CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 15 tháng 10, 2020

BÌNH THUẬN TRONG HÀNH TRÌNH MỞ ĐẤT - Phan Chính

 
          

Có lẽ địa danh Bình Thuận xuất hiện sớm nhất vào năm Đinh Sửu (1697), lúc ấy là một phủ của trấn Thuận Thành, sau khi Hiển Tông Hiếu Minh hoàng đế sai Chưởng cơ Nguyễn Hữu Kính dẹp được nạn loạn vua Chiêm Bà Tranh và chiếm được phần đất cuối cùng của Champa từ Phan Rang đến xứ Chân Lạp. Thời vua Gia Long đặt dinh Bình Thuận, rồi đến Minh Mạng thứ 4 (1823) đặt lại phủ Bình Thuận có 2 huyện An Phước và Hòa Đa. Trong quảng thời gian gần 130 năm đó, Bình Thuận qua nhiều lần thay đổi cấp hành chính dinh, trấn, phủ bao gồm một phần đất của Ninh Thuận, Lâm Đồng và phía nam Tây nguyên.   

BÌNH THUẬN TỪ PHỦ ĐẾN TỈNH

Trước đó, từ năm Giáp Tuất (1694) Chúa Hiển Tông đã nhận ra rằng tuy chiếm được đất Chiêm Thành nhưng nếu đặt người Chiêm dưới quyền cai trị của người Việt sẽ không mấy thuận lợi, trong khi lưu dân Việt đàng ngoài chưa thể phát triển đến với vùng đất rộng lớn này. Cho nên phong Kế Bá Tử làm Phiên vương Thuận Thành, người trong dòng tộc được làm quan, trả lại những bảo ấn, kim khánh đã thu được, nhưng phải theo lệ cống nộp cho triều đình. Đồng thời đề phòng nổi dậy, Chúa cho quân trấn giữ Phố Hài, Phan Rí, Phan Rang rồi đổi trấn Thuận Thành làm phủ Bình Thuận.  Tuy vậy vùng đất Chiêm Thành từ Phan Rang trở về phía Đông thuộc quyền chúa Nguyễn nhưng với chính sách mềm dẻo đã dành cho trấn vương Chiêm quyền hạn, chức quan như một vùng tự trị. Năm Minh Mạng thứ 4 (1823) đổi trấn Bình Thuận thành phủ kiêm lý huyện An Phước và bỏ đạo Phan Rang, cũng là lúc đã chấm dứt chế độ thổ quan tự trị của vương triều Chiêm Thành, ổn định về địa giới hành chính cho đến sau này. Năm 1832, Chúa Chăm cuối cùng là Pô Phaok The quy phục và vua Minh Mạng cho giữ lại hoàng gia và thân tộc được giao chức quản lý vùng đất An Phước, Hòa Đa… Phủ Bình Thuận gồm một phần đất phía tây Phan Rang (Pahn Rang/ Mang Lang), Phan Rí (Pảrik) chia làm hai huyện An Phước và Hòa Đa, địa giới từ sông Phan Rang đến huyện Vĩnh Xương (Khánh Hòa). Sau đó phủ Bình Thuận được đặt lại dinh Bình Thuận gồm 4 đạo Phan Rang, Phan Thiết, Phố Hài và Ma Ly. Năm Minh Mạng thứ 13 (1832), trong công cuộc cải cách hành chính, có 12 đơn vị  phía nam chuyển thành cấp Tỉnh. Trong đó, Bình Thuận sau khi giảm bỏ cấp trấn Thuận Thành, đặt làm 2 phủ Ninh Thuận, phủ Hàm Thuận và 4 huyện An Phước, Tuy Phong, Hòa Đa, Tuy Định và chính thức trở thành Tỉnh. Địa giới tỉnh Bình Thuận từ Khánh Hòa đến sông Ma Bố (huyện An Phước) và từ sông Ma Bố đến sông Duồng (huyện Tuy Phong) thuộc phủ Ninh Thuận. Phần đất từ Duồng đến sông Phố Hài/Pajai (huyện Hòa Đa) và từ sông Phố Hài đến biên giới Biên Hòa thuộc huyện Tuy Định (năm 1854 đổi tên Tuy Lý) thuộc phủ Hàm Thuận. Tỉnh lỵ đặt tại Phan Lý Chàm, huyện Hòa Đa. Là bộ máy tổ chức hành chính của tỉnh đầu tiên đặt ở đây thì không thể phù hợp nhưng cũng phải mất một thời gian khá dài cho đến năm Thành Thái thứ 10 (1898) tỉnh lỵ mới chuyển từ Hòa Đa Thổ huyện (Phan Rí Thành hiện nay) về làng Phú Tài - Đại Nẫm và Phan Thiết được công nhận cấp Thị xã, tách ra từ phủ Hàm Thuận. Khi xưa, đất này thuộc vương quốc Champa, chưa có người Việt sinh sống và người Chăm gọi là Hamu Lithit (tức xóm ruộng bằng phẳng, gần biển). Địa danh này từ tiếng Chăm được Việt hóa và viết theo tiếng Pháp. Với âm cuối Lithit gắn với âm Hán Việt của Mang (Phan) tách từ 2 địa danh Phan Rang (Mang Lang), Phan Rí (Mang Lí) thành Phan Thiết, để có tên chung dãy đất nối dài xứ Tam Phan.

 SỰ HÒA NHẬP CƯ DÂN BẢN ĐỊA

 Tùng rừng núi Bình Thuận kéo dài đến lưu vực sông Đồng Nai cư dân nguyên trước đó là nước Che Mạ (cách gọi cũ là Thượng, Mọi, Man), chia nhiều nhóm Chura hay Trau cuối dãy Trường Sơn. Họ sống với tập tục chịu nhiều ảnh hưởng văn hóa Phù Nam. Dân Che Mạ phát triển rộng phía lưu vực La Ngà và miền cao nguyên Di Linh nằm trên phần đất giữa hai nước Chiêm Thành và Chân Lạp. Bình Thuận vừa có bờ biển dọc dài, vừa không xa rừng, núi cao. Người Chiêm (Chăm) sống theo vùng đồng bằng ven biển, vùng núi người Raglai, K’ho, Chu ru… Người Chiêm tập trung thành làng nhiều nhất ở Tuy Phong, Phan Rí, Ma Lâm (Hàm Thuận Bắc), Hiệp Nghĩa (Hàm Thuận Nam), Phò Trì (Hàm Tân) là những bộ phận cư dân Chiêm phiêu tán trong chiến tranh thời Nguyễn và sau này. Nhưng do ảnh hưởng cộng đồng cư dân Việt và trong hôn nhân khá phổ biến việc đàn ông Việt lấy vợ Chăm sinh con cái nên có mối quan hệ về huyết thống gọi là Kinh Cựu (Yuôn-Chăm tức Việt-Chăm). Về phong tục, tập quán và tín ngưỡng người Chăm dù là Chăm hồi giáo Islam hay Chăm Bàni luôn bảo lưu giá trị văn hóa truyền thống từ bao đời. Người Chăm không có họ và chỉ đến thời vua Lê Thánh Tông (1471) ra sắc chỉ với người Chăm phải có một họ của người Việt để quản lý hộ tịch, làm sổ đinh điền và trong sách Đại Việt địa dư toàn biên của Nguyễn Văn Siêu ghi rằng: “Nước Mán này không có họ”. Năm Minh Mạng thứ 14 buộc người Chăm phải mang một họ theo tiếng Việt: Bá, Đàng, Thiên, Lâm, Bá… Theo nhà nghiên cứu văn hóa Inrasara (Phú Trạm) cũng cho rằng người Chăm mang các họ Ông, Trà, Ma, Chế…là họ vua, hoàng thân. Qua khảo sát các di tích, công trình kiến trúc tháp, đền… từ thế kỷ thứ VIII, mới thấy một bề dày lịch sử văn hóa giàu bản sắc. Người Chăm sống bằng nghề nông, năm 1836 ở Bình Thuận có diện tích thực canh 40.264 mẫu thì của người Chăm chiếm 16.615 mẫu - theo Nghiên cứu Địa bạ Bình Thuận của Nguyễn Đình Đầu. 

Đến thời Chúa Nguyễn đã ổn định được đất Chiêm Thành thì dân tộc Chrau, Châu Ro cũng bị phân tán, hòa nhập với cộng đồng cư dân Việt và Chăm. Người Mạ (Châu Mạ) tập trung vùng cao miền Đông Nam bộ, vùng thượng lưu sông La Ngà có quan hệ với người K’ho từ xưa sống ở vùng giáp ranh Di Linh, Lâm Đồng. Chúa Nguyễn có sách lược chiêu dụ với bộ lạc miền Thượng (Man) này để ngăn ngừa cơ hội chiến tranh TrịnhNguyễn mà nổi loạn. Cộng đồng người Raglai đông hơn, xuất phát từ phía tây Khánh Hòa phiêu dạt xuống, rải rác các vùng cao của Bình Thuận và hình thành buôn làng ở phía bắc của tỉnh giáp với Lâm Đồng, Tây nguyên… nên có thể coi đây là dân bản địa. Ở Bình Thuận, tộc người Raglai tuy sống theo nhóm nhỏ “Paley” (làng), xen lẫn với các tộc người K’ho, Chu Ru, M’nong, Rai… nhưng có mối quan hệ gần gũi với người Chăm nhiều hơn từ thời kỳ phải lưu tán, lánh nạn do chiến tranh xung đột nội bộ Đại Việt và giúp cất giữ bảo vật, ấn tín của hoàng tộc Champa. Trong lễ hội Katê hàng năm có tục lệ người Raglai miền núi mang bảo vật (tượng trưng) của vua chúa Champa gửi gắm trước đây xuống đền tháp để dâng lễ.  Ngay trong tiến trình mở đất về phía Nam của người Việt xứ Đàng Trong đã phải tiếp biến những khác biệt của nền văn hóa  các dân tộc bản địa, vừa mang sắc thái riêng nhưng cũng vừa tạo ra một tâm lý nghi ngại. Cho nên nhà Nguyễn nhận ra sự đa dạng trong sùng bái, bùa chú, linh thần của người Chăm có tác động không nhỏ đối với lưu dân Việt vốn nặng với tín ngưỡng Phật giáo nhưng chưa thể có một chính sách khả thi. Với dân tộc Chăm ở địa đầu Bình Thuận tuy có ảnh hưởng khá lớn nhưng dần dần đã tạo được sự hòa hợp phong phú để làm nên một bản sắc văn hóa trong đời sống xã hội cho địa phương. 

CHINH PHỤC ĐẤT MỚI

Hành trình lưu dân Việt từ miền Ngoài vào phía Nam và định cư trên đất Bình Thuận ban đầu chỉ từ những nhóm nhỏ do hành nghề trên biển bị bão táp, ghe chìm tắp vào đất liền gặp nơi “đất lành chim đậu”, hoặc không thể về lại bản quán nên lấy vợ, sinh con ở đây an cư lập nghiệp, hòa nhập với dân bản địa. Một bộ phận không nhỏ là bầu đoàn của đội quân trên đường đi mở đất, khẩn hoang về phía Nam rơi rớt nằm lại. Cũng thời kỳ này người Việt miền Trung vì quá đói khổ, chịu đựng chính sách hà khắc từ cuộc chiến dai dẳng giữa Nguyễn - Trịnh suốt 45 năm (1627- 1672) nên phải phiêu dạt vào Nam để tìm đất mới khai hoang, kiếm sống.  Bình Thuận nằm trên tuyến di dân đã mở ra nhiều xóm làng từ đó, bằng đường biển và đường bộ ven bờ. Những cửa sông lớn Phan Rí, Phố Hài, Phan Thiết, La Di… sớm trở thành những điểm cư dân tập trung đông đảo nhất của người Việt trên đất Bình Thuận.  Đến năm 1809 đoạn đường bộ ven biển gọi là quan lộ từ Quảng Nam vào Bình Thuận và sau đó cũng theo dọc biển mở tiếp đoạn từ Phan Thiết qua Hàm Tân, Xuyên Mộc rồi ngược lên Mô Xoài (Bà Rịa - Long Thành) đến Châu Thới, Biên Hòa. Năm 1890 Toàn quyền Đông Dương xây dựng tuyến đường thuộc địa số 1 (tức Quốc lộ 1A ngày nay) và mở mới đoạn đường từ Phan Thiết đến Biên Hòa thay cho con đường quan lộ ven biển. Từ đó nhiều đợt di cư qui mô vào vùng đất này ngày càng đông hơn. Tiếp đó, cuộc chiến gay gắt diễn ra giữa lực lượng quân nhà Nguyễn với Tây Sơn (1773-1801) có tác động đến cư dân vùng ngoài, rồi Pháp đánh chiếm 6 tỉnh Nam kỳ cũng tạo nên làn sóng lưu tán nhập cư ở Bình Thuận, hình thành mảnh đất tụ nghĩa với những nét văn hóa đặc trưng vùng miền của các dân tộc. Trong ghi chép sử liệu chỉ dựa vào nhận thức xã hội do không phân biệt đầy đủ nên tên gọi về dân tộc ít người dẫn đến định kiến hẹp hòi như trong sách Đại Nam nhất thống chí đề cập đến dân cư Chăm các huyện Hòa Đa, Tuy Phong gọi là Thổ, Mán, Mường… Trong dân gian xưa thành thói quen với cách gọi khác là Chàm, Hời (H’roi)…(1) dù họ thuộc vương quốc Chiêm Thành, Champa cũ. Các địa danh Cà Ná, Ma Bố, La Bá, Duồng, Phan Rí, Phố Hài, Mường Mán, Ma Ly, Phò Trì… từ bắc xuống nam của tỉnh, vẫn là âm ngữ từ gốc Chiêm Thành. Những loại nông cụ như cày, lưỡi xới, lưỡi cày… vẫn gọi bằng tiếng Chăm (pah lingal, iku, thru). Đó là một thực tế lịch sử. Theo sách Nghiên cứu địa bạ Triều Nguyễn, tỉnh Bình Thuận năm 1905, có 2 phủ Hàm Thuận (4 huyện) và phủ Di Dinh / Di Linh (20 sách) đất thượng du, với số dân 171.500 người, trong đó người Việt chiếm 67% dân số. Điều này cho thấy quá trình di dân và dân số phát triển trong giai đoạn cả trăm năm kể từ khi đất Chiêm Thành được sự quản lý của nhà Nguyễn đã khẳng định vai trò của người Việt ở đây. Chặng đường “đất Chiêm, người Việt” có ý nghĩa nối dài của lịch sử hình thành vùng đất này. 

                                                                                          Phan Chính


* Về thời gian các sự kiện theo Niên biểu lịch sử Việt Nam và Đại Nam nhất thống chí (tập 12-Bình Thuận)… (1) Trong sách “Có 500 năm như thế” của Hồ Trung Tú, trg 118, cho rằng Man, Mọi (chỉ người dân tộc thiểu số) đều cùng một nghĩa, không mang ám chỉ miệt thị… 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét