Trong lịch sử tồn tại của xã hội Việt Nam, hình như từ cả trăm năm qua, chưa từng có hiện tượng một cá nhân không sở hữu tiền bạc, đầu trần chân đất, theo con đường tu khổ hạnh mà lại làm dậy sóng dư luận, cuốn hút sự theo dõi của hàng triệu người như trường hợp của thầy Thích Minh Tuệ.
Hình ảnh thầy Minh Tuệ trái ngược hoàn toàn với hình ảnh nhiều nhà tu khác đang có những ảnh hưởng nhất định trong đời sống tâm linh cũng như trong đời sống xã hội. Một bên buông bỏ tất cả những ràng buộc của cuộc sống ta bà, dấn thân vào con đường khổ hạnh, những mong tìm được sự giác ngộ cho bản thân và cho người khác. Một quên “hoằng dương đạo pháp” bằng cách vận động người mộ đạo cúng dường thật nhiều để xây dựng những kiểng chùa to ngang cung điện các vua chúa ngày xưa.
Nếu tiền cúng dường của người mộ đạo biến thành chùa to, tượng lớn, đủ chỗ cho tín đồ đến chiêm bái, tu tập thì chẳng nói làm chi, đàng này, chúng còn biến tướng thành xe bốn bánh, điện thoại Vertu, đồng hồ Rolex, biến thành chăn êm nệm ấm cho kẻ tu hành. Đó không phải là hoằng dương đạo pháp, mà là lợi dụng đạo pháp để trục lợi.
Trong những đồng tiền cúng dường đó, bao nhiêu đến từ những đại gia bất động sản, tài sản tính bằng ngàn tỷ đồng, bao nhiêu đến từ những người lao động nghèo khổ, vì lòng mộ đạo mà san sẻ chén cơm gia đình để hỗ trợ nhà chùa? Cho dù chúng đến từ đâu thì hành vi biến tiền cúng dường thành vật chất xa xỉ phục vụ cho cá nhân cũng là hành vi trộm cắp trắng trợn: trộm cắp lòng tin, trộm cắp của nhà nghèo ...
Đã đến mức đó, kẻ giả tu còn chưa thấy đủ, thẳng thừng ra giá cho người mộ đạo về những loại tiền được chấp nhận cúng dường, loại nào không, kêu gọi dâng hiến cả nơi dành cho cả gia đình người ta chui ra, chui vào, để đổi lấy sự hứa hẹn mang tính giả trá và lừa gạt. Trong những trường hợp như vậy, sự trâng tráo, vô liêm sỉ là không có một giới hạn nào!
Chính sinh hoạt Phật giáo trong thời gian qua chứa đựng nhiều cái bất cập như vậy mà lòng tin của công chúng mộ đạo bị sứt mẻ khá nhiều, những bức xúc chỉ chờ cơ hội thuận tiện để bùng phát. Và cơ hội đó đã đến bất ngở với hình ảnh vị sư “đầu đội trời, chân đạp đất”, sống trong tình trạng không còn có thể khổ hạnh hơn, mắt sáng, môi tươi, lòng khiêm cung đáng để cho mọi người học hỏi.
Sau khi trải qua cuộc đời khổ hạnh trong bóng tối suốt 4-5 năm dài, đi về Bắc không ai biết, trở về Nam chẳng ai hay, thầy Thích Minh Tuệ bỗng xuất hiện trong thế giới truyền thông như vầng sáng chói lòa, soi tỏ từng hành vi lợi dụng Phật pháp của kẻ giả tu, giúp nhiều người mộ đạo phân biệt rõ đâu là chánh, đâu là tà, góp phần xác định lại giá trị chân chính của sự tu hành.
Tất nhiên, những gì đã xảy ra khiến cho kẻ lợi dụng đạo pháp cảm thấy bất an. Họ thể hiện sự thiếu kiên nhẫn một cách vụng về đến đỗi một người mang tiếng tu hành như ông Thích Chân Quang lại gọi một người tu hành khác là “thằng ba trợn”!
Chiếc mặt nạ rớt xuống, giữa kẻ tự xưng là bậc tu hành với tên tướng cướp không còn có ranh giới nào hết! Dẫu sao, hệ quả này có mặt tích cực của nó, giúp cho nhiều người thấy rõ chân tướng của những kẻ mà họ từng quỳ mọp xuống để dâng lên những đồng tiền mồ hôi nước mắt. Chính sự tỉnh ngộ này đã tạo ra một lớp công chúng biết đặt niềm tin đúng chỗ, biết bảo vệ người và bảo vệ mình.
Buổi sáng ngày 16.5.2024, tại Hà Tĩnh, công chúng phát hiện một sự kiện “khó hiểu”: một người lạ mang áo nhà tu len lỏi vào số người mộ đạo, dâng cho thầy Minh Tuệ mấy quyển sách mỏng. Tất nhiên là thầy Minh Tuệ từ chối và đông đảo công chúng nhanh chóng vào cuộc. Được biết trước khi làm cái việc dâng sách cho thầy, người đàn ông lạ mặc áo tu hành này đã mang theo cả túi sách, phân phát cho công chúng. Tin sơ khởi của giới YouTuber cho biết những tập sách đó có in tên thầy Minh Tuệ lên trang đầu và không được phát hành bởi cơ quan xuất bản chính thống.
Đó là những dấu hiệu ban đầu cho phép chúng ta nghi ngờ đang có một âm mưu gắp lửa bỏ tay người đối với thầy Minh Tuệ. Song điều khiến chúng ta vui mừng là sự tỉnh táo của công chúng, trong đó tất nhiên có cả các YouTuber. Họ vừa hành nghề truyền thông, vừa tham gia vào việc giữ gìn trật tự, an ninh trong toàn khu vực, bất cứ một động tỉnh bất thường nào cũng được họ ghi nhận và đánh giá.
Sự phát hiện ra kẻ lạ mặt mặc y áo tu hành phát không cho công chúng sách in tên thầy Minh Tuệ là chiến tích bước đầu của những người có tâm, là lời cảnh cáo đầu tiên dành cho những kẻ ném đá giấu tay, đồng thời cũng khiến chúng ta lo lắng cho sự an toàn cho sư Minh Tuệ.
Đối với thầy Minh Tuệ, cái chết cũng chả có ý nghĩa nào, song với chúng ta, sự ám hại thành công bậc chân tu này sẽ kéo theo sự vùng dậy của những thế lực lợi dụng sự tu hành để làm điều xằng bậy, và như thế, một lần nữa đạo pháp trở thành phương tiện hữu hiệu của những kẻ cướp bóc trắng trợn cả niềm tin lẫn tài sản của người mộ đạo.
***
Chiều nay, văn bản số 151/HĐTS-VP1 ngày 16.5.2024 do người đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam ký được phổ biến rộng rãi liên quan đến sự tu tập của sư Thích Minh Tuệ. Một lần nữa, cộng đồng mạng dậy sóng, hàng ngàn bình luận được tung ra với chiều hướng nào, ai xem qua cũng có thể hiểu được. Riêng mình nhận thấy trong nội dung văn bản trên có ít nhất mấy điểm cần được bàn lại:
- Ai có quyền xác nhận tư cách tu sĩ Phật giáo của một người công dân? Câu trả lời là không ai có quyền đó cả. Bởi vì quyền tu hành trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật là quyền cơ bản của mọi công dân và người tu theo Phật giáo đương nhiên là tu sĩ Phật giáo, không tổ chức nào có quyền cho phép hay không cho phép người công dân tu tập theo Phật giáo hết. Giáo hội Phật giáo chỉ có quyền xác nhận hay phủ nhận tư cách thành viên giáo hội của một ai đó mà thôi.
- Trong văn bản, câu “Phật tử tập trung với số lượng đông, cống dàng, vật phẩm, thức ăn và cả tiền ...” không chính xác ở chi tiết về tiền. Sai sót này khó có thể thông cảm được, vì nó có thể tạo ra trong công chúng dư luận cho rằng đây là một sự xuyên tạc trắng trợn nhằm vào mục đích xấu.
- Các nhà sư hoạt động trong hệ thống Giáo hội Phật giáo ai tốt, ai xấu, dư luận công chúng rộng rãi đã phê phán hay nhận định từ lâu, không đợi có sự xuất hiện của tu sĩ Thích Minh Tuệ mới có điều mà người ký văn bản gọi là “xúc phạm” giáo hội. Khi một tu sĩ hành động đúng giáo pháp, đúng đạo lý làm người, không ai có thể phê phán hay xúc phạm, trái lại khi người đó vi phạm đạo lý như lấy tiền cúng dường của người mộ đạo để sống xa hoa, kêu gọi, dụ dỗ người mộ đạo dâng cúng tiền, nhà, tuyên truyền những điều trái ngược với đạo pháp, thì trước hết, giáo hội có trách nhiệm khai trừ những con sâu đó trong nồi canh của mình, không phải đợi công chúng lên tiếng. Trách nhiệm của mình, mình không làm được, xin đừng đổ vấy cho người khác.
Lê Nguyễn
16.5.2024
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét