CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 22 tháng 11, 2023

TRI KỶ, TRI ÂM – Phiếm luận của Đỗ Chiêu Đức


      
TRI  là Biết, Kỷ  là Mình; nên TRI KỶ 知己 là người hiểu biết về mình, không phải chỉ hiểu biết hời hợt bên ngoài, mà hiểu biết một cách sâu sắc tận tâm can và suy nghĩ của mình, thì mới gọi là TRI KỶ được. Như khi nghe Thúy Kiều nói lên cái ý định xưng bá đồ vương của mình, thì Từ Hải tỏ ra rất hài lòng:
                         
Nghe lời vừa ý gật đầu,              
Cười rằng: TRI KỶ trước sau mấy người!                        
Khen cho con mắt tinh đời,                  
Anh hùng đoán giữa trần ai mới già!

 
                         
Đôi bạn TRI KỶ đầu tiên hiểu rõ nhau nhất là Quản Trọng 管仲 và Bào Thúc Nha 鮑叔牙 thời Chiến Quốc, theo Sử Ký ghi lại như sau:  
 
Quản Trọng 管仲(725—645 Trước Công Nguyêntên là Di Ngô 夷吾, hiệu là Kính Trọng 敬仲, người thôn Quản Cốc huyện Dĩnh Thượng. Ông là Tể Tướng nổi tiếng của nước Tề, phò tá và giúp Tề Hoàn Công trở thành một trong Ngũ Bá thời Chiến Quốc. Bào Thúc Nha 鮑叔牙 cũng là một Đại Phu của nước Tề, là bạn TRI KỶ của Quản Trọng. Truyện Kể...    
Thuở nhỏ, Bào Thúc Nha và Quản Trọng là hai người bạn thân. Bào Thúc Nha rất hiểu về tài hoa của bạn mình. Quản Trọng nhà nghèo nhưng luôn luôn lấn lướt Bào Thúc Nha về mọi mặt, nhưng Bào lại luôn luôn đối xử tốt với bạn mà không một tiếng oán than trách móc.    
Lớn lên, hai người cùng làm quan cho nước Tề. Quản Trọng theo phò Công Tử Củ, còn Bào Thúc Nha theo phò người em là Công Tử Tiểu Bạch.   
Năm 686 trước Công Nguyên, Tề Tương Công mất, cháu là Công Tôn Vô Tri soán ngôi. Mùa xuân năm 685 trước CN, Đại Phu nước Tề là Ung Lẫm giết Công Tôn Vô Tri. Lúc đó Công Tử Củ đang ở nước Lỗ, còn Công Tử Tiểu Bạch đang ở nước Lữ. Triều thần quyết định đón hai Công Tử về nước, ai về trước sẽ được nối ngôi.    
Nước Lỗ phái người đưa Công Tử Củ về nước; còn nước Lữ thì phái người đưa Công Tử Tiểu Bạch về nước. Quản Trọng sợ Công Tử Tiểu Bạch về trước, nên phi ngựa rượt theo bắn một mũi tên, Công Tử Tiểu Bạch giả vờ trúng tên té xuống xe ngựa. Sau đó cùng Bào Thúc Nha rẻ đường tắt về nước trước, lên ngôi nước Tề, chính là Tề Hoàn Công đó. 

    
Lỗ Trang Công nghe Công Tử Tiểu Bạch đã lên ngôi nước Tề, vô cùng tức giận, cử binh sang đánh nước Tề. Tề đã có chuẩn bị sẵn nên binh Lỗ đại bại mà về. Dưới áp lực của nước Tề, Lỗ bắt buộc phải giết Công Tử Củ và bắt Quản Trọng trả về cho nước Tề xử tội.          
Tề Hoàn Công sau khi lên ngôi, bèn triệu Bào Thúc Nha đến để phong làm Tể Tướng. Nhưng Bào lại từ chối mà còn tiến cử cho người đang ở trong tù là Quản Trọng làm Tể Tướng vì cho rằng Quản Trọng giỏi hơn mình rất nhiều. Trước đây bắn Tề Hoàn Công là vì đang theo phò Công Tử Củ, chỉ là ai vì chúa nấy mà thôi. Tề Hoàn Công nghe theo lời Bào Thúc Nha phong Quản Trọng là Tể Tướng. Nên sau nầy nhờ các sách lược của Quản Trọng mà Tề Hoàn Công mới xưng bá chư hầu.
    
Về phần Quản Trọng, ông luôn nói với người khác rằng: "Lúc nhỏ nhà nghèo, thường đi buôn với Bào Thúc Nha, tôi ra vốn ít, nhưng chia lời nhiều. Thúc Nha không cho là tôi tham, vì biết tôi nghèo. Tôi bày cách làm ăn cho Thúc Nha bị thất bại. Thúc Nha không cho là tôi ngu xuẩn, mà biết là làm ăn phải có lúc vầy lúc khác. Tôi ra làm quan ba lần đều bị đuổi về ba lần, Thúc Nha không cho là tôi bất tài, mà biết là tôi chưa gặp được thời cơ. Tôi đi đánh trận ba lần, ba lần đều thua chạy trước, Thúc Nha không cho là tôi nhát gan, vì biết tôi còn phải phụng dưỡng mẹ già. Công Tử Củ thất bại bị giết, tôi bị bắt mà không dám hi sinh vì chủ, Thúc Nha không cho tôi là kẻ vô sỉ, vì biết rằng tôi còn đợi dịp để thi thố tài năng. Ôi, Sanh ra tôi là cha mẹ tôi, nhưng hiểu được tôi thì chỉ có Bào Thúc Nha mà thôi !". Đây là câu nói nổi tiếng và để đời của Quản Trọng đó: "Sanh ra ta là cha mẹ, nhưng hiểu được ta thì chỉ có Bào Thúc Nha thôi !".      
Khi Quản Trọng sắp chết. Tề Hoàn Công hỏi: Bào Thúc Nha có thể thay thế làm Tể Tướng không ? Quản Trọng đáp: Không được ! Bào Thúc Nha là người thiện ác phân minh, không thể bao dung cho kẻ xấu được. Nếu giao cho quyền bính trong tay, chẳng những có hại cho chúa công mà còn có hại cho chính bản thân Thúc Nha nữa! Bào Thúc Nha nghe biết chuyện nầy, chẳng những không trách Quản Trọng không tiến cử mình, mà còn rất cảm kích vì biết bạn rất hiểu mình nên không muốn hại mình phải mang họa vào thân.    

Quả là hai người bạn TRI KỶ với nhau: Người nầy hiểu rõ người kia và người kia cũng rất hiểu rõ người nầy. Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng đã ca ngợi tài của Quản Tử (Quản Trọng) như sau:
                   
Lượng gã Bạch sinh nào có mấy,                    
Tài người Quản Tử có đâu nhiều!
    
Tăng Quảng Hiền Văn có câu:
            
Tương thức mãn thiên hạ,    相識滿天下,            
TRI KỶ năng kỷ nhân ?        知己能幾人?
 
Có nghĩa:
         
Quen biết hết cả người trong thiên hạ, nhưng...         
TRI KỶ (là người hiểu ta nhất) có được mấy người đâu ?!
 
            
Đó là đôi bạn TRI KỶ, còn TRI ÂM thì... 
    
Theo Chiến Quốc Sách Liệt Ngự Khấu 战国列御寇著 ghi về chuyện Bá Nha Tử Kỳ như sau:
    
Du Bá Nha 俞伯牙 phụng mệnh vua Tấn đi sứ sang nước Sở. Đêm rằm tháng tám, thuyền vừa vào đến Hán Dương, gặp lúc mưa to gió lớn, nên ghé vào một mé núi nhỏ để tránh gió. Đêm xuống, gió lặng mây tan, vầng trăng rằm sáng vành vạnh trên sông nước, cảnh sắc thật hữu tình. Bá Nha bèn lấy cây dao cầm ra nắn nót phím dây và đàn một khúc. Đang lúc thả hồn vào cung đàn phím nhạc, mơ hồ như thấy có bóng người trên bến nên phân tâm, tay bấm mạnh vào phím đàn đánh "chát" một tiếng, đàn đứt mất một dây và tiếng đàn im bặt. Bỗng nghe tiếng người trên bờ nói vọng xuống rằng :" Xin tiên sinh chớ ngại, tôi là người đốn củi về muộn, đi đến đây nghe được tiếng đàn tuyệt diệu của tiên sinh, nên nán lại chưa nở rời đi".          
Nương theo bóng trăng, Bá Nha nhìn kỹ người trên bến, quả nhiên là một tiều phu với gánh củi còn để một bên, thầm nghĩ: Chỉ là một người đốn củi, làm sao nghe hiểu được tiếng đàn của ta chứ ?. Bèn cất tiếng hỏi rằng: " Các hạ nghe hiểu tiếng đàn của ta, thì có thể nói thử xem khi nảy ta đang đàn khúc gì ?". Người tiều phu bèn đáp rằng: "Thưa tiên sinh, lúc nảy ông đang đàn khúc Khổng Tử tán thán đệ tử Nhan Hồi. Rất tiếc là tiên sinh mới đàn đến câu thứ tư thì dây đàn bị đứt".


 
Nghe người tiều phu đối đáp trôi chảy, Bá Nha rất ngạc nhiên và cũng vô cùng mừng rỡ. Bèn mời tiều phu lên thuyền để đàm đạo, người tiều phu vừa trông thấy cây đàn của Bá Nha, bèn khen rằng: "Đây là cây dao cầm, tương truyền là của vua Phục Hi chế tạo ra". Bèn kể lại lai lịch, quá trình chế tạo và xuất xứ của cây đàn. Bá Nha nghe xong càng khâm phục cho kiến thức của người tiều phu hơn. Đoạn mời người tiều phu nghe thêm vài khúc đàn nữa. Khi Bá Nha cất cao tiếng đàn lên thật hùng tráng, thì người tiều phu khen: "Vòi vọi thay núi cao hùng vĩ, chí tại cao sơn". Khi Bá Nha hạ tiếng đàn xuống cho thanh thoát trôi chảy, thì tiều phu lại cất tiếng khen rằng: "cuồn cuộn thay như nước trường giang, ý tại lưu thủy". 
      
Bá Nha nghe xong rất lấy làm vui dạ, trước đây chưa từng có người hiểu được tâm sự của ông gởi gấm qua tiếng đàn, mà trước mắt, người tiều phu nầy lại làm được việc đó. Không ngờ ở chốn thâm sơn cùng cốc nầy lại có được một TRI ÂM  người hiểu được tiếng lòng của người khác qua âm nhạc) mà bấy lâu nay ông cố tìm vẫn không gặp được. Bèn đứng dậy thi lễ, rót chén rượu mời và cùng xưng tên họ với nhau. Thì ra người tiều phu tên là Chung Tử Kỳ 鍾子期, làm nghề đốn củi độ nhựt. Hai người càng đàm đạo càng hợp ý hơn. Cuối cùng dưới vầng trăng thu sáng vằng vặc họ đã cùng nhau kết nghĩa đệ huynh. Bá Nha lớn hơn nên làm anh, hỏi Tử Kỳ rằng: " Với tài năng và học thức của hiền đệ sao không ra kiếm chút công danh mà lại cam nghề đốn củi ?" Tử Kỳ cho biết là vì mình còn phải phụng dưỡng cha già, nên mới ẩn nhẫn đợi thời. Vì công vụ chưa xong, nên Bá Nha không có thời gian lên bái kiến cha của Tử Kỳ. Trước khi chia tay, hai người bạn cùng hẹn nhau rằm Trung Thu sang năm lại gặp nhau trên bến sông nầy.  
                      
  
Trung Thu năm sau, Bá Nha y hẹn, ghé thuyền lại bến Hán Dương chờ bạn. Nhưng chờ hoài chờ mãi vẫn không thấy tăm hơi, bèn đem đàn ra mà đàn một bản, ý muốn kêu gọi bạn tri âm, nhưng tri âm vẫn bằng bặt bóng hình. Sáng hôm sau, Bá Nha lên bờ, lần mò vào thôn để hỏi thăm về tin tức của Tử Kỳ... Một ông già nghe hỏi, bèn khóc òa lên, cho biết mình chính là cha của Tử Kỳ đây. Sau Trung Thu năm rồi, Tử Kỳ đã nhuốm bệnh và qua đời, trước phút lâm chung, còn trối lại là hãy chôn mình ở bờ sông để Trung Thu năm tới còn nghe được tiếng đàn của Bá Nha như đã ước hẹn.
 
  
Nghe lời nói của Chung Lão, Bá Nha đau buồn vô hạn, tìm đến bên mộ của Tử Kỳ, trịnh trọng đặt cây dao cầm trước mộ, rồi ngồi xếp bằng mà đàn lại khúc "Cao sơn lưu thủy" năm xưa. Đàn xong bèn gạt đứt hết dây đàn, đứng dậy nâng cây dao cầm lên cao đập mạnh xuống tảng đá xanh trước mộ. Cây đàn "bùng" lên một tiếng bể tan tành! Ba Nha bèn khóc mà ngâm rằng:            
           
摔碎瑶琴鳳尾寒,  Suất toái dao cầm phụng vĩ hàn,             
子期不在向誰彈?  Tử Kỳ bất tại hướng thùy đàn?             
春風满面皆朋友,  Xuân phong mãn diện giai bằng hữu,
欲覓知音難上難。  Dục mịch TRI ÂM nan thượng nan!
 
Có nghĩa:
               
Dao cầm đập nát đau lòng phượng,               
Đàn vắng Tử Kỳ đàn với ai?               
Mát mặt gió xuân đều bạn hữu,               
TRI ÂM đâu dễ gặp lần hai!
 

Quả là "Dục mịch tri âm nan thượng nan": Muốn tìm được một người tri âm là "khó trên khó". Có nghĩa là "Khó vô cùng!" Hiểu nhau đã khó, hiểu cả tiếng đàn của nhau càng khó hơn nữa. Nên sau nầy dùng rộng ra, TRI ÂM chỉ những người bạn rất thân thiết, hiểu rõ cả ruột gan lòng dạ của nhau. Nguyễn Du còn dùng để chỉ những cặp đôi yêu nhau nữa, như lời của Thúy Kiều nói với Kim Trọng:
                     
Nàng rằng: Gió bắt mưa cầm,                    
Đã cam tệ với TRI ÂM bấy chầy!
             
Trong truyện Nôm TRINH THỬ cũng có câu:
                           
Bá Nha đã gặp Tử Kỳ,                     
Bảo sơn ai nở trở về tay không ?!
      
Trong Tăng Quảng Hiền Văn cũng có câu:
             
知音說與知音聽,  Tri âm thuyết dữ tri âm thính,               
不是知音莫與彈.     Bất thị tri âm mạc dữ đàn.
 
Có nghĩa:
           
Là TRI ÂM với nhau mới nói cho nhau nghe,           
Không phải là TRI ÂM với nhau thì đừng có đàn 
(cho nhau nghe, vì có biết nghe đâu mà đàn chi cho uổng công!).
             
 Qua hai câu truyện kể trên, ta ngộ ra được rằng:
 
      * TRI KỶ là người hiểu ta một cách chân tình, hiểu thấu tận tâm can gan ruột, không bãi buôi khách sáo, không chìu lòng nịnh nọt, không tính toán lợi hại, mà hết lòng thông cảm giúp đỡ, không vụ lợi, không mè nheo. Người với ta như tâm ý tương thông, tuy hai mà một, ngoài mặt lợt lạt nhưng trong dạ lại ngọt ngào. Nói một cách khác, người TRI KỶ là một TA THỨ HAI rất khó tìm khó gặp khó cách xa. Còn...
 
      * TRI ÂM là người có cùng tiếng nói, cùng sở thích, cùng chí hướng, cùng lý tưởng và cùng hướng về một chân trời Chân Thiện Mỹ. Ở bất cứ nơi đâu lúc nào người đó cũng làm cho ta cảm thấy ấm lòng, vui vẻ và hạnh phúc mà không còn cảm thấy trống trải cô đơn.
   
Nói chung...
        TRI ÂM TRI KỶ là người bạn thân thiết với ta nhất, thấu hiểu ta nhất. Nhưng TRI ÂM nhiều lúc chỉ là đơn phương. Ta xem người đó là TRI ÂM, nhưng chưa chắc người đó cũng xem ta là Tri Âm. Bá Nha xem Tử Kỳ là Tri Âm vì nghe hiểu được tiếng đàn của mình, nhưng Tử Kỳ xem Bá Nha như là người đồng điệu có cùng chung thị hiếu với mình mà thôi.
 
Nói Tóm lại...
      TRI KỶ là người rất thấu hiểu ta và ta cũng rất thấu hiểu người đó, còn TRI ÂM là người có cùng thị hiếu sở thích và cùng chung quan niệm về nghệ thuật mà thôi.
      
TRI KỶ, TRI ÂM ngày xưa là như thế đó, còn ngày nay thì sao ?!
                                                                                    
                                                                      杜紹德 
                                                                                   Đỗ Chiêu Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét