🌿 Ảnh Nhất Chi Mai ở phòng khách, 8h sáng Mùng 3 Tết Ất Tỵ (31.1.2025).
Ngã thường phẩm Giang mai - Chân chính hoa quân tử
(Ta thường bình phẩm hoa mai ở Giang Nam - Thật đúng là quan Ngự sử các loài hoa).
Nét bút tài hoa của Ân Xuyên Nguyễn Quang Thắng (Viện Nghiên cứu Hán Nôm).
*
Hỡi khéo thay Mai!Danh xưng Ngự sử truyền thanh bạchThoả chí nam nhi chiếm bảng xuân.
Đó là 3 câu thơ trong bài NON MAI, lời bài hát cổ nhất của Ca trù, tương truyền do Đức Tổ Ca trù Mãn Đường Hoa Công Chúa làm để ca ngợi tưởng nhớ chồng. Năm 2001, tôi may mắn tìm được hai văn bản chép bài Non mai trong sách Ca trù thể cách (AB.564) và Ca trù tạp lục (VHv. 2940) tại kho sách cổ Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
Mai có vẻ đẹp thanh khiết và cao quý như phẩm chất của quan Ngự sử, vì vậy gọi mai là NGỰ SỬ MAI.
Theo Văn hiến thông khảo, thơ Lưu Hành Giản có câu:
Ngã thường phẩm Giang maiChân chính hoa quân tử(Ta thường bình phẩm hoa mai ở Giang NamThật đáng là quan Ngự sử các loài hoa).
Thơ Hồng Đức Quốc âm thi tập có câu:
Hội lành được dự Quỳnh Lâm yếnTiết ngọc trăng nhường Ngự sử mai.
Vì mai nở vào mùa xuân, trùng với kỳ thi Tiến sĩ nên bảng ghi danh người đỗ Tiến sĩ cũng gọi là Bảng Mai, hoặc Bảng Xuân.
🔸
"Cây nhất chi mai còn gọi là Mai trắng (Bạch mai, Hàn mai, Lưỡng nhị mai, nhị độ mai). Tên khoa học là Prunus mume Sieb. & Zucc, thuộc họ hoa hồng (Rosaceae). Ở đây cần phân biệt rõ, tuy tên dân dã là mai nhưng thực sự là một loài cùng họ với đào, anh đào, mơ, mận. Nó hoàn toàn khác với giống mai vàng miền Nam có tên khoa học là Ochna integerrima thuộc chi Mai (Ochna), họ Mai (Ochnaceae).
Cây nhất chi mai là loài mai quý hiếm, chỉ sống ở những nơi có mùa đông và giá lạnh. Nhất Chi Mai chậm lớn, gốc xù xì, thân đen óng, nụ màu đỏ, khi nở thì chuyển dần sang màu trắng với nhiều tầng cánh xếp vào nhau và cũng là lúc đẹp nhất, tàn thì lại chuyển dần về màu đỏ. Nhất Chi Mai không có quả, việc chiết giống cũng rất khó khăn. Nhưng nếu bén rễ đâm chồi được, thì sức sống rất mãnh liệt, phi thường. Dường như, tiết trời càng lạnh, thì lại càng có sức sống hơn, thật kì lạ!
Chỉ cây nhất chi mai mới tái nở hoa vào tháng hai (âm lịch), sau khi tàn đợt nở đón xuân. Đúng lúc xuân tàn, thiên hạ đã hết hoa mai rồi, thì Nhất Chi Mai tái nở với những chồi lộc non tươi. Lần hai là chính vụ, còn lần đầu ví như Nhất Chi Mai nở để cổ vũ họ hàng hoa mai mà thôi. Có lẽ, đó là điều đặc biệt hơn cả, giống như tuyết rơi giữa mùa hè vậy…" (Hết trích)
Mạc vị Xuân tàn hoa lạc tậnĐình tiền tạc dạ “Nhất chi mai”
Vẫn được hiểu và dịch là:
Chớ bảo Xuân tàn, (muôn loài) hoa rụng hếtĐêm qua, sân trước, một nhành mai.
Thực ra, hiểu và dịch đúng phải là:
Chớ bảo Xuân tàn, muôn hoa đều rụng sạchKìa kìa, đêm qua, trước sân hoa Nhất chi mai nở.
Vì trong bối cảnh trăm hoa đều rụng hết. Hết mùa hoa nở, thì chỉ còn mỗi hoa mai trắng vì nở lần thứ hai mà thôi. Chỉ Nhất chi mai mới còn nở hoa, dù cách hiểu nào cũng chỉ loài hoa ấy - Nhất chi mai.
Nguyễn Xuân Diện
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét