CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 24 tháng 1, 2023

“LỤC BÁT BA CÂU” THƠ NGUYỄN TÔN NHAN – Mai Ninh và Hoài Nguyễn sưu tầm

 

Nguyễn Tôn Nhan, tên thật Nguyễn Hữu Thành (01/02/1948 - 31/01/2011) là một nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo, sinh ra tại Hải Dương, di cư vào Nam năm 1954. Ông là tác giả một số văn tịch giá trị liên quan đến Hán học và văn học Trung Quốc.
 
Thơ của Nguyễn Tôn Nhan khi viết theo thể lục bát có “phong cách rất riêng” chỉ với ba câu: Câu 6 – Câu 8 – Câu 6
Nói về thơ lục bát là một thể thơ thuần Việt thì không có quy định nào về độ dài ngắn của bài thơ nhưng tối thiểu phải là hai câu (mới gọi là lục bát), còn đã gọi là tứ tuyệt thì ít nhất phải là bốn câu, bát cú là tám câu…Còn trường ca thì vô số câu…
 
Thực ra khi làm thơ và được đánh giá là một bài “thơ hay” thì không đòi hỏi bài thơ đó phải dài hay ngắn!
Ví dụ như trường phái thơ Haiku của Nhật rất cô đọng, thế nhưng rất khó làm vì có khi người đọc không hiểu ý tưởng của tác giả trong bài thơ… quá ngắn này!
Với bài thơ ngắn chỉ với ba câu thì người đọc có cảm giác như ray rứt, bị hẫng hụt, như là bài thơ còn thiếu thiếu cái gì đó và không biết phải thêm gì và ngừng lại khi nào! Tuy nhiên vì bài thơ quá ngắn nên khiến người đọc thích đọc và dễ nhớ!
 
Sau đây, tôi sưu tầm được một số bài thơ thuộc dạng “Lục - Bát - Ba - Câu” trích từ tác phẩm của Nguyễn Tôn Nhan, xin giới thiệu với các bạn đọc cho vui trong những ngày cận Tết này…
                                                                                
                                                                                         Mai Ninh




LỤC BÁT BA CÂU
 
một là vượt cửa tử sinh
hai là trụ được một mình ở đây
ba là không vơi không đầy

lang thang đứng ngã năm đường
tám hàng xe chạy. tan sương sớm rồi
em ơi. buồn đến chết người

 *
thì thào giun dế gọi nhau
tiếng em hát đủ làm đau chín chiều
một lần ngẫm cũng là nhiều

 *
ngồi trong cái cốc xíu xiu
nhìn ra chín cõi tiêu điều khói lên
huỷ luôn chín kiếp ưu phiền

em chơi đùa cõi xa kia
anh lông bông mãi bên rìa trần gian
thì thầm đếm đến một ngàn

ồ trăng. ồ núi. ồ em
lọt anh vào giữa chẳng thêm được gì
vô công. vô danh. vô vi.

 *
hỡi ơi nhớ đến phát điên
em nằm ở chốn phật thiền đâu hay
anh như một kẻ ăn mày

em ơi vui thấu lá gan
thảnh thơi ong mật kéo đàn vi vu
may ra còn chút oán thù

giữ giới như em thì đừng
chẳng thà cứ việc ngập ngừng hàng hai
tội gì kể mặn với chay

em ơi thực tính là gì
hay là chỉ chút hành phi đáy nồi
lửa hương giả bộ đùa chơi

 *
cõi này là để chơi hoang
mai kia cõi ấy dịu dàng lặng câm
rỗng rang chẳng một vọng âm
 
NGUYỄN TÔN NHAN
 
(Trích từ tập thơ Lục- Bát- Ba- Câu, Nguyễn Tôn Nhan, nxb Văn Hóa - Văn Nghệ, Tp HCM, 2012.)
 
*
 
Khi đọc tác phẩm “Tiếu ngạo giang hồ” của nhà văn Kim Dung, Nguyễn Tôn Nhan cũng “cảm tác” về một số nhân vật trong bộ tiểu thuyết nổi tiếng này cũng với phong cách “Lục- Bát- Ba- Câu”
 
- Cho Nhạc Linh San:
 
"Sơn ca Phúc Kiến lời ru
Còn say đắm gọi cõi u tình nào
Băng tâm vùi giữa rừng sâu"
 
- Cho Nghi Lâm:
 
"Chuông khuya dẫn mối sầu về
Giọt buồn ai để rơi nhòe trang kinh
Chao ơi! Sư nữ đa tình"
 
- Cho Nhạc Bất Quần:
 
"Quân tử kiếm một mình ta
Vì ai lại luyện Tịch tà kiếm chăng
Tự thiến giữa cõi hồng trần"
 
- Cho Mạc Đại Tiên Sinh:
 
"Bắc nam xuôi ngược âm thầm
Kiếm chiêu tinh ảo, hồ cầm diệu thanh
Có ai hiểu nỗi u tình?"
 
- Cho Bất Giới hòa thượng:
 
"Sá gì thân náu cửa Không
Cạo đầu bởi chút má hồng ni cô
Tam quy Ngũ giới? Nam mô!"
 
 
                                                                           Hoài Nguyễn
                                                                             27/01/2022
                                                                  (Sưu tầm và biên tập lại)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét