Hồ Đồng Mô thuộc địa giới hành chính của TX. Sơn Tây và H.Ba Vì, có diện tích khoảng 1.400 ha, sức chứa 61,9 triệu m3. Với cảnh quan thiên nhiên đa dạng, nguồn sinh vật rất phong phú, hồ Đồng Mô có tiềm năng khai thác du lịch rất lớn.
Theo tín ngưỡng dân gian, hồ Đồng Mô gắn liền với trận chiến giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh để tranh giành công chúa Mỵ Nương thuở vua Hùng dựng nước. Hồ nước mênh mông còn lại đến nay là dấu tích của cuộc chiến ngày xưa ấy...
Câu chuyện về hồ Đồng Mô có thể nửa thực nửa hư, nhưng khoa học đã chứng minh đây là vùng đất cổ. Ở khu vực phía nam của hồ như Đồi Sành, Mỏ Vít, Đảo Xanh, khe Xăng Dầu..., người ta đã tìm thấy nhiều hiện vật từ thời đồ đá cũ và sơ kỳ kim khí thuộc văn hóa Sơn Vi cách đây ít nhất 9.000 năm.
Đây cũng là khu vực từng diễn ra cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Thế nên, khi dạo bước trên miền cổ xưa ấy, trong "nắng Sơn Tây, mây Ba Vì", thật khó tránh khỏi tâm trạng bồi hồi khó tả.
Nhưng đất Sơn Tây không chỉ có những tầng trầm tích ngủ yên trong lòng đất. Hồ Đồng Mô từng có "cụ" rùa khổng lồ cùng họ với rùa Hồ Gươm. "Cụ" rùa Đồng Mô đã mất năm 2023, song các nhà nghiên cứu đã phát hiện thêm 2 cá thể khác tương đồng.
Những năm gần đây, người dân phát triển nhiều mô hình kinh doanh du lịch - nghỉ dưỡng ven hồ. Trong đó, thôn Lòng Hồ rộng 90 ha ở phía tây bắc hồ, đã được UBND TP.Hà Nội công nhận là điểm du lịch (theo Quyết định số 2823/QĐ-UBND ngày 22.5.2023).
Không ai khẳng định được cái tên "Lòng Hồ" bắt nguồn từ đâu, nhưng rất có thể nơi đây khi xưa là lòng hồ Đồng Mô. Vật đổi sao dời, bãi biển nương dâu qua hàng bao thế hệ, Lòng Hồ đã trở thành một làng quê yên bình, với nhiều hộ dân làm đủ nghề, từ nuôi ong lấy mật, nuôi bò sữa, chuyên kinh doanh thuốc nam đến nuôi trai lấy ngọc… Và cũng không thiếu các khu homestay kinh doanh du lịch nghỉ dưỡng như Biệt thự Ven hồ, Homestay Lòng Hồ, Nhà Duối được bài trí rất… "chill" cho những góc ảnh đẹp.
Tò mò với mô hình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc, chúng tôi ghé đến Ngọc Khánh Pearl ở thôn Lòng Hồ. Tổng diện tích của cả khu vườn đồi khoảng 17.000 m2, trong đó, diện tích mặt nước dành để nuôi trai lấy ngọc khoảng hơn 1.000 m2.
Theo chủ cơ sở, cựu chiến binh Nguyễn Kiêm Khánh, đây không phải là mô hình khởi nghiệp cho những người ít vốn và ít kinh nghiệm. Chi phí đầu tư trong 3 - 5 năm đầu tiên, trước khi được thu hoạch, là không nhỏ. Với quy mô nuôi 100.000 trai, mức đầu tư ban đầu khoảng 600 - 800 triệu đồng, chưa kể chi phí duy trì chăm sóc hàng tháng vào khoảng 80 triệu đồng.
Chính ông Khánh đã từng vấp ngã trước khi thành công, dù cũng không phải là "tay mơ" khi bắt tay vào xây dựng cơ sở này. Trước đó, thời còn trong quân ngũ, ông Khánh đã nhen nhóm ý định nuôi trai lấy ngọc ở hồ Đồng Mô. Ông cũng đã cẩn thận đi tìm hiểu mô hình nuôi trai lấy ngọc ở Phú Quốc, mang mẫu nước ở Đồng Mô đi xét nghiệm xem có phù hợp để nuôi trai lấy ngọc hay không.
Kết quả xét nghiệm rất khả quan khiến ông phấn khởi mua ngay 8 tấn trai giống thả xuống hồ nuôi. Thế nhưng, toàn bộ số trai này… chết sạch. Không nản lòng, ông Khánh bỏ công nghiêm túc học nghề để bổ sung kiến thức; dần dà xây dựng được một quy trình chuẩn, từ chọn giống, nuôi cấy và chế tác phù hợp.
Thế rồi, trai không phụ người kiên trì nhẫn nại. Đến nay, trang trại của ông Khánh đã có nguồn hàng ổn định cung cấp cho thị trường, dù số lượng chưa lớn.
Đáng nói là, theo cơ quan quản lý môi trường địa phương, việc nuôi trai ngọc không xâm hại môi trường nước, bởi thức ăn của trai chủ yếu là các loài phù du, tảo… sẵn có trong tự nhiên. Thậm chí, nuôi trai lấy ngọc còn góp phần làm cho môi trường nước trong lành, giảm ô nhiễm.
Ngoài sản phẩm chính là ngọc trai, thịt trai cũng được dùng làm thực phẩm hoặc thức ăn trong chăn nuôi; vỏ trai dùng làm nguồn phân bón… tạo mô hình nông nghiệp tuần hoàn khép kín gắn với du lịch. Ngọc Khánh Pearl trên thực tế đã trở thành một điểm tham quan thu hút được khách du lịch.
Một điểm dừng chân hấp dẫn khác khi đến với hồ Đồng Mô, nhất là với những người yêu điện ảnh Việt Nam là Biệt thự Phan Thị (G9 resort), nằm trong khu vực Đập Tràn, nơi được lấy làm bối cảnh cho bộ phim truyền hình ăn khách Người phán xử.
Diện tích khu nghỉ dưỡng 6 ha, nhưng nhà đầu tư xây dựng với mật độ rất thấp, tổng cộng có hơn 10 căn biệt thự "lưng tựa núi, mặt hướng hồ". Được bao bọc bởi rừng và hồ nên đến đây, dù lưu trú hay chỉ ngồi uống cà phê, ngắm cảnh, du khách cũng có cảm giác thư thái, dễ chịu.
Điều thú vị nữa là người thiết kế khu biệt thự này chính là kiến trúc sư, nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến, tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng như Bà tôi, Giọt sương bay lên. Ông Tiến kể đã thiết kế khu biệt thự từ năm 2008, rồi đi du học. Sau này, khi xem đến 2 - 3 tập phim Người phán xử, ông mới nhận ra biệt thự trong phim chính là… tác phẩm thiết kế của mình.
Vẫn còn những điểm dừng chân hấp dẫn khác ở khu vực thôn Lòng Hồ như ẩm thực Hoa Viên, nhà vườn ông Bảy, homestay Nhà Duối hay đồi Chè Ngọc Hiển… Nơi đó là những không gian mới, bên cạnh những tầng trầm tích cổ xưa của Đồng Mô.
Cẩm Hà
*
Nguồn:
https://thanhnien.vn/kham-pha-dong-mo-185240730203741591.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét