Giáo sư triết học Nguyễn Châu
Cho đến nay, lịch sử thế giới đã ghi nhận Việt Nam là một dân tộc bất khuất, nghĩa là không bao giờ cam tâm làm nô lệ cho một dân tộc khác, dù dân tộc đó hùng mạnh đến mức nào. Qua lịch sử, có thể nói người Việt đã xem sự chiến đấu chống ngoại xâm để giữ gìn bờ cõi, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và độc lập dân tộc là một bổn phận trọng đại nhất trên cả bản thân và gia đình. Hầu hết người Việt đều nặng lòng yêu quê hương và xứ sở.
Thật vậy, dưới thời nhà Hán có hai bà Trưng nổi lên giành độc lập, đuổi quân nhà Hán về Tàu; bà Triệu Trinh Nương đánh quân nhà Ngô; Lý Nam Ðế đánh Tiêu Tư nhà Lương (năm 544); Triệu Việt Vương đánh Dương Sàn nhà Lương (549); Mai Hắc Ðế (722) và Phùng Hưng (791) đánh quân nhà Ðường... Ngô Quyền đánh quân Nam Hán với trận Bạch Ðằng giang lừng lẫy; Lê Ðại Hành đánh bật quân nhà Tống ra ngoài bờ cõi; Lý Thường Kiệt và Tôn Ðản chẳng những chận được bước xâm lăng mà còn đem binh Việt đi qua đánh các châu như Ung, Khâm, Liêm... trên lãnh thổ nhà Tống; Trần Hưng Ðạo và quân dân nhà Trần đã đánh thắng quân Mông cổ tức nhà Nguyên; Lê Lợi đánh tan quân nhà Minh; Quang Trung Nguyễn Huệ đánh tan quân nhà Thanh...
Cuối thế kỷ 19, người Tây phương bắt đầu nhòm ngó một số nước viễn đông. Năm 1856, hải quân Pháp đã nổ súng bắn phá các đồn lũy của Việt Nam tại cửa biển Ðà Nẵng rồi rút đi. Ðây là những phát súng gây hấn đầu tiên của Pháp đối với Việt Nam. Chiến thuyền tên là Catinat, thuyền trưởng là Leheur de Ville-sur-Arc cho người đưa thư lên trách triều đình Việt Nam về việc giết những người ngoại quốc truyền đạo Thiên Chúa và người Việt Nam theo đạo này. Triều đình Việt không trả lời. Sự việc xảy ra vào tháng 8 năm Bính Thìn (1856), Tự Ðức năm thứ IX.
Năm 1858, Trung tướng hải quân Pháp, Rigault de Genouilly đem 14 chiến thuyền chở hơn 3,000 quân Pháp và Tây Ban Nha bắn phá các đồn ở cửa biển Ðà Nẵng, rồi tiến lên hạ thành An Hải và thành Tôn Hải... Triều đình Huế đã cử binh kháng cự, nên mưu đồ chiếm Ðà Nẵng, rồi đánh Huế của Rigault de Genouilly không thành.
Với ý thức độc lập dân tộc và ý chí bảo vệ đất nước, quân dân triều Nguyễn đã làm hết sức mình để chống Pháp, nhưng đã thất bại trước sức mạnh của vũ khí Âu Tây... và Pháp bắt đầu đặt ách thống trị lên Việt Nam từ năm 1862 với Hòa ước Nhâm Tuất trên sáu tỉnh ở Nam Việt. Rồi hòa ước Giáp Tuất (1874) Pháp xâm chiếm miền Bắc Việt Nam. Vì tình thế, triều đình Huế phải ký những hòa ước bất bình đẳng thiệt thòi chủ quyền quốc gia, nhân dân nhiều nơi đã tự động nổi dậy chống thực dân Pháp.
Hòa ước Quý Mùi (1883) Pháp buộc triều đình Việt Nam nhận quyền bảo hộ của Pháp quốc, nhiều quan quân không tuân chỉ, tiếp tục đánh quân Pháp khắp nơi ở Bắc Việt... lại có thêm một Hòa ước khác đó là Hòa ước Giáp Thân (1884) Pháp gọi là Patenôtre, ký vào tháng năm âm lịch. Một năm sau Tướng Tôn Thất Thuyết chỉ huy quân triều đình tấn công quân Pháp tại Kinh Ðô Huế. Tuy không thắng nổi quân Pháp, nhưng cuộc tấn công này đã nói lên tinh thần bất khuất của nhân dân Triều Nguyễn Phước. Vua Hàm Nghi đã trở thành vị vua kháng chiến đầu tiên xuống hịch Cần Vương, kêu gọi toàn dân đánh Pháp. Người Pháp đã đô hộ Việt Nam gần một thế kỷ, đã dùng đủ mọi chính sách và thủ đoạn cai trị... nhưng thực dân Pháp cũng cùng số phận với thực dân Tàu không bao giờ được yên ổn vì:
“Dù cho miệng khóa chân kìmHồn dân vẫn tỉnh, vẫn tìm tự do”(Vô Song Thiết)
Các phong trào Văn Thân, Ðông Du, Tây Du, Ðông Kinh Nghĩa Thục, Duy Tân, Quốc Dân đảng, Việt Minh... đã cùng toàn dân nối tiếp công cuộc chống Pháp giành độc lập.
NHỮNG TUYÊN NGÔN ÐỘC LẬP TRONG LỊCH SỬ VIỆT NAM
TUYÊN NGÔN: là lời nói công khai cho biết nguyện vọng, ý chí và mục đích của một tập thể, một tổ chức, một quốc gia hay quốc tế. Theo nghĩa này thì dân tộc Việt đã có khá nhiều lần “tuyên ngôn” về độc lập dân tộc.
Thật vậy, lịch sử nòi giống Lạc Việt là một chuỗi tiếp nối của tiến trình giành độc lập. Trong diễn trình ấy, người Việt đã nhiều lần nói lên cho các thế lực xâm lăng biết rằng: Chúng tôi có một lãnh thổ riêng, một trật tự xã hội được kiến tạo theo một truyền thống của nền văn hóa riêng, không ai có quyền đụng đến. Tùy giai đoạn và hoàn cảnh đấu tranh trong lịch sử, các “Tuyên Ngôn Ðộc Lập” của Việt Nam khác với các quốc gia khác, chúng được diễn tả dưới nhiều hình thức: một câu nói, một bài thơ, một bài hịch, một bài phú, có khi được viết thành bản văn, có khi chỉ nói miệng...
1.TUYÊN NGÔN ÐỘC LẬP ÐẦU TIÊN.
Tháng chạp năm Bính Thìn (1076), Nhà Tống đưa quân xâm lăng Ðại Việt, Vua Lý Nhân Tông cử tướng Lý Thường Kiệt đem quân chống cự. Trên bờ sông Như Nguyệt (tức sông Cầu thuộc tỉnh Bắc Ninh bây giờ), trước mặt quân đội, Lý Thường Kiệt đã dõng dạc ngâm bốn câu thơ:
“Nam quốc sơn hà Nam đế cưTuyệt nhiên định phận tại thiên thưNhư hà nghịch lỗ lai xâm phạmNhữ đẳng hành khan thủ bại hư”
Tạm dịch:
Núi sông nước Nam vua Nam ởRõ ràng phần định trong sách trờiVậy thì bất cứ kẻ nào đến xâm phạmSẽ thấy ngay sự thất bại trước mắt.
Bài thơ trên mang trọn vẹn ý nguyện Ðộc Lập của dân tộc Việt, từ đó quân dân nhà Lý đã nức lòng đánh đuổi quân nhà Tống ra khỏi “Nam quốc sơn hà”! Ðây là một “Tuyên Ngôn Ðộc Lập” không văn bản nhưng vô cùng khảng khái hùng hồn.
2.TUYÊN NGÔN TỪ HỘI NGHỊ DIÊN HỒNG.
Năm 1284, quân Mông Cổ, sau khi chiếm toàn vẹn Trung Hoa, đã đem một lực lượng rất hùng hậu sang đánh Ðại Việt. Vua Trần Nhân Tông đã triệu tập Hội Nghị Diên Hồng để trưng cầu dân ý “Trước nhục nước nên hòa hay nên chiến”, các bô lão đại diện toàn dân đã đồng thanh khẳng định: “Quyết chiến”. Về phía quân đội thì qua bài “Hịch Tướng sĩ” của Hưng Ðạo Ðại Vương Trần Quốc Tuấn, sự khẳng định chủ quyền đất nước rất dứt khoát: Toàn quân ai nấy đều khắc vào cánh tay hai chữ “Sát Ðát” nghĩa là giết giặc Mông cổ. Lời tuyên bố của danh tướng Trần Bình Trọng khi bị bắt và bị kẻ thù đem vương tước ra dụ hàng: “Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc.”
“Thà làm quỷ nước Nam” là một lời khẳng định lòng thủy chung với Tổ quốc, có thể xem như một tuyên ngôn độc lập trên môi một vị tướng. Chết cho quê hương có giá trị hơn sống nô lệ ngoại bang.
3. TUYÊN NGÔN CỦA TƯỚNG TRẦN QUANG KHẢI TẠI THĂNG LONG.
Tháng tư năm Ất Dậu (1285), Thượng Tướng Trần Quang Khải đem quân đánh đại quân của Thoát Hoan, để khôi phục thành Thăng Long. Thăng Long là biểu tượng của giang sơn Ðại Việt, là Kinh đô. Kinh đô bị chiếm coi như là mất nước, mất nền Ðộc Lập.
Do đó, sau khi phá tan quân Nguyên tại Bến Chương Dương và giành lại Thành Thăng Long, trong tiệc khao quân tại kinh thành, Thượng Tướng đã cao giọng ngâm:
“Ðoạt sáo Chương Dương độCầm Hồ Hàm Tử quanThái bình nghi nỗ lựcVạn cổ thử giang san!”
Cụ Trần Trọng Kim dịch:
“Chương Dương cướp giáo giặcHàm Tử bắt quân thùThái bình nên gắng sứcNon nước ấy nghìn thu”
Trần Quang Khải nhấn mạnh ý niệm “Muôn thuở sông núi này” tức là khẳng định chủ quyền lãnh thổ và kêu gọi gắng sức mà bảo vệ.
Sách “Ðại Nam Quốc Sử diễn ca” đã ca ngợi hai trận đánh Chương Dương và Hàm Tử vì đây là những trận đánh quyết định vận mệnh của Kinh đô Thăng Long cũng như toàn bộ công cuộc kháng Nguyên của quân dân nhà Trần. Ðặc biệt là trong cuộc chiến đấu chống quân Nguyên, những “tuyên ngôn” khẳng định nền tự chủ của Ðại Việt đã được các nơi lặp đi lặp lại nhiều lần, mỗi một con dân Việt đều nhắc lại “tuyên ngôn độc lập” theo cách riêng trong hoàn cảnh của mình, nhưng cốt lõi vẫn là biểu lộ lòng yêu nước và ý chí tự cường dân tộc.
4. TUYÊN NGÔN TỪ LAM SƠN: BÌNH NGÔ ÐẠI CÁO.
Sau gần 10 năm kháng chiến chống quân nhà Minh (1418-1427), cuối năm Ðinh Mùi (1427), nghĩa quân Lam Sơn của Lê Lợi đã toàn thắng. Nguyễn Trãi đã viết bài “Bình Ngô Ðại Cáo” để thông báo cho khắp nơi biết là nền Ðộc Lập đã được phục hồi.
Nội dung của bài Bình Ngô Ðại Cáo có hai phần chính: Phần thứ nhất: Khẳng định nền Ðộc Lập của dân tộc Việt về lãnh thổ cũng như về văn hóa và sự bình đẳng giữa hai quốc gia Trung Hoa - Ðại Việt trên phương diện địa lý và lịch sử:
“Như nước Việt ta từ trước, vốn xưng văn hiến đã lâu, sơn hà cương vực đã chia, phong tục Bắc, Nam cũng khác. Từ Ðinh, Lê, Lý, Trần gây nền độc lập cùng Hán, Ðường, Tống, Nguyên... hùng cứ một phương.”
Ðây là Bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập đầu tiên bằng văn bản được công bố cho toàn dân. Nước Việt là một quốc gia độc lập có ranh giới riêng, chứ không phải là một châu, hoặc một quận... hay một bộ phận của Trung Hoa. Nền Ðộc Lập này đã được dân tộc Việt gây dựng từ nhiều đời, Khẳng định thứ hai:
“Dẫu cường nhược có lúc khác nhau, song hào kiệt thời nào cũng có”
Do đó thắng lợi của dân tộc Việt đối quân Minh là một thắng lợi tất yếu, mở đường cho quốc gia tiến lên:
“Giang sơn từ nay mở mặt, xã tắc từ nay vững nền. Nhật nguyệt hối mà lại minh, càn khôn bĩ mà lại thái. Nền vạn thế xây nên chăn chắn, thẹn nghìn thu rửa sạch làu làu. Thế là trời đất tổ tông khôn thiêng che chở giúp đỡ cho nước ta vậy.”
Phần thứ hai: Tố cáo tội ác của nhà Minh đối với nhân dân Việt và minh xác mục đích cuộc chiến đấu là vì Ðại nghĩa của dân tộc Việt:
a/ Tội ác của nhà Minh:
“Quân cuồng Minh đã thừa cơ tứ ngược(1), bọn gian tà thì bán nước cầu vinh. Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn, vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ... Nào lên rừng đào mỏ, nào xuống bể mò châu, nào hố bẫy hươu đen, nào lưới dò chim sả. Tàn hại cả côn trùng thảo mộc, nheo nhóc thay! quan quả điên liên (2). Kẻ há miệng, đứa nhe răng, máu mỡ bấy no nê chưa chán. Nay xây nhà, mai đắp đất, chân tay nào phục dịch cho vừa. Nặng nề về những nỗi phu phen, bắt bớ mất cả nghề canh cửi. Ðộc ác thay! trúc rừng không ghi hết tội (3); dơ bẩn thay! nước bể không rửa sạch mùi. Lẽ nào trời đất tha cho, ai bảo thần nhân nhịn được”
b/ Ðại nghĩa của cuộc chiến đấu và tinh thần “Chí nhân” của quân dân Việt: “...Thế giặc mạnh, ta yếu, mà ta địch nổi, quân giặc nhiều, ta ít mà ta được luôn. Dọn hay: Ðem Ðại nghĩa để thắng hung tàn, lấy Chí nhân mà thay cường bạo... Hai mặt cứu binh cắm đầu trốn chạy; các thành cùng khấu, cởi giáp xuống đầu. Bắt tướng giặc mang về, nó đã vẫy đuôi phục tội; thể lòng trời bất sát, ta cũng mở đường hiếu sinh...”
Tinh thần độc lập và ý chí tự cường phát sinh rất mạnh mẽ dưới thời Lê Lợi. Nó đã thể hiện ra trong nhiều cuộc cải cách hành chánh và nhất là xã hội, luật pháp. Trong các triều đại trước, một vài vị vua thường có lệ đem đất đai phân chia cho những người trong dòng hoàng tộc, vua Lê Thái tổ đã làm theo cách khác: lấy công điền, công thổ phân phối đồng đều cho dân chúng. Nhà Lê đã soạn một bộ luật dựa trên văn hóa và phong tục của người Việt. Ðó là bộ Luật Hồng Ðức. Bộ luật Hồng Ðức ngày nay được xem là bộ luật nhân bản và nhân đạo nhất, không có sự vay mượn của Trung Hoa. Về văn hóa, chữ Nôm được khuyến khích cho nên đã có khá nhiều văn thơ quốc âm.
5. TUYÊN NGÔN CỦA QUANG TRUNG NGUYỄN HUỆ.
Cuối đời nhà Lê, các vị vua đều niên thiếu, nên thường bị các quan đại thần nhiều tham vọng bất chính, lấn áp, xúi dục làm những việc sai lầm, hại dân, nhục nước. Vì quyền lợi riêng của ngôi vua, Lê Chiêu Thống đã qua Tàu cầu cứu nhà Thanh. Vua nhà Thanh đã thừa cơ hội đem quân qua xâm chiếm nước Ðại Việt. Vua Lê Chiêu Thống đã mất chính nghĩa.
Trước cảnh quân Tàu giày xéo non sông, chà đạp giống nòi, nhân dân đã ủng hộ nhà Tây Sơn, trước đây bị thành phần mang tư tưởng “hoài Lê” ác cảm. Bắc Bình vương Nguyễn Huệ đã phải lập đàn lên ngôi để có đầy đủ chính nghĩa dân tộc, hầu có thể tập hợp toàn dân đánh quân Thanh bảo vệ đất nước. Vua Quang Trung đã thân chinh chỉ huy đánh quân Thanh năm 1789. Lúc quân các đạo hội tại đèo Ba Dội, núi Tam Ðiệp, trước khi xuất phát tấn công địch quân, các tướng như Ngô Văn Sở, Ngô Thời Nhiệm đến xin tạ tội, vì đã không chống nổi đại quân của nhà Thanh do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy, vua Quang Trung cười và nói rằng: “Chúng nó sang phen này là mua cái chết đó thôi...”
Lời tuyên bố đầy lạc quan và tự tin này làm ta liên tưởng đến hai câu của Lý Thường Kiệt: “Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm, Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư!” Tuyên ngôn của vua Quang Trung đã được thực hiện một cách thần tốc: 20 vạn quân nhà Thanh đã bị đánh tan tành trong vòng chưa tới 10 ngày. Tinh thần độc lập văn hóa đã thúc đẩy Hoàng đế Quang Trung phát triển chữ Nôm. Người Việt phải dùng tiếng Việt, đó là mong muốn của vua Quang Trung, không vay mượn tiếng của Tàu. Trong thi cử ra đề bằng chữ Nôm, sĩ tử bị buộc phải làm văn bài bằng chữ Nôm.
Nhà Tây Sơn mất, nhà Nguyễn trở lại cầm quyền. Chính sách mà vua Gia Long đã áp dụng đã làm mất tinh thần độc lập dân tộc như bỏ luật Hồng Ðức, trở lại dùng Hán văn... việc này đã đem lại một số tai họa cho đất nước: thực dân Pháp đã thừa cơ mở cuộc xâm lăng làm rạn nứt triều đình nhà Nguyễn. Vua Tự Ðức cũng rất yêu nước, nhưng đã bó tay vì thế yếu. Vua Hàm Nghi đã đúng về phía nhân dân, từ bỏ ngai vàng và cung điện, rút ra lập chiến khu Tân Sở (Quảng Trị -1885), truyền hịch Cần vương kêu gọi toàn dân chống thực dân Pháp, cứu nước. Từ khi vua Hàm Nghi bỏ kinh đô, chủ quyền nhà Nguyễn chỉ còn trên danh nghĩa.
6. HỊCH CẦN VƯƠNG.
Hịch Cần vương cũng là bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập đầu tiên trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp xâm lăng. Nhân dân và sĩ phu khắp nơi đã hưởng ứng lời kêu gọi của vị vua yêu nước, tự lực tổ chức võ trang đánh thực dân khắp nơi từ Bắc vô Nam: Các phong trào Cần Vương và Phong trào Văn Thân đã nhập cuộc.
Nhưng, lực bất tòng tâm, lòng yêu nước của các tầng lớp sĩ phu đã không thể chống lại sức mạnh của cơ khí và súng đạn của Tây phương lúc bấy giờ. Các vị lãnh tụ Cần Vương và Văn Thân lần lượt bị giết, bị bắt, bị tù đày và do đó các phong trào này bị tan rã. Nhưng vốn mang dòng máu bất khuất nên
“Dù khi miệng khóa chân kìmHồn dân vẫn tỉnh, vẫn tìm Tự Do...”
Các phong trào khác đã hình thành, để tiếp nối công cuộc đấu tranh dành độc lập dân tộc: Phong trào Ðông Du, Tây Du rầm rộ dấy lên. Các sĩ phu cấp tiến đã thay đổi đường lối đấu tranh, hô hào dân chúng học hỏi khoa học kỹ thuật Tây phương, tìm hiểu sự tiến bộ mới để thích ứng hành động với thời cuộc, với thời đại mới. Theo lời kêu gọi của Nguyễn Thượng Hiền, Phan Bội Châu, Tăng Bạt Hổ, Ðặng Thái Thân, Phan Chu Trinh... nhiều thanh niên Việt Nam đã trốn sang Nhật, sang Tàu... để học hỏi kiến văn mới nhằm khôi phục quê hương. Kỳ Ngoại Hầu Cường Ðể được phong trào Ðông Du đưa sang Nhật năm 1906. Sau khi gặp Sào Nam Phan Bội Châu tại Nhật về, Phan Chu Trinh đã cùng với các ông Ngô Ðức Kế, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng... phát động phong trào Duy Tân... Tại miền Bắc các Tân đảng lập ra Trường Ðông Kinh Nghĩa Thục. Các nhà chí sĩ Việt Nam đã nhận thức được sự cần thiết của tổng lực toàn dân để tấn công địch trên mọi mặt trận từ văn hóa chính trị đến vũ trang. Năm 1908, hàng vạn dân chúng Quảng Nam biểu tình bao vây tòa Khâm sứ Pháp đòi giảm thuế... phong trào nay lan rộng ra khắp nơi...
7. TUYÊN NGÔN TỪ YÊN BÁY
Năm 1930, tiếng hô “Việt Nam Vạn Tuế” của lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Ðảng, Nguyễn Thái Học, tại Yên Bái, là một tuyên ngôn vang dội đất nước, làm rung động muôn lòng cùng chung ý chí chống thực dân giành độc lập.
Tiếng hô ấy nói lên một cách hùng hồn khát vọng Ðộc Lập của dân tộc. Do đó, nó đã un đúc tiềm tàng làm bùng lên cuộc khởi nghĩa mùa Thu 1945 nhằm kẻ thù chung là thực dân Pháp. Vì có chung kẻ thù, nên các phong trào quốc gia không quan tâm đến khuynh hướng riêng của các phe phái cùng nổi dậy, khi thời cơ đã đến: Quân Nhật đảo chánh Pháp tại Ðông Dương, nhưng ngay sau đó Nhật thua trận phải đầu hàng Ðồng Minh. Sau khi đánh đuổi được thực dân Pháp, người cộng sản đã lợi dụng tình thế “chớp lấy thời cơ” cướp chính quyền.
8. TUYÊN NGÔN ÐỘC LẬP NĂM 1945.
Ðảng cộng sản do Hồ Chí Minh lãnh đạo, đưa ra một Bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập vào năm 1945. Thực chất đó chỉ là một bản tuyên bố những nguyên tắc cai trị, nội dung và hình thức rập theo mẫu của những bản Hiến Pháp hay Ðiều Ước của Tây phương.
Tổng kết, trong lịch sử Việt Nam, người dân đã có hơn 20 lần đứng lên võ trang đánh đuổi xâm lăng.
(Giáo sư triết học)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét