CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 6 tháng 2, 2025

TRỊNH CÔNG SƠN, SAY MỘT KIẾP ĐOẠN TRƯỜNG - Gã Khờ


"Người về soi bóng mình giữa tường trắng lặng câm".
 
Trịnh Công Sơn, gã du ca lãng tử, cả đời lận đận trong cõi nhạc, cõi tình. Đàn ông mà viết được những bài tình ca não lòng như vậy, không đa tình thì cũng phải si tình, mà chắc ông là cả hai. Bao nhiêu bóng hồng đã đi qua đời ông, để lại những vệt son trên từng nốt nhạc, từng dòng chữ. Mỗi người một dáng hình, một câu chuyện, nhưng ai cũng là một nỗi niềm, một mảnh ghép trong trái tim kẻ nghệ sĩ vốn đã đa đoan.

Dao Ánh – Mối tình trong những lá thư nhòe mực
 
Dao Ánh và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong một lần gặp lại 

Nói về Trịnh Công Sơn mà không nhắc đến Dao Ánh thì giống như uống rượu mà thiếu mồi. Yêu chị, nhưng rồi lại đến với em, có lẽ chữ “duyên” nó sắp xếp vậy. Gã khờ tưởng tượng cái thời thanh xuân đó, một chàng nhạc sĩ ôm đàn, một cô gái nhỏ viết thư, mà không chỉ một, tận hơn 300 bức. Trịnh Công Sơn gửi, Dao Ánh nhận, rồi lại hồi âm. Một mối tình bằng mực tím, bằng những lời văn dịu dàng, mà cuối cùng cũng nhạt nhòa theo năm tháng.


Dao Ánh đi Mỹ, lấy chồng. Trịnh Công Sơn ở lại, gom góp những kỷ niệm mà viết ra Còn tuổi nào cho em, Mưa hồng, Lặng lẽ nơi này. Sau này, Dao Ánh quay về, họ vẫn còn những cuộc gặp gỡ, nhưng cái gì đã qua thì mãi là kỷ niệm. Chuyện tình này đẹp, nhưng cũng buồn, mà đời ông, có chuyện tình nào mà không buồn đâu.
 
Khánh Ly – Người đàn bà hát
 

Cái tên Khánh Ly với nhạc Trịnh giống như rượu ngon với thịt bò vậy, không thể tách rời. Lần đầu tiên gặp, ông rủ bà xuống Sài Gòn hát nhạc của mình, nhưng bà từ chối. Đàn bà mà, làm giá chút xíu cũng phải. Đến hai năm sau, họ mới gặp lại nhau, rồi từ đó, giọng hát của Khánh Ly đi vào lịch sử cùng nhạc Trịnh.
Giọng bà khàn, sâu, buồn, cứ như thể được sinh ra chỉ để hát những bài của Trịnh Công Sơn. Nếu Dao Ánh là mối tình, thì Khánh Ly là tri kỷ. Họ chẳng yêu nhau theo kiểu trai gái, nhưng gắn bó với nhau đến tận cuối đời. Có những người phụ nữ sinh ra không phải để làm vợ, mà để đồng hành, để hiểu, để ở bên nhau theo cách không cần gọi tên. Khánh Ly chính là một người như vậy trong đời Trịnh.
 
Thanh Thúy – Người đẹp và giọng hát khàn
 

Trước khi có Khánh Ly, Trịnh Công Sơn từng say mê giọng hát của Thanh Thúy. Một nữ ca sĩ hát nhạc vàng, giọng khàn đục, mà chàng nhạc sĩ trẻ cứ ngồi lặng nghe mỗi tối. Có người nói Ướt mi là viết cho Thanh Thúy, nhưng ông phủ nhận. Ai mà biết được?
Cái tình cảm đó, có thể là ngưỡng mộ, có thể là chút say đắm. Nhưng rồi Thanh Thúy vẫn là Thanh Thúy, Trịnh Công Sơn vẫn là Trịnh Công Sơn, mỗi người một đoạn đời riêng.
 
Hồng Nhung – Bống của Trịnh
 

Nếu Khánh Ly là cơn mưa chiều buồn bã, thì Hồng Nhung lại là cơn gió xuân đầy sức sống. Khi gặp Hồng Nhung, Trịnh Công Sơn đã không còn là chàng trai ôm đàn của những năm xưa, nhưng ông vẫn yêu cái đẹp, yêu sự hồn nhiên. Ông gọi Hồng Nhung là “Bống”, bà gọi ông là “Bố Trịnh”.
Bống không phải người tình, nhưng là nàng thơ, là hơi thở mới cho nhạc Trịnh thời sau này. Những bài hát như Bống bồng ơi, Bống không là Bống ra đời từ đây. Mối quan hệ này, có lẽ là một kiểu yêu thương khác, nhẹ nhàng hơn, không bi lụy, nhưng vẫn đầy dấu ấn.
 
Michiko Yoshii – Mối duyên dang dở từ Nhật Bản
 
Michiko Yoshii và Trinh Công Sơn gặp nhau vào những năm cuối thập niên 80,

Cuối đời, khi đã trải qua bao nhiêu cuộc tình, Trịnh Công Sơn gặp Michiko, một nghiên cứu sinh người Nhật yêu nhạc Việt. Người ta bảo họ có tình cảm với nhau, mà tình này xa quá, cách cả một đại dương, cách cả những lần lỡ hẹn.


Có thể nếu ông khỏe hơn, nếu thời gian rộng hơn, ông đã đi Nhật, gặp Michiko nhiều hơn. Nhưng rốt cuộc, cái duyên này chỉ dừng lại ở những lá thư, những câu chuyện chưa kịp viết thành bài hát.
Trịnh Công Sơn yêu nhiều, mà cũng cô đơn nhiều. Những bóng hồng đi qua đời ông, có người là tình yêu, có người là tri kỷ, có người là cảm hứng. Nhưng cuối cùng, ông vẫn là gã du ca, lang thang trong cõi nhạc, cõi tình, để rồi khi nhắm mắt xuôi tay, vẫn còn bao nhiêu dang dở. Có lẽ vì vậy mà nhạc Trịnh cứ buồn hoài, mà cũng đẹp hoài…
                                                                                              Gã Khờ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét