CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 28 tháng 6, 2023

TỪ HOA HOÀNG HẬU TỚI CHUYỆN TIẾNG VIỆT – Ngô Đình Miên

 
Cây móng bò tím (tên gọi khác: Lan Hoàng hậu)
 
Tôi trồng hai cây hoàng hậu (hay còn có tên là móng bò) trước sân vườn nhà. Khi trồng, cây đã lớn, cao trên 2 mét.
Tôi thích hoa hoàng hậu từ khi còn nhỏ. Tôi mê cái màu tím rất tươi sáng của hoa hoàng hậu, vẫn bừng nở rực rỡ sắc màu trong nắng gió Bình Thuận mùa giáp Tết...

Tôi có đứa cháu là kỹ sư lâm nghiệp. Khi nghe tôi khoe cây hoàng hậu trổ bông, nó nói: "Chú ơi, đó là cây hoa ban tím, không phải hoàng hậu..." Tôi hỏi lại: "Cháu căn cứ vào đâu để kêu nó là hoa ban tím". Cháu nó trả lời rất tự tin chắc ăn như bắp: "Cháu căn cứ vào Tự điển lâm nghiệp" (không biết tôi có nhớ sai tên sách không). Tôi im lặng. Vì tôi biết tỏng là thằng cháu này học như vẹt rồi, không chịu nghiên cứu, không chịu tra "tự điển ngược", nên sách nói (thầy dạy) sao thì cứ thuộc lòng như vậy... Đó là tự điển riêng của Miền Bắc được phổ quát cho cả nước học tập sau 1975. Tôi nói với cháu, khi nào cháu tra tự điển lâm nghiệp trước 75 của Miền Nam rồi thì nói lại với chú... đó là cây gì, hoa gì.
 
Có một chuyện tương tự, tôi còn nhớ như in, vì tôi là giáo viên "lưu dung" sau 1975, trong sách Tập đọc lớp 3 dạy ở các trường tiểu học (lúc đó gọi là cấp 1) có bài "Cá mực biển Nha Trang". Nhìn tựa bài, ai cũng tưởng người viết giới thiệu về con cá và con mực của biển Nha Trang. Té ra không phải, nội dung bài tập đọc chỉ giới thiệu duy nhất về con mực mà thôi. Người Miền Trung và Miền Nam gọi con mực là con mực, con cá là con cá, không có lộn tùng phèo kêu con mực là... con cá mực, như trong bài tập đọc. Vậy, nhưng tất cả học trò lớp 3 cả nước cứ vậy mà tiếp thu và ghi nhớ. Một ngày nào đó, nếu có em học sinh ra chợ Phan Thiết hỏi mua con cá mực, chắc mấy dì bán cá được một bữa cười no. Nghe nói sách giáo khoa tiểu học bây giờ cũng có nhiều chuyện bi hài tương tự như vậy...
 
Tôi được biết, Bộ GD&ĐT cho phép TP HCM biên soạn bộ sách giáo khoa riêng cho thành phố để phù hợp với điều kiện về phát triển xã hội, kinh tế, về văn hóa, ngôn ngữ, về khoa học kỹ thuật... Tôi cảm thấy vui vì điều này.
Trở lại chuyện gọi tên hoa hoàng hậu bằng tên hoa ban tím, cũng giống như chuyện con cá mực vậy thôi, cùng mô típ...
Trong Nam, trước 1975, người ta không hề biết cây ban, cây hoa ban: trắng, đỏ, vàng, tím... gì gì cả. Vốn dĩ đó là cây đặc trưng của rừng Tây Bắc. Giữa cây hoàng hậu và cây ban tím có tương cận với nhau về họ, loại hay không, thì tôi không rõ, nhưng mọi người ở trong Nam đều gọi chung là cây hoàng hậu (hoặc còn gọi là móng bò, cây mấu...), nào có ai biết hoa ban tím, ban đỏ gì đâu mà so sánh...!
 
Sau 1975, mọi sự hoàn toàn thay đổi. Kết quả của sự áp đặt về mọi mặt của bên chiến thắng đã phủ nhận, triệt tiêu, thậm chí hủy hoại tất tần tật cơ sở, nền móng từ kinh tế đến văn hóa, giáo dục, kể cả tiến bộ khoa học kỹ thuật lẫn văn minh.v.v... của miền Nam VN.
Những người hiện nay từ 60 tuổi trở lên chắc vẫn còn nhớ những chiến dịch đánh tư sản, thu gom đốt sạch "văn hóa phẩm đồi trụy", công cuộc cải tạo nông nghiệp toàn miền Nam để tiến lên hợp tác xã... làm cho cả xã hội bị giật lùi vài mươi năm so với bình thường.
Kết quả như thế nào? Năm 2006, Đảng cộng sản VN đã chịu nhìn lại và nghiêm túc nhận sai lầm ấu trĩ của mình sau 1975, khi tổng kết 20 đổi mới đất nước (có nhiều tài liệu công khai, mọi người có thể tham khảo thêm, tôi không nhắc lại ở đây).
 
Vậy nên, đồng dạng, con mực phải gọi tên là con cá mực, hoa hoàng hậu phải đổi tên thành hoa ban tím... và nhiều tên khác, từ ngữ khác cũng phải đổi theo. Như "ý định" thay bằng "ý đồ""bảo đảm" thành "đảm bảo""khoa sản" thành "khoa đẻ""tạp hóa" thành "bách hóa""bài soạn" thay bằng "giáo án""báo chí" thành "báo chí cách mạng""trình độ học lực" thành "trình độ văn hóa", người đứng đầu cơ quan, tổ chức được gọi là "thủ trưởng". v.v... còn nữa nhiều không kể xiết. Phải học tập và chú ý thực hành khá lâu mới không bị "hố" vì sự thay đổi từ điển tiếng Việt theo thay đổi thời thế này...
Riêng "con cá mực", may mắn, sau nhiều lần thay sách giáo khoa, thì bài tập đọc đó đã biến mất.

Về ngôn ngữ, tiếng Việt đẹp nhờ đa ngữ nghĩa, phương ngữ phong phú. Tất nhiên nhiều phương ngữ có cái khó riêng khi học và sử dụng tiếng Việt, nhưng có ai chê dân ca ba miền đâu.  Thực trạng đáng buồn hiện nay, các từ, tiếng, câu quen dùng, vốn là ngôn ngữ đặc trưng phương Nam hình thành từ hàng trăm năm trước đang bị mất dần. Thay vào đó là những từ, tiếng thuộc phương ngôn phương Bắc du nhập vào và thay thế từ sau 1975. Sự thay thế đó, thể hiện rõ nhất là trên hệ thống thông tin báo chí. Ngay cả trên sách giáo khoa tiếng Việt cấp tiểu học, hầu như những từ, tiếng, câu trong đó đều thuộc phương ngữ Bắc. Cháu ngoại tôi, một hôm nói với tôi: "Ông ngoại, con thích ăn sắn chấm muối vừng"... He he, buồn cho ngôn ngữ phương Nam. Ngược lại, cũng có chuyện vui, nghe truyền miệng, không biết có thiệt không, nhưng nghe rất có lý. Ngay sau 1975, có cô giáo gốc Bắc được chi viện vào dạy học trong Nam, cô có ý thức hòa nhập văn hóa, trong đó có ngôn ngữ, nên cô cố gắng thay thế tiếng Bắc bằng tiếng Nam. Hôm đó cô kể chuyện "Alibaba và 40 tên cướp", tới đoạn hô "mật khẩu" để mở cửa kho báu, cô nói: "Mè ơi, mở cửa !"...
 
Dĩ nhiên đó là điều đáng tiếc. Phương ngữ miền Nam là di sản văn hóa truyền thống cần phải được giữ gìn và duy trì, không thể mai một. Đó chính là sự bảo tồn và phát huy đa dạng bản sắc văn hóa dân tộc (như nội dung nghị quyết của Đảng hằng nói).
 
Đối với tôi, do ý thức được việc này, nên trong khi viết lách, tôi đã hết sức cố gắng khi hành văn luôn sử dụng từ, tiếng, câu trong ngôn ngữ thường dùng của phương Nam. Nếu ai chú ý sẽ nhận thấy trong các bài viết của tôi, nhất là trong bút ký, truyện hay tản văn, kể cả thơ... đều sẽ dễ dàng nhận ra điều này. Như vừa rồi, khi tôi đăng "Chuyện vợ chồng Hai Gồ" nhiều kỳ trên trang Văn chương Miền Nam, nhiều anh chị em đọc qua nhận ra tôi đã sử dụng thuần ngôn ngữ tiếng Việt thuộc về Phương Nam. Tôi xin thật sự cảm ơn những người đã nhận ra được điều đó, thậm chí có người còn nói vui, tôi viết giống Lê Xuyên trong "Chú Tư Cầu" (đáng nể thật. He he).
 
Gần 1/2 thế kỉ nhìn lại bây giờ, tôi có cảm giác vừa lạ vừa quen, vừa giống vừa không giống.
Lạ thì rõ rồi, vì sự thay đổi chế độ, vì biến thiên theo thời gian đã làm khác đi những gì xưa cũ. Nhưng nghĩ lại cũng thấy ngồ ngộ. Tôi nhận ra cái cũ quen thuộc hiện hữu từ trong sự vận động của xã hội mới hiện thời. Cái mà đáng lẽ phải khác đi. Cái cũ, đó là cơ sở kinh tế của xã hội vận động theo cơ chế thị trường. Thực tế hiện nay, tư nhân hóa kinh tế (chưa muốn nói là tư bản hóa) đã giữ vai trò chủ đạo (mặc dù trên lý thuyết, chủ trương của nhà nước nói có khác). Về văn hóa, khuynh hướng cá nhân hóa là chủ lưu của mọi dòng chảy, mọi hình thái văn hóa hiện thời. "Nhạc vàng" đã trở lại, trở thành thị hiếu đa số. Các bạn còn đang làm công chức nhà nước, có thể biết thêm điều này. Hệ thống kế toán hiện tại đang áp dụng ở VN là hệ thống kế toán Mỹ. Hệ thống công chức và lương công chức (ngạch, bậc) hiện nay không khác gì hệ thống công chức và lương của Việt Nam cộng hoà... Mặc dù, sau 1975, những gì của chế độ cũ đều cần phải hủy bỏ. Cho đến những năm gần đây, chính phủ nhận thấy mấy thứ của "Ngụy" để lại thật sự là tiên tiến nên không còn ngần ngại mà áp dụng, tuy có thay đổi từ ngữ một chút. Ngày trước, tôi đã từng được học một vài thứ cũ như vậy, nên giờ mới cảm thấy rất quen...
Vậy là cái mới hóa ra là cái cũ quay lại, cái lạ té ra là cái quen. He he...
 
Ừ, ai muốn gọi gì thì gọi. Danh không khớp với thực là lừa dối. Tuy bây giờ, có thể những người gọi tên hoa móng bò là hoàng hậu đã thuộc số ít, tôi cứ yêu hoàng hậu của tôi
 
                                                                                  Ngô Đình Miên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét