơ ấu ở núi Ấn sông Trà, nhờ hàng tuần về hải khẩu Sa Kỳ - nơi cha làm việc - để tắm biển, săn bắn và... đùa nghịch, Hàn Mạc Tử đã tích luỹ được bao hình ảnh cùng ấn tượng trữ tình để về sau sáng tạo nên Chơi giữa mùa trăng. Bạn hãy cùng chúng tôi đọc lại đôi đoạn trích từ tác phẩm ấy:
 
...Chị tôi liền chỉ tay về phía bến đò thôn Chùa Mo và bảo tôi rằng: “Thôi rồi! Trí ơi! Con trăng nó bị vướng trên cành trúc kia kìa, thấy không? Nó gỡ mãi mà không sao thoát được, biết làm thế nào, hở Trí?” Tôi cười: “Hay là chị em ta cho thuyền đỗ vào bến này, rồi ta trèo lên động cát với tay gỡ hộ cho trăng thoát nạn?”. Hai chị em liền giấu thuyền trong một bụi hoa lau bông vàng phơi phới, rồi cùng lạc vào một đường lối rất lạ, chân giẫm lên cát mà cứ ngỡ là bước trên phiến lụa.
 
...Tôi nắm tay chị tôi giật lia lịa và hỏi một câu tức cười làm sao: “Có phải chị không hả chị?”. tôi run run khi tôi có cái ý nghĩ: chị tôi là một nàng Ngọc nữ, một hồn ma, hay một yêu tinh. Nhưng tôi lại phì cười và vội reo lên: “A ha, chị Lễ ơi, chị là trăng mà em đây cũng là trăng nữa!”. Ngó lại chị tôi và tôi, thì quả nhiên là trăng thiệt. Chị tôi hí hửng như xuân, chạy nhảy xênh xang, cơ hồ được dịp phát triển hết cả ngây thơ của người con gái mười lăm tuổi...
 
Nhân vật nữ được nêu đích danh ở đây là Madelène Nguyễn Thị Như Lễ, sinh năm 1909, chị kế của Hàn Mạc Tử - Nguyễn Trọng Trí. Còn thôn Chùa Mo nằm đâu? Các sách thường in cước chú: “Một làng ở cửa biển Quảng Ngãi”. Đúng ra, phải là thôn Châu Me. Bến đò thôn ngay trước chợ thôn - điểm này hiện được xây dựng thành trường Tiểu học Bình Châu thuộc huyện Bình sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Chúng tôi đồ rằng trong bản thảo, Hàn viết Châu Me. Song do lỗi in ấn hoặc tam sao thất bản thế nào, Châu Me bị cải thành Chùa Mo rất đỗi buồn cười. Trong tác phẩm đang xét, nhân danh đều thật, hà cớ gì địa danh lại hư?
 
Không phải vô lý khi có người tin rằng con trăng Sa Kỳ huyền hoặc và quyến rũ đã khơi nguồn cảm hứng bất tận cho Hàn dệt nhiều tứ thơ đặc sắc về vầng nguyệt.
 
Trong tập Thơ điên, tên khác là đau thương, ở phần Hương thơm có bài Huyền ảo mà đây là khổ cuối:
 
Không gian đầy đặc toàn trăng cả
Tôi cũng trăng mà nàng cũng trăng
Mỗi ánh mỗi hình thêm phiếu diễu
Nàng xa tôi quá nói nghe chăng?
 
Liên hệ áng văn Chơi giữa mùa trăng, Trần Thị Huyền Trang đã có suy tưởng lý thú khi viết trong cuốn Hàn Mạc Tử - Hương thơm và Mật đắng (NXB Hội nhà văn, HN 1997, tr.59 - 60):
“Nàng có thể là một người yêu của Hàn Mạc Tử, cũng có thể chỉ là một ảo ảnh tô điểm cho thơ. Nàng nhất định không phải là chị Lễ. Song ta thử thay chữ nàng bằng chữ chị và đọc lại thì không khỏi giật mình. Tôi cũng trăng mà nàng cũng trăng. Tôi cũng trăng mà chị cũng trăng...”
 
Vầng trăng phiếu diễu dị thường có ảnh hưởng gì đến việc đèn sách của học sinh (HS) Nguyễn Trọng Trí? Chưa rõ. Chỉ biết rằng mấy năm Hàn theo bậc tiểu học chẳng được suôn sẻ lắm! Ở đây, tưởng nên điểm qua cơ cấu lớp trường hồi ấy để bạn đọc tiện theo dõi.
 
Từ đạo dụ ngày 31 - 5 - 1906, chính phủ bảo hộ Pháp và triều đình Huế ấn định chế độ giáo dục mới với các bậc khởi điểm như sau: bậc sơ học, hoặc ấu học (école élémentaire) gồm lớp đồng ấu tức lớp năm (cour enfantin - tương đương lớp 1 bây giờ), rồi lớp dự bị tức lớp tư (cour préparatoir - lớp 2), tiếp theo là lớp sơ đẳng tức lớp ba (cour élémentaire). Cuối lớp ba, HS thi lấy bằng sơ học yếu lược (primaire élémentaire). Nếu đỗ, sẽ được học lên bậc tiểu học gồm 3 lớp: lớp nhì năm thứ nhất (cour moyen 1ère année) và lớp nhất (cour supérieur). Hết lớp nhất, HS thi lấy bằng yếu lược, còn gọi là Pháp Việt sơ học văn bằng (certificat d’études primaire franco-idigène). Hệ thống ấy được áp dụng trên toàn cõi Đông Dương đến năm 1945.
 
Vậy Nguyễn Trọng Trí thi sơ học yếu lược ở Quảng Ngãi như thế nào? Ông Tín không nhớ. Sau khi thân phụ Nguyễn Văn Toản (Toán) mất vào tháng 7 - 1926, gia đình chuyển về Bình Định, anh em ông cùng vào Collège de Quinhon thì trò Trí học lớp mấy trong hai niên khoá 1926 - 1927 và 1927 - 1928? Giả thiết là học tại lớp nhì năm thứ nhất, kế đó học lên lớp nhì năm thứ hai. Nếu thuở trọ học ở Quảng Ngãi, cậu học trò Nguyễn Trọng Trí bắt đầu luyện niêm luật thơ Đường thì mấy năm về Quy Nhơn, chàng có điều kiện xướng hoạ với người anh cả Mộng Châu Nguyễn Bá Nhân. Một trong những bài thuần thục đầu tay là bài Vội vàng chi lắm ký bút danh Minh Duệ Thị, hoạ vận bài Gởi nhạn của Mộng Châu, về sau đưa vào Lệ Thanh thi tập.
 
Mùa hè 1928, anh Mộng Châu bàn với mẹ cho em ra Huế học trường Pellerin. Theo danh bộ của trường này thì Nguyễn Trọng Trí nhập học này 5 - 9 - 1928 và thôi học năm 1930. Gia đình ông Tín hiện còn giữ văn bằng Pháp Việt sơ học của anh mình. Bằng được cấp tại Huế ngày 26 - 12 - 1930 sau khi Nguyễn Trọng Trí đỗ tiểu học yếu lược kỳ thi tháng 6 - 1930.Như thế, ở trường Pellerin, niên khá 1928 - 1929, thi sĩ tương lai lại học lại lớp nhì năm thứ hai, sang niên khoá 1929 - 1930 thì lên lớp nhất.
 
Là ngôi trường tư thục do các tu sĩ dòng La Salle mở ở Huế từ năm 1904, trường Pellerin về sau được gọi thành trường Pellerin về sau được gọi thành trường Bình Linh và hiện nay là trung tâm Thanh thiếu niên Thừa Thiên - Huế, toạ lạc ở số 1 đường Lê Lợi, Tp. Huế, ngay đầu cầu ga. Ấy là một cơ sở giáo dục nghiêm túc và chất lượng, nổi tiếng một thời không chỉ ở Huế mà cả khu vực miền Trung. Bên cạnh lớp học, sân trường có luôn ký túc xá đầy đủ tiện nghi để phục vụ HS tỉnh xa về. Ông Nguyễn Bá Tín viết hồi ký Hàn Mạc Tử trong riêng tư (sđd, tr.25) cho rằng: “Những năm còn học Pellerin Huế, anh ở Bến Ngự, trọ nhà cụ nghè Tuần”. Còn nhà thơ Hoàng Diệp (1912 - 1996) - tác giả thi tập Xác thu (NXB Nam Ký, HN 1937) và công trình biên khảo Hàn Mạc Tử (đoạt giải thưởng phê bình văn chương năm 1967 của Trung tâm Văn bút Việt Nam - NXB Khai Trí, Sài Gòn 1968) - thì nhớ khác. 20 năm cuối đời, Hoàng Diệp sóng trầm lặng ở Huế. chúng tôi may mắn đã có dịp tiếp chuyện với ông, nghe ông kể:

Mình không chỉ là bạn đồng tuế: (cùng tuổi Nhâm Tý 1912) và bạn đồng hương (cùng quê huyện Phong Điền, Thừa Thiên) mà còn là bạn đồng môn (cùng học trường Pallerin) với Hàn. Cùng học một khoá với Hàn còn có linh mục Cao Văn Luận, nguyên viện trưởng Viện ĐH Huế. Theo mình biết, những năm từ Quy Nhơn ra Huế học Pallerin, Hàn chẳng ở trọ nhà ai cả mà ở nội trú ngay trong trường í.
 
Nhà giáo Võ Văn Côn (tức nhà văn Châu Hải Kỳ - nay đã mất) còn lưu giữ trong tư thất ở Nha Trang một tài liệu hiếm quý: học bạ của Nguyễn Trọng Trí do trường Pellerin lập qua hai niên khoá 1928 - 1929 và 1929 - 1930. Học bạ viết bằng chữ Pháp. Sau đây là trang nhận xét năm học cuối gồm 2 học kỳ (HK) của Hàn: Pháp văn: Có vài tiến bộ (HK1). Chững lại (HK2). Toán: Rất thường (HK1). Khá nhưng không đều (HK2). Khoa học: Chăm, tấn tới nhiều (HK1). Nghiêm túc, cần mẫn, đạt kết quả mỹ mãn (HK2), Sử địa: trí nhớ tốt, kết quả mx mãn (HK1). Khá (HK2). Vẽ và viết: Chữ viết khá, vẽ yếu (HK1). Khá cả hai môn (HK2). Việt văn: Dịch giỏi (HK1). Nhất về tập làm văn (HK2). Hiệu trưởng nhận xét: Nói chung là khá (HK1). Kết quả khá mỹ mãn (HK2).
 
Cũng cần lưu ý bối cảnh lịch sử của miền sông Hương núi Ngự giai đoạn Hàn đang cắp sách. Lúc ấy, nhà ái quốc Phan Bội châu (1867 - 1940) vừa được Pháp đưa về “an trí” ở dốc Bến Ngự - cách trường Pellerin một quãng ngắn. Năm 1926, Hàn chân ướt chân ráo vào học Pellerin, cũng là năm “Ông già Bến Ngự” hùng hồn diễn thuyết tại các trường Đồng Khánh và Khải Định (tức Quốc Học - Huế), khích lệ nam nữ thanh niên HS phát huy tinh thần yêu nước. Đầu xuân Kỷ Mão 1927, giới trẻ ở Huế chuyền tay nhau Bài ca chúc tết thanh niên hừng hực hào khí của cụ Phan: Đúc gan sắt để dời non lấp bể/ Xối máu nóng rửa vết dơ nô lệ... Những áng văn thơ ngời sáng lý tưởng anh hùng ấy ắt chàng thanh niên Nguyễn Trọng Trí được nghe, được đọc và chịu ảnh hưởng ít nhiều.
 
Giai đoạn đó, Huế là một trong ba trung tâm báo chí đáng kể của cả nước. Gây được cảm tình nồng hậu với độc giả chính là Tiếng dân - nhật báo duy nhất tại miền Trung xuất hiện trước 1930 và lại là tờ báo đối lập chính quyền, ra số đầu tiên ngày 10 - 8 - 1927, do chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng (1876 - 1947) vừa ở tù Côn đảo về sáng lập và làm chủ nhiệm kiêm chủ bút; toà soạn đặt ở đường Đông Ba (nay là đường Huỳnh Thúc Kháng, Huế). Chí sĩ họ Huỳnh chính là bạn vong niên của chí sĩ họ Phan. Theo hồi ức của nhà tơ Hoàng Diệp thì như nhiều HS thời đó, Hàn là một bạn đọc nhiệt thành của báo Tiếng Dân. Ở giữa xứ Thần Kinh nổi tiếng thơ mộng, hữu tình, nguồn thơ của Hàn chắc chắn càng được kích thích. Ông Nguyễn Bá Tín xác nhận: “Lệ Thanh thi tập gồm nhiều thơ Đường [Thơ luật Đường], phần lớn thể thất ngôn bát cú mà [Hàn] đã viết ra trong thời kỳ còn học trường Pellerin ở Huế” (Hàn Mạc Tử trong riêng tư - sđd, tr.128).
 
Vài tài liệu cho rằng thời HS ở Huế, Hàn thường lui tới kính viếng “Ông già Bến Ngự” và cùng xướng hoạ thi văn. Chuyện này đáng xét lại. Vì khi Phan Bội Châu lập “Mộng Du thi xã” để trao đổi tâm tình với đồng bào, đồng chí, thì Hàn mạo muội gửi tới 3 bài thơ Thức khuya, Chùa hoang và Gái ở chùa với bút danh Phong Trần. Lúc đó, Hàn đã trở về nhà ở Quy Nhơn. Cụ Phan rất tán thưởng, nhất là với bài đầu, bèn hoạ vận và cho đăng Thực nghiệp dân báo số ra ngày 11-10-1931 với lời bình: “Từ về nước đến nay, tôi được xem thơ quốc âm cũng khá nhiều. Song chưa bài nào hay đến thế. Ôi! Hồng Nam, nhạn Bắc, ước ao có ngày gặp gỡ để bắt tay nhau cười lên một tiếng, ấy là thoả hồn thơ đó”.
 
Đọc lời khen ngợi chân tình của một bậc thanh danh lừng lững, Hàn rất sung sướng. Chàng tìm ra Huế thăm Phan Tiên sinh vào cuối năm 1931. Ấy mới là lần đầu tiên Hàn chính thức diện kiến cụ Sào Nam. Chuyến tao ngộ đã tạo ra bước ngoặt trong đời nhà thơ trẻ.
 
Số là bấy giờ, Hàn vừa lập thủ tục sang Pháp học tập do Hội Nhu Tây du học bảo trợ. Hội được sáng lập bởi thượng thư Nguyễn Hữu Bài - chỗ quen biết với bên ngoại của Hàn. Mật thám Pháp đánh hơi mối quan hệ “rất có vấn đề” giữa chàng với cụ Phan. Sogny - chánh Sở Mật thám Huế - gửi hồ sơ “tình nghi tên Nguyễn Trọng Trí tức Phong Trần” vào cho Véran - chánh Sở Mật thám, Quy Nhơn. Kết quả là Hàn bị rút giấy phép xuất cảnh. Con đường học hành trở thành... tuyệt lộ! Thế nhưng, con đường sáng tạo văn chương bắt đầu hé mở. Nhờ những dòng giới thiệu của Phan Bội Châu, làng thơ xôn xao về sự xuất hiện của một tài năng mang hiệu Phong Trần hoặc P.T ký kèm với địa danh Quy Nhơn...
 
                                                                                       Phanxipăng

*
 
Nguồn:
https://www.thivien.net/B%C3%AD-m%E1%BA%ADt-H%C3%A0n-M%E1%BA%A1c-T%E1%BB%AD/a-reply-mz8hO4-xm_bQYO5dbc_rLg

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét