CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2024

VẦNG TRĂNG XẺ ĐÔI VẪN IN HÌNH BÓNG MỘT NGƯỜI! – Phạm Hiền Mây



Nếu như Phạm Duy có Bên Cầu Biên Giới khiến hàng triệu con tim khán thính giả phải bồi hồi, say đắm, đê mê, theo giấc viễn mơ của chàng trai trẻ, một giấc mơ đẹp không biên giới, lãng mạn và tình tứ, bay bổng và đầy khát khao, được viết năm một ngàn chín trăm bốn mươi bảy, khi Phạm Duy vừa tròn hai mươi sáu tuổi, thì...
 
Thì, Nguyễn Văn Đông (1932-2018), vào năm một ngàn chín trăm năm mươi sáu, tức sau Phạm Duy mười năm, lúc vừa tròn hai mươi bốn tuổi, có Chiều Mưa Biên Giới.
 
Chiều Mưa Biên Giới của Nguyễn Văn Đông là một trong những sáng tác đầu tay của nhạc sĩ, và cũng là một trong những nhạc phẩm được khán thính giả bốn phương yêu mến nhất, là ca khúc hay nhất, thành công nhất của ông, cũng như, đem lại cho tác giả nhiều lời ngợi khen nhất.
 
Chiều Mưa Biên Giới, khi vừa mới ra đời, đã trở thành hiện tượng đặc biệt vào thời điểm bấy giờ. Đặc biệt vì nhiều lẽ: vì ca khúc, cùng lúc, sớm vang lừng tại Pháp và Châu Âu qua giọng ca của ca sĩ Trần Văn Trạch; vì ca khúc đã bị cấm một thời gian do lời của bài hát; nhưng nguyên do lớn nhứt khiến Chiều Mưa Biên Giới trở thành một hiện tượng đặc biệt, là bởi vì giai điệu và ca từ của tác phẩm đã thu phục lòng người một cách ngoạn mục.
 
Bảy mươi năm đã trôi qua, vậy mà, chỉ cần một tình cờ, đâu đó, giọng một ca sĩ xưa cất lên “chiều mưa biên giới anh đi về đâu”, là ngay lập tức, tâm hồn người nghe bị rúng động. Sự rúng động đó đến từ giai điệu bỗng trầm, tha thiết; đến từ lời ca gần gũi, mến thương, quen thuộc, trìu mến, ấm áp. Sự rúng động ấy, còn đến từ cả một trời kỷ niệm xưa của một miền Nam ngày nao, thanh bình, yên ổn, bỗng rưng rức quay về.
 
Thường, cái gì không tìm lại được nữa, ngay cả khi, ta có thật nhiều bạc tiền, ta có thật nhiều phương tiện, kỹ thuật hiện đại, thì cái ấy sẽ trở nên quý giá vô ngần. Kiểu gì và cách nào, cũng chẳng làm sao, một lần nữa.
 
Bên Cầu Biên GiớiChiều Mưa Biên Giới, Phạm Duy, Nguyễn Văn Đông, và những ngày tháng cũ, sẽ không bao giờ quay trở lại, sẽ không bao giờ lập lại, nên những thứ ấy, vô vàn quý giá.
 
******
Chiều mưa biên giới anh đi về đâu
Sao còn đứng ngóng nơi giang đầu
Kìa rừng chiều âm u rét mướt
Chờ người về vui trong giá buốt, người về bơ vơ.
 
Chiều mưa biên giới anh đi về đâu, là một câu hỏi tu từ, nghĩa là, hỏi mà không cần phải trả lời, không đợi câu trả lời, bởi vì, câu trả lời ấy, ai cũng biết.
Đi về đâu nữa bây giờ. Còn ai mong đi về đâu chăng, sau những tháng ngày dài, triền miên băng rừng, lội suối?
Đi đâu và về đâu, làm sao ai biết. Người nào nói nhỉ, đi cũng là về và về cũng là đi. Đi và về, đều chung tâm trạng, lóng ngóng, bâng khuâng. Tâm trạng của không biết nên buồn hay nên vui. Tâm trạng của gần được chốn này thì lại nhớ chốn kia.
Âm u và rét mướt ấy là của rừng chiều, hay của lòng lữ thứ? Bơ vơ và giá buốt ấy là của cảnh vật hay của tâm hồn người ta?

******
Tình anh theo đám mây trôi chiều hoang
Trăng còn khuyết mấy hoa không tàn
Cờ về chiều tung bay phất phới
Gợi lòng này thương thương nhớ nhớ, bầu trời xanh lơ
 
Đồn quân thì trú nơi biên giới, nhưng tình thì lạc trôi, như mây kia trôi, trôi mãi, chẳng biết, nó sẽ tụ về phương nao, và sẽ còn gặp lại?
Trăng còn khuyết, huống hồ chi hoa, nở đẹp mấy thì cũng đến lúc tàn thôi.
Người cũng vậy, khác chi. Biết lòng thương nhớ ấy, có còn dành trọn vẹn cho kẻ ở miền xa, hay theo thời gian, cũng phai lợt rồi, chút mùi hương cũ.

******
Đêm đêm chiếc bóng bên trời
Vầng trăng xẻ đôi, vẫn in hình bóng một người
Xa xôi cánh chim tung trời
Một vùng mây nước, cho lòng ai thương nhớ ai
 
Lính chiến xa nhà, quẩn quanh, chỉ rừng thẳm núi cao, chỉ chim kêu vượn hú. Trên đầu là nắng là mưa, dưới chân là bùn lầy, là lau cỏ. Tự nhiên tôi bắt nhớ qua câu hát, lội bùn dơ băng lau lách xuyên đêm (Sương Trắng Miền Quê Ngoại).
 
Xuyên đêm, nghĩa là đêm không ngủ. Đêm không ngủ ở hậu phương, thì nằm nghe ngoài trời đổ mưa từng hạt rơi (Mưa Nửa Đêm). Đêm không ngủ nơi tiền tuyến, thì bất động một chiếc bóng bên trời, cho: vầng trăng ai xẻ làm đôi, nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường (Truyện Kiều)
 
Đêm đêm, chiếc bóng bên trời. Một chiếc bóng bên trời, cô đơn, nhớ về một chiếc bóng khác, xa xôi, và cô đơn chẳng kém. Vầng trăng chung, chia mỗi người một nửa. Và mỗi nửa ấy, vẫn duy nhứt chỉ bóng một người, thương gởi về nhau với tất cả niềm yêu, nỗi nhớ. Mơ một ngày, nước non yên vui, như cánh chim tung trời kia, giữa một vùng mây nước mênh mang kia, anh lại về thăm em.
Cho thỏa lòng thương nhớ!

******
Về đâu anh hỡi mưa rơi chiều nay
Lưng trời nhớ sắc mây pha hồng
Đường rừng chiều cô đơn chiếc bóng
Người tìm về trong hơi áo ấm, gợi niềm xa xăm
 
Chiều nay, cũng như bao chiều khác, mưa vẫn rơi tầm tã. Về đâu anh hỡi, câu hỏi ấy lại vang lên trong tâm tư, vang lên trong nỗi buồn xa nhà man mác.
Về đâu ư? Về nơi mà trái tim gõ nhịp. Về đâu ư? Về nơi mà nỗi nhớ kêu tên. 
Mưa dẫu tạnh rồi, lưng trời mây dẫu pha ráng hồng rực rỡ, thì đường rừng chiều vẫn hoài lẻ loi chiếc bóng. Cố tìm trong hơi áo, một chút mùi quen thuộc của thịt da.
Gợi xa xăm niềm cũ!

******
Người đi khu chiến thương người hậu phương
Thương màu áo gởi ra sa trường
Lòng trần còn tơ vương khanh tướng
Thì đường trần mưa bay gió cuốn, còn nhiều anh ơi.

Chốn biên khu thì thương nhớ về thành đô lẻ bóng. Ngược lại, chốn hậu phương cũng nhớ thương hoài người chinh chiến xa xôi.
Ai biểu ông trời bày ra thế cuộc? Ai biểu con người cứ mãi thắng thua? Ai bày chi công hầu khanh tướng? Ai bày chi nỗi phiền não, đau khổ trần gian?
Lòng trần còn nhiều tơ vương thì đường trần mưa bay gió cuốn, sẽ còn nhiều, anh ơi!
 
******
Chỉ mới hai mươi bốn tuổi, mà Nguyễn Văn Đông đã soạn được một tác phẩm để đời, có giai điệu xốn xang mà nồng nàn, tha thiết đến như vậy, Chiều Mưa Biên Giới.
Chỉ mới hai mươi bốn tuổi, mà Nguyễn Văn Đông đã có thể viết được một nhạc phẩm đầy chất thơ: đêm đêm chiếc bóng bên trời / vầng trăng xẻ đôi, vẫn in hình bóng một người - khiến cho người nghe, không thể không liên tưởng đến hình ảnh của kẻ ở người đi, rất nỗi niềm.
Chỉ mới hai mươi mươi bốn tuổi, mà Nguyễn Văn Đông đã có thể hiểu được bản chất đau khổ của cuộc đời là vì đâu: lòng trần còn tơ vương khanh tướng / thì đường trần mưa bay gió cuốn, còn nhiều anh ơi; khiến cho người nghe, cảm thán nhớ về bậc quốc sĩ Ngô Thời Nhậm, mà mỗi lời thốt ra của ông, là một khí phách ngút trời: ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai / thế chiến quốc, thế xuân thu, gặp thời thế, thế thời phải thế.
 
******
Người như Nguyễn Văn Đông, hiếm lắm, thời xưa thường gọi là văn võ song toàn.
Không chỉ văn võ song toàn, ông còn là người đa tài, ngoài tân nhạc, ông còn soạn nhạc và làm đạo diễn cho hơn năm mươi tuồng cải lương nổi tiếng như: Mắt em Là Bể Oan Cừu, Mưa Rừng, Nửa Đời Hương Phấn, Sân Khấu Về Khuya, và vô số những bản tân cổ giao duyên.
 
Ông là người phát hiện ra những giọng ca trứ danh như Hà Thanh, Thanh Tuyền, Giao Linh. Ông cũng được xem là người có công hàng đầu trong sự phát triển của phong trào tân cổ giao duyên. Ông cùng soạn giả Viễn Châu đã nghiên cứu lắp ráp tân nhạc và cổ nhạc sao cho ăn khớp nhau. Và ông chính là người cho ra đời cách ký âm tân nhạc và cổ nhạc.
 
Không chỉ thế, ông còn cùng nhạc sĩ Y Vân thực hiện công trình nghiên cứu về dân ca ba miền. Công trình đang được gởi hồ sơ đến UNESCO để xét duyệt là di sản của dân ca Việt Nam, thì lúc ấy, năm một ngàn chín trăm bảy mươi lăm vừa đến.
 
Đánh giá về nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, nhà thơ Du Tử Lê viết:
 
Hai hãng đĩa của ông đã đem lại sự giàu có, phong phú cho sinh hoạt tân nhạc cũng như cổ nhạc miền Nam, suốt hai mươi năm, với những album riêng cho từng ca sĩ. Không chỉ thế, ông còn là người có công đầu trong nỗ lực khai sinh, hình thành và phát triển một hình thái nghệ thuật mà, sau này, chúng ta quen gọi là tân cổ giao duyên.
 
Khi ông mất, theo di nguyện, tro cốt ông được rải ở biển Vũng Tàu, là nơi có ngôi trường Thiếu Sinh Quân, mà trong suốt năm năm, ông đã được học quân sự và học nhạc, tại đây.
 
******
Bài viết đã được đăng lên trang cá nhân vào ngày 21.03.2024. Nay tôi có sửa chữa và bổ sung, để gởi tặng một người đi.
 
                                                                        Sài Gòn 18.09.2024
                                                                            Phạm Hiền Mây

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét