CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2024

CHUYỆN CHỮ NGHĨA: “CHỮ PHÚC” 福 – Vinhhuy Le


 
Ảnh 1: Chữ Phúc Giáp cốt văn

Với người Tàu, văn tự không chỉ là công cụ chuyển tải tư tưởng, mà còn là phương tiện giao tiếp với thần linh, chữ Hán thường được dành chỗ trang trọng ở nơi thờ tự. Người ta tin rằng những chữ tốt lành có chứa năng lượng siêu nhiên, hiệu dụng xua tan tà ma, xui rủi. Thường mỗi dịp xuân về, người Trung Hoa lại nhờ tay thư pháp viết những chữ đó lên giấy đỏ, để dán trong nhà cửa nghênh xuân. Và Phúc  luôn là lựa chọn đầu tiên, không thể thiếu.

1. NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA

Phúc là một trong những chữ tối cổ của văn hóa Trung Hoa. Trong Giáp cốt văn [1], phần bên phải chữ Phúc có phía trên là bộ Thị , tượng trưng đàn tế lễ; ở dưới có chữ Thủ , biểu thị động tác của vu sư khi tế lễ. Bên trái là bộ Dậu , tượng trưng vò rượu; phía dưới là hai nét chéo giao nhau, tượng trưng đôi tay đang nâng vò rượu lên cao. Qua đó, có thể thấy đây là một chữ Hội ý: dâng rượu cúng thần linh để cầu xin được phù trợ (Hình 1).

Đến thời Kim văn [2] trở đi, người ta tỉnh lược, dời bộ Thị  qua bên trái, bỏ bớt chữ Thủ  phía dưới; đồng thời thay Dậu  bằng chữ Phúc , cũng như lược bớt hai nét chéo dưới vò rượu đi. Phúc  có nghĩa là “đầy đủ”, do đó từ đây Phúc  thành chữ Hài thanh, và có nghĩa là ấm no, đầy đủ.

Ảnh 2: Chữ Phúc Kim văn

Điều thú vị là do chữ Phúc có hai phần trái phải, nên dấy thành tranh luận liên miên.

Phe “hữu khuynh” chiết tự phần bên phải (Phúc ) thành ra là Nhất Khẩu Điền 一口田, từ đó cho rằng Phúc  có ý nghĩa: mỗi người đều có ruộng đất. Với người xưa, nếu ai cũng có ruộng cày thì thiên hạ sẽ ổn định, hạnh phúc. Theo nghĩa này thì Phúc thiên về vật chất, cuộc sống ấm no tức là hạnh phúc.

Phe “tả khuynh” lại thiên về lý giải ý nghĩa phần bên phải, tức chữ Thị , là ý trời. Phe này cho rằng lòng người vốn tham lam, được một đòi mười, có ruộng một mẫu sẽ muốn tích lũy thành mười, thành trăm mẫu; vật chất càng đầy đủ thì dục vọng càng buông thả, chỉ khiến tâm hồn thêm khổ sở mà thôi. Cho nên theo họ, phải lấy ý trời làm chính: sống thuận tự nhiên thì tâm mình sẽ tràn đầy an lạc, hạnh phúc.

Từ cuộc tranh luận đó, đời sau sinh ra quan niệm dung hòa: phải là đầy đủ cả về vật chất lẫn tinh thần, thân tâm viên mãn mới thật sự là hạnh phúc. Theo ý nghĩa này, Phúc  thành một đồ hình mang lại cát tường.

2. KHUẾCH DƯƠNG QUANG ĐẠI

Trong sáu điều tốt lành của đời người: Phúc, Lộc, Thọ, Hỷ, Tài, Cát, thì Phúc đứng đầu.

Theo Kinh Thư [3] (thiên Hồng phạm), Phúc lại chia thành “Ngũ phúc”: một là Thọ  (sống lâu), hai là Phú  (giàu sang), ba là Khang Ninh 康寧 (khỏe mạnh bình an), bốn là Du hiếu đức” 攸好德 (biết quý đức hạnh), và năm là “Khảo chung mệnh” 考終命 (sống trọn tuổi trời). Thành ngữ “Ngũ phúc lâm môn” 五福臨門 (Năm phúc lớn vào nhà) chính là từ ý này.

Chữ Phúc  do đó ký thác tâm nguyện về một tương lai tốt đẹp, bình yên, nên Phúc luôn ngự ở chỗ trang trọng trong mỗi nhà.

Chữ Phúc chuyển hóa lưu truyền trải hơn 3.500 năm, đến đời Thanh lại được Khang Hy [4] sáng tạo, đẩy lên thêm một tầng.

Đó là vào niên hiệu Khang Hy thứ 12 (1673), Hiếu Trang Thái hoàng thái hậu sắp làm lễ Chúc thọ lục tuần thì mắc bệnh nặng, các ngự y đều lắc đầu bó tay. Khang Hy bèn “thỉnh phúc” bằng cách tự tay viết một chữ “Phúc” treo trong cung cho bà nội. Chỉ vài hôm sau, Thái hoàng thái hậu trở nên khỏe lại, và thọ đến 75 tuổi.

Ảnh 3: Chữ Phúc của Hoàng đế Khang Hy

Các vua nhà Thanh, cũng như các vua Nguyễn nước ta, đều được đào luyện Hán học từ nhỏ. Khang Hy sở học tinh thâm, không nhường bọn túc nho lão thành. Chữ Phúc do Khang Hy viết ra đó không phải theo lối thông thường, mà là vận dụng thư pháp, chuyển phần “Nhất khẩu điền” bên phải thành ra chữ Thọ; đã vậy lại hàm chứa cả các chữ Tử  (con cháu), Điền , Tài , Thọ ; thành ra chỉ một chữ mà bao hàm ý nghĩa cầu chúc đông con cháu, nhiều ruộng đất, tiền của, sống lâu, phước lớn. “Ngũ phúc” và cả “Phúc Thọ” hợp nhất, nên chữ Phúc này của Khang Hy được tôn làm “Thiên hạ đệ nhất Phúc” (Hình 3-4).

Ảnh 4: Thiên hạ đệ nhất phúc

Ngoài ra, chữ Phúc khi được hình tượng hóa lại thành con dơi, bởi dơi trong tiếng Hán là Bức , đồng âm với Phúc , nên trong kiến trúc của Tàu thường thấy có loài dơi.

3. TỤC DÁN NGƯỢC CHỮ PHÚC

Chữ Phúc đôi khi còn được dán ngược, tức đảo lộn lại. Ngày tết, người Tàu khi dán ngược kiểu này thường hỏi đố đám trẻ nhỏ trong nhà: Đó là chữ gì? Tất nhiên con nít sẽ kêu lên: “Phúc đảo” 福倒 (Phúc lộn ngược), do đồng âm nên hai tiếng đó sẽ nghe như “Phúc đáo” 福到 (Phúc đến), và đám con nít sẽ được thưởng lì xì. Hiện tượng dán ngược chữ này chỉ dùng cho mỗi chữ Phúc, không thể dùng cho các chữ khác [5].

Ảnh 5: Chữ Phúc đảo dán trên khạp gạo

Tục treo dán chữ Phúc trong nhà vốn bắt đầu thịnh hành từ đời Tống (960-1279). “Phúc” từ đó gắn bó với Hoa tộc, là đồ hình mang lại cát tường, tiêu tai giải hạn. Chữ Phúc hiện diện khắp nơi, không những chỉ dán trước cửa, mà còn được treo cả trong xe hơi, có khi còn móc theo xâu chìa khóa mang luôn bên mình.

Cùng hiện diện với chữ Phúc là cái bóng của nó, tức Phúc lộn ngược, còn gọi “Phúc đảo” với ngụ ý “Phúc đáo”, và điều này đã tạo nên sự nhầm lẫn đảo điên.

Ngày nay, có không ít dân Tàu đại lục (và cả An Nam sính chữ), dán chữ Phúc lộn ngược trước cửa, tưởng ngụ ý thâm trầm mà không biết đó là ngộ nhận, do không truy xét kỹ ngọn nguồn.

Có nhiều thuyết giải nghĩa chữ Phúc treo ngược này.

- Trong dân gian có tích kể rằng Khương Tử Nha sau khi hoàn thành nhiệm vụ phong thần thỏa đáng, thì Mã thị - người vợ năm xưa trọng phú khinh bần đã xua đuổi ông – tìm tới, xin được cho một chức. Bất đắc dĩ, Khương thái công phải phong Mã thị làm Cùng thần窮神 (thần nghèo đói), và truyền rằng Cùng thần không được phép lai vãng đến những nhà có dán chữ Phúc. Từ đó, khi gặp xui rủi, người ta dán ngược chữ Phúc để xả xui.

- Đời Thanh, vào một đêm trừ tịch, ở vương phủ Cung thân vương Thường Ninh (con trai thứ 5 của Thanh Thế tổ), người quản gia khi dán chữ Phúc trước cửa đã vô tình dán ngược. Phúc tấn (vợ Thân vương) nổi giận muốn trách tội thì quản gia thưa rằng: “Nô tài thường nghe bá tánh ca ngợi Cung thân vương mạng lớn phúc lớn, nay chữ Phúc đảo ngước là điềm Phúc đáo. Cung hỷ, cung hỷ!”

Chiêu này khiến Phúc tấn không thể quở trách, vì nếu làm thế hóa ra phủ nhận chồng mình không được như lời đồn, đành đổi giận làm vui, thưởng quản gia 50 lạng bạc. Nhân họa mà thành phúc, nên từ đó người ta học theo dán ngược chữ Phúc.

- Thuyết khác kể rằng Chu Nguyên Chương (Minh thái tổ) lúc mới lên ngôi, có lần động sát cơ muốn giết hại vài kẻ bầy tôi, bèn ban cho mấy nhà đó chữ Phúc dán trước cửa làm ám ký, đặng đêm khuya cho quân tru lục. Mã hoàng hậu bẩm tính thiện lương, bèn hạ lệnh cho khắp bá quan đều phải dán chữ Phúc lên cửa. Đêm đó, quân lính đi bắt bớ thấy nhà nhà đều dán chữ Phúc nên không biết phải bắt ai, cuối cùng đành tay không hồi báo. Chương thân hành thị sát thấy quả như lời tâu, nhưng lại phát hiện có nhà nọ, do cập rập nên dán ngược chữ Phúc. Chương nổi trận lôi đình, Mã hoàng hậu bèn lựa lời can rằng: “Người ta là biết bệ hạ đến nên dán ngược chữ Phúc, hàm ý “Phúc đáo” để đón mừng, chẳng thưởng thì thôi, sao đành bắt tội kẻ trung lương!” Chương nghe có lý, nên ban thưởng cho nhà ấy.

Từ đó, người ta dán chữ Phúc ngược để cầu chuyển họa thành phúc và để nhớ công đức của Mã hoàng hậu.

Tất nhiên, những thuyết kể trên đều là ngoa truyền, không có trong sử sách. Sự thật là: Ngày Tết, người Tàu có tục dán chữ lên cả các vật dụng trong nhà, đây là tỏ lòng cám ơn những gia cụ thân thiết đã thầm lặng cùng mình đảm đương công việc suốt một năm dài. Và “Phúc đảo” chỉ được dán lên lu nước, khạp gạo, thùng rác; tức những vật dụng mà khi sử dụng, người ta phải dốc ngược chúng lại. Lúc đó, Phúc đảo sẽ trở lại nguyên dạng là chữ Phúc thật sự. Lúc này, nếu trẻ nhỏ trong nhà đứa nào reo lên “Chân Phúc kìa!” thì sẽ được thưởng thêm. Dụng ý khi dán “Phúc đảo” chỉ có vậy: để khi sử dụng, Phúc trên vật dụng đó sẽ trở lại nguyên hình. Bởi nếu dán chữ Phúc xuôi thuận như bình thường, thì khi đổ lu nước ra chẳng hạn, chữ Phúc trên đó sẽ thành Phúc đảo, thành ra như đổ bỏ Phúc đi [6].

Và trước cửa ngôi nhà mình, là thứ không thể đảo ngược được, chẳng ai đi dán “Phúc đảo”. Tất nhiên, nếu có lỡ dán cũng chẳng phải sai lầm xui rủi gì to tát lắm, bất quá nó là chỉ dấu cho thấy chủ nhà hay chữ lỏng mà thôi.                                                                                                                                                            Nguồn: FB Vinhhuy Le.
*
[1] Giáp cốt văn 甲骨文: Hình thái văn tự đầu tiên của Trung Quốc, được khắc trên mai rùa hoặc xương thú, sử dụng vào đời Thương (thế kỷ 17-11tr.Cn).
[2] Kim văn 金文, còn gọi Minh văn 銘文, Chung đỉnh văn 鐘鼎文, là loại văn tự được khắc hoặc đúc trên đồ đồng, xuất hiện cuối đời Thương, thịnh hành vào đời Tây Chu (1122-249 tr.Cn).
[3] Kinh Thư, tức Thượng thư 尚書, một trong Ngũ kinh, do Khổng tử (551-479 tr.Cn) san định.
[4] Khang Hy 康熙, miếu hiệu Thanh Thánh tổ, tại vị 1662-1722.
[5] Ví dụ: chữ Tài  là “tiền của” chẳng hạn, nếu dán ngược sẽ là tai họa: trút hết tiền tài đi.
[6] “Lễ ký” chép: Phúc giả, bách thuận chi danh giả (福者 百順之名也). Tức Phúc hàm nghĩa trăm sự thuận lợi, nay nếu treo ngược thì trăm sự khó thể xuôi chèo mát mái.

1 nhận xét:

  1. Chiết tự chữ PHÚC:

    - Bên trái là bộ thị (礻), có nghĩa đen là sự cầu thị. Trong chữ Phúc này, bộ thị mang ý nghĩa là mong ước, khát khao của con người trong cuộc sống, mơ về một điều gì đó mãnh liệt. Bộ Thị còn gọi là bộ Kỳ

    - Bên phải chữ Phúc trong tiếng Hán là ba bộ thủ.
    + Trên cùng là bộ miên (宀) chỉ một mái nhà. Điều này có nghĩa, mong ước về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, có mái nhà để ở cũng như quan niệm an cư lạc nghiệp. Đó chính là niềm mong mỏi lớn.
    宀 MIÊN
    * Nóc nhà, chỗ hai mái nhà sau trước giáp nhau
    * (Danh) Nhà sâu kín.
    * (Động) Lợp, trùm.
    - Bộ miên (宀) viết giản lược như chữ nhất (一)
    + Ở dưới là bộ khẩu (口) chỉ nhân khẩu, cái miệng của mình. Bộ này có ý nghĩa, trong ngôi nhà thì tiếng trò chuyện, cười nói của các thành viên chính là hạnh phúc. Sự đầm ấm, vui vẻ cũng từ sự giao tiếp trò chuyện mà ra.

    + Dưới cùng là bộ điền (田) chỉ về đất đai và ruộng vườn. Không chỉ có nhà, con người cần phải có ruộng để cày cấy, tạo nên của cải mới có thể nâng cao chất lượng cuộc sống và trở nên giàu có.

    Như vậy, chữ Phúc trong tiếng Hán bao gồm những bộ chữ thể hiện mong ước của con người. Những ước vọng này đều là căn bản, không phải xa hoa. Bởi vậy, chữ Phúc được xem là khởi nguồn của mọi hạnh phúc, may mắn trên đời là vì vậy.

    Trả lờiXóa