CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 16 tháng 12, 2021

CUỐN SÁCH ĐẦU TIÊN - Nguyễn Đức Tùng

 

Cuốn sách đầu tiên mà tôi đọc khi ở ngoài đất nước là một món quà. Tôi hoàn toàn không biết người gửi. Tôi tìm thấy nó dưới tấm thảm cũ góc nhà trong khu tạm giam gần thủ đô Bangkok. Tôi thức dậy trước khi trời sáng, không ngủ được, bồn chồn, cảm giác có vật cộm lên dưới gót chân. Đó là cuốn sách rách bìa nhưng bên trong còn tốt, giấy ố vàng nhưng chữ đọc được. Cuốn sách không nằm đó một mình, không nằm đó một cách cô độc, nó nằm chờ ở đó như người bạn chờ người bạn. Cuốn sách như tác phẩm nghệ thuật được một nghệ sĩ để lại trên đường đi, vì quá nặng, hay cố tình để lại cho người đến sau. Cuốn sách ấy như một nhân vật, không yêu ai, không phụ ai, không chú ý đến người nào, nằm im lặng ở đó nhưng đã học quá nhiều điều từ những năm tháng tối tăm, biết bao người đi qua, dừng lại, nằm xuống, nằm xuống mãi, không ai nhìn thấy vì nó nằm ở chỗ lõm sâu nhất của sàn xi măng lạnh lẽo. Cuốn sách không được phê bình, không được mang tới, kiên nhẫn như tác phẩm vĩ đại, như kho tàng chôn giấu kỹ, là vật duy nhất còn sống sót dưới đống gạch đá của ngôi nhà tan nát vì chiến tranh. Nó ở đó, lưu giữ ký ức của loài người, sự sinh thành các tính cách, tham lam và ích kỷ, cao thượng và hy sinh, dằng dặc nỗi buồn của tình yêu của ba người đàn ông.
 
Đó là Anh em nhà Karamazov, trong cuốn The Brothers Karamazov, bản dịch tiếng Anh khoảng năm 1960. Cuốn tiểu thuyết cuối cùng của nhà văn Nga Fyodor Dostoevsky, được viết những năm cuối của đời ông. Trước đó tôi chưa đọc cuốn này, cả trong tiếng Việt, mặc dù có nghe nói đến bản dịch, nhưng tôi có đọc Tội ác và Trừng phạt, đọc loáng thoáng, ba lơn, không thích vì không hiểu, tối tăm so lối văn trong sáng mà tôi vẫn yêu thích thời ấy. Nhưng tôi không có chọn lựa nào khác. Không có từ điển trong tay, tôi quyết định đọc nó, khổ sở, hoang mang, tức giận. Đọc chậm, từng chữ, đánh vần, rồi đọc lại cả mệnh đề rồi cả câu, vừa đọc vừa đoán, vừa đọc vừa tưởng tượng, cũng có nhiều chữ gần với tiếng Pháp, sinh ngữ của tôi, nên tôi suy ra được. Tôi đoán nghĩa của chúng dựa vào liên tưởng, lờ mờ hình dung các nhân vật, lời nói cử chỉ của họ, các tranh luận dài dằng dặc của họ. Tính chất cực đoan của tác giả, những cuộc đối thoại vừa gay go vừa ly kỳ bắt đầu quyến rũ tôi, sự nhạy cảm của nhà văn, sự xung đột của các tính cách, nỗi khổ đau của họ, tình yêu của họ. Thực sự là một tiểu thuyết lớn có tính triết học với những câu hỏi về các giá trị, sức mạnh của lòng tin, và sức mạnh của sự nghi ngờ, tranh cãi. Sự thách thức và sự bảo vệ tự do. Các cuộc chiến tranh bắt buộc và các cuộc chiến tranh có thể tránh được.
 
Một dân tộc không có tranh luận, tranh cãi, tìm đường, là một dân tộc không thể lớn lên. Tôi đồng ý với nhà văn Nga rằng thực ra ma quỷ không có, chỉ là do con người tạo ra chúng dựa trên khuôn mẫu của chính mình. Tôi đọc đi đọc lại cuốn sách hai lần, ba lần rồi năm lần, bảy lần, không chỉ vì yêu thích mà vì không có việc gì làm trong những ngày mưa rả rích, rét run người, nằm một mình trên tầng lầu thứ tư trong một tòa nhà đá dùng giam giữ những người nước ngoài phạm tội, như nhập cư lậu, kẻ sắp ra tòa, những người vượt biên bị bắt lại, chờ hồi hương, một thế giới vô cùng hỗn tạp, đủ hạng người, da trắng có, người da màu có, nhưng tầng lầu tôi ở trong hai tháng lại khá vắng, không hiểu vì sao. Cũng vì tôi đọc mà không hiểu, nhưng mỗi lần đọc xong lại hiểu lên một bậc, càng hiểu càng thích, càng tò mò. Hầu hết các chữ tôi đọc được là do đoán mò, do liên tưởng, nên có lúc sai be bét. Nhân vật Alyosha có câu nói mà tôi thích, I send him my compliments, tôi cứ tưởng rằng đó là lời cảm ơn trang nhã, vì vậy khi gặp phái đoàn Tân Tây Lan đến làm việc, tôi đã dùng câu ấy để gửi tới thủ tướng của họ. Cầu trời cho ông ấy không bao giờ nhận được. Nhưng nhờ kiểu học máy móc, ẩu tả, tôi thuộc được rất nhiều mệnh đề trong tiểu thuyết, cách nói, sự kết hợp duyên dáng của các chữ, cách suy nghĩ trừu tượng của các nhân vật. Tôi thuộc tính cách của người cha Fyodor, một kẻ lạnh lùng không biết yêu thương, nhưng mối quan hệ phức tạp của ông ta và các con trai tạo ra những xung lượng lớn  cho tiểu thuyết, tôi biết Dmitri, người con trai lớn, một người có nhiều cảm xúc, mối tình của chàng ta với kiều nữ Grushenka, hai cha con cùng yêu một người đàn bà, và cuộc đấu tranh quanh gia tài, tôi yêu chàng Alyosha thánh thiện, đáng mến, đầy lòng tin, biểu tượng của lòng hy vọng đối với con người, nhưng tôi quan tâm nhiều hơn đến Ivan, đứa con trai giữa, một kẻ cô độc, trí tuệ, đau khổ vì sự tàn ác của con người, một kẻ không tin vào Thượng đế, suốt đời theo đuổi tình yêu ngang trái của chàng. Trong tay không có từ điển, sự hiểu biết của tôi đối với cuốn sách về chi tiết và các đối thoại mười phần sai hết sáu, bảy, thế nhưng kỳ lạ thay ba hay bốn phần còn lại ấy lại dẫn dắt toàn bộ cảm thức của tôi, tôi biết rằng thế giới mà tôi đang sống đầy rẫy những điều xấu xa và tốt đẹp, rằng những mối quan hệ cha mẹ và con cái, anh chị em, bè bạn, con người và quê hương không bao giờ đơn giản như ta nghĩ. Thực ra, nếu muốn đẩy chúng đến mức đơn giản thì chúng cũng có thể đơn giản nhưng sự đơn giản ấy không có ích cho con người, không giải quyết được những vấn đề của đời sống, những xung đột ngấm ngầm sẽ bị hoàn cảnh khó khăn về sau làm bộc lộ. Những hiểu biết như thế làm tôi buồn rầu kinh khủng, chán nản, sợ hãi trước con người. Cuốn sách cũng dạy tôi rằng tự do là một cảm nhận rất sâu xa, không phải ai cũng có, không phải xã hội nào cũng có, nó phân biệt kẻ cao quý và kẻ thấp hèn, vì không có gì đáng ghét hơn là một người đòi hỏi tự do trong mắt những kẻ có quyền hành và cả trong mắt một xã hội đã quen sống nô lệ.
 
Mặc dù có nhiều tình tiết, hành động, các tranh luận nặng tính triết lý, căn bản của cuốn tiểu thuyết là những xúc cảm. Sự mô tả các mối quan hệ nhiều lúc vượt ra khỏi những kinh nghiệm cá nhân của tôi, và như một người đọc, tôi trẻ hơn, kém trưởng thành hơn so với các nhân vật. Vì việc đọc xảy ra trong bối cảnh đặc biệt, mọi tâm trí của tôi dành gần như hoàn toàn cho câu chuyện kể, cảm xúc của tôi là những phản ứng đối với các diễn tiến, khi tôi lắng nghe các giọng điệu, tự mình thu xếp suy nghĩ riêng, việc đọc ấy làm tôi trở thành người tham gia vào mọi thứ. Nói cách khác mối quan hệ của tôi với cuốn sách là mối quan hệ hai chiều, tác động qua lại. Trước Anh em nhà Karamazov, tôi đã từng yêu mến nhiều thứ: Nửa chừng xuân, Mối tình màu hoa đào, Giông tố, Cõi người ta, Khung cửa hẹp, Zorba, nhưng những cuốn sách ấy tôi đọc chúng trong khung cảnh thơ mộng, tin rằng thế giới lúc nào cũng thế, không thay đổi, còn bây giờ tôi đọc trong tâm trạng lo âu, rối bời, nhớ, nên những ấn tượng của các nhân vật sâu đậm không ngờ, chúng làm tôi kiệt sức và nâng tôi lên. Trong bất kỳ một tự sự nào cũng có niềm hy vọng, về sự giao tiếp giữa tác giả và người đọc, sự giao tiếp ấy bất chấp những cách trở không gian và thời gian, làm bạn vững lòng như khi gặp tai nạn, bạn thấy mình đứng giữa những người khác, trách nhiệm và xao xuyến. Cuốn sách làm cho tôi từ một đứa con trai vui tươi hời hợt trở thành đăm chiêu buồn bã, nhưng cũng vào lúc ấy nó mang lại cho tôi cảm giác sống động về thế gian, lòng hy vọng. Càng hiểu những hoài bão thầm kín tôi càng tin rằng người khác cũng như mình, cũng không thỏa mãn với những điều kiện, cũng từ chối quá khứ, cũng căm hận những nhầm lẫn của lịch sử, sự lừa dối của văn học, nổi giận trước tội ác chống con người. Trong sách, Dostoevsky có một câu mà tôi nhớ: Bí ẩn thiêng liêng của đời sống không phải là bạn tìm cách để sống mà ở trong sự tìm kiếm mục đích của đời sống ấy. The mystery of human existence lies not in just staying alive, but in finding something to live for. Chìm sâu vào cuốn sách, tôi tìm thấy sự kích thích của các vấn nạn, như khi lặn xuống đáy nước sâu, càng lặn xuống, sức đẩy của nước càng lớn, nó hất tôi lên mặt nước, cho tôi gặp khí trời, xô tôi vào giữa những quan hệ hỗn loạn, dịu dàng. Tôi không tha thiết lắm với những câu hỏi về Thượng đế, chúng xa lạ với tôi, ngày ấy tôi không hiểu được Thượng đế là vũ trụ, nhưng tôi quan tâm nhiều hơn đến những suy nghĩ về trần tục, những điển lễ của tha thứ, nỗi đam mê chết người của tình yêu, tội lỗi của chúng, sự cứu rỗi của chúng. Càng về sau tôi càng nhận ra khuôn mặt của xã hội Việt Nam trong cuốn sách ấy, một xã hội hậu chiến ngày càng phát triển hỗn loạn, bộc lộ hết những mâu thuẫn và tham vọng điên cuồng, sự đau khổ của đồng bào tôi và ước vọng muôn đời của họ, sự lừa dối của các khẩu hiệu và sự cứu rỗi của ngôn ngữ.
 
Nhà văn Nga viết cuốn sách này khi đã lớn tuổi, rơi vào tình trạng bệnh tật liên miên, sống trong một cuộc đời buồn nhiều hơn vui, trong một hoàn cảnh xã hội đen tối, viết suốt mấy năm ròng rã trước khi ông qua đời, không có một chút hy vọng nào về sự nổi tiếng của nó, nhưng cuốn tiểu thuyết sau cùng ấy có lẽ là tác phẩm quan trọng nhất của ông và là một trong những tác phẩm quan trọng nhất của nhân loại. Hai cuốn Bác sĩ Zhivago của Boris Pasternak và Anh em nhà Karamarov của Fyodor Dostoevsky đã ảnh hưởng đến tôi nhiều nhất, cuốn thứ nhất tôi đọc bản tiếng Việt và nhiều năm sau đọc lại trong tiếng Anh, cả hai lần tôi ít khi phải dùng từ điển, nhưng cuốn thứ hai hoàn toàn cần đến từ điển thì tôi không có, đầy những chi tiết đan quyện các đối thoại và hành vi lạ thường, lừng lẫy, buồn bã, khích động, đó là một thế giới của những tính cách mạnh mẽ, những con người hiền minh và tội lỗi, sự mất đối xứng của các nguyên tắc, sự hài hước, quyến rũ của cái đẹp, cái chết. Khi đọc đến chương cuối, tôi gặp dòng chữ viết tay bằng bút mực xanh, chữ viết gấp khó đọc nhưng đẹp, sắc, mạnh mẽ, ghi tên một người nào đó, không biết là người chủ cuốn sách hay ai khác. Tôi tin đó là món quà tặng mà một người từ xa bí mật gởi đến cho tôi. Từ một thế giới khác. Đó cũng là một cuốn sách viết về thế giới khác, thế kỷ khác, những con người hoàn toàn xa lạ, tất cả đều xa lạ với tôi, thế nhưng càng hiểu nó tôi càng tin rằng đó chính là cuộc đời này, của tôi đây, một cuộc đời đau đớn và quyến rũ, như chính cuộc ra đi của chúng tôi ngày ấy.
 
Có những nhà văn viết về thế giới như thể chúng là, mô tả chúng, trình bày chúng một cách sang trọng đẹp đẽ, một cách tài tình, làm người đọc ngẩn ngơ như Marcel Proust, và có những nhà văn xới tung thế giới, làm đảo lộn các trật tự, khơi mở thứ ánh sáng mới, lạ lẫm, tươi rói, chưa hoàn thiện, như Dostoevsky. Tôi mừng rằng tôi đã đọc cuốn sách ấy khi còn trẻ, nếu tôi đọc nó khi đã lớn tuổi, mặc dù với sự hiểu biết khá hơn, tôi đã không có những ấn tượng ban đầu. Hệt như vậy, tôi đã được đọc Gió đầu mùa của Thạch Lam năm mười tuổi, Thằng người gỗ Pinocchio năm mười một tuổi, Bay đêm năm mười ba tuổi, vì thế những cuốn sách ấy đã được gieo xuống đúng vào quãng đời cần thiết, nếu như tôi đọc chúng mười năm sau, ý nghĩa đã khác hẳn, cũng như vậy buổi tình đầu của bạn, cuộc ra đi của bạn, cái chết của một người thân năm bạn lên mười tuổi, tình bạn năm mười sáu, đúng vào thời điểm ấy hoàn toàn khác khi chúng xảy ra những năm trước đó hay sau đó, cũng vậy bạn đọc một cuốn sách trên bãi biển mùa hè hay trong căn bếp nóng hừng hực của nhà hàng khi bạn làm nghề rửa chén, đọc nó trên cánh võng dưới giàn hoa thiên lý hay trong trại giam ngoài đất nước, chúng hoàn toàn khác nhau, đem lại những hiệu ứng khác nhau cho cuộc đời. Cuốn sách dưới lớp vải bố dày, nửa như nệm, nửa như chiếu, trên sàn đá lạnh những chiều mưa ẩm ướt, khơi mở trong tôi biết bao bí ẩn mà tôi chưa gặp, nhưng thế nào tôi cũng sẽ gặp khi lớn lên, giữa một thế giới đầy người ác và người thiện, người thiện và người ác, mất rồi lại được, được rồi mất, gặp rồi chia tay, chia tay rồi gặp lại.
 
                                                                              Nguyễn Đức Tùng
 
(Hai trăm năm sinh Fyodor Dostoevsky, Nov. 1821- Nov. 2021)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét