CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2020

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU VỀ TRÀ (Kỳ 10) – Nguyên Lạc

 


SƠ LƯỢC VỀ TRÀ ĐẠO NHẬT BẢN

 

Phần Trà Đạo này tác giả xin nói rõ: Đây là những trích đoạn tác giả tìm hiểu, tham khảo rồi sắp xếp lại cho mạch lạc từ các nguồn: Trà Đạo – Bảo Sơn dịch từ The Book of Tea của Okakura Kakuzo, Nghệ thuật yêu trà trong Niệm Thư 1 của Minh Đức Hoài Trinh và Trà Luận của Đức Chính…

Trước khi vào mục, xin ghi ra đây bài thơ nói lên sự liên quan mật thiết giữa Trà và Thiền:


Thiền Trà 1

 

Chén trà trong hai tay

Chánh niệm nâng tròn đầy

Thân và tâm an trú

Bây giờ và ở đây

 

Khi uống chén nước trong

Ta nhớ nguồn nhớ cội

Khi nhấp miếng trà thơm

Hỏi nước đến từ đâu?

 

Nước từ nguồn suối cao

Nước từ lòng đất sâu

Nước mầu nhiệm tuôn chảy

Ơn nước luôn tràn đầy

(Võ Tá Hân)

…………….

(Link bản nhạc ở dưới)

 

I. Những Trích Đoạn Về Thiền Và Đạo

Trà Đạo Nhật liên quan đến Đạo của Lão giáo và Thiền của Phật giáo, tôi xin trích ra đây vài đoạn lý thú trong sách Trà Đạo (The book of Tea) của Okakura Kakuzo, Bảo Sơn dịch:

 

Về Thiền:

– Thiền là từ có gốc từ tiếng Phạn Dyana (thiền na) có nghĩa là trầm tư. Thiền đòi hỏi phải dồn hết vào trầm tư mới hầu đạt được cái Tâm Vô thượng của mình. Trầm tư (tức Định) là một trong sáu hướng đi đến cảnh giới Phật, và các thiền phái khẳng định Đức thích-ca Mâu-ni dành ý nghĩa đặc biệt của thiền cho những lần thuyết pháp sau cuối, truyền thừa giáo pháp này cho đại đệ tử Ma-ha Ca-diếp. Theo truyền thuyết thiền tông, Ca-diếp là tổ thứ nhất truyền lại mật pháp cho A-nan-đà, và các tổ nối nhau truyền thừa đến đời của Bồ-đề Đạt-ma, tổ thứ 28. Bồ-đề Đạt-ma đi sang Hoa Bắc vào nửa đầu thế kỷ thứ 6 và trở thành tổ thứ nhất của Thiền Trung Hoa. Lai lịch và giáo pháp của các vị tổ này đều mơ hồ. Về mặt triết học, dường như thiền học một mặt gần gủi với thuyết phủ định Ấn Độ của Nagarjuna và mặt kia là là triết học Gnan của Sancharacharya. Giáo pháp đầu tiên của thiền mà nay được biết được gán cho Lục tổ Huệ Năng (637-713), người sáng lập ra Thiền Nam Tông; gọi như vậy vì dòng thiền này chiếm ưu thế vùng Hoa Nam. Truyền thừa của Huệ Năng là Mã Tổ (mất năm 788) người làm thiền có ảnh hưởng sinh động ở Trung Hoa. Bách Trượng (719-814) là đệ tử của Mã Tổ, người đầu tiên lập ra thiền viện và xây dựng Thanh Qui để quản lý thiền viện. Sau thời của Mã Tổ, trong tranh luận về thiền tông chúng ta thấy có vai trò của tinh thần Dương Tử Giang khiến cho nó có sự bổ sung cách tư duy bản địa và tương phản lại chủ nghĩa lý tưởng Ấn Độ lúc ban đầu. Dẫu cho có lòng tự tôn giáo phái thế nào đi nữa cũng không thể phủ nhận Thiền Nam Tông có nét tương đồng với giáo lý của Lão Tử và phái Thanh Đàm của Lão giáo. Trong Đạo Đức kinh chúng ta từng thấy ẩn ý nói đến tầm quan trọng của việc tập trung tinh thần và điều tiết hơi thở; đấy cũng là những điểm cốt lõi trong thực hành thiền định. Một số cuốn bình chú về Đạo Đức kinh hay nhất lại do các học giả thiền viết nên – (Trà Đạo, Bảo Sơn dịch từ The book of Tea – Okakura Kakuzo)

 

Về Đạo:

-“Dịch sát nghĩa chữ Đạo có nghĩa là ”Lối Đi” (Path). Đạo lại được dịch thành nhiều từ khác như “Con Đường” (Way), “Tuyệt Đối Tính” (Absolute), “Qui Luật” (Law), “Tự Nhiên” (Nature), “Lý Tính Tối Thượng” (Supreme Reason), “Phương Thức” (Mode). Không phải những từ này đều sai cả vì cách dùng từ của các đạo gia có khác biệt nhau tùy theo chủ đề-đối tượng đòi hỏi. Chính Lão Tử cũng từng dùng chữ Đạo như thế này: “Có một vật hỗn độn mà thành trước cả trời đất. Nó yên lặng (vô thanh) trống không (vô hình), đứng một mình mà không thay đổi (vĩnh viễn bất biến), vạn hành khắp vũ trụ mà không ngừng, có thể coi nó là mẹ của vạn vật trong thiên hạ. Ta không biết nó tên là gì, tạm đặt tên nó là Đạo, miễn cưỡng gọi nó là lớn (vô cùng). Lớn (vô cùng) thì lưu hành (không ngừng), lưu hành (không ngừng) thì đi xa, đi xa thì trở về (qui căn).” . Đạo ở đây hàm nghĩa “con đường” hơn là “lối đi”. Đạo chính là Tinh Thần Thường Biến của vũ trụ, vĩnh hằng sinh trưởng để rồi quay về chính nó để sản sinh ra cái mới. Đạo cuộn mình lại như con rồng, một biểu tượng được ưa thích của các đạo gia. Đạo thu lại rồi trương ra như những đám mây. Có thể nói Đạo là sự Biến Chuyển Vĩ Đại. Chủ quan mà nói Đạo là Tính Khí của Vũ Trụ. Sự Tuyệt Đối của Đạo là Tương Đối.

Lão giáo cố tìm được cái đẹp ngay trong thế giới nguyện ước và âu lo của chúng ta. Câu chuyện ngụ ngôn đời Tống về ba người nếm giấm giải thích tuyệt diệu xu hướng của ba học thuyết. Thích-ca Mâu-ni, Khổng Tử và Lão Tử cùng đứng trước một hũ giấm – biểu tượng của cuộc đời – và từng người nhúng ngón tay vào đó để nếm. Thực tế thấy Khổng Tử thấy chua, Phật bảo là đắng, và Lão Tử thốt lên khen ngọt”

(Trà Đạo, Bảo Sơn dịch từ The book of Tea – Okakura Kakuzo)

 

Về Trà Đạo:

“Trà Đạo là một thứ đạo đặt nền tảng trên sự tôn thờ cái đẹp xen lẫn giữa muôn vàn điều nhớp nhúa của cuộc sống đời thường. Ăn sâu vào trong trà ý niệm về sự thanh khiết và hòa điệu, sự huyền nhiệm của lòng nhân ái lẫn nhau, tính lãng mạn của trật tự xã hội. Then chốt của Trà Đạo là tôn thờ sự Bất toàn, như là một nỗ lực dịu dàng hoàn thành điều có thể nào đó trong điều không thể mà ta biết rõ đang hiện hữu trong cuộc sống”

(Trà Đạo, Bảo Sơn dịch từ The book of Tea – Okakura Kakuzo)

Chén trà vốn không là Đạo, chính tư duy của các triết nhân suy tưởng bên chén trà biến trà thành Đạo. Cũng như cây đa vốn chẳng linh thiêng, nhưng vị thần được thờ ngự trên nó khiến nó linh thiêng.

 

II. Nghi Thức Trà Đạo

Giờ chúng ta bắt đầu tìm hiểu sơ lược về nghi thức của Trà Đạo

– Ở phần trên, chúng ta đã biết vào đời nhà Tống có vị Thiền sư Nhật Bản, khi sang Nam Trung Hoa để nghiên cứu về Thiền học, ông còn nghiên cứu thêm về các giống trà, và đã chọn giống trà ở Phù Lương, thuộc tỉnh Giang Tây. Mang hạt trà về trồng tại mấy vùng, nhưng về sau chỉ nghe nói đến 2 tên Châu Sơn và Vũ Thủy là nổi tiếng.

– Theo tư liệu trà du nhập vào Nhật Bản từ thế kỷ thứ 9, do công của các thiền sư, nổi bật là thiền sư Tối Trừng (Saicho)- năm 805 và tiếp liền sau đó là thiền Không Hải (Kukai)- năm 806. Lúc đó cách thức dùng trà của Nhật chịu ảnh hưởng nặng của thiền phái Trung Hoa, được các thiền sư Nhật tham học và cũng có một ít trà thư được viết ra trên nền tảng cuốn Trà Kinh của Lục Vũ (Dấu vết lưu lại đến hiện nay là món mạt trà vẫn còn dùng).

– Vậy bước đầu của Trà Đạo là do một vị thiền sư, về sau cũng do các thiền sư tiếp tục nâng trà lên một vị trí xứng đáng và dạy cho dân chúng cách uống trà theo Đạo: Trà và Thiền là hai thứ được đi đôi với nhau, hòa hợp với nhau.

– Bắt đầu từ thế kỷ thứ 15 người Nhật Bản đã nâng trà lên đến một địa vị quan trọng hầu thành một nghi lễ, một tôn giáo mà mọi người đều nghe nói đến hai chữ Trà Đạo.

– Đến thế kỷ thứ 16, thời Mạc Phủ tướng quân (Shômu) cùng các hiệp sĩ đạo (samurai), thiền sư Sen Reikyu đã đưa trà xanh từ chùa vào cung đình cùng nghi thức uống trà (chanoyu) để có Trà Đạo ngày nay, và lãnh chúa Hideyoshi, cũng là người đã dựng lên trà thất ở thời kỳ ấy.

Như đã biết, Người Nhật và lối Trà Đạo của họ là lối uống theo nghi thức của đệ nhị trà phái thời Tống: Mạt trà. Lối uống này không cần ấm trà hay trà hồ. Thứ trà mà chúng ta vẫn nghe nói trong các buổi Trà đạo là một thứ trà bột (Koicha), mầu lục đậm, lúc quấy ra thì đặc như một thứ kem, nhưng phải quấy sao cho đừng nổi bọt, đừng đóng thành từng cục nhỏ, nói đơn giản ra thì nó chỉ có thế, và trà Nhật Bản rất đậm, uống vào một bát lớn là có thể thức luôn mấy đêm.

 

1. Trà thất

Trà thất: tiếng Nhật gọi là Chashitsu, có liên quan với chữ chaseki “nơi uống trà”, bao gồm bất kỳ nơi nào người ta ngồi uống trà được.

Xưa kia các thiền tăng Nhật có tập quán uống trà nơi thiền đường, trước tượng Bồ Đề Đạt Ma. Thiền đường là nơi thanh tịnh tu tập, không giống như bái đường của chùa chiền; thiền đường là nơi bài trí đơn sơ vừa làm chỗ tu tập vừa làm chỗ nghỉ ngơi cho thiền sinh.

Trà Đạo phải được đặt vào trong một ngôi Trà Thất mới đúng khung cảnh của nó. Nguyên Thủy của Trà Thất chỉ là những mái chùa Thiền, đơn sơ bé nhỏ, nên ngày sau người ta cũng vẫn tiếp tục theo lối kiến trúc đơn sơ ấy, để xứng với cái tên Trà Thất được gọi là “Hư Không Cư Trú”.

Trà thất ví như khoảnh đất phì nhiêu trên sa mạc quạnh, hiu buồn tẻ của cõi đời mà khách lữ hành có thể gặp gỡ nhau ở đó để cùng nhau giải khát trong nguồn suối chung của lòng ham chuộng thưởng thức nghệ thuật

Trà thất (Sukiya) không đòi hỏi gì hơn là một căn nhà nhỏ nơi thôn dã – một túp lều tranh, như chúng tôi thường gọi

Ban đầu, trà thất chỉ là một phần của căn phòng khách thông thường ngăn ra bằng những tấm bình phong. Phần ngăn ra như vậy gọi là Vi (KaKoi) một cái tên hiện hãy còn dùng để gọi những trà thất đặt liền ngay ở trong nhà, chứ không xây cất riêng biệt ra một nơi. Còn Sukiya thì gồm có một phòng trà chính trù liệu để tiếp đón không quá năm người.



Hiện nay người ta quan niệm: Một trà thất lý tưởng phải nằm trong một khu vườn nhỏ.

— Bắt đầu là “trì hợp” (machiai) – hành lang ở cửa vào để khách đợi chờ, nơi đây cũng thảo luận vị trí chổ ngồi của khách khi vào trà thất.

— Một “lộ địa” (roji – lối đi có sương) – lối đi ở trong vườn nối liền trì hợp với trà thất:

Cái “lộ địa” này có ý nghĩa là giai đoạn “minh tưởng” thứ nhất – là đường đi tới chỗ tự giác. Lộ địa có ý định dùng để cắt đứt hết mọi liên lạc với thế giới bên ngoài, và để gây cho khách có một cảm giác lâng lâng, thư thái sẵn sàng đón nhận những thú vui hoàn toàn của duy mỹ chủ nghĩa đương đợi khách ở trong Trà thất. Người nào đã đặt chân lên con đường này, trong khi bước đi dưới bóng tranh tối tranh sáng của những cây vạn niên thanh, trên những hòn phi thạch không đều đặn nhưng tề chỉnh, dưới trải một lớp lá thông khô, và đi bên những chiếc “thạch đăng lung” – đèn lồng bằng đá hoa cương đầy rêu phong, chắc người ấy không thể không nhớ rằng tâm hồn mình khi đó đã bay bổng lên cao khỏi những tư tưởng bình phàm như thế nào. Người ta có thể ở ngay giữa một đô thị, tuy nhiên lại cảm thấy như mình đương ở trong một cánh rừng xa hẳn cảnh bụi bặm và huyên náo của văn minh. Thế mới biết các tay đại Trà sư gây ra được những hiệu quả thanh tĩnh và thuần khiết ấy tài trí cơ xảo biết chừng nào. Tính chất những cảm giác được gợi ra khi đi qua lối sương lộ khác nhau tùy theo mỗi Trà tượng. Một vài người, như Lợi Hưu (Rikiu), nhằm một cảnh hoàn toàn cô quạnh, và chủ trương bí quyết làm một sương lộ bao hàm trong bài cổ ca này:

 

“Nhìn sang bờ bên nọ;

Hoa tươi đã chẳng có,

Lá úa lại xác xơ.

Ầm thầm đứng trên bờ

Một túp lều quạnh hiu

Trong ánh chiều tàn tạ

Giữa cảnh thu hoang liêu”.

 

Sương lộ có chủ ý được dùng để đoạn diệt mọi liên hệ với ngoại giới, và tạo ra một cảm giác thư thái dẫn đến niềm lạc thú tròn đầy của chủ nghĩa duy mỹ (aestheticism) ngay bên trong trà thất. Ai đó từng đặt chân bước đi trên lối nhỏ trong vườn này không thể nào nhớ nổi tâm hồn mình lúc đó như thế nào, vì người ấy bước đi trên những mảng thềm đá không đều nhau lại được bố trí một cách đều đặn dưới ánh sáng xanh rì chập choạng của cây xanh, dưới chân là những chiếc lá thông khô rơi rụng, và hai bên là mấy ngọn thạch đăng lung (trụ đèn bằng đá) rêu phong, tâm hồn lúc đó vụt bay bổng lên khỏi ý tưởng phàm tục. Một người có thể đang sống giữa chốn đô thị mà vẫn cảm thấy nhu đang ở nơi rừng sâu xa lánh khỏi bụi trần và phồn hoa của chốn văn minh. Các trà sư tài tình làm sao khi tạo ra cảnh giới vô vi và thanh tịnh này. Mỗi trà sư đi qua sương lộ nảy sinh một cảm giác riêng chẳng ai giống ai.. Một vài vị, như Lợi Hưu (Rikiu), cảm nhận thấy nét hoang liêu và thốt lên rằng bí quyết làm sương lộ nằm trọn trong câu hát dưới đây:

 

Phóng mắt nhìn bên ấy, ” (I look beyond;)

Chẳng thấy một cánh hoa (Flowers are not,)

Chiếc lá vàng cũng không, (Nor tinted leaves.)

Trên bãi biển mênh mông, (On the sea beach)

Một chiếc lều cô quạnh. (A solitary cottage stands)

Trong nắng vàng tàn tạ, (In the waning light)

Trởi chiều thu man man. (Of an autumn eve.”)

Một vài kẻ, chẳng hạn như Tiểu Khuất Viễn Châu (Kobori-Enshiu), thấy nơi ấy một tâm cảnh khác. Viễn Châu tìm được nơi sương lộ (con đường trong vườn) ý thơ sau:

Một khóm cây mùa hạ, (“A cluster of summer trees,)

Một góc biển xa xa (A bit of the sea,)

Chiều tà trăng nhạt nhòa ( A pale evening moon.”)



– Đi vào trà thất thông qua một cái cửa nhỏ gọi là nijiriguchi (có nghĩa cúi người bước vào). Gian trà thất có trần thấp và chẳng có đồ đạc chi cả, khách và chủ nhân phải ngồi đúng chỗ của mình trên sàn nhà (gọi là chính tọa – seiza). Mọi vật dụng có trong này đều đơn sơ và quê mùa một cách có chủ ý. Ngoài cửa vào của khách, có thể có nhiều cửa khác (các cửa đều là cửa lùa), ít nhất phải có một cửa khác dành cho chủ nhân gọi là sadōguchi và cửa này dẫn đến mizuya (Thủy ốc : nơi sắp xếp và rửa trà cu trước khi đem vào trà thất đãi khách). Các cửa sổ đều nhỏ và dán giấy shoji nên ánh sáng tự nhiên chiếu được vào gian trà thất, nhưng không thể nhìn từ trong ra ngoài; nhờ vậy khách dự không mất tập trung khi uống trà. Trong gian trà thất có một bếp lò (tiếng Nhật gọi là ro) đặt trên tatami (là tấm nệm, chiếu) sát bên tatami của chủ nhân, chủ yếu dùng sưởi vào tháng lạnh hay dùng thay cho bếp lò chính (furo).

– Một nơi trong gian trà thất gọi là tokonoma (sàng gian) treo những bức thư pháp hay thư họa, cũng có thể có một lọ hoa hoa nhỏ giản đơn cắm theo lối gọi là chabana (Trà hoa), ngoài ra không trang trí gì thêm.

Thường số khách được mời đến dự một buổi lễ Trà Đạo không quá 5 người.”

(Trích: Trà Đạo – Bảo Sơn dịch từ The Book of Tea của Okakura Kakuzo)

 

2. Nghi thức trà: Trà thang

Phần này là tổng hợp giữa Trà Đạo- Bảo Sơn dịch từ The Book of Tea của Okakura Kakuzo và “Nghệ Thuật Yêu Trà- Niệm Thư 1 của Minh Đức Hoài Trinh cùng vài nguồn trên Internet:

Nghi thức trà: Tiếng Nhật gọi buổi tiệc trà theo nghi thức là Chanoyu (trà thang), nguyên thủy ban đầu Chanoyu nhằm giúp tinh thần đi đến chỗ vắng lặng theo nghĩa chữ “tịch” của Lợi Hưu. Mọi hành động trong lễ trà nghi Chanoyu phải thật nhẹ nhàng, chuyện trò có qui định riêng, giữ tịch lặng khi uống trà như một thiền sư đang tham thiền.



Khi nghe tiếng cồng nhỏ vang lần cuối, các người khách khom người chui qua một cánh cửa nhỏ, cao không quá ba bộ, để vào gian phòng trà thất. Bất cứ khách nào, quyền quý hay thấp hèn, cũng đều như vậy cả, nhằm ý nói với khách về đức tính khiêm hạ. Khách theo thứ tự trước sau từng người một khe khẽ bước vào phòng, không quên đến gần các dụng cụ nhìn kỹ, xa xa, không cầm lên, không sờ mó, rồi vào chỗ ngồi của mình không gây một tiếng động. Khách an tọa theo thứ tự của mình (Thứ tự này đã được bàn khi khách đang chờ đợi ở nơi trì hợp (machiai) – hành lang ở cửa). Khi ngồi, mỗi người không quên đến nghiêng đầu cúi chào trước cái bệ có đặt bức tranh hay bình hoa cắm theo lối Thiền đặt nơi sàng gian (tokonoma), đó là điểm trang trí độc nhất của ngôi Trà Thất.

Khi khách an tọa, một sự tĩnh lặng thật sư ngự trị; trong gian phòng lúc nầy chỉ còn có tiếng nước sôi reo, như tiếng nước suối chảy đâu đây: Những miếng sắt xếp khéo léo dưới đáy ấm đun nước reo lên nghe rõ theo một giai điệu lạ kỳ, tuồng như tiếng vọng của thác nước bị mây che khuất, nghe như tiếng biển nơi xa xăm dập dồn vỗ vào vách đá, tiếng phong ba quét rít qua các bụi tre rừng, hay tiếng thông reo trên ngọn đồi xa lắc.

Ánh sáng dịu dàng mát mẻ, mọi thứ, từ sàn nhà, vách tường mái đều u nhã, ngay cả lối ăn mặc từ chủ đến khách cũng phải nhã nhặn. Chẳng ai dám dùng những màu sặc sỡ để đi dự một buổi lễ trang trọng nầy.

Khi khách đã an tọa, tấm cửa ra vào được hạ xuống. Lúc nầy, từ Thủy Ốc (tức là cái chái nhỏ nằm bên cạnh, chỗ để rửa và xếp đặt các thứ cần dùng cho buổi trà lễ) chủ nhân mới bước vào Trà Thất để chuẩn bị pha trà.

Nào trà uyển (chén trà) – đặc biệt là chỉ dùng có một cái, nào trà khâm (khăn lau), trà tiển (cái chỗi để quậy trong chén trà sẽ được chủ nhân pha chế). Mọi thứ đều phải tinh khiết sạch sẽ, và riêng cái khăn lau, cái gầu tre múc nước, và cái tiễn đều phải là những thứ tre mới chưa dùng qua một lần nào.

Chủ lễ quỳ xuống, các thứ đặt trước mặt, lúc nầy là lúc quan trọng, ai chưa quen sẽ lúng túng vì tất cả mọi hành động, cử chỉ đều đã được đặt theo thứ tự quy tắc.

Cánh cửa liếp từ thủy ốc cũng đã được kéo lại và sau đây là những động tác của người chủ lễ:

Tay phải đưa ra, cầm lấy cái chén, đặt vào lòng bàn tay trái, rồi tay phải đỡ bên dưới trước khi đặt cái chén xuống phía trái. Cái hộp đựng trà được kéo đến trước nồi nước sôi, mà mỗi phút qua càng reo mạnh hơn. Chủ lễ lại đứng lên, đi qua thủy ốc mang một cái chậu nhỏ để đổ các thứ nước tráng chén, một mắt tre xanh để gác nắp nồi nước sôi. Cái gàu múc nước được đặt ngang miệng chậu. Những vật nầy lúc đưa sang, chủ nhà cố ý hạ thật thấp để mọi người khỏi phải nhìn thấy vì chúng nó chẳng đáng gì.

Cửa liếp ở thủy ốc lại được đóng, khi người chủ lễ trở về, quỳ trước ấm nước sôi. Người chủ lễ dùng tay trái cầm cái gàu nâng lên, tay phải đỡ bên dưới. Người chủ lễ ngưng thần, nhìn xuống cái chén, hình như đó là mảnh gương soi linh hồn. Cái gàu được đặt sang phía trái cạnh cái lò, tay phải nâng gàu rồi lại đặt xuống trà uyển gieo một âm thanh sắc cạnh. Mọi người đều lễ phép cúi mình như để chào buổi lễ sắp bắt đầu. Cũng là giờ phút mà từ chủ đến khách đều phải sửa sang dáng ngồi, tập trung tư tưởng và huy động thần lực.

Lần nầy tay phải lại nâng trà uyển lên, tay trái đỡ bên dưới để chứng tỏ sự kính cẩn đối với vật thể vừa được nâng lên. Trà uyển lại được đặt xuống, kéo hộp trà tới, mở sợi kim tuyến buộc ngoài, lấy bình trà được nằm gọn trong bao lụa thêu. Chủ nhân lại lấy một chiếc khăn lụa khác đã được xếp sẵn, được gói trong bao giấy mịn, dùng khăn lụa nầy để lau trà uyển, trước khi lau, còn phải nhìn khăn xem có vết nào đáng thắc mắc, mặc dầu tất cả đều mới tinh.

Những cử chỉ lau chùi khám xét nầy đã được đi vào nghi thức không thể bỏ qua. Sau khi dùng khăn lau mọi thứ, chủ nhân lại xếp khăn bỏ vào bao, đợi lúc cần đến mới mở ra, không để bừa bãi ra ngoài.



Chủ nhân dùng tay phải lấy gàu đưa qua tay trái, tay phải mở nắp ấm, đặt xuống cái gác nắp ấm bằng tre. Đây là nắp ấm không phải bằng kim loại, nếu là bằng kim loại thì cần phải có một cái khăn để khỏi bỏng tay.

Bắt đầu múc nước, 3 gàu từ trong ấm ra, đổ vào trà uyển để tráng chén, cả cái tiển để quấy trà cũng được quấy trong nước nóng. Đặt trà uyển, đã được lau chùi xuống chiếu, tay phải cầm thìa múc trà, tay trái nghiêng bình đựng trà đã được mở nắp. Múc ra 3 thìa trà, đặt thìa vào trà uyển và lấy khăn lau uyển, tức là chén trà mà mọi người rồi sẽ được uống, đậy nắp bình, gõ nhẹ thìa để tất cả bột trà rơi hết xuống uyển. Một gàu nước lã được đổ vào nước đang sôi để nước phục hồi nguyên tính. Một gàu nước khác được múc ra đổ vào trà uyển. Gác gàu ngang lên miệng ấm, lối nầy gọi là định tiễn, có nghĩa là cho mũi tên được nghỉ ngơi.

Lúc nầy dáng ngồi của người chủ lễ hơi cúi ra đằng trước, một tay giữ chén trà, một tay quấy bằng cái tiển đã được rửa nóng ban nãy. Quấy trà nầy là cả một nghệ thuật phải vừa vững vừa mạnh tay, lúc nó sền sệt mới thêm một vài gàu nước nữa cho vừa uống.

Khi nhìn thấy vừa đúng một chén trà, không đặc, cũng không lỏng quá. Chén trà được nâng lên đặt vào lòng bàn tay trái, xoay theo chiều đồng hồ, để cho mặt chén sẽ được ngược từ phía người chủ lễ ra phía người thượng khách của buổi lễ.

Thượng khách phải biết mà nghiêng mình về chén trà, hai tay kính cẩn nhận lấy, quay mình về phía người khách thứ hai. Mọi người lại phải cúi mình để chào chén trà. Thượng khách, hai tay nâng chén trà lên xoay hướng mặt chén ra ngoài trước khi đưa lên miệng uống một hớp.

Chờ khách vừa uống xong, chủ nhân hỏi thăm:

– Thưa có vừa uống không?

– Thưa vừa vặn, rất ngon.

Khách trả lời khẳng định, sau khi uống xong 3 ngụm nhỏ, khách phải nhẹ nhàng và kính cẩn đặt chén trà xuống chiếu trước mặt mình, rút chiếc khăn mới đã mang sẵn theo với mình lúc ra đi, để chùi chỗ miệng mình vừa uống. Mỗi vị khách lúc đi dự buổi trà đạo đều bắt buộc phải có mang theo một chiếc khăn mới, không thể nào quên chiếc khăn mới nầy, nên nhớ nó không phải là cái khăn tay như lệ thường, khăn phải chưa bao giờ dùng, còn mới nguyên. Trà uyển lại được nâng lên, quay ngược chiều đồng hồ, đưa sang cho người đệ nhị thượng khách. Và cứ tiếp tục như thế.

Chủ nhân là người uống chót, sau đó lại chùi miệng chén trao về cho thượng khách để ông nầy ngắm nghía cái chén cho thỏa thích. Khách sẽ đặt câu hỏi về chén trà từ bao nhiêu thế kỷ, xuất sản tại nơi nào. Khi chủ đã hỏi hết các vị khách nhận xét phê bình về chén trà rồi thì mỗi người phải biết khen trà, khen cách pha chế và cảm ơn buổi lễ đã cho mình cái hân hạnh đến dự. Trong câu chuyện cũng phải hỏi tên trà, mọc ở vùng nào…

Uống xong mọi người lại phải cúi mình một lần nữa. Khi đã dọn bớt các thứ lỉnh kỉnh sang thủy ốc rồi, thượng khách lại phải hỏi thăm về cái bình đựng trà, cái bao lụa và cái thìa múc trà, thường lệ phải là bằng ngà hay ngọc. Ai đã xem trước rồi thì phải cúi mình xin lỗi đưa sang cho người thứ hai.

Chờ cho các vị khách ngắm nghía xong, chủ nhân mới lại bước ra để trả lời mấy câu hỏi về lịch sử tông tổ những thứ ấy từ đâu đến, cái bình đựng trà nầy làm tại đâu, bằng thứ đất gì, ai thêu cái bao lụa, tên hiệu của nó gọi là gì… Phần hỏi han còn tiếp diễn sau khi đã được chủ nhân tuyên bố trà lễ đã bế mạc.

***

Tùy ở cuộc sống, ngày nay cũng có những người Nhật chưa bao giờ được nhìn một buổi lễ Trà Đạo của họ.

“Chúng ta dễ dàng nhận thấy trong sự câu nệ và phiền trược của nghi thức Chanoyu, tâm người dùng trà khó đạt được bốn chữ “Hòa, Kính, Thanh,Tịch” đúng với tinh thần ban đầu do Lợi Hưu đề ra. Lợi Hưu là nhân vật của thế kỷ 16, ông đề ra quy luật đó vì có sự dung tục trong văn hóa trà vào thời đại Thất Đinh. Giống như một ẩn dụ của Phật Thích-ca, bốn chữ đó như chiếc xuồng chở chúng ta qua bên kia bờ, qua được bờ bên kia rồi thì chớ cõng chiếc xuồng trên vai mà đi. Trà nghi Nhật Bản đang cõng chiếc xuồng tứ bản “Hòa, Kính, Thanh, Tịch” (chứ không phải xuồng tam bản) ư!?”

                                                           (Trích Đức Chính – Trà Luận)

(Còn tiếp nhiều kỳ)

                                                                                          Nguyên Lạc



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét