Nhà văn thiên tài người Pháp thế kỉ XIX Vích-to Huy-gô đã từng cho rằng: “Tác phẩm nghệ thuật ưu tú là tác phẩm đạt đến tính tuyệt đối”. Nghĩa là nghệ thuật không chấp nhận cái bình thường, tầm thường mà phải luôn tìm kiếm và vươn tới cái hoàn mĩ, cái cao cả. Có lẽ khi viết “Chữ người tử tù”, một truyện ngắn mang đầy đủ những yếu tố đặc trưng của văn học lãng mạn, nhà văn Nguyễn Tuân cũng đã từng nghĩ tới nhận định ấy.
Nếu Vích-to Huy-gô xem cái tầm thường giết chết nghệ thuật thì suốt đời Nguyễn Tuân theo đuổi và tôn thờ cái đẹp, đưa nó lên như một thứ tôn giáo, một thứ tín ngưỡng và niềm tin. Là nhà văn của chủ nghĩa duy mĩ, thích cái đẹp, cái độc đáo, thích sự cầu kì, Nguyễn Tuân đã tạo cho mình một thế giới những nhân vật đặc biệt, những hoàn cảnh đặc biệt và những cá tính không lặp lại. Dẫu nhiều độc giả có đôi lúc cũng tỏ ra khó chịu vì sự quá mức cầu kì trong câu chữ, trong những hình ảnh và hoàn cảnh được chọn lựa, song hiếm có ai không trân trọng sự lao động nghệ thuật một cách nghiêm túc, đầy công phu của nhà văn họ Nguyễn.
Đọc “Chữ người tử tù”, ta như được phiêu lưu trong một thế giới chứa đầy và đan xen những xúc cảm đặc biệt: Từ hồi hộp theo dõi cuộc gặp gỡ của những con người đặc biệt đến lo lắng cho sự chạm trán của những địa vị trái ngược, những thân phận không thể dung hòa và vỡ òa trong cảm xúc vui sướng trước sự lên ngôi của cái đẹp, cái thiện, cái văn hóa, dẫu đâu đây còn có nỗi niềm bâng khuâng, tiếc thương cho sự ra đi của một kiếp người tài hoa. Cái đẹp quả thực có sức mạnh phi thường, giúp con người ta vươn tới, hướng về, níu giữ tính người cho con người, giữ mãi trong ta cái cốt lõi của tính nhân bản. Hình tượng Huấn Cao, viên quản ngục quả thực đã để lại trong ta những dư vị khó quên về sức mạnh của cái đẹp, cái văn hóa!
1) Cái đẹp vươn tới, hướng về, níu giữ bản tính tốt đẹp cho con người
Hình tượng “ngôi sao chính vị” của tác phẩm – Huấn Cao quả thực đã được Nguyễn Tuân xây dựng như là biểu tượng cho sự hoàn mĩ. Con người ấy không chỉ đẹp từ lí tưởng sống, tài năng, khí phách, bản lĩnh mà còn ở tấm lòng và sự tài hoa. Sự xuất hiện của Huấn Cao ở trại tù tỉnh Sơn quả thực là một sự kiện được mong đợi. Người ta trông chờ sẽ gặp ở đây một kẻ chọc trời quấy nước, một kẻ văn võ song toàn, mang vẻ đẹp từ lí tưởng, hoài bão đến hành động. Và hơn hết, trong cuộc gặp gỡ này, người ta mong chờ được thấy Huấn Cao – một con người tài hoa, nức danh trong nghệ thuật viết chữ đẹp, bởi “cả vùng tỉnh Sơn vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp”.
Sự xuất hiện của ông Huấn ở nhà ngục tỉnh Sơn quả thực đã đáp ứng được những nỗi niềm mong mỏi ấy. Cái hành động “dỗ gông” ở cửa nhà lao mà không thèm đếm xỉa gì đến lời nói của bọn lính, cái thái độ thản nhiên, ngạo nghễ nhận rượu thịt trong nhà lao xem như đó là những việc vẫn thường làm trong cái hứng sinh bình lúc chưa bị giam cầm và đặc biệt là lời nói khinh bạc với viên quản ngục khi ông ta có ý định giúp đỡ: “Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một điều. Là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây”. Quả thực tất cả đều toát lên khí phách của một bậc trượng phu, quân tử. Đó là con người của chí khí, lí tưởng và hành động. Tất cả là dáng dấp của con hổ chốn rừng xanh. Dẫu cho bây giờ, vị chúa tể sơn lâm ấy đang bị giam cầm thì có lẽ cái chốn nhà ngục tỉnh Sơn ấy cũng không mang nhiều ý nghĩa hơn một chốn dừng chân thông thường. Cái đẹp của sự tài hoa chưa xuất hiện như những lời đồn đại trước đó, song sự hiện diện của Huấn Cao đã làm thức dậy ở viên quản ngục những ấp ủ về khát vọng vươn tới cái đẹp.
Đêm hôm ấy, tại nhà tù tỉnh Sơn, người ta thấy những xao động “kín đáo, êm nhẹ” đã bắt đầu xuất hiện trên khuôn mặt như “mặt nước ao thu bằng lặng” của viên quản ngục. Cái ao ước sở hữu dòng chữ Huấn Cao vốn lâu nay ở viên quản ngục chỉ là dòng suối âm thầm, róc rách chảy thì giờ đây, sự xuất hiện của ông Huấn đã khơi thông dòng chảy ấy để nó trở nên tuôn trào mãnh liệt. Cái đẹp của nghệ thuật có thể khiến cho con người trở nên bất tử và cũng có thể giúp cho con người vươn tới, hướng về, níu giữ mãi mãi tính người. Hình tượng Huấn Cao không chỉ thức dậy ở viên quản ngục khao khát cái đẹp đã được ấp ủ từ lâu, nó còn đưa lại cho ông ta sức mạnh, lòng can đảm để theo đuổi khát vọng và đam mê. Cái đêm cho chữ ở trại tù tỉnh Sơn quả thực là một sự nổi loạn. Tất cả cái tối tăm, nhơ bẩn, hôi hám đã hoàn toàn biến mất, nhường chỗ lại cho ánh sáng, cho cái đẹp, cái văn hóa sinh thành.
Nhờ cái đẹp từ con người và dòng chữ của Huấn Cao, viên quản ngục đã có đủ dũng khí để dám làm một việc đảo lộn trật tự nhà giam nhằm theo đuổi và tôn thờ cái đẹp. Khí chất, bản lĩnh con người và cái đẹp của nghệ thuật quả là có sức mạnh kì diệu làm thay đổi con người. Không những thế, nghệ thuật đích thực góp phần níu giữ tính nhân bản cho con người. Cái đẹp toát lên từ dòng chữ, từ khí phách và tấm lòng của Huấn Cao quả thực đã giúp viên quản ngục dám thay đổi hoàn cảnh sống, tìm lại bản tính thiên lương và đam mê cái đẹp, thức tỉnh cái khát vọng đổi thay bởi ông không thuộc về nơi ấy. Cái đẹp của nghệ thuật, của khí phách, của tình người đã góp phần vươn tới, hướng về, níu giữ những phẩm chất đáng quý của con người, trả lại cho viên quản ngục những nét đẹp cao quý trong khát vọng, mơ ước và tính cách của một con người “biết giá người, biết trọng người ngay” với một “tâm điền tốt” để thực sự trở thành “một thanh âm trong trẻo” vút bay cao giữa hoàn cảnh tột cùng của cái xấu, cái ác, cái nhơ bẩn và xấu xa!
2) Cái đẹp thức tỉnh có giá trị thức tỉnh
Đề cao cái đẹp, hướng con người tới những giá trị nhân văn cao quý là sứ mệnh thiêng liêng của những tác phẩm văn chương đích thực. Xuyên suốt “Chữ người tử tù”, người ta thấy sự hiện diện của cái đẹp để thức tỉnh con người. Khí phách, nhân cách và sự tài hoa của Huấn Cao đã làm viên quản ngục thức tỉnh, ý thức rõ hơn về cái thân phận bị cầm tù trong cái lồng cũi của tội ác, cường quyền đầy hỗn loạn, xô bồ. Không những thế, nó còn giúp ông có thêm dũng khí để chọn lựa bước đường lương thiện tiếp theo. Nhưng nếu chỉ thấy được sự tác động một chiều từ Huấn Cao tới viên quản ngục thì đó quả thực là một thiếu sót lớn. Thế giới nhân vật được xây dựng bởi bàn tay tài hoa của nhà văn họ Nguyễn không phải sinh ra để nói những điều đơn giản.
Nếu Huấn Cao là “ngôi sao chính vị đang muốn từ biệt vũ trụ” thì viên quản ngục và thậm chí là cả thầy thơ lại cũng là những ngôi sao sáng cùng châu tuần và nâng đỡ cho ngôi sao chính vị ấy. Những ngôi sao ấy cùng tỏa sáng và cùng soi sáng cho nhau để làm rực rỡ lên cho cái đêm tối tăm ở trại tù tỉnh Sơn. “Tấm lòng biệt nhỡn liên tài, biết giá người, biết trọng người ngay” và sở thích cao quý hướng về cái đẹp của viên quản ngục quả thực đã làm cho Huấn Cao thức tỉnh và thực sự xúc động. Sự chân thành của một tấm lòng đã đánh thức một tấm lòng khác. Vật chất, uy quyền hoàn toàn trở nên vô nghĩa, vô giá trị, chỉ còn lại tấm lòng và vẻ đẹp của nghệ thuật, của tình người lên ngôi.
Trong cái đêm tối tăm ở trại tù tỉnh Sơn, vào đúng cái khoảnh khắc cuối cùng của một đời người ngang dọc, Huấn Cao hiên ngang cho chữ lồng lộng giữa trời đêm trong ánh sáng rực rỡ của bó đuốc tẩm dầu. Cả ba con người cùng chụm vào nhau, hồi hộp đón nhận khoảnh khắc cái đẹp sinh thành. Cường quyền, địa vị đã hoàn toàn biến mất, chỉ còn lại nơi đây cuộc gặp gỡ của những “tấm lòng trong thiên hạ”. Cái đẹp của nghệ thuật đã rút ngắn khoảng cách xa vời vợi trước đó để đưa Huấn Cao, viên quản ngục và thầy thơ lại xích lại gần nhau, hòa điệu để thực sự trở thành những kẻ tri âm, tri kỉ. Quả thực, vẻ đẹp của những “con chữ vuông, tươi tắn, nói lên cái hoài bão tung hoành của một đời con người” đã đánh thức thiên lương, thức dậy cái khát vọng được sống trong sạch để theo đuổi thú chơi chữ ở viên quản ngục. Và cũng chính tấm lòng của ông đã lại thức tỉnh ở Huấn Cao niềm trân quý những con người biết trân trọng, say mê và giữ gìn cái đẹp trong vốn văn hóa cổ truyền của cha ông. “Dòng chữ cuối cùng” của ông Huấn chính là của một kẻ tri âm trao lại cho một người tri kỉ. Nó nhắc nhở viên quản ngục hãy đi tiếp con đường gìn giữ vốn quý ông cha. Và như vậy, cái đẹp thực sự đã có sức mạnh ghê gớm thức tỉnh những khao khát, ước mơ, đánh thức khát vọng, tấm lòng và quan trọng hơn nó giúp cho con người có thêm sức mạnh, có đủ dũng khí để thay đổi hoàn cảnh sống, vươn tới một cuộc sống tốt đẹp và lương thiện hơn. Cái đẹp quả thực đã góp phần níu giữ những giá trị tốt đẹp nhất của mỗi con người, hối thúc con người ta vươn tới cái cao cả, cái thánh thiện, cái chân – thiện – mĩ và những giá trị tinh thần cao quý!
3) Cái đẹp níu giữ hồn văn hóa ông cha
Hình tượng Huấn Cao được xây dựng để vươn tới cái hoàn mĩ. Ở nhân vật ấy, người ta cảm nhận được những thông điệp và thái độ đáng quý trọng của nhà văn Nguyễn Tuân dành cho vốn văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Nức danh trong nghệ thuật viết chữ đẹp; không vì tiền tài, danh vọng, thế lực mà khom lưng luồn cúi để bẻ cong ngòi bút; cả một đời sống với lí tưởng, hoài bão lớn lao, cao cả; khí khái, hiên ngang trước cường quyền và trước cả cái chết, Huấn Cao mang đầy đủ trong mình những tố chất xứng đáng để Nguyễn Tuân lựa chọn làm người đóng vai trò lưu giữ những nét đẹp trong văn hóa của cha ông ta xưa. Và cũng như vậy, bằng tấm lòng trân trọng, bằng niềm say mê, bằng dũng khí dám từ bỏ tiền tài, địa vị để theo đuổi niềm đam mê chơi chữ, viên quản ngục đóng vai trò là người tiếp lửa cho những giá trị văn hóa ấy mãi mãi trường tồn cùng dân tộc. Văn hóa là một dòng chảy liên tục mà kể cả người sáng tạo hay người say mê lưu giữ đều có vai trò quan trọng như nhau để làm cho dòng chảy ấy chảy xa hơn, lâu hơn trong những bước thăng trầm của lịch sử. Có thể vào buổi sáng tinh sương ngày mai, người nghệ sĩ tài hoa, kẻ “chọc trời khuấy nước” dám chống lại cả triều đình phong kiến - Huấn Cao sẽ bị giải về kinh chịu án chém nhưng những “dòng chữ vuông, tươi tắn, nói lên cái hoài bão tung hoành của một đời con người” trong cái đêm cuối cùng Huấn Cao để lại cho viên quản ngục sẽ vẫn mãi bất tử trong tấm lòng và tâm hồn của những người đồng điệu.
Viết “Chữ người tử tù”, Nguyễn Tuân đã gửi gắm cả cái khát vọng bất tử hóa, lưu giữ mãi mãi cái đẹp trong vốn văn hóa truyền thống cha ông. Cái đẹp, cái văn hóa thực sự vững bền bởi nó là sự vươn tới, sự hướng về, sự níu giữ mãi mãi tính người cho con người, nhắc nhở mỗi chúng ta về sự quý trọng, gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp của vốn văn hóa cổ truyền. “Chữ người tử tù”, như vậy có thể xem là một nghĩa cử, một sự trân trọng, thể hiện tình yêu và sự gắn bó tha thiết của nhà văn Nguyễn Tuân với văn hóa – con thuyền chuyên chở hồn cốt và điệu hồn dân tộc!
Chiếc đồng hồ thời gian lại vẫn tiếp tục thực hiện những vòng quay miên viễn. Đất nước đang tiếp tục bước tiếp hành trình vạn dặm sang thế kỉ XXI với những bước chân nhiều vận hội nhưng cũng lắm chông gai. Sự lên ngôi của những giá trị vật chất, sự xuống cấp trầm trọng của những nền tảng luân lí và đạo đức con người đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về sự cần thiết của những nền tảng văn hóa trong nếp sống, suy nghĩ và hành động của mỗi con người. Thế mới biết, trong bất cứ thời đại nào và ở hình thái xã hội nào đi chăng nữa, sự am hiểu, tri thức và ý thức về văn hóa đều cần thiết biết bao.
Ở những năm 40 của thế kỉ XX, với “Chữ người tử tù”, Nguyễn Tuân đã nói lên tiếng lòng và tình yêu tha thiết ông dành cho cái đẹp, cho những giá trị văn hóa cốt lõi trong tình thần dân tộc. Người ta nói, văn hóa chính là những cái còn lại khi tất cả mọi cái đã mất đi. Hồn cốt tạo nên nền tảng văn hóa dân tộc Việt có lẽ không có gì khác ngoài truyền thống yêu nước, yêu hòa bình và trọng sự học. Trân trọng và đưa chữ viết lên thành một thứ nghệ thuật đầy đam mê cái cốt lõi không là gì khác ngoài tình yêu dành cho tri thức, trí tuệ. Hình tượng Huấn Cao, viên quản ngục trở nên lồng lộng và có sức sống lâu bền trong lòng độc giả nhiều thế hệ bởi nó chuyển tải những thông điệp văn hóa có tính chất trường tồn như thế. Bởi xét đến cùng, khi con người ta có tri thức, trọng chữ viết, trọng sự học là lúc ta hiểu rõ đạo lí và biết cách làm một con người chân chính. Một đất nước, một dân tộc giữ vững được những điều căn cơ như vậy chính là nền tảng tạo nên một thiết chế văn hóa lành mạnh, tốt đẹp giữa người với người. Trân trọng văn hóa là trân trọng quá khứ, trân trọng nguồn cội. Đất nước nào gìn giữ và làm được điều ấy là một đất nước may mắn, bởi “một dân tộc không có quá khứ là một dân tộc bất hạnh” và còn bởi vì “nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác”.
Viết “Chữ người tử tù”, nhà văn Nguyễn Tuân thực sự đang hướng về, đang níu giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp của cha ông. Đó thực sự là tiếng lòng khẩn thiết của ông về việc gìn giữ những vốn quý trong văn hóa cổ truyền, đừng để nó dần dần bị lãng quên trong lớp bụi mờ của thời gian để còn lại đâu đây “cái di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn” như tiếng kêu thương đầy sầu muộn của Vũ Đình Liên trong bài thơ “Ông đồ” của một thời tàn tạ:
Viết “Chữ người tử tù”, nhà văn Nguyễn Tuân thực sự đang hướng về, đang níu giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp của cha ông. Đó thực sự là tiếng lòng khẩn thiết của ông về việc gìn giữ những vốn quý trong văn hóa cổ truyền, đừng để nó dần dần bị lãng quên trong lớp bụi mờ của thời gian để còn lại đâu đây “cái di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn” như tiếng kêu thương đầy sầu muộn của Vũ Đình Liên trong bài thơ “Ông đồ” của một thời tàn tạ:
“Năm nay đào lại nởChẳng thấy ông đồ xưaNhững người muôn năm cũHồn ở đâu bây giờ?”
Thái Văn Phú
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét