PHIÊU BỒNG
Sáng nay lòng chợt phiêu bồng
Thấy em đứng đó buồn tanh mặt người
Anh đây sao chẳng mỉm cười?
Thôi anh tự diễn "đười ươi" tấu hài
"Yêu đời uống rượu sáng nay
Vừa nâng ly đã chớm say ngà ngà
Chớm chừng đã chợt bỏ ra
Đừng say mút chỉ rầy rà tít mây" [*]
Rượu đời vừa uống đã say
Rượu tình vừa nhắp thang mây phiêu bồng
Ta mơ... mơ "lá hoa cồn"
Ta mơ "em mọi" hú hồn "đười ươi"
Em còn buồn nữa hay thôi?
Muôn đời ta vẫn cánh bay "chuồn chuồn"
"Chuồn chuồn châu chấu" nhớ luôn
Chăn bò đồi vắng "mơ mòng" chiêm bao [**]
Cuộc đời dài có là bao
Phiêu bồng ta hãy ... sầu đau làm gì?
............
[*] Các câu thơ trong Uống rượu yêu đời - Như sương- Bùi Giáng
[**] Anh lùa bò vào đồi sim trái chín - Bùi Giáng
- Những chữ trong "..." là của Bùi Giáng
ĐỘC ẨM ĐÊM TRĂNG LẠNH
Với tay kéo mộng thiên đường
Tặng em… nhìn lại vô thường mà thôi
Thiên đường đã lỡ mất rồi
Còn riêng tan tác một đời lưu vong
Vời tay chỉ có hư không
Đâu mùi hương cũ? Xót lòng chén đau
Hẹn em lại một kiếp nào
Kiếp này đành phải khóc màu bể dâu
Thôi em còn có gì đâu?
Còn câu thơ cổ "Tiêu sầu cử bôi"! *
Biệt li! Đã biệt li rồi
Có người lữ khách đắng môi nguyệt hàn!
........
* Cử bôi tiêu sầu sầu cánh sầu Lý Bạch
HỎI TRĂNG
(Nhân đọc Bả Tửu Vấn Nguyệt- Nâng Chén Rượu Hỏi Trăng của Lý Bạch)
Ta từng có những đêm vọng nguyệt
Rợn trong hồn thơ cổ nghìn thu
Người sao biết người sao biết được?
Cổ, kim nhân vấn nguyệt nỗi sầu
Trăng sẽ rạng sau ngày mây ám
Nguyệt có tàn sau li tán bể dâu?
Ta lữ khách hồn vẫn vầng trăng cũ
Dù biết rằng đời lắm nỗi thương đau
Đêm cô lữ trên đầu nguyệt lộng
Người trăm năm tình vẫn mãi thuở nào
Cổ, kim nhân cùng một vầng trăng sáng
Tình xưa nay có khác chi đâu?
Người xưa ngắm nguyệt nâng ly hỏi
Ta nay trăng sáng mời rượu nầy
Có khác chi đâu kim hay cổ?
Có khác gì đâu nỗi tình hoài?
Người xưa nhàn nhã trong thơ cổ
Mũ áo xênh xang chỉ mộng hoài
Ta nay luân lạc điêu linh khổ
Còn thêm thống hận ngoài tình phai
Cô lữ những đêm ta vọng nguyệt
Thấy buốt trong tâm một nỗi buồn
Nâng ly rượu hỏi trăng sao thảm?
Người xưa có thảm giống ta không?
Nguyên Lạc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét