CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Chủ Nhật, 7 tháng 11, 2021

PHẠM CÔNG THIỆN VS NGUYÊN SA

Nguồn:
http://nhilinhblog.blogspot.com/2012/06/pham-cong-thien-vs-nguyen-sa.html

Phạm Công Thiện


Phạm Công Thiện trả lời loạt bài của ông Lê Hải Vân về Trường hợp Phạm Công Thiện đăng liên tục vô tận trong nhật báo Độc Lập từ hạ tuần tháng 5 năm 1970.
 
(Xin lỗi độc giả Tư Tưởng về bức thư nầy và xin hãy xem bức thư này như là một việc đáng lẽ không nên làm ở đây.)
 
                                                                              Phạm Công Thiện
 
Kính gởi thi sĩ Nguyên Sa Trần Bích Lan (tức Lê Hải Vân).
 
Phải chăng thi nhân không còn nói với nhau bằng tiếng nói của thi sĩ trong cơn lửa dậy? Tiếng chim đã bị những khẩu hiệu bóp nghẹn rồi sao và chỉ còn lại một thứ ngôn ngữ tối đen đọa đày trong sự rạn vỡ càng lúc càng rạn vỡ ở đất nước này? Tôi mong Ông có can đảm nhận thật tên của mình và nếu bút hiệu Lê hải Vân bị Ông chối bỏ thì tôi xin chịu lỗi và coi bức thư này gửi riêng cho Lê hải Vân để cho hình ảnh thi sĩ Nguyên Sa hãy còn là thi sĩ.
 
Bài Ông xuất phát từ sự xếp đặt lâu dài mang đầy “ẩn ý chính trị pha màu mật vụ” quá sôi nổi và cần phải được nghe lại cho đúng tiết nhịp của thời gian vượt ra ngoài mọi tư thế chính trị, bè nhóm, tập đoàn mà tôi thừa hiểu. Ông chỉ là kẻ thi hành hãnh tiến:
 
1) Tôi đã có bằng cấp tốt nghiệp trường đại học Yale ở Hoa kỳ, chứ không phải học hành “ngu dốt” và “bị thi rớt” ở Hoa kỳ như Ông đã công bố trên mặt báo Độc Lập; Ông có thể chịu khó tọc mạch đến tìm thăm tôi để nhìn bằng cấp ấy hay là Ông gửi thư hỏi thẳng Y.F.S.I ở đại học đường Yale tại New Haven (U.S.A) (nhưng tôi khó chịu: một người mang tâm hồn như tôi mà lại có bằng cấp thì đó quả là sự sỉ nhục quá lớn đối với tôi: chỉ có những kẻ không tự tin mới cần bằng cấp để chứng minh và “làm ăn”!)
 
2) Con người “nghệ sĩ điên gàn” trong tôi đã nổi loạn và khiến tôi tự ý bỏ học bổng ở tại Mỹ chứ không bị ai “cúp” học bổng vì “học dốt” như Ông đã công bố trên mặt báo Độc Lập; Ông có thể viết thư hỏi thẳng người trong cuộc, cô Cynthia Fish, địa chỉ: I.I.E. (Institute of International Education) ở United Nations Plazza tại New York City: chính cô Cynthia Fish là nhân viên phụ trách cấp học bổng cho tôi trong thời gian du học ở Hoa kỳ và cô Cynthia Fish đã ân cần mời tôi ăn cơm riêng với cô tại Broadway để tha thiết van xin năn nỉ tôi đừng bỏ học bổng, nhưng tôi trả lời: “Tôi không sống nổi ở nước Mỹ, vì nước Mỹ chỉ toàn là Coca Cola” và cô dịu dàng chăn sóc [sic] khuyên nhủ tôi nên nghỉ ngơi tĩnh dưỡng ở một y viện phân tâm học tại New York, nhưng tôi từ chối và nhất quyết bỏ học bổng.
 
3) Lúc tôi học ở trường Đại học Columbia thì những bài vở của tôi thường vẫn được điểm A (tức là điểm cao nhất theo lối Mỹ), chứ không phải “học dốt”, “học không nổi” như Ông công bố trên mặt báo Độc Lập; Ông có thể biên thư hỏi lại giáo sư Faust tại trường đại học Columbia ở New York. Sở dĩ tôi bỏ học Columbia là vì tôi chịu không nổi cái thành phố New York và quá nhớ Paris và thích “làm thằng Clochard ở Paris hơn là triệu phú ở New York” (Tại sao lại phải cần nêu ra cái chuyện “học giỏi” của mình, khi tôi khinh bỉ hết tất cả học đường!)
 
4) Khi tôi nhất quyết bỏ Columbia và bỏ học bổng để đi qua Paris thì chính ông Donald Taylor, nhân viên cao cấp của đại học đường Columbia, đã tận tình giúp đỡ và trực tiếp điện thoại đến Washington để can thiệp cho tôi qua Paris; trường Columbia thì bênh vực tôi (mà đại diện trường là ông Donald Taylor), còn Washington thì phản đối và cho rằng tôi “lợi dụng học bổng ở Mỹ” để đi Paris vì “những ẩn sự chính trị” (nguyên văn: Political implications) mà tôi thì có bao giờ thèm để ý đến chuyện chính trị. Chính ông Donald Taylor đã buồn rầu hỏi tôi: “Tại sao biết bao nhiêu sinh viên Mỹ muốn có được học bổng như anh mà còn anh thì lại bỏ học bổng?” Rồi ông hỏi tiếp: “Anh sẽ làm gì cho đời anh trong tương lai?” Tôi trả lời: “Thành Phật!” Câu chuyện xẩy ra một ngày trước lễ Thanksgiving tháng 11 năm 1965. Ông có thể viết thư hỏi thẳng ông Donald Taylor, assistant director F.S.C., Columbia University, New York City. Tôi muốn Ông hỏi thẳng một nhân viên cao cấp của Columbia để Ông đừng quá tin cậy qua tin tức theo lối “mật vụ” vu vơ.
 
5) Về câu “Tôi khinh bỉ tất cả các Thiền sư” chỉ là cách nói theo điệu Thiền sư “Phùng Phật sát Phật” (Gặp Phật thì giết Phật), chắc ông không hề biết rằng mấy Thiền sư gọi tổ sư Bồ Đề Đạt Ma là “tên rợ mắt xanh” (bích nhãn hồ), cái lối nói “ngạo mạn”, và “du côn” ấy nằm trong truyền thống ngôn ngữ Thiền tông, giống như cách nói “vô lễ” khác mà mấy Thiền sư nói với đức Phật; tôi không phải là một thiền sư, cho nên tôi không dám bắt chước Thiền sư Vân Môn gọi Phật là “đồ chùi cứt khô” (càn thỉ khuyết). Muốn hiểu được nghĩa sâu thẳm của những lời nói “thô tục” trên thì phải có tâm hồn bốc cháy với Lửa Tam Muội và mới đi vào được tinh thần “Thập Bát Không” của Bát Nhã (ô hay, ông Trần Bích Lan vốn là cựu sinh viên Phật học của Đại học Vạn Hạnh, không lẽ nào ông hiểu đạo Phật hơn tôi, giáo sư dạy về Phật giáo ở Viện Đại học Vạn Hạnh!)
 
6) Bây giờ tôi muốn đặt lên vài nhận xét về Ông:
 
a) Khi phê bình tôi, Ông nên có thái độ liêm sỉ tối thiểu; đừng xén từng câu riêng lẻ và bỏ mất ý nghĩa toàn thể, không có gì khôi hài cho bằng rút tỉa một vài câu lạc lỏng [sic] rồi tha hồ giải thích theo cái nhìn ngu xuẩn của mình;
 
b) Giá trị của tác phẩm tôi và của đời tôi có đứng vững hay không là do sức mạnh nội tại của chính tâm hồn tôi và do ngọn lửa trong tinh thần tôi điều động, chứ không phải chịu lệ thuộc vào những ý kiến của bất cứ ai;
 
c) Ông viết về tôi theo giọng điệu “trịch thượng” khôi hài và vô lễ một cách lố bịch, tất nhiên người nào có đọc sách Ông và đọc sách tôi đều thấy rằng Ông chưa đủ sức để nói chuyện đàng hoàng với tôi: sự trả thù của kẻ yếu tất nhiên là phải giống đàn bà (“xoi mói”, “tọc mạch”, “ba hoa nhảm nhí”, “ngồi lê đôi mách”), xin Ông hãy là kẻ trượng phu!
 
d) Tất nhiên hạng người tinh tế đều thấy rằng Ông ganh tài đố kỵ tôi đủ cách vì thua sút tôi ở quá nhiều lãnh vực (học thức, văn nghệ, tư tưởng, sáng tác) mai này thanh niên Việt nam sẽ nhớ đến tên Phạm Công Thiện, chứ khó có người còn nhớ đến tên Ông! Tôi mong Ông sống dai để nhìn thấy sự việc. (Tôi có “kiêu ngạo” lắm không? Thực ra, hãy còn rất khiêm tốn!)
 
7) Sau cùng tôi xin kêu gọi một chút “thơ mộng” trong tận đáy hồn ông: xin ông đừng đem chuyện riêng tư của đời một người cô độc để làm trò hề đám đông rẻ tiền, nếu ông đã đủ tư cách và đủ tâm hồn nhạy cảm thì chúng ta hãy nói chuyện nhau trong thế giới phiêu lãng của Tư tưởng. Chỉ khi nào chúng ta chịu đối mặt nhau trong nỗi cô độc của tư tưởng thì tiếng nói của thi nhân mới sống dậy được, chứ không còn những lời ba hoa “đôi co” nhảm nhí nhỏ mọn, hãy để yên cho mây trời muôn thuở vẫn còn lại tiếng vọng của thi nhân.
 
Đây là lời trả lời đầu tiên, duy nhất, cuối cùng. Còn lại chỉ là im lặng, im lặng, im lặng.
 
Phải chăng thi ca đã chết? Không còn gì thơ mộng nữa sao?
 
                                                                                   Kính chào,
                                                                             Phạm Công Thiện
 
T.B. Xin Ông đừng nhắc đến tên Thích Nguyên Tánh, Ông hãy để cho tên ấy sống với khoảng trống câm lặng nào đó của đời hắn. Mong chờ sự lễ độ tối thiểu của Ông đối với thế giới riêng tư của người khác, nhất là của một kẻ chưa từng bao giờ chạm đến đời sống riêng tư của Ông. Và câu hỏi cuối cùng tôi muốn hỏi Ông: Tại sao Ông thù hằn tôi đến độ quá mức tưởng tượng như thế, đang khi đó tôi chưa từng bao giờ có ác cảm với Ông? Ông đang thực hiện một kế hoạch cho một thế lực chính trị nào đây? Người tinh ý sẽ hiểu ngay Ông thuộc khối nào, phái nào, nhóm nào, tập đoàn nào!
 
(Tạp chí Tư Tưởng, Bộ Mới, năm thứ ba, số 2, 20/4/1970, tr. 123-127)
 
*

    

NÓI CHUYỆN VỚI PHẠM CÔNG THIỆN
 
Người vào tịnh thất sống ba năm
Cất tiếng không lời để nói năng
Buổi sáng thinh không chiều tới chậm
Tiền kiếp chen vô cạnh chỗ nằm
 
Ta muốn cùng người một tối nay
Đầu sông uống rượu cuối sông say
Người trên sườn núi, ta từ biển
Tự giấc mơ nào đã tới đây?
 
Dưới bóng tường im, giữa nhạc không
Đời đang phía trước bỗng mung lung
Thơ như hữu thể mà vô thể
Có cũng xong, mà không cũng xong
 
Sáng dậy ta nhìn tục lụỵ ta
Những đi không tới, đến không ngờ
Xóa luôn thì dứt, nhưng tâm thức:
Kinh Pháp Hoa nào dậy cách xa?...
 
Trong chín ngàn âm có hải triều
Còn thêm một kiếp nữa phiêu lưu
Này người bỏ sóng sang thuyền tĩnh
Nhớ đứng chờ ta ở cõi siêu
 
                                        Nguyên Sa


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét