CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 17 tháng 9, 2024

THƯƠNG NHỚ HOÀNG LAN - Truyện ngắn của Trần Thùy Mai

Nhà văn Trần Thùy Mai tên thật là Trần Thị Thùy Mai, sinh ngày 8 tháng 9 năm 1954 tại Hội An, Quảng Nam. Quê quán: làng An Ninh Thượng, xã Hương Long, huyện Hương Trà, (nay là phường Hương Long, Thành phố Huế), tỉnh Thừa Thiên Huế.
Trần Thùy Mai bắt đầu được các bạn trẻ yêu thích văn chương ở Huế biết đến khi đang học ở trường Đồng Khánh những năm trước giải phóng. Tốt nghiệp Tú tài 2 từ 1972, chị thi đậu thủ khoa môn văn Đại học Sư phạm Huế. Sau 1975, chị học tiếp Đại học Sư phạm. Năm 1977, sau khi tốt nghiệp, Trần Thùy Mai được giữ lại trường, làm công tác giảng dạy và nghiên cứu môn Văn học dân gian. Năm 1987, chị quyết định chuyển sang làm biên tập viên ở Nhà xuất bản Thuận Hóa. Với lối rẽ này, Trần Thùy Mai đã chọn nghiệp viết làm con đường đi cho riêng mình.
Trưởng thành cùng thế hệ với Lý Lan, Nguyễn Thị Minh Ngọc ở Sài Gòn, những người cầm bút đầu tiên sau chiến tranh. Có thể nói, đây chính là thế hệ dò đường đi tìm những đề tài hậu chiến. Tính từ truyện ngắn đầu tay "Một chút màu xanh" in trên Tạp chí Sông Hương đến nay, nữ nhà văn người Huế này đã có trên 30 năm cầm bút với hàng trăm tác phẩm truyện ngắn được nhiều thế hệ bạn đọc yêu mến. Trong đó, một số truyện ngắn nổi tiếng như: Gió thiên đường, Thập tự hoa, Quỷ trong trăng, Thương nhớ Hoàng Lan, Mưa đời sau, Người bán linh hồn, Trăng nơi đáy giếng, Thị trấn hoa quỳ vàng... của chị đã được dịch sang tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Nhật...
 
Nhà văn Trần Thùy Mai

Tôi sinh ra dưới một mái chùa. Nghe kể rằng sư phụ tôi khi ấy còn trẻ, một hôm đi ngang bỗng động tâm hỏi: “Mô Phật, sao sau chùa lại phơi tã lót?” Nghe chuyện đời cha tôi, thầy bảo: “Hãy nhớ ngày này. Nếu có cơ duyên, mười năm sau ta sẽ trở lại”. Trở về thầy bỏ tăng viện, lên một ngọn núi hẻo lánh trong rú xa, dựng mấy nếp nhà cổ. Từ ấy, thầy ẩn tu, hiếm khi xuống núi.

Thứ Hai, 16 tháng 9, 2024

HAPPY TẾT TRUNG THU – Thơ Trần Vấn Lệ


  


HAPPYYYY TẾT TRUNG THU
 
Chưa Rằm Trung Thu mà đã Tết!
Chợ nào cũng bán bánh Trung Thu!
Chợ Tàu, chợ Việt...hàng năm Tết,
Chợ Mỹ, Trung Thu cũng...nụ cười!
 
Người Mỹ ngạc nhiên: "Sao Tết nhỏ
mà toàn người già mua bánh thôi?"
Mình không đáp được, cười vui vậy!
Mình cũng mua mà! Mua... để chơi!
 
Dạo một vòng quanh vài chợ Tết
Lòng nghe non dại... bỗng bây giờ!
Trăng không hiển hiện nơi quang đãng
Vẫn sáng trong lòng những ý Thơ!
 
Hộp bánh đem về, vui cả nhà...
Cháu con đứng ngắm cái hình hoa,
hình trăng, hình thỏ, hình chim lượn,
Không mắt đứa nào không ngó qua...
 
Hộp bánh, bàn thờ, nơi cúng kiếng...
Ông Bà, Cha Mẹ cõi âm ơi...
Làn hương, làn khói, lòng thương nhớ,
Ấm nhé coi như có mặt trời!
 
Nói Tết là vui! Năm mấy Tết,
Nếu nhiều hơn nữa: Hội Nhân Gian!
Hòa Bình, vui chớ? Ai không muốn?
Đồng nghĩa Hòa Bình là Hân Hoan!
 
Tôi vào bàn gõ vài con chữ,
đã thấy bài thơ Ngày Trung Thu!
Tôi thương tôi lắm đời xa xứ
Buồn chút: Quê Hương  cõi mịt mù!
 
                                        Trần Vấn Lệ

Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2024

BÀI THƠ NÀY TÔI NHẮC TỚI YÊN THAO – Thơ Trần Vấn Lệ


   

BÀI THƠ NÀY TÔI NHẮC TỚI YÊN THAO
 
Có lẽ cũng đã mười hôm rồi nhỉ?
Mình không thơ.  Mình chẳng có bài thơ!
Cũng tại Trời!  Ai biểu chớ không mưa?
Nắng ba tháng chưa cháy hết rừng, thật uổng!
 
Tôi nói lảng?  Tôi nói mê?  Tôi không biết ngượng
với em sao? - Người yêu quý ngọt ngào.
Anh muốn em là cờ có một ngôi sao
anh chấm dấu nặng, anh nói mình "sạo ơi là sạo"
 
Cờ ba que... hỡi ơi con sáo
nó sổ lồng nó bay sang sông!
Em dễ thương ghê!  Hồi đó má em hồng
trăng tháng Chạp có một vòng ngũ sắc!
 
Ôi câu thơ này - câu thơ đẹp nhất
Rồi cả bài thơ, em có thật của anh...
Của một thời tóc xanh...
Long lanh long lanh hai con mắt!
 
Anh tưởng tượng em:  Một Người Không Biết Mặt,
không biết tên - chỉ biết em-tuyệt-vời
Em chưa bao giờ đi có một đôi
em trinh nữ, nụ hoa cười chúm chím!
 
Ít có họa sĩ nào ưa dùng màu tím,
chỉ có một nhà thơ thấy tím gọi Trời Ơi!
"Tim tím khung cầu tim tím núi
Trời ơi!  Nhiều tím quá em ơi!"
*
Nhà thơ Yên Thao nghe nói chết bên đồi
hoa lau nở khi người thơ hết thở,
hoa lau nở cho muôn đời muôn thuở,
gió rì rào thì thào nao nao nao nao...
 
Bài thơ này, anh nhắc tới Yên Thao,
anh nhớ em, cái thuở nào em-áo-tím
dốc Bà Trưng em thành kỷ niệm:
Đà Lạt của anh... suối tóc em dài...
 
                                  Trần Vấn Lệ

Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2024

RAU TẦN, RAU TẢO CÓ PHẢI LÀ ĐỒ CÚNG TẾ NGÀY XƯA Ở TRUNG HOA KHÔNG? La Thụy sưu tầm và biên tập


Hình lấy từ trang face “Chiết tự chữ Hán”

Tôi chia sẻ STT “Nguồn gốc hai chữ ‘tảo tần’ của trang face “Chiết tự chữ Hán” vào trang face của tôi. Nội dung phần đầu của STT đó như sau:
 
  “ ‘Tảo tần’là một từ để chỉ đức tính đảm đang, chịu thương chịu khó, thường là của phụ nữ. Nhưng nguồn gốc của từ này là như thế nào?
‘Tảo tần’, chữ Hán viết là 藻蘋, trong đó:
     - TẢO  là rong rêu, chỉ chung các thứ cỏ mọc ở dưới nước. Như “hải tảo” 海藻 là rong biển.
     - TẦN  còn đọc với âm "bình", có lẽ TẦN là một loại rau lục bình nổi trên mặt nước, ta thường gọi là bèo.
 Như vậy, ‘tảo tần’ là rau tảo và rau tần. Người xưa dùng rau tảo và rau tần để dâng lên cúng tổ tiên. Hái rau tảo và rau tần là việc chuyên trách của người phụ nữ xưa. Rau tần thường mọc hoang dại bên bờ suối, còn tảo thì sinh trưởng trong lòng suối như các loại rong, cả hai đều không dễ mà hái được. Do đó người vì đạo hiếu với tổ tiên mà lặn lội đi tìm rau tảo rau tần là người đảm đang, đáng khen ngợi.....”
 
Khi tôi chia sẻ bài này lên trang face của tôi, nhiều bạn vào ghi còm, khen chê và thắc mắc đủ cả. Đặc biệt có một bạn ghi còm như sau:

“Đúng là lươn lẹo suy luận cách ngờ nghệch khi tần, tảo là những thứ rau cỏ mọc hoang kém giá trị mà dám bảo đem về thờ cúng!”.
 
Tôi trả lời bạn ấy:

“Những rau cỏ mọc hoang trong thiên nhiên đâu phải là những thứ kém giá trị, có khi là thảo dược quý hiếm có giá trị rất cao như: đông trùng hạ thảo, nhân sâm, linh chi... mà người ta săn lùng đỏ mắt và đang cố gắng đem về trồng trong vườn nhưng sản phẩm thu hoạch do người trồng có phẩm chất không bằng sản vật trong thiên nhiên.
TẢO và TẦN mà người phụ nữ Trung Hoa xưa vất vả tìm kiếm và thu hái để cúng tế, hẳn là loại TẢO và TẦN đặc biệt có ý nghĩa và giá trị cao chứ đâu phải thứ tảo và tần vô giá trị, bạ đâu vơ nấy...”
 

Thứ Năm, 12 tháng 9, 2024

MÙA THU – APOLLINAIRE – BÙI GIÁNG – PHẠM DUY - HOA THẠCH THẢO - La Thụy sưu tầm và biên tập


                 

Sắc màu thu đã gieo nhiều cảm hứng cho hồn thơ tứ nhạc. Nhiều bài thơ, bản nhạc viết về THU dù đã trải qua bao năm tháng phôi pha vẫn in đậm nét trong lòng người thưởng lãm. Là người yêu nhạc (loại nhạc có air “bán cổ điển”), ai mà không thuộc các bản “Buồn tàn thu” của Văn Cao, “Giọt mưa thu”, “Đêm thu”, “Con thuyền không bến”… của Đặng Thế Phong , “Thu quyến rũ” của Đoàn Chuẩn Từ Linh , “Thu vàng” của Cung Tiến, “Em ra đi mùa thu” của Phạm Trọng Cầu, “Chiếc lá thu phai” của Trịnh Công Sơn , “Mùa thu Paris” của Phạm Duy, “Thu hát cho người” của Vũ Đức Sao Biển, “Thu ca” của Phạm Mạnh Cương v.v… Đặc biệt, bản “Mùa thu Chết” của Phạm Duy, bản nhạc hay nhưng có nhiều thắc mắc về xuất xứ của ca từ.
     
Bản nhạc này lấy ý của bài thơ “L’ADIEU” của Guillaume Apollinaire, điều này có lẽ được nhiều người chấp nhận. Tuy nhiên lời Việt của bản nhạc “Mùa thu chết” thì không ít ý kiến cho rằng là do chính thi sĩ Bùi Giáng chuyển ngữ từ nguyên tác tiếng Pháp bài “L’ADIEU” nói trên, Phạm Duy chỉ phổ nhạc mà thôi. Để nhìn nhận cho khách quan, ta thử đối chiếu nguyên tác với bản dịch của Bùi Giáng và lời nhạc của Phạm Duy.
 
 a/ Bài thơ của Apollinaire:
 
           L'ADIEU
 
           J'ai cueilli ce brin de bruyère
           L'automne est morte souviens-t'en
           Nous ne nous verrons plus sur terre
           Odeur du temps brin de bruyère
           Et souviens-toi que je t'attends
 
           GUILLAUME APOLLINAIRE
 
b/Bản dịch của thi sĩ Bùi Giáng :
 
           LỜI VĨNH BIỆT
 
           Ta ngắt đi một cành hoa thạch thảo (*)
           Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi
           Chúng ta sẽ không tương phùng được nữa
           Mộng trùng lai không có ở trên đời
           Hương thời gian mùi thạch thảo bốc hơi
           Và nhớ nhé ta đợi chờ em đó...
 
                                                   BÙI GIÁNG
   (*) Câu này còn có dị bản:
 
          Ta đã hái nhành lá cây thạch thảo
 
c/ Ca từ trong bản “Mùa thu chết” của Nhạc sĩ Phạm Duy:
 
           MÙA THU CHẾT
 
           Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo
           Em nhớ cho Mùa Thu đã chết rồi !
           Mùa Thu đã chết, em nhớ cho
           Mùa Thu đã chết, em nhớ cho
           Mùa Thu đã chết, đã chết rồi. Em nhớ cho !
           Em nhớ cho,
           Đôi chúng ta sẽ chẳng còn nhìn nhau nữa!
           Trên cõi đời này, trên cõi đời này
           Từ nay mãi mãi không thấy nhau
           Từ nay mãi mãi không thấy nhau...
           Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo
           Em nhớ cho Mùa Thu đã chết rồi !
           Ôi ngát hương thời gian mùi thạch thảo
           Em nhớ cho rằng ta vẫn chờ em.
           Vẫn chờ em, vẫn chờ em
                 Vẫn chờ....
                                    Vẫn chờ... đợi em !
 
                                            PHẠM DUY    

XIN ĐỪNG LÀM NGƯỜI DƯNG – Thơ Nhã My, nhạc Phan Ni Tấn, ca sĩ Huỳnh Thanh Sang trình bày



            

THƠ TÔI ĐEM VỀ CHÉP TẶNG ĐỜI TÔI KIẾP SAU - Trần Vấn Lệ



Học trò đã đi học.  Mùa khai giảng:  Mùa Thu.  Trời không thấy chuyển mùa.  Trời vẫn còn nóng lắm.
 
Nóng đến mây biết phận, tản, đi trốn hết rồi.  Nóng!  Quá nóng.  Chao ôi!  Môi bé nào cũng đỏ...
 
Cô tài xế ngồi ngó từng em bước lên xe.  Có đứa mắt đỏ hoe... chắc buồn chia tay Mẹ?
 
Có những bà Mẹ trẻ đứng bên lề luyến lưu... hàng năm trời vào Thu... mây trên trời bàng bạc (?)...
 
Cửa xe đóng cái...  cắc.  Dây nịt, từng em gài.  Tài xế đếm lần hai.  Lòng xe đầy kín chỗ...
 
Xe chạy đi.  Lá đổ.  Vài chiếc chưa là Thu...
 
*
Tôi dừng bước thẩn thơ, tả cảnh khai trường thế...  Tôi vẫn là đứa bé bảy mươi năm hẩm hiu!
 
Có thể, cuối ngày, chiều, tôi lại ra đây đứng dưới cây sồi, cái bóng...Bóng chiều rồi hoàng hôn!
 
Thơ tôi sẽ có hồn... Hai chữ Hoàng Hôn đẹp!  Thơ tôi, đem về, chép...  tặng đời tôi... kiếp sau!
 
                                                                                    Trần Vấn Lệ

TÌNH CA THÁNG CHÍN, HÁT RU TRĂNG RẰM – Thơ Tịnh Bình


   


TÌNH CA THÁNG CHÍN
 
Có còn không cánh bướm chiều thu
Hoa nắng trổ trên cành lim dim gió
Đâu lá đỏ để tôi mơ về phương đó
Tháng Chín mơ màng trong ánh mắt trong
 
Dỗi hờn gì hỡi chiếc lá môi cong
Thu lơ đãng mặc heo may vồi vội
Khung cửa sớm tiếng chim như mời gọi
Những ban mai tươi mới khẽ ùa về
 
Phố vàng nắng giọt ngâu nào đến trễ
Chẳng hẹn hò sao vương vấn mênh mang
Thương sắc lá màu thu lãng mạn
Tội nghiệp câu thơ chỉ biết dại khờ
 
Phố nồng nàn vài giai điệu bâng quơ
Tháng Chín rưng rưng bản tình ca phía gió
Này bướm này hoa buổi hoàng hôn màu đỏ
Đọng lại gì trên lối cũ phai phôi...
 

NHỚ MÀU HOA CŨ – Thơ Lê Văn Trung


   
 

 NHỚ MÀU HOA CŨ
 
Rất lẻ loi một đóa hoa vàng
Nở muộn bên đường chiều đang sương
Có người chợt nhớ mùa thu trước
Hoa cài lên tóc còn ươm hương
 
Từ đó mùa đi chẳng hẹn hò
Con đường sương phủ trắng như mơ
Có người yêu quá màu hoa cũ
Màu hoa vàng nhuộm từng câu thơ
 
Có người yêu quá màu hoa cũ
Nhớ áo vàng trăng buổi chớm rằm
Nhớ mãi con đường chiều sương trắng
Ai ngờ nhớ suốt cuộc trăm năm
 
 
Có người yêu quá màu hoa cũ
Gọi nắng đầu thu mưa cuối thu
Chợt thấy lòng xưa vừa hé nụ
Một đóa hoa vàng nở lẻ loi.
 
                          Lê văn Trung
                                2024

CHÀO THÁNG 9 – Thơ Trần Mai Ngân


  

 
CHÀO THÁNG 9
 
Ướp mật ủ hương
Gửi về mọi người
Tâm ý thiện lương
Nụ cười hạnh phúc!
 
Trần Mai Ngân

Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2024

CHÚT TẢN MẠN VỀ CÁC ĐOẢN VĂN “TỰU TRƯỜNG” CỦA ANATLOLE FRANCE, “TÔI ĐI HỌC” CỦA THANH TỊNH VÀ “CẢM THU” CỦA ĐINH HÙNG - La Thụy


      

CHÚT TẢN MẠN VỀ CÁC ĐOẢN VĂN “TỰU TRƯỜNG” CỦA ANATLOLE FRANCE, “TÔI ĐI HỌC” CỦA THANH TỊNH VÀ “CẢM THU” CỦA ĐINH HÙNG
                                                                                            La Thụy

Ngày khai trường với kỷ niệm mơn man làm tôi nhớ đoản văn LA RENTRE'E DES CLASSES (TỰU TRƯỜNG) của nhà văn Anatole France - trích từ quyển “Le Livre de mon ami” (Cuốn Sách Của Bạn Tôi). Đoản văn TỰU TRƯỜNG của nhà văn Anatole France có ảnh hưởng lớn tới tâm hồn nhà văn Thanh Tịnh, khi ông viết truyện ngắn TÔI ĐI HỌC. Hình ảnh chú bé A. France trong ngày tựu trường khơi dậy những tình cảm trong sáng, bỡ ngỡ và êm ái của tuổi thơ. Bởi hơn đâu hết, chính những thầy giáo vỡ lòng, thông qua trang hồi kí tuyệt vời ấy, đã đánh thức ở họ những xúc cảm đầu đời: niềm đam mê học hành và tình yêu văn chương nghệ thuật.

Xin trích dẫn các bản dịch của Phạm Tất Đắc, Bùi Bảo Trúc và bản tiếng Pháp Anatole France

* Bản dịch của Phạm Tất Đắc:

“Tôi sẽ kể cho bạn nghe những gì gợi cho tôi nhớ lại hàng năm bầu trời chập chùng của mùa thu, những bữa cơm chiều đầu tiên ăn dưới ánh đèn và những chiếc lá đang úa vàng dần trong những chòm cây run rẩy. Tôi sẽ kể bạn nghe mình đã nhìn thấy gì khi qua vườn Luxembourg vào những ngày đầu tháng mười, khi phong cảnh hơi buồn và đẹp hơn bao giờ hết, vì đó là những ngày mà lá cây rơi từng chiếc một trên bờ vai trăng trắng của các pho tượng… Điều tôi nhìn thấy lúc đó, trong vườn ấy, là một chú bé con, tay đút túi quần, cặp sách trên vai, đang bước tới trường, vừa đi vừa nhảy nhót như một chú chim sẻ. Chỉ tâm tư tôi nhìn thấy chú bé, vì đó chỉ là một bóng hình. Đó là bóng hình tôi cách đây hăm lăm năm…”
                                           (Trích một đoạn dịch của Phạm Tất Đắc)