CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 14 tháng 11, 2023

TÂM TÌNH CỦA DIỄN VIÊN, ĐẠO DIỄN LÊ CUNG BẮC (1946-2021) QUA TẬP HỒI KÝ "BỤI CÁT CHÂN MÂY" – Đỗ Tư Nhơn



Đại thi hào Nguyễn Du đã viết bài thơ Độc Tiểu Thanh Ký nhằm bày tỏ mối thương cảm, tri âm cùng người con gái đời Minh, tài hoa bạc mệnh, oan khiên, đau đớn. Khi kết thúc, ông đã không khỏi ngậm ngùi tự hỏi:
 
“Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?”
 
Sự đồng cảm, tri âm là điều cần thiết vô cùng đối với văn nghệ sỹ, nghệ thuật. Hơn 70 năm sống giữa cuộc đời, gần 40 năm dấn thân, đam mê đi vào con đường sân khấu, điện ảnh, diễn viên - đạo diễn Lê Cung Bắc như chưa muốn dừng bước. Nhưng căn bệnh trầm kha, đột ngột cắt đứt dự phóng nghệ thuật của anh. Một tập hồi ký cuối đời đã được vội vàng kể ra bằng lời, đứt quãng, hụt hơi vì hóa trị, nhức nhói, đuối sức. Nhưng anh vẫn kiên cường chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng. Đó là tác phẩm BỤI CÁT CHÂN MÂY, được nhà văn Hồ Sĩ Bình trân quý biên tập để nhà xuất bản HNV ấn hành vào tháng 5 năm 2023, gần đến ngày giỗ lần thứ 2 của anh.
Chính trong thời gian ngắn, từ ngày 5-4-2021 cho đến trước khi anh từ giã trần gian, chỉ hơn hai tháng quằn quại trong cơn đau, anh đã kể lại cho diễn viên Hồng Ánh, Võ Sông Hương và chị Bùi Thị Giang (vợ anh) ghi âm.

Cuối cùng, chính người vợ của anh phải chấp bút, ghi lại trong tâm cảm yêu thương vô cùng, trong phần “Lời thưa” chị đã bộc bạch: “... đó cũng là cách tôi được đối thoại với hương linh của anh nên tôi đã miệt mài viết, và đôi lần dừng lại tôi có cảm tưởng mình viết trong mộng du”. Trong bản ghi âm đầu tiên anh đã nói lên tâm sự chân thành của mình như sau:

“Tôi nói những dòng này để Võ Sông Hương ghi lại trong lúc tôi biết rằng dòng đời của tôi đã cạn, tôi không biết ngày nào sẽ rời khỏi thế gian. Cổ nhân thường nói : tiếng hót của con chim sắp chết rất đáng thương..., lời nói của người sắp chết rất chân thành.Tôi ghi lại tất cả những gì tôi đã nhìn thấy, đã trải qua, đã sống trong suốt cuộc đời , từ lúc sinh ra ở một ngôi làng nhỏ miền trung...”
 
Tập hồi ký có tất cả 6 chương và 3 phần phụ, đây là nơi anh đã trải lòng, dòng sông tâm tình bắt đầu cội nguồn quê hương, tổ tiên, đại gia đình. Sau đó là hồi ức về tuổi thơ, thời hoa niên học tập, con đường hình thành sự nghiệp, phận đời sau 1975, gia đình yêu quý, hành trình đi tới đam mê.
 
* Nghĩ Về Nguồn Cội, Tổ Tiên.

Anh đã ghi lại câu nói của Bruce Weil như một nguyên tắc sống:  “Một người không yêu nguồn cội của mình thì sẽ không yêu ai cả”. Đó là tình yêu quê hương, nơi tổ tiên tạo dựng, hình thành những truyền thống đạo lý, tri thức cao đẹp để con cháu về sau tiếp tuc phát huy.
Với Lê Cung Bắc, làng Xuân Thành, xã Triệu Độ của anh thật là nhỏ bé, như một cù lao, sông nước bao quanh, đi hết một vòng e chưa tàn điếu thuốc, nhưng là đất văn hiến, khoa bảng đáng tự hào. Chính ông nội anh, ngài Lê Phát đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ, làm chức quan tại Quốc sử Quán, sau thăng Thừa Lĩnh Thị độc, sung vào Nội các Sự vụ. Các đời sau, con cháu của ngài cũng nhiều người đỗ đạt. Cha anh làm Hàn Lâm Viện Thị Giảng. Dân chúng Quảng Trị đã ghi nhận truyền thống vẻ vang trên bằng câu ngạn ngữ “Họ Hoàng Bích Khê, họ Lê Xuân Thành”
 
* Hồi Ức Tuổi Thơ

Những hồi ức về tuổi thơ tại làng quê gian khổ trong chiến tranh, người dân phải sống giữa hai làn đạn. Giữa một đêm tối mịt mùng, cha anh bị một nhóm người lạ bắt đi và giết chết đau đớn tức tưởi ! Anh cho biết gia đình anh có bốn ông anh đi bộ đội Việt Minh. Anh mồ côi cha từ đêm hôm đó, vừa được 10 tháng tuổi, để lại cho người mẹ trẻ tần tảo nuôi 3 đứa con. Từ đây anh côi cút giữa cuộc đời, lúc thì vào tận SG, nhờ gia đình người anh trai để được học. Mấy năm sau về lại làng quê bên mẹ. Anh làm cho mẹ vui lòng nhờ kết quả học tập, luôn luôn giỏi cho đến ngày lên tỉnh, bước vào tuổi hoa niên.
 
* Tuổi Hoa Niên.
 
Niên học 1959-1960 anh thi đỗ vào trường trung học Nguyễn Hoàng, ngôi trường trung học công lập danh tiếng của Quảng Trị và miền Trung một thời.Ở nơi đây anh bắt đầu được hưởng nền giáo dục mang tính chất Dân tộc - Nhân bản - Khai phóng. Chính môi trường này đã cung cấp kiến thức, kỹ năng để tiếp tục đi trên con đường tương lai. Ở đây anh bắt đầu tập dượt các vở kịch lịch sử cùng bạn bè để sau này lên Đại học Đalat, SG phát triển đích sau cùng. Trường Nguyễn Hoàng cho anh 5 năm học trập, nhưng đã để lại trong anh biết bao kỷ niệm đẹp. Một mối tình học trò trong trắng, nhưng cũng cho anh nhiêu thương nhớ khi chia xa. Bài thơ ngắn đã ghi lại tình yêu dang dở đầy xúc động của chàng thư sinh Lê Cung Bắc:
 
“Mười năm nữa có khi về phố cũ
Cổng nhà em in nửa dấu hài rêu
Trông từng chiếc lá vàng bay bỡ ngỡ
Buồn xa xưa Kim Trọng nhớ nhung Kiều”

(Trích bài viết “Thư gởi H.D nữ sinh lớp đệ tam C Nguyễn Hoàng (NK 63-64)” của LCB).
 
Những người bạn thân thiết, sau này tìm lại nhau, ngồi bên nhau qua dâu bể, như Lê Văn Trạch, Lê Quang Ngân, Lê Đình Lộng Chương... Anh cho rằng: “trung học Nguyễn Hoàng luôn ở trong trái tim tôi.” Điều đó đã được chứng thực từ những năm 90 của thế kỷ 20, khi thầy trò Nguyễn Hoàng đã nối kết, sinh hoạt do BLL NH SG được hình thành. Anh Lê Cung Bắc đã tham gia từ những ngày đầu cho đến khi anh qua đời, chị Bùi Thị Giang đến dự thay anh.
Kế tiếp là 2 năm anh học trường Quốc Học –Huế, được học và giao tiếp thêm, anh bắt đầu định hướng cho tương lai sau khi đỗ tú tài 2, lên Đalat học Đại học. Anh từng xác định: trường Quốc Học – Huế là cái nôi hình thành nhân sinh quan.
 
* Con Đường Định Hình Sự Nghiệp (trước 1975).

Tại Đalat, anh theo học trường Chính trị - Kinh doanh của Viện đại Học Đalat, anh cùng các bạn đam mê nghệ thuật sân khấu thành lập ban kịch, diễn được 3 tháng rồi tự giải tán. Một nhóm kịch mới anh và bạn bè xây dựng mang tên TRƯỜNG GIANG. Bởi lúc này anh vừa tìm thấy một người đẹp từ Nha Trang lên học Văn khoa, năm đó là chị Bùi Thị Giang! Ban đầu anh khá vất vả để chiến thắng nữ thần Tình yêu. Nhưng cuối cùng cũng đưa nhịp tim hai người về một chỗ. Nhóm Trường Giang đã diễn nhiều vở của GS Vũ Khắc Khoan nổi tiếng. Thầy đã quý mến trò, nên đã đến dự lễ cưới của anh chị tại SG năm 1972. Mối tình thầy trò qua kịch nghệ- sân khấu đó kéo dài cho đến khi thầy qua đời, anh cùng vài bạn làm giỗ nhớ thầy xưa. Sau khi tốt nghiệp cử nhân Chính Trị  - Kinh Doanh anh về Sài Gòn học Cao học Luật. Rồi anh bị động viên, đi các chiến trường cho đến ngày thống nhất đất nước. Một trang đời mới bắt đầu.
 
* Phận đời sau 30 tháng 4 năm 1975.

Tâm trạng của Lê Cung Bắc sau 1975 khi được hỏi đến, anh trả lời thành thực: “Buồn vui lẫn lộn, vui vì đất nước thống nhất, chiến tranh chấm dứt nhưng lo sợ mình sẽ làm gì, số phận mình sẽ bị xử lý thế nào…”. Lúc bấy giờ anh và nhà văn Cung Tích Biền đạp xe ba gác đi bán mía, chiều về uống cốc bia, nhìn nhau và khóc.

Cũng như mọi quân nhân chế độ cũ tại miền Nam sau 75, anh đi học tập cải tạo, lúc đầu gian khổ, nhưng cũng được ra về nhờ người anh ở Hà Nội bảo lãnh sau 2 năm sáu tháng học tập cải tạo. Đoạn đời đi kinh tế mới đầy gian lao, hai anh chị cùng nhau chịu đựng, không thể nào kể cho hết được.
 
Gia Đình Yêu Quý.

Ôn lại tình yêu của anh và chị Bùi Thị Giang, anh cho tình yêu đó là định mệnh. Hai người, suốt thời thanh xuân đã có rất nhiều kỷ niệm lãng mạn, đó là hành trang, gia tài để gắn bó với nhau, dù trong đời sống không thiếu gì những sóng gió, chông chênh...
Chị Giang theo đạo Thiên Chúa, nhưng anh theo đạo Phật, lúc kết hôn anh phải rửa tội. Nhưng về sau không đi nhà thờ. Chị trách một hồi thì cũng chấp nhận. Và những bóng hồng không ngừng đi qua đời anh, có người lặng lẽ giúp làm nhà, anh giấu vợ, bảo là bạn bè hỗ trợ. Cũng có người quá đáng, muốn tham dự “chuyện tình ba người” nhưng anh không ngã lòng, chung thuỷ. Vợ anh cảm thông chất nghệ sĩ đa tình của anh, cùng nhau vun đắp hạnh phúc. Thật đáng trân quý! Kết quả vườn tình của anh đơm hoa kết trái, hai cậu con trai xinh xắn, khoẻ mạnh lớn khôn, học tập thành tài. Sau những năm tháng khó khăn, ở nhà trọ, anh chị đã mua đất làm nhà đặt tên Tĩnh Tâm Cốc – là không gian cho tâm thức lắng đọng, tu tâm, buông bỏ theo lời Phật dạy cho đến ngày cơn bệnh trầm kha đến, anh chấp nhận, chịu đựng trong lời niệm Phật. (Một điều bất ngờ là anh được một gia đình ở Thái Bình nhận anh làm nghĩa tử ví anh giống một người con trai của họ bị thất lạc do nạn đói năm 1945 lúc cậu ấy 11 tuổi. Anh đã ra thăm, chia sẻ buồn vui với bà con mới nhận ra, ghi nhiều hình kỷ niệm).
 
* Hành Trình Đi Tới Đam Mê.

Khi cô thư ký Võ Sông Hương hỏi Lê Cung Bắc: Khi chú nổi tiếng nhờ nghề diễn viên , đạo diễn, chú có bao giờ mặc cảm vì chú làm cái nghề “xướng ca vô loại” theo định kiến không chú ?.

Anh đã thành thật trả lời: “Có chứ con. Con nói đúng…Chú nổi tiếng kể mà đôi lúc chú buồn… Đa phần trong xã hội, người ta coi những người trong giới showbit này rất tầm thường, là những người ‘mua vui cũng được một vài trống canh’…”.

Nhớ về ngày đầu bước chân vào điện ảnh thật sự, anh kể về lần gặp đạo diễn Lê Dân năm 1982, tình cờ trên đường đi, ông mời anh nhận vai nhạc sĩ phản chiến trong phim Pho tượng. Đây là vai diễn đầu tiên. Tính đến năm 1992 anh đã tham gia hơn 200 vai diễn điện ảnh, video, truyền hình. Năm 19991, anh lập nhóm kịch Lê Cung Bắc trên sân khấu Ca nhạc kịch Điện ảnh cùng các nghệ sĩ Thương Tín, Minh Trang, Hồng Vân tham gia vở Lưỡi không xương của Henri Bardot được đón tiếp nồng nhiệt.
Rồi cùng nhà văn Nguỵ Ngữ, người viết kịch bản người đóng vai Trí trong phim Con thú tật nguyền. Rồi được đạo diễn Việt Linh chọn đóng vai Lão Cùi trong Dấu ấn của quỷ. Đó là những vai diễn để đời.
Bước sang nghề đạo diễn, anh nhận thấy máu đạo diễn đã manh nha từ khi còn là học sinh, sinh viên. Anh đã đọc sách, nghiên cứu, quan sát sau khi tham gia đóng phim của rất nhiều đạo diễn. Phim đầu tiên anh làm đạo diễn là Trên cả hận thù, đó là bài thi tốt nghiệp đạo diễn của anh được hội đồng nhanh chóng thông qua. Muốn có phim hay thì phải có kịch bản hay.Tuy nhiên tác phẩm điện ảnh là biểu lộ tư duy sáng tác của của người đạo diễn. Ngoài ra đạo diễn phải nắm được kiến thức kỹ thuật, có khả năng diễn đạt tâm lý nhân vật để lựa chọn diễn viên cho phù hợp. Là đạo diễn, anh quan niệm để cho diễn viên tự do thăng hoa cảm xúc, không gượng ép trong một khuôn khổ nào đó. Tôi rất ưng ý về diễn viên Việt Trinh vì cô ấy biết diễn bằng đôi mắt. Trong phim Vó ngựa trời Nam, diễn viên nam Huỳnh Đông xứng đạt giải nam xuất sắc trong liên hoan phim truyền hình toàn quốc năm 2010.

Cũng cần nói đến khuynh hướng làm phim, anh nặng về tính nhân bản, những nhân vật chính trong phim đều là những người mang nặng trên vai lòng nhân ái. Theo anh đạo diễn làm phim là cách lập ngôn của mình... Người đạo diễn phải trải lòng ra, chuyển tải tâm thức, mang cái đẹp đến người xem. Khuynh hướng làm phim của Lê Cung Bắc thiên về triết lý sống cao đẹp, tôn vinh giá trị Chân-Thiện-Mỹ. Qua trình hành nghề đạo diễn của anh đã đạt nhiều thành tựu, giả thưởng Phim Nhịp đập trái tim năm 1994, Giải thưởng đạo diễn phim đầu tay. Phim Không thể rẽ trái năm 1996 - Huy chương vàng trong LHPTHTQ. Phim Dòng đời Giải Đạo diễn xuất sắc (52 tập) năm 2001. Phim Duyên trần thoát tục (Phim nhựa) ghi vào Kỷ lục Phật giáo VN. Phim Những chiếc lá thời gian - Giải Đặc biệt của BGK trong LHPQG năm 2006. Phim Vó ngựa trời Nam- Huy Chương Vàng - PHIM XUẤT SẮC NĂM 2010 - Giải I Cánh Diều Vàng Đạo Diễn xuất sắc năm 2010 - Giải Cánh Diều Bạc năm 2010 cho phim Vó ngựa trời Nam

Bằng những thành tích đạt được, Lê Cung Bắc xứng đáng với danh hiệu Nghệ Sỹ Ưu Tú do nhà nước phong tăng năm 2001. Tuy nhiên niềm vui của anh chưa được trọn vẹn khi cuốn phim cuối đời do anh đạo diễn là GIÃ TỪ CÔ ĐƠN đã được làm xong nhưng chưa kịp phát hành thì anh đã từ giã trần gian – Về trong Cõi Tịnh ngày 13-6-2021. Chắc nơi cõi trăng sao đó, anh đã gặp thầy Vũ Khắc Khoan của khoa Kịch Nghệ - Đại học Đalat và các bạn Nguỵ Ngữ, Đỗ Tư Nghĩa một thời cùng học trường Nguyễn Hoàng Quảng Trị.

Bây giờ mọi người cầm trên tay tác phẩm Bụi cát chân mây của anh, nghe những tâm tình của anh. Tập hồi ký đã ra mắt gần đến ngày Đại Tường của anh như một bó hoa thơm tưởng nhớ anh - Hai năm xa lìa trần gian. Tất cả đọc và cảm thông, thương yêu và trân quý những gì anh đã đóng góp cho nghệ thuật, phong cách của người nghệ sĩ chân chính, ví lý tưởng, bằng cả tấm lòng nhân ái, hướng đến Chân - Thiện - Mỹ. Những tập sách của anh đã được người vợ thương yêu thay mặt anh ký tặng quý cô thầy, các bằng hữu từ Sài Gòn cho đến Quảng Trị, Đông Hà, Huế, Đà Nẵng... và các thư viện trường THPTTXQT, trường QUỐC HỌC, trường HAI BÀ TRƯNG – HUẾ như một lời cảm ơn chân thành của một ngƣời học trò năm xưa. Và cũng có ý nghĩa khơi gợi các lớp trẻ, hãy tư duy, sáng tạo đóng góp cho nghệ thuật và tri thức cho tương lai đất nước Việt Nam.
 
Kỷ niệm nhỏ của người viết.

Năm 1992, tôi vào Sài Gòn thăm bà con, qua bạn bè đồng hương Quảng Trị, biết Lê Cung Bắc ở cư xá Bắc Hải. Tôi đến nhà chơi, anh em chúng tôi vốn biết nhau thời cùng học trường Nguyễn Hoàng, tôi hơn anh hai lớp, cùng tham gia văn nghệ, báo chí của trường. Hôm đó anh chở tôi đến rủ bạn Nguyễn Văn Bổn, tìm quán nhậu lai rai. Khi về lại nhà, tôi nhìn lên tủ sách của Lê Cung Bắc, anh biết tôi thích sách, lấy xuống quyển Tất Cả Những Dòng Sông Đều Chảy của NANCY CATO. NXB Trẻ 1989. Anh ghi hết cả trang đầu, nét chữ lớn:
Thân tặng Đỗ Tư Nhơn để nhớ một thời đã qua. Quảng Trị, Nguyễn Hoàng những năm 60. Cung Bắc 92.

Tình cờ, trong chuyến về Quảng Trị vừa qua của chị Bùi Thị Giang và con trai, khi ghé nhà tôi thăm trước lúc đi viếng Đức Mẹ La Vang. Tôi lấy ra quyển sách có chữ ký của Lê Cung Bắc, hai mẹ con chị thật bất ngờ và cảm động.
Chúng tôi ghi mấy tấm hình kỷ niệm. Chắc nơi xa anh Lê Cung Bắc sẽ mỉm cười, vui nhận chút tình xưa, bạn cũ. Khi ra mắt tập hồi ký Cát Bụi Chân Mây tại SG cùng thầy cô và đồng môn, chị đã ký tặng vợ chồng tôi và gởi ra bằng bưu điện. Tôi xin cám ơn tấm lòng của chị, và từ đó gặp lại nhau bỗng thấy thân thiết, trao đổi tin tức và hình ảnh cho nhau.
 
Trong phần cuối của tập tự truyện Để Gió Cuốn Đi, chị Bùi Thị Giang đã giải bày những tình cảm sâu kín và yêu thương của người yêu - người vợ đối với anh Lê Cung Bắc thật vô cùng cảm động:
 
“Gần hai năm anh giã từ cõi tạm mà vẫn có những đêm tôi giật mình thức giấc, tôi bỗng thấy hốt hoảng như anh vừa rời xa tôi. Nỗi nhớ anh dâng trào và nước mắt tôi tuôn chảy...
 
Anh ơi, em khóc anh...
Mộng thiên thu đã phai tàn
Người ơi tình đã theo làn khói bay
Ôm đau thương sống qua ngày
Buồn vương theo gió chia hai ngả hồn
Cơ duyên nặng một lòng son
Từ phân ly ấy héo mòn tình chung
Dặm đời điệp điệp phế hƣng
Dấu đi người đã nghìn trùng biệt tăm
Cô đơn làm lạnh chiếu chăn
Hôn mê một giấc tơ tằm phù du
Còn đôi vầng nhật nguyệt mù
 
Lạc vào cõi mộng âm u gọi người
Hồn ta cánh én chơi vơi
Giữa trời hoang phế chưa nguôi cơn sầu
Não nề mấy trận tiêu dao
Đau thương đã nhuộm úa màu thời gian
Âm dương xưa cũ mê man
Đem sầu dựng mộ cho tàn cuộc mơ”
 
Giữa những con chữ nghẹn ngào tiếc thương không dứt bỗng hồn thơ trong chị Bùi Thị Giang tự nhiên tuôn chảy. Điều này không khiến chúng ta ngạc nhiên, bởi chị là một nữ sinh viên văn khoa của Đại Học Đalat xứ sở của sương mù và hoa dã quỳ vàng, với cuộc tình lãng mạn cùng anh sinh viên Chính trị - Kinh doanh đa tình Lê Cung Bắc những năm 70 của thế kỷ XX.

 *
Nén tâm hương, tưởng nhớ anh Lê Cung Bắc.
Thương tặng chị Bùi Thị Giang và gia đình nhân ngày Đại Tường của anh Lê Cung Bắc.
 
                                                                                      Đỗ Tư Nhơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét